When till Last Day
Tiếng gọi của Phượng chìm lỉm vào tiếng xe máy, Thực sang số bươn ra cổng. Thế là hỏng ý định sau bữa cơm vợ chồng nói chuyện với nhau.
Có lẽ nào Thực đi rủ bạn ăn mừng "chiến công"! Dám lắm! Bằng cớ là màu vẻ cái mặt và cụm lời "anh đi nhé" ném lại. Phượng buông dây gầu nước, xô mâm bát vào góc sân giếng, thây kệ.
Phượng vào buồng gài chặt then cửa. Ấm ức xô cô ngã sấp xuống giường. Phượng úp mặt xuống gối, òa khóc. Bấy nay, bằng kinh nghiệm con gái Phượng tin rằng nước mắt và tiếng khóc là người bạn chân thành an ủi, chia sẻ những nỗi niềm.
Nhưng cô đã hoài công vin dựa. Lúc này đây nước mắt và tiếng khóc bảo nhau "bội tình" gọi về buổi chiều, hắt Phượng ra ngã ba làng, quyết bắt cô làm nhân chứng số một cuộc cá cược bẩn thỉu, vô luân...
Buổi chiều, Phượng cuốc vườn chuẩn bị gieo lứa cải thu. Chợt bên nhà hàng xóm vống sang những tiếng cười. Rồi vợ ông chủ tịch, mấy bà nạ dòng nhảo ra sát bờ giậu, tay vẫy, miệng la: "Phượng... này cô Phượng...". Phượng buông cuốc nhao lại.
- Chào thím với các bá. Có chuyện gì thế ạ!
Vợ chủ tịch cười tít mắt:
- Mau bắt gà thịt khao chị em tao đi...
Mụ Bao cướp lời, liến thoắng:
- Khao to vào. Chồng mày ăn đứt con lợn rẻo của lão Cầu rồi. Cũng nhờ hơi may tháng trước nó theo chúng ta đi lễ đền Bà chứ không thì chết cú cược bạc triệu.
Cả đám cười rũ ra. Phượng gặng hỏi, gạn trong những tiếng cười chanh chách, xoen xoét ra đầu đuôi câu chuyện: Thực đi họp về đến ngã ba đúng lúc mấy thanh niên đang quây lão Cầu và con lợn rẻo. Cuộc cá cược chưa ngã ngũ. Thực chêm vài câu bông phèng. Mấy cậu quay ra vây lấy Thực van nài: "Phi anh không ai dám chơi với lão...". "Xin Thực tiên sinh dạy cho lão bầu điếm đực bài học...".
Thực ngắm con lợn rẻo, chìa bàn tay cho lão Cầu: "Tôi chơi! Nhường chú ra cược trước". Lão Cầu từ chối thế nào mấy thanh niên cũng không nghe, sừng sộ chỉ người chỉ lợn cảnh cáo trước trò "trút non".
Lão Cầu đành đập bàn tay lên trên bàn tay Thực: "Rẻo này một giờ sáu lượt ngon ơ. Dưới mức ấy tôi mất không con rẻo". Thực: "Không dùng thuốc kích thích ngữ này cố chết bốn lượt một giờ. Trên mức ấy tôi chịu mất một triệu. Thêm hai trăm nghìn thưởng riêng con rẻo".
Vợ chủ tịch dẩu môi chen lời mụ Xuyên:
- Chính thằng Long nhà tôi đi mượn con nái nhà lão Tiếu chứ ai. Được ba nhát, con nái đang bốc, háng bành, móm dũi. Con rẻo thì rũ xuống. Lão Cầu hò hét cu cậu vẫn rụt tít. Chú Thực chơi đẹp, cho lão đặt con rẻo lên lưng nái, dùng tay xoa kích. Vẫn chẳng nước non gì.
Suýt nữa Phượng nhổ bọt qua bờ giậu cao ngang ngực. Phượng giả vờ đi khéo cổng vườn trốn khéo các mụ. Thực về, xe máy kéo dây buộc cổ con lợn rẻo.
Cả khi ấy Phượng vẫn nghĩ chuyện cá cược chỉ là trò đùa, Thực muốn cho lão Cầu một vố bẽ mặt. Từ lâu giữa hai người có mối hiềm khích nghề nghiệp.
Thực là Trưởng ban Thú y xã, bằng trung cấp. Lão Cầu có nghề lợn rẻo gia truyền. Cuộc cạnh tranh nghề nghiệp âm thầm, quyết liệt, bất phân thắng bại.
Có một lần Thực suýt cho lão Cầu "đo ván". Hợp tác xã chủ trương ngoại hóa đàn lợn. Ban quản lý mời lão Cầu ra thông báo chủ trương chung. Lão Cầu thủng thẳng: "Cầu em nhiệt liệt tán thành các loại chủ trương nghị quyết. Có phải bán thổ vì sự nghiệp lợn hóa em cũng vui như Tết. Nhưng làng ta ruộng ít, lúa ít, bấy nay sống nhờ con lợn Móng Cái thuần Việt Nam ta. Dân thích giống nào em chiều của ấy ạ...". Lão Cầu già lời tếu táo là nhờ bóng uy ông anh cán bộ Huyện ủy. Chuyện ấy trở thành giai thoại như một cú "kê" Thực.
Con lợn rẻo gầm gừ chũi nát gốc bưởi. Phượng huơ cuốc đe, nó chồm chồm hồng hộc phát khiếp. Phượng chạy vào nhà bảo chồng đang ngồi xem băng phim chưởng:
- Anh đem trả con lợn đi. Nó chũi hỏng cây bưởi mất thôi.
Thực thản nhiên:
- Trả là thế nào! Của chúng mình đấy. Lát nữa em nấu thêm cám nhé.
Phượng vẫn cho là Thực cố tình đùa dai. Ấm ức, Phượng dồn sức xuống tay cuốc. Vẫn không sao gạt đi được những điều không thiết nghĩ. Trò đùa này sẽ chấm dứt vào lúc nào? Chắc là Thực chờ vợ con ông chú họ sang khóc lóc van xin mới chịu thôi.
Phượng bắt đầu thấy rõ hơn một "thuật" sống của chồng. Việc lớn việc nhỏ, ngay cả trong trò chơi Thực cũng mẹo mực, xoay xở, tính toán kỳ được hơn người. Phải đó là tính cách đàn ông?
Sau những chặp gà gáy Phượng thức giấc. Thực đã dậy từ lúc nào, đứng góc sân ngắm con lợn rẻo. Vẫn ở trong nhà Phượng cảm thấy không khí oi oi báo trước một ngày thu trái tiết.
Giấc ngủ cố không đủ giúp cô bớt mệt mỏi sau một đêm dữ dằn "kép". Dữ dằn vọng ảnh trò cá cược. Dữ dằn bàn tay lột bỏ quần áo, sục sạo cái miệng sặc mùi bia rượu hành tỏi dụi day những vùng kín nhớp nóng...
Đi qua gương chợt gặp bóng mình Phượng sững mặt lại. Phượng trừng mắt với bóng mình. Gương mặt kia, đôi mắt, màu da, mái tóc... Phải đó là con bé Phượng chưa đầy tuổi hăm hai?
- Phượng ơi. Hộ anh một tay nào.
Tiếng gọi kéo Phượng thoát khỏi bóng mình. Góc sân, Thực giơ cao lọ thủy tinh, tay kia xoa bóp vùng háng con lợn rẻo.
- Nó lạ chủ khó bảo. Em hứng lọ để anh kích ép. Sáng nay đi nhận thuốc, nhân tiện anh tạt vào trại giống gửi mẫu nhờ xét nghiệm.
Phượng quay mặt đi ghê tởm.
- Không.
- Không cái gì. Em buồn cười thật. Nào, nhanh thôi.
- Không.
Phượng chạy lên sân giếng. Cô vã nước lên mặt. Những vốc nước liên tục chỉ làm mờ đi một chút cảnh tượng đang diễn ra cách vài bước chân. Thực ngồi quỳ bên con lợn rẻo hứng tay bóp. Con lợn rẻo hai mắt lim dim toàn thân rùng rớn hưng phấn. Thực đứng lên, giơ cái lọ đầy chất nhầy trắng, nheo mắt ngắm nghía. Thực cười thỏa mãn. Phượng thấy buồn nôn.
Cả buổi sáng Phượng lơ ngơ đụng việc gì cũng chán. Cô không biết bấu víu vào đâu để cự lại sức hành của trò cá cược, của việc sáng nay. Cuộc cá cược vô luân bẩn thỉu nhưng không hẳn là cá biệt.
Làng đầy rẫy những trò cá cược hoặc công khai hoặc ngấm ngầm. Trận bóng đá, trận chọi gà, chọi trâu, kẻ thắng thua trong cuộc đấu đá quyền lực, cô kia đẻ con gái hay trai...
Cả những điều thiêng liêng cao quý cũng trở thành đối tượng cá cược. Thắng thua có khi là bữa rượu, có khi bạc triệu. Sự việc không mấy khi dừng lại sau khi ngã ngũ. Làm sao đây? Làm sao bây giờ?
Gần trưa Phượng mới nghĩ được cách để lương tâm bớt cắn rứt. Vài năm làm vợ Phượng học được của chồng ít nhiều cách "làm vợ" che giấu ý đồ. Thực về, cô chạy ra đón.
- Sao lâu thế anh? Kết quả thế nào ạ.
Thực vui vẻ:
- Qua xóm Giữa, lão Vích ới có con sề đang ngấy. Anh cho liều con rẻo. Coi như ăn không bình xăng. Chiều lấy liều khác đi thử.
Buổi trưa, Phượng sốt sắng phụ việc với chồng. Đang chuẩn bị dụng cụ Phượng làm như sực nhớ:
- Sáng nay bà Bao sang rào đón việc lão Cầu muốn chuộc lại con đực giống.
Thực đủng đỉnh luồn cái lọ thủy tinh vào háng con rẻo.
- Để rồi xem. Nếu lão chịu một ăn ba thì xong. Bằng không, anh "phong bì" cho thằng trưởng trại giống, đưa con rẻo vào danh sách giống chuẩn. Khoản đầu tư khá lắm...
Khác hẳn buổi sáng, lần này Thực như cố tình kéo dài công việc. Thực nhắc đi nhắc lại mỗi việc phải đặt lọ như thế nào, xoa kích như thế nào cho đúng lúc đúng chỗ. Thực tủm tỉm giải thích về chất lượng tinh dịch, cách phóng tinh nhân tạo...
Phượng cảm giác bị xúc phạm, khiêu khích. Vẻ thản nhiên, những lời nói tưởng như thuần nghề nghiệp kia phải chăng nguyên khai từ những ý nghĩ bẩn thỉu. Phượng mơ hồ nhận ra con người thật của chồng.
Thực đi lúc một giờ, mười phút sau Phượng đi tắt cánh đồng ra nhà lão Cầu.
Lão đang phát giậu, vui vẻ đón Phượng.
- Rỗi rãi đi chơi hả cháu. Vào nhà uống với chú thím chén nước nhạt. Vào đi.
Vợ lão Cầu đang thái bèo bỏ đấy nhảo về. Vào nhà, Phượng đặt gói chiếc nhẫn chỉ rưỡi lên mặt bàn.
- Chuyện đã rồi, chú thím đừng chấp chồng cháu. Cháu gửi chú thím một món góp thêm chuộc lại con giống.
Lão Cầu đẩy gói nhẫn ra góc bàn.
- Cháu khỏi bận tâm. Đã chơi với nhau thua thắng là lẽ thường.
- Vâng. Nhưng còn thím với các em. Còn việc làm ăn, chú không thể mất bạc triệu vì cái trò vớ vẩn ấy. Người trong họ với nhau nỡ nào chú thím để vợ chồng cháu không dám ra đường.
- Người trong họ càng phải nhất ngôn. Lèm nhèm tiểu nhân, có việc họ còn mặt mũi nào ngồi chiếu trên sai bảo con cháu.
Vợ lão Cầu từ nãy im lặng, cầm gói nhẫn đặt vào tay Phượng:
- Thím cháu mình thừa hơi can dự vào việc đàn ông. Kệ xác họ. Thím biết đây là nhẫn cưới, cháu giấu chồng. Chớ dại làm thế. Vỡ lở ra vợ chồng ầm ĩ, chú thím mang tiếng cả đời.
Phượng ra về, tâm trạng phấp phỏng không yên bề nào. Vợ chồng lão Cầu thực lòng êm chuyện hay khôn khéo che đậy những mưu mô. Dân làng Bạt, trăm người như một họ thản nhiên trước những thù hận thua thiệt bởi một lẽ đơn giản là sớm muộn họ sẽ "nói chuyện tử tế" với kẻ gieo thù và đòi lại bằng đủ những gì bị giành giật. Cách "nói chuyện", cách "đòi công bằng" mỗi ngày một bài bản, tinh vi đến không dám tin đó là sự thật bùng ra từ đầu óc, bàn tay con người.
Vợ chồng lão Cầu ngoại trừ những mánh lới xoay xở vì miếng cơm manh áo như tất thảy cộng đồng sau lũy tre làng, họ được tiếng là biết ăn biết ở. Phượng bấu víu vào điều ấy như kẻ đắm tàu vớ được tấm ván. Nhưng biển bao la và sóng dữ dằn. Rồi sẽ ra sao? Có dư luận lão Cầu cố tình thua cược...
Thực đã về từ trước đang xếp thuốc vào tủ. Góc sân con rẻo đứng chân cào mõm hộc. Phượng căm hờn nhìn "chiến lợi phẩm" của chồng. Cách chi đánh đổi để được cú thúc con vật kia ra khỏi cổng. Cách chi.
- Phượng ơi. Vào anh bảo cái này.
Phượng miễn cưỡng vào nhà như vào nơi xa lạ buộc phải giáp mặt người không muốn gặp.
Thực quay ra, tay cầm cái lọ trắng. Lão trưởng trạm nhận phong bì rồi gật bảo ngày mai đưa con rẻo nhập trại. Anh tranh thủ lấy lọ tinh giữ lạnh, đỡ món phong bì. Sáng mai lấy cố dăm liều nữa.
Phượng cố để khỏi thét lên vì ghê tởm.
- Anh Thực này.
- Gì thế em.
- Em xin anh trả lão Cầu con lợn. Nhà chú thím bảy miệng ăn trông cậy vào nó. Anh cho lão bài học như thế quá đủ rồi.
-Em buồn cười thật. Giả như lão thắng thì có tha gì anh. Thiếu một đồng tiền cược lại chẳng kéo đoàn đến nhà tróc cho bằng đủ. Đã máu chơi thì chết phải chịu.
- Không thể như vậy được. Nếu anh với lão là người thiên hạ. Nếu anh không được học hành thì thôi đành. Đằng này anh lợi dụng kiến thức sách vở ăn hiếp người thân. Người tử tế không chơi trò bẩn thỉu như thế.
- Bẩn thỉu hả - Thực cười gằn, mặt tái đi, cố ý đánh rơi lọ thủy tinh xuống nền nhà. Chất nhầy trắng vung vãi xộc mùi tanh tưởi.
- Bẩn thỉu lắm hả. Vậy mà cô nhàn nhã sung sướng nhất làng nhờ cái bẩn thỉu ấy đấy. Còn cái này - Rất nhanh Thực mở túi ném lên mặt bàn chiếc hộp đựng nhẫn cưới. Cô mở ra xem. Cái trò này thì sạch sẽ chứ.
Phượng run lên trừng mắt xói vào chồng. Tiếng thét tắc ứ trong lồng ngực. Phượng lao ra khỏi nhà.
Ngày đang hết.
Trời sâm sẩm tối. Trước mắt Phượng lúc này là rặng cây phi lao trồng bao bờ đầm cá. Khi chạy ra đến ngõ Phượng thong thả về cuối xóm, chủ định rẽvào nhà đứa bạn. Vậy mà ra đây. Phượng đứng tựa gốc cây băn khoăn không hiểu vì sao.
Từ chỗ này chỉ dăm chục bước là đến ngôi nhà nhỏ khuất dưới vòm cây vọng cách. Ngôi nhà sáng đèn. Phượng nghe rõ riếng ho thủng thẳng của lão Tề. Lão là người họ nội mẹ Phượng. Năm kia lão bán nhà lên thành phố với con trai. Chưa đầy năm lão lếch thếch về làng ở với bố mẹ Phượng. Rồi "người ấy" mời lão ra phụ việc trông coi đầm cá.
Lão là một trong số ít người biết rõ tình cảm giữa Phượng và Tám. Khi bên ấy chọn ngày rấp ngõ lão gọi Phượng ra căn vặn: "Cháu đã suy nghĩ kỹ lưỡng chưa? Thực là người đàn ông khác thường lắm...".
Ngày ấy Phượng thoáng khó chịu với lão. Xóm làng bạn bè ai cũng khen Phượng tốt số. Thực khỏe mạnh, đẹp trai có nghề đang phát tài. Quả Thực có điểm khác trang lứa. Hai mươi lăm tuổi đã biết xin đất làm nhà, tạo dựng cơ ngơi, sắm sanh tiện nghi. Đường hoàng như chủ gia đình rồi mới tìm bạn đời, Phượng biết mình không được là người thứ nhất.
Cánh cửa rộng mở ngay sau tiếng gọi. Lão Tề xách đèn bão đứng giữa cửa. Phải chăng lão đã biết Phượng đứng cả giờ bên gốc cây. Phượng bối rối.
- Ông... Cháu vừa cãi nhau với... Ông đừng đuổi cháu nhé.
Lão Tề khẽ lắc đầu.
- Đừng nói vớ vẩn, vào nhà đi. Sáng nay lão Cầu đi thăm lúa tạt vào chơi. Ông với thằng Tám biết rồi.
Lão Tề thu xếp chiếc giường cho Phượng rồi xách đèn xuống con thuyền nhỏ đậu trước cửa nhà. Phượng nằm xo ro trên giường. Ngoài kia, tiếng gió lao xao bờ cây, tiếng sóng vỗ bờ đầm...
Ngọn đèn trên mui thuyền hắt quầng sáng vàng xuống mặt đầm đang sáng lên theo ánh trăng muộn. Gương mặt Thực thoáng hiện rồi mất hút. Ẫm ức, buồn tủi dần cô kết vào góc khuất tâm tưởng.
Lâu rồi Phượng mới có một đêm một mình thế này. Ấm áp và bình yên. Phượng mơ hồ cảm thấy ký ức tuổi mười lăm... mười chín... và xa nữa... từng mảng... từng mảng nấp trong tiếng sóng tiếng gió, nấp trong bờ cây chơi trò trốn tìm với Phượng - đàn bà hai mươi hai tuổi thiếu.
... Ngày xưa nơi đây là đầm hoang. Đầm nông nước, ít cá nhưng tép đồng nhiều vô kể. Đầm hoang là "vùng mỏ quý" cho lũ trẻ làng Bạt ghé vai đỡ cảnh nhà nghèo.
Vài chục chiếc vó vải xô, bát cám rang, cây gậy tre, cái rổ là đồ nghề "khai thác". Con tép đồng bé bỏng đem về từng lưng bơ gạo, cuốn sách, tấm áo... Còn làm nên thứ mắm đỏ như son thơm nhức mũi nổi tiếng khắp vùng.
... Ngày ấy Phượng là cô bé nhút nhát ngơ ngác. Đi cất vó Phượng hay bị bắt nạt, mất đồ nghề, bị đẩy ra quãng bờ gần bãi tha ma. Một lần Phượng là nguyên nhân cuộc ẩu đả. Đằng bắt nạt, đằng bênh vực cùng tòm xuống, no nước đầm hoang.
Sau lần ấy Phượng và Tám trở thành đôi bạn thân. Ngày nào đi cất vó hai đứa cũng chờ nhau ở cây bàng đầu lối. Bao giờ Tám cũng dành cho Phượng quãng bờ ngon. Thường là hai đứa cất vó chung...
Qua mỗi mùa cất vó lũ trẻ vụt lớn lên. Học lên cấp ba Phượng thôi cất vó. Tám nghỉ học làm anh thợ cày. Những cuộc gặp gỡ thưa dần, có gặp cũng chóng vánh, chỉ là những câu chuyện vu vơ.
Rồi một ngày kia cô nữ sinh ngỡ ngàng, cảm giác chàng hoàng tử trong chuyện cổ tích bỗng bước ra đời thực. Tám trút bỏ đâu mất dáng vẻ thô vụng, nhan nhát, lầm lỳ. Trước mắt Phượng là chàng trai khôi ngô, tràn trề sức mạnh, ánh mắt tự tin và quyến rũ. Người trai ấy ngày mai đi lính.
... Bẵng đi mấy tháng Phượng không hồi âm thư người lính đảo. Bởi vì cô không đạt ước mơ vào đại học. Bởi vì có người trai hào hoa vào ngõ. Những lần gặp gỡ, những chuyến đi biển...
Những dự định về cuộc sống của chàng trai con nhà giàu... Từng chút gió góp thành cơn lốc. Phượng cuốn theo chấp nhận tình yêu của Thực. Và đám cưới... Để rồi thỉnh thoảng cô vợ trẻ giấu chồng ngồi với những lá thư của người lính đảo. Lời thư chân thành như con người anh vậy...
... Phượng thức giấc, nghe văng vẳng có tiếng gọi. Không có ai gọi cô. Đó là thói quen cất giấc để bắt đầu công việc một ngày. Trời đang ra sáng. Đằng đông ráng trời hồng báo trước ngày nắng đẹp. Con thuyền nhỏ vừa lượn một vòng quanh đầm đang trở về. Người cầm chèo là Tám. Lão Tề bảo Tám có việc về quê ngoại. Hôm trước đám bạn gái cũng nói với Phượng như thế. Tám về bao giờ? Ra đầm lúc nào?
Con thuyền áp bờ. Tám gác mái chèo, vẫn đứng trên khoang lái.
- Chào Phượng.
- Anh Tám... Phượng bối rối thụt hẳn vào sau khung cửa.
Lão Tề nhảy lên bờ oang oang:
- Cậu chủ ra sớm, khao ông cháu ta bánh ngô đặc sản quê ngoại. Cô dọn mâm cậu bày bánh. Nhanh lên cô cậu. Lát nữa thế nào ông thú y cũng mò ra. Lão Tề uốn lưỡi nhấn mạnh tiếng "thú".
Quả nhiên Thực phóng xe máy ra, kít xịch trước cửa nhà. Phượng đã rửa bát xong còn ngồi trong khoang thuyền. Tám ngồi trong nhà với lão Tề, gọi ra:
-Thực ơi. Vào đây đã. Ông Tề có chè ngon lắm. Vào đây.
Thực vẫn đứng cầm tay lái xe máy.
- Mình đang vội. Đêm qua Phượng ngủ ở đây phải không?
Tám bước ra đứng né bên khung cửa:
- Ừ. Cô ấy ở dưới thuyền ấy.
Thực hậm hực:
- Mình đoán không sai mà. Nhờ cậu nói với cô ấy, nhà đã thay khóa. Va li đồ của cô ấy ở chái bếp. Thế nhé. Chào nhé.
Thực phắt quay xe rú ga vù đi. Bụi lầm lên. Lúc Thực ra, Phượng nghĩ Thực sẽ vào nhà uống nước, sẽ xuống thuyền. Lúc Thực quay xe, có cái gì đó rất lạ không cho Phượng cất tiếng gọi, cũng không cho Phượng bước lên bờ. Nhưng lại có một cái gì lạ khác bắt Phượng nhìn theo. Những mảng bụi loãng ra để lồ lộ dáng người cúi gằm trên xe máy, lồ lộ con lợn rẻo chồm chồm... Nước mắt Phượng ứa ra.
Phượng lau khô nước mắt lên bờ. Tám đã quảy quang gánh đi được một quãng. Lão Tề cầm liềm cắt cỏ đứng trước cửa nhìn xa xăm. Phượng chưa đủ sức hiểu lời ánh mắt người già.
Đằng kia, Tám dừng lại với cây bàng đầu lối. Tám ngước lên như tìm kiếm cái gì đó trên vòm cây lá đỏ lá xanh. Thoắt ào về trong tâm tưởng một buổi chiều... những buổi chiều... Phượng bước lại trước mặt lão Tề.
- Ông cho cháu đi cắt cỏ nhé. Lâu lắm rồi cháu không được đi cắt cỏ bãi.
Lão Tề "hừm hừm" giọng vẻ bực dọc. Phượng cúi đầu chờ lão mắng mỏ. Nhưng không, lão thở dài, đưa chiếc liềm cho Phượng, nhẹ nhàng mà dứt khoát:
- Thằng Tám suốt ngày quần quật. Thâu đêm đọc sách, viết lách. Cháu đi với nó, cắt đủ cỏ bữa trưa cho đàn cá nuôi vỗ. Rồi nghỉ. Rồi đi với ông về mang đồ về nhà đẻ. Ông sẽ đỡ cho cách giãi bày. Đi đi.
Phượng thấy ngực mình đau nhói, vừa phấp phỏng một điều gì. Hình như tâm tưởng vẳng lên tiếng gọi. Phượng cầm liềm đi về phía cây bàng sắp mùa thay lá.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top