Cuốn nhật ký



Đó là một buổi sáng mùa xuân năm 1917 ở La Chaux-de-Fonds mà Wendy - người chưa bao giờ thật sự quan tâm đến sự đổi thay của thế giới xung quanh theo dòng chảy thời gian - không thể nào quên được. Bầu trời thì cao và trong xanh quá đỗi khiến con người ai nấy đều hân hoan và tràn đầy năng lượng làm việc, đến nỗi tưởng chừng như sẽ chẳng có gì đi chệch được quỹ đạo mĩ mãn ấy. Nhưng họ đã lầm. Không ai là ngoại lệ, từ cụ bà đã chào hỏi nàng ấy trên hành lang, gã trọc phú ngạo mạn tán tỉnh nàng ấy khi họ chạm mặt gần bức phù điêu lớn, chàng trai làm vườn đã vui vẻ ngẩng mặt cười với nàng ấy qua khung cửa sổ, hay cả đến cô hộ lý Aubrey mau mồm mau miệng. Không một ai có thể ngờ tới.

Trước sân, nơi họ dựng một đài phun nước nhỏ ở chính giữa, có một khoảnh đất trồng đầy hoa hồng đỏ được chăm bón và tỉa tót hàng tuần bởi những người thợ làm vườn thạo nghề đến độ gần như những nghệ nhân, vườn hồng trông lúc nào cũng tươi tốt.

Hoa hồng đang mùa nở rộ. Một vài bông hồng đã bị đè bẹp dưới sức nặng của lực rơi tác động tới chúng, bên trên ngự một nàng tiên kiều diễm, suối tóc tản ra vương lên những nhành hoa, làn da vẫn còn hồng hào và đôi mắt đẹp nhắm nghiền như đang ngủ, dù tư thế nằm không quá thoải mái. Chân tay nàng hơi dang về hai phía theo cái tư thế mà hiếm người nằm ngủ như vậy, nhưng lại yên bình và thư thái đến nỗi người ta có cảm tưởng nàng chỉ đang chợp mắt vì mệt mỏi sau một chuyến du ngoạn, trên thảm hoa hồng êm ái. Hương hoa toả ra mạnh mẽ hơn bình thường do các đài hoa bị đè lên, dập nát, bên dưới cơ thể tưởng như còn nguyên vẹn đến mức hoàn hảo ấy, da thịt nàng bầm tím cùng với xương gãy vụn, chắc hẳn nội tạng bên trong cơ thể nàng cũng chịu chung số phận. Màu máu hoà với màu hoa, lẩn khuất trong bụi hồng, chảy dọc theo thân cây mảnh khảnh và phiến lá nham nhám tham lam giữ lại chút màu đỏ chói mắt cho riêng mình trước khi thấm vào đất lạnh. Nhưng nàng không chết vì cú va chạm với nền đất, các chuyên viên giám định đã khẳng định như vậy. Nàng chết do phenobarbital phát tác, với nồng độ 85mg/ml trong máu, trái tim nàng ngừng đập khi đang rơi tự do, và chỉ một phần triệu giây đồng hồ, Irene rời khỏi thế giới này một cách tĩnh lặng, không khổ sở, không đau đớn.

Xét trên mức độ cảm mến Irene (phần lớn là do ngoại hình đẹp đến vô thực của nàng), nhiều người ở Rorschach - bệnh viện tư nhân nơi nàng đang điều trị nội trú - chia sẻ nỗi buồn khi nàng ra đi. Nhưng để nói rằng sự kiện ấy ảnh hưởng tới ai nhất, chắc chắn là Wendy Shon, bác sĩ phụ trách của nàng. Ai mà tưởng tượng ra được bác sĩ Shon mặt mày luôn vô cảm như tượng đá, mặc dù rất tốt bụng và lịch thiệp, lại khóc đến ngất lịm đi trong văn phòng khi nghe hộ lý thông báo về cái chết của bệnh nhân mình phụ trách.

Hộ lý Aubrey là người tinh ý, đợi sau khi Wendy bình tĩnh lại đã ngỏ ý hỏi cô có muốn xem qua phòng ngủ của Irene trước khi họ dọn dẹp lại nó hay không. Kết quả của lời gợi ý rụt rè ấy là một Wendy Shon run rẩy bám chặt vào cánh cửa phòng ngủ đang hé mở để không ngã ra và khóc nấc lên. Tường dán giấy tím nhạt hoạ tiết hoa linh lan nho nhỏ, chiếc đèn treo vàng vọt ngả sáng lên tấm trải giường mềm mại. Wendy đưa mắt nhìn khắp phòng để cố gắng tìm kiếm cho mình hy vọng rằng Irene chưa chết, tất cả chỉ là một trò đùa của Đấng Toàn Năng mà cô đang phải chịu đựng, nhưng sự thật vẫn hiển nhiên rằng căn phòng trở nên lạnh lẽo đáng sợ sau khi Irene mất đi, hay chỉ là do lòng cô đã nguội lạnh vì cái chết của nàng.

Rồi Wendy quyết định làm chuyện mà suốt những ngày Irene điều trị ở đây cô chưa một lần nghĩ tới. Wendy tìm kiếm trong đống sổ chồng chất trên mặt bàn làm việc. Dù là người gần gũi với nàng nhất, cô cũng chưa từng cho phép bản thân mình vô tư như Aubrey mỗi sáng tới đều ngó xem để theo dõi cảm xúc hàng ngày của nàng. Không phải Irene giấu nhẹm những dòng tâm trạng của mình hay gì, chỉ là Wendy không muốn xâm phạm vào sự riêng tư ấy như thể mình cần nó để kiểm soát nàng.

Nó đây rồi.

Cuốn nhật ký.

Cô thuận tay mở ra một vài trang bất kì, khoảng lưng chừng cuốn sổ dày cộm, phải rồi, cuốn sổ hơn một ngàn trang vì ngày nào nàng cũng viết và còn đánh số thứ tự cẩn thận. Mỗi ngày một trang. Mỗi ngày một cảm nhận, tự sự, tường thuật về những thứ đã xảy ra hoặc đơn giản là cảm nghĩ đầu ngày.

Cô dừng lại ở trang số 815.

"Ta không là người theo chủ nghĩa bảo thủ xã hội, hẳn nhiên là không phải, ta chỉ quá hèn nhát để buông mình theo đoàn người Digan mà sống kiểu Bohemian ta hằng mong ước. Phóng khoáng, tự do. Chẳng có một khuôn thước nào có thể gò ép ta nếu ta là một kẻ du mục. Nếu được như vậy, ta nghĩ mình sẽ không kìm lòng được mà ào tới chiếm lấy một cử chỉ thân mật từ Bác sĩ. Hoặc hơn thế nữa. Chẳng ai có thể đánh giá hành động của một ả lang thang là nhơ nhuốc vì hỡi ôi, cuộc đời ả đã là một cục đờm nhổ thẳng vào lũ học giả đạo mạo. Ta luôn ước vậy. Ôi Bác sĩ thật đáng để ta đắm chìm lắm, tựa như nàng Verte vậy. Có đôi khi ta thấy Bác sĩ ngồi ở tràng ghế khe khẽ hát, và cố nhiên ta chẳng thể ngăn mình khỏi một nụ cười. Giọng hát của Bác sĩ mới thật nhẹ nhàng và tinh khiết, làm ta nhớ lại những ngày ở bên mẹ."

Dưới góc nhìn của một bác sĩ tâm lý, Irene không là gì ngoài một người bệnh tội nghiệp. Nàng không đủ minh mẫn như thường để nhận ra rằng những cảm nhận sâu thẳm trong tâm trí mà nàng chỉ dám viết lên giấy đây chính là tình yêu, chứ đừng nói tới việc đủ tỉnh táo để biết được Wendy cũng yêu nàng. Chứng nghiện rượu của nàng cùng với cách nuôi dạy con kì lạ của người mẹ đã biến Irene từ một cô gái lẽ ra đang đứng ở đỉnh cao cuộc đời, có đủ cả học vấn và địa vị xã hội khi vừa bước vào năm đầu của tuổi 30, trở nên một người bệnh khó khăn trong việc thoát khỏi thế giới riêng của chính mình. Nàng không thể tách bạch giữa hiện thực và tưởng tượng, chẳng hạn khi Wendy lén đưa rượu cho nàng như một phần thưởng sau cuộc đánh giá tâm lý và kiểm soát liều dùng giúp nàng, Irene vẫn luôn nhầm lẫn giữa giọtmuỗng. Rượu của nàng luôn lạt nhách vì tự pha quá nhiều nước do sự nhầm lẫn ấy và Irene lúc nào cũng than thở về nó nhưng Wendy thì hài lòng vì như vậy giúp nàng hấp thụ ít cồn hơn.

Wendy tự hỏi, một người đã giấu những đau khổ và cùng quẫn vào sâu trong tiềm thức đến mức tự dựng lên một phần mới của bản thân mình quy chiếu theo phần ý niệm hiếm hoi vẫn còn được tính là đẹp đẽ về một người mẹ, để tránh hình tượng ấy khỏi sự đổ vỡ của thực tế, tại sao cần day dứt đến vậy. Phải chăng nàng cũng như bao kẻ khác trên cõi trần tục đầy khổ đau này, không thoát được khỏi nghịch lý Franklin. Một người vợ bị bạo hành nhưng không thể ngừng yêu gã đàn ông vũ phu. Một bà mẹ có đứa con ngỗ nghịch nhưng không thể ngừng lo lắng cho nó. Một người chật vật trong mối quan hệ độc hại nhưng không thể tự tay chặt đứt đoạn tình cảm kiệt quệ ấy. Đó chính là sự chua chát của nghịch lý Franklin. Ta càng dành nhiều tâm huyết và thời gian cho ai đó, ta càng không thể thoát ra khỏi họ, vì cái mà ta lỡ yêu chính là công sức của bản thân mình. Và nàng - một đứa trẻ đã dành gần cả cuộc đời để coi sóc người mẹ mê muội của mình, đương nhiên chẳng thể nào nhận ra sự chìm đắm vô nghĩa trong tình mẫu tử đơn phương ấy.

...

Phải mất đến năm ngày sau tang lễ ảm đạm không người thân thích của Irene, thư của mẹ nàng mới tới được tay Wendy. Cô mân mê ngón tay trên đề mục Người nhận: Dr. Shon, Bác sĩ phụ trách và nhìn dòng Người gửi: Ms. Bae, Nhà hảo tâm đầy lạnh lùng trên bì thư với một sự tức giận khó kiểm soát được. Là Ms. Bae, không phải Mrs. Bae; không có sự ràng buộc của hôn nhân trong danh xưng này, nghĩa là nàng theo họ mẹ. Và mẹ nàng, con người vô tâm chỉ mang đến đau khổ cho người khác cũng như chẳng hề biết cách tự yêu lấy mình đã lạnh nhạt đến độ không thèm bố thí một danh phận cho người đã khuất, thậm chí còn vạch ra một ranh giới khủng khiếp và dửng dưng như thế. Không phải mẹ. Không phải người thân. Nhà hảo tâm.

Wendy chỉ dám chắc về mối quan hệ máu mủ ấy sau khi đã mở bì thư, lấy ra một chiếc chìa khoá két an toàn ở ngân hàng (mà cô chắc mẩm sẽ có một đống hiện kim đủ để chi trả mọi chi phí đắt đỏ nhất cho đám tang của nàng) cùng một tờ giấy viết thư cỡ lớn nhưng chỉ ghi vỏn vẹn mấy dòng mà ở đó, người đàn bà ấy đã để lộ ra sơ sót, một tia ấm áp mong manh giữa muôn trùng lạnh lẽo:

Tôi rất lấy làm cảm kích Bác sĩ về quãng thời gian chăm sóc cho Joohyun. Hy vọng Bác sĩ không phiền nếu giúp tôi lo chu toàn cho con bé với khoản chi phí tôi đã đính kèm trong thư. Tủ an toàn tại Credit Suisse, chi nhánh Zurich.
Mã bảo mật của tủ nằm dưới chân trang.

Joohyun không phải tên nàng, hay nói rõ hơn, đó không còn là tên nàng kể từ khi mẹ nàng tái giá. Để được gần gũi hơn với dòng dõi quý tộc Châu Âu, hay đơn giản chỉ để chối bỏ đi cái nguồn gốc Châu Á thấp kém đầy định kiến, bà buộc nàng đổi tên thành Irene. Quý cô Irene Bae. Như thế, nàng sẽ kiếm được một cậu ấm nhà giàu nào đó, hoặc chỉ để phục vụ cho cái tôi của mẹ nàng. Nhưng rồi, đến tận giây phút cuối cùng, bà ta gọi nàng là Joohyun, âu cũng là cái phước phận sau cuối của nàng.

Wendy lật rộng tờ giấy ra và tìm thấy một dòng chữ nhỏ hơn sát dưới cùng, rời ra khỏi các dòng kẻ:

Tủ 0158, dãy R, cột V.
IB-0329.

Cô thở dài khi nhận ra rốt cuộc chẳng còn thêm dòng chữ nào trên tờ giấy, kể cả mặt sau, đồng nghĩa với việc mẹ nàng chỉ có những lời đơn giản thế cho cái chết của nàng. Đám tang đã kết thúc gần một tuần lễ, Wendy chi trả cho mọi khoản cần thiết và cô cũng chẳng buồn tò mò xem trong két đó có bao nhiêu tiền, vì vậy, cô cất mọi thứ lại vào bì thư và quẳng nó xuống đáy chiếc va li, bên dưới mọi đồ đạc cần thiết. Wendy không muốn nhìn thấy nó thêm lần nào trong suốt chuyến hành trình sắp tới của mình.

Cô mở cuốn nhật kí của Irene ra một lần nữa.






—————
Mình lười chú thích quá :( Ai mún hỏi gì cứ comment nhé.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top