Chương 28

Chương 28: Gieo quẻ âm dương

Bên bờ thềm ở ngoài phòng cậu Út nhà Thượng thơ bộ Binh, có một anh lớn với một cậu nhỏ chụm đầu với nhau chơi trò "kẹo ở đâu".

"Cậu Thắng nhìn kỹ nha."

Có ba chiếc chén cũ đang để úp trên thềm, Sang chỉ vào cái ở giữa, bên dưới đó để một viên kẹo hương nho. Cậu bé con ngồi thu lu, mắt tròn đen láy chớp chớp, môi dẩu ra. Nắng dần đậm màu, chiếc bóng của viên gạch đất nung kê làm khung thành giờ đổ dài, Sang vẫn kiên nhẫn chờ cậu bé sẵn sàng mới bắt đầu trò chơi. Cậu bé gật đầu, bàn tay múp míp nắm chặt thành đấm, môi mím lại, hừng hực ý chí chiến đấu.

"Vậy tôi bắt đầu ha."

Sang di chuyển nhanh những chiếc chén, đảo vị trí của chúng liên tục. Anh đảo đến hơn chục vòng thì dừng lại, khẽ hỏi:

"Kẹo ở đâu nà?"

Cậu bé hít hà, đánh liều chụp ngay chiếc chén ở giữa, lật ngửa nó lên, viên kẹo quả thật ở ngay bên dưới.

"Đúng òi." Bé cười toe, lộ ra mấy chiếc răng sữa nhỏ xíu xiu.

Sang đưa cho cậu bé viên kẹo, bé nhảy cẫng lên, chạy ù đi khoe khắp nhà. Kẹo này ngọt lắm, bé ăn rồi, nhưng chiến thắng được nó càng ngọt hơn. Khoe xong rồi bé quay lại đòi anh bóc cho mới chịu ăn. Sang chỉ biết vâng lời, bóc vỏ kẹo cho bé, rồi thêm cái bánh, cái kẹo vừng.

Đây là cháu của Tĩnh mà, anh cưỡng lệnh sao được. Thêm nữa, bé cũng dễ thương lắm, chỉ vừa mới lên ba, mặt tròn ủm, núng nính như viên chè trôi nước ấy, đã thế còn mặc áo dài the, giày da khăn vấn chỉnh tề thế kia, khiến lòng anh mát dịu.

Sang nhìn bé nghịch vạt áo dài the, dạ bồi hồi, nhớ ngày đầu tiên anh gặp Tĩnh ở ga Sài Gòn, năm đó cậu cũng chỉ mới ba tuổi.

Tĩnh từ trong phòng bước ra, dắt theo một bé gái nhỏ chừng bảy tuổi, cũng ăn vận áo dài chân đi hài thêu nhưng tóc tai vẫn chưa chỉnh tề. Bé gái này tên Lan Chi, cũng là cháu của Tĩnh, con gái anh Trung, đang thọ giáo mấy con chữ chỗ chú mình. Hôm qua bé nghe cha mẹ bảo Tĩnh bận việc nên có ý bỏ bài vở, nài cha mẹ dắt đi chơi, Tĩnh biết được, giận lắm, bắt trả bài cho bằng hết trong sáng nay.

"Xong rồi ni, ta trả người cho mi, mi trả người cho ta." Tĩnh cầm tay Lan Chi giao cho thằng cháu trai rồi lùi về bên Sang.

Cậu Thắng vội chỉnh trang quần áo, chắp tay chào chú Tĩnh rồi dắt chị mình đi, đi rất nghiêm chỉnh, một đường thẳng mà bước, không dám nhìn ngang ngó dọc. Mấy người hầu đứng chung quanh xem Sang chơi với cậu Thắng cũng dần tản ra.

"Mình đi." Tĩnh đã cầm sẵn cây dù rồi.

"Đi."

Sang đội mũ lên, Tĩnh bung dù. Cả hai sóng vai nhau bước ra cổng.

Hôm nay mồng mười bốn tháng bảy, Sang ngồi nhờ xe nhà Thượng thơ đi viếng chùa, ngoài mặt là thế, thực chất là để diện kiến một vị cao nhân hòng xin người đó một lời phán truyền, để vén khéo cuộc đời thuận với lệnh trời. Cao nhân chính là người tu ở am mà Tĩnh kể hôm trước, vừa về cách đây hai hôm, đang trú tạm một ngôi chùa ở ngoại thành. Bên chùa bảo hết lễ Vu Lan thì người đó lại cất bước vân du, nên phải đi ngay kẻo lỡ.

Nhà Binh bộ Thượng thơ điều hai chiếc xe ngựa, một xe chở Sang với Tĩnh, xe còn lại chở phu nhân Ngô Phương Huệ và cô con dâu thứ hai.

Đây là lần đầu tiên Sang được diện kiến nàng dâu thứ hai nhà Thượng thơ Hồ Đắc. Không hổ là người được ông bà Thượng thơ đích thân chọn, nàng như tượng ngọc được đúc từ khuôn vàng, đoan trang và nền nã. Chỉ tiếc một nỗi, phải chịu cảnh có chồng như không, đêm ngày lầm lũi chốn khuê phòng, tuổi đương xuân mà hồn đã về thu. Sang lén thở dài, tiếc giùm số kiếp hồng nhan đa truân.

"Tĩnh lên từ từ." Sang đưa tay cho Tĩnh vịn, chờ cậu lên xe rồi anh mới lên. "Chú ơi, mình đi được rồi."

"Dạ." Người phu xe cúi đầu, giật cương thúc ngựa.

Giờ sắp chạm ngưỡng trưa, nắng bắt đầu gắt lên. Sang thả màn xuống, ngồi quay lưng về phía mặt trời.

"Anh sắm đồ lễ thầy ra răng?"

"Nè, Tĩnh coi giùm tôi. Tôi không hay đi lễ thầy, không biết sắp thế này có đúng không."

Sang đưa Tĩnh mâm lễ anh dày công chuẩn bị suốt mấy ngày, tham khảo từ biết bao nhiêu người ngoài chợ. Mấy cái cơ bản đương nhiên phải có, trà, bánh, hương đăng, hoa quả. Theo như người có kinh nghiệm hay đi cầu đồng cầu cốt thì cần dâng thêm giấy tiền vàng bạc, quan trọng nhất là bạc tiền, nhưng Sang thấy mấy cái ấy dễ làm bẩn mắt cao nhân nên cân nhắc thay bằng cái khác.

"Hừm." Tĩnh nhìn lướt các món trong mâm lễ. "Anh nói anh không hay đi lễ mà sửa đồ còn kỹ hơn mẹ tôi."

Phần lễ bên rìa của Sang thoạt nhìn thì đơn giản nhưng chất lượng rất cao. Ở giữa mâm đặt một chiếc hộp gỗ lim, quét dầu bóng loáng, Tĩnh mở nó ra, thấy một chiếc đĩa gỗ khắc hình bát quái, để trên nệm nhung màu huyết dụ. Người nhận quà muốn làm gì với lễ tuỳ ý, bán đi cũng tốt, để chưng càng tốt.

"Bà ở nhà thường đi lễ đủ chỗ sao Tĩnh?"

Tĩnh gật đầu:

"Đi nhiều lắm nớ, hỏi nhiều chuyện lắm." Cậu trả mâm lễ lại cho Sang. "Cứ tới tháng bảy là đưa chị hai tôi đi."

"Bà đi với mợ Hai, Tĩnh cũng hay đi theo hở?"

Tĩnh gật đầu:

"Một phần là tôi đi theo để hộ, lâu lâu mẹ hay đưa chị Hai đi mấy chỗ ngoại thành, cha với tôi lo lắm. Một phần để đi ngắm cảnh, ở trong nhà miết cũng ngột ngạt."

"Tháng sau Tĩnh có muốn qua Tây chơi không? Sẵn đó đi thăm cậu Thịnh luôn."

Tĩnh lắc đầu ngay. Trong hoàn cảnh này, cậu mà vượt biển qua kia là gia can xào xáo ngay tắp lự, ông Hiển chắc chắn sẽ mặt nặng mày nhẹ, lại giận chó mắng mèo, trút lên mẹ cậu thì khổ, nhịn một chút cho gia đình êm ấm, dù trong chốc lát thôi cũng quý lắm rồi.

Sang hiểu cho hoàn cảnh của cậu, tạm gác chuyến đi xa, chờ tới hè năm sau chắc ổn hơn, anh đổi địa điểm khác:

"Vậy Tĩnh có muốn ra Cửa Tùng chơi không?"

Hai mắt Tĩnh sáng lên:

"Đi!"

Tĩnh nghe anh Cả nhắc tới bãi biển cửa Tùng ngoài Quảng Trị lâu lắm rồi, muốn tới chơi lắm nhưng chưa ai mở lời dẫn đi cả. Cậu còn muốn đến nhiều vùng đất khác trên nước Nam, Cổ Loa – nơi vua Ngô dựng nước, Hoa Lư – nơi Đinh Hoàng xưng đế, hay lại ngồi tàu ra Khánh Hoà, tới bãi cát trắng Vân Phong – chỗ trời ban nước ngọt tiếp sức cho Thế Tổ Gia Long báo thù nhà. Rồi... lại về Sài Gòn ôn kỷ niệm cũ, tới Mỹ Tho thăm nhà người ta nữa chứ.

"Vậy giao hẹn như vậy nha." Sang đưa tay ra. "Về rồi mình xin với quan Thượng thơ."

Hai người bắt tay, giao hẹn như thế.

Sang trông những vì sao lấp lánh trong đôi mắt người ấy, cõi lòng xôn xao. Anh mong sao thời gian trôi qua thật nhanh, cậu sớm trả nợ đèn sách, anh đưa cậu lướt thuyền vân du đó đây cho thoả chí bình sinh. Nếu có điều kiện, anh muốn đưa cậu đi khắp thế gian thăm người hay cảnh lạ, thậm chí là đưa lên mây trời.

"Anh ni." Thình lình, mắt cậu loé lên sự tinh quái. "Hồi anh "đi hoang" thì anh đi chỗ mô rứa? Mấy chỗ nớ có đẹp không?"

Sang phì cười, rồi ngượng nghịu gãi chóp mũi:

"Toàn mấy chỗ thôn dã thôi. Lúc tôi xuống đó thì đâu có thời gian ngắm cảnh gì, phải phụ người ta mò cua bắt cá mới được ăn cơm ké."

Ngoài miệng anh nói thế, Tĩnh lại đọc được niềm trìu mến anh dành cho cảnh sông nước quê hương, cho những con người bình dị nhưng luôn đầy ắp tình thương. Tĩnh lại hỏi:

"Rứa là anh bắt cá giỏi lắm hỉ? Hồi tôi gặp anh ở Gia Định thì anh có ốm đói mô."

"Hổng có đâu, bắt dở lắm. Tại mặt khờ nên bà con thương, cho ăn nhiều thôi."

"Rứa là do nhìn đẹp trai nên bà con bắt về nuôi hỉ?" Tĩnh bắt chéo chân, chống cằm nhìn anh, tấm tắc. "Là tôi thì tôi cũng bắt về nuôi."

Sang phá ra cười, hít hà, bảo:

"Rồi, rồi, Tĩnh chiếu bí tôi rồi đó." Đúng là anh sành chuyện bắt cá mò tôm và giữ nó làm một thú vui mỗi khi về quê nghỉ ngơi. "Tĩnh muốn phạt tôi ra sao đây?"

Tĩnh nói ngay: "Hè năm sau anh dẫn tôi xuống quê anh chơi. Anh bắt cá cho tôi."

"Tôi rất sẵn lòng."

"Rứa mình giao hẹn đi."

Tĩnh lại giơ tay ra, Sang nắm lấy bàn tay người ta thật nhẹ nhàng, giơ lên rồi hạ xuống, đóng dấu hiệp ước đôi bên.

Bác phu xe với thằng Hiền ngồi bên ngoài phải nghe lỏm một cách bất đắc dĩ. Bác rỉ tai thằng Hiền, hỏi nhỏ:

"Mấy cái chuyện bắt cá mò cua có chi hay mô mà hai cậu lớn bàn luận rôm rả thế." Bác chỉ muốn cảm thán một câu, đúng là kiểu con nhà giàu.

Thằng Hiền quá quen với cái cảnh này rồi nên chỉ biết cười trừ, tìm chuyện để nói, hướng đôi tai ông bác qua chỗ khác. Nhưng thằng Hiền chẳng thành công mấy, cứ chốc chốc, bác phu xe lại quay sang rì rầm tiếp:

"Đãi trấu có chi hay mô mà hai cậu lớn vui rứa?"

Những câu chuyện có vẻ nhàm chán, ấy vậy mà lại dư sức mua vui cho cả một đoạn đường dài từ trong kinh ra ngoại thành.

"Tới rồi cậu ơi."

Phu xe hô dài một tiếng, kéo dây cương, ngựa chạy chậm dần rồi ngưng hẳn. Sang bưng lễ xuống xe trước. Tĩnh ngồi nhìn anh dùng đôi chân dài tiếp đất nhẹ nhàng, lòng mê man.

"Tĩnh." Sang giơ tay ra, mỉm cười.

Tĩnh lắc đầu mấy cái, bước tới, vịn vai anh để bước xuống. Anh ân cần lắm, đỡ lấy cả người Tĩnh để đảm bảo cậu tiếp đất an toàn. Thằng Hiền còn ngồi trên xe, nổi da gà, chủ của nó nhỏ nhất trong các cậu nhưng cũng giỏi võ nhất trong các cậu, có ngán gì mấy trò nhảy xe đâu mà ông địa chủ Nam Kỳ kia bao bọc dữ vậy.

"Anh tới ni bao chừ chưa?" Tĩnh cầm cổ tay Sang, chỉ ngôi chùa nhỏ phía trước.

"À..."

Sang chăm chú quan sát ngôi chùa này. Chỗ ăn ở, thờ phụng đã phủ rêu nhưng cổng trước lại rất mới, đôi câu đối chữ Nho khắc giản đơn trên đôi cột, sơn hãy còn tươi, anh đoán là mới xây đây thôi, lấy tạm ngôi gian cổ xưa nào đó để mượn không khí linh thiêng, dựng thêm cái cổng để gọi là chùa. Tầm một năm đổ lại đây anh không có dịp ra ngoại thành Huế.

"Tôi chưa tới đây bao giờ."

Trong sân có chú tiểu và một nhà sư nuôi chòm râu bạc đang quét lá. Thấy có hai xe ngựa sang trọng tới trước cổng, vội buông chổi, chạy ra đón tiếp.

"Mô phật." Nhà sư chắp tay chào. "Thưa quý bà, quý bà tới chùa ni có chuyện chi không ạ?"

"Mô phật." Phu nhân Phương Huệ chắp tay. "Hôm nay ta tới đây, trước là có lễ dâng Phật, sau là xin gặp một người."

"Có cái ni." Tĩnh đưa cho nhà sư một lá thư. "Nhờ thầy đưa thơ ni cho thầy Vân Trình, nói với thầy là người tới thăm."

Nhà sư nhận lá thư, trao lại cho chú tiểu, rì rầm vào tai chú ta cái gì đó làm chú ta giật thót lên, cầm lá thư chạy ù ra sau. Nhà sư mỉm cười, chắp tay nói:

"Mô phật. Mời bà với cậu vô thắp nhang."

Chú tiểu dẫn đoàn khách vào chánh đường. Chung quanh vắng hoe, gió thổi lá khô thôi cũng có thể để lại tiếng vọng. Chánh điện để không, trơ trọi pho tượng phật bằng đồng đen ngồi sau đôi đèn lập loè.

Phu nhân Phương Huệ kêu cô Mẫn đặt mâm lễ Phật lên bệ thờ. Chú tiểu thắp một bó nhang, chia cho mỗi người ba nén. Sang lùi ra sau, định chờ nhà Hồ Đắc thắp nhang xong thì tới mình, bất thình lình, Tĩnh kéo tay anh, nghiêng đầu về phía trước, Sang bặm môi, cùng cậu tiến lên, bái Phật một lượt, cắm nhang vào ống một lượt.

Chú tiểu chạy hùng hục ra, làm gì mà mồ hôi nhễ nhại, hổn hển nói:

"Thầy Vân Trình nói là mời cậu với bà."

"Mi đi trước đi."

Phu nhân Phương Huệ nói rồi nhấc tà áo dài, quỳ trước tượng Phật, nghĩa là không cho Sang thoái thác.

Sang hơi ngạc nhiên với sự ưu ái đường đột này. Song, anh nghĩ, bản thân mình cũng chẳng có gì cần hỏi thầy ngoài chuyện xem ngày động thổ. Thế là Sang nhấc mũ chào hai quý bà nhà Binh bộ Thượng thơ, xin được bưng lễ gặp thầy trước.

"Thưa mẹ." Tĩnh chắp tay, lễ phép nói. "Con cũng trông gặp bác Vân Trình từ lâu, mẹ cho con ra sau gặp."

Phu nhân Phương Huệ có vẻ không vừa lòng, nhưng không cản cậu, bà phất tay một cái rồi hoàn toàn nhập tâm bái Phật. Tĩnh chắp tay, cúi mình trước mẹ rồi đi theo Sang.

Chú tiểu dẫn đường hai người ra đằng sau chùa. Ở đây cũng có một cái sân lớn, có lát gạch, giữa sân trồng một cây bàng rất lớn, tán lá bung toả, che rợp cả một gian nhà tầm trung có bốn cửa lớn. Cửa giữa mở rộng, cao nhân mặc áo dài thâm, tóc búi củ hành đón chào khách bằng chất giọng Bắc Hà:

"Mời vào."

"Con chào thầy Trinh." Tĩnh chắp tay, vái cao nhân một vái dài.

Ông tên Hứa Văn Trinh, nhưng sau bao năm lăn lộn giang hồ, lại lấy hiệu là Vân Trình. Ông giông giống hình tượng thầy bói trong miệng dân gian, cũng mắt mù kính đen, cũng áo dài, ngồi bệt trên chiếc chiếu bày đầy đồ đạc, mai rùa có, tiền gieo âm dương có, còn cả quyển Kiều nữa.

"Ô, cậu Út nhà anh Hiển đấy à? Qua đây nào."

Thầy Vân Trình vẫy tay, Tĩnh chạy ngay đến. Cậu đưa đầu cho thầy Trinh sờ, mặt lém lỉnh, trông không khác chi đứa trẻ con. Sang có khờ đến đâu cũng phải cân được phân lượng cao nhân này trong lòng người ta, mâm lễ vật trên tay anh tự dưng nặng như chì.

"Anh ni." Tĩnh quay ra cửa, gọi to. "Vô ni đi."

"Ờ."

Sang bặm môi, bưng mâm lễ vào cửa. Cao nhân của nhà Hồ Đắc ngẩng đầu lên, nở nụ cười thân thiện.

"Dạ, chào thầy." Sang lễ phép cúi đầu chào cao nhân.

"Vâng, chào cậu. Mời cậu lớn ngồi."

"Dạ không dám." Sang vội nói. "Thầy cứ kêu con là Sang được rồi ạ."

"Vậy thì mời cậu Sang ngồi."

Sang cúi đầu:

"Dạ." Anh đặt lễ riêng của mình xuống, lễ phép thưa. "Dạ xin lễ thầy, nhờ thầy giúp cho ạ." Rồi anh cầm tay thầy đặt lên đồ làm lễ.

Thầy Vân Trình sờ lễ vật trong hộp đựng, mường tượng ra hình dáng của chúng trong đầu, bề ngoài chúng chỉ là những vật dụng thờ phụng thông thường nhưng chất lượng cực kỳ tốt, đôi lông mày hoa râm hơi cau lại, song, đã nhanh chóng giãn ra.

"Quý hoá quá." Thầy để đồ lễ qua một bên. "Giờ mình coi quẻ luôn được không?"

"Dạ." Sang tháo giày, ngồi xếp bằng trên chiếu. "Nhờ thầy coi giùm con cái ngày mở quán."

"Vậy cậu Sang cho tôi hay ngày tháng năm sinh với quê quán."

Sang cứ y sự thật đời mình mà nói:

"Dạ thưa thầy, con sanh ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tý, quê ở Mỹ Tho."

Thầy Vân Trình lẩm bẩm mấy điều ấy rất nhiều lần, vì giờ mắt thầy đã mù loà, thay vì ghi vào giấy, có quên thì nhìn, còn thầy phải nhớ thật kỹ. Khi tất cả đã nằm lòng rồi, thầy bấm đốt tay tính toán.

"Sinh ngày Thìn, tháng Thìn, quê ở trong Nam."

"Dạ. Con đang định mở quán ở đây. Thầy coi giùm con cái ngày để động thổ với khai trương quán. Thầy coi giùm con..."

Sang hơi khựng lại, quan sát nhất cử nhất động thầy Vân Trình. Thầy cứ lẩm nhẩm ngày tháng năm sinh của anh trong miệng rồi trầm ngâm, vẻ mặt chuyển biến theo hướng lạ thường, lúc đầu thì hiếu kỳ, rồi đổi qua đắn đo, cân nhắc về điều gì đó, dường như đã nằm ngoài chuyện xem ngày mở quán.

"Có chi mà chăm chú rứa thầy?" Tĩnh cũng nhận ra điều bất thường nên hỏi thẳng.

"À, thầy thấy cậu Sang có ngày sinh tốt quá. Cậu có muốn coi thêm mấy đường sự nghiệp không?" Thầy nói đó, tay đã sờ đến những đồng tiền.

"À, dạ..."

Sang thấy việc này rất bất thường. Anh giả bối rối, liếc mắt ra ngoài cửa, thấy vạt áo nào đó phất phơ, tim thót lên một cái. Cao nhân vốn đã già dặn đường đời bắt ngay tiếng thở gấp đó, nhếch mép cười, ngón tay vuốt hàm ria lơ thơ hình chữ bát.

"Cậu Sang có muốn coi không?"

Sang bấm móng tay vào da thịt, ổn định nụ cười trên môi, bình thản quay lại, mặt đối mặt với thầy Vân Trình:

"Dạ, vậy nhờ thầy coi giùm con."

Thầy Vân Trình vuốt ria mép, cầm ba đồng xu bỏ lên chiếc đĩa sứ vẽ mực xanh lam, lại úp một chiếc bát lên, rồi giữ nguyên như thế mà xóc mạnh. Bàn tay gầy gò của cao nhân nổi mấy đường gân xanh, ông giữ miệng cái bát dính chặt vào đĩa, che kín cái huyền bí tới từ thế giới bên kia.

"Để coi." Thầy dằn mạnh tay xuống chiếu, mở bát ra.

Thầy Trình lấy tay lần mò từng vết chạm nổi, nhíu mày đăm chiêu.

"Số cậu lớn sẽ khắc vào người cha."

"Ồ?"

Tĩnh khẽ liếc nhìn Sang, thấy khoé môi anh nhếch lên rất nhẹ, hẳn đang cười khoái trá trong dạ. À, phải rồi, cha đẻ của anh nào phải hương sư họ Phạm, mà là vị quan toàn quyền đang trú ngụ tại Hà thành kia.

"Dạ còn gì không thầy?" Sang tỏ vẻ hứng thú, người chồm lên trước.

"Ừm. Công danh của cậu, bao nhiêu người trông vào mà đỏ mắt, ra ngoài thì vinh quang, về nhà vẫn êm ấm." Thầy Vân Trình lại bấm đốt tay, lẩm nhẩm. "Hiềm nỗi, đường hậu..." Thầy có phần chần chừ.

Sang vội hỏi:

"Đường hậu vận của con không ổn hay sao thầy? Có sao không thầy? Có biến cố gì không vậy thầy?"

Tự dưng anh hỏi dồn dập thế, thầy Vân Trình bất ngờ quá nên chỉ có thốt lên hai chữ:

"Bặt tăm."

"Bặt tăm là ra răng vậy thầy?"

"Hay quá thầy ơi!" Sang vỗ đùi kêu đen đét, rồi nhào tới cầm tay thầy Vân Trình giật liên tục. "Sao thầy biết con mua nhà ở quê dưỡng già hay vậy thầy?" Anh quay qua Tĩnh, giải thích cho người bạn mặt đang ngơ ngác. "Tôi nói với Tĩnh rồi á, tôi định về già là lên thuyền phiêu bạt á."

Như thể thầy Vân Trình vừa gãi đúng chỗ ngứa của mình, Sang lại đặt ra một loạt câu hỏi khác, như là "về vườn" năm bao nhiêu tuổi cho tiện, nên xây nhà trên bờ hay cứ xuôi theo sông nước như dân chợ nổi. Vòng vèo một lúc, anh quay lại chuyện xin ngày khai trương quán:

"Chết, con nói xa quá. Giờ lo làm ăn trước chớ. Thầy coi giùm con cái ngày với."

Tĩnh bị quay vòng vòng với thầy Vân Trình, chẳng tìm được đường cắt lời con người đến từ vùng đất mà ai cũng bảo là đã nuôi dưỡng nên bao nhiêu con người "chân chất, thật thà". Cậu phì cười, mở đường giùm cho thầy Vân Trình, kẻo thầy cáu quá mà ném mai rùa vào đầu người ta:

"Thầy coi cho anh nớ cái ngày khai trương quán đi ạ. Anh nớ chồng tiền cho người ta rồi, đang trông lấy vốn ghê lắm ạ."

Thầy Vân Trình sao dễ cho nguôi cái cơn tức bị người ta chặn miệng, nhưng bên tai có Tĩnh lựa lời, dưới tay có Sang siết tay lắc lư liên tục, thằng nhóc Nam Kỳ kia không muốn thầy nói cho trọn câu, Tĩnh còn bênh vực. Thế thì thôi, khỏi nói nhỉ. Thầy chợt nghĩ, thằng nhóc Nam Kỳ kia hẳn đã biết ý, hậu vận nó thế nào thì cũng kệ nó, chỉ ngặt nỗi liên can đến cháu cưng nhà thầy. Nhưng mà... khó cho thầy quá. Hay là tới đâu hay tới đó đi.

"Để tôi tính cho cậu cái ngày." Thầy cầm mai rùa lên, sờ sờ, đăm chiêu nghĩ ngợi. "Trung thu này, chắc là hợp nhất. Giờ thì... cứ mở cửa vào giờ Thìn đi."

"Dạ con cảm ơn thầy." Sang cầm tay thầy Vân Trình xuýt xoa. "Được thầy cho cái ngày, cái giờ tốt, bảo đảm quán con tiền vô ào ào. Qua tháng đầu rồi thì con lập tức bắt xe tìm thầy bái tạ liền, thầy có ở đâu con cũng đánh xe tới để nghe dạy bảo."

Thầy Vân Trình sờ ria bên mép, gật gù. Thầy là dân Bắc Hà, hiểu mấy cái ẩn ý cài cắm nhanh lắm. Thằng nhóc này không muốn nghe thầy nói nữa. Nó thẳng thắn một cách vòng vèo, khó ưa theo lề lễ phép.

"Thế thì xong rồi nhỉ." Thầy vỗ nhẹ vai Tĩnh. "Con đi ra kia kêu mẹ tới đây gặp thầy."

"Dạ."

Tĩnh phủi phủi hai ống quần, đứng dậy. Cậu đi lướt qua Sang, huých hông anh một cái, nghiêng đầu. Sang cười trừ, giơ tay xin hoãn. Tĩnh bặm môi, quay về chánh đường một mình.

Giờ chỉ còn Sang và thầy Vân Trình. Những gì còn sót lại trong lá số tử vi của Sang được khơi mở ngay lúc này:

"Tôi không thấy đường để xem tướng cho cậu được. Nhưng khi tính qua ngày tháng năm sinh thì..." Thầy miết mấy vết chạm khắc trên tấm bát quái gỗ. "Số cậu như con mèo tam thể ấy."

Sang cười cười. Anh hiểu. Mèo tam thể đực có giá trị cao, đem lại tài lộc cho người nhưng không để lại hậu duệ cho đời.

"Dạ, tốt mà. Làm vật quý thì không ai dám xích cổ hay bỏ đói mình, tự mình quyết cho mình."

Thầy Vân Trình thoáng ngẩn người, xong phá ra cười:

"Cậu đây đúng là con mèo tam thể!"

P/s: Mèo quấn người đấy nhưng thật ra khó thuần bỏ mợ các bạn ạ. Thầy Vân Trình bảo ông Hai là mèo tam thể, ý bảo cái đồ vừa giàu vừa giỏi (giỏi mới hộ người như mèo tam thể được) vừa kiêu.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top