Mở đầu
"Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân."
Giữa dòng sông Vàm Cỏ Đông, trên chiếc thuyền câu nho nhỏ, lại văng vẳng giọng hò xứ Huế, ngọt nghe lọt đến xương. Cũng trên chiếc thuyền câu ấy, một giọng hò khác lại cất lên, lần này là giọng của phương Nam đầy nắng ấm:
"Cười nụ hay là cười tình
Cười trăng cười gió hay mình cười ta
Cười nụ hay là cười hoa
Cười trăng cười gió hay ta cười mình."
Đàn nguyệt tình tang đẩy đưa tiếng hát, guốc mộc giậm thuyền thay nhịp song lang. Áo dài thâm phất phơ trong gió, bà ba nâu loang loáng trên sông. Búi tóc củ hành điểm sương, mái đầu cắt ngắn phớt bạc. Ông lão năm lăm ngắm trời, ông già sáu mươi xem cá.
Cần trúc gật gật, ông già giật mạnh dây câu, con cá vảy bạc bị kéo ra khỏi lòng sông, treo lơ lửng giữa trời, nó quẫy đuôi thật mạnh, làm văng những giọt nước lên mặt ông già.
"Ngon lành!"
Ông già gỡ lưỡi câu, thả cá vào chiếc giỏ mây đặt dưới chân. Cá vừa mới bị bắt, còn khao khát về sông, cố trườn ra khỏi giỏ, ông già ấn nó trở vào trong, lấy nắp đậy kín.
"Đủ cho bữa nay rồi. Về thôi mình."
"Ừ." Ông lão vào khoang trong cất đàn rồi lại trở ra.
Ông già và ông lão, mỗi người một mái chèo, người bên trái, người bên phải, chèo thuyền về bờ. Mái chèo gỗ khua dòng nước biếc, gió đùa sông gợn sóng lăn tăn. Hai ông ngồi sát bên nhau, vai dựa vai, tóc mai chạm tóc mai.
"Chiều nay cậu* muốn ăn cái chi?"
"Mình nấu gì anh ăn nấy."
"Vậy ăn hai con, một con cho bà Tư, cậu thấy được không?"
"Ừm, nghe mình hết."
Thuyền cập bến, ông già neo lại cọc, xong xuôi đỡ hai tay ông lão, dẫn từng bước đi từ thuyền lên mặt đất. Ông già tay xách cần câu, tay cầm giỏ cá, ông lão ôm đàn nguyệt, hai người đi sóng vai nhau về nhà.
Chiều tà đổ lên mặt đất một màu hồng nhàn nhạt, đàn cò trắng bay thành hàng, cắt đôi mặt trời, chim rúc trong mấy bụi cây kêu líu ríu, người thong thả về nhà sau một ngày làm việc vất vả.
Đi qua gian nhà lá có hai cây dừa ở đằng trước, ông già giơ tay hô lớn: "Bà Tư."
"Ông Hai, thầy Hai mới đi câu cá về đó hả? Câu được nhiều hôn?" Một bà già tầm bảy mươi, miệng móm mém nhai trầu, lân la đến hỏi thăm. Bà là bà Tư, hàng xóm của hai ông.
Ông già cười cười, hé chiếc giỏ mây cho bà già xem. Ui chao, trong ấy là ba con cá mè, con nào con nấy đều dài cỡ sải tay, to bằng bắp đùi, mới được bắt lên nên còn khoẻ lắm, quẫy đuôi rất mạnh, bà già cầm cái giỏ mà nó cứ lắc lư, chút nữa là tuột tay rồi.
"Chu cha, nhiêu đây là được bữa no bụng rồi hen." Bà già tấm tắc.
"Bà thích thì lấy một con về kho cho tụi nhỏ." Nói rồi không cho người ta cơ hội từ chối, ông già dốc giỏ mây, đổ cho bà một con cá.
"Trời ơi, cảm ơn ông nhiều." Bà cười tít mắt. "Ông về hen."
Ông già cười lên, lộ hàm răng đã sún mất ba chiếc, rồi lấy tay nhấc chiếc nón lá, học theo mấy quan Tây phe phẩy. Ông lão giật chiếc nón lá che sụp mặt ông già.
"Mấy chục tuổi đầu rồi mà mặt nhìn ngu không tưởng." Ông lão ghét bỏ ngoài miệng, nhưng trong đôi mắt lại lộ ra sự cưng chiều. "Cậu đưa cá đây, để tôi vô làm cơm."
Tay ông lão vô tình hoặc là cố ý không cầm giỏ cá mà nắm lấy cổ tay ông, ông già cúi đầu cười thật đậm.
"Bữa ni ăn cá kho tiêu hỉ?"
"Ừm."
Hai người già dắt nhau đi vào gian nhà ngói nền gạch, guốc mộc gõ trên gạch Bát Tràng kêu vang như phách.
Chắc chẳng ai ngờ rằng, ông già hiền lành, mặt ngu ngu này đã có một thời làm mưa làm gió, cưỡi xe hơi, đu trực thăng, sáng gặp quan Tây chiều tiếp bà đầm. Còn ông lão, người giỏi giang bếp núc trong nhà, khi xưa là một công tử cao quý, mười ngón tay chưa từng nhúng nước, suốt ngày chỉ biết chữ nghĩa kinh thư. Nay họ đã bỏ hết vàng son trong quá khứ, về ven sông Vàm Cỏ làm người dân bình thường, trú trong gian nhà ngói nho nhỏ, tự trồng khoai sắn, bắt tôm cá về ăn.
Đã qua tuổi mơ mộng phồn hoa, ta về với những điều giản dị, mỗi ngày nhấp một chén chè xanh, nhấm nháp một miếng mứt gừng, người xướng tôi hoạ, người đàn tôi ngâm, ngâm lời thơ của Tuyết Giang phu tử* mà thời trẻ họ chưa thể thông suốt.
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn, người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm
*Cậu này không phải là cậu – tớ, mà là lời gọi của dân Nam Kỳ dành cho mấy người địa chủ, có chức có quyền, cũng là lời xưng hô của vợ chồng nhà giàu ngày xưa (cậu – mợ)
*Tuyết Giang phu tử: là Nguyễn Bỉnh Khiêm
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top