1. Cơm nắm lá Kim.

Đến tuổi này rồi, nếu không có trí tưởng tượng thì thật sự chẳng có gì để kể về ngày dài tháng rộng đâu. Tôi đã nghĩ vậy ở sinh nhật thứ ba mươi năm ngoái của mình. Nhiều người nghĩ rằng phụ nữ hẳn phải khủng hoảng hay khẩn cấp lắm khi tuổi đến tam tuần nhưng tôi chỉ nghĩ như thế. Cuộc sống an bình, dễ chịu, đầy đủ trải nghiệm này.

Ít ra thì trong suốt tám năm giảng dạy và làm việc ở học viện, tôi luôn chắc mẩm là vậy.

'Cô Seungwan, cô chuẩn bị sẵn sàng hết cả rồi chứ?'

Hiệu phó Ashburn, hơn năm mươi tuổi, vừa làm công tác giám hiệu, nghiên cứu lẫn giảng dạy môn Lý thuyết dịch khoa tiếng Pháp nói với tôi khi trà của cô vẫn còn nóng. Tôi đặt nước của mình xuống bàn cho lịch sự rồi mới thưa.

'Vâng, thưa cô, nghiên cứu sinh đến hôm nay sẽ dự giờ ba tiết và phỏng vấn hai học viên trước giờ tan tầm hai mươi phút.' Tôi nhớ lại lịch trình trong lòng bàn tay mình. 'Buổi họp giao ban sáng nay em đã truyền đạt lời cô dặn dò với mọi người.'

Cô Ashburn gật đầu, thấy trà đã thôi bốc khói thì nhấp môi, có vẻ thời gian trò chuyện dành cho tôi sắp hết. 'Nhờ cô Seungwan cả nhé.'

Tuy chưa bao giờ có nguyện vọng làm lãnh đạo như cô Ashburn nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn đặt mình vào vị trí của cô và tự hỏi liệu mình có thể sống một cách hời hợt với mọi thứ thế không. Những người có địa vị và trách nhiệm lớn thường sẽ vin vào quỹ thời gian hữu hạn mà chia chác năng lượng trong ngày rất chênh lệch. Nói rõ hơn, họ xác định một việc bản thân cho là quan trọng nhất, với hiệu phó Ashburn thì là việc điều hành học viện, để đầu tư hầu hết chú tâm của bản thân vào đó và bỏ bê hay ít ra cũng chỉ chú ý rất hững hờ mọi thứ còn lại. Dù đó là sức khoẻ của họ. Dù đó là sở thích thời trẻ họ phát cuồng lên. Dù đó là tinh thần của mọi người xung quanh.

Khi một người đạt được địa vị và trách nhiệm nhất định, tinh thần của người xung quanh trở thành thứ kém quan trọng nhất trên đời và nếu một trong chúng ta là người xung quanh của những người như vậy, chúng ta cũng không thể oán trách hay than phiền gì hết. Cô ấy còn có việc quan trọng hơn cần xử lý mà. Tôi thường tự lý luận như thế khi người khác nói chuyện với mình theo kiểu mình chỉ là một sự phân tán tư tưởng, trước khi thời khắc việc quan trọng của họ điểm. Không phải vì tôi hiểu cho họ mà lối nghĩ đấy khiến tôi cảm thấy khá hơn về bản thân. Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng thực vậy, tôi ghét phải phiền lòng về hành động của người khác.

Ở vị trí của tôi, có thể dễ dàng nói rằng nếu là mình thì sẽ cố gắng hết sức để không tỏ ra bề trên hay phân tâm khi nhận được sự chú ý của bất kỳ ai, nhưng kỳ thực tôi biết nó còn lâu mới đúng với thực tế. Những ngày công việc đã nhiều rồi mà còn phải gặp gỡ nhiều người, cuối ngày về nhà, tôi suy sụp ngay. Như thể trong trung khu thần kinh của tôi có một hộp pin. Hộp pin này không liên quan gì đến đồ ăn thức uống tôi nạp vào người để chuyển hoá năng lượng trong cơ thể. Những giây phút tôi tỉnh thức và di dịch ngoài xã hội là dung dịch chất lỏng trong hộp pin chầm chậm bốc hơi đi. Khi tôi được ngồi hoặc nằm xuống và không phải nghe thấy âm thanh cuộc sống thì hộp pin sẽ nở ra và đầy lên như bánh mì lên men. Những khi hộp pin này cạn kiệt mà tôi vì lý do nào đó vẫn chưa thể về với căn hộ mười hai pyeong nhỏ bé và yên tĩnh của mình, thì tôi sẽ hành xử hệt như cô Ashburn hay những người có địa vị trên. Hững hờ, phân tâm, thua thiệt trong mọi sự tương ngộ.

Không biết là vì sự cao ngạo cố hữu đến từ người có trí khôn và kinh nghiệm thượng đẳng hơn tất thảy hay vì hộp pin trong trung khu thần kinh của cô Ashburn và những người giống cô lúc nào cũng cạn mà họ luôn lay lắt như xác sống vậy.

Khi ly cà phê của mình đã lấy đủ phần trong chiếc máy rang hạt cũ kỹ kia, tôi nhấc nó trên một tay, tay còn lại ôm tập giáo án lớp tám cùng điện thoại đã để sang chế độ yên lặng ra hành lang, tiến về lớp trong thời khoá biểu. Cửa đóng lại sau lưng tôi một tiếng thộp.

Nghe thì có vẻ rất ôm đồm và bận bịu khắp người nhưng tôi đã làm chuyện này liên tục trong tám năm mà chưa gặp vấn đề gì. Tuy nhiên khi tôi vừa đóng cánh cửa lại bằng chân xong thì cảm thấy có một sự ớn lạnh nổi rần lên trên cổ.

Tôi sợ lắm. Cả người tê cứng lại. Đặc biệt là khi sự lạnh lẽo kia di chuyển.

Có một sự sống vừa rơi xuống đầu và bò trên gáy cổ của tôi. Một sự sống máu lạnh. Đây là học viện ngoại ngữ. Tôi dạy môn Biên dịch chuyên ngành chứ không phải Sinh học. Nhưng có lẽ bản năng sinh tồn yếu ớt của một con chuột thành phố không thể nhìn cũng biết thứ đang đe doạ tính mạng mình là một con vật bò sát biến nhiệt. Có lẽ tiếng thộp hơi vang vọng ban nãy không chỉ là tiếng cửa đóng lại mà một con rắn độc vừa rơi xuống cổ mình. Hay nó chỉ là một con thằn lằn? Suy cho cùng, đây là một học viện đào tạo lớn giữa trung tâm Glasgow chứ đâu phải cao nguyên Caithness. Làm thế nào mà một con rắn có thể mở một loạt cửa sắt có khoá thông minh để vào đây rồi rơi xuống cổ của tôi được.

Tôi cũng không hiểu tại sao lúc đó mình không giật bắn người lên hay cử động gì mà lại chết lặng rồi suy diễn đủ thứ, thậm chí còn vờ như bản thân vừa thấy cả cuộc đời nhàm chán từ trước đến nay vụt qua trước mắt rồi thắc mắc luôn cả hậu sự của chính mình. Vẫn sống đến khi cơ thể phản ứng với một giọt mồ hôi chảy ra từ trên trán, tôi lờ mờ kết luận có lẽ con rắn độc kinh khủng này đã thoát ra từ sở thú thành phố và lọt vào học viện qua đường ống thông gió, còn tôi là nạn nhân yểu mệnh xấu số của nó, thì tôi nghe tiếng la thảng thốt sau lưng.

Theo sau tiếng la đó là sức nặng của cái chết trên cổ tôi được gỡ xuống. Cả thân thể đang cứng đờ ngay lập tức mũn ra. Giáo án, điện thoại và cả ly cà phê trên tay tôi rơi vỡ hết xuống sàn, ngay cả đầu gối cũng bỏ cuộc khiến tôi ngã quỵ xuống đất. Hộp pin trong trung khu thần kinh tuyên bố đình công ngay lúc tám giờ mười lăm phút sáng, dù cho mọi khi nó cung cấp đủ năng lượng đến mười hai tiếng cả ngày.

'Trời đất ơi, em xin lỗi chị nhiều lắm! Chị có làm sao không ạ?'

Trông tôi có giống như không làm sao không? Tôi nói trong đầu giữa đống giáo án trộn lẫn với cà phê nóng, đang thiêu đốt da đùi. Dù thế, tôi vẫn ưa thích tình trạng này hơn là cảm giác lạnh ngắt nơi cổ gáy ban nãy.

'Ôi không, bỏng mất. Để em đưa chị đến phòng y tế. Ở đây có phòng y tế không ạ?'

Nghe câu hỏi này tôi mới biết người cứu mạng mình là vị nghiên cứu sinh có hẹn dự giờ tiết hai hôm nay. Nhìn sang một tay bên phải đang được con vật đáng sợ kia quấn lấy của cô ấy, tôi mới dường như đoán được người cứu mạng mình cũng là kẻ suýt nữa là ngộ sát mình luôn.

Có lẽ cô ấy cũng đoán được cảm xúc của tôi đối với nó khi hai đôi mắt chạm nhau. Cô đặt mớ giấy ướt nhẹp trên tay qua bên, dùng bàn tay trái kéo phéc-mơ-tuya của một cái túi tote đen in hoạ tiết hoa vàng để đặt con vật vào, rồi đóng lại. Tôi thì dò rằng nếu con vật đó có ý định thoát ra thì "cái lồng" đó chẳng thể cản được. Nhưng vì cô gái trước mặt tỏ ra rất chắc chắn với quyết định của mình nên tôi cũng chẳng góp ý làm gì. Mặt khác, tôi không chắc khi lên tiếng thì có gì thoát ra khỏi cuống họng khô rốc ráo của mình nổi không.

'Mọi khi Cơm nắm không chạy lạc thế này đâu nhưng em đoán ban nãy trong bãi đỗ xe nóng quá nó đã nhảy ra khỏi túi. Cũng có thể vì em quên kéo khoá nên chú nghĩ là có thể ra ngoài rồi lạc mất vì chỗ này rộng quá.' Cô ấy bắt đầu vụng về giải thích. Tôi nhớ lại tên trên hồ sơ tiếp nhận tuần trước. Yeri  Kim, hai mươi bốn tuổi, dự bị tiến sĩ ngành Sư phạm ngôn ngữ ở Đại học Edinburgh. Nghe nói giáo sư hướng dẫn cô ấy là đồng nghiệp cũ của ai đó trong học viện nên giới thiệu đến đây thu thập tài liệu nghiên cứu cho đề tài luận văn tốt nghiệp.

'Cơm nắm?'

'Vâng. Là chú trăn con này, tên chú là Cơm nắm. Jumeok-bab.' Yeri giải thích. Cô dìu tôi đứng dậy, tay nắm tất thảy giấy tờ và túi đựng trăn, cẩn thận bước qua những chỗ dễ có mẻ thuỷ tinh. Tôi chỉ cho Yeri chỗ để lấy mốc cảnh báo trơn trượt của chú lao công trong kho ra đặt hai đầu hành lang khi có ai đó đi ngang qua rồi cùng cô tiến về phòng y tế.

'Cô nói tiếng Hàn à?' Tôi lịch sự hỏi. Cố không nghĩ đến con vật trong chiếc túi chỉ cách chưa đến một mét kia. Yeri vừa vâng vừa gật đầu. 'Gia đình em đến đây năm em mười tuổi nhưng ai cũng nói tiếng Hàn với nhau ạ.'

Tôi gật đầu. Ở trung tâm hay học viện ngoại ngữ thì thiếu gì người nước ngoài. 'Sao cô lại mang trăn đến đây?'

'Ôi, em xin lỗi.' Cô lại tỏ vẻ hối hả kiểu gì, thấy tôi ra vẻ tò mò hơn là trách móc thì mới giải thích. 'Em là nghiên cứu sinh có hẹn đến dự giờ khoa tiếng Hàn hôm nay, chị biết đấy, em không sống ở đây nên phải thuê airbnb ở trong thời gian công tác. Trên website ghi rõ là phòng thân thiện với thú cưng vậy mà khi chủ nhà thấy Cơm nắm liền thẳng thừng từ chối. Tiền cọc em đã đóng rồi không lấy lại được, toàn bộ hành lý vẫn còn trong xe, bây giờ tìm một chỗ để chứa cả hai bọn em vẫn chưa thấy nên trước mắt em phải mang chú đi làm. Ai ngờ lại xảy ra việc này.'

'Em thề là chưa bao giờ Cơm nắm cư xử thế này đâu ạ. Nó rất hiền lành. Nhút nhát nữa là!' Yeri lên giọng oán trách dù tôi biết mình không phải người làm cô ấy phiền lòng.

Tôi không truy cứu cô ấy nữa. Một là chú trăn đấy chưa làm gì tôi, hai là sau khi bị đẩy vào cảm giác đang gần đất xa trời thì việc biết nó vô hại đem lại sự thoải mái lạ lùng. Ý tôi là chuyện đã có thể chuyển biến xấu hơn nhiều và tạm thời tôi vẫn đang thở đều rành mạch.


Chúng tôi đến phòng y tế. Yeri đề nghị giúp tôi in lại giáo án bị đổ cà phê. Thấy cô ấy hối lỗi quá nên tôi đồng ý để cô có việc làm, đỡ phải thừa thãi tay chân. Yeri giống học viên của tôi, nghe cơ hội được trở nên có ích hơn là hăng hái thực hiện ngay việc được giao. Theo hướng dẫn, Yeri nhanh chóng đi về phía thang máy lên phòng Đào tạo dùng ké máy in của họ.

Người trực trong phòng y tế mặc áo blouse trắng ngoài Âu phục đen và áo polo bên trong. Hai chân chéo lên nhau đặt lên bệ cửa sổ, ngồi trên ghế xoay nhìn ra đường. Trên tay vị ấy vọc chơi cái ống nghe. Tôi biết đấy không phải là y sĩ gì cả vì nhân viên y tế của học viện là bác July, thân hình dày dạn, đằm thắm, hay mặc áo hoa trong blouse trắng với mái tóc muối hoa tiêu xoăn lọn quyến rũ.

Việc tôi cà nhắc tạo ra tiếng động khiến người kia để ý và quay ghế lại cái vèo. Từ đầu đã lờ mờ đoán được, người đang giả mạo bác sĩ trong kia là Bae Joohyun.

Joohyun dạy môn Phiên dịch song song, khoa tiếng Hàn. Tuy cùng khoa nhưng lớp của Joohyun thưa lịch hơn so với những môn khác, bao gồm nhiều buổi thực địa đến các cabin hội nghị hơn là lý thuyết và diễn tập phiên dịch trong trung tâm. Có lẽ đó là lý do mà chị ấy ngồi đây giờ này.

'Cô Seungwan!'

Joohyun niềm nở chào tôi, làm như tôi đến nhà thăm chị ấy vậy.

'Bác July đâu ạ?' Tôi hỏi. 'Em cần thuốc mỡ.'

'Vào đây, tôi xem cho. Cô Seungwan bị gì thế?'

Joohyun bỏ cái ống nghe ra bàn, mang hai cái găng tay vào, kéo rèm bao quanh giường bệnh làm như thật. Tôi hơi ngại khoe đùi cho một người không chuyên nhưng vì đau nên sau khi vào bên trong cũng chịu khó cẩn thận cởi quần tây ra. Tôi tưởng tượng nếu hôm nay mặc quần bó sát thì sẽ ra sao và giật bắn mình lên.

'Cô đau à? Từ từ thôi.' Joohyun nhìn vào mắt tôi, không biết là để an ủi hay tránh không nhìn tôi cởi quần. Dù sao thì tôi cũng lấy làm biết ơn. Sau khi thành công gỡ được miếng vải ướt ra và ngồi xuống giường, Joohyun nhanh chóng nhưng rất cẩn thận đắp lên trên đùi một cái khăn trắng chỉ lộ vết thương ra. Tôi cảm thấy rất thoải mái. Joohyun là đồng nghiệp của tôi nhiều năm lắm rồi. Ngoài sự ổn định và thông thái trong công việc ra thì chị ấy lúc nào cũng tập trung khi người khác nói. Không biết hộp pin năng lượng của chị ấy lớn đến mức nào.

'Bỏng nhẹ thôi. Cần làm sạch và bôi thuốc.' Joohyun cẩn thận xem xét rồi nói. 'Cô có muốn đợi bác July về không? Bác ấy đi ăn sáng rồi, nhờ tôi trực giúp, chẳng biết bao giờ về nữa.'

'Cô rảnh thế? Còn trực hộ nhân viên y tế.'

'Sáng nay tôi không có lớp.' Joohyun cười toe. Tôi cũng tự biết vết thương nhẹ nên bảo chị ấy làm giúp. Joohyun gật đầu, lấy thau nước cùng khăn các thứ bắt đầu ngâm rửa.

'Không có lớp thì cô đến học viện làm gì ạ?'

'Cả tuần tôi carpool với bác July nên hôm nay đi theo luôn cho tiện, vả lại cũng cần xem qua giáo trình ngày mai có dự giờ.' Joohyun trả lời. 'Cô làm sao để bị bỏng thế này?'

Bao đồng ghê. Tôi nghĩ, nhìn bàn tay mềm mại của Joohyun chăm sóc mình, cảm thấy rất thư giãn. Đây mà là đôi tay chai sạn của nghề bụi phấn sao? Phải là nghệ nhân gì đấy mới phải.

'Bỏng thế này bôi mỡ trăn là tốt nhất nhỉ?'

Thay vì trả lời, tôi hỏi chị ấy, không bỏ được hình ảnh chú trăn rùng rợn ban nãy ra khỏi đầu.

Joohyun cười khúc khích, lắc đầu, 'không đâu. Mỡ trăn hay nước lạnh đều không tốt cho vết thương hở. Bôi vào là khó lành lắm đấy.'

'Cô chắc chứ?'

'Chắc mà. Ai bảo cô bôi mỡ trăn thế? Blaine à?'

Blaine là bạn trai tôi. Joohyun là đồng nghiệp thân thiết nên hẳn nhiên biết anh ấy. Hình như còn có lần cả ba chúng tôi đi uống rượu cùng nhau, cùng người quen của Blaine. Lúc đó Joohyun còn độc thân nên chúng tôi cố tình sắp đặt, nhưng sau đó chuyện không đến đâu.

'Không phải Blaine cứ nói gì em cũng nghe đâu ạ.'

Cô Joohyun nhún vai.

Sau khi ngâm chân bằng nước mát xong, cảm giác bỏng rát dịu đi hẳn. Dường như cảm nhận được, cô Joohyun cất thau nước đi cùng với tấm khăn ướt, lấy ra một chút thuốc gì đó lành lạnh bôi lên đùi tôi rồi cùng gạc quấn quanh lại.

Xong xuôi, Joohyun còn đưa cho tôi một cái quần tây màu đen. Tôi đang mặc áo sơ mi nâu với vest màu be nên nếu mà mặc quần tây đen thì chẳng hợp chút nào, nhưng chiếc quần của tôi thì không khô nổi. Tôi suy nghĩ một lúc rồi quyết định nhận lấy. May sao tôi và Joohyun mặc đúng một cỡ, chỉ có hơi chật mông một chút, không thành vấn đề.

'Sao cô Joohyun lại có quần ở đây?' Tôi không thể ngăn mình thắc mắc nổi.

'Cô Seungwan không bao giờ mang đồ thay à?' Joohyun ngẩn ngơ hỏi như tôi mới là kẻ kỳ quặc. 'Tôi phải đưa học viên đi đây đó nhiều nên lúc nào cũng thủ sẵn.'

'Ừm,' tôi suy nghĩ một hồi rồi hỏi, 'vậy có thể cho em mượn nguyên bộ vest được không? Trông màu mè lệch lạc thế này ngượng quá.'

Joohyun nhướn mày, lẩm bẩm gì đó, rồi quay vào tủ lấy ra thêm áo vest đen và sơ mi tím nhạt. Đúng là kiểu của chị ấy. Còn có mùi oải hương nữa.

Tôi cảm ơn cô Joohyun, định rời đi thì cô nghiên cứu sinh nọ trở lại. Thấy tôi đi đứng thẳng thớm và thay đồ sạch sẽ rồi, cô tỏ ra nhẹ nhõm. Tài liệu giáo án vừa in nóng ấm trong tay, cô trao cho tôi như lời xin lỗi chân thành nhất. Tôi cũng bỏ qua cho cô rồi.

'À bác sĩ, tiện đây cho em hỏi cái này chút được không?'

'À, tôi không ph-'

'Cơm nắm vừa bị ngã từ trên cao xuống, tuy không có dấu hiệu gì nghiêm trọng nhưng nếu có thể mong bác sĩ xem giúp...'

Yeri ngắt lời khiến cô Joohyun hơi ngại ngùng, chưa kịp thanh minh vị trí chăm sóc y tế đểu của mình. Không phải việc của mình nên tôi giữ yên lặng, nhưng Joohyun thì lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ, có lẽ vì trông Yeri còn tái hơn cả tôi với chú trăn con trên vai nữa.

'Thú cưng à?' Joohyun thắc mắc ló đầu nhòm vào khi Yeri mở túi tote của mình ra.

Trong một khắc, chị ấy hét lên rồi chạy biến ra nấp sau lưng tôi. 'Con rắn... con rắn...' Chị ấy bám lấy hông tôi khổ sở, thều thào như kêu cứu mà không ra hơi. Yeri vội vã đóng túi lại. Có vẻ như cô ấy cũng bị tiếng Joohyun doạ cho giật mình. Phải rồi, đấy mới là phản ứng thông thường khi người ta cảm thấy sợ hãi tột độ.

Hai người đứng phía trước và đằng sau tôi như nước Đức trước năm 1989. Tôi đành phải tự đập đổ mình xuống, quay lại nói với cô Joohyun.

'Không phải con rắn đâu. Cô đừng sợ. Nó là con trăn.'

'...Con trăn? Con trăn!?'

Chị ấy lắp bắp, đôi mắt nhìn tôi như vừa mất vía, như thể lời tôi nói chỉ làm mọi thứ tệ hơn.

'Cơm nắm là một chú trăn con. Không có chỗ ở nên cô Yeri đây mang nó đi làm tạm thời hôm nay.'

'Đừng đùa nữa...'

'Thật mà. Cô Joohyun bình tĩnh đi, nó không làm gì cô đâu.' Tôi xoay người lại nâng hai cánh tay của chị ấy lên để đứng thẳng. Cô Joohyun lấp ló trộm nhìn cái túi của Yeri qua vai tôi, mặt vẫn tái xẩm, khác hẳn với vẻ tươi sáng ban nãy tôi thấy khi vừa đến phòng y tế. 'Em hứa là không sao mà. Hít sâu một hơi nào...' Tôi trấn tĩnh chị ấy như cách vẫn làm với bọn trẻ bị kích động. Đôi mắt nhìn tôi cuối cùng lấy lại được thần hồn, nhịp thở giữa chúng tôi hoà thành một. Màu hạt dẻ long lanh qua màu nước trong trẻo khiến tôi suýt quên chị ấy lớn hơn mình ba tuổi.

'Cô ổn chưa?'

Joohyun gật nhẹ đầu nhưng mắt vẫn cảnh giác và nấp sau tôi. Tôi cũng để chị ấy nắm tay mình rồi bảo Yeri đến lớp, giữ chặt lấy Cơm nắm để không xảy ra chuyện như vừa rồi, và hẹn gặp vào giờ trưa để giải quyết vấn đề trơn trượt của cô. Lý trí mới trở lại và tôi vỡ lẽ ra mấy điều. Giả sử người 'may mắn' được gặp Cơm nắm sáng hôm nay không phải là tôi và Joohyun mà là cô Ashburn hay một trong những thầy hay phóng đại vấn đề thì sao. Tôi không am hiểu luật thú cưng ở Glasgow vì trong nhà chẳng nuôi con gì nhưng nhỡ đâu vì sơ sẩy mà cô Yeri bị báo lên chính quyền rồi người ta bắt mất.

Thêm nữa tôi bị mối quan hệ kỳ lạ giữa hai người làm cho thu hút. Cái cách cô Yeri yêu quý và cưng nựng một con vật hoang dã như thể nó là chú chó shih tzu nhỏ nhắn bán khắp những cửa hàng thú trên đường Sauchiehall. Cô ấy hiểu rõ Cơm nắm có thể khiến người khác cảm thấy như thế nào, vậy mà vẫn tự tin mang chú ra đường và dốc lòng chịu mọi trách nhiệm chú gây ra. Tôi thấy rất cảm động.

Sau khi Yeri đi rồi Joohyun vẫn chưa dám thở mạnh. Chị ngồi xuống ghế xoay, dùng cổ tay áo lau mồ hôi dù thời tiết bên ngoài chưa đến 23 độ Celcius.

'Học viên của cô à?' Joohyun hỏi. Tôi lắc đầu, giải thích cho chị chuyện từ nãy đến giờ. Kể cả vết bỏng.

'Ra thế.' Joohyun thở dài. 'Cũng may có cô Seungwan ở đây. Cảm ơn cô nhé. Không thì chắc tôi ngất xỉu mất rồi.'

Tôi nắn vai chị ấy ra chiều thấu hiểu. Cái đầu nhỏ của Joohyun cùng mái tóc đen dài dựa hẳn vào hông tôi, lẩm bẩm than vãn. Những gì chị ấy muốn nói cũng đúng thôi. Ai lại mang trăn đến nơi đông người thế này. Hơn nữa, lại còn có các học viên còn nhỏ tuổi. Tôi có cố nói rằng thì cô Yeri kia đối xử với chú trăn của cô ấy cũng như con cún, con mèo thôi. Cô cho vào túi như người khác riềng cổ chó mèo vào xích và đó là tất cả những gì họ có thể làm để giảm thiểu thiệt hại. Tai nạn vẫn xảy ra. Chúng ta chẳng thể trách ai được cả.

'Cô Seungwan lạc quan nhỉ?' Joohyun góp ý. 'Nếu là tôi thì chắc tôi không để yên đâu.'

Bản thân tôi cũng ngạc nhiên khi mình chấp nhận sự hiện diện của Cơm nắm lẹ làng như vậy. Chỉ một khắc được chạm đến chú trăn ấy trên vai thôi, dù hoảng sợ tột độ, nhưng cái lạnh lẽo kinh hoàng của Cơm nắm khiến tôi cảm thấy một chút gì quen thuộc nấp sau sự đe doạ tính mạng khủng bố. Đó là sự cô đơn. Tôi tự lý luận ra. Một sinh linh nhỏ bé và vô hại gồng gánh định kiến của cả thế hệ, chảy trôi trong chú là dòng máu của loài vật vì không thể hằng tính biến nhiệt mà phải chịu đựng sự kỳ thị và hiểu lầm hàng thế kỷ. Tôi có thể cân bằng nội môi về nhiệt của mình, không bị mấy ai hiểu lầm, ngoài một vài lần hiếm hoi mất kết nối với nhãn hiệu Người Châu Á thì cũng không bị kỳ thị. Định kiến thì ai cũng có. Vậy mà tôi thấy sự cô đơn của Cơm nắm quá đỗi quen thuộc.

'Em không bị sao cả mà.' Tôi đáp lời Joohyun thay cho sự an ủi sĩ diện của chính mình, thay cho việc tự tranh cãi với chính mình liệu bản thân có thực sự cô đơn.

Cơm nắm có Yeri. Chú trăn tưởng chừng như sinh linh cô đơn nhất cõi đời ấy có một người bạn đồng hành đáng tin cậy, vô cùng tử tế, và ngập tràn yêu thương bên cạnh giữa phố thị đầy dấu giày của nhân loại. Cô ấy sẵn sàng bỏ tiền cọc thuê nhà và lang thang vô định với chú giữa cuộc sống bộn bề, mặc cho sự chú ý tiêu cực chú vô tình mang lại cũng không bao giờ bỏ cuộc. Tôi còn dám cho rằng Yeri Kim chưa bao giờ nghĩ đến Cơm nắm như một gánh nặng, hay từng có ý nghĩ đem chú trăn kia đi thật xa để sống chết mặc bay và thả về tự nhiên.

Trái ngược với Cơm nắm, tôi được quây quần bởi bạn bè, đồng nghiệp, tình yêu lâu năm của đời mình nhưng lại chưa hề nghĩ đến chuyện một ngày mình có thể bỏ quên bản thân và rũ mình xuống phó mặc cho ai đó. Có mấy ai dám thế.

Tôi nhìn đỉnh đầu tròn lẳng của Joohyun dựa trên mình, nghĩ về Cơm nắm dù chị ấy có tóc đen tuyền còn chú trăn thì lại trắng toát. Nếu ở trong tự nhiên thì chẳng chú trăn nào lại đáp cả thân mình lên một sinh vật sống không quen biết, rồi cử động bò trườn một cách rất tự nhiên thay vì phát tiết lên và làm đủ chuyện bắt nguồn từ bản năng sinh tồn nguyên thuỷ của chúng. Có lẽ Cơm nắm còn quá bé nhỏ, nhưng tôi lại thấy trong tim phát sinh một xung cảm tự hào khi đã là cái gì đó đáng tin tưởng của Cơm nắm. Cũng như trong lúc này, của Joohyun.

Còn hơn mười lăm phút nữa mới vào tiết. Tôi có dư dả thời gian nên thoải mái để Joohyun níu lại đến khi chị cảm thấy đủ an toàn nhưng tiếng người ngoài cửa lại phá tan yên lặng dễ chịu lúc này.

'Seungwanie? Em bị làm sao à?'

Blaine gọi tên tôi thân mật với một chút lo âu trong giọng nói. Anh là nhân viên kỹ thuật, làm việc trong phòng Phát triển của học viện, nhưng không khô khan như các chàng trai công nghệ tôi thường thấy. Blaine ít nói nhưng thường nói đầy đủ những điều nhất thiết nhất, khiến mọi người xung quanh cảm thấy dễ chịu, trong đó có tôi. Sức khoẻ dạo này thế nào? Cà phê ngon chứ? Cuối tuần anh/chị có kế hoạch gì không? Những câu hỏi thể hiện sự quan tâm vừa đủ và sự chú ý đáng quý đến từ một người bận rộn như anh khiến mọi người cảm thấy quan trọng. Tôi sống cùng Blaine hơn ba năm nhưng chưa bao giờ cảm thấy mình bị bỏ quên giữa đô thị Glasgow rộng lớn này. Ngay cả việc thấy tôi ở trong phòng y tế thôi cũng đủ làm anh phải dừng bước và hỏi thăm. Tôi thấy đức tích đó là đáng quý nhất, ngay sau mái tóc vàng óng luôn chải ngược để nhường hào quang cho bộ râu được chăm chút hằng ngày của anh.

Việc thấy bạn trai của tôi ở ngoài cửa không khiến Joohyun cử động gì. Chị ấy vẫn ôm lấy một bên tay tôi như thể đấy là việc rất đỗi bình thường, và Blaine cũng chẳng có phản ứng gì. Họ còn tự nhiên trò chuyện với nhau.

'Cô Seungwan bị đổ cà phê lên chân. Tôi băng lại rồi.' Chị ấy thay tôi trình bày với anh. 'Tối về anh nhớ nhắc cô ấy thay gạc mới nhé. Tôi thó cho một kit đây.'

'Cảm ơn cô Joohyun.' Blaine mỉm cười, nhận lấy băng gạc Joohyun để sẵn trên bàn từ lúc nào. 'Hôm nay cô cũng carpool với bác sĩ à?'

'Anh đoán giỏi thế.'

'Hai người giỏi thật. Chúng tôi ở cùng nhà mà vẫn không đi làm chung được. Seungwan ngủ dậy trễ lắm.'

Blaine nói, tay vén một lọn tóc của tôi ra sau tay đầy âu yếm. Tôi hầu như bị kẹp giữa hai người cho đến khi Joohyun cảm thấy khó chịu với sự tiếp cận của bạn trai tôi và buông ra, tựa lưng lên ghế và xích về sau đôi chút.

'Cô Seungwan dậy trễ đâu, là do anh Mallard đến còn sớm hơn bảo vệ học viện giao ban nữa đấy.'

Joohyun lúc nào cũng bênh vực tôi trước Blaine, dù anh ấy cũng chẳng ra dấu trách móc gì nhiều nhặn cho cam. Trước những lời đó, Blaine cũng chỉ bông đùa cùng chị ấy cho có lệ, sau lại hôn phớt lên môi tôi để tạm biệt và trở về văn phòng.

Blaine ít khi than vãn về công việc nhưng chỉ sống cùng nhà là đủ để biết dạo này anh ấy rất vất vả. Cô Ashburn họp với phòng Phát triển còn nhiều hơn với phòng Đào tạo hay các văn phòng Khoa. Sau dịch Covid-19, cô Ashburn đại diện lý tưởng chung của ban giám hiệu và thể hiện quyết tâm cải thiện nền tảng dạy học công nghệ cao, bao gồm rất nhiều yêu cầu về lưu trữ và bảo mật bài giảng trên mạng internet lẫn ưu việt hoá tính truy cập cho các học viên. Ngoài ra còn nhiều vấn đề nữa nhưng hai yếu tố mâu thuẫn ở trên là khiến Blaine đau đầu nhất và hậu quả là anh phải dành thời gian ở lại học viện hơn mười tiếng đồng hồ mỗi ngày. Tôi vừa xót xa vừa thầm mừng rỡ vì ít ra Blaine không biến thành xác sống và đối xử với người khác như phần mềm lập trình sơ sài của cô Ashburn.

'Nghe nói chương trình tương hợp trực tiếp và trực tiếp của lớp Biên dịch tiếng Hàn của cô Seungwan rất khả quan nên cuối tháng này họ ra mắt chương trình ứng dụng cho các khoa khác. Vất vả quá nhỉ?' Joohyun tán gẫu, 'hai người vẫn ổn chứ?'

'Chúng em bao giờ cũng thế thôi.' Tôi đáp. 'Riêng Blaine thì có vẻ mệt mỏi hơn thường lệ nhưng là chuyện chuyên môn nên em cũng đâu giúp được gì.'

'Sao cô không rủ anh Mallard cuối tuần đi đâu đó? Có cái mục đích gì trong tương lai để trông đợi thì làm việc cũng đỡ khổ hơn. Tôi nghe nói mùa này cắm trại bên sông Clyde lý tưởng lắm.'

'Blaine không thích cắm trại đâu, cô Joohyun biết đấy. Anh ta là chuột thành phố mà.'

Joohyun mỉm cười. 'Thế cô Seungwan là chuột nông thôn à?'

Tôi không trả lời chị ấy. Một phần vì có lẽ bản chất câu hỏi chỉ là bông đùa thông thường và điều được mong đợi sau đó chỉ là một tiếng cười xã giao, cũng là điều tôi trao cho chị. Phần còn lại là vì tôi chẳng biết mình là ai và thuộc về đâu. Phải chi lúc Cơm nắm rơi xuống nuốt chửng tôi đi, tôi sẽ hiểu rằng mình cũng chẳng khác gì một con chuột thành thị dễ bị cám dỗ bởi hoa lệ và kết cục làm mồi ngon cho cạm bẫy đằng sau nó. Cơm nắm khiến tôi hiểu ra mình khác loài chuột đến thế nào, điều mà thật kỳ lạ thay, từ trước đến giờ tôi vẫn lờ mờ vô định. Hằng ngày tôi đi làm, hoàn thành công việc của một nhân viên mẫn cán, rồi về nhà, hoàn thành vai trò của một người yêu hiểu chuyện. Thỉnh thoảng tôi về quê thăm bố mẹ, hoàn thành công việc của một đứa con hiếu thảo.

Để mà so với loài chuột hằng ngày kiếm ăn, tha mồi về tổ chia sẻ với đồng loại, mắn đẻ con cái từ ngày đến đêm thì tôi khác gì.

Nhưng vì động chạm của Cơm nắm mà tôi biết rằng mình cao lớn hơi loài chuột (nên Cơm nắm dĩ nhiên không thể nuốt chửng ở kích cỡ của chú lúc này), có khả năng khao khát và kết nối bằng tình cảm dữ dội hơn, và tôi nhận ra chẳng có con chuột nào có thể mơ mộng về loài trăn thay vì nhốt mình trong nỗi kinh hoàng và sợ sệt cả đời.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top