DỊCH CORONA - CUỘC CHIẾN CỦA CHÚNG TA |
Series đặc biệt
Chúng ta luôn sẵn sàng, làm kẻ đi ngược dòng. (Phần 1)
Tác giả: Kim Đa Đa
*T/N: Bài viết rất dài và chứa nội dung gây tranh cãi, mong mọi người sẽ suy nghĩ thật kĩ trước khi bình luận. Vui lòng không chấm hóng, mình xin chân thành cảm ơn.
_______________
Group Weibo Việt Nam: https://www.facebook.com/groups/245234876341228
Dịch bởi: Vĩnh Hạ | Bài dịch chỉ được đăng tải tại Weibo Việt Nam, vui lòng không repost.
_______________
Ngày 8 tháng 12 năm 2019, ca bệnh viêm phổi do chủng mới virus corona gây ra xuất hiện lần đầu tiên tại Vũ Hán. Đến ngày 20 tháng 1 năm 2020, dịch bệnh bùng phát, quy mô lan rộng khiến mỗi chúng ta đều lo lắng khôn nguôi.
Đây là một cuộc chiến nổ ra trong dịp năm mới với mỗi một người dân đang sống bình thường tại Trung Quốc.
Đây chính là cuộc chiến của chúng ta. Chúng ta khẩn thiết tranh luận, tỉ mẩn phân tích, xót thương cho những sinh mệnh đã ngã xuống trong đợt tai ương này, xúc động bởi tinh thần quả cảm của những y bác sĩ, căm phẫn tận cùng vì những kẻ tạo nên sai lầm, cố gắng không ngơi nghỉ để làm được ngay cả những điều nhỏ nhặt nhất vì chính chúng ta.
Biển người mênh mông, hãy cùng nhau nắm chặt tay giữa buổi loạn lạc, trân trọng từng khoảnh khắc.
Số đặc biệt của The Livings mang tên "Dịch Corona - cuộc chiến của chúng ta" giúp các bạn hiểu ra rằng, mỗi ngày chúng ta đều đang tiếp xúc chân thật với tình hình bệnh dịch.
Ngày 27 tháng 1 năm 2020, mùng 3 tết.
Từ hửng sáng, điện thoại của tôi đã reo liên tục. Bố mẹ vợ lẫn bố mẹ tôi liên tục gọi điện hỏi dò tình hình của hai vợ chồng.
Tôi không dám tỏ ra bực dọc, cứ nhắc đi nhắc lại với các cụ hai câu mà rằng: "Bọn con rất ổn, bố mẹ đừng lo", "Bố mẹ đừng ra đường nhé, cứ yên chí ở nhà đợi mọi chuyện êm xuôi thôi".
An ủi các cụ thuận miệng là thế, nhưng tay tôi cứ mải miết khều khều đồ đạc xung quanh, lòng bứt rứt không yên.
Bởi vì bà xã tôi là điều dưỡng trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).
1.
Ngày 21 tháng 1 năm 2020, hai mươi bảy tháng chạp.
Bố mẹ tôi từ quê nhà Hiếu Cảm, Hồ Bắc đi xe đến sân bay quốc tế Thiên Hà, Vũ Hán, chuẩn bị đến đây để thu xếp hôn lễ cho hai đứa chúng tôi.
Sau khi tôi và bà xã đăng kí kết hôn, bố mẹ hai bên quyết định tổ chức hôn lễ vào ngày mười hai tháng giêng. Bà xã vốn đã gửi đơn xin nghỉ phép kết hôn nhưng ngay sau khi xảy ra dịch bệnh, em đã lập tức hủy đơn.
Rạng sáng ngày 22, tôi vừa đón bố mẹ ở sân bay lên xe, bà xã gọi điện thoại tới bảo: "Anh mau mua vé máy bay cho bố mẹ về lại Vũ Hán, về ngay lập tức, đừng đi qua đây!"
Bố mẹ tôi vừa xuống máy bay, bà xã tôi lại bảo hai ông bà trở về khiến tôi nổi nóng, bực dọc khó lòng kiềm chế được. Tôi điên tiết rống vào điện thoại: "Em không gặp thì không gặp, muốn đi đâu thì đi luôn đi nhé!"
Gào xong, tôi lập tức tắt máy.
Mấy hôm trước, lúc tôi định đặt vé cho bố mẹ, tin dịch bệnh từ Vũ Hán đã bắt đầu lan truyền, bà xã bảo tôi: "Còn chưa rõ virus có truyền từ người sang người hay không. Tốt hơn hết anh đừng nên để bố mẹ đến đây, đợi thêm một thời gian nữa đi."
Tôi sững người trong phút chốc. Bố mẹ chúng tôi đều ở rất xa, hai đứa lại cùng là nhân viên y tế, khó mà chủ động về mặt thời gian. Để chọn lựa được thời điểm thích hợp diễn ra hôn lễ cũng như tiến hành xin nghỉ phép thật sự rất khó khăn.
Hôn lễ của hai đứa cứ lần lữa mãi. Đến gần tết Dương lịch, mẹ vợ vốn chẳng bao giờ thúc giục chúng tôi cũng vồn vã không yên, yêu cầu hai đứa nhất định phải kết hôn trong năm nay.
Hôm đó, hai đứa tôi cãi nhau một trận to đùng đoàng, cãi xong tôi cũng chẳng thèm nghe bà xã nói, nhất mực bắt bố mẹ bay từ Hồ Bắc đến đây.
Mẹ tôi ngồi trong xe, cẩn thận hỏi dò: "Lại cãi nhau à con? Hay để mẹ..."
"Không sao đâu ạ". Tôi khởi động xe, "Mẹ đừng hỏi nữa."
Quay trở lại bãi đỗ xe của khu dân cư, tôi ngẩng đầu lên nhìn, nhà chẳng bật đèn, cũng không rõ bà xã tôi đã về nhà hay chưa. Tôi phân vân một lúc, nghĩ đến những lời trước đó của em, tôi không dám cho bố mẹ lên nhà.
Tôi cầm điện thoại, gọi cho bà xã, em bảo em sắp vào ca rồi.
"Em còn định chạy đi đâu nữa? Bố mẹ tới rồi, em cũng không biết đường xuống nhìn mặt một chút à?" Tôi vẫn nói năng ra chiều bực dọc.
"Không nói chuyện với anh nữa. Có thông báo điều người rồi, nhân lực không đủ, giờ em đi đây." Em vội vã cúp điện thoại.
Bệnh viện của bà xã tôi có một đội ngũ nhân viên y tế chuyên về tuần hoàn phổi ngoại biên. Đội ngũ dạng này ở các bệnh viện trong thành phố vốn không nhiều, vào lúc dịch bệnh đang cao điểm hiện nay, họ sẽ không chỉ phụ trách công tác chăm sóc thường nhật cho các bệnh nhân tại ICU mà còn phải luôn sẵn sàng chờ lệnh điều động tạm thời từ các bệnh viện khác.
Lúc này tôi mới chợt hiểu, tình hình dịch bệnh có hơi nghiêm trọng rồi.
2.
23 tháng 1 năm 2020, hai mươi chín tháng chạp.
Buổi sáng thức dậy bật điện thoại lên, đâu đâu cũng thấy tin Vũ Hán bị "phong tỏa". Bố mẹ tôi chuẩn bị đi đến một thành phố khác, cách ly trong 14 ngày, tạm thời không thể về quê nhà Hồ Bắc.
Tôi muốn bố mẹ cùng ở lại đây đón năm mới nhưng bố tôi lại bảo, "Hai đứa giờ đang làm việc ở bệnh viện. Bố mẹ đến từ chỗ không xô bồ, ít cư dân sinh sống, cũng không di chuyển nhiều, đi đâu cũng đeo khẩu trang vào hết. Con đừng lo nhé! Sức khỏe bố mẹ tuy không có vấn đề gì nhưng cứ ở lại đây thì gây ảnh hưởng đến công việc của các con lắm."
Bố mẹ chỉ ở lại nhà tôi đúng một buổi tối.
Trong thời gian ấy, tôi gọi điện cho bà xã lúc nào cũng nghe thông báo "thuê bao nằm ngoài khu vực dịch vụ". Tôi không biết là em cố tình bật điện thoại ở chế độ máy bay hay thật sự đang đặt nó ở trong phòng không có tín hiệu.
Mãi cho đến khi sắp lái xe đưa bố mẹ rời đi, tôi vẫn còn đang cuống cuồng bấm màn hình liên tục gọi cho bà xã. Bố tôi giật lấy điện thoại qua một bên, "Con thôi đi, nó đang làm việc. Giờ con cứ thế này là đang gây thêm phiền phức cho nó đấy."
"Thế bây giờ cưới hay không cưới đây!" Tôi ngoẹo đầu sang chỗ khác, cả giận bảo.
"Cưới!" Mẹ tôi nói, "Sao lại không cưới hả? Con dâu tốt tính như vậy, chờ mọi chuyện xong xuôi, mẹ cho hai đứa một cái đám cưới nở mày nở mặt luôn."
Sau khi tôi tiễn bố mẹ ra về, bà xã mới tan ca đêm. Trước giờ nghỉ xả hơi, em gửi tin nhắn cho tôi, "Bệnh viện đang sắp xếp một đội ngũ nhân viên y tế, chuẩn bị sẵn sàng để tiếp viện gấp rút cho bên Vũ Hán, em muốn đăng kí."
Tim tôi như trượt đà rơi xuống đáy vực, chỉ biết đập loạn xạ. Tôi hoảng loạn bấm số gọi cho em liên tục mười mấy cuộc nhưng chỉ kết nối được đúng một cuộc.
"Em không được đi!" Tôi vừa nói xong bốn chữ, em đã cúp ngang máy.
Kết thúc ca đêm, bà xã chỉ ngủ non có được vài tiếng tại phòng nghỉ của đơn vị rồi lại thức dậy, tiếp tục đợi lệnh cấp trên. Bởi vì không uống nước đầy đủ, ăn cơm cũng chẳng đúng giờ, em bị tụt huyết áp.
Sáng hôm sau, bà xã gửi cho tôi một tin nhắn, "Sức khỏe không đảm bảo, không được phép gia nhập đội cứu trợ đợt đầu tiên."
Tôi lập tức thở phào nhẹ nhõm, vội vã gọi cho em, "Em nghe anh nói này, cứ đi gặp cấp trên rồi bảo, em có tiếp xúc với bố mẹ anh, nằm trong nhóm những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao rồi xin ở nhà cách ly, không đi đâu nữa. Được không em ơi?"
"Mẹ nó chứ, anh cũng là kẻ khoác áo blouse trắng trên người đấy. Giờ phút này mà mở miệng ra nói lời dối trá, ý thức trách nhiệm của anh vứt đâu rồi hả?" Nói xong, em lại cúp máy.
Từ hồi học năm nhất chúng tôi đã hẹn hò với nhau, tới bây giờ, bà xã chưa bao giờ hung dữ với tôi như vậy. Đây là lần đầu tiên em to tiếng mắng chửi tôi. Tôi không dám gọi thêm cuộc điện thoại nào nữa.
Tuy chúng tôi đều công tác trong ngành y, nhưng chuyên môn lại chẳng giống nhau nên hai đứa rất ít khi hỏi han về chuyện công việc của đối phương.
Trước Tết Nguyên Đán một thời gian, tôi với bà xã gần như không gặp mặt. Thường là em về nhà, tôi đã đi ra ngoài hoặc lúc tôi về, em không còn ở đó. Hai đứa chẳng có thời gian nói chuyện, đến cãi nhau cũng phải cãi qua điện thoại.
Tôi bỗng dưng hiểu được, hai ngày trước bà xã cố ý không gặp mặt bố mẹ tôi là để phòng ngừa tình huống này sẽ xảy ra. Em luôn lo lắng rằng mình sẽ không chu toàn chức trách.
Tôi biết, lúc này nếu xảy ra tình huống khẩn cấp gì, với tính cách mạnh mẽ vốn có, em dĩ nhiên muốn bản thân nằm trong đội cứu trợ đợt đầu tiên. Cuối cùng tôi cũng hiểu vì sao em lại chẳng màng tình cảm riêng tư mà khăng khăng về chuyện "đi ở" của bố mẹ.
3.
Các bệnh viện trong thành phố đã ban hành thông báo việc đào tạo đội cứu trợ đầu tiên cho dịch Corona. Nhưng mãi cho đến khi Vũ Hán bị phong tỏa, tôi cũng chẳng ngờ rằng mọi sự sẽ đi đến nước này.
Bạn bè trên mạng xã hội ầm ầm đi mua khẩu trang, nghe ngóng những cái gọi là "thông tin nội bộ". Đâu đâu cũng thấy tin tức thật giả lẫn lộn về tình hình bệnh dịch, lâu lâu lại xen vào một hai thông báo chính thức từ các đơn vị có thẩm quyền nhằm bác bỏ tin vịt. Trên đường vắng tanh, trong khu chung cư chỉ thi thoảng nghe được tiếng xe chạy từ nơi xa xa. Tôi cảm nhận được bầu không khí hoang mang và lo sợ từ đáy lòng mọi người.
Mãi cho đến chiều, bà xã cuối cùng cũng được trở về nhà. Tôi đứng bên cửa sổ nhìn xe của em đi từ xa đến gần rồi đỗ ngay ngắn ở dưới lầu mới thấy lòng dịu lại.
"Ông xã ơi, em muốn ăn một bát hoành thánh ạ." Bà xã vào nhà chỉ nói đúng một câu.
Tôi vào bật bếp gas, chẳng hiểu vì sao vừa nấu lại vừa rơi nước mắt. Bà xã thấy tôi một lúc lâu vẫn chưa bước ra nên đi vào, ôm tôi từ phía sau, nhẹ nhàng bảo, "Không sao đâu anh à, mọi việc rồi sẽ qua thôi."
Lúc bà xã ăn hoành thánh, tôi cố lấy can đảm khuyên nhủ em lần nữa rằng, "Nói với cấp trên của em, đừng đi làm mà, cứ ở nhà thôi. Xin nghỉ phép có được không hả em?"
Bà xã từ tốn đặt đũa xuống, hít sâu một hơi rồi nhìn tôi đăm đăm, "Những lúc như thế này, nhân viên y tế chúng ta không đi, vậy ai đi đây hả anh? Chả lẽ để mấy cụ già với tụi nhỏ đi hay sao?"
Tôi thốt không nên lời.
Em lại bảo: "Anh ở nhà đi, lo toan mọi sự trong gia đình, chăm sóc tốt cho em trai của em. Chờ anh cách li xong không có thêm vấn đề gì nữa thì quay về với chức trách của mình đi. Đó mới là nơi đang cần sự có mặt của anh đấy."
Sau khi tốt nghiệp đại học, bà xã trở thành điều dưỡng, tôi làm nhà tâm lý trị liệu.
Chúng tôi cùng nhau cố gắng làm việc tại thành phố này. Vì có bà xã, tôi cũng yêu thương nơi đây, yêu thương con người, cảnh vật cũng như ẩm thực của thành phố này.
Không giống như đại đa số nhiều người chọn nghề điều dưỡng cho có việc mà làm, bà xã tôi chọn nghề này với lí do cực kì đơn giản, em ấy thực sự muốn làm nghề này.
Lúc hai đứa vừa quen nhau, em bảo tôi: "Làm bác sĩ ấy hả, điểm em không đủ đâu. Em đi học làm điều dưỡng, cũng coi như là biết chữa bệnh cứu người rồi."
Nhìn em có vẻ không được lanh lợi, trông hơi lơ tơ mơ thôi chứ thực ra lại là một người rất có nguyên tắc và giàu nghị lực. Đặc biệt là trong việc đốc thúc tôi mấy chuyện như rửa chén, lau nhà, chả bao giờ thấy em than mệt, lúc nào cũng nhắc nhở đúng giờ đúng lúc.
Năm 2014, em đi thực tập, rất nhiều bạn cùng trường lo tìm đơn vị thực tập tại địa phương. Riêng em lại đi với các bạn điều dưỡng lớp khác ra đến tận Quảng Châu, đã vậy còn đi tới 9 tháng.
Nghĩ tới việc xa nhau lâu như thế, tôi hơi ai oán trong lòng, giả vờ làm khó dễ em rằng, "hoặc là đi Quảng Châu, hoặc là chia tay luôn". Thế mà em lại bảo, "Trình độ y tế ở Quảng Đông phát triển hơn so với nơi tụi mình ở rất nhiều, đi cọ xát ở bệnh viện tuyến trên thì mới có thể học được kĩ năng thực tiễn chứ."
Trong thời gian đi thực tập, em và các bạn sống trong khu dân cư gần bệnh viện. Mỗi ngày đi theo thầy giáo thay phiên nhau đổi ca trực, không có lấy một đồng tiền lương.
Tết Nguyên Đán 2015, tôi đi Quảng Đông thăm em, em có lòng nấu cho tôi một bát mì tẩy trần. Em móc từ dưới gầm giường ra một cái bếp điện, mì sợi rồi dè dặt vốc thêm một nắm tép ruốc bỏ vào.
Bát mì ấy, tôi chan nước mắt mà ăn hết.
Khi chính thức được đi làm, em kiên quyết đến phòng chăm sóc đặc biệt mà bệnh viện vừa xây xong. Tôi cật lực phản đối - một cô gái cao chưa đến 1m60, nặng chỉ có 45 cân như em, làm sao có thể chăm sóc cho những người bệnh hoàn toàn mất đi năng lực lo liệu cuộc sống hàng ngày chứ? Tôi không tài nào hình dung nổi.
Nhưng cuối cùng em vẫn đi.
ICU là nơi mà sự sống và cái chết giao thoa mỗi ngày. Em đã từng là một cô nhóc thấy chó con cũng rối rít chạy trốn, thế mà lại trụ ở nơi đó đến ba năm. Một ca đêm dài, hai ca đêm ngắn, hai ca ngày, cứ tuần hoàn đều đặn như thế. Viêm quanh khớp vai thể đông cứng, suy nhược thần kinh, giãn tĩnh mạch, những bệnh nghề nghiệp mà nhân viên y tế thường hay mắc phải, em đều có.
Không biết bao nhiều lần, em về đến nhà đã mệt đến mức ngủ không tròn giấc, cứ nằm lăn qua lộn lại trên giường. Thế là tôi giở mấy ngón mát xa mèo quào học lỏm được trên mạng giúp em thư giãn gân cốt.
Mỗi lúc như thế, em đều cố tỏ ra vui vẻ, dịu giọng bảo tôi rằng, "Ông xã em tốt như vậy, thiệt muốn im ỉm giấu đi luôn không cho ai biết quá!"
Nhưng tôi cười không nổi, lần nào cũng cẩn thận hỏi dò em rằng "Hay là, đổi sang phòng ban khác em nhé?"
Em chỉ phẩy tay rồi vùi đầu thật sâu vào trong gối.
Năm 2017, có lần em bị sốt cao, thế mà còn ráng gồng người đòi đi trực đêm. Tôi bắt em nằm trên giường, gọi điện cho điều dưỡng trưởng xin nghỉ phép cho em. Ai ngờ điện thoại vừa kết nối, em đã giật lại rồi bảo, "Điều dưỡng trưởng, em đang đi khám bệnh, kiểm tra sơ sơ thôi, không có gì nghiêm trọng em sẽ tiếp tục đi làm ạ."
Ra đến trước cửa, em hãy còn an ủi tôi, "Phòng chăm sóc đặc biệt thành lập cũng chưa bao lâu nhưng đã gánh trách nhiệm chăm sóc hết những bệnh nhân trong viện rồi. Người nào làm việc nấy, công việc lúc nào cũng trong tình trạng bị quá tải. Nhân lực lại đang không đủ, không có chuyện gấp gáp em không thể xin nghỉ được đâu anh à."
Có lần em tham gia một cuộc thi diễn thuyết trong bệnh viên, bản thảo nội dung tôi từng xem, trong đó có viết một đoạn như thế này: "Tôi ghi tạc lòng mình vào mỗi ca trực đêm, trên hành lang ICU chỉ có tiếng bước chân lộp cộp của điều dưỡng và bác sĩ. Chúng tôi không dám nghỉ ngơi, bởi vì chúng tôi biết, nơi mỗi bước chân chúng tôi đặt đến, luôn có những bệnh nhân đang gồng mình vượt qua lằn ranh giữa sự sống và cái chết."
(Còn tiếp)
_______________
Nguồn: http://renjian.163.com/20/0130/10/F44NV7HG000181RV.html
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top