việt nam gia nhập WTO

Việt Nam gia nhập WTO: Và bài toán "rào cản" về môi trường

(Khoa học và Công nghệ, số 17 + 18, ngày 28/4 - 11/5/2005, tr.5)

Theo dự kiến, năm 2005 Việt Nam sẽ gia nhập WTO. Bên cạnh việc phải vượt qua hàng rào thuế quan, rào cản kỹ thuật, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (DN), an toàn vệ sinh lao động... thì việc mở cửa thị trường cho các hàng hoá/ dịch vụ liên quan đến môi trường đang là vấn đề nổi cộm trong thương mại quốc tế hiện nay, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam.

Các vấn đề đặt ra đối với Việt Nam

Gia nhập WTO và tham gia hội nhập quốc tế đòi hỏi hàng hoá, dịch vụ của chúng ta phải đáp ứng được các yêu cầu về môi trường để vượt qua rào cản "xanh" mà nhiều nước đang áp dụng, đồng thời năng lực BVMT trong nước cũng phải nâng cao để đáp ứng được các biện pháp quản lý sắp tới sẽ phải áp dụng chung cho cả hàng hoá trong nước và hàng nhập khẩu. Về lý thuyết, WTO và các định chế thương mại khu vực thường chỉ thừa nhận thuế quan là công cụ bảo hộ hợp pháp duy nhất nhưng thực tế đã chứng minh rằng các nước không ngừng sử dụng các biện pháp phi thuế quan mới vừa đáp ứng mục đích bảo hộ, vừa không trái với thông lệ quốc tế. Thực tế cho thấy các biện pháp quản lý thương mại mà các sản phẩm có liên quan tới môi trường ngỳa càng trở thành những công cụ để BVMT, bảo hộ sản xuất quan trọng đối với mọi quốc gia. Những biện pháp trên được các nước phát triển và đang phát triển ở trình độ cao sử dụng tương đối phổ biến và hiệu quả trong việc kiểm soát nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến môi trường và bảo vệ các ngành sản xuất có liên quan trong nước. Điều này đòi hỏi các cơ quan trong nước và DN nắm vững các quy định liên quan đến môi trường trong thương mại quốc tế để đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình, đồng thời cũng cần nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu về môi trường trong quá trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của các nước mới có thể tiếp cận và mở rộng thị trường ở nước ngoài.

Là thành viên WTO, Việt Nam cũng phải điều chỉnh các biện pháp quản lý thương mại - môi trường để đáp ứng các chuẩn mực của WTO. Tuy nhiên trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đang chuyển đổi, năng lực cạnh tranh của DN còn hạn chế nên việc thực hiện các nghĩa vụ trên đang đặt ra không ít khó khăn cho Việt Nam. Theo bà Trần Thị Thu Hằng - Vụ Chính sách Thương mại đại diện (Bộ Thương mại) cho biết: Khảo sát về hiện trạng quản lý môi trường ở một số DN điển hình tại Việt Nam cho thấy, hầu hết các công ty, nhà máy đều chưa có bộ phận chuyên trách về môi trường. Cán bộ được giao thực hiện công tác về môi trường không có chuyên môn sâu trong lĩnh vực này hoặc chỉ mới tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn về môi trường. Người chịu trách nhiệm thêm nhiều công tác chuyên môn khác như các vấn đề về kỹ thuật, an toàn lao động, nhân sự... dẫn đến tỉ lệ thời gian dành cho công tác này chỉ chiếm khoảng 40 - 50%. Thực trạng này cho thấy công tác quản lý, kiểm soát ô nhiễm do các cơ quan quản lý môi trường nhà nước và địa phương yêu cầu bắt buộc DN phải thực hiện chưa thực sự đáp ứng với mức độ chuyên nghiệp theo yêu cầu BVMT mà nhiều nước đặt ra đối với hàng nhập khẩu.

Giải pháp nào?

Để đáp ứng những yêu cầu đó, cũng theo bà Trần Thị Thu Hằng cho rằng: trước mắt cần xây dựng, hoàn thiên các quy định về xuất, nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhạy cảm với môi trường; nghiên cứu sâu kinh nghiệm phối hợp giữa chính sách thương mại và môi trường của các nước đang phát triển là thành viên của WTO. Cho tới nay, đã có nhiều tranh chấp về thương mại trong khuôn khổ WTO gắn với vấn đề môi trường. Nghiên cứu các vụ tranh chấp này sẽ giúp chúng ta bảo vệ được hàng nhập khẩu của Việt Nam vượt qua rào cản khi bị các nước khác áp dụng các biện pháp hạn chế hoặc cấm nhập khẩu với lý do gắn với môi trường. Mặt khác, kinh nghiệm từ các vụ trnah chấp đó cũng sẽ giúp chúng ta ngăn chặn hợp lý hàng nhập khẩu vào Việt Nam gây tác động xấu tới môi trường. Ngoài ra cũng cần theo dõi và điều chỉnh chính sách phù hợp với Vòng Doha (vòng đàm phán đề cập tới những vấn đề thương mại môi trường khác không thuộc nội dung của chương trình đàm phán nhưng cần được quan tâm và nghiên cứu đưa vào chương trình đàm phán sau này bao gồm các vấn đề về tiếp cận thị trường đối với hàng hoá từ các nước đang phát triển, vấn đề sở hữu trí tuệ và dán nhãn BVMT). Bên cạnh đó cũng cần chuẩn bị tốt nguồn lực để vượt qua rào cản thương mại gắn với lí do BVMT nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá; xây dựng kế hoạch cụ thể về việc sử dụng công cụ kinh tế trong BVMT.

Có thể nói, giải pháp thì nhiều, tuy nhiên để thực hiện được điều này đòi hỏi cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý và các DN. Có như vậy, khi tham gia WTO, hàng hoá của Việt Nam không bị chính rào cản môi trường hạn chế.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top