Việt Nam sau hai năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới

Việt Nam sau hai năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới

Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào ngày 11-1-2007 là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Những thành tựu đạt được trong hai năm qua cho thấy, việc Việt Nam tham gia vào WTO là phù hợp với thực tế khách quan và xu thế hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc trên thế giới hiện nay. Trên tinh thần chủ động hội nhập, cùng với việc tham gia Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA), Thỏa thuận ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Hàn Quốc,... thực hiện các thỏa thuận song phương như Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện với Nhật Bản, tham gia các diễn đàn hợp tác kinh tế liên khu vực ASEM, APEC, Việt Nam đã thật sự hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Ngay sau khi gia nhập WTO, chúng ta cũng đã bắt tay vào xây dựng Chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế. Ngày 5-2-2007, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/T.Ư về "Một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO". Theo đó, Chính phủ, các bộ, ngànhvà địa phương cũng đã ban hành các Chương trình hành động theo các định hướng lớn của Ðảng.

Ðể thực hiện nghĩa vụ thành viên WTO, Việt Nam đã tiến hành điều chỉnh chính sách thương mại theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn, ban hành nhiều luật và các văn bản dưới luật để thực hiện các cam kết đa phương, mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, cũng như các biện pháp cải cách đồng bộ trong nước nhằm tận dụng tốt các cơ hội và vượt qua thách thức trong quá trình hội nhập.

Mặc dù thời gian hai năm chưa đủ để có thể đánh giá toàn diện những tác động kinh tế - xã hội của việc gia nhập WTO, nhưng chúng ta cũng có thể thấy một số kết quả tích cực như sau:

Thứ nhất, việc gia nhập WTO đã góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế về kinh tế, chính trị, ngoại giao,... Các đối tác kinh tế, thương mại đánh giá Việt Nam như là một đối tác quan trọng và giàu tiềm năng của khu vực Ðông - Nam Á. Vai trò của nước ta trong các hoạt động của WTO, ASEAN, APEC, ASEM và các tổ chức quốc tế ngày càng được nâng cao. Ðặc biệt, việc trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009 đã chứng tỏ uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam.

Thứ hai, việc điều chỉnh thể chế kinh tế, hoàn thiện từng bước khung pháp lý, xóa bỏ các rào cản và nâng cao tính minh bạch trong chính sách kinh tế, thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh đã làm tăng hiệu quả và thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững hơn. Mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, tiền tệ toàn cầu, nhưng GDP năm 2008 của nước ta vẫn tăng trưởng ở mức 6,23%, xuất khẩu vẫn bảo đảm nhịp độ tăng trưởng khá: Năm 2007, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 48,56 tỷ USD, tăng 21,9% so với năm 2006; Năm 2008, dù đa số các thị trường lớn rơi vào suy thoái nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn rất đáng khích lệ, ước tính đạt khoảng 63 tỷ USD, tăng 29,5% so với năm 2007. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã đa dạng hơn và hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập tốt hơn, đứng vững hơn trong các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU,...

Thứ ba, do việc điều chỉnh chính sách kinh tế theo các cam kết quốc tế, môi trường kinh doanh và đầu tư trở nên thông thoáng và minh bạch hơn, dẫn đến việc gia tăng luồng vốn FDI vào Việt Nam. Năm 2007, Việt Nam đã thu hút trên 20,3 tỷ USD, tăng 69,2% so với năm 2006. Sang năm 2008, dù tình hình kinh tế thế giới xấu đi, nhưng vốn FDI cam kết đã đạt hơn 64 tỷ USD, gấp gần ba lần năm 2007. Ðiều này phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào tiến trình hội nhập, mở cửa thị trường, cũng như vào triển vọng và tiềm năng phát triển kinh tế của Việt Nam, tin tưởng vào sự ổn định chính trị, xã hội và những quyết sách tích cực và hiệu quả của Chính phủ Việt Nam trong việc đối phó với cơn khủng hoảng tài chính hiện nay.

Thứ tư, việc mở cửa thị trường dịch vụ theo cam kết WTO góp phần phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nâng cao trình độ công nghệ cho các nhà sản xuất, dẫn tới việc tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Mặt khác, thông qua việc liên doanh, hợp tác với nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được tăng cường thêm về vốn, trình độ quản lý, nhân sự và phát triển công nghệ.

Thứ năm, ngành công nghiệp Việt Nam đã phát triển theo hướng tích cực, sản xuất công nghiệp đạt năng suất tương đối cao: Năm 2007 giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 574 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với 2006; Năm 2008 ước đạt 650 nghìn tỷ đồng tăng 14,6% so với năm 2007; Các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như thủy sản, may mặc, giày dép, đồ nội thất, thủ công cũng có tốc độ tăng trưởng cao.

Hai năm gia nhập WTO càng làm rõ thêm những thời cơ và thách thức mà Hội nghị lần thứ tư của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa X đã chỉ ra, đặc biệt là những tác động không thuận đối với nước ta do những biến động của nền kinh tế thế giới. Bước vào năm 2009, Chính phủ đã đề ra năm nhóm giải pháp để ngăn chặn và đẩy lùi suy giảm kinh tế, trong đó biện pháp quan trọng hàng đầu là đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Việc thực hiện cam kết với WTO và điều chỉnh chính sách theo các cam kết quốc tế phải bám sát và hỗ trợ những nhiệm vụ cấp bách mà Chính phủ đã đề ra.

Trong thời gian tới, trước mắt là năm 2009, chúng ta cần tập trung giải quyết các vấn đề sau:

Thứ nhất, cần tiếp tục thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và tư duy trong xây dựng chính sách và điều hành quản lý nhà nước theo hướng từ trực tiếp, hành chính, mệnh lệnh sang gián tiếp thông qua việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chí và các đòn bẩy kinh tế.

Thứ hai, để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, cần áp dụng các chính sách để hạn chế nhập siêu và thâm hụt thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, khuyến khích việc sử dụng hàng hóa sản xuất trong nước.

Thứ ba, tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trên cả ba cấp độ nhà nước, doanh nghiệp và ngành hàng. Phát huy nội lực, bảo vệ thị trường trong nước, xây dựng chiến lược và quy hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh vận động các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, tham gia tích cực vào vòng đàm phán Ðô-ha, tiếp tục thực thi đầy đủ các cam kết gia nhập WTO, tận dụng tốt những quyền lợi mà thành viên WTO được hưởng, xử lý hài hòa, thống nhất mối quan hệ giữa cam kết gia nhập WTO với khuôn khổ pháp lý hiện hành, tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Thứ năm, thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách an sinh xã hội, giảm khoảng cách giàu - nghèo trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thứ sáu, các bộ, ngành và các địa phương cần nâng cao chất lượng nội dung các Chương trình hành động sau khi gia nhập WTO, xác định rõ nguồn lực cần thiết để bảo đảm cho việc triển khai thực hiện những nhiệm vụ đề ra; xử lý hài hòa các vấn đề có tính chất liên ngành, liên vùng như chiến lược, quy hoạch phát triển của địa phương, bảo đảm hiệu quả đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng; bảo vệ môi trường sinh thái,...; xây dựng thể chế và cơ chế theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá và điều chỉnh việc triển khai Chương trình hành động của Chính phủ và các chương trình hành động của bộ, ngành và địa phương sao cho thiết thực, hiệu quả và phù hợp với thực tế của bộ, ngành và địa phương.

Thứ bảy, tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, công chức, viên chức, các doanh nhân và người lao động, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Tiếp tục phát huy tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, với phương châm chủ động, hiệu quả và linh hoạt, phát huy những thành tựu đã đạt được trong hai năm qua, chúng ta tự tin và năng động vượt qua mọi thách thức, phấn đấu giành những thắng lợi mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PHẠM GIA KHIÊM

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ,

Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top