Chương 9

Chương 9: Thương ai nhớ ai

Đêm khuya rả rích tiếng dế kêu ngoài đồng, gió sông man mát đẩy đưa hương quỳnh qua khung cửa sổ, đó vốn là những lời ru êm ái của miền quê, nhưng hôm nay lại thành tiếng dày vò lòng người. Đêm nay Sang không ngủ được.

Sang dụi mắt, bước xuống giường xỏ chân vào đôi guốc mộc, đi ra chiếc bàn con thắp một ngọn đèn. Cửa sổ đang mở toang, trăng thanh và gió mát, nhưng anh lại thấy ngột ngạt. Anh hiểu vì đâu nên nỗi.

Sang ôm cây đàn nguyệt, cầm đèn soi đường đi ra sau nhà. Anh ngồi xuống chiếc chõng tre, để đèn bên mé, chỉnh lại dây đàn, dây kêu [kít kít], có lẽ bất mãn vì đang căng cứng bỗng dưng bị chùng.

Điệu [Nam ai] vang lên trong màn đêm tĩnh mịch, phím đàn trong bài nhạc như chính tựa đề của nó, thiết tha và da diết, mang dây trầm trút lời thở than, mang dây bổng cứa nát lòng người.

Đây là bài đàn đầu tiên Sang học từ ông nội, anh tưởng chừng như đã quên mất, nhưng hôm nay nó lại hiện rõ mồn một trong đầu, nhớ luôn cả từng lời dạy của ông. [Ai] có nghĩa là buồn thương, là buồn vì nhớ thương.

Sang nhắm nghiền mắt, đảo cung chuyển phím, điệu nhạc trượt khỏi khuôn khổ ban đầu, rơi vào khoảng không vô tận. Trống rỗng, không có hồn.

Có tiếng gỗ gõ lên thềm gạch từ nhà trong vang ra, vừa là tiếng của guốc mộc, vừa là tiếng của gậy chống.

"Ủa, nội."

Sang vội ngưng đàn, chạy tới dìu ông nội Năm đi xuống từng bậc thềm:

"Con làm ồn nội hả nội?" Sang cẩn thận đỡ ông Năm ngồi xuống chõng.

"Tính đi ngơi lưng rồi đó chớ, xong nghe bây đờn, nhớ quá nên lần ra đây." Ông Năm hít hà một hơi. "Quỳnh nở rồi hả?"

"Dạ."

Hoa quỳnh trong vườn đang nở rộ, gọi bướm đêm đến bên cùng nô đùa, quấn quýt. Vườn quỳnh này do ông nội của Sang trồng, ông thường ngồi đây nhâm nhi ly rượu tới khuya để xem quỳnh nở. Vườn quỳnh này chứa đựng cả một trời kỷ niệm, hồi nhỏ Sang thường ra đây chơi với ông nội, được ông dạy đàn cho, có hôm anh trổ lì cùng ông thức khuya chờ hoa quỳnh nở, bị tía má la quá trời.

"Đờn tiếp đi con."

"Dạ."

Sang chỉnh lại dây đàn, ngẫm nghĩ trong đầu một chút, xong rồi ngồi thẳng lưng, đàn bài [Nam xuân]. Bài này réo rắt, rạo rực, giống như cái chất của mùa xuân giục cho mầm sống của đất trời thức giấc sau quãng đông dài dằn dặt, lạnh lẽo khôn cùng. Đây là bản đàn ông nội Sang thường gảy trong những năm cuối đời.

Ông Năm ngồi im như tảng đá, mắt lim dim, để âm điệu trong bản đàn tuỳ ý chạm khắc lên mình những cảm xúc của người gảy đàn, được đến nửa bài, đôi lông mày của ông hơi cau. Sang thu tay, không đàn nữa.

"Bộ con đờn bậy hả nội?"

"Không." Ông Năm mỉm cười. "Nội thấy bây đờn hay hơn trước nhiều. Đi Huế có một tuần mà siêng lên rồi hở con?"

Sang hơi cúi đầu, nghịch dây trầm, khoé môi cười thật đậm.

"Có người nghe được con đờn rồi nội."

Mắt ông Năm Sáng đã kéo màn mây bao năm nay, nhưng ông cảm nhận được sức nóng hừng hực từ phía đối diện, thì vẫn có thể mường tượng được đứa cháu nội kết nghĩa đang cười rạng rỡ thế nào.

"Kiếm được tri âm là quý lắm đó con." Ông Năm rờ đầu Sang. "Nhớ phải chơn thành với người ta, nghe hông?"

"Dạ."

Chợt, Sang nhấc đàn lên và gảy loạn xạ, nói là gảy loạn xạ, nhưng vào tai người nghe vẫn rất thuận âm. Ông Năm gõ lên thùng đàn rồi thả lỏng cả người, lim dim đôi mắt, tận hưởng bản nhạc du dương cùng mùi quỳnh thơm ngát.

Hai ông cháu cứ ngồi với nhau như thế, cho tới khi ông Năm Sáng gà gật. Sang khẽ khàng để ông dựa trên lưng mình, một tay ôm đàn, một tay cầm đèn, cõng ông vô nhà. Tầm này ai cũng ngủ hết rồi, nơi nào cũng tối thui, có mỗi phòng thờ vẫn còn lập loè ánh lửa. Sang cõng ông Năm vô phòng thờ, nhẹ nhàng đặt ông nằm trên chiếc giường kê ở một góc.

Ngẩng đầu lên thấy hình thờ của ông nội, Sang tự giác chắp tay khấn vái. Ông nội Sang mất được hai năm nay rồi, chỗ này hồi xưa là phòng ngủ của ông nội, giờ đã thành phòng thờ, cây đàn nguyệt ông thường chơi được treo ngay bên tấm hình, hai năm nay chẳng gảy nên tiếng nhưng trông vẫn như mới.

Sang mỉm cười, đắp cho ông Năm cái mền, giăng mùng cho ông, anh muốn đi đóng cửa sổ để gió khỏi lùa, nhưng rồi nghĩ lại, chỉ khép hờ, vẫn chừa khe hở cho hương quỳnh len lỏi vào đây.

Vườn quỳnh này cũng chứa đầy kỷ niệm của ông Năm, khi ông nội Sang còn sống, hai người vẫn thường ra đây hàn huyên mỗi tối, cùng nhau ngắm hoa quỳnh nở, đem hương hoa ướp trong chén rượu nhạt, mượn men rượu trợ hứng đàn ca. Ông mất rồi, ông Năm khóc đến mờ mắt, bỏ hẳn chuyện trần ai, sớm chiều muối dưa đạm bạc.

[Tri âm] là nghe hiểu tiếng lòng. Ông Năm với ông nội Sang là một đôi tri âm, dù cho cái chết có chen ngang đoạn đường đi chung của họ.

Sang hít hà một hơi, khẽ khàng rời phòng thờ, cầm đàn trở lại phòng mình. Anh để đèn lên trên bàn học, lấy giấy bút ra. Anh nhắm nghiền mắt, hệ thống lại những giai điệu mình đã đàn ban nãy rồi ghi vào giấy.

Đây là lần đầu tiên Sang chép lại những giai điệu ngẫu hứng của chính mình. Anh từng nghĩ những giai điệu ngẫu hứng xuất phát từ cảm xúc, mà cảm xúc là thứ không hằng định, và không dễ chia sẻ cho nhau, có ghi ra giấy rồi gảy lại cũng không tìm được phút ban đầu. Nhưng Sang tin tưởng nếu là người đó thì hẳn sẽ đọc hiểu được.

Sang ngồi lì bên bàn giấy, đến khi có tiếng gà gáy đầu tiên của ngày mới thì mới ngơi tay, bản nhạc cũng được hoàn thành, Sang bỏ vào phong thư, chờ trời sáng hẳn rồi sẽ nhờ người gửi ra Huế.

"Ông thầy nhỏ làm xong rồi ha."

Thình lình đằng sau lưng Sang có tiếng người, làm anh rợn sống lưng, nhưng may mắn thay, anh kịp lấy lại bình tĩnh, nhận ra đó là giọng tía mình.

"Tía." Sang xoay người lại, thở hồng hộc. "Tía làm con hết hồn."

Ông Lang mỉm cười, kéo anh lại cái bàn con, trên ấy có để một tô cháo, vẫn còn thấy hơi nóng bay lơ lửng.

"Tía thấy đèn phòng con còn sáng, nghĩ chắc là con đói bụng nên xuống bếp nấu cháo cá lóc cho con." Ông đẩy tô cháo về phía Sang. "Cá lóc tía mới bắt dưới mương, tươi roi rói, ngon lắm con, ăn đi coi chừng nó nguội."

Sang hốt hoảng, bàn tay áp lên tô cháo thấy nóng ran:

"Khuya rồi sao tía không nghỉ mà đi làm mấy cái này làm chi. Con đói bụng thì cũng biết đường xuống dưới bếp lục cơm nguội mà tía."

Ông Lang cười cười, vờ lấy tấm khăn rằn che mặt, làu bàu: "Tía không lo ông thầy nhỏ kỹ thì ổng tưởng tía đuổi ổng, xong bỏ đi sảng nữa chớ. Ôi, ta nói, ổng đi đâu cũng sống khoẻ re, có vợ chồng tía khổ tâm thôi hà."

Sang nghe mà ngượng chín cả mặt, ước chi có cái lỗ ở đây cho mình chui xuống. Ông Lang nhắc nhẹ với anh hai lần anh bù lu bù loa, tí nữa là bỏ nhà mà đi mất biệt, lần thứ nhất là hồi anh bảy tuổi, chạy tuốt qua Long An cắm câu, lần thứ hai là mới đây, ông Lang khuyên Sang nhận lại cha ruột, chút nữa thì Sang đã muốn bỏ đi lần hai, may mà nhà nội nhà ngoại mỗi người một lời, kéo anh về với gia đình.

"Thôi mà tía, con biết lỗi rồi mà."

Ông Lang mỉm cười, rờ mặt thằng Hai nhà mình, tuy nó không có máu mủ với ông nhưng ông nuôi nó từ nhỏ, mến tay mến chân, huống chi Sang là đứa có tình có nghĩa, sau này vợ ông sinh thêm thằng Tài là con ruột thì tình thương ông dành cho Sang vẫn không giảm sút dù chỉ một ly.

"Thiệt ra lúc tía khuyên con nhận ba ruột, tía lo trong dạ lắm, tía sợ con bỏ tía mà đi." Ông Lang nói thật lòng, so với một vị quan Toàn quyền, có thể cho Sang một tương lai rộng mở, ông cảm thấy mình thua sút rất nhiều. "May mà con chịu về với tía."

"Tía." Sang nắm tay ông Lang, sụt sùi. "Tía an tâm đi. Học xong rồi là con về lo ruộng đồng với tía má liền, tía má muốn đi đâu, con đánh xe chở tía má tới đó chơi."

Ông Lang gật gù, hai mắt thấy cay cay như bị khói hun. Rồi ông sực nhớ đến tô cháo vẫn còn nóng hổi, vội hối Sang ăn liền cho nóng. Hai tía con ngồi hủ hỉ với nhau, tiếng cười khanh khách vang khắp gian phòng.

Hết kỳ nghỉ phép của trường, Sang thu xếp đồ đạc qua Tây tiếp tục việc học. Trước ngày anh ra ga đi Sài Gòn để đi tàu qua Pháp, có người đưa thư tới gõ cửa, giao cho cậu Phạm Thế Sang một lá thư được gửi từ Huế.

"Anh Hai, anh có thơ nè!" Thằng Tài giao lá thư cho Sang rồi nhảy tưng tưng. "Cho em coi với! Cho em coi với!"

Sang đè đầu thằng em loi choi lại, kêu nó ngồi yên. Anh bóc thư ra xem, thì thấy ở trong có hai lá, một lá ghi bằng chữ La tinh, một lá ghi bằng chữ Nôm. Sang kêu thằng Tài đọc lá thư ghi bằng chữ La tinh cho tía má nghe, trong đó chủ yếu là hỏi thăm xã giao, như là tình hình sức khoẻ thế nào, thời tiết ra sao, còn dặn dò anh nhớ giữ gìn khi sang Pháp học. Còn lá thư chữ Nôm, Sang giữ cho mình.

Chữ Nôm của Tĩnh viết bằng bút lông với mực đen, nét bút thanh thoát, ngay lối thẳng hàng, y như lời người ta bảo, nét chữ nết người. Sang đọc xong lá thư ấy, nhoẻn miệng cười, gãi gãi cái mũi. Tĩnh viết cái này để trêu anh, nếu anh không biết đọc chữ Nôm thì sẽ thấy ngượng, nếu anh biết đọc chữ Nôm thì vẫn thấy ngượng. Sang theo ông nội học chữ Nôm qua truyện Kiều, học đến thuộc làu, anh nhìn một cái là đọc được ngay.

"Trong như tiếng hạc bay qua

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời.

Tiếng khoan như gió thoảng ngoài,

Tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa.

Ngọn đèn khi tỏ khi mờ

Khiến người ngồi đó cũng ngơ ngẩn sầu.

Khi tựa gối khi cúi đầu,

Khi vò chín khúc khi chau đôi mày."*

Tĩnh biết chắc là Sang hiểu mình viết gì, cậu thử ngồi phỏng đoán vẻ mặt của anh khi nhận được lá thư chữ Nôm ấy. Như thế nào nhỉ? Chắc là anh sẽ gãi cái mũi rồi nhe răng ra cười.

Nghĩ đến đó, Tĩnh nhấc đàn lên, gảy bản nhạc mà Sang gửi kèm với lá thư ngày nọ. Tiếng đàn trầm trầm như lời thủ thỉ, rồi lại réo rắt như giục giã, làm người nghe rộn rạo trong lòng. Tĩnh thích bản đàn này vô cùng, mỗi lần gảy là gảy đến um sùm.

"Mi ngưng giùm ta cái bài đờn ni đi để ta ngủ!" Thịnh bịt tai, van lơn, thiếu điều muốn quỳ xuống lạy lục.

"Anh không thích nghe thì ra khỏi phòng em đi."

"Mi an tâm, ta chép phạt xong là dông ngay!" Thịnh đè mạnh ngòi bút, làu bàu. "Răng mi không ra sông Hương mà đờn cho tụi ca nương nghe đi? Răng mà cứ nhè ở nhà mà đờn rứa?"

Tĩnh nhún vai, đôi môi hơi mím lại. Cậu không đem bản nhạc này đi rao khắp sông Hương núi Ngự đâu, ai lại mang lời nhớ thương viết riêng trong thư rải khắp Hoàng thành bao giờ.

*Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du – từ câu 481 đến câu 488

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top