Ngoại truyện 4

Ngoại truyện 4: Đường dù sa ong bướm

Mùa Trung Thu năm Mậu Dần (1938)

Khi này thầy Hai bốn mươi lăm tuổi, ông Hai năm mươi tuổi.

Lúc trời yên biển lặng thì mặc sức ngao du sông hồ, khi trời giông biển động thì phải ở yên trong nhà tránh bão. Nghe phong thanh tiếng bánh xe tăng lăng rầm rập từ hướng Đông Bắc*, Sang lập tức tìm đường đưa người nhà từ Pháp vượt biển trở về quê hương.

*Ám chỉ nước Đức

Vì còn công việc đăng đăng đê đê bên Pháp, đất đai, hàng quán, với hàng chục người làm, hai vợ chồng buộc phải chia việc ra, Tĩnh đưa tía má với nhà cậu Ba về trước, Sang ở lại sắp xếp công việc bên này, ổn thỏa hết cả rồi sẽ về sau. Vợ chồng hẹn nhau tới mùa Trung Thu sẽ sum vầy.

Tĩnh về nhà rồi, đầu tiên là sai thằng Hiếu đi đánh dây thép báo bình an cho người đang ở xa, sau đó lo cắt đặt lại chuyện nhà cửa, kêu người làm quét tước sạch sẽ cho tía má và hai em.

Tạm ổn hết rồi, Tĩnh ngồi thừ ra, nhìn một lượt cảnh nhà, suy nghĩ miên man. Thầy Hai về đây làm dâu nhà họ Phạm ở Mỹ Tho đã hai mươi năm rồi, nhưng chưa bao giờ ở yên trong một ngôi nhà nào quá hai tháng, vì sản nghiệp Sang gầy dựng nên trải khắp nơi, đối tác làm ăn cũng nhiều, nên cứ đi công chuyện suốt, chồng đi thì dẫn cả vợ theo, anh lo giao thiệp thì cậu xem sổ sách, rồi lâu lâu Tĩnh lại nổi hứng phiêu lưu, Sang lại tháp tùng cậu ngao du từ nam chí bắc. Từ bấy đến nay, chưa bao giờ vợ phải xa chồng quá ngày, lúc nào cũng ngủ cạnh nhau, vậy mà giờ đây mỗi người một nơi, không biết anh có mạnh giỏi không, ăn uống ngon miệng không.

Nhưng buồn thì để trong lòng thôi, Tĩnh vẫn phải lo thu xếp công chuyện bên ngoài, để chồng về đỡ cực. Tối cậu ngồi kiểm kê sổ sách, đối chiếu số liệu. Sáng thì cậu đi thăm ruộng đất, với mấy hàng trà, cà phê, xem người làm có làm ăn đàng hoàng không là phụ, cho khuây khỏa tâm hồn là chính, tìm kiếm bóng dáng người thương trên con đường quen thuộc. Xế chiều, cậu ghé ngôi trường mái ngói đỏ ở đầu làng, tựa cửa nghe bọn trẻ cầm sách đọc ê a.

Đang mùa Trung Thu, thì phải có đèn, có bánh. Tĩnh xuống kho lựa gạo ngon mang đi xay bột làm bánh trung thu cho cả nhà, sẵn đó dặn anh Luông quản kho đừng quên để dành gạo làm bánh trung thu phát cho anh em tá điền, thơ ký với học trò đang học ở trường làng. Rồi cậu lại tự vác rựa đi tìm tre trúc quanh nhà, đẵn lấy một cây đem về làm lồng đèn cho các cháu.

Năm nào cũng như thế, tụi nhỏ trong nhà thấy cậu Hai với thầy Hai xách bột, vác tre về là réo gọi nhau làm rồng rắn lên mây, ùn ùn ra cửa, mỗi đứa góp một tay, xách bột đem vô bếp, vác tre để trước sân, sau đó vòng tay đứng nép ở bên chờ sai vặt. Như hằng năm, thầy Hai vô bếp ngâm gạo xay bột, cậu Hai ngồi ngoài sân chẻ tre làm lồng đèn, mấy đứa cháu thì chia nhau ra, đứa nào khéo nêm nếm sẽ vào bếp, đứa nào giỏi chuốt tre thì ở sân. Giờ cậu Hai đang ở Pháp rồi, thầy Hai nhận hết cả chuyện làm bánh lẫn làm đèn.

Bà Lan sợ con dâu cực, nên khuyên:

"Con cứ làm bánh đi, còn làm đèn thì chờ thằng Hai về phụ."

Tĩnh lắc đầu:

"Ảnh ở bên đó làm cực lắm rồi má, về rồi thì cứ để ảnh nghỉ ngơi cho khỏe."

Tĩnh muốn tự làm mình bận rộn để quên nỗi cô đơn trong lòng, cậu lồng mình vào cái bóng của anh để niềm nhung nhớ cháy bỏng này sẽ dịu bớt đi. Nhưng ái tình là thứ càng bị đè nén thì càng dâng trào. Đêm đến, Tĩnh trông vầng trăng sáng ngoài song cửa, sau đó lại nhìn đến chiếc đàn nguyệt đủ đầy hai dây trên tường, lồng ngực đau buốt, người ta sống chỉ có nửa trái tim thật khó.

Tĩnh thầm hỏi, người ta ở bên kia có giữ gìn nửa trái tim còn lại của cậu cẩn thận không, nếu người ta không ăn no ngủ kỹ hay lỡ quên vợ đang đợi chờ ở quê nhà, nó sẽ rỉ máu đấy.

Tĩnh lấy cây đàn nguyệt xuống, chỉnh lại dây, chờ cơn gió thổi về hướng Tây ghé ngang qua đây, ký gửi nỗi niềm nhớ thương trong tiếng đàn, lời hát:

"Từ là từ phu tướng

Bảo kiếm sắc phán lên đàng

Vào ra luống trông tin nhạn

Năm canh mơ màng

Em luống trông tin chàng

Ôi gan vàng quặn đau í a."

Có lẽ ông trăng nghe thấu nỗi lòng người vọng phu, hôm sau có thư hỏa tốc gửi từ Pháp về. Nhìn thấy nét chữ của chồng, Tĩnh mừng rơn, chút nữa là hét ầm lên cho cả làng đều biết. Cậu cất lá thư dưới gối nằm, mỗi khi niềm nhung nhớ ùa về, Tĩnh lấy thư ra đọc một lần rồi lại một lần.

Nhưng trời muốn ban thưởng cho người ta thứ gì thì cũng sẽ đưa ra thử thách xem có xứng đáng với phần thưởng ấy không.

Sớm mai một ngày kia, Tĩnh ra chợ huyện xem hàng quán nhà mình làm ăn ra sao. Cậu chỉ mới bước một chân vào tiệm thì nghe tiếng la thất thanh:

"Ăn cướp! Cứu tôi với! Ăn cướp!"

Ở tiệm kim hoàn, cách chỗ Tĩnh đang đứng hai căn nhà, ông bà chủ tiệm bị một gã đàn ông cao to bặm trợn dùng dao uy hiếp, bắt ông bà phải bỏ tiền bỏ vàng vào túi của gã đến khi nào ních chật mới thôi. Mới sáng sớm, chợ còn thưa, người ngỏ ý muốn cứu giúp vẫn có nhưng không biết làm thế nào, gã kia đang cầm dao, sơ tay sẩy chân lại tự hại mình mất.

Chần chừ sẽ chỉ chịu thiệt, Tĩnh thấy cảnh bất bình là xông vào ứng cứu ngay. Cậu lẻn ra sau lưng tên cướp, nhẹ nhàng như một con mèo, rồi thình lình đè vai gã ta xuống, đập cùi chỏ vào thẳng thái dương gã*. Đòn này vốn độc, sức Tĩnh lại chẳng yếu, tên cướp gục ngay tại chỗ, mắt trợn trắng.

*Đòn này rất độc, có thể gây chết ngay tại chỗ, khuyến khích độc giả đừng làm theo

Tĩnh lấy chân hất văng con dao đi rồi giúp ông bà chủ tiệm vàng trói gã này lại, giao cho ông lớn xử lý. Thấy lính áp giải gã đó đi thật xa rồi Tĩnh mới lặng lẽ bỏ đi, lo liệu công chuyện nhà mình. Cậu có dè đâu, mình làm ơn mà vướng phải chuyện rầy rà.

Mấy ngày sau đó, ông bà chủ tiệm vàng lân la tìm sang, mang theo bánh trái và mấy món trang sức bằng vàng tinh xảo, để cảm tạ cái ơn Tĩnh đã ra tay nghĩa hiệp, cứu ông bà một phen. Tĩnh chỉ nhận bánh, còn quà thì xin phép trả lại, rồi hỏi thăm đằng đó giờ đã an ổn chưa, mấy thằng bất lương có còn lượn lờ xung quanh không. Tĩnh không quảng giao như chồng nhưng bộc trực, lễ độ, nên rất nhanh được ông bà chủ quý mến. Tĩnh thấy ông bà cũng dễ thương, nhà giàu mà chẳng làm cao, định bụng chờ chồng về sẽ dẫn anh sang làm quen.

Tĩnh có dè đâu, ngay ngày tiếp theo, ông bà không qua mà có đứa con gái nhỏ qua. Cô nàng đang độ xuân thì, Tĩnh nhìn mặt đoán tầm mười bảy, mười tám tuổi, da trắng như bông bưởi, hai má đỏ hây hây, tóc đen cắt ngắn theo mốt tân thời nhưng lại mặc bộ bà ba màu mỡ gà, mang đôi guốc mộc dân dã. Cô thỏ thẻ xin mua mấy lon gạo về nấu cơm cho cha mẹ, hai má đỏ ửng, mắt liếc lên nhìn Tĩnh rồi cụp ngay xuống đất.

Làm sao Tĩnh không nhận ra bộ dạng e ấp này đại biểu cho điều gì, cậu đã như thế này từ ngày cằm còn nhẵn thín tới khi nó chi chít râu đấy thôi. Sợ gặp phải chuyện rầy rà, Tĩnh nói ngay:

"Xin lỗi cô, tôi là người đã yên bề gia thất rồi." Rồi đẩy một dì lớn tuổi trong tiệm ra bán hộ cho mình, chạy vô phòng sổ sách trốn.

Cô bé tiểu thư nhà giàu mãi mới tìm được ý trung nhân, tuy đã có tuổi rồi nhưng đàn ông như rượu ấy, càng thêm tuổi thì càng dễ làm người ta say. Nàng đã say mê người đàn ông có phong thái đĩnh đạc, oai vệ như chàng Lục Vân Tiên rồi, say dữ lắm rồi, nên mới lấy hết can đảm bước sang đây làm quen. Nhưng người ta dập tắt lòng yêu từ trong trứng nước. Thẹn quá thành giận, dù gì nàng cũng là tiểu thơ được nhiều chàng trai săn đón, nàng giậm chân, phồng mang trợn mắt hét to:

"Tôi biết ơn ông có lòng nghĩa hiệp nên muốn qua làm quen thôi, ông đừng có tưởng bở!"

Tĩnh ở trong nói vọng ra:

"Cô thứ lỗi cho, nhà tôi hay ghen lắm, lỡ biết chuyện này rồi hiểu lầm thì tội tụi tôi lắm."

Cô bé nghe qua, càng giận, chống nạnh đứng trước tiệm gạo nói móc thêm một lúc lâu nữa, cha mẹ cô phải chạy gấp qua kéo con về mới chịu thôi. Nhưng nỗi hận tình trong lòng vẫn chưa dứt hẳn. Từ ngày ấy, nàng cứ canh lúc Tĩnh ra chợ là chặn đường nói móc nói khóe vài câu, cậu thấy phiền quá nên không ra chợ nữa, thì nàng lần mò tìm đến tận nhà đặng gây sự, chẳng khác nào tên ác bá ức hiếp hiền phụ yếu thế. Có điều, Tĩnh thì khác, cậu là "hiền phụ" nhưng nào chịu yếu thế. Tĩnh sai người ra đầu làng chặn đường, truyền lại lời của cậu là đừng có ngang ngược, nếu cô dám đặt một chân vào sân nhà cậu thì ngay sau đó sẽ nhìn thấy máu đổ. Cô bé kia sợ quá, không dám ló mặt đến nữa.

Tĩnh không chỉ đuổi cô gái kia khỏi tầm mắt mình, còn quét sạch cả dư âm. Cậu cấm người ăn kẻ ở trong nhà hé răng chuyện này với người khác, nhất là cậu Hai, ai hé ra là biết tay cậu. Hai mươi năm qua người ăn kẻ ở trong nhà ông Hai Sang truyền miệng nhau cái câu "miệng ông không bằng cồng thầy", Tĩnh mở miệng ra là tự giác nghe theo răm rắp, đá luôn cái người phát lương chính cho mình qua một bên.

Sóng chỉ mới dậy lăn tăn đã bị Tĩnh cho chìm ngay lập tức. Mà Tĩnh cũng sớm quên nó đi, để tâm trí đó nhớ thương người viễn xứ. Khi Sang trở về, cậu đã hoàn toàn quẳng chuyện kia ra sau đầu, chỉ có vui sướng dạt dào được đón người bạn đời trở về bên mình.

Chờ Sang chào hỏi người trong nhà, chia quà cho đám trẻ xong, Tĩnh kéo tay anh dắt ngay vào buồng. Cửa vừa đóng, tay, chân, môi hôn cậu dán chặt lên người anh. Hai người như đôi dây leo quấn riết vào nhau, môi hôn vồn vập chặn lời thương nhớ, nhưng nhịp đập con tim, hơi nóng trên da thịt đã nói thay tất cả.

Mình nhớ tôi không?

Dĩ nhiên là nhớ!

Vợ chồng cứ giữ vậy thật lâu, đến khi có tiếng má gọi xuống ăn cơm mới miễn cưỡng buông ra, nhưng từ buồng ngủ tới phòng ăn vẫn nắm chặt tay nhau.

Mừng Sang trở về, bà Lan đích thân xuống bếp làm món thịt kho hột vịt mà anh thích nhất, bảo người làm xới cơm vào chén cậu Hai thật đầy. Sang nhiệt tình lùa cơm vào miệng, cho bõ bao ngày toàn ăn bánh mì bơ lạt bên ấy.

"Thịt má kho lúc nào cũng ngon." Rồi dịu dàng nhìn sang bên vợ, khẽ nói. "Cơm mình nấu lúc nào cũng ngọt."

Tĩnh lườm anh, miệng cười tủm tỉm, cơm nước mấy bữa thấy nhạt thếch mà nay lạ thơm lạ ngon lùng. Loáng cái Tĩnh đã ăn xong cơm trong chén, muốn ăn thêm. Bà Lan cả mừng, sai cô hầu gái đứng hầu bên bàn cũng xới cơm vào đầy chén cho cậu.

Sang chớp đôi mắt, ngắm nghía cô hầu này từ trên xuống dưới. Dáng người cô nhỏ nhắn, nước da ngăm ngăm duyên dáng, miệng cười tươi hiện ra lúm đồng tiền nho nhỏ. Tay chân cô lanh lẹ, khéo léo, xới chén cơm cho vợ anh thực gọn gàng, chỉn chu.

"Lâu lắm mới về lại nhà mình." Sang nhìn quanh kèo cột trong nhà. "Thay đổi nhiều quá tía ha."

Ông Lang gật đầu:

"Ừm, thời cuộc thay đổi, người ta cũng đổi thay." Thấy thằng con trai mình có điều bất thường, ông nói thêm. "Cô Mai hay bới cơm thờ ở đây đi lấy chồng rồi, bác Sáu mới sai con gái là cô Lê vô thay."

"Dạ." Sang cười cười, gắp cho vợ quả trứng ú nụ.

Buổi tối, Tĩnh lại lôi Sang vào phòng, bắt đền anh để cậu một mình giải quyết sổ sách, làm bánh, làm đèn một mình. Sang cười xòa, ôm vợ vào lòng dỗ dành:

"Anh biết, anh biết rồi. Mai mốt anh đền cho mình." Sang nghĩ ngợi. "Anh nghe tụi nhỏ nói ngoài chợ có tiệm kim hoàn mới mở, làm nhẫn, làm vòng đẹp lắm. Hay để mai anh mua cho mình nha." Chứ để hết tháng nay người ta dọn đi thì uổng lắm.

Tĩnh bễu môi:

"Ai thèm. Cậu đừng lôi tiền bạc ra đây dỗ tôi." Cậu túm cổ áo anh, mắt đăm đăm. "Cậu biết tôi muốn chi mà."

Làm sao anh không đoán ra được. Anh ôm siết lấy người thương, phủ lên mặt cậu những cái hôn nồng cháy, bù lại cho cậu quãng thời gian gối chiếc chăn đơn vò võ một mình.

"Cậu đi pha sữa đi." Tĩnh huých tay vào hông Sang, hất hàm "ra lệnh".

"Rồi, mình chờ anh chút."

Sang đắp mền cho vợ, thu dọn quần áo để sáng mai đem đi giặt, rồi anh mở tủ lấy bộ đồ ngủ khoác tạm lên người, đi xuống bếp pha sữa. Đêm hôm rồi mà vẫn còn ngọn đèn nhỏ hắt hiu dưới ấy, có cô gái nhỏ bưng ly trà lài nóng hổi trên tay, mắt cứ nhìn đồng hồ trên tường. Nhác thấy bóng đàn ông trên vách, Lê giật mình, chút nữa hét toáng lên.

"Cô Lê." Sang đặt ngón tay lên môi, kêu suỵt. "Tôi đây mà." Anh tăm tia ly trà nóng trên tay cô, cười hỏi. "Cô pha trà cho ai vậy?"

Lê tự dưng thấy bối rối, ấp úng thưa:

"Dạ thưa cậu, con... con... Bà hay sai con pha trà cho thầy."

"À, vậy sẵn đó cô pha cho tôi thêm ly nữa đi." Sang khéo léo lấy ly trà trên tay cô gái nhỏ. "Ly này để tôi đem lên cho thầy."

"Dạ..."

Cô Lê có điều không nỡ, nhưng vẫn phải chắp tay nhường công việc hằng ngày bấy lâu nay cho người khác. Sang cầm ly trà nóng hổi chỉ bằng một tay, lại dặn cô Lê:

"Lát cô cứ để ly trà của tôi trên cái bệ ngoài phòng. Với lại, nhờ cô đem đồ của tôi đi ngâm đặng sáng mai đi giặt nhé."

"Dạ."

Lê ngoan ngoãn đi tìm lon đựng lá trà để pha thêm ly nữa, đem lên phòng thầy Hai. Như ông Hai Sang nói, đã để quần áo bẩn bên ngoài đặng sai cô đi ngâm qua đêm, sáng mai đem giặt. Thấy bóng áo bà ba ngoài khe cửa, Sang mới bảo:

"Cô Lê cứ để đó đi."

Cô Lê lặng lẽ đặt ly trà nóng lên bệ, ôm đống quần áo bẩn xuống nhà dưới giao cho mẹ mình là thím Sáu. Thím Sáu bảo con gái ngồi xuống phân đồ trắng đồ màu riêng rẽ, lục trong túi áo xem hai cậu có để quên giấy tờ gì không.

"Áo của thầy..." Cô Lê nhận ra cái áo bành tô thầy Hai hay mặc ra ruộng, ra chợ. Lê mở túi áo ra xem thầy Hai có bỏ quên cái gì không. Nếu có, cô sẽ có cớ gõ cửa phòng của người ta, được nhìn nhiều thêm chút nữa.

Trong túi áo thầy Hai còn sót một tờ giấy. Một tờ giấy hoa, đã ố màu từ thuở nào, trên mặt giấy có dòng chữ mực tím viết nắn nót. Lê đọc tờ giấy ấy xong, chợt gục đầu ôm mặt khóc nức nở. Thím Sáu bối rối chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, bà cầm tờ giấy lên, nặn óc đánh vần từng chữ trên ấy.

Đường dù sa ong bướm

Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.

Dòng mực tím thấm đẫm ân tình, ký thác niềm tin người ta dành trọn cho người ta, mong dù cho vật đổi sao dời, có sống cảnh xa mặt thì lòng không chia cách.

"Đêm luống trông tin nhạn

Ngày mỏi mòn như đá vọng phu

Vọng phu vọng, ngóng trông tin chàng

Lòng xin chớ phụ phàng."

Tĩnh ngân giọng vàng, gối đầu lên đầu gối, ngắm nhìn bạn tri âm nâng phím so dây, đệm đàn theo từng lời ca. Sang mỉm cười, âu yếm nhìn người bạn đời, tay dạo đàn réo rắt. Giọng Nam trầm ấm, ngọt ngào cất lên, bộc bạch nỗi lòng mình suốt bao ngày qua:

"Chàng hỡi chàng có hay

Đêm thiếp nằm luống những sầu tây

Biết bao thuở đó đây sum vầy

Duyên sắc cầm đừng lạt phai."

Một mình bên trời Tây, không có người ta bên cạnh, anh chẳng thể nào ngủ được tròn giấc, miệng ăn cũng lạt đi rất nhiều. Nhớ lắm tiếng ai thủ thỉ bên tai vào mỗi đêm, thương lắm dòng thư báo bình an người ta gởi đến, yêu biết bao cái cách người ta cất thư của anh dưới gối để mỗi khi nhớ nhung thì lấy ra đọc.

Hạnh phúc thay, người ta cũng nhớ anh nhiều như anh nhớ người ta vậy.

"Thiếp nguyện cho chàng

Nguyện cho chàng hai chữ bình an

Mau trở lại gia đàng

Cho én nhạn hiệp đôi í a."

Trên bầu trời đêm, chỗ khuyết trên vầng trăng vàng nay đã dần đầy. Trong chốn khuê phòng, cung bổng lại được cùng cung trầm hòa hợp trong bản tình ca. Hai trái tim kia cũng tìm lại được hai nửa còn lại của mình rồi.

Góc thanh minh thanh nga của tác giả: Đáng ra ngoại truyện này sẽ được lên sóng lúc 8 giờ rưỡi tối để đón trung thu, nhưng giờ mới lên, vì tác giả chậm đẻ chữ, các độc giả thông cảm nha.

Góc chú thích của tác giả:

1 - Vì lúc trước có hứa sẽ viết một ngoại truyện về cách ông Hai ghen, giờ đã có rồi đây. Ghen với cô con gái chủ tiệm vàng với cô Lê quá trời luôn, nhưng ngoài miệng chỉ cười cười thôi, cái ghen của ông Hai nó âm ỉ chứ không hùng hổ như thầy, chỉ khổ tình địch của ông Hai thôi.

2 – Ông Hai có biết chuyện ông bà chủ tiệm vàng muốn kén vợ mình làm rể không? Biết nha, thầy Hai có cấm miệng kẻ ăn người ở trong nhà thì ông Hai cũng moi được tin thôi, cao thủ ngoại giao mà.

3 – Cô Lê thích thầy Hai bởi tiếng đàn của thầy hằng đêm. Cô thích thật, thích tới mức sẵn lòng làm bà Hai của thầy luôn. Nhưng tiếc cho cô, tình địch của cô gớm quá.

4 - Cô Lê đọc xong lá thư kia là khóc, vì cổ thấy thầy Hai nặng lòng với "vợ" quá, thư cũ lắm rồi mà vẫn giữ, để trong túi áo khoác hằng ngày, rồi cô cũng thấy có lỗi với cánh "chị em bạn gái" nữa.

5 - Lá thư mà cô Lê bắt gặp trong túi áo Tĩnh do Sang cố ý nhét vô đó. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top