Chương 17.5
Chương 17.5: MỘT NGÀY Ở HÀ NỘI
Nhà ông Binh bộ Thượng thơ tuy có lạt lẽo với người theo Tây học, nhưng vẫn giữ lễ hiếu khách của bậc quân tử, trời đang mưa tầm tã, ông Hiển mở lời giữ khách ngủ qua đêm, đương nhiên là Sang rất vui, nhưng vì vẫn còn lấn cấn lời hứa ra Hà Nội thăm ba nên anh xin được từ chối.
"Tĩnh cho tôi mượn cây dù để ra ga nha, tối mai tôi trả lại liền."
"Trời mưa như ri, anh ra ga kiểu chi?"
Sang không nói gì cả, chỉ cười. Tĩnh trông anh nhìn lên đồng hồ quả lắc trên tường, gót giày rục rịch như thế thì đoán chắc là người ta định tả xông hữu đột giữa trời mưa bão rồi.
"Hay là để tôi mượn xe của anh cả tôi cho anh đi."
"Thôi không cần đâu Tĩnh, không cần làm lớn chuyện vậy đâu, từ đây ra ga cũng không xa lắm đâu."
"Rứa anh để tôi tiễn anh ra cổng."
Sang lặng im một lúc rồi khẽ gật đầu:
"Ừm."
Mưa rơi liên hồi, đánh lên mặt sân đá những âm giai giòn giã.
Tĩnh cầm dù đưa Sang ra ngoài cổng, tiếng mưa lớn quá, át hết tất cả mọi âm thanh, hai người nói lời chia tay nhau qua ánh mắt, hai tán dù đang dán sát nhau dần dần tách ra. Chợt, Tĩnh níu lấy áo anh, rồi khẽ khàng buông, Sang bắt lấy tay cậu, ngón tay cái anh niết nhẹ nhàng lên bàn tay người ta.
"Mai mình lại gặp."
"Ừm."
Sang lên xe lửa ra Hà Nội ngay trong đêm, tờ mờ sáng thì tới Hà Nội.
Tầm chín giờ sáng, tại phủ Toàn quyền Đông Dương, bên phích cà phê đen còn đang nóng hổi, Sang và cha ruột cùng nhau trò chuyện.
"Ba nghe nói là vua Duy Tân muốn mời con vô cung."
"Dạ."
"Thế con nhận lời chưa?"
"Dạ, chờ lần tới Hoàng thượng kêu thì con nhận lời."
"Ừm." Paul Sarraut thêm một viên đường vào tách cà phê của Sang, còn giúp anh khuấy để đường tan cho nhanh và cho đều. "Con nhớ thay ba gửi lời hỏi thăm tới vị vua nhỏ bé kia nhé."
"Dạ." Sang cẩn thận nhận tách cà phê từ ba, cũng như lời uỷ thác kha khá nặng nề ông muốn gửi gắm sang anh. "Ba có muốn gởi con quà cáp gì để con gởi lại cho Hoàng thượng không?"
"Nếu được." Paul Sarraut cười khẩy. "Thì chắc là một trái mìn cho nổ tung cả cái triều đình đó đi."
Sang im lặng nhấm nháp cà phê, ngồi nghe ba ruột xả cơn bực tức về cái triều đình ở trong Huế.
Vừa rồi "cái triều đình đó" đánh điện tín ra đây xin lấy lại một phần tiền để làm lễ đuổi vong trong nội, đã duyệt cho rồi, hôm qua lại tiếp tục đánh điện tín xin khất thêm để tháng tới làm tiệc trung thu.
Chưa hết ở đó, Sarraut tiếp tục phàn nàn về các khoản lương bổng phải cấp cho Hoàng thân, Vương thân họ Nguyễn Phước, tuy rằng đã cố hạ xuống, cắt giảm hết mức có thể, nhưng mà bọn họ quá đông, cứ "tích tiểu thành đại" năm này tháng nọ cũng là một khoản đồ sộ bị tuột khỏi tay mẫu quốc.
Sarraut hừ lạnh, rít mạnh một hơi thuốc: "Tuyển lắm thê thiếp, sinh nhiều, nuôi lớn, rồi lại tuyển lắm thê thiếp." Ông quăng tẩu thuốc lên bàn, phả khói ra. "Cuối cùng cũng chả làm được cái gì."
Sinh nhiều, nuôi lớn, cưới lắm thê nhiều thiếp để sinh cho nhiều, rồi cuối cùng cũng chẳng được gì, Sang nghiền ngẫm từng câu từng chữ trong cái đắng của cà phê.
Từ trong bếp, mùi súp khoai tây thoang thoảng bay ra đây. Người quản gia phủ Toàn quyền đứng bên cửa dẫn ra sân vườn, khẽ khom người thưa rằng:
"Thưa ông, thưa cậu, bữa sáng đã xong rồi, bà nhờ tôi kêu ông và cậu vào dùng bữa sáng ạ."
"Ừm, biết rồi."
Sarraut và Sang đến phòng ăn để ăn sáng. Các cô giúp việc vừa sắp đặt bát đĩa xong, món súp khoai tây nóng hổi, thơm phức đã được đổ đầy vào ba cái bát, một cho Sarraut, một cho Sang, một cho phu nhân quan Toàn quyền, bà Marie Sarraut.
Phu nhân Sarraut bằng tuổi má của Sang, nhưng trông nét già dặn hơn hẳn, có lẽ đó là do cơ địa của người Tây nó thế, dù vậy, bà vẫn rất đẹp, với đôi mắt xanh sâu thẳm cùng nước da trắng hồng nhưng vầng mây buổi hừng đông, không lạ gì khi bà dễ dàng chinh phục được chồng mình, vốn từng là chú ngựa bứt cương thích rong ruổi rày đây mai đó, Sarraut từng làm chuyện không phải với mẹ Sang, cũng thường bỡn cợt mấy người đàn bà khác, nhưng khi ở bên vợ thì đàng hoàng trở lại, vợ chồng yêu thương nhau thắm thiết, lúc nào cũng dành cho nhau những cử chỉ ân cần.
Khi bước chân vào nhà Sarraut làm con nuôi, Sang luôn cảm thấy áy náy với bà Marie, dù sao thì anh cũng là đứa con riêng, là bằng cớ hiển nhiên của sự phản bội, nếu bà có ghét bỏ anh, anh cũng không dám trách, thế nhưng bà Sarraut lại đối xử với anh rất tốt, chẳng những không giận cá chém thớt, mà còn thương yêu anh chẳng khác chi con ruột, khi anh về lại Mỹ Tho thì biếu quà cáp cho bà Lan rất hậu, thành ra anh cũng đáp lại bà bằng tình cảm chân thành.
Bà Sarraut kêu Sang ngồi xuống bàn, tự tay bà cắt bánh mì cho anh:
"Con ăn nhiều vào, con đi tàu trong đêm, chắc giờ đang đói bụng lắm."
"Dạ, con cảm ơn mẹ." Sang kéo ghế ngồi, đỡ con dao từ tay bà, xin được tự cắt bánh mì cho cả nhà. "Con mời ba mẹ ạ."
Súp khoai tây nấu theo kiểu Tây, đặc quánh, trộn với thịt, bơ, sữa và ít hành tây, vị nhàn nhạt, beo béo, Sang ăn món này thì thường rắc thêm tiêu và muối, sau đó xé bánh mì, nhúng vào súp.
"Tối nay có buổi hoà nhạc nước Nam ở nhà hát, con có muốn đi với mẹ không?"
Sang nhẹ nhàng lắc đầu:
"Dạ tối nay con lên tàu vô Huế rồi." Rồi anh khéo léo đẩy "trách nhiệm" qua chỗ người đàn ông còn lại trên bàn ăn. "Lâu rồi ba mẹ không đi chung, hay là tối nay ba đưa mẹ đi đi."
Phút đầu thì Sarraut rất vui vì cậu con trai trao ông cơ hội hâm nóng tình chồng vợ, nhưng sau đó ông đành phải nặng nề lắc đầu:
"Chiều nay anh có cuộc họp rồi."
Bà Sarraut nghe bảo thế thì lườm mắt trách móc ông, nhưng cũng không đòi hỏi gì thêm nữa, bà hiểu cho chồng, hiện tại chính quyền đang dồn sức đánh Yên Thế, quân địch cũng chống trả dữ dội lắm, nên cứ hôm nay họp khẩn, ngày mai họp gấp, làm ông sút mất mấy cân.
"Chiều nay con đi chợ mua ít đồ, mẹ có muốn đi với con, hay là gửi con mua gì không?"
Bà Sarraut suy nghĩ một tí, tự vuốt giận cho mình rồi bảo với Sang:
"Ở cuối phố có bán món quà vặt gì đó, con có đi thì nhớ mua cho mẹ một ít."
"Dạ."
Tờ mờ chiều, Sang đi thơ thẩn giữa những con phố cổ ở Hà Nội để tìm mua quà cho người thân, sẵn đó xem có gì hay ho để biếu vua, rồi tạ ơn nhà Hồ Đắc.
Mặc kệ bên ngoài có bao nhiêu ngả nghiêng, ba mươi sáu phố phường nơi đây vẫn cứ sôi động bán mua, chẳng uổng cho câu [Thứ nhất kinh kỳ - Thứ nhì phố Hiến], hàng vơi đi rồi lại đầy, đầy rồi lại nhanh chóng vơi đi, món nào cũng tinh xảo, đáng đồng tiền bát gạo.
Sang dạo hết hàng này rồi qua đến hàng kia, cứ lần qua lựa lại, rốt cuộc cũng chọn được quà trả lễ nhà Thượng thơ là một phần trà Thái Nguyên thật ngon, còn quà biếu vua thì là một bộ bát đũa làm bằng ngà. Rồi anh lại qua bên hàng mỹ nghệ mua hai cái hộp gỗ lim thật đẹp để đựng quà.
"Hửm."
Ở hàng sơn mài mỹ nghệ này bày bán cả miếng gảy đàn, đa số đều làm từ gỗ lim và thếp hoa văn bằng bạc, Sang muốn mua một miếng về tặng cho Tĩnh, anh lướt một lượt qua tất cả, cuối cùng chấm được miếng có hoa văn mây bay sóng nước, bài đàn tủ của cậu là [Lưu thuỷ hành vân] mà.
"Dạ chú, con lấy cái này."
"Vâng ạ, để tôi gói lại cho cậu."
Xong xuôi tất cả nghĩa vụ rồi, Sang mới lo cho bản thân, anh đi tìm hàng phở để lấp cái bụng đang trống trải.
Sang tới đây liên tiếp năm ngày rồi. Anh yêu chết đi được cái sợi phở mềm cùng với những hớp nước lèo được nấu từ xương bò và thảo mộc, đặc biệt là những lát thịt bò mỏng, vốn là vốn quý của những người nông dân, mà ngày xưa vua chúa nghiêm cấm không được giết thịt, chỉ khi nào tới lễ lạc, giỗ quải mới dám trình đơn lên quan trên xin giết thịt làm cỗ. Ba anh cũng rất thích món này, nghe anh đi dạo phố là thế nào cũng gửi mua một phần to ụ đem về.
"Dạ cho tôi một tô đặc biệt ăn ở đây, rồi thêm một tô đặc biệt nữa để mang về nha."
"Vâng, cậu chờ tôi chút nhá."
"Dạ."
Trong khi chờ đầu bếp chế biến, Sang ngồi nhâm nhi ly nước sấu ngâm đường chua chua, ngọt ngọt, ngắm nhìn phố phường Hà Nội lúc vào thu. Trời sau cơn mưa trong như ngọc, miền Bắc về thu se se lạnh, lại thêm hơi nước còn vương sau cơn mưa níu cái lạnh về thêm, cây muốn giữ mình, dứt lá xa cành, để cho cành khô trơ trọi, còn lá thì chơi vơi.
"Dạ, mời cậu dùng ạ." Người phục vụ cẩn thận đặt tô phở và đĩa rau ăn kèm lên bàn Sang. "Cậu có muốn dùng thêm thì nhớ kêu em."
"Dạ, cảm ơn."
Sang cầm đũa lên, từ từ tận hưởng đặc sản mới của Hà Nội. Tô phở ngon lành này không chỉ là tuyệt tác dành cho vị giác, mà còn cho cả thị giác, người đứng bếp không chỉ khéo tay trong nêm nếm, mà còn tỉ mỉ ở cách trình bày, sợi phở trắng tinh nằm gọn dưới đáy tô, mấy miếng thịt bò xắt mỏng được xếp gọn gàng theo hình domino ngã chồng lên nhau, hành tây cùng hành lá xếp thành cái tháp nhỏ, màu trắng của sợi phở, màu đỏ của thịt bò, màu xanh của rau cỏ, biến món ăn tân thời thành bức tranh sơn thuỷ.
Ăn xong, Sang trở về nhà giao đồ cho bà Sarraut, sửa soạn lại hành lý, để mấy món đồ quý trong chiếc cặp da, bọc kín nó lại bằng hai lớp vải. Rồi anh nói lời tạm biệt với ông bà Sarraut, lên xe ra ga Hà Nội.
"Ở Huế có gì mà con cứ thấp thỏm mãi thế? Cứ đi đi về về, mệt cả thân." Thấy Sang mở miệng muốn phân bua, bà Sarraut lập tức ngắt lời. "Đừng có lôi ông với cậu ra, năm ngoái con cũng y thế này thôi."
Sang cười cười, gãi gãi đầu chóp mũi: "Nhưng mà năm nay con có chuyện quan trọng trong Huế mà." Anh đưa mắt qua Sarraut, nhờ trợ giúp.
Sarraut thở dài, bá vai vợ, nói nhỏ: "Vua nước Nam đòi con mình vô cung nói chuyện."
Sang chớp lấy cơ hội, vội nói lời từ biệt. Anh ôm người mẹ nuôi, hôn lên má bà, dặn dò giữ gìn sức khoẻ, anh nói nhiều hơn mọi hôm, vì ngày mốt anh sẽ lên máy bay qua Pháp tiếp tục việc học.
"Con đi cẩn thận, học tốt nhé." Sarraut vỗ vai Sang. "Có gì khó khăn thì báo ba hay."
"Dạ." Sang ôm ba tạm biệt rồi xách cặp lên, bước vào chiếc xe hơi, chạy thẳng ra ga Hà Nội.
Vợ chồng Sarraut nhìn mãi vệt khói xe hơi, cũng như bóng lưng đứa con trai dần nhạt đi, khi mưa bắt đầu nhỏ giọt, họ mới đi vào nhà.
P/s: Tất cả những đoạn thoại của Sang và vợ chồng ông Sarraut đều là tiếng Pháp.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top