Chương 12
Chương 12: Đào yêu
Tầm tám giờ sáng, trên con đường vắng vẻ, nấp sau nhà ga luôn tấp nập người qua lại, có một chiếc xe đạp sắt lạch cạch chạy ngang qua, sườn xe nối liền với một chiếc xe kéo, người đạp xe là một anh Tây học mặc bộ đồ Tây màu trắng, đội mũ trắng, ngồi ở đuôi xe kéo là một cậu nho sinh ăn vận khăn vấn áo dài vải đen, phong thái đĩnh đạc, tưởng chừng đối lập nhau nhưng thực chất lại vô cùng hoà hợp.
"Mệt không?"
"Không sao. Sắp tới rồi."
Sang đạp thêm một quãng nữa, đánh tay lái nép sát vào tán cây rậm lá, nương nhờ bóng mát thiên nhiên được phút nào hay phút ấy, cứ đi dọc theo hàng cây kia và tìm đến một ngôi gian lớn. Nơi đây dường như vừa mới được xây dựng, kiểu cách hoàn toàn mới, Tĩnh cũng nghe được mùi vôi khá nồng, nhưng người làm ở đây thay nhau ra ra vào vào thì lại vô cùng nhịp nhàng.
Đây là kho chứa gạo phát chẩn cho ngày mai của Sang. Trong mấy lá thư trước, Sang kể Tĩnh nghe rằng anh bắt đầu mua đất xây kho vào đầu xuân năm nay, bởi vì số lượng gạo quá lớn mà kho nhà cậu Kiều quá nhỏ, còn mượn đất chùa thì sợ quấy nhiễu chốn tu hành, cho nên phải chọn chỗ riêng để dễ làm việc.
Gạo được chuyển về ga cùng lúc anh đến Huế, bí mật đi đường vòng, né tránh ánh mắt cánh nhà báo ở đây, hôm qua anh đưa ông Năm đến nhà cậu Kiều nên để tạm ở đây, hôm nay mới tới sắp xếp cho gọn gàng. Tối qua Tĩnh hỏi anh chuyện gạo thóc phát chẩn, rồi xin tới xem, anh chiều ý ngay.
Kho gạo này rộng ba mươi thước vuông, xây bằng gạch và xi măng, lợp ngói đỏ theo kiểu mới, có một gian chính để chứa gạo ở giữa, bốn gian phụ cho người làm, người canh kho qua đêm và vài chỗ để người lỡ bộ không tiền đến trọ tạm. Trước và sau kho lát đá làm sân rộng tầm mười thước vuông, trồng bốn cây lớn cao chừng ba thước ở bốn góc, bóng mát rợp sân.
Sang tấp xe vào một gốc cây, chống hai chân xuống đất giữ cho xe thăng bằng, để Tĩnh xuống xe trước rồi mới gạt chân chống xe, dắt cậu vào thăm kho, để xe ở đó.
"Dạ, thưa cậu Hai mới tới."
"Dạ, thưa cậu Hai mới tới."
Mấy người làm trong kho lần lượt tới khoanh tay chào anh. Họ đều là những người đứng tuổi, mặt mũi hiền lành nhưng tay chân thì nhanh nhẹn, nhác thấy bóng chủ thì một người đi trông xe, một người đưa sổ ghi chép. Tĩnh muốn coi thử trong sổ viết những gì, anh đưa sổ cho cậu luôn.
"Chút nữa tôi kiểm gạo, Tĩnh coi giùm coi có khớp với sổ ghi chép không nha."
"Ừm."
"Đi." Sang dẫn Tĩnh vào kho.
Ở trong kho có một trăm bao gạo, để trong năm ô, mỗi ô xếp thành bốn hàng, mỗi hàng chồng năm bao gạo. Tĩnh và Sang đi dọc theo những con đường nằm giữa mấy chồng bao gạo, anh đếm, kiểm tra chất lượng gạo trong bao, cậu đối chiếu với ghi chép trong sổ, đây là lần đầu tiên hai người cùng làm việc này, nhưng lại phối hợp vô cùng nhuần nhuyễn.
Hai người kiểm tra gạo trong kho xong nhưng vẫn đứng đấy một hồi lâu nữa, Sang nắm tay Tĩnh chỉ cho cậu xem gạo ở miền Tây đất Nam Kỳ, được nuôi dưỡng bởi phù sa của miền Tây đất Nam Kỳ, hạt mẩy, chắc, trắng muốt, còn chưa được nấu chín mà đã nghe mùi thơm. Rồi anh lại chỉ cậu cách chọn gạo tốt, cách bỏ gạo xấu, anh nói thao thao bất tuyệt, cậu thì chăm chú lắng nghe, chăm chú nhìn đôi mắt sáng rỡ của anh, ánh sáng ấy xuất phát từ tình yêu bất tận dành cho cây lúa, hạt gạo quê nhà.
"Nghe luật sư tương lai nói như tốt nghiệp nông lâm ra nớ." Tĩnh cười, trêu anh, song lại nhìn anh bằng ánh mắt ngưỡng mộ. "Anh học chữ Tây, biết thơ Nôm, đàn nguyệt cầm giỏi, chừ còn rành trồng trọt, mai ni thì mần luật sư. Có chuyện chi mà anh không rành không?"
Sang ngượng nghịu cúi đầu, gãi gãi chóp mũi đang đỏ ửng:
"Tôi không biết đi chợ, nấu cơm cũng dở lắm."
Tĩnh cười phá lên: "Răng lại nói chuyện nấu cơm? Anh là cậu Hai ở Nam Kỳ mà, bây chừ thì có kẻ hầu người hạ nấu cơm, mai ni..." Tĩnh dừng một chút, nuốt một ngụm nước bọt. "Mai ni cưới vợ thì vợ nấu cho." (Tự nói nha thầy Hai, tự nói nha)
Sang nghe vậy, chỉ cười, không nói gì thêm. Khoảng lặng giữa hai người làm anh cảm thấy trong này hơi nóng, thực ra trong kho vẫn thường nóng, do anh và cậu mải mê nói chuyện quá nên không để ý thôi, mồ hôi đã đổ, ướt hết cả áo hồi nào mà chẳng biết. Sang định lấy khăn tay luôn để trong túi lau mồ hôi cho Tĩnh nhưng cậu đã lại gần anh trước, cầm ống tay áo trắng của anh tự thấm mồ hôi cho mình, Sang phì cười, lấy khăn thấm nốt những giọt mồ hôi vương trên phần tóc mai của cậu.
"Trong này hơi nóng, mình ra ngoài nghỉ tí đi."
"Ừm."
Khi cùng đi ra ngoài, Tĩnh vẫn cứ níu tay áo Sang, Sang đành quàng tay qua vai cậu để cậu tiện tay muốn dùng thế nào thì dùng. Cậu như thế này gợi cho anh cảm giác mình có thêm một đứa em nhỏ để yêu thương, chiều chuộng, anh muốn theo thói quen ở quê thường xoa đầu em trai mà xoa đầu cậu, nhưng chiếc khăn vấn, tà áo dài đã khiến bàn tay anh trở nên rụt rè hẳn đi.
Sân sau dựng một lán trại nhỏ, đóng bốn cọc tre, lợp lá dừa, lại có cây cối lớn che chắn bên ngoài nên nắng không tới mặt, khi gió thổi thì đưa tới làn hơi mát lạnh cùng tiếng xì xào của lá, xa xa còn vọng lại tiếng chuông chùa Thiên Mụ an định lòng người. Ở đây đặt một cái ván gỗ, chỗ đủ rộng cho hai người ngồi, chính giữa ván để một ấm trà và đôi ba cái tách sứ.
"Tĩnh ngồi chờ tôi chút, tôi vô trong pha trà, ra nhanh lắm."
Sang lấy khăn tay của mình phủi bụi trên mặt ván rồi đem ấm trà vào bếp. Tĩnh thong thả theo sát đằng sau, đứng dựa cửa xem anh làm gì. Đây là lần đầu tiên công tử Hồ Đắc Tĩnh bước vào một gian bếp, biết cái nồi, cái ấm thế nào, biết củi lửa ra làm sao.
Sang xắn tay áo lên, bỏ củi vào lò, anh nhóm lửa bằng quẹt diêm, đặt ấm nước bằng gốm lên bếp, quạt lửa, sửa củi cho lửa cháy bùng lên, lúc chờ nước sôi, anh đi lấy trà bỏ vào trong ấm, có hơi ngần ngừ.
"Bao nhiêu cũng được. Ở nhà anh pha trà ra răng thì chừ pha như rứa đi."
Tĩnh đứng ngoài cửa ra "chỉ thị" thế nào, Sang làm y như vậy, lấy muỗng cà phê đong hai muỗng trà cho vô ấm sứ. Anh chờ nước sôi thì khéo léo cầm ở chỗ ít nóng nhất, rót vào trong ấm sứ. Anh làm từng bước, từng bước gọn gàng, rõ ràng là bậc lão luyện trong chuyện này.
Trong bếp có hũ vải thiều ngâm đường, Sang sớt một ít ra hai cái chén.
"Tĩnh có thích ăn ngọt một chút không?"
"Anh ăn răng, tôi ăn rứa."
Tĩnh đã nói vậy thì anh không bỏ thêm cái gì nữa, cứ để nguyên như vậy mà đưa cho cậu. Mỗi người một chén vải ngâm đường phèn, đi ra nhà sau hóng gió, nói chuyện.
Tĩnh ăn vải ngâm đường ở bên chén của mình thì thấy ngọt hơn bình thường thật, cậu nhìn qua chén vải bên kia, hơi nhíu mày lại, cậu vói muỗng sang ấy múc trái vải mọng thịt, óng ánh nước đường, ăn thử xem có khác gì không, thì thấy cũng ngọt như vậy.
"Tĩnh không thích ăn ngọt hả?"
Cậu lắc đầu: "Không có. Ăn ngọt cũng ngon mà." Rồi cậu chợt hỏi. "Năm ngoái anh ăn đồ ở chỗ ni không ngon miệng nên năm ni kêu người làm lên nấu riêng hỉ?"
"Má tôi lo xa, sợ ông ngoại ăn đồ lạ thì có chuyện gì thôi, chứ tôi thích đồ ăn ngoài này lắm."
Tĩnh gật gật gù, nghĩ gì mà nhoẻn miệng cười. Cậu ăn một lúc mấy quả vải ngào đường, làm một bên má căng phồng, theo động tác nhai của cậu mà nhấp nhô lên xuống. Bên mép cậu còn dính tí nước đường, Sang cẩn thận dùng khăn tay lau sạch đi rồi rót trà cho cậu. Tĩnh phẩy tay cho hương trà bay về đây, hít hà.
"Trà lạ hỉ?"
"Ừm. Ba tôi muốn trồng trà ở Nam Kỳ, nên lấy giống ở Tuyên Quang đi nhờ tía tôi trồng thử nghiệm trên mười mấy mẫu đất, đây là mẫu thứ mười rồi. Uống khác trà Tuyên Quang ha."
"Ừm. Đất khác, người chăm cây cũng khác." Tĩnh thổi một hơi trên mặt chén trà, nhấp một ngụm nhỏ. "Thì trà uống cũng khác."
Sang nghe vậy thì mặt thoáng trầm tư, ngụm trà đắng như đang mãi lơ lửng trong cuống họng, nuốt mãi không trôi. Tĩnh nhích lại gần anh, vỗ một cái lên mặt:
"Uống khác trà Tuyên Quang nhưng uống ngon là được mà." Tĩnh múc một trái vải ngào đường, đưa đến trước mặt Sang. "Ăn vải ni, uống trà ni thì ngon mà."
Sang ngẩn người ra, sau đó mỉm cười, gật đầu liên tục. Anh cầm muỗng của mình cẩn thận múc trái vải trong muỗng Tĩnh, nhấm nháp cùng nước trà vẫn còn sót một ít trong miệng thì thấy ngon lạ thường, ngon theo một cách rất riêng.
Tĩnh hơi cau mày, trong bụng không vui. Vải trong chén đã hết, chỉ còn tí nước đường, Tĩnh đổ ra lòng bàn tay rồi trét lên mặt anh, kéo một đường dài từ mang tai bên này qua mang tai bên kia.
"Ngon ghê hỉ?" Cậu vỗ thêm hai cái lên mặt anh. "Hỉ?"
"Tĩnh à. Tĩnh..."
Gương mặt trắng trẻo như bột mì của Sang giờ nhoe nhoét nước đường, mặc sức cho Tĩnh nhào nặn thành viên bánh trong chén chè trôi nước. Tĩnh cố ý ép hai má bên miệng Sang, không cho anh nói lời nào, động tay động chân với cậu thì anh không nỡ, chỉ biết ngồi im chịu trận để cậu nghịch tới khi nào hết giận thì thôi.
Tĩnh nghịch thoả thuê rồi thì cũng bình tĩnh lại.
"Anh đi rửa mặt đi."
"Ờ. Tôi đem nước ra cho Tĩnh rửa tay luôn."
Sang thở phào một hơi, đi vô bếp múc nước trong lu đổ vào một cái thau thiếc. Ấm gốm trên bếp vẫn còn ít nước, anh nhắc xuống rót nước nóng vào một cái thau khác rồi pha thêm nước lạnh rồi cẩn thận nhắc cái thau nước ấm đó ra cho Tĩnh rửa tay. Khi này Tĩnh đang ngồi thừ người trên ván gỗ, ưu tư chuyện gì đó, bàn tay nắm vào rồi lại mở ra.
"Tĩnh rửa tay đi." Sang để thau nước lên ván gỗ.
Tĩnh không quay mặt lại đây, chỉ chìa tay ra, Sang phì cười, cầm tay cậu nhúng vào thau nước.
"Có nóng lắm không?" Anh hỏi cậu.
"Không có."
Sang gật gật đầu, cẩn thận rửa tay cho cậu, chăm chú đến từng ngón tay. Anh trân trọng, yêu kính đôi tay này, nó từng cứu anh thoát cơn đói, cũng từng thay anh lau nước mắt. Nếu Tĩnh là một quý ông ở bên Tây, không biết là anh đã đặt lên đôi tay này bao nhiêu nụ hôn để bày tỏ lòng thành kính rồi.
"Hơ. Gì vậy Tĩnh?"
Sang giật mình, tự nhiên Tĩnh nâng mặt anh lên và tiếp tục chơi trò "nặn bột", lần này cậu còn nắn bóp kỹ hơn nữa. Mặt Sang mềm, mịn, dễ nắn như khối bột nếp trong bếp, cậu nghe nói bên Tây ăn bột nhiều hơn ăn cơm, có phải vì vậy mà mặt người ta mềm giống bột thế này không nhỉ, vừa mềm vừa ấm, càng nắn càng thấy ấm. Trên gương mặt trắng bóc kia ẩn hiện ráng hồng, Tĩnh buột miệng ngâm mấy câu:
"Đào chi yêu yêu. Chước chước kỳ hoa. Chi tử..."
Tĩnh ngâm tới đây thì thấy mình hơi quá trớn nên tạm ngừng, cẩn trọng dò xét thái độ của Sang, sợ anh sẽ giận mình. Nhưng Sang nghe không hiểu, anh thuộc chữ Nôm nhưng không biết chữ Hán, nên anh chỉ nhìn cậu bằng đôi mắt van nài chứ chẳng có thêm biểu hiện gì khác, không giống những lúc anh biết cậu trêu mình mà vẫn để yên. Thế là Tĩnh yên tâm mà trêu anh:
"Đào chi yêu yêu. Chước chước kỳ hoa. Chi tử vu quy. Nghi kỳ thất gia." Cậu vừa đọc vừa "nhào nặn" hai má anh, cười tít cả mắt. "Đào chi yêu yêu. Hữu phần kỳ thực. Chi tử vu quy. Nghi kỳ gia thất."*
"Tĩnh à, Tĩnh. Để tôi đi rửa mặt cái đã." Anh cất giọng van nài. "Tĩnh."
Sang thấy trong người mình không ổn lắm, cả người cứ hừng hực như đang ngồi trên lửa, đầu váng mắt hoa. Hình như anh bị say nắng rồi.
*Mấy câu thầy Hai đọc là hai bài Đào yêu trong Kinh thi, một trong ngũ kinh của chương trình Nho học ngày xưa.
Đào yêu 1:
Đào chi yêu yêu,
Chước chước kỳ hoa.
Chi tử vu quy,
Nghi kỳ thất gia.
Dịch nghĩa:
Cây đào tơ xinh tươi,
Hoa nhiều rậm
Nàng đi lấy chồng,
Ắt gia đình hoà thuận êm ấm.
Đào yêu 2:
Đào chi yêu yêu,
Hữu phần kỳ thực.
Chi tử vu quy,
Nghi kỳ gia thất.
Dịch nghĩa:
Cây đào tơ xinh tươi,
Trái đã đơm nhiều.
Nàng đi lấy chồng,
Thì ắt thuận hoà êm ấm cảnh gia đình
Nguồn trích: thivien.net
Thầy Hai ghẹo ông Hai mặt đỏ như con gái ấy, ông Hai dốt chữ Hán nên không biết, sau này biết hay không thì ai mà biết.
Cmt ủng hộ mình nha
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top