Chương 2
Chương 2: Người đâu gặp gỡ làm chi
Sài Gòn, năm 1896.
Ga Sài Gòn tấp nập người qua lại, tiếng lao xao giữa người với người át hẳn còi xe lửa, mặt đất thì bằng phẳng mà người thì cứ nhấp nhô, cứ thò lên thụt xuống, hòng tách khỏi biển người để tìm ai đó mà mình mong đợi.
Công tử Hồ Đắc Tĩnh mới ba tuổi, nhỏ xíu xiu, ngồi trên vai thằng hầu trong nhà ông Binh bộ thượng thơ tên là Hiền, phóng mắt ra xa nhìn thiên hạ.
Đây là lần thứ hai Tĩnh đặt chân lên ga Sài Gòn, và nó vẫn khiến cho cậu choáng ngợp. Sài Gòn không rộng nhưng người lại đông, xô xô lấn lấn bất kể đó là ai, tuỳ tiện nhìn ra một góc ga cũng thấy được đủ hạng người, già trẻ gái trai, sĩ nông công thương, miệng ai cũng như là không thể nào khép lại, tiếng la hét át luôn cả còi tàu.
"Ai ăn đậu phộng rang hông?"
"Chú ơi chú, ăn miếng kẹo đậu phộng đi chú!"
Một người đàn bà gí gói kẹo đậu phộng vào mặt Hiền, miệng mời mua ngọt sớt mà hành động như cướp cạn, mắt cứ lăm lăm thắt lưng người ta hòng tìm túi tiền mà moi. Thằng Hiền run bần bật trước sự tấn công dồn dập đó, miệng cầu trời khấn Phật xin bà phu nhân Thượng thơ chóng đi chóng về, hốt mớ hành trang lè lẹ để nhanh nhanh thoát khỏi chốn thị phi.
Cũng tại ông thầy nhỏ đang ngồi trên đầu Hiền đây nè, mẹ kêu cùng đi lấy giỏ thì một hai không chịu, cứ đòi ở lại đây xem nhân tình thế thái.
"Nè thằng Hiền, mi đứng yên cái coi." Công tử Hồ Đắc Tĩnh túm tóc thằng Hiền, trọ trẹ ra lệnh.
Cậu là con trai thứ tư trong nhà, trên có cha mẹ và ba ông anh trai, mỗi người dạy một chút, dạy thành ông cụ non, ở nhà không sao chứ đi ra đường là áo dài khăn vấn, mới ba tuổi đầu mà mặt lúc nào cũng nghiêm túc chững chạc, tụi hầu trong nhà sợ một phép, thằng Hiền đã hai mươi, một tay cắp nách cậu Tĩnh còn dư nhưng không nằm ngoại lệ.
"Dạ, thưa cậu."
Thằng Hiền ráng giữ tấm thân mỏng manh cho vững vàng trước sự xô đẩy của làn sóng người bán dạo lùa qua, lách lại. Hiền nghĩ mà căm, ở Huế có ai dám bố láo với người hầu nhà Thượng thơ đâu, tụi thằng Hiền ra chợ mặt cứ vênh lên trời, người trong chợ tự biết mà tránh, nhưng đây là Sài Gòn, không chỉ thằng Hiền, đến bà phu nhân vào đây cũng tự động bị cào bằng với đám dân đen.
Đột nhiên, từ đằng sau, có vật nhọn lụi một phát vào bàn toạ thằng Hiền, hắn la làng lên, tay lỡ buông lỏng, chân lỡ trượt ngã, may mắn là hắn thủ sẵn ít võ học lóm của ông Thượng thơ, chân trái trượt thì chân phải chống liền, ông thầy con ngồi trên đầu cũng lẹ làng chụp đầu quắp cổ hắn nên không bị hất xuống đất.
"Tổ cha cái thằng nào tông vô người tau!"
Hắn chửi một tràng dài cho bõ tức, mãi mà không thấy ai đôi co lại với mình mới chịu khó lia mắt xuống, thì nhận ra thủ phạm là một thằng nhỏ.
Thằng này có cái mặt non choẹt, tầm mười tuổi, mày rậm, mũi thẳng, áo lụa trắng, quần âu đen, chân đi giày tây làm từ da thuộc, lưng đeo cái giỏ da cũng làm từ da thuộc, nói chung là trên người toàn đồ đáng tiền, nhưng không loè loẹt như bọn nhà giàu mới phất ở đất Sài Thành.
"Con nhà ai mà ăn mặc đẹp dữ vậy ta?"
Đám đông ở ga dời gót về đây, túm tụm chung quanh thằng nhỏ thành một vòng tròn để chỉ trỏ, mỗi người góp mấy câu nhận xét, phán đoán nhân thân, tiểu sử con nhà người ta.
Bị mấy người lạ mặt nhìn chằm chằm, thằng nhỏ khủng hoảng. Nó với tay ra sau lưng giữ chặt lấy chiếc túi da, dùng chân đạp đất lết về hướng ngược lại, tìm cho mình một lối thoát.
Chợt, soát vé ở ga Sài Gòn đi ra bắc loa thông báo:
"Thông báo, thông báo, chuyến tàu đi từ Sài Gòn đến Mỹ Tho sẽ khởi hành trong năm phút nữa. Xin quý khách nhanh chóng lên tàu để ổn định chỗ ngồi."
Thằng nhỏ đang yếu xìu như cây sậy, nghe tiếng thông báo thì bật dậy tựa lính gác say ngủ nghe mõ báo hiệu thay ca, nó xông vào ga đi với tinh thần quyết tử, đây là chuyến xe lửa cuối cùng.
Nhưng người muốn chạy tới ga đi không chỉ một mình nó, có người vội xuống Mỹ Tho buôn bán, có người tìm về quê cũ nương nhờ tình thương, ào ào như sóng gầm. Soát vé dàn hàng thử cản nhưng không sao cự nổi, phân nửa vì đuối sức, phân nửa vì mềm lòng, trong số những người này, mười người thì có đến bảy người không xu dính tú, nhưng nhớ nhà nhớ quê, khao khát được về, thành ra họ đành mắt nhắm mắt mở vậy.
Tĩnh ngồi trên vai thằng Hiền nhìn lớp tuồng tranh giật kia, nón lá, nón Tây, nón Tàu thay nhau nhấp nhô, tự dưng thông suốt cái câu "vàng thau lẫn lộn" mà cha hay than thở ở nhà.
Lòng người tuy rộng nhưng thời gian chẳng lượng cho, tới đúng giờ thì tàu phải chạy, ai không lên kịp đành phải đợi chuyến sau. Tàu hú còi, rời ga đi về Mỹ Tho, đám người tranh giành tản ra, người đòi nhảy tàu lầm bầm than mấy tiếng, người có vé mà bị tranh chỗ thì bực bội chửi ra ngoài miệng, quyền lợi của bản thân vừa bị cướp mất, hỏi có mấy ai để ý đến thằng nhỏ nằm sóng xoài trên nền đất lạnh, ráng lê thân về hướng đoàn tàu vừa đi.
Nó nhìn vệt khói cuối cùng mờ dần trong gió, thẫn thờ mở tay xem lại ngày giờ tàu chạy trên tấm vé giấy nhàu nát rồi đối chiếu với giờ trên đồng hồ. Qua giờ rồi, chẳng những là qua giờ lên tàu, mà ga tàu còn sắp đóng cửa.
"Giờ nhà ga đóng cửa rồi, ai còn ở đây đi về hết đi."
Nhân viên ga xe lửa xua tay báo hiệu, ai nấy đều tản ra mà đi, người về dưới mái nhà, người náu tạm mái hiên. Thằng nhỏ lầm lũi xách giỏ da ra ngoài, ngồi trên những bậc tam cấp nhà ga, ngẩng đầu nhìn trăng.
Đêm nay là mười bốn âm lịch tháng tám, trăng đã có hình tròn, gần giống với Trung thu, bây giờ trên đường đã sực nức mùi bánh trung thu, đung đưa đèn lồng giấy màu đỏ, người ta đổ ra đi mua sắm nườm nượp, văng vẳng chỗ này chỗ kia tiếng trống chầu tập múa lân sư rồng cho lễ hội ngày mai.
Không gian dồn dập tiếng trống, tiếng chập cheng làm dạ dày thằng nhỏ cũng hưởng ứng mà đánh trống, gõ nhịp theo, bụng nó kêu ọc ọc, đau quặn cả lên, tay chân bủn rủn hết. Nó rờ rẫm người mình từ trên xuống dưới, không tìm được một đồng bạc nào.
Thằng nhỏ gục đầu, lấy tay bóp bụng, thở dốc. Hay quá là hay! Cậu Hai Sang, cháu ngoại nhà tư sản Huỳnh Lý ở Sài Gòn, con ông chủ đất Phạm Lang ở Mỹ Tho, giờ thành thằng không xu dính túi, tới cái thân là vốn gốc giờ cũng vì bụng đói rã rời mà dần trở nên vô dụng.
Hai mắt Sang mờ dần, mờ dần, đầu lâng lâng, dỗ nó đi ngủ. Sang không định ngủ vào lúc trăng còn chưa lặn nên lấy tay dụi mắt. Thì lúc ấy, có một bàn tay nho nhỏ, âm ấm áp lên má Sang, một chiếc bánh bao được dúi vào tay nó, nóng bỏng tay, thơm nức mũi.
"Mi ăn cái bánh ni cho đỡ đói."
Sang ngẩng đầu, thấy trước mặt mình là một bé trai bé tí nị, ăn vận áo dài khăn vấn màu đen, có cặp lông mày đậm, xiên thẳng một đường như lưỡi kiếm, nghiêm nghị, quắc thước như một vị thần trong miếu thờ.
"Con cảm ơn ngài." Sang nghẹn ngào, tống nguyên cái bánh còn đang bốc khói vào miệng, ngấu nghiến lấy nó.
Tĩnh thấy con ma đói kia chỉ mong lấp đầy cái bụng, bất chấp nguy cơ bị phỏng lưỡi, phỏng luôn cổ họng, dạ dày, trong lòng cậu xót xa, hoá ra người mặc áo hoa đi giày da cũng có lúc cầu xin tình thương của thiên hạ.
"Mi trễ tàu như rứa, rứa bây chừ mi về mô? Mi có nhà người quen ở Gia Định ni hôn?" Tĩnh hỏi.
Sang lắc đầu. "Dạ, không có."
"Rứa thì mi theo ta tới quán trọ ngủ một đêm đi, xong sáng mai ta sai thằng Hiền mua cho mi một vé tàu. Mi có ưng hôn?"
Gặp người khốn cùng, Tĩnh không ngần ngại chìa tay giúp đỡ, Sang cũng không ngần ngại mà chớp cơ hội để đi được đến cuối đoạn đường mà mình đã chọn.
"Ưng." Sang nắm lấy bàn tay nho nhỏ kia, theo người ta ra xe chào mẹ.
Ánh trăng lẫn vào những ngọn đèn hai bên đường, dõi theo đôi trẻ, đường đời hai người đã đan xen nhau trong cái đêm ấy, Tĩnh đã dùng bàn tay bé nhỏ của mình in trong tim Sang một dấu ấn khó phai.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top