Chương 37: Chăm bệnh (phần 2)

Bánh xe gỗ lạch cạch lăn trên con đường gồ ghề, nhạc ngựa leng keng đung đưa nhịp nhàng. Tĩnh ngồi trên xe lắc lư theo tiếng lộc cộc của vó ngựa, đón những múi bưởi mọng nước từ người đối diện. Bọn họ đang đi vòng ngoài thành, vào một xóm nhỏ, nơi có những mái tranh, mái rơm vàng ươm chen chúc nhau trong khoảnh đất nhỏ, rứt ra từ mấy mươi mẫu ruộng của các ông lớn, bà lớn sống phía bên kia bức tường thành. Bà con đang sắp sửa ra đồng, chồng dắt trâu đi trước, vợ bưng thúng đựng lưỡi hái theo sau.

"Hình như đang gặt vụ tám*." Sang cứ thấy con trâu đi trước, cái cày theo sau là tự nhẩm tính tháng ngày xem đang ở mùa lúa nào trong năm. Tĩnh còn chưa cất lời chọc ghẹo, anh đã tự ngượng. "Tôi là dân chân đất mà."

*Vụ tám: là 1 trong 3 vụ mùa lúa chính của người miền Trung, thường bắt đầu cấy từ cuối tháng 4, gặt vào cuối tháng 9 dương lịch.

"Từ đất đi lên mới bền." Tĩnh nhận khăn lụa từ Sang, lau nước bưởi dính trên tay rồi cẩn thận gấp lại, bỏ vào túi trong.

Xe từ từ dừng lại ở cổng đá gãy đổ như lời Tĩnh đã dặn trước. Ngựa bị ghìm dây cương khi còn cao hứng, bất mãn lồng lên một chập, làm xe ngựa rung lắc dữ dội. Sang vội nhoài người qua đỡ Tĩnh thì thấy cậu cũng muốn làm vậy với mình. Hai người nhìn nhau, mỉm cười.

"Thôi mình xuống đi."

Sang thăm dò cao thấp một lúc rồi từ từ lần mò đặt từng chân lên mặt đất, rời xe trước. Anh đưa tay ra, Tĩnh nắm lấy, nhảy xuống theo. Sang đưa phu xe hai đồng đi ăn bánh, uống nước, dặn ông chờ ở đây.

Đôi bạn dắt nhau vào xóm nhỏ.

Nhà ông thầy lang Tĩnh quen nằm ở cuối con ngõ, nơi đang có rất nhiều người tụ tập, chờ thầy khám bệnh cho. Người đứng lớp trong, lớp ngoài, già trẻ lớn bé đều có, đa phần là ho sù sụ, dư âm của đợt mưa dầm mấy ngày liền gần đây. Có người thấy Tĩnh với Sang đang đi tới, cậu khăn vấn áo dài, anh giày da mũ nồi, là loại phục trang in dấu ấn hai giai tầng luôn khiến dân đen hoảng sợ. Họ đánh động lẫn nhau, đứng nép qua một bên.

"Dạ..." Người kia ấp úng thưa. "Dạ mời hai cậu vô trong ạ." Rồi anh ta đánh động lớp trong, làm bà con người ta cũng rục rịch nhường đường.

"Dạ không." Sang vội cúi đầu, lễ độ thưa. "Bà con cứ khám trước, tôi bị nhẹ thôi, tôi chờ được. Với lại." Anh cười khì. "Tôi là dân quèn thôi, có phải tai to mặt lớn gì đâu. Ở nhà tôi cũng đang có mấy mẫu ruộng, nãy tôi thấy lúa nhà mình sai lắm, muốn hỏi thăm..."

Anh kết nối với họ bằng điểm chung: cây lúa, hạt gạo. Anh hỏi họ thường tìm giống gì về gieo, lâu mau mới thu hoạch được, sàng sảy xong thì hạt gạo sẽ như thế nào, tròn mẩy hay thuôn dài, ăn vô dẻo dính răng hay khô xốp. Tĩnh bắt được những tia sáng lấp lánh trong mắt anh, phản chiếu từ kim tiền.

"Chưa chi tìm được nguồn cung gạo mới rồi."

Được một loáng thì sự gượng gạo ban đầu đã không còn nữa, lúc Sang đề cập tới chuyện mua gạo làm bánh, bà con rôm rả hẳn lên, hỏi thăm cậu này khi nào tới mua gạo mới.

"Chuyện chi mà rôm rả dữ hỉ*?"

*Chuyện gì mà rôm rả dữ vậy

Thầy lang Tú – người mà Tĩnh đã hết lời ca ngợi trên xe, chủ nhân của gian nhà này – thấy sân trước xôn xao, gói vội nắm lá thuốc cho cụ bà bị cảm mùa, xỏ guốc ra ngoài xem. Chiếc áo tây trắng tinh phản chiếu nắng sớm đập nhanh vào mắt thầy, làm thầy chau mày.

"Không biết tôi có vinh dự đón tiếp ông lớn nào tới tệ xá?"

Sang lịch thiệp cúi đầu xin phép cụ bà cho anh tạm ngưng cuộc giao dịch, quay ra ngả mũ chào thầy theo kiểu phương Tây:

"Dạ chào thầy, tôi họ Phạm, tên là Sang, tôi tới đây nhờ thầy khám giùm cái cổ." Anh hơi nghiêng đầu để lộ vòng băng trên cần cổ.

Tĩnh cũng tiến lên, chắp tay thưa với thầy:

"Dạ, thưa thầy, hôm qua anh nớ* lên cơn sốt, con lo ghê lắm, nên mới tới nhờ thầy coi giùm cho."

*Anh nớ: anh ấy

"Ồ, khách quý như ri*, răng con không đưa cậu đi khám thầy Tây, cần chi người văn minh lịch thiệp hạ cố tới cái xóm bần hàn ni**."

*Như ri: như thế này

**Ni: này

Sang cụp mắt, lặng im một lúc. Tĩnh lập tức bước ra:

"Anh ni đòi cái chi cũng phải tốt nhất hết, cho nên con mới đưa anh tới chỗ thầy ni." Nói rồi, cậu huých vai anh một cái, thể như đang phiền trách anh sách nhiễu. "Tên ra răng, người như rứa*."

*Tên ra sao, người như thế

Sang phì cười, đứng yên đó cho cậu mặc sức làm tình làm tội, mắt lộ rõ sự cưng chiều vô pháp vô thiên. Thầy lang già trải đời quá lâu để thấy rõ ẩn tình trong ánh mắt đó.

"Cậu ni chắc bề bộn công chuyện lắm, rứa cậu vô trong đi để tôi chẩn mạch cho cậu về sớm nghỉ sớm."

Dù ông thầy lịch sự đưa tay mời, Sang vẫn đọc ra ý đuổi người. Ông không hề giấu diếm thái độ ghét bỏ, nhìn anh bằng cặp mắt mà người ta thường nhìn quân đầu trộm đuôi cướp, phường giảo hoạt bất lương. Ánh mắt ấy đã từng là thứ móng vuốt sắc nhọn xé toạc vết thương lòng mà anh luôn cố che giấu, nhưng kể từng ngày hôm ấy, nó không thể làm gì được anh nữa. Anh nhẹ nhàng vuốt tấm lưng đang run lên vì phải kiềm nén cơn giận, không khéo lại làm ra chuyện chẳng phải phép với bề trên.

"Dạ thưa thầy." Sang nhẹ nhàng cúi đầu trước thầy Tú theo phép lịch sự. "Tôi không dám nhận lấy đặc ân này. Thầy thấy đó, trước tôi còn nhiều bà con đang chờ thầy chẩn mạch, sao tôi chen ngang cho đặng? Tôi cũng là dân đen như bà con ở đây thôi, tôi không có quyền được ưu tiên khám chữa trước ai hết. Nên là thầy cứ để tôi khám sau bà con." Anh tủm tỉm cười. "Còn nếu thầy thấy tôi chướng mắt, thì tôi đâu dám mặt dày ở lại, thầy cứ nói thẳng một câu, tôi lên xe về liền."

Thầy Tú đỏ mặt, vừa giận, vừa thẹn, ông đâu có ngờ cậu trai này thẳng thừng luôn với mình như vậy. Ông muốn quay lưng đuổi khách liền, bởi vì không gấp gáp chen hàng, cũng chẳng mong cầu lưu nhận, vậy là anh đâu có tới đây để được khám bệnh. Người ta không tới đây để khám bệnh thì ông giữ lại làm gì.

"Thầy ơi." Tĩnh nhịn cười, khẽ thưa. "Anh ni học luật bên Tây nên khuôn phép lắm, tới sau thì phải chờ lượt. Với lại, nhà ảnh trồng lúa nên ảnh thích nói chuyện ruộng đồng lắm." Rồi cậu tha thiết. "Bữa ni con năn nỉ ảnh tới nớ, tại con không yên tâm."

Thầy Tú liếc nhìn vòng băng trắng quấn quanh cổ Sang, cặp lông mày theo bản năng nhíu lại:

"Cần cổ răng rứa*?"

*Cần cổ sao thế

Tĩnh vội nói:

"Dạ thưa thầy, anh Sang bị người ta cào lên cổ, hôm qua lên cơn sốt. Ảnh uống thuốc tây rồi nhưng con sợ tái lại. Thầy kiếm thuốc đắp cho anh Sang được không ạ?"

Thầy nghe Tĩnh liếng thoắng không ngừng, cặp mắt cậu chốc chốc nhìn ông khẩn cầu, chốc chốc lại liếc về vòng băng trắng trên cổ người đi cùng, tràn ngập lo âu. Mắt già cho ông biết cậu trai lai Tây này bị thương không nhẹ. Lòng từ ái của kẻ hành y trỗi dậy, thầy miễn cưỡng bảo:

"Chờ tới lượt đi." Rồi thầy cứng nhắc bước vào trong tiếp tục việc chẩn khám còn dang dở.

"Dạ con cảm ơn thầy." Tĩnh đan tay vào nhau, cúi mình thật sâu.

Cậu huých vai anh, nghiêng đầu về phía bà con đang trông đợi một dòng tiền mới chảy vào nhà mình. Sang mỉm cười, khẽ nghiêng mình xin phép cậu rồi quay lại với chuyện làm ăn mới.

Trước cửa thầy lang lại rôm rả như cũ. Anh hỏi han từng người, hỏi mùa màng năm nay có khấm khá không, lúa có chắc không, có thể bán được bao nhiêu, giữ lại ăn bao nhiêu. Tĩnh tự biết mình là tay mơ trong chuyện trồng trọt, đứng nép ở bên học hỏi, đồng thời thưởng thức khoảnh khắc đôi mắt ấy bừng lên màu nắng.

Một người mải mê nói chuyện, một người mải mê ngắm nhìn, cứ thế mà thong thả đợi được đến lượt mình.

"Vô thôi anh." Tĩnh kéo tay anh đi vào gian nhà nhỏ.

Sang ngả mũ chào tất cả bà con rồi theo chân bạn gặp thầy lang.

Bước vào bệnh xá, Sang liếc nhanh một vòng gian phòng. Bốn bức tường được kết từ lá tranh, bên trong nhỏ, nhưng ngăn nắp, gọn gàng, chỗ nào ra chỗ đó, tủ gỗ vuông vức đựng đầy thuốc men, tất cả đều làm từ cỏ cây nước nhà, hương đồng nội thoang thoảng quanh đây, giúp đầu óc Sang thư thái.

"Cậu ngồi đi." Thầy phủi vạt áo dài đã bạc màu, tay chống bàn, từ từ ngồi xuống ghế.

Sang kéo chiếc ghế gỗ gụ, dùng khăn tay lau sạch sẽ mặt ghế rồi đưa tay mời Tĩnh ngồi trước, cậu an vị anh mới chịu an vị phần mình.

"Dạ thưa thầy." Anh xin phép tháo mũ, đặt lên bàn. "Nhờ thầy coi giùm tôi cái cổ ạ."

Thầy Tú chẳng nói chẳng rằng, chỉ đưa tay ngoắt anh đến. Sang kéo lên ghế lại gần ông hơn. Thầy vẫn chẳng nói chẳng rằng, mở gút vòng băng trên cổ anh. Vết thương hẵng còn mới lắm, chỉ vừa ngưng chảy máu, được rịt thuốc qua loa, máu với thuốc quện với nhau thành cục đen sì dính chặt lên miệng vết thương, dịch vàng lẫn mủ trắng ngà vẫn còn ứ ra.

"Không nhẹ thiệt." Thầy lầm bầm. "Hôm qua cậu sốt luôn hỉ?"

"Dạ." Sang thành thực trả lời.

"Ngồi chờ đi."

Ông chống tay đứng dậy, chầm chậm bước về tủ thuốc, ôm ra đây một chiếc hộp gỗ sơn son. Trên nắp hộp chạm hình rồng vàng, đường nét rất tinh xảo, dường như đã từng thuộc về chốn lầu son gác tía rồi lưu lạc đến đây.

"Cậu nhìn cái chi rứa?"

"Dạ?" Sang cười xòa. "Dạ thầy bỏ quá cho. Tại tôi thấy cái hộp này đẹp quá." Nhìn cũng quen quen, anh có cảm giác như mình từng thấy nó ở đâu rồi.

Thầy Tú hừ lạnh, lôi ra một mớ chai lọ nồng nặc mùi rượu thuốc, cùng với băng vải. Thầy giật hết băng vải quấn quanh cổ Sang, vứt vào góc nhà, rồi ông đổ rượu thuốc thấm vào tấm vải thưa, ấn mạnh lên miệng vết thương. Sang thấy khá là đau đấy, rượu này gần như là nguyên chất, thầy lại chẳng hề nương tay, nhưng anh không biểu lộ ra bất cứ sự đau đớn nào, thay vào đó, anh dồn nó vào nụ cười gằn và cặp mắt dày đặc suy nghĩ. Thầy Tú biết rõ điều đó, ông càng mạnh tay hơn, ông muốn xem con người này nếu bị dồn tới đường cùng thì sẽ thế nào.

"Thầy ơi, ảnh chảy máu rồi." Tĩnh hốt hoảng kéo Sang thoát khỏi bàn tay hành hung người lấy danh nghĩa trị liệu.

"Không sao đâu Tĩnh." Sang cười tươi, vỗ vai cậu trấn an. "Thầy đây là danh y, thầy tự biết cho thuốc nặng nhẹ cỡ nào thì tôi mới chết mà."

Thầy Tú ấn thêm một cái nữa cho bõ ghét rồi thôi, thằng này nói là động tim đen người ta, kích vô lòng từ ái nguyên sơ của thầy thuốc, thấy người gặp nạn thì phải cứu chữa, đó là tôn chỉ hành y mà.

"Đau thì kêu lên."

Lần này thầy Tú làm nhẹ nhàng hơn và kỹ càng hơn. Thầy lấy rượu thuốc lau sạch máu khô dính trên cổ, rồi ông đổ ra tấm vải sạch một ít bột màu vàng có mùi rất nồng, ngửi thôi cũng thấy đắng cổ.

"Thuốc đắng dã tật, cậu chịu khó đi." Thầy Tú cẩn thận đắp thuốc lên vết thương trên cổ Sang. "Con à." Thầy quay qua Tĩnh, ôn tồn bảo. "Con phụ ta với."

"Dạ."

Tĩnh lấy rượu thuốc trên bàn rửa hai tay sạch sẽ rồi tới phụ giúp thầy Tú quấn băng quanh cổ Sang. Lúc đầu thì còn trúc trắc, sau thì nhịp nhàng dần, như những khớp bánh răng trong bộ máy, loáng cái đã xong.

"Rồi." Thầy Tú đẩy lọ thuốc bột cho Sang. "Về thoa thuốc ni ba lần một ngày, xong rồi uống thuốc." Thầy lấy giấy bút ra viết mấy chữ.

Tĩnh ngồi ở bên, khẽ nhắc ông:

"Thầy ơi, anh ni hay bị đau bụng nữa."

Thầy Tú ngưng thần một chốc, rồi lại cặm cụi viết thêm mấy hàng. Nãy giờ Sang vẫn yên lặng, dõi mắt theo từng nét bút ông đưa, dùng trí tưởng tượng của mình xoay ngược con chữ lại, mò mẫm trong trí nhớ xem nó là chữ gì.

"Tĩnh ơi." Anh không nhớ nổi chữ hán nằm bên trái chữ "liên", kề tai cậu hỏi nhỏ. "Chữ ở hàng thứ hai, cột thứ ba đọc ra sao vậy?"

Thầy Tú ngưng viết một chốc, cười nhạt:

"Cậu ham học mấy cái chữ Nho ni chi rứa? Cậu định thi khoa bảng hay ra răng?*"

*Cậu ham học mấy cái chữ Nho này chi vậy? Cậu định thi khoa bảng hay sao?

Sang cười bảo:

"Dạ thưa, tôi không định thi khoa bảng, nhưng chả lẽ phải đi thi khoa bảng mới học chữ Nho?"

Nụ cười mỉa mai của thầy Tú thoáng cứng ngắc, cặp mắt già nua đờ đẫn, mệt mỏi cụp xuống.

"Cậu nói phải." Nụ cười mỉa mai ấy phai dần, trở nên buồn bã, tiếc nuối. "Rứa* mới là học chữ." Thầy thở dài. "Chừ có ai được như cậu, sáng đoc chữ tây, tối học chữ ta mô**."

*Rứa: thế

**Mô: đâu

Mắt Sang vẫn đang lướt trên những nét chữ thanh, đậm, thong thả như những dịp ngồi chèo thuyền xuôi dòng sông Hương, ngắm cảnh đẹp thơ mộng chốn kinh kỳ, rồi người cầm lái chợt ngưng tay, vì phát hiện ra tòa miếu hoang đổ nát lấp ló sau lớp lớp cổ thụ, một điều bất thường. Người ở ngoài này có thể biết về Sang, biết về quán trà Nguyệt Viên, nhưng làm sao họ biết được chuyện anh học chữ Nho mỗi đêm.

Thầy Tú đang xem đi xem lại toa thuốc, không để ý cái liếc mắt đầy hoài nghi của Sang, cùng cái nắm tay mang ý trấn an của Tĩnh. Sang thở nhẹ ra một hơi, vỗ nhẹ lên bàn tay cậu, bốn mắt nhìn nhau, ngầm hẹn lát nữa ra xe mới nói chuyện này.

"Rồi." Thầy Tú gác bút, giao toa thuốc cho Tĩnh. "Về bốc thuốc cho cậu. Ở ni thì uống theo toa tôi viết, về nhà thì để thầy kia kê toa."

Sang hơi nhướng mày, liếc qua bên Tĩnh, cậu hiểu ý anh muốn hỏi thầy có biết chuyện nhà anh thông qua cậu không, Tĩnh khẽ lắc đầu. Sang gật gù, anh hiểu rồi, người trong nghề rành rẽ nhau lắm, thầy Tú coi thuốc rịt cũ của anh thì biết ngay.

"Xong chuyện rồi." Thầy Tú hờ hững xua tay. "Cậu về lo chuyện trà nước với chữ nghĩa của cậu đi."

"Dạ, con cảm ơn thầy." Sang và Tĩnh đồng thanh.

Rồi anh với Tĩnh đi sóng vai nhau, cùng lên xe ra về. Tĩnh liếc thấy mình đã cách rất xa gian nhà tranh, mới ghé tai Sang thì thầm:

"Tôi không có nói với thầy chuyện đêm nào anh cũng học chữ Nho."

"Ừm, tôi biết."

Mắt Sang nhìn phía trước, nhưng thực chất là đang đăm đăm về màn sương mờ che giấu một bí mật.

Trên đường đến đây, anh đã nghe Tĩnh kể rất nhiều về cuộc đời thầy Tú. Cha của thầy xưa là ngự y trong cung, trải qua ba triều vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, tận mắt nhìn người ta đưa vua lên bệ rồng rồi lại xô họ xuống. Nghĩ tới đây, Sang sực nhớ ra, anh biết mình từng thấy hình rồng ấy ở đâu rồi. Anh thấy nó lúc vào cung hầu cơm vua Duy Tân, nó ở trên mặt nhẫn nhà vua. Vua Duy Tân là cháu nội vua Dục Đức.

Nói như vậy...

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top