Chương 7
Chương 7: Đắng, cay đi qua. Ngọt, lành ở lại.
Thấm thoắt đó mà đã gần một tuần.
Chiều nào Tĩnh cũng ôm đàn ra sông Hương cùng Sang ngâm thơ uống rượu, tới lúc trăng lên cao mới chịu về. Vì ở đây Tĩnh là chủ, Sang là khách nên cậu luôn giành chuyện trả tiền, anh cũng không nài ép, nhưng mỗi ngày đến sẽ mang một món đồ ở bên Tây tặng cho cậu, khi thì chai dầu thơm, lúc thì thỏi bơ lạt. Hôm nay Sang mang đến một loại kẹo lạ, đen đen, cứng cứng, nhưng khi bỏ vào miệng thì nó lại tan ra, vị ngòn ngọt, đắng đắng, Tĩnh thích ăn cái đó lắm.
"Cái ni ngon quá. Kẹo chi rứa?"
"Cái này là kẹo ở bên Tây, người ta kêu là chocolat."
"Sục cù là?" Tĩnh bập bẹ lặp lại tên loại kẹo Tây này, như con nít đang tập nói.
Sang lắc đầu, nhắc lại: "Chocolat."
""Su...cu...lạt..."Tĩnh biết phát âm kiểu này sai quá sai rồi, cậu giả vờ ho, ngoảnh mặt đi. Cậu sợ anh trêu mình.
Nhưng Sang không có trêu, còn rất kiên nhẫn dạy cậu phát âm cho đúng: "Chocolat." Sang gõ lên thùng đàn. "Tĩnh, nhìn miệng tôi nè."
Tĩnh vẫn không chịu xoay mặt lại, Sang lay kiểu nào cũng không được. Sang gác đàn lên chiếc bàn nhỏ, bước sang chỗ Tĩnh, thế thì cậu lại gằm mặt xuống đất. Anh ngồi xổm dưới đất, ngẩng đầu lên nhìn cậu:
"Tĩnh."
Người đáng ra sẽ bị trêu lại phì cười trước. Cười Sang, Tĩnh thấy tội lỗi, nhưng nhìn anh giống con "vàng" gác ngoài kho quá, cậu nhịn không nổi, chút nữa đã đưa tay sờ đầu anh rồi.
"Tĩnh. Nhìn miệng tôi nè." Sang nhấn mạnh từng con chữ. "Cho – co – lat."
Tĩnh nhìn kỹ từng cử động trên miệng Sang, môi cậu cũng vô thức làm theo:
"Cho...co...lat?" Hai chữ giờ đã như một rồi.
Sang gật đầu, dốc một viên "chocolat" từ trong chiếc hộp sắt ra lòng bàn tay:
"Cho Tĩnh nè."
Anh muốn cầm tay cậu, đưa viên kẹo từ bàn tay anh sang bàn tay cậu, nhưng Tĩnh đã cúi xuống trước, ăn viên kẹo ngay trong lòng bàn tay anh. Môi cậu chạm vào lòng bàn tay anh, mang theo hơi nóng là lạ, bỏng rát như chiếc bánh bao của ngày Trung thu ở Sài Gòn, nồng nàn như chén rượu trên dòng sông Hương, nó lan khắp cơ thể anh, dỗ nhẹ cảm xúc lạ lùng nào đó vừa được gieo vào lòng.
"Kẹo ni ngon quá." Tĩnh nhai viên kẹo nhóp nhép, luôn miệng khen.
"Ờ..."
Sang loạng choạng đứng dậy, đi về chỗ ngồi của mình, anh muốn với tay lấy cái ghế mà sao chụp đường nào cũng không trúng, đành đứng đó luôn, chứ lỡ ngã xuống sông thì mất mặt lắm.
"Ở chỗ tôi còn mấy hộp, để mai tôi đem cho Tĩnh nha."
"Hay bữa ni tôi tới chỗ anh luôn. Mấy bữa ni toàn là anh đưa tôi về nhà, chừ tôi đưa anh về là huề. Chừ đi luôn nha."
Tĩnh nghĩ hai người quen nhau cũng gần tuần, trao đổi đàn ca nhiều rồi, giờ cậu muốn biết thêm về những mặt khác của người này. Nhưng mà sao mặt Sang cứng ngắt.
"Thôi, chỗ tôi bề bộn lắm. Để ngày mai tôi đưa qua cho."
Sang chỉ liếng thoắng cái miệng thôi, còn tay chân thì như tượng đá, Tĩnh cau mày trông sang, Sang tránh không nhìn, biểu lộ rõ ràng không muốn mời khách về phòng trọ của mình.
"Tôi về." Tĩnh cất đàn vào giỏ da, thắt nút dây xoạch xoạch, đẩy ghế đi thật.
Sang ngỡ ngàng, gọi với theo: "Bữa nay mình còn chưa đàn bài nào mà Tĩnh."
Tĩnh không thèm nghe, bước đi nhanh về nhà, song khi cậu đi được tầm chục bước chân thì nhớ mình chưa trả tiền rượu, đành quay lại. Cậu thấy người ta giờ đã ngồi trên ghế tre, đàn gác trên bàn giờ nằm trong tay, chén rượu mới vơi đã đầy trở lại.
Hai người gặp nhau, giao hoà cung đàn, nhưng gần thêm thì ngại, xa ra không tiếc, Tĩnh hiểu rồi, cái này gọi là "bèo mây giữa đàng", gió đẩy bèo tan, gió đưa mây vỡ. Cậu với anh, đối với anh, hoá ra chỉ đến thế.
Trong lòng bực bội quá đỗi, Tĩnh quyết định uống rượu giải sầu. Cậu kêu một bàn đầy ắp rượu thịt, rót cho mình hết ly này đến ly kia, người ta thường lấy nước dập lửa, thì bây giờ cậu muốn lấy thứ chất lỏng này dập tắt ngọn lửa đang âm ỉ trong lòng, nhưng rượu nào phải nước lạnh, gặp phải lửa càng khiến nó cháy bùng lên. Tĩnh nghiến răng, mở giỏ ôm đàn, gảy loạn xạ.
Người ta hoặc đàn "Lưu thuỷ", hoặc đàn "Hành vân", Tĩnh đàn cả "Lưu thuỷ" lẫn "Hành vân", câu đầu nước chảy, câu sau mây bay, đang là cánh bèo lững lờ trên dòng nước bỗng bị gió cuốn bay vút lên trời, vậy mà bài nhạc không bị lỗi, chỉ những ai biết rành cả hai bài mới nhận ra vấn đề này thôi.
Sang đang ngồi cách Tĩnh chỉ một cái bàn, khẽ gọi:
"Tĩnh à. Tĩnh."
Tĩnh đáp lại bằng cách dằn mạnh dây đồng, gảy lên âm thanh nhức nhối như muốn xé rách màng nhĩ người ta.
"Tĩnh à, Tĩnh say rồi." Sang qua bên ấy vịn tay cậu lại. "Tôi đưa Tĩnh về." Khi Tĩnh muốn hất tay Sang ra để đàn tiếp, anh nói thêm. "Về nhà tôi."
Lúc này Tĩnh mới chịu thôi, hất mặt lên cười đắc thắng. Sang cười khổ, ông thầy nhỏ này quá đáng với anh lắm, anh tiễn cậu về nhà hằng đêm thì toàn kêu anh đứng từ xa vì sợ cha la, anh chỉ cản cậu về chỗ mình có một lần mà đã bị giận. Thôi, anh thua ông trời nhỏ này rồi.
Sang kêu Tĩnh ngồi đó để anh đi trả tiền cho chủ quán, rồi anh gọi một chiếc xe kéo đưa hai người về chỗ anh trọ.
Đó là một căn nhà tầm trung vừa mới xây theo kiểu Tây, vôi quét trên tường vẫn còn mùi hăng hắc, chắc là để cho khách Tây học tới trọ, ra ra vào vào nãy giờ toàn là sơ mi quần âu. Sang cẩn thận dìu Tĩnh xuống xe, luôn miệng kêu cậu coi chừng vấp, sân còn chưa lát xong.
Trong nhà Sang có thằng hầu được cắt cử trông nhà, thấy bóng của chủ thấp thoáng là lật đật xỏ dép ra cửa đón. Thằng này tên là Hiếu, nhìn mặt mũi trạc tuổi Sang, tay chân rắn rỏi, nghe Sang bảo Tĩnh là khách tới chơi thì lễ phép vòng tay chào. Sang dặn thằng hầu xuống bếp pha cho mình ly nước gừng, rồi anh dắt Tĩnh coi phòng.
Phòng trọ này đúng kiểu chỉ dùng để trọ lại, kê một cái giường cho người ngủ, ở cửa sổ thì kê bàn làm việc, ở trên bày giấy bút. Nó bừa như Sang nói thật, trên giường chất đầy hàng hoá, dưới đất thì bày toàn giỏ, chỉ chừa một chỗ nhỏ xíu vừa hai người ngồi trên giường, Sang sợ Tĩnh bất tiện nên nhắc ghế cho cậu ngồi ngoài hiên.
"Anh mua cái chi mà nhiều dữ rứa?"
"Tối mai tôi lên xe lửa rồi nên bữa nay soạn hàng về làm quà cho cha mẹ với thằng em trai ở nhà."
"Không mua cho vợ à?"
"Vợ con gì giờ này?" Sang đưa Tĩnh ly nước gừng. "Tĩnh uống cái này cho tỉnh rượu."
Ly trà gừng vẫn còn đang nóng hổi, Tĩnh phải vừa thổi vừa nhấp môi. Ly nước gừng được pha theo kiểu miền Nam, có bỏ hơi nhiều đường so với người Huế, uống vô thấy hơi nhờn nhợn trong cổ họng, nhưng Tĩnh vẫn uống sạch ly. Cái cay cay, nóng nóng của gừng giúp cậu tỉnh ra.
"Mai anh đi rồi, chừng mô ra đây nữa?"
"Tôi định rằm tháng bảy năm sau ra nữa."
"Lâu dữ rứa?"
"Tôi còn chuyện học nữa."
Tĩnh chép miệng, vị gừng toả khắp vòm miệng, vầng trăng khuyết trên trời phản ánh sáng trên vành ly sứ, làm cho nó loé lên một tia le lói. Một năm tuy lâu nhưng Tĩnh vừa lòng, đặt cạnh mười hai năm đằng đẵng, bặt tăm tin tức thì nó lại ngắn đi biết bao nhiêu.
Chợt, có tiếng xôn xao ngoài cửa ngõ, thằng Hiếu đang chặn đường ai ngoài đó, giọng điệu cương quyết lắm.
"Dạ mấy ông về cho, nhà cậu con bữa nay có khách rồi."
"Ôi dào ôi, có khách lại thêm khách, càng đông càng vui chứ sao."
Mặt Sang phiền thấy rõ: "Tĩnh vô trong đi, tôi ra kia chút." Sang dắt Tĩnh vào trong phòng, khép hờ cửa lại, sau đó trực tiếp đi thẳng ra ngoài đuổi khách.
Tĩnh hé cửa hóng chuyện, thấy một hàng ông lớn bà cả áo gấm, giày da mà phải khom lưng cúi mình với cậu thanh niên sơ mi quần âu giản dị. Sang có đỡ một, hai người đứng thẳng dậy, cười xã giao với họ, nhưng tấm lưng kia vẫn chẳng xê dịch dù chỉ một ly, tỏ rõ thái độ muốn đuổi khách, mấy người kia nài nỉ cỡ nào cũng không làm gì được, quà gửi sang cũng bị trả lại, đành phải lủi thủi đi về. Sang chờ họ đi khuất hẳn rồi mới trở vô.
"Xin lỗi Tĩnh nha." Sang mở cửa cho Tĩnh ra. Anh ngồi phịch xuống ghế, bộ dạng phờ phạc như mới qua được một kiếp nạn. "Tại vầy nên tôi mới không dám đưa Tĩnh về nhà trọ."
Tĩnh cũng không giận, còn có tâm trạng đùa anh: "Phú tại lâm sơn khách viễn tầm, anh đừng có giàu thì khách khỏi vô thăm."
Sang cười cười: "Ừa, tôi định lo cho thằng em ở nhà ăn học, để nó cưới vợ, đẻ con rồi thì tôi không giàu nữa." Sang đan mười ngón tay với nhau, ngẩng đầu nhìn vầng trăng bàng bạc trên trời, trong tâm trí anh vẽ nên một tương lai thanh bình cho bản thân, anh định sẽ sống trên con thuyền độc mộc xuôi dòng Tiền Giang, hoà nhập cùng bà con buôn bán trên chợ nổi. Nhưng sau khi nhìn qua Tĩnh, giấc mơ kia xuất hiện một vết nứt nhỏ. "Mà tôi sợ khi không giàu nữa thì khó ra đây gặp Tĩnh."
"Rứa thì tôi vô Nam với anh."
Sang nghe mà ngẩn người, một vấn đề tưởng như nan giải thế kia lại được Tĩnh tháo gỡ qua một câu nói giản đơn.
"Ừm, tới lúc đó thì tôi đón Tĩnh vô Nam với tôi."
Rất nhiều năm về sau, những lúc hai người ngồi với nhau nhấp ly nước gừng thì nhớ lại hôm ấy, rồi đùa nhau là bữa đó lỡ thề thốt ngay giờ thiêng nên bị dính với nhau tới già, tới chết, nhưng hai người không hề hối hận.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top