Chương 8
Chương 8: Anh như ngọn cỏ ven đường
Ngọn đèn khuya nhả ánh lửa lên trang giấy trắng tinh, mấy con chữ [o], [a] được rọi sáng, trông chúng óng ánh như những hòn ngọc đen. Gió từ đâu thổi đến, làm ngọn đèn lập loè, uốn éo như mấy vũ nữ trên bức phù điêu xứ Chàm. Bàn tay gầy guộc che vội ngọn đèn dầu để gió không thổi tắt, tay kia với về cánh cửa sổ gỗ chạm hình rồng phượng.
Tĩnh gài lại cái móc cửa sổ, để nó chắn gió nhưng vẫn không che mất ánh trăng sáng bên ngoài. Gió ngoan cố đẩy đưa, giật cửa khỏi móc sắt, phát ra tiếng kêu cạch cạch, phải một lát sau mới an phận ngồi yên.
"Dạ con thưa cha, cha cho gọi con."
Tĩnh chắp tay bái lạy người đàn ông có địa vị cùng uy vọng lớn nhất trong gia đình, cha cậu, Thượng thơ bộ Binh Hồ Đắc Hiển. Năm nay cha cậu vừa bốn mươi tám, hai vợ, tám nàng hầu, sáng chiều cơm gà cá gỏi, nhưng ông lại có dáng vẻ khắc khổ như mấy người lính gội gió tắm mưa mà Tĩnh thường thấy ở ngoài Hoàng thành, có điều da ông không rám nắng như họ mà trắng bệt như vôi, không chút sức sống.
"Ừm." Ông Hiển lạnh nhạt đáp lời.
Hai cha con cứ giữ im lặng như vậy một lúc lâu, quan hệ đôi bên hiện nay là thế đấy, không đối chọi nhau từng giờ từng khắc như nước với lửa giống ông Hiển và anh Trung, nhưng lại mỗi lúc một cách xa nhau, muốn bắt chuyện với nhau thì phải nhìn trước ngó sau.
Tĩnh nhận thấy hôm nay cha mình đọc báo của Tây, viết tiếng Việt bằng chữ La Tinh, một điều bất thường đối với nhà Nho có thói quen bài ngoại, cặp kính của ông đang phản chiếu hình ảnh một người đàn ông.
"Ta nghe thằng Thịnh nói dạo ni mi hay qua lại với một thằng Nam Kỳ, có đúng như rứa không?" Cuối cùng ông Hiển cũng bắt đầu câu chuyện.
Tĩnh nghiêm cẩn đáp:
"Dạ thưa cha, đúng như rứa, con với anh nớ thường ra sông Hương hàn huyên." Tĩnh nghĩ việc mình qua lại với Sang là chuyện quang minh chính đại, không cần phải giấu diếm gì.
Ông Hiển cười khẩy, đưa cậu xem tờ báo. Tấm hình của Sang được in ngay giữa tờ báo, cười rất tươi, trên tay ôm chiếc mề đay khen thưởng, cậu được anh dạy tiếng Việt phiên âm bằng chữ La tinh từ nhỏ nên đọc hiểu được, bài báo nói về anh Phạm Thế Sang, một công tử ở Mỹ Tho sang Pháp học Luật và được hạng cao. Tĩnh thầm mở cờ trong lòng vì vui sướng, thời nào cũng có những bậc tinh anh mang chuông An Nam đánh vang xứ người.
Dầu đèn đụng tàn lửa, vang lên mấy tiếng tách tách, lửa cháy bùng lên, ông Hiển dùng chiếc que nhỏ khều nhẹ bấc đèn, chỉnh cho ngọn lửa ngay ngắn như cũ.
"Một thằng chủ đất Nam Kỳ đã tẩy răng, cắt tóc, mặc đồ Tây, học trường Tây, mi nghĩ mi nói được cái chi với nó?"
Tĩnh tạm thời rời mắt khỏi tờ báo, chắp tay lại, thưa với cha rằng:
"Dạ thưa cha, theo con nghĩ, anh Sang học trường Tây, mặc đồ Tây là tình thế bắt buộc, tại vì bây chừ Nam Kỳ là đất của Tây." Nhắc đến chuyện này, Tĩnh thấy bàn tay trái nuôi móng tay dài ngoằn của cha bắt đầu động đậy, nhưng cậu vẫn mạnh dạn mà nói tiếp. "Tuy như rứa, nhưng trong lòng anh Sang vẫn yêu thương quê hương, dân tộc, vẫn biết [Lưu thuỷ], [Hành vân], vẫn thuộc nằm lòng những vần thơ của cụ đồ Chiểu." Cũng như đau xé lòng trước cảnh xáo thịt nồi da, nhưng Tĩnh để câu ấy ở trong lòng, không muốn nói ra.
Choang! Ông Hiển đánh cây khêu đèn lên thành đèn, gương mặt khắc khổ nhăn nhúm, hằn sâu thêm những vết chân chim đã giăng đầy đuôi mắt.
"Hừ, mi nói về hắn hay như rứa, ca tụng hắn như là thánh nước Nam, là thần đất Việt. Rứa mi đọc hết tờ báo ni đi, rồi mi sẽ thấy bộ mặt thật của hắn."
Tĩnh mím môi, dằn sự bất bình xuống, kiên nhẫn đọc hết bài báo, quyết không để sót một chữ nào.
Cậu Phạm Thế Sang, sinh viên gốc An Nam đã trở thành đứa con nuôi của quan Toàn quyền xứ Đông Dương là Paul Sarraut* (bịa đấy các bạn, đừng áp đặt lên bất cứ nhân vật lịch sử nào) sau khi cứu sống con trai nhỏ của ông ta trên dòng sông Seine.
Paul Sarraut là Toàn quyền vừa được bổ nhiệm gần đây, chính ông ta là người đã đặt sưu cao thuế nặng lên mảnh đất Việt, chính ông ta là người đã ký lệnh đày cụ Phan Châu Trinh cùng vô số kẻ sĩ trong phong trào "cự sưu khất thuế" ra Côn Đảo xa xôi. Bất cứ ai yêu thương, đặt quốc hồn trong tâm tưởng, đều căm hận Paul Sarraut đến tận xương.
"Mi có thể bênh hắn là vì lòng nhân, nhưng mi có nghĩ sâu ra rằng Toàn quyền Đông Dương không thiếu người coi chừng, răng mà hắn phải sốt sắng đi cứu thằng Tây con như rứa?" Ông Hiển siết đấm tay lại, đập mạnh lên sập gụ. "Rứa là hắn muốn lấy lòng người Tây để thăng tiến, hay hắn tự coi mình là người Tây luôn rồi?"
Đôi bàn tay Tĩnh siết chặt lấy tờ báo, run rẩy, trong mắt cậu hiện lên ánh chớp, đằng Tây có đợt sét lạ rạch ngang bầu trời, ở trên trữ nước bấy lâu nay cuối cùng cũng dằn không nổi mà thả mưa xuống.
Gian nhà ngói Sang đang trọ tạm ngoài Huế bị gió mưa oanh tạc, nước trời hắt vào trong, làm ướt sách vở và thư từ. Anh khép tạm cuốn sách, đi gài cửa lại. Thằng Hiếu lúi húi dời hết túi này tới túi kia, thở hồng hộc:
"Mưa ở Huế dữ quá cậu Hai ơi."
"Ừ, không mưa thì thôi, đã mưa là mưa như trút thác."
Sang vặn đèn cho lửa lớn thêm, xua đi cái tối tăm, ngột ngạt trong căn phòng nhỏ hẹp đang bị mưa gió bủa vây bên ngoài. Anh quay lại với cuốn sách còn đang đọc dang dở. Các trang sách cọ vào nhau kêu sột soạt, cửa lạch cạch khép mở, lòng anh như đang bị dần vò, chữ trên giấy nhảy múa loạn xạ cả lên.
"Anh Sang." Tiếng ai khe khẽ bên ngoài, xuyên qua màn mưa dày đặc, vọng vào tai.
Sang bật dậy, đi mở toang cánh cửa. Cơn giông loé sáng, khiến mắt anh hoa lên, sợ rằng mình đã nhìn sai. Người lặn lội một mình trong cơn mưa nặng hạt, cây dù méo xệch, áo dài thâm ướt đẫm, mắt, mũi đỏ ửng hết lên.
Thằng Hiếu trông ra ngoài thấy có ông Phán nhỏ đứng sừng sững, giật mình khóc thét: "Má ơi! Má ơi!"
"Tĩnh..."
Tay anh bị ai kia nắm lại, người ta giơ cho anh xem tờ báo của hai tháng trước, mắt hằn học, yêu cầu một câu phân trần.
"Tĩnh vô trong trước đi, xong rồi tôi sẽ nói hết cho Tĩnh nghe."
Sang vòng tay qua vai cậu, dắt vào trong phòng. Anh vặn lửa đèn lớn hơn nữa, sai thằng Hiếu đi nấu nước, còn mình thì lấy một cái khăn lông đưa người ta để thấm hết nước mưa. Sang mở giỏ soạn đồ cho cậu thay, anh cao lớn hơn cậu nhiều nên chắc cậu mặc bộ nào cũng rộng thùng thình, may mà cuối cùng cũng tìm được cái khăn lông dài mấy thước, anh đưa cậu quấn tạm, rồi đi rót một ly nước gừng ấm để cậu uống cho ấm người.
Vô trong này rồi Tĩnh mới run cầm cập, co rúm sâu rọm, uống từng ngụm nước gừng.
"Cha tôi..." Tĩnh vừa nói, vừa thở mạnh, ngoài vì lạnh, còn để xả cơn tức trong lòng ra ngoài. "Cha tôi... nói... anh... cứu Tây... nên được... lên báo..."
"Ừm." Sang vuốt lưng Tĩnh, sợ cậu bị sặc.
"Vì cớ chi?" Tĩnh thì thào.
Sang ngồi hụp xuống, giúp Tĩnh cởi đôi giày da, cậu đi gấp, không kịp xỏ vớ, cạnh giày cọ vào da thịt, đỏ tấy hết lên. Anh quấn chân Tĩnh trong tấm khăn lông, nhẹ nhàng xoa bóp:
"Tĩnh nghĩ ra sao nếu như những gì cha Tĩnh nói đều là sự thật?"
"Tôi không tin lời cha." Tiếng Tĩnh thật khẽ, nhưng vững vàng, hơi thở cậu phả ra nóng hổi, có vẻ như sau đêm nay cậu sẽ lên cơn sốt. "Tôi cho là anh có lý do riêng."
Sang giúp Tĩnh gỡ cái khăn vấn, để tóc xoã ra, Tĩnh nuôi tóc dài từ nhỏ, giờ đã qua thắt lưng, vì là đàn ông nên cậu không cần dưỡng tóc, tóc đen nhánh thế này là của tự chính cậu. Anh áp tấm khăn lông lên mặt Tĩnh, nhẹ nhàng nâng mặt cậu lên, nhìn thẳng vào mắt cậu.
"Nếu Tĩnh tin tôi thì đâu có chạy lẹ tới đây như vậy." Anh cười thật hiền, thấm những giọt nước mưa trên gương mặt cậu. "Tôi không có trách Tĩnh, mà tôi còn biết ơn Tĩnh đã đội mưa tới đây để nghe tôi phân trần." Anh cúi gằm mặt, thú nhận với cậu. "Tĩnh là người đầu tiên đó."
Sang hơi sụt sùi, đành mượn tạm một góc chiếc khăn lông để giấu mặt. Chiếc khăn lông dài rơi trên chóp vai Sang, cho anh cái ấm áp của sự sống, rồi bờ vai anh trở nên bỏng rát khi Tĩnh áp bàn tay cậu lên. Tĩnh ghé sát tai anh, thì thầm:
"Tôi cũng nghĩ như rứa, nên tôi chạy tới chỗ ni để nói cho anh biết là tôi tin anh."
Sang ngẩng đầu lên, nước mắt vỡ oà. Hoá ra là vậy. Người ta đội mưa tới đây không phải vì muốn củng cố niềm tin về anh, mà là để anh củng cố niềm tin vào chính mình. Anh tự hỏi, mình có đang ở trên nhân thế hay không, để có thể tìm được một người tri kỷ vì mình mà làm được đến vậy.
Tĩnh thấy khăn lông đã bẩn nên dùng chính tay mình lau nước mắt cho Sang. Từ đáy lòng mình, cậu tin anh. Sau khi nghiền ngẫm tờ báo này rồi suy nghĩ kỹ lưỡng, cậu vẫn tin anh.Bán mạng cầu danh ư? Vậy thì như cha cậu bảo, lính bảo vệ gia đình Paul Sarraut đông như kiến, đâu chờ tới phiên anh cứu con ông ta, anh cần gì phải liều mình như thế chứ? Rồi khi được vinh danh anh hùng, tại sao anh chẳng có lấy một tấm hình chụp cùng "cha nuôi", để người đăng báo mới phải dùng hình khen thưởng ở trường đại học lấp vào. Cũng như đợt phát chẩn vừa rồi, anh lăn lộn suốt cả ngày đêm nhưng lại trốn biệt mấy ống kính của báo giới, trong khi mấy đoàn kia lại gióng trống khua chiêng, nô nức như ngày hội. Anh cũng không cần ở trong căn nhà trọ bình thường, xa kinh thành như vậy.
Thế thì phải có nguyên nhân khác.
"Paul Sarraut là ba ruột của tôi."
Lời Sang vang lên đồng thời với tiếng sấm bên ngoài, cái ly thuỷ tinh trong tay Tĩnh rơi xuống đất vỡ choang, chẳng biết cậu thất thần vì tiếng sấm hay lời của Sang nữa.
"Tĩnh thử nhìn kỹ tôi đi."
Sang vén hết tóc lên, để Tĩnh xem tường tận gương mặt anh. Nước da trắng quá mức cần thiết cho một người đàn ông Á Đông, hốc mắt sâu đến thế này, sống mũi cao và thẳng băng bất thường như vậy. Sang có được mấy cái ấy vì anh là đứa con lai giữa cha Pháp và mẹ Việt.
"Hồi xưa, để công chuyện làm ăn được êm xuôi, trót lọt, ông ngoại tôi bán con gái cho viên quan sứ Tây, rồi có tôi ngày nay."
Mẹ anh bị gia đình chuốc thuốc mê, đẩy vào phòng ông Paul Sarraut, khi ấy đang làm ở bộ Tài chính Nam Kỳ, qua đêm dài dằng dặc thì có anh trên đời này. Để đền ơn cái đêm hoan lạc ấy, cũng như lấp miệng thiên hạ về cái bào thai oan nghiệt kia, Paul Sarraut mở một đường trải hoa hồng cho ông ngoại Sang rồi bay ngay về Pháp, còn mẹ anh được gả bừa cho anh thầy ký quèn làm việc trong gia đình bên ngoại, rồi bị đẩy về Mỹ Tho. Với Sang, Paul Sarraut là người anh hận thấu ruột gan, nhưng cũng là người anh mắc nợ thịt xương ở kiếp này.
"Hồi tôi lên bảy tuổi, tía với má gây lộn, lỡ miệng nói chuyện này ra trước mặt tôi, tôi tủi quá, bỏ nhà đi, đi lang thang chỗ này chỗ kia." Thực ra nói chính xác là Sang lạc tới tận vùng hạ lưu sông Vàm Cỏ, mà anh sợ Tĩnh cho rằng anh đang phét. "Xong rồi tôi gặp được cậu ruột, ổng lén đưa tôi ra đây để dằn mặt tía má tôi. Cậu nuôi tôi ăn học ngoài này được một năm."
"Rứa là mười hai năm trước anh ở ni rồi." Tĩnh lẩm bẩm. "Rồi răng anh lại một mình ra ga Gia Định về Mỹ Tho?"
Sang thở ra một hơi: "Tôi ở đây một năm thì cậu ở Sài Gòn ra thăm, mới nói là thiệt ra tía bị bệnh nặng, má muốn bán ruộng vườn để lo bệnh cho tía, tía không chịu nên làm bộ ghét má con tôi, đòi ly dị, chia của, để khi tía chết rồi má sẽ còn đất ruộng sinh nhai. Xong lúc đó cậu tôi không muốn trả tôi về, ổng sợ tôi bị đuổi nữa, nên tôi lén trốn về." Sang thấy mình thổ lộ chuyện trốn nhà hai lần liên tiếp thì có hơi xấu hổ. "Khi về thì tía tôi như là hấp hối á, may mà tôi rước được ông thầy lang lạ ở dọc đường, ổng trị dứt bệnh cho tía tôi. Giờ tía tôi mạnh dữ lắm, hai ông bà còn sanh thêm cho tôi một thằng em trai nữa." Đã qua hồi giông bão, đến lúc trời sáng, giọng kể của Sang vui hẳn lên.
Tĩnh cũng dần cởi bỏ được gút mắc trong lòng, cả người nhẹ nhõm hẳn. "Rứa anh cứu người tê là vì tình ruột thịt à?"
Sang gật đầu: "Thiệt sự là tôi chẳng thể suy nghĩ gì thêm mà phóng ngay xuống nước." Anh khẽ run giọng. "Dù tôi biết ông ta đã làm gì với đồng bào mình, nhưng ổng là ba ruột của tôi, còn thằng nhỏ kia là em ruột của tôi." Sang đã cố chối bỏ, tránh mặt Paul Sarraut ở bất cứ nơi nào, lúc ông ta muốn nhận lại con, Sang quyết đóng cửa không tiếp, nhưng tía đã khuyên anh nhìn ba ruột, vì về với nguồn cội là bản năng con người, như cách anh đã nhảy xuống cứu đứa em cùng cha mà chẳng chút ngần ngại.
Chợt, Sang ngẩng đầu lên: "Tĩnh biết hết rồi đó, vậy Tĩnh nghĩ sao về tôi?" Sang vô thức siết lấy tay cậu, anh đang lo sợ, lo sợ tột độ.
Tĩnhh nghiêng nghiêng cái đầu, vỗ nhẹ mấy cái lên mặt anh, mỉm cười:
"Rứa anh nghĩ ra răng?"
Thằng Hiếu lập cập bưng thau nước ấm lên nhà cho khách rửa người, chân sắp qua bậc cửa thì chợt khựng lại, lần đầu tiên trong đời nó thấy cậu Hai nhà nó chịu cho người ta ngồi vào bàn đọc sách của mình, dùng bút của mình. Mà sao khung cảnh trong này hài hoà quá, nó sợ mình sẽ phá hỏng mất. Thằng Hiếu lẳng lặng đặt thau nước cạnh bậc cửa, đi ra xa xa đằng hắng một cái rồi chạy ù đi.
Mưa đêm nay dai dẳng làm sao. Hơi nước trắng xoá bay quanh quẩn quanh căn phòng. Người tham luyến hơi ấm, không nỡ rứt ra.
Tận sáng hôm sau, Tĩnh mới trở về nhà. Công tử Hồ Đắc Thịnh, anh trai của Tĩnh nằm giả bệnh thế mạng cho em suốt một đêm, thấy người về thì mừng quýnh lên.
"Thằng giặc nhà mi! Đi hoang cả đêm mới về! Cha mà đòi vô xét phòng thiệt là ta chỉ còn nước nát mình với mi á."
"Em đi đưa bạn ra ga về Mỹ Tho rồi mới về."
"Bạn mô ở Mỹ Tho? Thằng nớ á?" Thịnh nổi xung thiên. "Rứa mi còn định qua lại với thằng Tây nớ á? Cha biết là cha đánh mi nhừ xương."
"Nên anh phải che cho em, không thì em sẽ thưa với cha là anh đi hẹn chui với cô Thuý Hồng, con gái ông chủ tiệm vải chuyên may đồ cho Tây." Khi buông lời đe doạ, Tĩnh vẫn rất ung dung rũ áo, cởi giày.
Thịnh tái hết cả mặt, anh rõ ở trong nhà này phân lượng của công tử Hồ Đắc Tĩnh nặng hơn anh cả chục lần, hai đứa mà nói ra một lượt thì Thịnh sẽ bị đòn nhiều hơn, vì Tĩnh chỉ kết bạn với Sang, còn Thịnh muốn rước Thuý Hồng về nhà.
Tĩnh vỗ vai anh trai, nói:
"Anh Sang có tặng cho nhà mình một hộp [chocolat], để em chia cho anh mấy miếng."
"Ai mà thèm!" Thịnh quăng cái mền lên đầu thằng em út, nhưng mà vẫn ngồi trên giường chờ phát quà.
Tĩnh cười cười, mở hộp [chocolat] ra. Trong chiếc hộp thiếc có mạ vàng kia là mấy chục viên [chocolat] có vô số hình dạng khác nhau, mùi sữa với ca cao toả ra thơm phức, làm Thịnh lén nhón tới năm, sáu viên.
"Nè, răng mà mi biết chuyện ta với cô Thuý Hồng rứa?" Thịnh chọt chọt tay cậu.
Tĩnh liếm môi một cái, trả lời: "Hôm qua anh Sang kể em nghe."
"Cái tụi thằng giặc nhà mi!" Thịnh chửi cho đã miệng rồi lại vòi kẹo ăn tiếp.
Tĩnh nhìn ra cửa sổ. Bầu trời sau cơn dông đã trong xanh trở lại, có hơi se lạnh. Cây cỏ gấu mọc dại bên tường rũ mình, bung lá đón mặt trời lên. Cậu nhìn nó mà nhớ về người bạn ở Mỹ Tho đang trên đường về nhà.
"Tôi thấy mình như một cây cỏ dại, toàn tới khi người ta không cần, nhổ hoài không sạch rễ, cứ lì lợm mà sống. Nhưng mà Tĩnh biết không, khi mảnh đất khô cằn đang trên đà hồi sinh, cỏ dại là cái đầu tiên phủ xanh đồi trọc."
Trên đoàn tàu từ Huế về Mỹ Tho, Sang cũng đang ngắm nhìn bầu trời trong xanh ngoài cửa sổ, miệng nhấm nháp miếng bánh đậu xanh thơm phức.
"Cậu Hai ơi, bánh đậu xanh ngon quá!" Thằng Hiếu thích tới mức tiếc luôn mấy vụn bánh trên đầu ngón tay, mút cho bằng sạch.
"Ăn ít thôi, chừa phần cho tụi ở nhà nữa." Nói chứ Sang cũng ăn gần nửa hộp rồi, nhưng vẫn chưa thấy thoả đây.
"Ủa mà cậu ơi." Thằng Hiếu gãi đầu. "Cái hộp kẹo Tây kia cậu Ba năn nỉ cậu mua cả năm nay á, mà giờ cho cái cậu kia rồi, có sao không cậu?"
Sang cười cười, gãi cái mũi:
"Thì bù cho nó bánh đậu xanh ở Huế đi."
Sang đóng hộp bánh lại, nhét sâu trong cặp để đề phòng anh lại thèm mà chén sạch sành sanh. Chợt, anh nhìn thấy cuốn tập kia, không kiềm được mà rút ra xem lại. Trang bìa trắng nay đã chi chít các vết mực, vẽ hình một ngọn cỏ dại đang vươn mình sau bão, cùng với đôi câu đối.
"Phá đất khô trỗi dậy, ăn nắng uống sương mà cao lớn
Giữ đồi xanh ngủ yên, gội mưa tắm gió chẳng thấp hèn."
P/s: Viết chương này muốn đứt hơi luôn, nhờ mọi người nhớ cmt cổ vũ nha.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top