wdthang Học cách giải quyết tranh cãi trong tỉnh thức
Học cách giải quyết tranh cãi trong tỉnh thức
16. Apr, 2011 0 Comments
Sau hơn hai thập kỷ nghiên cứu, các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu điều trị hành vi ở bang Ohio đã phát hiện ra cách mà stress có thể làm thay đổi nồng độ của một số hóc-môn trong máu, từ đó có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, làm tăng tình trạng dễ bị mắc bệnh. Những nghiên cứu của họ nói đến các ảnh hưởng của các vụ tranh cãi trong hôn nhân và những phương cách nó có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của con người, làm giảm hiệu quả của vắc-xin đã tiêm ngừa và làm chậm tỷ lệ làm lành vết thương. Điều này đặc biệt đúng với phụ nữ bởi nam giới thường "lớn giọng" với vợ trong cuộc tranh cãi. Theo Tiến sỹ Janice Kiecolt Glaser, một nhà khoa học trong cuộc nghiên cứu, "Chúng tôi không nói rằng các cuộc xung đột trong hôn nhân là tuyệt đối xấu. Chúng là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, chính cái cách mà hai vợ chồng bất đồng mới liên quan tới việc gia tăng mức hóc-môn và làm suy giảm chức năng miễn dịch sau này. Đó chính là ở đặc trưng của cuộc tranh cãi."
Khi mọi người đang trong trạng thái kích động giữa cuộc tranh cãi họ thường rơi vào những cảm xúc không lành mạnh như đổ lỗi, chỉ trích, phán xét, gây hấn hoặc tìm lỗi để biện minh cho vị thế của mình. Một khi người ta rơi vào những phản ứng tiêu cực này, họ có thể trở nên tê liệt hoặc mắc kẹt vào một trong ba mấu chốt nguy hiểm của việc tranh giành quyền lực - lấn át, điều khiển và/ hoặc kiểm soát. Khi điều này xảy ra nó dẫn tới đổ vỡ trong những cuộc giao tiếp. Vì thế làm cách nào bạn mà vẫn có thể còn bình tĩnh và không phản ứng khi đang ở trong một cuộc đối thoại nảy lửa? Quá trình này bắt đầu bằng cách trở thành người lắng nghe trong tỉnh thức.
Đối tượng trong giải quyết xung đột sẽ là lý tưởng nếu cả hai bên bắt đầu thực tập lắng nghe và nói chuyện trong tỉnh thức (nghĩa là ở trong hiện tại). Bước đầu tiên là cần nhận thức rằng bạn đang ở trong trạng thái không lành mạnh hoặc vô ích. Sau khi bạn nhận biết được khía cạnh này thì việc quan trọng tiếp theo sẽ là phân loại xem hai người đang xung đột về điều gì và đặt cho nó một cái tên. Ví dụ, hầu hết các cặp vợ chồng thường mâu thuẫn về tiền bạc, tình dục, thời gian, trách nhiệm, và sự chăm sóc, vậy nên bạn có thể tranh cãi về một trong những vấn đề này.
Sau khi bạn đã thiết lập được nguyên nhân của việc thất bại trong đối thoại thì bước tiếp theo là then chốt, bởi đây là nơi bạn tháo gỡ nút thắt của cuộc tranh cãi để xác định tất cả các khía cạnh của xung đột vốn đã bị mắc kẹt trong nó. Để đạt được điều này tôi giới thiệu cho bệnh nhân của mình một bài tập đơn giản về lắng nghe trong tỉnh thức. Lắng nghe trong tỉnh thức có nghĩa là trọn vẹn hoàn toàn trong hiện tại và tỉnh thức không chỉ về lời nói mà còn cả ngôn ngữ cơ thể và hành động của người kia. Trước tiên, người A là người bắt đầu bằng cách nói về điều đang diễn ra trong tâm trí anh/ cô ta. Người B là người nghe lắng nghe trong chánh niệm và chỉ sau khi người A kết thúc thì người B mới hồi đáp đầy chân thành với câu nói, "Anh đã nghe mọi điều em nói và anh sẽ lưu tâm tới suy nghĩ, cảm giác và nhận thức của em từ giờ phút này trở đi." Sau đó đổi ngược vai để người A trở thành người nghe. Bằng cách học lắng nghe một cách sâu sắc và chân thành với người khác, bạn có thể khám phá ra mình đang bị mắc kẹt ở đâu trong cuộc xung đột.
Một khi bạn và người kia hiểu được gốc rễ của cuộc xung đột, thì sẽ dễ dàng hơn nhiều để thoát ra khỏi lối phản ứng thông thường. Bây giờ hai bạn có thể cùng nhau tạo nên một quan điểm mới mẻ hoặc khác biệt với những gì còn chưa được tốt trong mối quan hệ. Cách tiếp cận độc đáo này cũng đòi hỏi một cách diễn đạt khác để thay đổi rắc rối của bạn. Ví dụ, sau khi bạn đã có thể gỡ rối sợi dây xung đột, hai bạn có thể đổi vai lại, và nói với người kia, "Anh nhận thấy rằng điều em đang nói là _________ và hành động mà anh sẽ thực hiện để tạo nên thay đổi là _______ . Điều anh hứa sẽ làm khác đi là _________ và đổi lại, đề nghị mà anh có với em là ___________ ."
Khi cả hai bạn phát triển kỹ năng nghe và nói khôn ngoan bạn sẽ bắt đầu nhận ra thời điểm bạn có xu hướng phản ứng lại người kia cùng sự thô lỗ và mỉa mai, và bạn sẽ ngay lập tức nhớ rằng bạn muốn buông bỏ lối hành xử cũ. Bạn sẽ bắt đầu tăng cường một mạng thần kinh mới trong não bộ mình. Mạng này sẽ thúc đẩy sự nhận thức về tính chính trực và điểm mạnh của bạn, và khai mở lòng từ bi trong bạn. Bạn sẽ thôi không cảm thấy tội lỗi và phủ nhận xu hướng chế nhạo của mình, bởi lòng trắc ẩn của bạn đối với bản thân và người khác sẽ làm tan biến ham muốn nói ra những lời cay nghiệt của bạn. Sau đó, khi người kia đưa ra lời bình luận mà bạn không đồng ý hoặc khiến bạn khó chịu, bạn sẽ có khả năng lựa chọn trong tỉnh thức cách phản hồi mới hữu ích và lành mạnh hơn, thay đổi tinh thần chung trong mối quan hệ của bạn với họ và thúc đẩy các mối quan hệ tốt hơn.
Nguồn: Ronald Alexander, Learn How to Mindfully Resolve Arguments
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top