Chương 14

Chương 14: BÁNH NGON TRAO TAY

Nay đã là ngày Vu Lan.

Sang thức dậy khi mới năm giờ sáng, anh xem lại sổ sách phát chẩn rồi chuẩn bị sửa soạn quần áo viếng chùa Thiên Mụ. Chạm tay vào chiếc áo dài vải the màu huyết dụ mắc trên giá áo, lòng anh bồi hồi, nhớ ngày xưa ông nội còn sống, mỗi khi Tết đến, ông lại tặng anh một chiếc áo dài thay vì lì xì, hồi đó anh còn nhỏ, chưa hiểu được văn hoá dân tộc quý giá ngàn vàng, nghe bọn hàng xóm trêu chọc mặc áo dài giống bọn ác bá chống gậy, sẵn thân phận nhạy cảm, anh tự ái, không mặc nữa, giờ biết quý tấm áo dân tộc thì nội đã mất rồi.

Sang xuống bếp xin chị Thắm mấy hòn than còn nóng để cho vào bàn ủi, trải tấm áo dài trên chiếc chăn bông lông cừu, cẩn thận ủi cho áo được phẳng phiu. Khi học ở bên Tây, anh cũng thường tự ủi quần áo, cũng được gọi là thành thạo, nhưng với tấm áo này, anh vẫn chú ý từng chút một, tàn tro có bay vào mắt cũng không dám dời tầm nhìn đi đâu, sợ quá lửa thì áo cháy, lệch nếp thì áo nhăn, nó quá quý giá với anh, nó là quốc phục nước Nam, là món quà Tĩnh dày công chuẩn bị cho anh. Ủi xong tấm áo này, mồ hôi anh cũng ướt đẫm lưng. Sang cẩn thận mắc áo lên giá treo rồi ra sau nhà tắm táp.

Sang xối mạnh một gáo nước lên đỉnh đầu, để nước như dòng thác đổ, chảy từ đỉnh đầu đến gót chân, len lỏi qua những nơi kín kẽ của cơ thể, rửa sạch bụi bẩn cùng cơn ngái ngủ vẫn còn sót lại. Đằng đông đã lên ráng hồng, chim làm tổ trên cây cao đã bắt đầu kêu lích chích.

"Cậu ơi." Thằng Hiếu gõ cửa ở ngoài. "Cậu ơi, con mua xôi về rồi, cậu vô ăn cho nóng."

"Để ở bàn giữa cho cậu."

Sang lắc đầu thật mạnh, giũ cho nước trên người bắn ra ngoài rồi mới lấy khăn quấn kín người, đi vào bên trong. Thằng Hiếu để đĩa xôi đậu xanh nóng hổi ở bàn giữa, Sang vừa thổi vừa ăn, uống ly trà vải cho đỡ nghẹn.

Ăn uống xong xuôi, đầu tóc cũng vừa khô, Sang về phòng thay áo, vấn khăn, rồi xách cặp đi công chuyện. Anh ngó đồng hồ quả lắc trên tường thấy kim mới chỉ tới bốn rưỡi sáng, giờ này ông Năm vẫn đang ngủ, anh ghé qua phòng khách dặn cậu Kiều để mắt giùm đến ông khi anh vắng nhà. Cậu Kiều đang uống cà phê đọc báo ở phòng khách, suýt nữa bị phun cà phê vào chân.

"Trời má ơi! Ông Hội nào ghé nhà tui vậy?"

Sang phớt lờ phản ứng thái quá của ông cậu, tập trung chính sự:

"Cậu ngó giùm nội con chút nha, con đi công chuyện đây."

"Ờ...ờ..."

Sang thấy một cái gật đầu của cậu đã đủ rồi, anh xỏ giày, dắt xe đạp chạy bon bon về chùa Thiên Mụ. Còn cậu Kiều vẫn còn bần thần, hoàn toàn bất ngờ trước bộ đồ mới toanh của thằng cháu, chẳng lường được cũng có ngày thằng cháu máu lai này còn chịu mặc quốc phục nước Nam. Nhưng mà thằng cháu của cậu Kiều mặc áo dài trông đẹp trai gấp mấy lần khi mặc Âu phục, ai yêu nước Nam chịu mặc áo dài đều đẹp cả. Cậu Kiều thầm nghĩ, hay là hôm nay cậu Kiều cũng mặc áo dài đi lễ chùa cho đủ đầy cả nhà.

Ở đằng nhà Binh bộ Thượng thơ, Tĩnh vừa thức dậy, cậu sửa sang lại tóc tai coi tạm được rồi ra sân tập võ.

Họ Hồ Đắc làm quan trong triều đã được ba đời, cha và anh cả của Tĩnh đều được phân bổ vào ban văn, nhưng ông nội lại là võ tướng, trong nhà chỉ có anh hai của Tĩnh theo nối nghiệp võ, được ông nội dạy múa quyền, múa đao, rồi anh dạy cho Tĩnh, Tĩnh không nuôi chí ra chiến trường nhưng vẫn thuộc làu hai mươi bốn đường quyền, ba mươi sáu đường đao của dòng họ, trông trẻ người là thế, Tĩnh lại thuộc số ít người kiện toàn cả văn lẫn võ trong thời buổi này.

Một đường đao lia qua, cắt đứt đôi chiếc lá đang rơi, Tĩnh đưa tay đón lấy, mắt huyền chớp chớp, lá sang thu nay đã ngả màu huyết dụ, nhìn lá mà nghĩ đến ai đó hôm nay sẽ mặc áo màu này đi lễ.

Đằng đông đã lên màu ráng hồng, chim làm tổ trên cây kêu lích chích, đập cánh bay đi tìm mồi.

Cả người Tĩnh đã đẫm mồ hôi, cậu vào nhà cất đao rồi sai mấy đứa hầu chuẩn bị nước để tắm táp. Tụi hầu trong phòng của Tĩnh đã nấu nước từ sớm, cậu vào cất đao thì tụi nó đã đi pha nước cho vừa ấm rồi rước cậu đi rửa người.

Tĩnh múc một gáo nước lớn, xối thẳng lên đỉnh đầu, để nước chảy như dòng thác, len lỏi qua những chỗ kín kẽ trên cơ thể, rửa sạch bụi bẩn và mỏi mệt trên da thịt. Trong nước có tinh dầu hương nhu, sả, quế, thơm thoang thoảng, hít vào khiến cho đầu óc sảng khoái, da thịt thơm tho.

Tắm xong, Tĩnh về phòng nhấp chén trà sen, xem sách vở trong lúc chờ tóc khô. Tóc của Tĩnh dài, dài qua thắt lưng, còn dày nữa, đã lấy khăn lau khô tóc một lần mà vẫn chưa khô hẳn, những giọt nước mang hương tinh dầu vẫn cứ len lén nương theo nếp tóc rỏ xuống nền gạch nung. Tĩnh cứ mặc đó cho gió hong khô rồi tự chải đầu vấn khăn chứ không cậy đứa hầu nào làm giúp, bởi vì nhờ trai thì tay chân vụng về, còn nhờ gái thì vướng phải câu [nam nữ thọ thọ bất thân].

Thằng Hiền gõ cửa, báo lệnh ông Hiển kêu các con trai ăn sáng.

Hôm nay là ngày rằm, theo thông lệ của một gia đình Phật tử thì đến rằm và mồng một sẽ phải ăn chay, thịt cá không được phép xuất hiện trên bàn ăn trong ngày này, người sang cả đến đâu cũng chỉ có thể ăn đậu hũ với rau luộc chấm chao.

"Hôm ni em lại đi thăm chùa thay cho mẹ hỉ?"

Phép nhà làm nghiêm, trên bàn ăn không được phép nói chuyện, từ nhỏ cha đã dạy Tĩnh như thế, anh Trung làm vậy để chống đối lại cha, ông Hiển đang gắp miếng đậu hũ chiên, liếc xéo qua thằng con cả, mặt hằm hằm. Tĩnh không nhìn anh Trung, cũng không nói lời nào, nhưng gật đầu, để không làm mất lòng ai, tránh gây rắc rối trong nhà. Trong cái ngày người ta cần tịnh tâm tịnh khẩu thì nhà Binh bộ Thượng thơ vẫn diễn ra chiến tranh lạnh, Tĩnh đành phải ăn cơm trong tư thế cúi đầu sâu sắc.

Đêm qua không biết vì lý do gì mà phu nhân Phương Huệ bị đau bụng, sáng nay bà vẫn chưa ngồi dậy ăn cơm được. Tĩnh qua phòng bà thì thấy bà đang gượng dựa vào thành giường, được cô Mẫn đút nước thuốc bắc cho, đứa cháu gái ba tuổi của Tĩnh chạy lòng vòng quanh giường, hỏi han bà nội đủ thứ.

"Thưa mẹ, con đến thưa mẹ rồi đi."

"Ừm, con thay ả thăm hỏi thầy trụ trì."

"Thưa mẹ, con nhớ rồi. Mẹ ở nhà nhớ uống thuốc rồi ngơi nghỉ cho khoẻ người."

"Ừm, con đi đi."

Tĩnh vòng tay chào mẹ rồi cắp dù lên xe kéo ngồi, thằng Hiền ôm đồ lễ để bên cạnh cậu. Lần nào tới lễ Vu Lan thì phu nhân Phương Huệ cũng chuẩn bị lỉnh kỉnh đồ đạc để dâng lễ, nào nhang, nào đèn, giấy tiền vàng bạc, thêm ít trái cây với vài cái bánh nhân chay, đằng sau xe còn có vài bao gạo để cúng dường cho các sư, vì thế nên các sư chùa Thiên Mụ luôn chào đón bà đến thăm vào mỗi mùa Vu Lan. Còn dân tứ xứ thì trông chờ những sạp phát chẩn dựng trước cổng chùa, nhất là sạp gạo tưởng như không bao giờ cạn của chàng công tử xứ Nam Kỳ.

Coi kìa, mới nhắc Tào Tháo, Tào Tháo đã tới ngay trước mặt. Tĩnh rất giữ dáng kẻ bề trên, đưa tay ra cho người ta đỡ xuống xe.

"Tĩnh đi chùa sớm vậy?"

Tĩnh cười, bảo:

"Tôi mà không đi sớm như ri thì đâu có đường vô chùa đâu hỉ. Nhắm chừng khách thập phương của anh năm ni cũng như năm ngoái nớ."

"Đâu tới mức đó. Tờ mờ sáng nay tôi đi phát gạo cho mấy hộ nghèo trong vùng rồi, lát nữa dựng sạp để phát cho dân tứ xứ lạc về đây thôi. Chắc năm nay được thảnh thơi hơn." Tự nhiên Sang đánh lảng tầm mắt, gãi chóp mũi. "Không tới mức đói bụng rụng chân như năm ngoái đâu."

Tĩnh phì cười, nhớ hôm qua cậu nhắc nhở anh nhớ đem bánh trái dằn bụng, đừng cho người ta ăn no còn bụng mình rỗng không, cậu thực lòng quan tâm anh nên mới nhắc vậy nhưng người ta nghe ra ý trêu ghẹo nhiều hơn.

"Quay qua đằng ni cho tôi coi áo mới cái."

Sang ngượng ngùng quay người lại:

"Tĩnh coi có được không?"

Tĩnh ngắm người ta từ đầu tới chân. Áo dài huyết dụ vải the ủi thẳng tắp, trên đầu anh vấn khăn vải màu đen, tay ai vấn không khéo, để thừa một góc khăn, đứng từ xa thì nhìn không ra, nhưng nhìn ra rồi thì thấy chướng mắt. Tĩnh nhón chân, rướn người lên, loay hoay tìm cách giấu góc khăn thừa kia đi, Sang sợ Tĩnh té nên đỡ lấy khuỷu tay cậu, kéo cậu vào sát người anh để làm điểm tựa.

Tĩnh làm xong rồi thì mới để ý mắt mình đang đặt ngang mắt anh, người dính sát vào người, trông đuôi mắt người khẽ cong lên vì nụ cười, tự nhiên cậu thấy bối rối.

"Xong chưa vậy Tĩnh?"

"Được rồi..." Tĩnh gật đầu, loạng choạng lùi ra sau đôi ba bước.

"Hở, vậy Tĩnh coi giờ được chưa?"

Sang làm điệu làm đà, cầm tà áo dài xoay một vòng, làm Tĩnh phì cười, lãng quên khoảnh khắc bối rối vừa qua. Hai người sóng vai nhau, cùng đi vào trong chùa.

"Hôm nay Tĩnh đi lễ một mình à?"

Tĩnh gật đầu: "Mẹ tôi đau nặng, tôi đi lễ thay mẹ."

"Bà lớn bị bệnh gì vậy? Có nặng không?"

"Đang nửa đêm thì mẹ tôi bị đau bụng, đi lại khó khăn nên dặn tôi đi lễ thay bà."

"À à."

Sang thấu hiểu, quan niệm cổ xưa luôn e dè chuyện "hàng tháng" của các quý cô, quý bà, cho là họ sẽ làm ô uế chốn thiền môn, thật khổ cho thân đàn bà ở cái xã hội bó hẹp con người này.

"Còn anh đi với ôn anh và cậu Kiều hỉ?" Tĩnh hỏi lại Sang.

"À tôi tới đây trước để lo dựng sạp gạo, giờ chắc cậu Kiều mới dẫn nội tôi đi."

Sang nhắc tới sạp gạo thì mắt lại nhìn về đàng dưới, người tha phương đã tìm về đây xin miếng cơm lót dạ rồi. Tĩnh thấy anh cứ xoa xoa hai tay, lòng dạ ắt hẳn đang phập phồng không an.

"Rứa anh đi đi, mai mình gặp."

Tĩnh hẩy nhẹ vai bạn, Sang được đà đi ngay, nhưng vẫn quay lại vẫy tay với cậu lần nữa rồi mới tập trung vào công chuyện chính ở trước cổng chùa. Tĩnh vẫn đứng đó, nhìn bóng áo đỏ hoà vào dòng người xô bồ, chần chừ chưa muốn dời chân.

Có lẽ nay người ta vẫn sẽ bận rộn như năm trước, quầy sạp đã lớn hơn, tính toán sau trước cũng gọn gàng hơn, nhưng người đến lại đông hơn, dân nghe tiếng lành đồn xa mà, có khi hôm nay người ta cũng làm việc đến khi tối mờ tối mịt mà không được hạt cơm dằn bụng như năm trước. Tĩnh coi khay bánh cúng chùa có hai mươi cái, cậu đếm trên đầu ngón tay rồi đốt tay, đếm qua đếm lại chỉ có mười tám vị La Hán, nên Tĩnh lấy hai cái gói vào trong khăn tay.

Trông tìm bóng áo đỏ ở đằng xa, Tĩnh cầm chiếc khăn gói hai cái bánh trong ấy, đủng đỉnh đi đến, mắt như ngó lơ, người lại dựa sát vào người, ngón út ngoéo nhẹ ngón út, gói bánh từ tay trao qua tay.

"Cảm ơn nha."

Tay khẽ níu tay, mắt không đối mắt mà hai đôi môi cùng nở nụ cười, bước chân người đi vào nhẹ bẫng như đang bay, người ở lại tự dưng sung sức, phấn chấn như vừa được uống thuốc thần.

Tĩnh theo lễ, trước vào chính điện thắp nhang khấn Phật, thay mẹ bỏ tiền vào thùng công đức, cầu cho chúng sinh được hưởng an bình, cầu gia đạo trên thuận dưới hoà, cầu đất nước thoát cảnh suy vong.

Cầu mong sao người có lòng ngay được đi trên con đường thẳng tắp, không vướng vào thế cuộc nhiễu nhương.


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top