Chương 33 - phần 3

Chương 33 - phần 3: Đì đùng dây pháo xác xơ

Huế, Trung Thu năm Canh Tuất (1910).

Đầu xe lửa rú lên từng hồi còi dài, chầm chậm cập ga Huế. Cột khói đen ngòm từ từ nhạt màu rồi tan hẳn vào màn trời xanh biếc. Loa phát giọng cô gái Huế ngọt ngào nhắc nhở hành khách cẩn thận xuống tàu, chớ chen lấn xô đẩy. Soát vé tàu đi mở cửa từng toa, người đi tàu ùn ùn kéo xuống, mang theo cái ồn ào, náo nhiệt của Sài Gòn đến với vùng đất kinh kỳ vốn luôn tĩnh lặng này.

Cậu Kiều và thằng Hiếu nhấp nhổm tìm thân giữa biển người. Hôm nay cả nhà Sang ở Mỹ Tho ra Huế dự lễ khai trương Nguyệt Viên Các.

"Kia rồi!" Thằng Hiếu nhận ra tán dù quen thuộc của bà chủ, nhảy tưng tưng lên, gào to. "Bà ơi! Cậu Ba! Con ở đây nè!"

"Chị Hai!" Ông Kiều giơ tay lên. "Đây nè!"

Bà Lan nhận ra đứa em trai lâu ngày không gặp, lại thêm cả thằng nhỏ hay lẽo đẽo theo sau con mình, vội vã kéo thằng Tài đi qua đó.

"Trời ơi, lâu lắm không đi xe lửa, mém quên cái sân ga nó chật chội cỡ nào." Bà Lan thở ra những hơi nặng nề, mở giỏ lấy khăn thấm những giọt mồ hồi trên trán.

"Chị Hai mạnh giỏi ha." Cậu Kiều ngó chị lớn từ trên xuống dưới, tấm tắc. "Bữa nay ăn diện dữ ta."

Lâu lâu cậu Kiều có bắt xe lửa xuống Mỹ Tho chơi, mỗi lần gặp anh chị là một lần thấy anh chị mặc bà ba, xỏ guốc mộc ra đón, hôm nay thì sang cả đến lạ. Bà Lan mặc áo dài nhung màu huyết dụ, hợp với màu son đỏ thắm tô lên đôi môi duyên dáng cân giữa đôi lúm đồng tiền đáng yêu, mái tóc dài hay để cột hờ thường ngày giờ được vấn thành búi cầu kỳ, cố định bằng chiếc kẹp bạc đính ngọc trai ánh vàng, chân mang giày cao gót tôn lên dáng vẻ thướt tha, uyển chuyển. Thằng Tài cũng được cho ăn vận bảnh bao lắm, áo sơ mi trắng tinh tươm phối với quần tây thẳng thóm, đội chiếc mũ màu ghi trông rất đỗi thời thượng.

"Trời ơi, có ai muốn mặc vầy đâu." Bà Lan ngượng nghịu chỉnh lại chiếc khăn lụa điều trên cổ. "Nhưng mà thằng Hai nó dặn người làm mua cho nhà tôi vé xe lửa ở toa sang, ngồi chung với người sang thì sao mình ăn mặc quê mùa được."

Cậu Kiều cười, bảo:

"Anh chị nuôi nó ăn học mười mấy năm, giờ nó được đồng ra đồng vô thì phải làm anh chị đẹp mặt với đời chớ." Cậu ngó nghiêng thấy chỉ có hai mẹ con. "Anh Hai không ra với chị sao?"

Bà Lan lắc đầu:

"Đi thì phải có người ở nhà coi nhà, coi ba ở nhà."

"Ờ ha, chút nữa tôi quên chớ."

"Ủa." Thằng Tài quay ngoắt khắp nơi. "Anh Hai đâu rồi?"

Thằng Hiếu nhanh nhảu đáp:

"Dạ cậu Hai nó đang lu bù chuyện ở quán, nên kêu con ra ga đón ông bà với cậu Ba về nhà. Cậu có gởi lời nói là muốn ra ga đón bà với cậu Ba lắm mà hổng được."

"Không sao." Bà Lan xua tay bảo. "Bữa nay khai trương thì nó ở quán suốt là đúng rồi. Ôi, đáng lý ra phải đi sớm mấy ngày đặng phụ với nó mới đúng, chứ ở đâu mà đi sát ngày vậy."

Cậu Kiều thấy hơi mỏi chân, đứng chờ nãy giờ cũng lâu rồi, nên gợi lời:

"Thôi, chị về nhà em nghỉ ngơi, rửa mặt rửa mày, xong em đưa tới quán thằng Hai dự lễ khai trương."

Bà Lan cho là phải, mới dắt thằng Tài đi theo cậu Kiều và thằng Hiếu ra khỏi ga. Ở ngoài đã gọi sẵn xe ngựa, ông già phu xe phì phèo điếu thuốc thơm, nhịp chân chờ khách quý. Thấy cậu Kiều gọi, ông vội gỡ chiếc nón lá tơi trên đầu xuống, khúm núm mời các ông, các bà lên xe. Cậu Kiều đỡ chị lên xe trước rồi ẵm thằng Tài lên sau, thằng Hiếu ngồi gần càng xe để chỉ đường đi như thường lệ. Phu xe đánh roi, thúc ngựa đi.

Xe ngựa rung lắc như nôi đưa, thằng Tài nằm trong lòng mẹ ngủ thiếp đi mất, nó chưa từng đi đoạn đường nào dài như vậy, cả nửa đất nước chứ có ít đâu.

"Vầy mà đòi đi tàu qua Tây với anh Hai." Bà Lan đánh yêu vào mông thằng nhỏ mấy cái. Rồi bà hỏi về thằng lớn trong nhà mình. "Cậu nè, thằng Hai dạo này mạnh giỏi không cậu?"

Cậu Kiều cười xòa:

"Mạnh khù khù hà, chị đừng có lo. Ban ngày đi làm, ban đêm đi chơi với bạn, mạnh giỏi ghê lắm."

Bà Lan nghe nhắc đến chuyện "đi chơi", cặp lông mày lá liễu khẽ cau. Thằng Hai nhà bà ở Mỹ Tho toàn tìm vui qua sách vở và quang cảnh miền quê, làm bạn cùng nó là chiếc xuồng ba lá nhỏ cùng chiếc cần câu cá, nay thì có thêm con Lài quấn quýt bên chân nữa. Nhưng ở đây nó lại có bạn.

"Bạn thằng Hai là người ra sao vậy cậu?" Bà không kiềm được đến ngày mai để gặp con người bí ẩn đó tận mặt. "Có chơi tốt với nó không?"

Cậu Kiều nói ngay:

"Tốt! Tốt dữ lắm chị! Thằng Hai dựng được quán thì cậu đó góp công gần nửa rồi." Cái này cậu nói thật, không nhờ quen với Tĩnh thì làm sao Sang tìm được đất tốt cất quán chứ.

Thấy mặt chị mình vẫn còn lo âu con mình bị người ta dụ dỗ, cậu Kiều cười xòa:

"Ôi, chị khéo lo, thằng Hai nó lớn rồi, biết đường chọn bạn mà chơi." Cậu nghĩ lại, Tĩnh là con út trong nhà, chỉ lo ăn học chứ không bươn chải trải đời nhiều như Sang, còn nhỏ hơn anh tới bốn, năm tuổi, Sang không dụ người ta thì thôi chứ làm sao có chuyện ngược lại.

Bà Lan bèn không nhắc về người kia nữa. Chợt, bà nhớ một chuyện:

"Nè cậu, thằng già kia có tới không?"

Đã bao nhiêu năm trôi qua, bà vẫn dùng cái giọng gay gắt ấy để nói về gã khốn nạn đã phá nát tuổi xuân xanh của bà, cũng là cha ruột của Sang. Cả cuộc đời này, bà không muốn gặp lại gã đó một lần nào nữa. Cậu Kiều vội nói:

"Không đâu chị, bữa đó ổng vô trong nội chơi Trung Thu với vua rồi, sai người gởi quà thôi. Thằng Hai nhắc chừng ổng kỹ dữ lắm."

Cậu Kiều phải nhắc đi nhắc lại năm lần bảy lượt thì bà Lan mới yên dạ.

Xe ngựa tới nhà cậu Kiều trước, để mẹ con bà Lan rửa mặt rửa mày, chải lại tóc tai cho tươm tất, hành lý cũng để tạm ở đây. Ngồi nghỉ chưa nóng lưng, bà Lan thấy đồng hồ đã chỉ tới tám giờ rưỡi, còn nửa tiếng nữa là Nguyệt Viên Các khai trương, vội giục cả nhà tới xem quán mới mà Sang mới cất, thằng Tài mới tỉnh giấc, cũng nhảy nhót lung tung đòi đi cho bằng được. Cậu Kiều đành phải chiều ý đàn bà và trẻ nhỏ trong nhà thôi. Cậu đóng cửa trong ngoài kín kẽ hết rồi thì dẫn chị đi gặp thằng con lâu ngày xa cách.

Phu xe lại lần nữa dụi tắt điếu thuốc thơm, vung roi giục ngựa, đưa người tới Nguyệt Viên Các.

Đằng nhà Binh bộ Thượng thơ, cậu Hai Lương cũng sắp sửa xe cộ để tới Nguyệt Viên Các. Phu nhân Phương Huệ chỉnh đi chỉnh lại chiếc áo dài the không còn bất cứ sai sót nào trên người Lương, cứ luôn miệng hỏi:

"Con chắc là con đi được không?"

Biết là mẹ chỉ lo cho mình, bà hỏi bao nhiêu lần thì Lương đáp bấy nhiêu lần:

"Mẹ đừng lo, con thấy con đi được."

Tĩnh nói thêm vào giúp anh:

"Có cả thằng Hiền, thằng Sung lo cho anh rồi mà mẹ, có anh Sang coi chừng nữa."

Phu nhân Phương Huệ vẫn thấy không yên trong dạ. Nhưng mà đã lâu lắm rồi Lương mới mở miệng xin bà cái gì đó, với lại, bà cũng muốn anh ra ngoài chơi cho khuây khỏa tâm hồn, thầy thuốc vẫn thường khuyên vậy. Nên lo thì lo vậy, bà vẫn cố xin với ông Hiển cho Lương được ra ngoài chơi, ông Hiển dù khắt khe tới đâu, lòng vẫn thương con, gật đầu ưng thuận.

"Con có khó chịu đâu thì về nhà liền nghe." Phu nhân Phương Huệ cầm tay Lương, dặn đi dặn mãi câu đó.

"Dạ, con biết rồi mà." Lương lập bập đáp lại. "Mẹ lên chùa cũng đi cẩn thận." Trông qua người đàn bà bận áo dài gấm màu trăng ngà sau lưng mẹ, Lương cụp mắt, khẽ dặn. "Nhờ nàng lo cho mẹ tôi."

Mợ Hai nhà Binh bộ Thượng thơ ngơ ngẩn, đôi gò má nhợt nhạt vì năm tháng gối chiếc chăn đơn thoáng ửng hồng:

"Cậu đừng lo, em nhớ mà."

Lương bịn rịn tiễn mẹ và mợ Hai lên xe viếng chùa. Đằng trong nhà, Trung cũng vừa chỉnh tề y trang mà bước ra, ở phía sau là Tĩnh đỡ tay ông Hiển lên xe. Sợ em mình vướng vào chuyện lôi thôi không đáng, Trung đứng chắn cho Lương khỏi cha mình, ông Hiển biết tỏng cả, nhưng chẳng chấp nê thứ trẻ ranh, chỉ để lại một tiếng hừ lạnh rồi bảo Tĩnh đỡ ông lên xe. Chỉ vậy thôi mà làm Trung rét run, chút nữa ngã quỵ xuống đất. Trung chờ bóng ông khuất đi hẳn mới thả lỏng người, đỡ Lương đứng thẳng lên:

"Chừ được đi chơi thì đi cho thỏa đi hỉ." Anh lấy dăm ba đồng nhét vào tay đứa em. "Em cầm lấy mà xài."

Lương cảm động trong lòng, sụt sùi nhận lấy:

"Dạ, em cảm ơn anh."

Anh Trung vỗ vai Lương mấy cái rồi cũng lên xe vào cung.

"Mình đi thôi cậu." Thằng Sung đứng bên khẽ nói.

Anh Lương gật đầu, bước lên xe kéo, để người ta đưa mình đến Nguyệt Viên Các.

Đã lâu lắm rồi Lương mới bước ra khỏi nhà, ngắm nhìn phố xá. Cũng lâu lắm rồi Lương mới được thấy nhiều người qua lại như vậy, ngày anh rời gia đình đến Hương Khê "dẹp loạn", người đã tản đi mất, hoặc vào rừng cầm gươm cầm súng chiến đấu cho lá cờ Cần Vương, hoặc chạy sang miền khác lánh nạn, xóm làng xơ xác, đồng ruộng bỏ hoang. Lương tự hỏi, không biết Hương Khê giờ thế nào, đã có hơi người sưởi ấm đất lạnh hay chưa.

Thằng Hiền thấy Lương có vẻ trầm ngâm, nhớ lời cậu Út dặn, nó tìm cách gợi chuyện:

"Lâu rồi cậu không ra khỏi nhà, thấy có khác chi không cậu?"

"Ừm."

Mười năm trôi qua rồi, Kinh đô đương nhiên phải đổi khác. Chiến loạn đã tạm ngủ yên nên người xuôi ngược nhiều hơn, vui được cái vui của ngày trăng tròn tháng Tám, bày những sạp hàng, gánh những gánh hàng bán quà bánh, lồng đèn, mặt nạ cho bọn trẻ vui chơi. Đồ tây càng lúc càng lẫn vào đồ ta, tiếng Tây trộn với tiếng ta ngày một nhiều, vùng đất của vua nay cũng không tránh khỏi cảnh "vàng thau lẫn lộn" mà ông Hiển vẫn thường than thở về các vùng đất bị cắt cho người ngoài.

Nhưng mà, dù mười năm đã trôi qua, không khí trầm buồn, u tịch vẫn còn bao trùm lên mảnh đất sông Hương núi Ngự này. Lương nghĩ, dù mấy mươi năm nữa trôi qua, khi nỗi ấm ức vì bị ngoại bang đè đầu cưỡi cổ trong lòng dân Nam còn đó, không khí trầm buồn, u tịch vẫn sẽ cứ thế mà bao trùm lên đất Việt.

Thình lình, phu xe bỗng khựng lại, tí nữa thì hất cả càng xe lên trời. Lương hơi hoảng thật, nhưng phản xạ dân còn đó, vừa hơi ngã ra sau thì lập tức chồm lên trước, chống chân xuống đất.

"Bị chi vậy?" Thằng Sung gắt người phu xe.

Lương nhìn về đằng trước thì thấy một chiếc xe ngựa bẻ ngoặt về hướng này, có vẻ như phu xe mải mê trò chuyện quá mà quên mất đường sá, sực nhớ liền rẽ gấp. Cậu em ngồi bên càng xe ngựa biết mình vừa gây ra chuyện không hay, vội nhảy xuống xe, ríu rít xin lỗi:

"Dạ tôi xin lỗi cậu, tôi không biết là xe đang tới."

Thằng Sung xẵng giọng quát:

"Thằng Nam Kỳ kia, mi ở đâu tới mà nghinh ngang* dữ rứa**? Mày..."

*Nghinh ngang: một cách gọi khác của nghênh ngang

**Rứa: thế

"Chờ đã." Hiền nhận ra người này. "Mi là cái thằng hay đi theo cậu Cử đúng không?"

Thằng Hiếu cũng nhận ra đứa hầu hay đi theo cậu Tĩnh:

"Anh Hiền! Sao anh ở đây vậy? Cậu Út cũng tới hở?" Thằng Hiếu dáo dác tìm kiếm cậu Út nhà Binh bộ Thượng thơ, nhưng không thấy đâu, người mặc áo dài ngồi trên xe kéo nom mặt lạ hoắc.

"Thằng kia." Thằng Sung thấy người ta nhìn chằm chằm cậu mình, cậu Cả Trung đã dặn không được để người ta làm thế, nếu không cậu Hai sẽ sợ. Nó vội che cho cậu Hai, gắt lên. "Mi nhìn chi mà nhìn!"

"Sung." Hiền nhắc nó, e dè nhìn qua bên thằng Hiếu.

Thằng Hiếu vội xua tay, cúi đầu xin lỗi thêm lần nữa:

"Dạ tôi xin lỗi cậu... Cậu..." Thằng Hiếu nhìn qua Hiền, cầu cạnh giúp đỡ.

Thằng Hiền mới nói:

"Đây là cậu Hai nhà tôi, bữa nay tới dự khai trương Nguyệt Viên Các của cậu Cử."

"A!" Thằng Hiếu hớn hở ra mặt. "Dạ con chào cậu Hai! Vừa hay, bà của con cũng đang tới đó nè!" Rồi hướng về xe ngựa mà reo lên. "Bà ơi, đây là anh của cậu Út nhà Thượng thơ mà cậu con hay nhắc nè!"

Thằng Hiếu nhanh nhảu chạy lại xe đỡ ông bà nhà mình xuống. Thằng Hiền cũng ăn ý rỉ tai Lương:

"Cậu Hai, đằng tê* là mẹ của cậu Cử Phạm ở Mỹ Tho ạ."

*Đằng tê: đằng kia

"Chết, rứa ta phải tới chào hỏi mới được."

Lương vội xuống xe, thì lúc ấy người ở đằng xe ngựa cũng vừa xuống tới. Bà Lan hồi hộp muốn biết người ở phủ Thượng thơ tốt xấu thế nào, coi con mình ở đất khách có bị bắt chẹt gì không. Bà dẫn thằng Tài xuống xe, gặp Lương vừa tới chắp tay chào:

"Dạ, tôi chào bà."

"Dạ, chào cậu."

Bà Lan đưa tay ra nhưng Lương ngại câu "nam nữ thọ thọ bất tương thân"* nên không bắt trả. Bà Lan bèn thu tay về, thầm nghĩ nhà Binh bộ Thượng thơ này toàn thành phần cổ hủ, vậy thì bà cũng thôi ý định mời người này đi chung xe. Bà kêu thằng Tài chào kẻ sang ở kinh đô một tiếng rồi bảo:

*Nghĩa là giữa nam và nữ không nên có tiếp xúc gần gũi

"Đi xíu nữa là tới chỗ của thằng Hai nhà tôi, vậy tôi đi trước, chờ cậu ở đó sau nha." Bà cúi chào cậu Hai nhà Thượng thơ, ấn đầu thằng Tài một cái xuống rồi ẵm nó lên xe, kêu phu xe đi thẳng.

Lương nhìn thái độ lạnh nhạt đó mà chột dạ, không rõ mình đã làm gì sai. Nhưng sực nhớ chuyện chính đang chờ ở Nguyệt Viên Các, Lương vội trở về xe. Phu xe kéo thêm một chốc thì tới Nguyệt Viên Các.

Lương tròn xoe mắt, hít sâu mấy hơi, choáng ngợp với tầng tầng lớp lớp người đứng ngoài Nguyệt Viên Các, quần là áo lượt xôn xao vòng trong, áo vá quần đụp thì lao nhao vòng ngoài. Anh nghe Tĩnh bảo rằng trong chuyện làm ăn thì vòng quen biết của Sang rất rộng, nhưng giờ mới được chứng thực. Người đông đến mức làm Lương không thấy được quán Nguyệt Viên này méo tròn ra sao.

"Ông Cử Phạm đâu Hiền?" Lương cố tìm bóng dáng quen thuộc hay đưa đón em mình về mỗi ngày mà chẳng thấy đâu, người tiếp đón khách quý là một anh bản xứ.

Hiền nhón chân xem thử, cũng không thấy đâu cả. Nó bèn tìm thử ở tầng trên, thì thấy có người mặc đồ tây trắng tay dắt người đàn bà hồi nãy lên lầu, tay ẵm đứa bé trai, nói cười vui vẻ.

"Kia kìa cậu!" Thằng Hiền chỉ lên kia. "Để con lên kêu cho."

"Đừng, để cậu lên." Lương xuống xe, sửa sang lại áo quần, bước vào đám đông kia.

Chợt, sau lưng Lương, vang lên còi xe inh ỏi, rồi tiếng tây kêu chúng dân tránh đi để rộng đường cho quan lớn. Y hệt như lúc ấy. Lương đứng sững như trời trồng.

Sang ở trên lầu nghe thấy tiếng còi xe, thì thầm với mẹ và em mình mấy câu rồi giao họ cho thơ ký rồi hối hả chạy xuống lầu. Anh nở nụ cười xã giao, chào một lượt các khách quan, nhờ họ tránh đường, vô tình thấy Lương ở giữa đám đông, đứng sững như trời trồng.

"Cậu Hai?" Sang cả mừng, bước nhanh đến đặng tay bắt mặt mừng. "Cậu tới hồi nào vậy? Cậu..."

"Bonjour."

Một giọng Nam Kỳ nói tiếng Pháp trọ trẹ cắt ngang. Đám đông đang ầm ĩ đột ngột tắt ngúm, ai muốn nhao nhao xem quán mới tới đâu giờ cũng phải tránh đi chỗ khác để tránh rầy rà. "Cò"* tới rồi.

*Cò là tiếng lóng người ta dùng để gọi cảnh sát Pháp thời Pháp thuộc, đọc chệch ra từ chữ commissaire.

Sang đối mặt với đoàn người đại diện cho uy quyền của "mẫu quốc" bằng thái độ ung dung, thong dong bước đến chỗ những kẻ đang giắt súng lục ở thắt lưng như một món trang sức.

"Cảm ơn cậu có thời gian ghé thăm." Sang chào đón người đó bằng tiếng Pháp chuẩn chỉnh, rồi anh nhìn xuống những khẩu súng lục, mặt cúi gằm. "Nếu cậu bận rộn tới mức không cất súng nổi thì cứ việc đi làm việc của mình đi, tôi không dám giữ."

Người đi đầu có cặp mắt sâu hoắm, cùng với chiếc mũi chim ưng, ai nhìn cũng phát khiếp, ai nghe hiểu lời Sang nói đều nơm nớp lo sợ anh sẽ bị bắt chẹt, mặt người kia đang khó chịu thấy rõ kìa.

"Pierre, đừng có bất lịch sự như vậy." Một giọng Pháp khác cất lên, rất chuẩn về mặt ngữ pháp nhưng phảng phất vùng miền của vùng phía nam.

Giọng nói ấy có uy quyền lớn đến mức chẳng những khiến cho người đi đầu kia phải cất súng vào bao, các người dưới quyền anh ta cũng tỏ ra khúm núm. Thái độ của Sang cũng thay đổi rõ rệt khi nghe thấy giọng nói ấy, có phần cẩn trọng, e dè hơn.

"Quý hóa quá." Sang bước nhanh về chiếc xe tân thời đang đỗ cách đấy một quãng rất xa, đích thân đỡ người xuống xe. "Không ngờ ngài lại đích thân tới đây, để xe ngài kẹt thế này là sai sót của tôi."

"Ôi, cậu đừng nói vậy. Tôi quý cậu còn không hết."

Người đàn ông trong xe bước ra, choàng lấy vai Sang, ông ta cao hơn anh tận một cái đầu, bị ông ta kẹp cổ, vừa đi vừa kéo đến chỗ băng "Cò". Ông ta chỉ mặt người đứng đầu, bảo:

"Tới chỗ nhã nhặn như vầy mà các cậu lại đem súng đến, thật bất lịch sự."

Băng "Cò" vốn là nỗi kinh hoàng trong mắt người dân nước Nam, nay nghe người ta nói thẳng như vậy mà chỉ biết cúi đầu câm lặng. Dân chúng hoang mang, muốn được biết danh tính vị cao nhân này. Ông ta mặc đồ tây bình thường người bên ấy vẫn mặc trong những dịp quan trọng, không thể dựa vào nó để xác định thân phận được, chỉ biết ông ta là người từ "mẫu quốc" tới đây làm việc, nhờ vào mái tóc vàng óng không thể tìm được ở nước Nam, và chức phận rất cao thôi.

"Nhân ngày khai trương, tôi có quà cho cậu đây."

Người đàn ông ấy quay trở lại xe, ì ạch lôi ra một thùng giấy lớn. Từ trong thùng, con mèo tam thể nhảy xộc ra, kêu mấy tiếng meo meo. Ông ta ẵm nó, trao cho Sang:

"Nghe nói mèo tam thể đực có thể đem lại tài lộc cho chủ nên tôi cho người lùng sục khắp nơi, bắt cho cậu một con." Ông ta xoa đầu con mèo, mỉm cười nói. "Nó tên là Or*, ngoan lắm."

*Or: là tiếng Pháp, có nghĩa là vàng

"Dạ, cảm ơn ngài nhiều." Sang để con mèo nằm trên vai mình, cố giấu nỗi lo lát nữa sẽ có cuộc ẩu đả kinh thiên động địa khi nó và con Lài giáp mặt nhau, anh ngó cái nết thằng bé này chẳng hiền lành lắm đâu. "Vàng, đừng quậy con."

Con mèo nhe răng khì khì, rồi thè lưỡi liếm tai Sang, nũng nịu kêu meo meo.

"Méo mèo mèo meo."

Lương trông mà chết điếng trong lòng. Anh nhớ tới con mèo tam thể tại Hương Khê mười năm về trước. Nó là con mèo được một người trong quân Hương Khê nuôi để cầu may, mong sao thần may mắn đứng về ngọn cờ Cần Vương. Quân Hương Khê vỡ trận, bị "triều đình" đánh vào tận sào huyệt, người chết như ngả rạ, con mèo băng ra giữa làn đạn, liếm mặt những ai đã ngã xuống, rồi rú lên từng hồi thê thảm. Một gã trong quân xúi Lương bắt con mèo đó dâng cho ông tướng đặng lấy công, nó giả vờ cho anh bắt được rồi cào cắn anh rách cổ, suýt chết tới nơi. Khi ấy, có người bên quân Hương Khê còn chưa chết hẳn, thấy cảnh đó thì cười ha hả:

"Mèo nó còn biết địch biết ta, tụi bây còn thua cả đồ thú vật."

Giờ cứ nhìn thấy mèo, Lương sẽ tự nhiên thấy sợ, sợ con vật có tính linh giả vờ quy phục rồi thình lình nhe răng giơ vuốt cắm ngập những thứ sắc nhọn đó vào cổ anh. Anh sợ thông qua đôi mắt nhìn xuyên qua được màn đêm nhìn thấu cả cái lòng hèn mọn của mình. Anh sợ nghe thấy tiếng nguyền rủa của những người chung màu da, cùng giọng nói với mình.

"Đừng..." Lương lập cập lùi bước ra sau, muốn quay đầu bỏ chạy.

"Ôi, suýt quên." Người đàn ông kia thọc tay vào thùng, lôi xềnh xệch ra một chùm pháo đỏ. "Khai trương thì phải đốt pháo mới phải đạo chứ." Ông ta nhìn quanh quất. "Có chỗ nào cao cao để treo không?"

Sang lập tức nháy mắt với anh thơ ký Lâm, anh Lâm nhanh tay lẹ chân mượn cây sào cao cao trong quán, tới treo dây pháo lên. Sang kêu thằng Hiếu xuống, bảo nó đưa con mèo vào trong, rồi lựa lời nhắc mọi người đứng đây tránh ra xa kẻo bị pháo bắn vào người. Khi thấy ai cũng đứng ở khoảng cách an toàn hết rồi, Sang bảo thơ ký của mình:

"Anh đốt đi."

Anh Lâm lúc nào cũng có sẵn diêm quẹt trong người, anh đánh một que lấy lửa, châm vào dây pháo.

Lửa men theo dây ngòi, tìm tới đống thuốc pháo được nhồi trong ống đỏ, treo lủng lẳng ở đó, khi đã bén đến rồi, tiếng nổ oanh trời vang ầm lên. Con Vàng, con Lài ở trong nhà mà vẫn kêu inh ỏi.

Nghe chẳng khác gì tiếng súng đạn.

Nghe chẳng khác gì cái đêm càn đó.

"Không!" Lương ngồi thụp xuống mặt đất, hét ầm lên. "Làm ơn đừng tới đây!"

Lương cố dùng hai tay bịt kín tai, nhưng sao vẫn có tiếng đạn nổ ầm ầm đâu đây. Lương đã cố nhắm tịt mắt lại, nhưng hình ảnh con mèo tam thể với cặp mắt xanh biếc nhìn xuyên màn đêm vẫn lởn vởn nơi ấy.

"Cậu Hai..." Thằng Hiền, thằng Sung thấy không ổn. "Mình về đi."

"Không!" Lương vung tay đạp chân loạn xạ, hất văng hai thằng kia đi.

Thằng Hiền, thằng Sung ngã chỏng chơ trên mặt đất, người đau, đầu hoảng, luống cuống không biết làm sao. Có ai giúp được không? Thằng Hiền trông về cậu Cử Phạm, cầu cứu.

Sang làm sao không thấy được cảnh chật vật đằng kia chứ. Anh liếc lên lầu, lập tức có thêm người ăn mặc chuốt ào xuống lầu dắt khách lên bàn trên lầu. Rồi anh gọi một người tên Quỳnh đến, bảo với anh ta rằng:

"Cậu Quỳnh nè, cậu là chỗ thân quen với quan hơn tôi, nhờ cậu săn sóc cho vợ chồng quan nhá."

Chàng trai vận khăn vấn áo dài cúi đầu nói:

"Dạ, tôi biết rồi." Rồi đưa tay mời người đàn ông đó cùng người đànbà vừa trên xe xuống vào trong.

Tất cả người đều đã đi hết rồi, Sang mới chạy tới chỗ Lương, sốt sắng hỏi han:

"Cậu Hai, cậu có sao không?"

Lương vẫn im thin thít, tay bịt chặt tai, mắt nhắm tịt, co rúc vào vỏ ốc mình tạo ra. Sang loay hoay suy nghĩ một lúc, ngồi thụp xuống theo, vỗ vai Lương. Lương rùng mình, thét lên, vung tay cào trúng cổ Sang. Móng tay người quý tộc chốn kinh kỳ này khá dài, lại sắc, vung một phát là cần cổ Sang đã tứa máu ngay. Không chỉ thằng Hiền, cả thằng Sung cũng khiếp sợ. Nhưng Sang chẳng vội quan tâm tới thương tích của mình, anh nhanh nhẹn chụp được tay Lương, giữ chặt nó, không cho Lương bịt tai mình nữa.

"Cậu Hai à, pháo hết nổ rồi." Sang dịu dàng thì thầm vào tai Lương. "Cậu thấy không? Hết nổ rồi."

Sang kiên nhẫn lặp đi lặp lại những lời trấn an ấy, tay thì giữ chặt tay Lương, dùng miệng lưỡi dụ dỗ lẫn bạo lực trấn áp, cho đến khi Lương chịu mở mắt ra mới thôi.

"Cậu..." Nhận ra mình vừa mới làm gì, Lương áy náy không thôi. "Tôi..."

"Không sao." Sang buông tay ra. "Là lỗi của tôi."

Sang đỡ Lương đứng dậy, đưa khăn tay cho anh lau mồ hôi đã ướt đẫm vầng trán. Mọi người chung quanh đang hướng mắt về đây, lén lút xầm xì. Sang bước lên đứng chắn cho Lương, cười bảo:

"Ông anh tôi có bệnh ở tai, không nghe được tiếng nổ to, nãy nghe pháo nên bị đau tai đó mà." Sang choàng tay qua vai Lương, trấn an anh. "Không sao nữa rồi, để tôi dẫn cậu vô nhà." Để tiếp thêm động lực cho Lương, anh thì thầm. "Chuyện của cậu, tôi sắp xếp xong hết rồi."

Lương nghe được lời hứa hẹn ấy như nắng hạ gặp mưa rào, gật đầu lia lịa, ngoan ngoãn để Sang dắt đi. Đám đông xúm xít cũng được anh Lâm cho tản đi hết.

Những điều đó không thoát khỏi cặp mắt sắc sảo của viên quan tây đứng trên lầu cao. Ông ta cười to, thở ra làn khói thuốc xám xịt:

"Như này mà không vô Phòng Nhì* của anh, thì có phải phí không?" Ông ta ôm eo người đẹp An Nam, thủ thỉ bằng giọng An Nam chuẩn chỉnh. "Em thấy anh nói đúng không, Thụy Quỳnh?"

*Phòng Nhì: cơ quan tình báo của Pháp thời ấy

Chú thích: Tất cả các đoạn in nghiêng đều là thoại khi nói bằng tiếng Pháp

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top