xienbot
Xiển Bột
Từ khi Trạng Quỳnh bị Chúa Trịnh đánh thuốc độc chết, nước Nam ta không còn Trạng nữa, nhưng những người tài giỏi thì không thời nào không có. Con cháu Trạng cũng
đều là những người thông thái khác thường. Dù nhà nghèo, nhưng không ai chịu ra làm quan. Xiển là chắt Trạng Quỳnh. Bố Xiển ngoài ba mươi tuổi mới sinh Xiển. Xiển mặt vuông chữ điền, tai to như tai phật, mồm rộng, mắt sáng. Người ta gọi Xiển là Xiển Bột vì quê Xiển ở làng Hoàng Bột (Thanh Hóa).
Xin đất làm nhà
Nghe nói vùng Yên Lược, thuộc huyện Thọ Xuân, gần rừng núi, có nhiều đất hoang, Xiển di cư lên đấy ở.
Theo lệ làng, Xiển phải biện trầu rượu xin làng cho trú ngụ, rồi lại phải biện trầu rượu một lần nữa xin làng một mảnh đất lấy chỗ dựng túp lều tạm thời làm nơi ăn ở. Lý trưởng đánh trống họp làng, nhưng thực ra "làng" chỉ là bọn chức sắc, cường hào mà thôi. Thấy họ hay hạch sách, kênh kiệu, Xiển ghét lắm. Lần thứ hai mang trầu rượu ra đình, Xiển gãi đầu gãi tai thưa:
- Dạ, trình các cụ, con mới đến đây, ơn nhờ các cụ cho ở để hầu hạ các cụ, nhưng chưa có nhà cửa gì cả, muốn xin miếng đất đầu làng chó ỉa (1) xin các cụ xét cho.
Lý trưởng thấy rượu thì tít mắt, liền nói:
- Tưởng gì chứ miếng đất đầu làng chó ỉa ấy thì được, nào xin mời các cụ ta chén đi thôi!
(1) Làng ở đây chỉ lý hương hào mục
Rao làng
Ngày trước, dân ngụ cư là kẻ thấp kém nhất trong làng. Cho nên, đến Yên Lược, vừa dựng xong túp lều, Xiển bị bọn lý trưởng bắt ra làm mõ.
Một hôm, lý trưởng thấy một chị hàng bát ngồi ỉa ở cái bãi rậm đầu làng, liền bắt lấy gánh bát rồi sai Xiển đi mời "làng" ra đình chia phần. Xiển vâng vâng dạ dạ, vác mõ đi, cứ sau một hồi mõ "cốc cốc" lại rao:
- Chiềng làng chiềng chạ! lắng tai mà nghe mõ rao: Cụ lý bắt được mụ hàng bát ỉa bậy
đầu làng, mời "làng" mau ra đình mà chia phần!
Nghe nói chia phần, bao nhiêu chứ sắc, thân hào, vội vã kéo nhau ra đình. Đến cổng
đình, gặp Xiển, ai cũng nhao nhao hỏi:
- Chia phần gì thế mày?
- Con mẹ hàng bát ấy đâu rồi?
- Có nhiều không hả mày? Xiển lễ phép đáp:
- Bẩm các cụ, con mẹ hàng bát ỉa bậy đầu làng. Dạ, nhiều lắm ạ, một đống to lù lù thế
kia, có lẽ một cụ được đến vài ba bát chứ không ít đâu!
Vừa nói, Xiển vừa chỉ về phía hai cái sọt bát đang để ở hè đình.
Góp gốc
Hồi ấy quân Pháp đã sang xâm lược nước ta. Nhiều người nổi dậy chống lại triều đình vì vua quan nhà Nguyễn đầu hàng thực dân Pháp. Theo lệnh quan trên, trai tráng làng yên Lược đêm nào cũng phải ra đình canh phòng. Gặp mùa đông rét mướt, họ chia nhau lần lượt mỗi tối một anh góp gốc (1) để sưởi cho ấm. Xiển vốn có cảm tình với những người nổi loạn chống lại triều đình, nên cứ nay cáo nhức đầu, mai cáo đau bụng không chịu đi canh phòng. Họ bắt Xiển phải nộp gốc mới cho ở nhà. Xiển đào một ít gốc chuối gánh ra, nhè giữa đống lửa đang cháy giần giật mà đổ vào, thế là cả đống lửa tắt phụt. Lẵo hương kiểm liền quát hỏi Xiển. Xiển trả lời:
- Các ông bảo tôi góp gốc. Nhà tôi chả có gốc gác chi cả, chỉ có gốc chuối mà thôi. Gốc nào mà chả là gốc, các ông không nhận thì lại xin gánh về vậy.
Hâm cứt
Vì là dân ngụ cư, Xiển thường bị bọn cường hào trong làng chèn ép. Để trả thù, nhân một hôm cả bọn đang họp việc làng, chè chén cãi nhau ỏm tỏi, Xiển tìm một cái nồi vỡ, bỏ vào ít cứt người lẫn nước, đem đến chỗ đầu gió vừa đun vừa khuấy. Gió đưa mùi thối bay vào chỗ bọn cường hào đang họp. Chúng không chịu được, chạy ra quát tháo ầm ĩ. Xiển xin lỗi và phân trần:
- Thưa các ông, nhà tôi có một ổ chó con trở chứng, đòi ăn cứt sốt, cho nên phải đun cho chúng một ít.
Lý trưởng trừng mắt hỏi:
- Ai bảo chú làm thế Xiển đáp:
- Thưa các ông, người ta thường nói: "Lau nhau như chó đau tranh cứt sốt". Thấy người ta nói như vậy thì tôi cũng làm như vậy thôi.
Đổi bò gầy lấy bò béo
Làng Yên Lược có một cái văn chỉ lộ thiên thờ Khổng Tử. Trâu bò trong làng thả ăn cỏ ở gần đấy kéo vào phóng uế cả ra bệ thờ. Bọn lý trưởng, cường hào thấy không tiện, bèn họp làng, giao cho Xiển phải trông nom, rào giậu lại, và đặt ra lệ hễ bò nhà ai vào, làng sẽ bắt làm thịt chia phần. Lệ làng đặt ra, các nhà có bò đều dặn con hoặc người ở hết sức giữ gìn. Xiển có một con bò ốm, gầy như cái mo khô, cứ thả cho ăn ở gần đấy. Một hôm, Xiển để bò vào trong khu văn chỉ, cố ý cho dân làng biết.
Đang thèm thịt bò, bọn lý trưởng, cường hào lập tức cho người bắt làm thịt. Xiển nói:
- Lệ làng đặt ra, tôi không dám kêu ca gì, chỉ xin làng nhớ cho từ nay trở đi bất cứ bò nhà ai, hễ vào văn chỉ là bắt làm thịt tuốt.
Sau đó ít lâu, Xiển mua mấy cỗ bài tam cúc, chia cho bọn trẻ chăn bò rủ chúng tìm đám đất khô ráo, phẳng phiu ngồi đánh. Bọn trẻ thích quá, xúm nhau, chúi mũi vào ván bài, chẳng để ý gì đến bò mẹ nữa. Xiển lừa cho tất cả đàn bò lại gần khu văn chỉ, rồi mở cổng ra. Thấy cỏ bên trong xanh tốt, một con vào, hai con vào, ba con vào, thế là những con khác cũng chen nhau vào theo. Xiển đóng cổng lại rồi chạy về gọi dân làng ra bắt bò. Bắt được hơn một trăm con, phần nhiều là của bọn lý hương cường hào giàu có trong làng. Chúng bàn nhau:
- Lần này, nhiều người đều phạm phải lệ làng, không lẽ ta đem làm thịt tất cả, vậy thì xin xí xoá.
Xiển nhất định không nghe, lấy cớ rằng lần trước làng đã ăn thịt bò của mình rồi, nay làng tự ý bỏ lệ, Xiển sẽ kiện quan. Sợ Xiển làm to chuyện, chúng bàn nhau đền cho Xiển một con bò, rồi bổ cho các nhà có bò bị bắt chia nhau chịu tiền. Xiển nhất định không nghe, nói:
- Chỉ có hai cách: một là đem làm thịt tuốt, hai là đem chia đều cho dân làng, mỗi nhà một con.
Bọn lý hương cường hào bàn với nhau mãi, cuối cùng phải bằng lòng theo cách thứ hai, vì chia như vậy thì chúng còn được mỗi nhà một con, chứ đem làm thịt thì mất cả. Thế là, không những Xiển đã đánh đổi được bò béo, mà những nhà trong làng cũng được mỗi nhà một con.
Làm ma mẹ
Bọn chức sắc, hương lý trong làng lúc nào cũng nghĩ đến rượu thịt. Thấy bà mẹ Xiển vừa mới mất, chúng bắt phải làm ma, mời "làng" đến ăn uống. Nhà Xiển nghèo lắm, đến khoai sắn còn không có ăn thì lấy gì làm ma, nhưng không làm chúng sẽ đuổi đi khỏi làng. Nghĩ được một mẹo, Xiển bèn đi nói khéo với những tên chóp bu:
- Chả nói các cụ cũng thừa biết, nhà túng quá, xin các cụ rộng lượng để được chôn cất ngày hôm nay cho mồ yên mả đẹp; còn việc ma chay, xin các cụ cho khất đến tuần mồng một s¡ắp tới, vì còn phải vay mượn bà con xa gần, không gì cũng phải kiếm con lợn dăm chục cân, mươi đấu gạo xôi...
Thấy nhà Xiển nghèo túng thật, các "cụ" đành cho khất vậy.
Tuần mồng một tới, Xiển mua chịu được một con lợn thật to, thật béo, nhà chủ giao hẹn ba hôm sau phải trả đủ tiền. Xiển làm thịt ngay, rồi cất thịt vào trong buồng. Xiển nhờ người mời "làng" đúng chiều hôm ấy tới uống rượu. Khi "làng" đã tề tựu đông đủ, Xiển mới đem ít mỡ bỏ vào xanh với mười củ hành, rán lên. Mùi mỡ bay ra thơm phức khiến "làng" đang ngồi la liệt trong cái rạp dựng ở ngoài sân, cứ nuốt nước miếng ừng ực. Xiển bưng xanh mỡ cất đi, rồi lừa lúc không ai để ý, châm một mồi lửa lên mái bếp.
"Làng" đang chờ cỗ bưng ra, sốt cả ruột, bỗng nghe tiếng hô hoán nhìn ra thì thấy cái bếp đang bốc cháy. "Làng" hoảng quá, xôn xao ùn ra khỏi rạp. hầu hết những người đi đám đều quần trắng áo dài chỉnh tề, không dám xông vào chữa cháy. Bà con xóm giềng kẻ xách thùng, người vác câu liêm, chạy đến , thì cái bếp đã thành một đống lửa. Xiển mặt mũi, quần áo như ma lem, kêu khóc thảm thiết:
- ối trời đất ôi là trời đất! ối cha mẹ ơi là cha mẹ ôi! ối làng nước ôi là làng nước ôi! Cháy mất hết cả bếp nước, cả cỗ bàn rồi, còn lấy gì mà làm ma làm chay nữa... i hi hi!
"Làng" tưởng cỗ bàn cháy thật, còn xơ múi gì nữa, không ai bảo ai, kẻ trước người sau, ra về cả.
Gà gáy đêm ấy, Xiển gánh thịt lợn đi chợ xa bán. Chiều hôm sau, Xiển mang tiền về
trang trải xong nợ, còn thừa một ít, mua ngay mấy cây tre làm lại cái bếp
Đánh trống cấm
Sau một thời gian làm mõ, Xiển lại phải làm đầy tớ hầu điếu tráp cho lão chánh tổng. Một lần, lão chánh tổng đi chơi xa, Xiển theo hầu. Khi đến làng nọ thấy có một cái trống mặt to bằng cái nong, hai thầy trò lấy làm lạ quá, vào xem. Có tới mười người khách qua đường cũng đang bàn tán về cái trống đó, trên tang trống có đè mấy chữ: "trống cấm", nên chả ai dám lại gần. Bỗng Xiển lớn tiếng:
- Có ai dám đố tôi đánh cái trống cấm này không nào? Một người cười:
- Đến cố tổ nhà anh sống lại cũng không dám đụng đến nữa là anh.
Xiển một hai cam đoan là đánh được, không sợ gì cả. Trong số đó có một người buôn bán giàu có, trong túi sẵn tiền, cho là Xiển khoác lác, ngứa tai lắm, bảo:
- Anh đánh được đủ ba hồi chín tiếng tôi sẽ cho anh năm chục quan tiền! Xiển nói:
- Năm chục chả bõ, ít ra cũng phải một trăm. Người kia bằng lòng, bảo:
- Được, anh không làm được đúng như lời nói, thì phải ở cơm không cho tôi mười năm. Hai bên làm giấu giao kè, có một người đứng tên làm chứng.
Xiển bắc thang, vác dùi trèo lên, dang thẳng cánh nện đủ ba hồi chín tiếng. Trống kêu, vang cả tai, nhức cả óc. Vài ba người nhút nhát, sợ liên lụy, vội tháo lui. Chiếu theo giao kèo, Xiển bắt người kia phải giao đủ số tiền.
Nghe trống đánh bất thình lình, dân làng kinh ngạc, lũ lượt kéo nhau ra đông như hội. Lý trưởng, tay cầm hèo, len qua đám đông, khệnh khạng bước vào đền quát tháo ầm ĩ. Xiển ra trước mặt lý trưởng vái chào rồi gãi đầu gãi tai nói:
- Dạ trình ông, tôi là khách qua đường, thấy cảnh làng ta trù phú, thấy đền ta linh thiêng, nên có năm chục quan tiền trước để hầu thánh sau hầu làng. Nhưng vì không biết làm thế nào gặp ông cùng tất cả dân làng được, buộc lòng phải đánh vài hồi trống, xin các ông đánh chữ đại xá cho.
Thấy có món tiền lớn, lý trưởng cùng hội đồng chức sắc thích quá, bàn nhau hãy trích ngày ra mười quan làm bứa chén đãi ông khách hảo tâm.
Tri huyện Lê Kim Thằng
Một hôm, nhân có lệnh của bọn chức dịnh bắt tất cả trẻ già trai gái làng Hoàng Bột phải ăn mặc chỉnh tề để đi đón quan huyện Lê Kim Thằng về làng hiểu dụ, Xiển nghĩ ra ngay một kế. Xiển lẻn vào buồng ông nội lấy trộm chiếc áo thụng đỏ mặc vào, rồi đi thẳng ra đình, giả vờ chạy đi chạy lại lăng xăng ngay trước mặt quan huyện. Quan lấy làm lạ, cho lính gọi lại hỏi. Xiển xưng tên họ và nói là học trò. Huyện Thằng liền mượn ngay việc ăn mặc ngộ nghĩnh của Xiển ứng khẩu đọc một câu, bắt phải đối:
- áo đỏ quét cứt trâu Xiển đối ngay:
- Lọng xanh che đít ngựa Huyện Thằng không ngờ bị một vố, tái mặt, dọa:
- Thằng này láo! Đã thế, phải đố thêm câu này nữa, không đối được, tao sẽ cho ăn đòn. Thấy tóc Xiển đỏ hoe vì đãi nắng lâu ngày, huyện thằng liền ra câu đối:
- Học trò là học trò con, tóc đỏ như son là con học trò Xiển không cần nghĩ ngợi lâu, đối tức khắc:
- Tri huyện là tri huyện Thằng, ăn nói lăng nhăng là thằng tri huyện!
Huyện Thằng tức ứa máu, nhưng vì Xiển đối rất chỉnh, không bẻ vào đâu được, đành câm miệng.
Quan đấy
Năm nào cũng vậy, cứ gần tết Nguyên đán, viên tri phủ Hoàng Hóa cùng vợ đi chợ tết. Từ phủ ra chợ Bút Sơn rất gần, nhưng vốn tính hách dịch, quan phủ bắt lính cáng ra tận cổng chợ và mang theo hai cái lọng xanh che. Hồi này, Xiển Bột hãy còn nhỏ, xong thấy cái oai rởm của quan thì ghét lắm. Xiển mang một con chó con đi chợ, nhưng không bán, cứ ôm ở trước bụng, lúc thì chen đi trước quan, lúc thì lùi lại đi sau quan. Thấy Xiển mang chó, ai cũng tưởng Xiển mới mua, liền hỏi:
- Chó bao nhiêu?
Xiển trả lời: - Quan đấy!
Quan phủ biết thằng bé ôm chó chửi xỏ mình, cho lính bắt lại hỏi:
- Ai xui mày ăn nói như thế? Xiển đáp:
- Bẩm quan, nhà con muốn nuôi mọt con chó con để dọn cứt cho em, nên bố mẹ con bảo con đi mua.
Quan hỏi: - Mày là con cái nhà ai?
Xiển trả lời: - Bẩm con là chắt cụ Trạng Quỳnh ạ!
Quan nghe nói Xiển là chắt cụ Trạng Quỳnh thì có ý gờm, nhưng chưa tin lắm.
- Đã là chắt cụ Trạng tất phải hay chữ. Thế mày có đi học không?
Xiển đáp: - Bẩm quan, con là học trò giỏi nhất vùng này ạ, quan lớn không đi học nên không biết đó thôi.
Thấy Xiển vẫn tìm cách xỏ mình, quan nổi giận:
- Mày vô lễ! Nhưng đã nhận là học trò giỏi thì phải đối câu này. Hay tao tha tội. Dở tao
đánh đòn.
Quan đọc: "Roi thất phân đánh đít mẹ học trò". Xiển hỏi:
- Xin phép hỏi: "Roi" đối với "lọng" có được không ạ? Quan đáp: - Được.
Xiển lại hỏi:
- Thế "đít" đối với "đầu", "mẹ" đối với "cha" có được không ạ? Quan lại đáp: - Được!
Xiển toan hỏi nữa. Quan Quát: - Không được hỏi nữa. Đối đi! Xiển liền đối: "Lọng bát bông che đầu cha quan lớn!"
Không ngờ Xiển lại dám chửi mình một lần nữa, để chữa thẹn, quan lấy giọng bề trên mắng Xiển qua loa một vài câu, rồi quát bảo lính hầu sửa soạn ra về.
Vả quan huyện
Có một viên quan huyện hay nịnh hót quan trên để chóng được thăng quan tiến chức. Một trong những viên quan hắn thường bợ đợ là án sát Nguyễn Văn Tiêu, tục gọi là án Tiêu. Để nịnh quan thầy, hắn ra lệnh cho dân hàng huyện không ai được nói đến tiếng "tiêu", ví dụ như hạt tiêu thì hải nói là hạt ớt v.v... Hễ ai thấy người nào trái lệnh thì được phép vả vào mồm ba cái thật đau, rồi đem trình quan trị tội. Lệnh ban ra khiến Xiển đã ghét quan huyện lại càng ghét thêm. Ông mang một ít quần áo rách mướp xin vào bái quan. Quan hỏi có việc gì, Xiển thưa là nhà nghèo quá, gia tài chỉ còn một ít quần áo rách, nhờ quan cầm hộ cho lấy ít tiền về làm vốn sinh nhai. Tức thì quan nổi trận lôi đình thét mắng đùng đùng, vì xưa nay có ai dám cả gan đem quần áo rách đên bán cho quan bao giờ? Đợi quan nguôi giận, Xiển mới nói:
- Dạ thưa ngài, xin ngài thương kẻ học trò nghèo túng này, không gì cũng mang danh là người quân tử...
- Quân tử gì mày! Đồ quân tử cùng quân tử cố! Xiển trần tình:
- Dạ, Khổng Minh túng Khổng Minh cầm ạ!
Nghe câu nói khó hiểu, quan chau mày suy nghĩ một lúc mới biết lời mắng của mình: "Quân tử cùng quân tử cố" với lời trần tình của Xiển: "Khổng Minh túng Khổng Minh cầm" (1) đã làm thành đôi câu đối hay tuyệt. Quan phục tài Xiển, thưởng cho một quan tiền, nhưng lại chọn cho cái thứ tiền chôn giấu dưới đất lâu ngày bị han rỉ hết cả. Xiển đỡ lấy quan tiền, cầm một đồng dằn mạnh xuống đất, tiếng kêu nghe cành cạch, rồi nói:
- Bẩm quan, tiền này không "ớt" được ạ! Quan vô tình mắng:
- Mày điên à! Tiền này mà không tiêu được ư?
Chỉ chờ có thế, Xiển liền vả cho quan ba cái tát vào mồm như trời giáng. Quan hô lính bắt trói. Xiển ngăn lại nói:
- Chắc ngài vẫn chưa quên cái lệnh kiêng tên huý quan án ngài mới ban ra. Tôi làm vậy cũng chỉ là thi hành cái lệnh ấy của ngài mà thôi!
Quan sợ bọn lính biết chuyện thì mình thêm xấu hổ, liền đuổi Xiển ra.
Chửi án Tiêu
Bị chơi nhiều vố đau quá, quan huyện dò mãi mới biết là Xiển, tức quá, nhưng có muốn gây chuyện cũng không được vì ông là người khác huyện. Lão huyện bèn đem chuyện ấy nói lại với án Tiêu và tỏ ý nhờ quan thầy trả thù hộ.
Lần ấy, án Tiêu về quê ngoại là làng Yên Lược ăn giỗ. Lão bắt dân làng phải dọn dẹp đường sá sạch sẽ, mang cờ quạt đón rước thật long trọng. Sáng sơm mai, án Tiêu mới về thì chiều nay đường làng đã được quét sạch như chùi, cây cối hai bên đường phát quang cả.
Gà gáy, Xiển dậy lấy cứt chó đem ra đường cái, cứ cách một quãng bỏ một bãi, bãi nào cũng cắm một quả ớt lớn (Thanh Hoá gọi ớt là hạt tiêu). Sáng ra, khi mọi người kính cẩn đón rước án Tiêu, Xiển vác cờ đi trước, cứ hễ trông thấy bãi cứt có cắm quả hạt tiêu, ông lại chửi: "Tổ cha đứa nào ỉa ra tiêu". án Tiêu nằm trong cáng nghe tiếng chửi, biết là Xiển chửi mình nhưng không đủ lý do để bắt bẻ, đành gọi bọn lý hương lại, quở trách không chịu đôn đốc dân phu quét dọn đường sá cho sạch và bảo chúng truyền lệnh rằng: "Quan huyện trong người khó ở, mọi người không được to tiếng, ồn ào!"
Xiển vào dinh tổng đốc xin tiền
Gặp lúc hỏng thi, Xiển và mấy anh em bạn đồng môn ngồi buồn mới giở trò bù khú với nhau. Anh em biết Xiển có tài ứng đối, thách Xiển vào xin tiền quan tổng đốc. Bây giờ tổng đốc Thanh Hóa khét tiếng là một người hiếu sát. Xiển bắt anh em giao kèo: nếu xin được tiền thì anh em cứ tính một đền thành ba, nghĩa là anh em sẽ phải trả cho Xiển một số tiền gấp ba số tiền Xiển xin được của quan. Bằng không dám xin, hoặc xin không được thì Xiển phải thết anh em một bữa no say. Tưởng đùa vui, nào ngờ Xiển vào tận dinh quan. Ai nấy chắc phen này Xiển sẽ làm ma không đầu.
Một buổi sáng nọ, quan vừa mở mắt ra công đường đã thấy Xiển quỳ ở ngoài sân. Quan quắc mắt hỏi:
- Thằng kia! Mày tới đây có việc gì? Xiển thưa:
- Bẩm cụ lớn, con muốn nhờ tay cụ lớn hóa kiếp cho con. Quan quát: - Thằng này muốn chết à?
Xiển trịnh trọng nói:
- Bẩm chính thế à. Con nghe nói lưỡi gươm cụ lớn sắc lắm, nên muốn xin cụ lớn một nhát để hồn về chín suối cho được mát mẻ.
Quan gắt:
- Thật là đồ điên, cuồng, ngu, ngộ. Vì sao mày lại muốn chết? Xiển đáp:
- Bẩm cụ lớn, con là học trò thi hỏng, nhà lại nghèo, nghiệp đèn sách chẳng ra sao, nghĩ
tủi thân hổ phận chả muốn sống nữa.
Quan thấy Xiển dáng người học trò nho nhã, lại đối đáp đâu ra đấy một cách bình tĩnh liền bảo:
- Nếu học trò học giỏi mà hỏng thi thì cũng còn đáng thương. Nếu dốt mà hỏng lại đòi chết thì chết cũng đánh đời. Vậy hãy ứng khẩu một bài thơ lấy đề là "điên cuồng ngu ngộ" ta xem.
Xiển vâng lời, ứng khẩu đọc một hơi, mối câu có một trong bốn chữ của đầu đề: Cao Tổ điên hào kiệt Võ Đế ngộ thần tiên.
Tặng Điểm cuồng thiên địa Nhan Tử ngu thánh hiền (1) Nghe nói xong, quan biết Xiển có ý xỏ ngọt mình, song thấy Xiển là kẻ xuất khẩu thành chương, kính điển lau làu, văn thơ hàm súc, tỏ ra là người học thức rộng, lại có khí phách, liền thưởng cho ba chục quan tiền và bảo lui về.
Thế là từ đó, ngoài cái tên Xiển Bột còn có một cái tên nữa là Xiển Ngộ.
Tứ chứng nan y
Xiển làm thuốc. cho nên vua thường vời vào kinh chữa bệnh. Một hôm, vua đang nô
đùa cùng bầy cung phi, thì thấy Xiển bước vào. Vua ngạc nhiên hỏi có việc gì. Xiển đáp:
- Hạ thần nghe nói Hoàng thượng mắc phải bốn bệnh hiểm nghèo mà sách gọi là "tứ
chứng nan y", nên vội vàng vào thăm Hoàng thượng. Vua khó chịu nói:
- Thiên hạ ác miệng nói càn như vậy, chứ lâu nay Trẫm vẫn khẻo mạnh, có việc gì đâu!
à thế "tứ chứng nan y" là nhứng bệnh gì?
Xiển tâu: - Dạ "tứ chứng nan y" họ nói đó là què, mù, câm điếc. Vua nổi giận:
- Độc ác đến mức ấy là cùng! Trấm mà biết kẻ nào bịa chuyện phao đồn ra đầu tiên thì
Trẫm sẽ cắt lưỡi chứ không tha!
Xiển nói:
- Hạ thần nghe thiên hạ đồn như vậy. Bây giờ mới biết là sai. Nhưng nghĩ cho kỹ, thì lại thấy là có nguyên do cả đấy ạ!
Vua hỏi: - Nguyên do như thế nào?
Xiển giả bộ rụt rè: - Xin Hoàng thượng tha tội kẻ hạ thần mới dám nói. Vùa bằng lòng. Xiển nói:
- Thiên hạ thấy Hoàng thượng suốt năm chỉ quanh quẩn trong cung điện nên họ lầm tưởng là ngài què. Nước sắp mất mà Hoàng thượng vẫn ung dung vui thú, nên họ lầm tưởng là ngài mù. Trước cảnh núi sông bị quân giặc dày xéo mà Hoàng thượng cứ ngồi im, nên họ tưởng là ngài câm. Khắp nơi người ta đều kêu Hoàng thượng là kẻ hèn yếu, khiếp nhược nhưng ngài vẫn làm ngơ ký hòa ước hàng giặc, nên họn lầm tưởng là ngài điếc.
Vua biết Xiển chửi mình, tức uất người nhưng không đủ lý lẽ để bắt tội được.
Xiển trả lời vua
Đồn rằng có một lần vua ngự tuần ra Thanh Hóa. Nghe nói con cháu Trạng Quỳnh vẫn còn, vua bèn cho đòi đến. Xiển vâng lệnh tới hầu. Vua hỏi:
- Trước khi Trạng chết có trối trăng lại điều chi không? Xiển đáp: - Dạ có ạ!
Vua bảo: - Thế nhà ngươi hãy thuật lại lời Trạng trối trăng cho ta nghe.
- Dạ tâu Hoàng thượng, cố tôi trước khi từ trần chỉ trối lại có một câu thôi ạ!
- Một câu cũng được, cứ nói ta nghe.
- Dạ, nhưng tôi không dám nói ạ!
- Tại sao!
- Dạ, nói ra sợ Hoàng thượng không được vui lòng.
- Được cứ nói, dù câu nói ấy thế nào ta vẫn không bắt tội.
Xiển năm bảy lần từ chối, vua năm bảy lần gặng hỏi, sau cùng Xiển mới thưa:
- Dạ, tâu Hoàng thượng, ông tôi kể lại rằng: "Trước khi cố tôi nhắm mắt, con cháu xúm xít quanh giường hỏi cố tôi có dặn con cháu điều chi không. Nhưng cố tôi không trả lời. Con cháu không yên tâm, cứ gặng hỏi mãi, cố tôi chỉ quát lên một câu: "Hỏi cái mả cha bay hay sao mà hỏi mãi thế?", rồi tắt thở.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top