Các quy định đối với hàng nhập khẩu - Theo WTO
Các quy định đối với hàng nhập khẩu - Theo WTO
GATT cho phép một số sản phẩm xuất khẩu được miễn tất cả các loại thuế gián thu tại nước xuất khẩu. Ngoài ra, nó cũng cho phép các nước được đánh thuế vào hàng xuất khẩu nếu cần thiết để quản lý hàng xuất khẩu hay để đạt các mục tiêu chính sách khác cũng như đối với hàng nhập khẩu, điều luật này cấm việc hạn chế xuất khẩu trừ một số trường hợp cụ thể sau:
1. Khuyến khích xuất khẩu: hoàn trả thuế gián thu
Luật của GATT cho phép một sản phẩm xuất khẩu được miễn các loại thuế sau:
• Thuế hải quan và các thuế gián thu khác đánh vào đầu vào sản phẩm được sử dụng trong quá trình sản xuất.
• Thuế gián thu đánh vào hàng xuất khẩu.
• Thuế gián thu đánh vào việc sản xuất và phân phối hàng xuất khẩu
Khái niệm "thuế gián thu" bao gồm các loại thuế là thuế bán hàng, thuế môn bài, thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng, thuế độc quyền cung tiêu, lệ phí hành chính, thuế chuyển nhượng, thuế thiết bị, tài sản. Hiệp định trợ cấp và biện pháp đối kháng (SCM) quy định rằng các loại thuế mà chính phủ quy định được miễn sẽ tạo ra trợ cấp xuất khẩu nhưng chỉ rõ rằng việc miễn thuế hải quan hay thuế gián thu cho một sản phẩm xuất khẩu mà các loại thuế này vẫn đánh vào các sản phẩm tương tự tiêu thụ trong nước, cũng như việc hoàn các loại thuế này không vượt quá số thuế thực thu thì sẽ không bị coi là trợ cấp.
Theo nguyên tắc đãi ngộ quốc gia của GATT, ngoài thuế hải quan, một nước có thể đánh thuế một hàng hóa nhập khẩu bằng các loại thuế gián thu khác áp dụng cho sản phẩm tương tự được sản xuất trong nước miễn là các loại thuế này không ở mức cao hơn so với thuế đánh vào hàng hóa trong nước. Vì vậy, nếu sản phẩm xuất khẩu không được miễn các loại thuế gián thu ở nước xuất khẩu, thì sản phẩm đó phải chịu thuế 2 lần, cả ở nước xuất khẩu và nước nhập khẩu.
Tuy nhiên, GATT quy định sản phẩm xuất khẩu đó vẫn phải chịu các loại thuế trực thu, như thuế thu nhập và thuế lợi tức đánh vào các doanh nghiệp sản xuất. Hiệp định về trợ cấp và biện pháp đối kháng (SCM) quy định rằng việc "miễn thuế, giảm thuế hay nộp chậm các loại thuế trực thu hay phí phúc lợi xã hội liên quan tới sản phẩm xuất khẩu" đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu sẽ thuộc diện trợ cấp xuất khẩu bị cấm. Lý do kinh tế biện hộ cho luật này dựa trên giả thiết cho rằng gánh nặng thuế gián thu nói chung được chuyển vào sản phẩm và thể hiện ở bán sản phẩm đó, trong khi đó thuế trực thu không chuyển được và các nhà sản xuất phải gánh chịu.
2. Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu
GATT công nhận trong một số trướng hợp, các nước có thể sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Cũng như đối với hàng nhập khẩu, trong những trường hợp này các nước phải ưu tiên cho các biện pháp trên cơ sở giá cả. Do vậy, các điều luật này cho phép các nước sử dụng thuế xuất khẩu nhưng cấm áp đặt những hạn chế đối với hàng xuất khẩu, trừ khi những hạn chế này thuộc một trong số những ngọai lệ.
2.1 Thuế xuất khẩu:
Với mục đích tăng nguồn thu ngân sách, một số nước đang phát triển đánh thuế xuất khẩu. Ngày nay, các nước này đang giảm việc áp dụng lọai thuế này do những tác động tiêu cực của chúng đối với thương mại xuất khẩu.
Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề nguồn thu ngân sách, thuế xuất khẩu có thể được áp dụng nhằm đạt được một số mục tiêu chính sách khác. Ví dụ thuế xuất khẩu có thể được áp dụng tạm thời ngay sau khi phá giá đồng tiền nếu như giá xuất khẩu so với đồng ngoại tệ giảm không mang lại tăng trưởng xuất khẩu như mong muốn trong khi đem lại quá nhiều lợi ích cho các nhà xuất khẩu.
Các quốc gia xuất khẩu hàng hóa sơ cấp có thể đánh thuế nhằm cải thiện điều kiện thương mại. Các loại thuế này có thể được sử dụng để quản lý xuất khẩu nhằm tăng nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất trong nước hay quản lý việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước do những lý do về môi trường và sinh thái.
Một trong những lợi thế chính của thuế xuất khẩu so với hạn chế xuất khẩu là nó cung cấp thêm nguồn thu cho chính phủ. Chính phủ thường sử dụng nguồn thu này để trợ giúp các nhà sản xuất các sản phẩm và hàng hóa chịu thuế.
Nguyên tắc cơ bản của GATT - yêu cầu các nước mở rộng quy chế tối huệ quốc - áp dụng đối với cả thuế xuất khẩu và nhập khẩu (GATT 1994, điều 1.1). Nguyên tắc tối huệ quốc cũng áp dụng với:
• Phương pháp đánh các loại thuế trên.
• Tất cả các luật lệ và thủ tục liên quan đến việc xuất khẩu.
2.2 Hạn chế xuất khẩu
Các điều khoản của GATT về cấm hạn chế nhập khẩu cũng được áp dụng đối với xuất khẩu, tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp ngoại lệ. Do đó, một quốc gia có thể hạn chế hay cấm xuất khẩu nếu cần thiết để thực hiện tiêu chuẩn hay các quy tắc đối với việc phân loại, đánh giá hay tiếp tế hàng hóa trong thương mại quốc tế (GATT 1994, điều XI.2(b)); và ngăn ngừa hay giảm những thiếu hụt nghiêm trọng đối với thực phẩm và các sản phẩm thiết yếu khác
Ngoài ra, điều luật này không cho phép các nước áp dụng những hạn chế sau:
• Đối với nguyên liệu thô nhằm bảo vệ hay thúc đẩy tự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo trong nước.
• Để tránh sự cạnh tranh giữa các nhà xuất khẩu.
(Trích từ " Thương mại Việt Nam hội nhập quốc tế" của Bộ Thương mại)
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top