"Người Việt rất sính Tây!"
February 17, 2014 by Wingman
Bài viết này có thể chứa đựng ngôn từ rất không hoa mỹ, ngôn từ dịch, không phù hợp với trẻ em dưới vị thành niên và những bạn trẻ hay bị bức xúc, đặc biệt là với tiếng anh bồi.
Phần 1
Quãng thời gian đẹp nhất trong năm đối với tôi luôn là chuỗi ngày lễ Xmas-NewYear-Tet. Đây là lúc lịch hẹn luôn kín đặc những buổi tụ tập, hội ngộ, cuốn nhật kí xuất hiện mấy cái stickers đánh giấu những ngày bay đi bay về với Hà Nội, tâm trạng lúc nào cũng lâng lâng hớn hở và đầu óc chỉ duy nhất một sự hí hửng: Sắp được hưởng rét rồi!!!
Tuy nhiên, một cách đáng tiếc, đó cũng là quãng thời gian trôi nhanh nhất trong năm. Loáng một cái tôi đã lại thấy mình ngán ngẩm ngồi chỉnh điều hòa trong căn phòng 6 mét vuông, nhăn mặt lườm cái nắng 34 độ chói chang ngoài cửa sổ, nhấp tạm một ngụm nước đá cho có chút phấn chấn tinh thần và hì hục gõ lại những dòng suy nghĩ từ chuyến bay ngày hôm qua.
Sau xấp xỉ hai mươi mấy lần làm mới (refresh) cái công cụ lướt mạng (browser) rồi lẩm bẩm nguyền rủa đứa nào thiết kế ra cái trang "dịch vụ" mà hiệu quả đến như thế này, khó khăn lắm tôi mới hoàn tất được "quá trình" đăng kí thủ tục gửi hành lý và lấy vé lên máy bay (web check-in) của Vietnam Airlines và đặt cho mình một vị trí rất ổn: ghế cạnh lối đi (aisle seat), giữa máy bay và đủ xa cái nhà cầu (toilet) để đảm bảo một bầu không khí trong lành trong suốt chuyến bay. Và dĩ nhiên vì thế tôi đã rất bực mình khi chiễm chệ trong ghế ngồi của tôi là một bạn Tây cao, to, tóc xoăn màu nâu nhạt, mắt xanh, da ửng lên có lẽ vì rét, và đang ngoảnh đầu cười toe toét.
Vì những lần trước đây, nhiều bạn đọc cảm thấy rất ngứa ngáy khi tôi chép lại đoạn hội thoại một cách nguyên thể, nên năm mới năm me, tôi xin phép được dịch lại đàng hoàng cho cả làng cùng vui
Tôi: Ấy ơi ấy đang ngồi trong ghế tớ
Tây: Thế à? (gãi đầu gãi tai) Thôi thật ra thì.. ấy có phiền đổi chỗ cho tớ không?
Tôi: Sao mà ấy phải đổi chỗ??
Tây: Tớ bị sợ độ cao..
Tôi: Ghế của ấy ở đâu?
Tây: Ở đây này (chỉ ra cạnh cửa sổ), nhưng ngồi đây nhìn ra ngoài sợ lắm!
Bình thường chắc tôi cũng đổi thôi, nhưng nghĩ tới cái hai mươi lần làm mới công cụ lướt mạng kia, đẹp trai có thế này cũng vẫn chưa thấy bõ, nên tôi trả lời nhanh và nhẹ: "Xin lỗi tớ không thích ghế cạnh cửa sổ đâu".
Bạn Tây làm mặt buồn và lặng lẽ nhường lại chỗ.
Máy bay bắt đầu chuyển bánh. Tôi bình thản mở báo ra đọc. Một mẩu tin về bảo tàng nền văn minh châu Á của Sin đang bị kiện vì những hiện vật với nguồn gốc không rõ ràng..
"Hừ hừ hừ.." Chuỗi âm thanh lạ khiến tôi rời mắt khỏi tờ bào và nhìn sang bên cạnh, thoáng hồi hộp không biết tôi sẽ chuẩn bị nhìn thấy cảnh tượng gì. Bạn Tây đang ngồi lưng dựng thẳng đứng, tay siết chặt hai tay ghế, mồ hôi bắt đầu lăn thành dòng trên khuôn mặt và bờ môi khẽ mở với nhịp thở gấp gáp tạo thành những tiếng rên khó hiểu, bên cạnh hắn tấm che cửa sổ đã được kéo xuống từ bao giờ.
"Làm ơn mở tấm che cửa sổ lên, máy bay đang chuẩn bị cất cánh ạ" – em tiếp viên bậm bẹ nhắc nhở.
Bạn Tây quay ra với một ánh mắt trông như sắp mếu. Với cái bộ dạng ấy, tôi nghĩ nếu mình tiếp tục ngồi im bây giờ thì bản chất giống chó cái quá (bitchy). Chẹp miệng, tôi vẫy: "Thôi qua đây tớ đổi chỗ cho."
Và chúng tôi đã quen nhau như vậy. Bạn Tây người Chile, vừa kết thúc một kì nghỉ dài tại Hà Nội và đang trên đường chu du tới Úc. Tờ báo tôi nhặt lên lúc vừa lên máy bay bị vứt rúm ró một góc chẳng thèm động tới nữa. Cứ với mỗi cái "Ah!" (vỗ đùi), chúng tôi lại nảy ra một chủ để mới để bàn luận hay tranh cãi. Đứa trẻ con ngồi sau giật mình khóc thét khi tôi và bạn Tây đập tay vì vừa tìm được những điểm tương đồng.
Khi em tiếp viên rót xong trà, bạn Tây nhấp một ngụm sạch trơn rồi quay ra thủ thỉ
Tây: Ở Hà Nội trong suốt mấy tháng vừa rồi, tớ nhận ra là như thế này..
Tôi: Hmm?
Tây bĩu môi: Người Việt rất sính Tây!
Tôi nheo mày tỏ vẻ nghi ngờ, thì bạn Tây tương tiếp cho một câu:
Tây: Đừng giận, thực sự tớ thấy thế. Họ thích Tây một cách đáng buồn cười..
Rồi bạn Tây thao thao bất tuyệt kể lại cho tôi hàng loạt mẩu chuyện về sự thiên vị hắn đã nhận được trong khoảng thời gian sống tại Việt Nam, trong công việc, với gái gú, và cả những vấn đề tưởng như rất đỗi vô thưởng vô phạt nhưng vì là Tây nên hắn đã được đối xử một cách đặc biệt. Tôi nghĩ tôi đã nhăn mặt xuyên suốt lúc hắn mở miệng. Một phần tôi cảm thấy ưng ức khi nghe một người nước ngoài đánh đổng một cách tiêu cực vào "người Việt" như vậy, một mặt khác tôi lại chẳng thể phủ nhận những lời bạn Tây đang khẳng định kia là chính đáng. Tôi sực nhớ lại cái cảnh thằng Tây con, khi ấy học cùng lớp với tôi 11 năm trước, cười hô hố phán rằng "Tây bọn tao á, có đánh rắm bọn nó cũng hít hà khen thơm!" khi nói về bọn trong trường – sự đắc thắng của một đứa trẻ trâu khi nhận ra rằng chỉ đơn thuần với bề ngoài là Tây của nó, những đứa châu Á khác nếu không rụt rè e ngại thì sẽ xun xoe cụng phụng nó một cách rất vô điều kiện.
Vậy liệu người Việt mình có sính Tây?
Phần 2:
Bạn Tây khẳng định: "Người Việt rất sính Tây!"
Một trong những mục đích cho chuyến đi khá dài tới Việt Nam là một dự án mà bạn Tây đang tham gia, bạn thú nhận rằng nhiều lần trong những cuộc họp, do hôm trước chót dại quá chén mà chẳng chuẩn bị gì, nên ngày hôm sau hành trang duy nhất của bạn tới bàn họp là một tờ giấy nháp viết linh tinh trông cho nâng cao độ nguy hiểm, và một nụ cười quyến rũ đầy thiện cảm. Và khi cuộc họp đã bắt đầu, nếu may mắn bạn ấy có thể thoát qua trót lọt với vài cái gật gù qua loa "Tôi đồng ý". Nhưng hôm thiếu may mắn hơn một chút mà bị sếp sờ gáy, hoặc là bạn Tây có một khả năng tung hỏa mù phi thường, khiến cho người nghe muốn nuốt tươi nuốt sống từng lời mây gió của bạn, hoặc là vì một niềm ngẫu nhiên nào đấy bất cứ "ý kiến" nào bạn nêu ra cũng sẽ được sếp lớn vỗ đùi tán thưởng là "Rất hay! Rất xuất sắc! Rất sáng tạo!".
Dịp hè vừa rồi vào một trong những buổi tối ngà ngà ở Barbetta 2 (tôi tiếc ngẩn người khi nghe tin nơi này đã đóng cửa :C ), Khánh đang quay mòng xoay vòng với một em Tóc Vàng, Khúc vị trí không xác định được (position unknown), và tôi duyên dáng trong vai trò winglady, đứng nói chuyện với người yêu em Tóc Vàng: anh Tóc Xoăn. Trong mỗi một buổi đi "giao lưu" như thế này trung bình số nhân vật tôi cụng ly và bắt tay là 5 – 7, vì vậy những chi tiết như tên tuổi địa chỉ miền đất xuất thân, bộ não của tôi sẽ tự động sàng lọc qua ngăn hãy-cười-tươi-và-gật-gù-nhưng-không-cần-thiết-phải-lưu-tâm. Kí ức về anh Tóc Xoăn, tôi chỉ nhớ được anh đeo một chiếc khuyên tai màu green rất độc mà đã khiến tôi rú lên một cách thích thú khi phát hiện ra, và câu chuyện cuộc phỏng vấn 3' anh chia sẻ với tôi.
Gần giống như bạn Tây, họ chu du theo hình thức tới một nước, tìm một công việc tạm thời trong vòng vài tháng để sống và cảm nhận được những màu sắc mộc mạc nhất của đất nước đó, và rồi lại xách vali lên và bay. Với lợi thế của người bản xứ và một tấm cert hành nghề sau khóa học 200 đô trên mạng, anh Tóc Xoăn đăng kí vào một trung tâm dạy tiếng Anh. Mặc dù đã tự trang bị bản thân với một tinh thần bất khuất sẵn sàng đối đầu với những câu hỏi chọc ngoáy hiểm hóc, tuy nhiên mọi việc diễn ra hoàn toàn không như kỳ vọng. Sau 2 phút chờ đợi, 3 câu hỏi đã được đặt ra:
1. Bạn ở đây trong bao lâu?
2. Bạn có thoải mái làm việc với trẻ con không?
3. Khi nào bạn có thể bắt đầu được?
Và đó, là cuộc phỏng vấn 3' 3 câu hỏi của anh Tóc Xoăn. Anh đã chốt được một công việc với số lương không tồi một ngon lành mà trên mảnh đất Việt Nam khi chỉ có thể bậm bẹ được "Xin chào", "Cám ơn" và "Phở", trong khi tôi khá chắc chắn rằng nếu chúng ta hỏi về trải nghiệm tìm việc của những sinh viên đại học ngoại ngữ nước ta, có trong tay những tấm bằng cử nhân chất lượng và hoàn toàn thông thạo cả hai ngôn ngữ để có thể giảng và dạy, đó sẽ là một câu chuyện rất khác. Không phủ nhận rằng số lượng người Việt nói với ngữ điệu chuẩn (Anh, Mỹ, Úc hay thậm chí Canada) chưa phải là nhiều, nhưng họ hoàn toàn tồn tại. Và tôi còn chưa muốn nhắc tới phạm trù ngữ pháp và khả năng viết luận. Nếu bạn có thể đọc được những essay viết bởi sinh viên việt nam mà tôi đã từng được đọc, bạn sẽ rất ngạc nhiên đấy.
Đấy là lí do vì sao tôi rất thích chương "Cái kiêu gượng của tiếng Anh mẹ đẻ" trong cuốn sách của anh Joe Dâu Tây. Tiếng nước tôi, tôi có quyền! Tuy nhiên ngược lý ở một chỗ là, mặc dù thiên vị người bản xứ trong lĩnh vực ngôn ngữ như thế, bất cứ cái ad tìm giáo viên dạy tiếng nào trên mạng, trên báo thường đều đi kèm một dòng chữ nho nhỏ, xinh xinh "Yêu cầu người bản xứ", vậy mà cái tiêu chuẩn khắt khe này lại không được áp dụng theo chiều ngược lại. Tôi rất yêu quí Joe bởi sự hóm hỉnh tuy giản dị nhưng mang nhiều hàm ý của anh. Khi biết thông tin anh ra sách và nghe được những lời review mượt mà, nức nở, tôi đã hết sức phấn chấn mong chờ. Khác với cảm giác thích thú lúc đọc những dòng status ngắn ngắn bằng ngôn từ ngộ nghĩnh của anh, khi đó là cả một quyển sách với nhiều chương, nhiều phần, nhiều cảm xúc tư tưởng muốn gửi gắm truyền đạt tới người đọc, những ngôn từ kia bỗng chốc trở nên không mấy ngộ nghĩnh cho lắm nữa, trái lại, chúng lủng củng và rất khó nắm bắt. Anh ấy là Tây, nói được, viết được như thế là giỏi lắm rồi, đừng có bới móc! – họ bênh vực. Và tôi hoàn toàn đồng ý! - nếu như đây là một blog cá nhân và không phải là một cuốn sách xuất bản.
Họ hoan nghênh. Họ ủng hộ. Họ đổ xô đi mua sách. Tôi chau mày ghen tỵ với anh Joe. Ước gì cái sự ngô nghê trong ngôn ngữ ấy của tôi thuở mới chân ướt chân ráo sang nước ngoài cũng đã được cảm thông như thế! Thay vào những dấu bút đỏ choe đỏ choét khắp assignment có lẽ đã là lời nhận xét "Cách viết bài của em thật đáng yêu! <3", một cái sticker con gấu, và thậm chí cả điểm bonus từ cô giáo tới em học sinh Việt cho những nỗ lực và cố gắng. Hay như Hari Won, bạn gái người Hàn Quốc xinh xắn, dễ thương với cái giọng lơ lớ thu hút hàng trăm hàng nghìn dòng phấn kích "HARI UNNIE SO KIUUUUUUU!!!!! XXOOABCVARATNHIEUNHUNGKITUKHAC#@*&^$%!" trong mỗi video bạn xuất hiện trên Youtube. Ước gì cái thuở non choẹt ấy khi tôi audition cho một vở kịch trong trường, bà đạo diễn cũng đã nghĩ tôi "so kiuuuuuu" thay vì vỗ vai an ủi "Em diễn rất tốt, nhưng phát âm chưa chuẩn nên tôi không thể giao cho em vai này". Và ước gì những bạn sinh viên nước mình khi tới các công ty nước ngoài phỏng vấn việc với một tấm bằng chất lượng, có thể gãi đầu gãi tai cười duyên và thỏ thẻ rằng "Các anh thông cảm tiếng Anh/Pháp/Lào/Campuchia của em chưa sõi nhưng anh yên tâm em huơ chân múa tay một hồi anh chắc chắn sẽ hiểu!", và ghi được cho mình một công việc nuột nà như anh Tóc Xoăn tôi đã gặp.
Khổ nỗi, cái tư tưởng của bọn Tây lại cứ như đinh đóng cột: mày sang nước tao, mày muốn kiếm tiền ở nước tao, cướp công việc của dân tao, thì mày better là thằng giỏi nhất trong số những thằng cầm hồ sơ ở đây!
Tôi ủ rũ tự hỏi vì sao các bạn Tây không được giàu lòng đồng cảm với người khác chủng tộc như nước mình.
Các bạn Tây sang nước mình chẳng bạn nào chịu đội mũ bảo hiểm. Các chú công an bình thường xông phi bắt mũ ảo như ninja nhưng thấy các bạn ấy thì lại phẩy tay "Thôi Tây mà bắt nó làm gì." Đi ăn bún ngan ở Phùng Hưng (btw các bạn thực sự nên thử, quán này ngon bất thường!), có tầm 5, 6 bàn đang chống đũa ngồi chờ, hai bạn Tây bước vào xì xồ chỉ chỏ một hồi, chị chủ quán hét ngân vang phố "Con ơi bê ra cho Tây trước này con!!". Hồi hè đi một cái pool party có anh DJ đứng cạnh một bạn Tây gầy gầy (hình như là bạn ý nổi tiếng), tới giữa tiệc không rõ là do nhạc, do rượu hay do vẻ ngạt ngào của cỏ cây hoa lá mà bạn ấy phấn chấn rap rất to trên nền beat xập xình, tay không quên chỉ thẳng vào mặt khán giả rất đúng nhịp (xin lỗi các bạn đọc!): "ĐỊT. MẸ. MÀY!!! ĐỊT. MẸ. CHÚNG-MÀY!!!" Các bạn trẻ vỡ òa trong tiếng hò reo sảng khoái "ô kìa bạn Tây nói tiếng Việt!!!", rồi quẩy tưng bừng hơn như một cách bày tỏ lòng cảm kích vì bạn đã bỏ công học tiếng nước tôi.
Anh Tóc Xoăn kết luận: Dân Việt yếu ngoại ngữ, nên vớ được thằng Tây nói tiếng Việt là khoái lắm!
Và có một điều phần lớn những người bạn nước ngoài của tôi đều nhất trí – Vietnamese girls are very """nice and outgoing""", to us. Chắc chắn hai, ba khổ text lan man nữa sẽ làm cho các bạn ngáp ruồi, và vớ vẩn ngủ gật! Vì thế tôi muốn mời các bạn, vào một buổi tối đẹp trời, hãy tìm tới những quán bar, quán pub, bắt chuyện với những bạn trai Tây (bro talk nhé!), hỏi bọn họ về con gái Việt, và tự tìm ra lời giải đáp cho riêng mình.
Với lợi thế được tiếp cận với những nước phát triển, những nước châu Âu, châu Mỹ của một thế giới hội nhập, việc đánh giá cao và học hỏi những nét văn minh từ nước bạn là điều rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên đừng vì thế mà trong bất cứ giây phút nào có ý nghĩ thu mình và tự ti (inferior and submissive) trước những con người ngoại quốc. Đừng để bản thân bị choáng ngợp bởi những cái hào nhoáng nhất thời vô căn cứ, đặc biệt là khi nó chỉ đơn thuần là vẻ bề ngoài của một cá thể. Là một người Việt, hãy tự hào về điều đó, và hãy khiến cho những người Việt khác muốn tự hào về điều đó.
Tôi mong chờ một ngày khi câu chuyện "người Việt" với một bạn Tây sẽ không còn khiến tôi phải nhăn mặt và ấm ức vì khó có thể phủ nhận những gì mình nghe được.
-Kat.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top