Chương 29.5
Ở gian chính nhà quan Thượng thơ, cơm nước đã xong xuôi. Ông Hiển gác đũa trước, hẩy tay bảo bọn hầu bưng nước lên cho ông súc miệng.
Chiếc chén sứ Bát Tràng đựng nước thơm được cung kính dâng lên vị chúa của ngôi nhà. Ông Hiển tao nhã nhấc nó lên, hớp một ngụm, súc miệng. Thằng hầu đang bưng bình nhổ đếm nhẩm năm nhịp, rồi tiến lên, nghiêng miệng bình cho ông nhổ nước bẩn vào. Rồi một con hầu khác bước lên, hai tay đưa ông chiếc khăn lụa Hà Đông để ông lau miệng.
"Bà lớn ni*." Ông Hiển gọi.
*Ni: này
Phu nhân Phương Huệ khép tay, khom mình thưa:
"Vâng."
"Tí nữa vô trong ta dặn bà chút việc."
Nói rồi ông vứt khăn cho con hầu, chống gậy đi vào nhà trong. Còn phu nhân Phương Huệ phải chờ bóng ông khuất hẳn mới thẳng lưng như thường. Bà cũng súc miệng, rồi gọi tụi hầu thu dọn bát đũa.
Mợ Cả nhà Thượng thơ mới ăn được lưng bát cơm, chưa bõ dính răng mà đã phải buông đũa, hai mép miệng trệ xuống như đeo chì. Cậu Cả Trung gạt hạt cơm bên mép vợ, yêu chiều mà thủ thỉ:
"Về phòng tôi bù cho." Rồi thay mợ Cả gác đũa, đỡ mợ đứng dậy.
Hai vợ chồng cậu Cả chắp tay với phu nhân Phương Huệ:
"Thưa mẹ, tụi con xin phép về phòng."
"Ừm."
Anh Trung dắt tay vợ và đám con nhỏ về khoảng trời riêng của họ. Còn lại phu nhân Phương Huệ đứng ở đây, coi tụi hầu dọn dẹp, chúng nó vốn đã quen công việc nên cứ luôn tay luôn chân mà không cần ai chỉ đạo, thành ra bà lại là người thừa, lạc lõng trong chính căn nhà của mình. Phu nhân Phương Huệ cố trông cho đến lúc mặt bàn ăn được lau sạch bong, thì vuốt lại hai mép tóc và vạt áo dài, đi tới phòng ông Hiển.
Vẫn như mọi buổi tối, về phòng rồi thì ông Hiển chỉ mặc bộ áo trong màu trắng trơn, ngồi bên bàn thuốc, thả những vòng khói xám về cung trăng cao vời vợi. Hồn ông cũng lơ lửng theo khói thuốc, trôi dạt về phương trời xa xăm.
"Ông nó." Phu nhân Phương Huệ đứng nép bên bộ ván, nghiêm cẩn chắp tay. "Ông gọi tôi tới dặn chuyện chi?"
"Ừm, bà lớn ngồi đi."
"Dạ." Phu nhân Phương Huệ vén vạt áo dài, ngồi xuống ván.
"Ừm." Ông Hiển rít một hơi thuốc, thở phà ra làn khói xám. "Từ mai thì thằng Thịnh qua Tây rồi, chỗ tê* là đất khách mà hắn không có người hầu kẻ hạ như khi ở nhà. Tới tháng gởi tiền qua Tây cho hắn, bà nhớ cho nhiều chút."
*tê: kia
"Tôi biết rồi." Phu nhân Phương Huệ cũng định như thế, dù bà không sinh ra Thịnh nhưng vẫn là mẹ trên danh nghĩa, phải lo lắng chu toàn.
"Ừm. Phần Thị Đào..." Ông Hiển cắn tẩu thuốc. "Cũng cho thêm đi."
"Vâng, tôi biết rồi."
Rồi hai người yên lặng rất lâu, chỉ còn mỗi tiếng rít thuốc của ông Hiển. Gió từ đâu thổi đến, hẩy khói thuốc trở lại căn phòng tịch mịch, làm phu nhân Phương Huệ hít phải, ho mấy tiếng. Ông Hiển vội gác tẩu thuốc lên chiếc đĩa con, cầm quạt quạt cho khói tản đi.
"Cảm ơn ông." Phu nhân Phương Huệ dằn tay lên ngực mình, hít hà. "Ông còn dặn tôi điều chi không?"
"Ờm. Thằng Tĩnh cũng sắp đi học lại..." Ông Hiển quẹt mép, xua tay. "Thôi, hết rồi." (con trai có pồ đại gia rồi như bát nước đổ đi)
Phu nhân Phương Huệ mỉm cười, khom người nói:
"Tôi định may cho thằng Tĩnh mấy cái áo mới, mua thêm giày cho nó."
"Ừm, rứa* đi." Ông Hiển xoay mặt đi, quạt phành phạch. "Bà lớn đi nghỉ sớm đi."
*Rứa: thế
"Dạ." Phu nhân Phương Huệ vuốt lại vạt áo dài, đứng dậy. "Rứa ông cũng nhớ nghỉ sớm đi hỉ."
Ông Hiển đáp lại bằng tiếng hừ rõ to. Phu nhân Phương Huệ mỉm cười, lại gần chồng, phủi tàn thuốc trên áo ông, ban nãy vì lo quạt khói cho bà mà không để ý, quạt cả tro tàn trên bàn vào người mình. Ông Hiển cầm cổ tay bà, đẩy nhẹ ra:
"Dơ, bay mùi, nóng nữa. Chuyện ni* để tụi hầu làm." (Biết tính "trượng phu" của Tĩnh "nhiễm" từ ai rồi ha. Bảo sao anh Lương sợ quýnh lên khi thấy thằng em.)
*Ni: này
"Được rồi." Phu nhân Phương Huệ ngoan cố phủi thêm mấy cái rồi mới trở về phòng riêng của mình.
Ông Hiển cầm tẩu lên định hút hơi cuối, nhưng thuốc trong tẩu đã cháy thành tro cả rồi. Ông quẳng nó trở lại khay, bảo tụi hầu dọn dẹp đi, rồi khoác hờ tấm áo gió, đến một nơi.
Đã lâu lắm rồi ông Hiển mới tới đây, chút nữa đã lạc lối trong chính nhà mình.
Gian nhà lợp ngói đỏ khiêm tốn nằm khuất sau cơ ngơi bề thế của một vị quan lớn. Có vị cố nhân từng hóm hỉnh so sánh nó với hộp bánh mứt mà ông đặt hàng từ lò gốm sứ Bát Tràng tặng nàng. Xây lên thật to rồi dựng vách thành các ngăn nhỏ, bỏ bánh mứt, hạt dưa vào đấy, chờ ăn "bữa chính" xong sẽ nhấm nháp một chút cho "vui miệng".
Các nàng thiếp, nàng hầu quan Binh bộ Thượng thơ Hồ Đắc Hiển sống ở đây. Tầm giờ này, họ thường mang mấy chiếc ghế con ra thềm ngồi, xõa mái tóc dài, kể nhau nghe những câu chuyện vụn vặt được họ tỉ mỉ lượm lặt trong cuộc sống hằng ngày.
Nhác thấy bóng đàn ông, các nàng lập tức lui vô trong, quấn lại mớ tóc khó khăn lắm mới thoát khỏi trói buộc, sửa cái cổ áo mà phải chờ tới khi mặt trời lặn các nàng mới dám buông lơi. Nàng Son, người nhỏ tuổi nhất, xong đầu tiên, chống nạnh đi ra xem thằng hầu nào dám tự tiện đến cấm địa trong nhà.
"Ơ kìa, thưa ngài." Nàng Son hốt hoảng, vội đan tay chào gia chủ. "Sao hôm nay ngài lại đến đây?"
Ông Hiển không đáp lời nàng, đưa mắt ra xa, về những cây cột sừng sững, đang che chắn cho các trang giai nhân tóc tai, áo xống không được gọn gàng.
"Bà Đào mô*?"
*Bà Đào mô: bà Đào đâu
Các nàng thiếp, nàng hầu trong nhà nghe ra giọng gia chủ, lồng ngực như bị thít chặt hồi hộp không rõ chuyện gì đang xảy ra. Gia chủ ngày thường sẽ gọi người từ đây đến phòng riêng của ông chứ không mấy khi đích thân bước tới chốn này.
"Thưa ngài." Nàng Son lễ phép đáp. "Dì Đào đang ở trong phòng ạ."
"Ừm." Ông Hiển cũng thấy căn phòng sáng đèn, có bóng người đàn bà hắt lên mành cửa. "Ta vô thăm bà nớ*."
*Bà nớ: bà đó
Nói rồi ông Hiển đi về căn phòng ấy, không hề quay đầu lại. Các nàng hầu bên gối ông bao năm nay, tự hiểu ý rằng ông không bắt bẻ lễ nghi, cứ việc nói cười như lúc nãy. Nhưng gia chủ đang ở đây, ai dám làm càn, bèn bảo nhau nhắc hết ghế vào trong, hôm nay đóng cửa đi ngủ sớm.
Khoảng sân lạnh ngắt. Ông Hiển kéo tấm áo gió vào sát người, bước lên bậc tam cấp lát gạch hoa. Cửa phòng gỗ chạm hình hoa đào vốn đang hé mở nhưng ông không vội vào. Ông muốn nhìn người đàn bà ấy khi không bị khuôn phép, lễ nghi trói buộc.
Dì Đào ngồi một mình trong phòng, chỉ mặc áo ngủ đơn bạc, đã nới lỏng mấy vòng dây quấn tóc cho nhẹ đầu. Bầu bạn với dì chỉ có ngọn đèn dầu tỏa ra ánh sáng mờ nhạt, cùng cuốn tập học chữ Tây mà dì tự đóng lấy. Nếu đôi lông mày kia không chuốt hình lá liễu, nếu không có đôi khuyên ngọc óng ánh trên tai, thì ông Hiển đã nhìn nhầm thành một người bạn đồng môn mất rồi.
"Bà Đào." Ông Hiển mở cửa.
Dì Đào giật mình, luống cuống muốn chỉnh lại áo xống, tóc tai, nhưng ông Hiển khoát tay, đóng cửa lại.
"Thưa ngài." Dì Đào đan hai tay vào nhau, cúi thấp người. "Sao ngài lại đến đây ạ?"
"Chỗ ni* cũng là nhà ta mà ta không tới được à?"
*Ni: này
Dì Đào vội chữa lời: "Dạ không, ý em là... Ý em là nếu ngài muốn em hầu ngài thì cứ sai người tới gọi, đâu cần phải nhọc công đến đây ạ."
"Ta tới ni* coi thử bà sắm sửa để mai đi Tây ra răng** rồi."
*Ni: đây
*Ra răng: ra sao
"Dạ? Sáng nay bà Cả có tới xem..."
Dì Đào nói chưa dứt câu thì thấy ông Hiển giang rộng hai tay, biết là mình không có đường thoái thác rồi. Dì đành cởi áo gió ngoài cho ông Hiển, treo lên mắc áo rồi dắt ông vào trong buồng.
"Ngài ngồi chờ em một chút ạ."
Dì Đào đỡ ông Hiển ngồi xuống giường rồi khom người, khệ nệ kéo chiếc giỏ lớn dưới gầm giường ra. Dì mở giỏ, xoay nó qua cho ông Hiển xem. Tất cả hành trang qua Tây của dì đều nằm gọn trong đó, vài bộ quần áo, guốc mộc đi trong nhà, giày da bước ngoài đường, cây dù che nắng đội mưa, ít phấn son, kẹp cài, còn lại toàn sách là sách, ních chật cả cái giỏ to đùng.
"Ta nghe nói sáng ni* bà lớn có đưa tiền cho bà, bà để mô**?"
*Sáng ni: sáng nay
**Mô: đâu
"Dạ..."
Dì Đào không dám giấu gia chủ. Dì vén tấm áo ngủ lên, lật lai quần lụa lại cho ông Hiển xem chỗ bí mật dì thường giấu tiền. Ông Hiển không xem tường tận, nhưng thấy nó cộm lên rất rõ thì gật đầu hài lòng. Ông vẫy tay gọi dì lại, bảo ngồi xuống bên cạnh mình.
"Mai ni* thằng Thịnh qua Tây, bà cũng theo nó. Đất lạ quê xa, hai mẹ con bà phải tự lo, biết không hỉ?"
*Mai ni: mai nay
Ông Hiển lại dặn dì Đào nhắc nhở chuyện học hành cho con, dặn dì ở trên đất người đừng làm xấu dân ta, rồi còn nhiều thứ khác nữa. Dì Đào nghiêm cẩn cúi đầu nghe bằng hết. Rồi bất chợt, ông cầm tay dì, đặt vào đấy hai nén vàng:
"Bà cầm đi, để phòng thân."
Dì Đào bủn rủn chân tay. Tuy ông Hiển làm quan to nhưng có được số tiền này không phải là dễ dàng gì. Dì vội vàng trả hai nén vàng về chủ cũ:
"Thưa ông, em không dám nhận ạ. Ông thương mẹ con em thế này là em biết ơn lắm rồi ạ."
Ông Hiển lắc đầu, cầm chặt tay dì Đào, bắt buộc dì phải giữ lấy hai nén vàng ấy:
"Bà cầm đi, cầm cho bà, cũng là cầm cho thằng Thịnh. Hắn là con ta, ta biết. Hắn có lớn, mà chưa có khôn, ta không yên tâm." Ông vỗ nhẹ lên đôi tay dì Đào, người đàn bà, người bạn đã cùng ông chia chăn sẻ gối suốt bao năm qua. "Ta tin ở bà. Bà giữ đi, cho ta yên lòng."
Dì Đào bật khóc, tay siết lấy đôi bàn tay gân guốc, ám đầy mùi khói thuốc ấy. Dì ngẩng đầu, hai mắt rưng rưng, bờ môi mấp máy những lời vốn đã ở sẵn trong đầu nhưng giờ lại không biết nên thốt ra làm sao. Ông Hiển thở dài, gạt đi giọt lệ ứ bên khóe mắt dì Đào, rồi mân mê dấu chân chim đã sớm hằn trên da thịt trang giai nhân:
"Bà theo ta gần hai chục năm rồi hỉ."
"Thưa ngài, ngài đưa chị em em về nhà này vào ngày Quý Tỵ, tháng Mậu Ngọ, năm Quý Mùi*." Dì Đào mỉm cười. "Đã hai mươi bảy năm rồi ạ."
*Là ngày 19 tháng 6 năm 1883
Ông Hiển giật mình, hít hà: "Lâu rứa* à?"
*Rứa: thế
Dì khẽ gật đầu, chớp đôi mắt to tròn, đen lay láy, trong một thoáng nhìn vào đấy, ông Hiển như được trở về quá khứ, gặp gỡ bé gái theo chị lưu lạc từ Hà thành vào Kinh đô tìm họ hàng xin lánh nạn. Bàn tay ông bất giác sờ đầu tóc dì Đào, như ngày ấy ông xoa đầu cô bé quật cường dám đi xa như vậy để tìm đường sống.
"Lúc nớ* bà mới có chín, mười tuổi, răng** nhớ được kỹ rứa?"
*Lúc nớ: lúc đó
**Răng: sao
Dì Đào mỉm cười, nói: "Thưa, tuy lúc đó em còn nhỏ, nhưng ngày nào chị Nguyệt cũng nhắc em, nên em không dám quên ạ."
Dì Đào thốt ra tên người ấy, cẩn thận quan sát sắc mặt gia chủ. Quả thật cái tên ấy là dằm trong tim ông Hiển, hễ nhắc đến nó, tim lại nhói lên, nhưng đã qua bao năm tháng, nó chỉ khiến đôi mày kiếm lốm đốm chấm bạc cau nhẹ, đau thương tự nhiên thành kỷ niệm đẹp, làm hoa cười nở rộ trên khuôn miệng khô khốc.
"Bà nớ* mà còn sống chắc sẽ đòi theo mẹ con bà qua Tây." Ông lắc đầu đầy bất lực. "Lúc mô** cũng ỉ ôi đòi lên núi xuống biển."
*Bà nớ: bà đó
**Lúc mô: lúc nào
Ông Hiển nhìn phía đầu giường, trên tường vẫn treo cây đàn nguyệt thân thương thường được người ấy gảy vang ở góc sân để mê hoặc khách quân tử lạc bước. Ông lần tay vào túi áo, lấy ra một chiếc vòng gỗ lim chạm nổi hình vầng trăng khuyết, đưa cho dì Đào:
"Bà đem bà nớ theo đi, cho có chị có em."
"Ngài... Em xin ngài ạ."
Dì Đào rưng rưng nước mắt, run run nhận chiếc vòng gỗ, đeo vào tay mình. Ngày ấy tay dì nhỏ xíu như cây đũa, đeo vòng này cứ rơi lên rớt xuống, giờ đã vừa in. Dì Đào thấy cổ tay nóng hôi hổi, như được bao bọc bởi cái nắm tay của chị gái, tiếp cho dì sức mạnh đi muôn nẻo đường.
Ông Hiển thở dài, xoa mái đầu đã nhuốm màu sương tuyết thời gian:
"Hồi trước ta đã hứa với chú thím bà là sẽ lo cho cả hai chị em bà tới nơi tới chốn, chừ thì kẻ còn người mất. Lúc bà Nguyệt đi ta cũng hứa lo cho bà cả đời, chừ thì để bà một mình theo con qua đất khách." Tay ông lướt qua vầng trăng khuyết trên chiếc vòng, vết hằn trên gương mặt càng sâu thêm. "Tâm có dư mà sức không đủ. Bà hiểu cho ta."
Dì Đào lắc đầu, dùng hai tay mình bao trọn tay ông, trân trọng nâng niu nó như báu vật trời ban:
"Xin ngài đừng nói thế. Tình nghĩa chị em em nhận của ngài kiếp này phải trả bao nhiêu mới hết được."
Năm ấy, Hà thành loạn lạc*, biết bao gia đình chịu cảnh ly tán, dì Đào phải sống dựa vào chị, bữa đói bữa no, đi đường bộ tới được Kinh thành an toàn đã là một kỳ tích. Rồi tới ngày tiền hết, đồ đạc có thể đem đi cầm cố cũng không còn, hai chị em phải dùng những mẩu bánh vụn nhặt bừa bên lề đường để khỏa lấp đi cơn đói, khi đó, ông Hiển đã xuất hiện, chẳng những cho cơm, cho tiền, còn cho chỗ trú chân. Rồi Kinh thành lại nổ ra bạo loạn**, lửa đạn không mắt, nhắm đến bất cứ ai sống trên mảnh đất này, quân Tây cầm súng lùng sục từng nhà để truy tìm phản loạn, chính người đàn ông này đã đứng ra dùng mạng sống bảo đảm sự an toàn cho cả nhà, trên vai trái ông còn vết sẹo mờ, do ngày đó chắn đạn cho dì mà có.
*Năm 1883 diễn ra trận Cầu Giấy thứ 2 giữa quân Cờ Đen và Pháp. Tuy quân Cờ Đen giành chiến thắng nhưng cũng sách nhiễu nhân dân Hà Nội, làm rất nhiều người oán than.
**Năm 1885 diễn ra trận Kinh thành Huế giữa quân Pháp và phái Chủ chiến do Tôn Thất Thuyết đứng đầu.
Gần ba mươi năm trôi qua, dù phải sống trong cái cảnh kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng, nhưng dì tự thấy mình may mắn hơn rất nhiều người đàn bà khác. Đất nước vẫn chưa khép miệng vết thương từ cơn binh lửa, thân đào liễu chân yếu tay mềm như dì có thể sống dưới mái nhà dựng bởi kèo cột vững chãi, an ổn sinh con đẻ cái, rồi lại được theo con sang chân trời mới như ước nguyện thuở nhỏ nữa. Ông Hiển không phải người đàn ông tốt nhất, nhưng cũng khó tìm được bao nhiêu người tốt như ông, nhất là trong thời loạn này.
"Nếu có kiếp sau..." Dì Đào mấp máy đôi môi. "Nếu có kiếp sau... Em cũng xin được theo hầu ngài."
Ông Hiển ngẩn người ra, bên viền mắt tự nhiên nóng hổi, giọt lệ trong suốt lăn dài trên gò má hốc hác, thành dòng suối mát giải cơn hạn trong lòng. Ông ôm dì Đào, ngồi sát lại, tay ông luồn vào suối tóc giai nhân, để đầu nàng ngả lên vai mình. Dì Đào vòng tay ôm cả người ông, thủ thỉ:
"Em đi rồi, ngài cũng phải tự lo đấy. Đừng có thức khuya hút thuốc nữa, không tốt cho sức khỏe đâu. Ngài cũng đừng tức giận lung tung, không tốt cho tim."
Ông Hiển đanh mặt, song cố dằn: "Cho mụ lên mặt đêm ni* thôi nớ**." Ông hừ lạnh.
*Ni: nay
**Nớ: đó
Dì Đào cười khúc khích, thấy được người vẽ đường cho hươu chạy thì càng bạo gan hơn. Dì hà hơi, thổi tắt ngọn đèn, thả màn lụa xuống. Đêm nay là đêm cuối, xin hãy để người đàn ông này là của một mình dì. Chỉ đêm nay thôi.
"Thưa bà, tối rồi, phòng dì Đào tắt đèn rồi, mình về thôi ạ." Cô Mẫn thì thầm với phu nhân Phương Huệ.
Sắp vào đêm, trời cũng muốn trở lạnh, bà lớn nhà Hồ Đắc hít hà, nắm chặt vạt áo choàng, mấy tờ giấy bạc Đông Dương trong tay vì vậy mà nhăn nhúm hết. Bà gượng quay gót, dù vậy, đôi tai bà vẫn ngoan cố nghe ngóng âm thanh hỗn tạp phát ra từ gian phòng kia, trong đó có tiếng cười trầm thấp của người đàn ông ấy, đã lâu lắm rồi bà không được nghe thấy.
Mười năm? Mười lăm năm? Bà cũng không nhớ rõ nữa.
Tâm sự tác giả: Một chương dài hơi, ngốn của mình hai ngày trời, nên... hì hì... mong các độc giả comment ủng hộ nhiệt tình nhé.
Thực ra ban đầu mình không định viết chương này như vầy đâu. Tổ tiên báo mộng thế nào mà nhiều chi tiết ban đầu bị mình sửa banh tành, tè le hột me luôn. Cụ thể như vầy:
1. Ban đầu mình định viết là ông Hiển gọi dì Đào vào phòng mình, tâm sự với dì một đêm, mà cái đêm này vốn dành cho phu nhân Phương Huệ. Phu nhân Phương Huệ dù rất đau lòng nhưng vẫn nhường cho dì Đào, vì chính thất là phải rộng lượng, dì Đào sắp đi xa rồi mà.
Xong giờ thành ông Hiển tự tới phòng dì Đào, tâm sự với dì những chuyện quá khứ, phu nhân Phương Huệ định tới cho dì Đào thêm tiền, nhưng thấy chồng đã ở đó rồi thì quay về.
2. Không định viết cảnh ông Hiển quạt khói thuốc cho bà Cả đâu, mình định cho ông lạnh tanh với nguyên bầu đoàn thê tử luôn, nhưng chả hiểu sao tự dưng quay xe thêm cảnh đó vô. Ông Hiển nào đó trong quá khứ khiến hay sao ấy... Mà viết thế này mới thấy ông Hiển với út Tĩnh có rất nhiều điểm giống nhau nhé, bảo sao khi gặp thằng Út anh Lương sợ quýnh lên.
3. Quan hệ giữa dì Đào và dì Nguyệt (bạch nguyệt quang của ông Hiển) ban đầu là tình địch 100%. Mình định dàn xếp kiểu ông Hiển ra Hà Nội gặp dì Nguyệt là ca nương, mê mẩn, muốn lấy làm thiếp, phu nhân Phương Huệ sợ chồng mang tiếng mê phường xướng ca nên bảo người tìm một gia đình có ăn có học nhưng gia thế thấp để hỏi cưới con gái nhà đó làm thiếp cho chồng, đấy là dì Đào. Xong cuối cùng lại viết ra thành chị em, ông Hiển hái hoa cả cụm.
4. Về tuổi của dì Đào khi về làm thiếp cho ông Hiển, mình cũng định viết xấp xỉ 15, 16 tuổi, nhưng chả hiểu sao quay xe, viết kiểu nuôi từ nhỏ xong sinh tình. Tình cảm của dì Đào với ông Hiển cũng định viết nhàn nhạt như nước thôi, xong tự dưng ra thành lâu ngày sinh tình luôn, ứ hiểu...
Chẳng rõ tổ tiên báo mộng sửa chương thế này là tốt hay xấu. Cơ mà mình thực sự muốn chuyển mạch chương từ gia đấu sang tình cảm gia đình phức tạp thế này. Có thể vì tay viết của mình có ADN kháng drama nên không viết gia đấu được, hoặc vì mình thấy người ta viết gia đấu bà hai bà ba đánh nhau ta sống ngươi chết nhiều quá rồi nên muốn thử đổi vị cho độc giả, kiểu góp một đĩa kẹo cho mọi người sau khi đã kinh qua hàng chục món ăn gia vị mạnh vậy (dù kẹo làm từ đường hóa học hay trộn thủy tinh thì... cũng là đường mừ). Với lại cánh đàn ông nhà Hồ Đắc trong truyện kèn cựa nhau cũng ghê lắm rồi, các bà còn châm dầu vào lửa nữa thì gia chủ thăng sớm.
Còn về ông Hiển, từ đầu truyện tới giờ chắc ông không hề tạo được ấn tượng tốt trong mắt độc giả. Có lẽ trong mắt độc giả, và trong mắt hai nhân vật chính của chúng ta, ông Hiển không phải người cha tốt, không phải người chồng tốt, cũng không phải người dân trung thành với đất Việt. Nhưng đấy là do mọi người đã nhìn ông bằng lăng kính của người tân tiến. Còn lấy tiêu chuẩn thời xưa, ông Hiển rất gần mới hình mẫu quân tử trong sách vở, ông cho con cái ăn học thành tài, giữ gia đạo không làm xảy ra chuyện bà lớn gây bà nhỏ, còn về việc sai con đi đánh dẹp khởi nghĩa Hương Khê thì đó cũng là quan điểm chính trị của ông, ông cho rằng vua Hàm Nghi được lập bởi Tôn Thất Thuyết, người đã giết ba vua, là người không chính danh, làm thần tử đi đánh dẹp kẻ không chính danh là lẽ thường. Thực ra ông Hiển có tính tình rất giống với Tĩnh, nhưng kém con mình ở chỗ tư tưởng lúc nào cũng bó hẹp một chỗ, không chịu tiến lên phía trước, không chịu hiểu là thế thời đã thay đổi, bản thân cũng phải thay đổi để thích nghi với nó.
Còn một vấn đề nữa là chuyện chung chồng của các bà. Trong chương này, mình xây dựng cả ba bà phu nhân Phương Huệ, dì Nguyệt, dì Đào đều thật lòng thương ông Hiển, chấp nhận san sẻ chung một tấm chồng. Ban đầu mình thấy cũng cấn lắm, nhưng nghĩ lại, cũng không phải không có khả năng. Phụ nữ thời phong kiến rất khổ, phụ nữ thời binh loạn càng khổ hơn, với họ, người chồng không chỉ là bạn trăm năm, mà còn là chỗ dựa, là mái nhà che chắn gió mưa cho họ. Nếu đặt mình ở vị trí họ, phải lựa chọn giữa việc làm vợ một người ăn bữa nay lo bữa mai, ôm con chạy loạn từ tháng này qua tháng nọ, với việc làm thiếp một người có thể cho mình cơm ăn áo mặc, con cái được học thành tài, còn sẵn sàng giang tay che chắn mình khỏi tên bay đạn lạc, rất khó nói lựa chọn nào tốt hơn. Ông Hiển tuy thất chí, nhưng vẫn vì họ mà che mưa chắn gió, mặt lạnh cả ngày nhưng vẫn để ý từng chuyện nhỏ của họ, ông không phải người tốt nhất nhưng cũng không có bao nhiêu người tốt như ông. Dù vậy, đã chung chồng thì sao tránh khỏi cảnh thê lương, nên mới có cảnh cuối, dì Đào kề gối chung chăn bên chồng còn phu nhân Phương Huệ cô đơn trong màn đêm, cũng như trước đó dì Đào vò võ bên ngọn đèn khi ông Hiển nói chuyện nhà với phu nhân Phương Huệ vậy.
Hình minhhọa: Hộp bánh mứt gốm sứ Bát Tràng trên Tiki.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top