Chương 4
Chương 4: Xuôi lòng ra Bắc
Huế, năm 1908.
Trong khi Nam Kỳ đã quen với lối sinh hoạt của phương Tây từ lâu, Bắc Kỳ và Trung Kỳ bắt đầu chuyển mình nhờ vào cuộc vận động duy tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, nam giới bỏ đi mái tóc dài, tẩy màu răng, cắt gọn móng tay và học chữ tượng thanh (sau này chính là chữ Quốc ngữ). Dĩ nhiên, có nghênh tân tất còn thủ cựu, rất nhiều nho sinh phản đối cuộc cải cách, kiến nghị với nhà vua đóng cửa các trường đi theo phong trào này. Hai phe đối lập không ngừng công kích, đấu tố nhau, giới sĩ phu nước Nam chia năm xẻ bảy.
Nhà Binh bộ Thượng thơ cũng nằm trong vòng xoáy ấy. Ông Thượng thơ Hồ Đắc Hiển thủ cựu bài tân, ra đường khăn vấn áo dài, đi giày vải, móng tay dài, nhai trầu bỏm bẻm, nhuộm răng đen tuyền. Công tử trưởng Hồ Đắc Trung đả cựu nghênh tân, cắt phăng mái tóc, áo tây quần tây, đi giày da, cắt móng sát da, cạo răng trắng tinh. Còn Công tử nhỏ nhất nhà, Hồ Đắc Tĩnh thì sao? Tĩnh miễn cưỡng phải dung hoà hai bên.
Hoàn cảnh của Tĩnh éo le lắm thay, trên đầu Tĩnh là cha, nhưng từ lúc cha thoái chí về vườn thì người trực tiếp dạy dỗ cậu lại là anh cả. Hai bên xô xát nhau trời long đất lở, kết quả là một Hồ Đắc Tĩnh "lờ lợ" thế này đây: vẫn khăn vấn áo dài khi ra đường, nhưng chân thì mang giày da, răng trắng tinh, móng tay cắt gọn. Ngày ngày nhìn mình trong gương, Tĩnh luôn hoang mang, không biết mình là ai, người gì, cả ngày buồn rầu, ngán ngẩm, phu nhân Phương Huệ thường dắt cậu đi viếng chùa vào những ngày đầu tháng và rằm, mượn tiếng chuông mõ xua đi tà niệm.
Hôm nay là rằm tháng Bảy, Tĩnh theo mẹ đi chùa Thiên Mụ làm lễ Vu Lan. Bà Phương Huệ đã dặn kỹ từ hôm qua là lễ Vu Lan rất quan trọng đối với một Phật tử, cần phải ăn bận trang trọng, không được xuề xoà như thường ngày. Thường ngày Tĩnh đã luôn khăn vấn áo dài rồi còn gì, muốn trang trọng hơn thì cậu mặc áo tấc. Tĩnh sai thằng Hiền lấy chiếc áo tấc ở sâu trong tủ đi phủi bụi, ủi cho phẳng phiu, sau đó hầu cậu thay đồ.
Giờ Tĩnh đã mười lăm, cao bằng thằng Hiền, những nét tiềm ẩn ngày xưa đều đã lộ ra hết, cặp lông mày đậm đen kéo một đường thẳng tắp, hai mắt tròn nhưng bén ngót, gò má cao, bọn hầu càng nhìn thì càng rét. Con Điều được gọi đến để đưa Tĩnh chiếc giỏ da có cây đàn nguyệt, lập cà lập cập, lẩy bà lẩy bẩy.
"Dạ... dạ... con...xin...đưa..."
"Mi trúng gió hở?" Tĩnh giật cái giỏ, đeo lên vai.
Phu nhân Phương Huệ cám cảnh thằng út nhà mình. Công tử Hồ Đắc Tĩnh đẹp trai mà chả hào hoa phong nhã, sống như thầy tu, tuổi ăn tuổi lớn nhưng trên giường không vướng lấy một cọng tóc của con hầu nào. Thôi cũng tốt, bà thà có con là thầy tu còn hơn học hư theo mấy anh trong nhà.
Bà lớn và cậu lớn nhà ông thượng thơ đi chùa, một đám hầu lục tục theo sau, đứa cầm dù, đứa quạt mát, phu xe kính cẩn rước bà với cậu lên ngồi. Dân ở Huế vẫn kính và sợ quan lại làm trong triều đình, bắt gặp hai chiếc xe từ nhà thượng thơ đi ra là nhanh chân tấp vào mà khom lưng, chắp tay.
Trời dạo này oi oi, mồ hôi Tĩnh túa ra đầy trán, có giọt rơi vào mắt, làm mắt cay xè, nhoè đi, trong lòng tự dưng nôn nao lạ thường.
"Dạ con mời cậu xuống xe."
Phu xe hạ càng, đỡ Tĩnh xuống. Thằng Hiền chạy bộ sát bên, lập tức bung dù che nắng cho chủ. Tĩnh đỡ tay mẹ đi vào chùa, cẩn thận dọn đường cho bà.
Lễ Vu Lan năm nào cũng có đông đúc người kéo về chùa Thiên Mụ, kẻ cầu phúc, người cầu tài, có người thiết thực hơn – đi xin những túi gạo bố thí của nhà chùa và mấy đoàn phát chẩn. Nhìn cảnh vàng thau lẫn lộn thế này, Tĩnh lại nhớ đến khung cảnh Sài Gòn ngày ấy.
Đang ngẩn người ra, Tĩnh lại bị một cây quạt đánh nhẹ vào vai, quay đầu thì thấy người bạn thân của mình.
"Mần chi mà đứng như trời trồng thế hả?" Người này dùng phương ngữ Huế nhưng lại nói giọng dân Hà Nội.
"Anh Khiêm." Tĩnh cười, mắt sáng lên.
Anh Khiêm này tên đầy đủ là Nguyễn Thế Khiêm, cũng là công tử nhà quan, quê gốc gia đình anh ta ở Hà Nội, sau người cha được điều về Huế làm việc ở Hộ bộ thì cả nhà cũng về đây. Khiêm hơn Tĩnh hai tuổi, cũng cao hơn một cái đầu, dáng người hơi đậm, da sậm màu, mắt thì to nhưng mũi với miệng lại nhỏ xíu, chúm chím, nhìn chẳng cân đối gì cả, hồi nhỏ Khiêm từng bị đậu mùa nên khi lớn còn để lại mấy vết sẹo trên mặt.
Khiêm còn dẫn theo một cậu con trai khác, anh này cao dong dỏng, mảnh khảnh, mặt mũi thanh tú, nom rất hiền lành, hiềm nỗi có nước da trắng xanh, hai mắt trũng sâu, mí dưới phơn phớt quầng thâm, như vừa mới bệnh dậy.
"Đây là anh Thế, Nguyễn Thuận Thế, anh họ anh từ Hà Nội vào chơi."
"Con chào bà." Thế lễ phép khom người chào phu nhân Phương Huệ. "Chào em Tĩnh."
"Chào anh." Tĩnh chắp tay trả lễ. "Chừ mình lên chùa lễ Phật đi."
Ba vị công tử hộ tống phu nhân Phương Huệ vào trong chùa. Trên đường đi, phu nhân Phương Huệ còn gặp nhiều phu nhân khác nữa, các bà hội họp nhau, từ từ tách ra khỏi cánh mày râu hồi nào không hay.
"Ôi... các bà..." Khiêm cất tiếng thở dài.
Thế cười khục khặc trong cổ họng rồi phóng mắt nhìn toàn cảnh chùa Thiên Mụ ngày lễ Vu Lan.
Ở trước cổng đặt mấy sạp phát chẩn, sạp nào cũng đầy người chen chúc nhau, rướn tay xin gạo. Cái sạp ở chếch phía Nam có đông người đến xin nhất, chỗ đó không chỉ phát gạo mà còn phát thêm bánh mì, người ra người vào lũ lượt, gạo vừa mới được đổ đầy hũ phát chẩn chỉ trong mấy chốc là cạn ngay.
"Nghe bảo người dựng sạp ở kia là một địa chủ ở Nam Kỳ. Người Nam Kỳ nhìn giàu ghê, còn tốt bụng, phóng khoáng." Thế tấm tắc, ánh mắt thể hiện sự ngưỡng mộ.
Khiêm cười khẩy:
"Ừ, phải giàu chứ, không có đủ chữ thì phải khoe giàu thôi."
"Người ta thiếu chữ dưng mà cho dân mình gạo với bánh mì, mình có chữ thì mình cho dân mình cái chi?"
Tĩnh siết lấy cái quai giỏ da, lấn qua một người đang khiêng gạo tới sạp phía Nam, chút nữa Tĩnh đã gạt người ta ngã chỏng gọng nhưng cậu không thèm xin lỗi một câu, chỉ vứt cho cái khăn tay rồi ngoảnh mặt mà đi, ngang ngược và hống hách vô cùng.
"Thôi rồi." Khiêm thầm than, biết rõ là Tĩnh giận rồi. Ôi cái ông cụ non Hồ Đắc Tĩnh, nhỏ tuổi nhất bọn mà dữ nhất nhóm. "Tĩnh à." Khiêm vội đuổi theo, chụp cái giỏ da Tĩnh đang đeo, kéo lại. "Anh biết rồi, anh không nói nữa là được chứ gì. Lên chùa đừng có giận mà em."
"Em có giận anh cái chi mô." Tĩnh gạt tay Khiêm ra.
"Rồi, không giận anh." Khiêm ngọt giọng làm lành. "Giờ mình đi thắp hương nhá."
Tĩnh, Khiêm và Thế vào chính điện thắp hương, khấn Phật, sau đó lại ghé gian sau thắp hương cho mẹ đẻ của Khiêm. Mẹ đẻ của Khiêm là một nàng hầu, sinh con trai ra là bị vợ cả bắt nuôi rồi đuổi đi, bà chỉ đành biết nương nhờ cửa Phật, khi chết đi thì gửi tro cốt vào đây, cứ tới mùa Vu Lan, Khiêm thường lén tới chùa thắp hương, cầu nguyện cho linh hồn mẹ an bình nơi cực lạc.
Tầm trưa, phu nhân Phương Huệ và các quý bà khác ăn chay với mấy sư cô rồi nghỉ trưa trong chùa, Khiêm dẫn Tĩnh với Thế đi ra sông Hương hóng gió.
Thế thấy Tĩnh cứ kè kè cái giỏ da bên người, lấy làm lạ, bèn hỏi:
"Ở trong đó có cái gì mà Tĩnh cứ mang thế?"
Tĩnh tháo giỏ xuống, mở ra, ở trong đó là một cây đàn nguyệt rất đẹp.
"Tĩnh thích nghe người ta chơi đàn nguyệt lắm, chơi cũng giỏi nữa." Khiêm xoè quạt, chạm lên vai Thế. "Giới thiệu với em, anh Thế là một trong các công tử chơi đàn nguyệt giỏi nhất Bắc Hà."
"Anh nói quá rồi." Thế hơi ngượng, cúi đầu, gò má tái nhợt có vầng hồng nhàn nhạt lan ra đến hai tai.
Tĩnh nâng đàn lên, đưa về hướng Thế. "Anh dạy tôi được không?"
"Vậy Tĩnh đàn cho tôi nghe trước đi."
Tĩnh bèn gảy hai khúc Lưu Thuỷ và Hành Vân, ứng với khung cảnh sông nước hữu tình, trên trời mây trắng trôi lững lờ. Tĩnh luyện đàn nguyệt suốt mười hai năm, ngón nghề đã đạt tới trình độ thượng thừa, dùng âm sắc vẽ ra sông suối, lấy thanh điệu tô màu mây trời. Thế ngồi nghe đến mức ngẩn ngơ, mắt không buồn chớp.
"Trời ơi, Tĩnh đàn hay thế này còn nhờ tôi dạy làm gì nữa?"
"Ấy thế mà cứ ôm đàn đi đòi người này người kia dạy đấy." Khiêm thấy đến cả Thế cũng không thể dạy Tĩnh thêm cái gì nữa thì chính thức bất lực buông xuôi.
Tĩnh một mực lắc đầu: "Tôi thấy mình học chưa tới."
"Như thế nào mà bảo là chưa tới?" Thế tự hỏi có phải Tĩnh đang khoa trương ngầm với mình bằng cách tỏ vẻ khiêm tốn hay không.
Tĩnh ôm đàn vào lòng, nhớ về khoảnh khắc ở Sài Gòn, trên chiếc xe ngựa, đứa con trai kia chỉ sử dụng một dây nhưng vẫn gảy được bản nhạc hoàn chỉnh, chạm đến lòng người.
"Anh đánh một dây thôi được không?"
Thế ngạc nhiên: "Ở đâu ra bản đàn chỉ dùng một dây?"
"Hồi xưa tôi có gặp một người chỉ đánh đàn bằng một dây thôi."
Thế nghe xong, tủm tỉm cười: "Vậy là không phải cần học đàn, mà là cần tìm người đánh đàn."
Khiêm đang phe phẩy quạt, đóng xoạch một cái, tỉnh ngộ ra: "Té ra là cậu Tĩnh nhớ người đánh đàn."
Tĩnh giật mình. Nhớ sao?
Ừ, nhớ chứ. Hồi đó Tĩnh mới ba tuổi, lần đầu tiên thấy người ta chỉ sử dụng một dây đàn mà vẫn gảy rất hay, cái gì đầu tiên đương nhiên sẽ nhớ lâu. Cậu có thử nhờ cha với anh cử người xuống Mỹ Tho tìm kiếm, nhưng bị la cho một trận, bảo không lo học mà suốt ngày đàn ca.
Tĩnh thường hỏi giờ người đó đang ở đâu.
"Thưa cậu."
Có tiếng người thở hổn hển đằng sau lưng, Tĩnh chợt rùng mình, quay lại thì bắt gặp một người con trai mặc âu phục, cao ráo, sáng sủa, trên tay cầm chiếc khăn mà hồi nãy Tĩnh đã vứt cho người bê gạo để thay lời xin lỗi.
"Cảm ơn cậu đã giúp đỡ. Tôi tới trả khăn cho cậu." Người đó lịch sự đưa khăn bằng hai tay. "Tôi kêu tụi nó giặt sạch sẽ, đem đi hơ lửa rồi, cậu đừng có sợ dơ."
Tĩnh không chấp nhặt đến một cái khăn tay, nhưng người ta đã muốn trả đến thế thì đành nhận lại vậy.
Bỗng, Tĩnh thấy mấy ngón tay của người này, chẳng rõ là vô tình hay cố ý, lướt nhẹ trên lòng bàn tay cậu, thể hiện sự lưu luyến, không muốn vội vã rời xa. Ánh mắt anh ta liếc sang cây đàn nguyệt, sáng lên, những ngón tay khẽ động đậy.
"Mi đàn cho ta nghe đi." Tĩnh không ngần ngại mà giao cây đàn quý giá của mình cho anh ta, chính cậu cũng thấy lạ lùng.
Anh ta cũng chẳng ngần ngại mà nhận lấy: "Xin phép cậu cho tôi được múa rìu qua mắt thợ."
Anh ta ngồi trên tảng đá phẳng phiu, chân trái vắt lên chân phải, tay phải ấn phím, tay trái gảy dây, đàn một bài chưa từng được ghi lại trong tập nhạc của bất cứ ai.
Thế ngồi nghe đàn, tay chân run bần bật. Nếu bản nhạc ban nãy Tĩnh gảy là một bức tranh mô phỏng cảnh sắc núi sông, đưa người ta vào một cuộc hành trình dài bất tận, thì bản nhạc này lại đi ngược vào trái tim, đánh thức những cảm xúc tưởng chừng đã ngủ quên, khiến ta giật mình thảng thốt. Tĩnh gảy đàn đúng âm, đúng nhịp, còn người này dẫu cho có bị lạc nhịp vẫn không khiến cho bản nhạc mất hay.
Vượt được lên trên sự khổ luyện thì chỉ có thiên phú.
Chợt, anh ta nhìn qua Tĩnh, cái nhìn đầy ẩn ý, tay rời dây trầm, chăm chăm gảy mỗi dây bổng, luyến láy liên hồi. Tay Tĩnh bất giác vươn ra, vươn ra rồi lại rụt về, e dè hỏi:
"Mi là... Sang ở Mỹ Tho?"
"Hên quá, cậu còn nhớ tôi." Sang mỉm cười, đưa tay ra bắt lấy bàn tay người ta, giơ lên rồi lại hạ xuống, như cách người Tây vẫn thường chào hỏi nhau.
Khiêm và Thế thấy hết từ đầu đến đuôi, đưa mắt nhìn nhau. Hai anh này cứ ngỡ người đàn bằng một dây kia là một bé gái nào đó cơ, đâu có ai ngờ...
"Mi ra kinh đô hồi nào rứa? Rồi khi nào mi về?"
"Được ba ngày rồi. Chơi thêm tầm tuần nữa rồi tôi về."
"Rứa mi định đi đâu chơi? Có muốn đi chơi sông Hương không? Hay là xem hát bội?"
"Cậu dắt tôi đi đâu thì tôi đi đó."
Công tử Hồ Đắc Tĩnh nổi tiếng lầm lì, ít nói, vậy mà nãy giờ nói cũng cỡ chục câu rồi, lại còn cười nữa chứ. Khiêm và Thế rà soát lại trong đầu, khẳng định là Tĩnh mới gặp Sang đúng một lần, từ hơn chục năm về trước, nhưng nhìn hai người trò chuyện với nhau, cứ tưởng như đã thân thiết từ lúc nào. Khiêm và Thế đưa mắt nhìn nhau lần nữa, cùng khẳng định với nhau rằng:
Có cái gì đó sai sai.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top