Chương 10

Chương 10: Một năm rồi ta mới gặp lại

Huế, năm 1909.

Như mọi buổi chiều, Tĩnh ôm đàn dạo bước bên bờ sông Hương, chén tạc chén thù với các bạn đồng môn, trước đó thì cậu ghé qua nhà sách [Sông Hương] ở khu phía Tây Hoàng thành để mua tờ báo [Nông cổ mín đàm], đây là thói quen cậu mới tập trong một năm qua.

"Lại mua cái tờ trồng lúa trồng khoai ấy hả Tĩnh?" Khiêm ngáp dài một cái. "Cũng phải thôi, giờ ra làm quan thì nhàn đến chán, đi học thêm ấy thì bị cấm cản đủ đường, chắc chỉ còn nước về nhà tự cày ruộng mới yên cái thân."

Tĩnh cười, không bàn luận gì, cậu biết Khiêm đang nản vì hội Đông Du đã bị Pháp nhổ sạch rễ bên Nhật hồi đầu năm. Giờ giới trẻ nước Nam rơi vào sự hoang mang vô tận, con đường cứu nước để sống ngẩng cao đầu sao mà mờ mịt quá, ngọn cờ Cần Vương đã gãy đổ, Đông Kinh Nghĩa Thục bị dẹp, giờ cả hội Duy Tân cũng bị lung lay. Tĩnh tự hỏi rồi đất nước này sẽ đi về đâu.

"Thôi, than với chú cho sướng cái mồm anh thế thôi. Anh về nhá."

"Vâng, anh về." Tĩnh gật đầu chào Khiêm rồi đi vào nhà sách.

Hiệu sách khá nhỏ nhưng khang trang, có ông chủ hiền lành, hóm hỉnh, luôn nở nụ cười thân thiện chào đón khách quý, hay cố tình khoe cái răng vàng sáng chói làm loá mắt người nhìn.

"Tôi chào cậu Tĩnh."

"Dạ, chào cậu." Tĩnh lễ phép cúi đầu. "Cậu lấy cho cháu một tờ [Nông cổ mín đàm]."

Người chủ sạp báo là cậu út của Sang, tên là Kiều, cậu từ Sài Gòn ra đây lập nghiệp, công việc chính của cậu là đưa báo từ Sài Gòn ra đây bán cho các thân sĩ, học sinh, Sang đã giới thiệu Tĩnh với cậu trong buổi sáng cuối cùng anh ở Huế năm ngoái và nhờ cậu làm trung gian liên lạc thư từ cho cả hai.

Vì ông Hồ Đắc Hiển không thích Tĩnh kết bạn với Sang mà anh không muốn mọi việc bị làm cho rối rắm, thế là cả hai thoả thuận với nhau sẽ bí mật thư từ. Cứ mỗi chủ nhật, Tĩnh ghé nhà sách này nhận thư của Sang gửi từ Pháp về, sau đó phúc đáp tại chỗ rồi nhờ cậu Kiều bỏ vào thùng thư bưu điện giúp. Mật hiệu của đôi bên là tờ [Nông cổ mín đàm].

Một năm qua, cứ mỗi tháng, Tĩnh với Sang gửi cho nhau tầm một, hai lá thư, hai người nói nhau nghe rất nhiều chuyện, quan hệ đôi bên ngày càng thân thiết.

Hiện giờ tờ lịch hẹp dần gần đến lễ Vu Lan, tuần trước Sang gửi thư về nói rằng anh đã xin được trường cho nghỉ phép hai tuần, anh dùng một tuần cho gia đình ở Mỹ Tho, một tuần còn lại thì ra Huế phát gạo Vu Lan và thăm bạn, nhưng Sang không nói rõ mình sẽ đến Huế vào ngày nào để cậu đi đón. Tĩnh hiểu là Sang không muốn cậu cực, nhưng chịu cực cũng là một niềm vui trong việc kết giao bạn bè mà.

"Đây, báo của cậu đây." Ông Kiều đưa cho Tĩnh một tờ [Nông cổ mín đàm].

"Dạ, con cảm ơn cậu." Tĩnh trả cho ông Kiều năm đồng, theo giá chính của tờ báo.

Tĩnh nhận báo rồi lật hết tờ này đến tờ kia, tìm phong thư thường được kẹp trong này, nhưng tìm hoài mà chẳng thấy, mấy cái mục [Thiên tình sử Việt], [Tri âm tứ phương] cứ thay nhau đập vào mặt làm Tĩnh thấy xốn mắt vô cùng.

"Ủa, chết cha." Ông Kiều gãi cái đầu hói sọi của mình. "Có khi nào cậu để lấy lộn tờ báo ở nhà hông ta?" Ông rướn cổ vào trong, hét to. "Thằng Hai đâu! Mày đưa chồng báo ra đây cho cậu coi."

Bên trong không có lấy một tiếng trả lời, nhưng có tiếng guốc mộc vọng lại. Có một chàng trai bước ra từ căn nhà thông với cửa sau hiệu sách, bà ba xám ngắt, cổ vắt cái khăn rằng, chân đi guốc mộc, nhìn y như một anh nông dân chính hiệu nếu anh ta không có cái sống mũi quá cao và nước da quá trắng. Bốn mắt nhìn nhau, một ngẩn ngơ, một ngỡ ngàng.

"Tĩnh!"

Sang thả chồng báo giấy xuống đất, bước nhanh đến nắm cổ tay người bạn đã một năm nay mình chưa được gặp. Tĩnh nở nụ cười, đưa tay lên sờ khuôn mặt anh, anh vẫn như ngày đầu gặp gỡ.

"Anh mới về à?"

"Ừm. Mới xuống xe lửa xong."

"Năm ni anh trọ ở nhà cậu Kiều à?"

"Ừm, ở ngay nhà sau đây nè." Sang chỉ tay về căn nhà thông với hiệu sách qua cửa sau. "Năm nay tôi đi với ông nội Năm của tôi nữa."

"Rứa là tôi phải vô chào ôn* mới phải phép."

"Ừm, tôi dắt Tĩnh vô chào nội."

Hai trẻ thoải mái nói cười với nhau, tự quyết từ đuôi tới đầu, bỏ lơ ông cậu đứng chỏng chơ bên quầy. May mà Sang cũng sực nhớ ra, anh ôm chồng báo giấy để lên bàn sách cho cậu Kiều rồi xin phép cậu cho mình dắt Tĩnh vô nhà chơi.

"Đi đi." Ngoài câu đó ra ông Kiều cũng không nói được câu nào khác.

Ông Kiều tính kêu thằng Hai ra đây để ghẹo hai đứa nó, cũng muốn coi coi thằng Hai chỉn chu sẽ thế nào khi người ta thấy nó ăn mặc như vầy ở nhà, rồi coi coi vị Công tử đất kinh kỳ nhìn thằng cháu mình mặc bộ bà ba xám ngắt thì sẽ có thái độ ra sao, ai dè đâu hai đứa nhỏ thản nhiên như ngày ngày được ở chung nhà, dù ban nãy tụi nó mừng đến mức tưởng như cả chục năm nay mới được gặp lại. Ông Kiều biết hai đứa thân nhau, nhưng không ngờ lại thân nhau đến mức này.

Sang hồ hởi dắt Tĩnh đi ra nhà sau, nó thông với hiệu sách qua cánh cửa, cách một cái sân vườn trồng hai dàn hoa quỳnh ở bên trái và một luống rau cải ở bên phải. Nhà riêng của ông Kiều tuy vẫn nhỏ, nhưng rộng hơn căn phòng trọ Sang ở năm ngoái rất nhiều lần, nom sạch sẽ, tinh tươm hơn. Căn nhà được thiết kế theo kiểu Tây, với nước sơn màu vàng nghệ và cửa gỗ gụ còn thơm mùi sơn.

Cửa đang mở, một cô gái vận bà ba màu hồng phấn uyển chuyển bước ra chào khách, trông mặt nàng tầm đôi tám, đôi chín, cùng lắm là trạc tuổi Sang, mùi lá ổi từ tóc nàng thoang thoảng đến chỗ này.

"Chị ni là ai rứa anh?" Tĩnh huých tay Sang, cười hỏi.

"À, đây là cô Thắm, má tôi cử cổ lên đây để lo bếp núc cho ông nội Năm."

"Rứa à?" Tĩnh nhìn cô gái miền Tây Nam Kỳ từ đầu đến chân, cười cười. "Anh nuôi người làm khéo hỉ."

Tĩnh thấy cô gái này không thanh thoát, mình hạc xương mai như những nàng hầu trong nhà cậu, nhưng được cái mặn mà, duyên dáng, Sang bảo cô được giao chuyện bếp núc mà sao nước da lại trắng như bông bưởi, trắng đến mức làm nhức mắt người nhìn.

Sang cười cười, lắc đầu. "Má tôi nuôi chứ tôi nuôi không có nổi đâu." Rồi anh nói với Thắm. "Bạn cậu tới chơi, bây đi chuẩn bị trà nước cho tươm tất."

Thắm cúi đầu dạ vâng, đi vội xuống bếp.

Tĩnh đột ngột dán sát người vào anh, hơi liếc xéo lên, làm anh ngỡ ngàng một lúc, rồi anh chợt hiểu ra người ta đang khoe mình đã cao hơn, giờ đứng tới vai anh rồi, Sang cười ngất, giang tay ra ôm vai cậu, kéo vào trong.

Một làn hương thanh mát thoang thoảng trong gian nhà nhỏ, là hương hoa lài ướp với lá trà. Trên chiếc ghế gỗ gụ, ông Năm nhàn nhã nhấp từng ngụm trà. Ông cũng mới tắm xong, mặc bộ bà ba trắng rộng thùng thình, xoã tóc dài, mắt ông kéo màng mây, nên trời cho đôi tai thính để bù lại, ông phân biệt được người lạ người quen chỉ qua tiếng bước chân. Ông Năm nghe thấy tiếng chân lạ bên cạnh cháu mình, bước chân này nghe thoáng qua thì khoan thai nhưng nghe kỹ thì thấy dồn dập.

Sang dắt Tĩnh đến chào ông nội Năm: "Thưa nội, đây là cậu Tĩnh, bạn của con ở Huế."

"Dạ, con chào ôn." Tĩnh lễ phép cúi đầu chào ông Năm, chủ động đưa tay cho ông sờ.

Ông Năm gật đầu, cầm tay Tĩnh, nắn bóp, thấy bàn tay tuy mịn màng nhưng ở các ngón tay có những vết chai, xuất phát từ việc siêng cầm bút, và siêng cầm đao kiếm nữa, bạn của cháu ông đúng là một công tử thế gia ở kinh kỳ.

"Ngồi đi con." Ông Năm mỉm cười thân thiện với Tĩnh.

"Dạ."

Ông Năm kêu Sang rót trà, gọt chôm chôm cho Tĩnh ăn, trong lúc đó thì ông ngồi hỏi chuyện cậu, từ gia cảnh đến đường học về sau. Tĩnh nói về gia đình mình rất rành rọt nhưng khi đề cập đến đường học vấn thì sắc mặt cậu có hơi trầm lại, đây là vấn đề Tĩnh luôn trăn trở, năm nay cậu mười sáu rồi, hai năm nữa thì mười tám, bốn năm nữa thì hai mươi nhưng vẫn chưa hoạch định được con đường tương lai.

"Thưa ôn, con cũng chưa biết nữa." Tĩnh thực sự cảm thấy bất an cho tương lai của mình, bàn tay cậu mân mê quả chôm chôm ứa đầy nước ngọt.

Nãy giờ Sang vẫn ngồi bên Tĩnh gọt vỏ chôm chôm, anh chợt nhích lại gần cậu:

"Chôm chôm ngon không Tĩnh?"

Tĩnh ngơ ngác gật đầu. Sang mỉm cười:

"Tí nữa lấy một ít đem về cho nhà cho phu nhơn ăn giải khát." Rồi anh quay sang ông Năm. "Mẹ của Tĩnh là Phật tử thuận thành của chùa Thiên Mụ đó nội."

Tới đây thì anh khéo léo chuyển hướng câu chuyện, anh nói nhiều về việc đưa ông Năm đi thăm chùa Thiên Mụ, giới thiệu ông với sư trụ trì của chùa vào ngày mai và ngày kia, sau đó Sang nhắc đến khâu chuẩn bị phát chẩn cho nạn dân vào mùa Vu Lan năm nay.

Chuông đồng hồ quả lắc treo trên tường đánh tám tiếng, Sang nhắc nhỏ với ông Năm là đã đến thời kinh của ông rồi. Ông Năm gật đầu, đưa tay ra, Sang lanh lẹ chạy đến đỡ, dìu ông vào phòng trong. Một lát sau, Sang quay trở lại, trên tay anh cầm một chiếc cặp táp da.

"Tôi có quà tặng Tĩnh."

Sang mở cặp táp da, lấy một hộp bánh tây đưa cho cậu, trong đó không chỉ có [chocolat] mà còn cả bánh bơ và bánh sữa để "hối lộ" anh Thịnh nữa. Chưa hết ở đó, Sang tặng Tĩnh một quyển từ điển Pháp – Việt, thư trước Tĩnh tâm sự với anh là cậu đang thử học tiếng Pháp, anh lặn lội khắp các hội sinh viên nước Nam ở bên Paris thì mới tìm được quyển này, còn tận tâm ghi chú, giải nghĩa thêm cho một số từ thuộc bên chuyên môn.

"Quý hoá quá, tôi cảm ơn anh."

Tĩnh trân trọng nhận quyển từ điển bằng hai tay. Cậu lật từng trang từ điển, hít hà mùi giấy mới, ngón tay ngòi viết lần trên từng con chữ, mắt huyền sáng rỡ. Sang nhìn cậu say sưa với nguồn kiến thức mới này muốn quên cả trời đất, anh mới nói đùa:

"Tính rủ Tĩnh ra sông Hương chỉ thêm cho Tĩnh mấy ngón đàn, mà Tĩnh mê coi sách quá thì thôi hẹn ngày mai ha."

"Răng mà được!" Tĩnh phản ứng mạnh bằng cách đóng mạnh cuốn sách, sách khá dày, khi bị đóng mạnh như thế thì phát ra tiếng rất to, làm cho Sang giật mình. "Anh đã về rồi thì phải chỉ đàn cho tôi chớ."

Sang biết mình đã đùa hơi quá trớn, vội cười xoà lấy lòng: "Tôi xin lỗi. Tĩnh cứ coi sách đi, tôi đi thay đồ rồi ra sông Hương với Tĩnh."

*Ôn: tiếng người Huế gọi "ông"


Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top