Chương 5
Chương 5: Lênh đênh sông nước
Chợt, có người chạy vào kêu Sang ra giải quyết giùm đống lộn xộn ngoài sạp phát chẩn. Sang vội để đàn lên phiến đá, gấp gáp đứng lên. Tĩnh không kịp suy nghĩ gì, bắt lấy cổ tay người ta, siết thật chặt, cậu còn chưa hỏi Sang chuyện ngày ấy mà.
Sang cười thật hiền, vỗ nhẹ lên bàn tay Tĩnh: "Tôi chưa có về Mỹ Tho liền đâu. Tôi sẽ tới tìm cậu mà."
"Ờ." Tĩnh buông lỏng tay, thả cho người đi.
Sang nhấc mũ chào một lượt ba người rồi nhanh chân quay trở lại sạp phát chẩn. Trong tích tắc, nụ cười hiền hậu trên gương mặt Sang biến mất.
"Em đi vô với mẹ đây." Tĩnh cầm đàn đi vào trong, nhìn bóng lưng cậu cô đơn lắm, như nãy giờ đi đi về về chỉ có một mình mình.
"Hai mình" đi cùng Tĩnh từ ngoài cổng chùa giờ mới giật mình nhận ra là mình có tồn tại, nãy giờ hai người kia cứ tíu ta tíu tít, không cho ai chen miệng vô hết. Khiêm ngẩng mặt nhìn trời, hỏi chuyện gì đang xảy ra.
Mặt trời dần ngả về Tây, các bà đi chùa đã trọn buổi, giờ phải trở về nhà lo chuyện cơm nước cho các ông chồng đi làm về. Tĩnh vác đàn, dắt tay đưa mẹ ra ngoài cổng, xe đã dựng sẵn ở ngoài. Các sạp phát chẩn đã được cất đi gần hết, chỉ còn mỗi sạp phía Nam vẫn đông đúc người đến và đi.
Tối trời thế này, người ta vẫn làm việc không ngừng tay, lớp thì đôn đốc đổ gạo vào hũ, lớp thì kêu chỉnh lại hàng, Tĩnh thấy có lúc gạo hết, người ta tưởng đã xong, dựa vào gốc cây nghỉ ngơi, gặm tạm miếng bánh mì, nhưng thấy có bà ăn xin mặc áo vá vai tới lãnh gạo, người ta nhường luôn miếng bánh mì cho bà già, còn dúi thêm mấy tờ bạc.
Vất vả là thế, người ta vẫn nở nụ cười trên môi.
Hồi nãy Tĩnh được sư trụ trì cho biết Sang thường đặt sạp phát chẩn trước cổng chùa Thiên Mụ vào rằm tháng bảy mỗi năm, lần nào cũng phát gạo cho tới tận khuya, không còn người nào tới xin thì sạp mới được cất. Tĩnh hỏi cơ duyên ở đâu mà người ta chịu lặn lội từ Mỹ Tho ra Huế phát chẩn, thầy kể rằng trước đây chùa có tạo duyên, một phật tử ở Huế giúp anh trong cơn túng quẫn, anh mang ơn trong lòng, phát nguyện mỗi năm sẽ mang gạo ra Huế phát chẩn. Sang làm việc này đã được năm năm rồi, nhưng trước đây còn bận việc học nên cậy phía chùa ở Mỹ Tho phát thay, tới năm nay mới tự đến Huế.
Chợt, ánh mắt của Tĩnh với Sang chạm nhau, anh cười với cậu một cái, cậu cũng mỉm cười đáp lại, khiến Sang ngơ ngẩn hồi lâu, nhìn mãi về chiếc xe ngựa cậu đang ngồi, dù nó đã ở xa tít tắp.
"Cậu Hai, chỗ kia hết gạo rồi."
Sang nhanh chóng hoàn hồn, chạy qua kia xử lý công chuyện. Anh làm cho tới tận lúc trăng lên, khi toàn dân xứ Huế đi ra sông Hương xem người ta làm lễ, người tìm về cái sạp này lãnh gạo thưa dần, thưa dần.
"Mình nghỉ tay đi mấy cô mấy chú." Sang phát cho mỗi người trong đoàn một ít tiền. "Cảm ơn mấy cô mấy chú nhiều nha, mấy cô chú đi coi làm lễ vui vẻ nha."
"Dạ, tụi tui cảm ơn cậu Hai."
Người làm trong đoàn rối rít nhận tiền rồi dắt díu nhau ra bờ sông Hương coi người ta làm lễ. Có người nán lại rủ Sang cùng đi nhưng anh từ chối, anh bảo muốn ở đây ngắm trăng, người ta có cặp có đôi rồi, anh theo làm gì.
Còn một mình Sang ngồi trên sạp, ngẩng đầu nhìn trăng. Trăng đêm nay tròn vành vạnh, sáng như gương, gợi cho anh nhớ cái đêm ở Sài Gòn vào năm Bính Thân (1896), trăng cũng tròn và sáng như thế, mà bụng anh cũng đói như thế.
Công việc bận rộn đã được cởi bỏ khỏi người thì Sang mới phát hiện ra mình vẫn chưa ăn gì, bụng anh sôi ùng ục, ruột quặn lên. Sang lần mò trong áo lấy tiền, định bụng sẽ đi mua ít đồ ăn lót dạ, xong thấy túi nào cũng trống không, sực nhận ra ban nãy anh bỏ quá trời tiền đi mua thêm gạo, phần còn lại thì chia hết cho người làm, không giữ cho bản thân một đồng nào.
Nhưng may mắn thay, hoàn cảnh hiện tại của anh không quá giống ngày ấy, anh còn ít tiền ở nhà trọ, để cho thằng hầu giữ, giờ anh về nhà trọ kêu thằng hầu mua đồ ăn, tiện thể ngơi lưng luôn.
Sang cắn răng, cố lê thân tàn về nhà trọ, mà giờ anh đói bụng quá, tay chân bủn rủn hết trơn, còn nhà trọ thì cách đây xa lắm.
"Nè, cho mi."
Có người mở bàn tay Sang, đặt vào ấy chiếc bánh nóng hổi, anh giật mình, tay theo ước muốn sâu thẳm trong lòng mà bắt lấy, giữ chặt không cho đi. Ngẩng đầu lên, vẫn là người xưa tìm đến lúc mình khốn quẫn, bàn tay người áp lên gò má, xoa xoa, hốc mắt anh đỏ lên, cổ họng nghẹn ngào:
"Cảm ơn cậu."
Tĩnh vén tà áo tấc, ngồi xuống sạp cùng Sang, nhìn người ta cầm cái bánh ít gai nhân dừa ăn ngấu nghiến, như cái ngày gặp nhau ở Sài Gòn. Chẳng hiểu vì sao Tĩnh nhớ cái ngày ấy như in, người ta chen chúc với cả chục người để giành đường lên tàu, vô thức bộc lộ ra cái cười ấy, cái cười của kẻ tự dỗ dành mình là bản thân vẫn có thể đảm đương hết mọi việc dù đã là hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Bởi nhớ mãi ngày ấy, Tĩnh đưa mẹ về nhà rồi quẹo xe lại, mua mấy cái bánh ngoài đường đem theo, kịp thời cứu người ta qua cơn đói.
"Mi giàu như rứa mà răng lần nào gặp mi ta cũng phải xìa bánh ra cho mi ăn rứa?" Lời Tĩnh mỉa mai nhưng ánh mắt nhìn Sang thì đầy ắp sự quan tâm.
"Tại cậu toàn xuất hiện lúc tôi ở trong hoàn cảnh hiểm nghèo mà. Cậu là ông tiên của đời tôi."
Sang nói bằng tấm lòng thành kính nhất nhưng bánh đang đầy họng nên nghe nghèn nghẹn, làm Tĩnh phụt cười.
"Mi mới là tiên nớ. Cho thiên hạ ăn no rồi mình đói meo."
Sang cười, khẽ lắc đầu: "Tiên thánh gì cậu. Hồi xưa thiên hạ cứu tôi, giờ tôi trả ơn cho thiên hạ thôi."
"Ừm, ta nghe sư trụ trì kể rồi."
"Ừm."
Không khí giữa hai người bỗng dưng trầm xuống, miệng của Sang bận nhai bánh lấp bụng, còn Tĩnh thì im lặng suy nghĩ điều gì đó, trong mắt có lửa, răng trên nghiến môi dưới, tay bấu lấy cái sạp, rõ ràng là đang giận. Sang thấy nuốt không trôi, anh chọc cậu lớn giận gì sao?
"Chuyện gì vậy cậu?"
"Hôm nớ răng mà mi lên xe ông tê mà không chờ ta quay lại rứa?"
Tĩnh vẫn luôn ấm ức cuộc chia tay đơn phương năm ấy, người tự dưng để lại lời nhắn ngắn ngủi rồi đi biền biệt, chẳng kịp cho cậu hỏi thăm quê quán để có dịp xuống Mỹ Tho chơi sẽ tới thỉnh giáo ngón đàn.
Sang cười thật hiền: "Cha tôi ở quê bị bệnh nặng nên tôi nóng ruột lắm, lúc tôi nghe ông đánh xe cũng cùng quê là xin quá giang luôn."
Người ta giải thích có tình có lý như vậy, Tĩnh đâu thể bắt tội gì nữa, giọng dịu lại:
"Rồi răng? Cha mi ra răng rồi?"
"Ông đánh xe chở tôi về quê, trên đường đón thêm một ông thầy lang, vậy mà vừa đúng duyên, ông thầy lang đó chữa cha tôi dứt bệnh luôn." Sang ngừng lại một chút, mỉm cười. "Nếu hôm đó không gặp cậu, chắc tôi không có được ngày hôm nay, cậu là người tôi mang ơn nhất."
Sang nhìn Tĩnh, ánh mắt đong đầy sự biết ơn, tôn kính cậu như một vị thánh sống, khiến cho Tĩnh cảm thấy hơi ngượng, phải quay đầu đi mới giữ được bình tĩnh, đôi mắt của Sang sao mà sâu quá.
Sang ăn hết chiếc bánh, liếm những vết bột nhão còn dính trên đầu ngón tay, xong mới lấy khăn lau sạch. Anh nhích gần Tĩnh, vịn vai cậu:
"Tôi ở nhà mấy năm để phụ mẹ chăm bệnh cho cha, rồi lại qua Tây học thêm mấy năm nữa. Có mấy lần tôi ra đây, muốn đi tìm cậu lắm mà không biết nhà ở đâu, tại hôm đó đi gấp quá không kịp hỏi. Được lần này tôi ra chùa Thiên Mụ, thấy thằng hầu của cậu thì nhớ mặt, mới tìm được, nhưng chần chừ không dám kêu, sợ cậu ở sang mà chê tôi con nhà nông bần hàn rồi xua đuổi."
Giọng Nam Kỳ của Sang như là món mứt gừng, ngòn ngọt mà âm ấm, nghiền ngẫm hồi lâu thì lại thấy cay xé lòng, tương tự tiếng đàn nguyệt anh ngẫu hứng gảy lên vậy.
"Mấy năm qua ta cũng muốn tìm mi mà, ta muốn nghe mi đàn thêm một bài nữa." Tĩnh thổ lộ nỗi lòng mình.
Sang mừng rơn, vội lôi cây đàn cất trong chiếc giỏ da được đặt dưới sạp, muốn gảy cho Tĩnh nghe ngay tại đây. Nhưng Tĩnh ngăn lại, nói rằng:
"Hát xướng trước cửa chùa không có hay mô. Ta đi chỗ khác."
"Ừm. Vậy cậu dẫn tôi đi với."
Tĩnh dắt tay Sang ra bờ sông Hương, ở đây có một bến thuyền chuyên cho tao nhân mặc khách thuê, họ sẽ chầm chậm chèo thuyền ra giữa dòng, trên đó bày biện rượu trà với ít đồ nhắm, có còn để giấy bút, hoặc gửi đào hát đến gảy đàn trợ hứng cho văn nhân xướng ngôn thành thơ.
Tĩnh là khách quen ở chỗ này đã được một năm, ngày trăng tròn nào cũng đến. Bóng cậu vừa lấp ló từ xa, ông chủ bến liền đon đả đến mời, bảo đã neo riêng thuyền cho cậu rồi, còn để trên đó cô đào Thanh Thuỷ có ngón đàn giỏi nhất.
"Không cần, bữa ni ta đi hai người thôi." Tĩnh thẳng thừng từ chối nhã ý của ông chủ bến.
"Ơ..." Chủ bến thắc mắc muốn hỏi, nhưng tính công tử Hồ Đắc Tĩnh xưa nay chẳng nói hai lời, đành chắp tay xin vâng, rước hai vị khách xuống thuyền, lại gọi cô đào Thanh Thuỷ lên bờ.
"Ôi cha." Chút nữa thì Sang trượt chân.
"Đi từ từ thôi." Tĩnh cẩn thận giữ tay Sang.
"Cảm ơn cậu." Sang cầm chặt tay Tĩnh, như muốn dựa cả người vào cậu, đi từng bước nhỏ lên thuyền, chật vật hồi lâu mới tới bàn rượu.
Cô lái đứng ở mũi sau khua mái chèo, thuyền dần xa bờ, tiến về giữa dòng sông Hương. Trăng thanh gió mát, phong cảnh hữu tình, ai có tâm hồn nghệ sĩ đều không thể không động lòng.
Sang mở chiếc giỏ da, lấy cây đàn nguyệt ra.
"Vẫn cây đàn nớ à?" Tĩnh hỏi.
"Ừm."
Mười hai năm trôi qua, nhưng cây đàn nhìn vẫn như vậy, khác một cái là khi xưa gặp cơn loạn, đàn đứt mất một dây, nay gặp nhau sum vầy, hai dây đã đủ đầy.
"Cậu thích nghe bài gì?" Sang gảy tưng tưng mấy tiếng để thử dây đàn, sau đó chỉnh lại cho chuẩn.
Tĩnh biết sở trường của Sang là đàn mà không cần bài bản, bèn nói:
"Mi ngâm ta nghe một bài đi."
"Ngâm hả?" Sang gãi đầu. "Tôi học ít chữ lắm, sao dám ngâm hầu cậu." Anh ôm đàn ngồi thu lu như đứa con nít đang ôm một món đồ chơi cỡ lớn. "Tôi chỉ học lóm được mấy câu ca dao, mấy bài vè của nước mình thôi, tôi ngâm cậu nghe ha."
Hai chữ "nước mình" lại khiến Tĩnh động lòng, cậu gật đầu ngay.
Sang chỉnh dây đàn về đúng âm vực mình thường hát, anh nhịp chân, đánh khúc dạo. Khúc nhạc bình bình, như mặt sông rì rào khi có cơn gió nhẹ đến dạo chơi, Tĩnh đoán rằng anh đang tìm câu ngâm thích hợp, cậu rót một chén rượu, nhấp nhẹ, ngón tay thon thon gõ nhịp trên mặt bàn, mắt huyền vì trông ngóng mà nhìn người ta không hề chớp. Sang chợt cười thật đậm, gảy mạnh dây trầm, thấp giọng mà ngâm:
"Một thương tóc vấn gọn gàng
Hai thương đi đứng đường hoàng nghiêm trang
Ba thương ăn nói dịu dàng
Bốn thương mơ mộng mắt huyền trông anh
Năm thương dáng điệu thanh thanh
Sáu thương giọng Huế hữu tình nên thơ
Bảy thương những phút mong chờ
Tám thương thơ thẩn bên bờ Hương Giang
Chín thương bến Ngự sang ngang
Mười thương tà áo nhẹ nhàng gió bay."
Sang dùng cái giọng Nam Kỳ như mứt gừng ấy ngâm một câu ca dao tỏ tình của người xứ Huế, ngón tay chuyển đổi thoăn thoắt từ dây trầm sang dây bổng, bộc lộ niềm yêu rạt rào như sóng nước, gọi thuyền về bến mơ.
Tĩnh bâng quơ nhìn ra sau, cô lái đò mặc chiếc áo dài Huế đang cúi đầu, hai má đỏ hây hây, chẳng hiểu vì gió sông về đêm trở lạnh hay là đang ngượng vì được người đẹp trai kia gảy đàn tán tỉnh. Tĩnh lại nhìn về Sang, mắt anh chưa rời nguồn cảm hứng từ phía đối diện, đoạn kết vẫn còn đang được gảy lên.
Chỉ một thoáng nhìn thế kia mà Sang có thể tự ứng tác được một bản nhạc, Tĩnh không thể không khâm phục.
"Mi dạy ta đàn đi."
"Tôi rất sẵn lòng."
Tĩnh rót hai chén rượu thật đầy, nâng một chén lên, trịnh trọng nói:
"Uống xong chén rượu này thì hai ta sẽ là thầy trò."
Sang cũng nâng chén rượu bằng hai tay, cung kính nói: "Vâng, thưa cậu." Rồi uống cạn một hơi.
"Giờ mi là thầy ta rồi, mi không được gọi ta là cậu nữa, mà phải gọi là con." Tĩnh nghiêm mặt chỉnh lời.
"Phụt." Sang cười mà phun luôn ngụm rượu ra ngoài, may mắn là không phun trúng mặt Tĩnh.
Tĩnh nhíu mày, nhăn mặt: "Mi cười cái chi?"
"Khục khục." Còn ít rượu sót lại trong cổ làm Sang ho sặc sụa.
Anh nín cười không nổi. Trời ơi, công tử Hồ Đắc Tĩnh bảo anh gọi cậu là con nhưng bản thân vẫn xưng "ta" – "mi" với anh, cậu có thấy mâu thuẫn lắm không?
Tĩnh cũng nhận ra vấn đề, ngượng nghịu nói: "Ta biết... Tôi biết rồi, tôi sẽ xưng hô lễ phép với thầy."
"Thôi." Sang xua tay. "Kêu cậu là con, tôi tổn thọ chết. Tôi kêu tên cậu thôi, được không? Cậu cũng không cần kêu tôi là thầy đâu, cậu kêu tên tôi là được rồi."
Tĩnh ngẫm nghĩ một lúc thì gật đầu.
"Rứa thì kêu...anh Sang, được không? Anh kêu tôi là Tĩnh, tôi kêu anh anh Sang, tại anh lớn hơn tôi mà."
"Ừm. Tĩnh kêu vậy tôi chịu đó." Sang chống cằm, cười tít cả mắt.
*Góc bóc phốt cậu Hai:
Rất lâu về sau, khi hai người về với nhau rồi, thầy Hai mới biết chồng mình là công tử miền Tây chính tông, tức là từ lúc lọt lòng đã quen thuộc với thuyền bè, sông nước, hồi nhỏ còn từng trốn nhà ngủ lang trên thuyền câu của tá điền, lớn lên lại hay đi thuyền về Cà Mau để thu tô ruộng. Còn một chuyện nữa, về cái bài ngâm ngày ấy ấy, ông Hai đã sửa lời, nguyên bản của nó thế này cơ:
"Một thương tóc xoã ngang vai
Hai thương đi đứng dịu dàng đoan trang
Ba thương ăn nói có duyên
Bốn thương mơ mộng mắt huyền thêm xinh
Năm thương dáng điệu thanh thanh
Sáu thương nón Huế nửa vành nên thơ
Bảy thương những phút mong chờ
Tám thương thơ thẩn bên bờ Hương Giang
Chín thương bến Ngự sang ngang
Mười thương tà áo nhẹ nhàng gió bay."
Nghe kể rồi thầy mới biết nguồn cảm hứng của bài ngâm ngày ấy nào phải cô lái đò ở dòng sông Hương mà là người thương trăm năm của ông kia kìa.
Rồi còn một chuyện nữa...
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top