nieljin; soleil



"Thằng Kiện đâu đi mua hành cho mẹ! Con với cái cả ngày đi ton hót chả giúp gì được sất."

Ấy là mẹ tôi, bà năm nay đã ngoài tứ tuần, chả là đang trong thời kỳ vướng bận một thời son sắc nên câu nói oanh vàng luôn lơ lửng bên khóe môi mẹ tôi cũng là réo rắt lấy tên tôi mà xa xả, mà mắng yêu. Tên con trai sắp chạm tuổi lấy vợ sinh con này cũng không phải loại ngại ngùng gì cho cam, cười toe tỉnh rụi đáp lại mẹ.

Có mấy khi được về nhà chơi đâu chứ!

"Ơ ông đi chợ mà không lấy tiền thì định chuộc xe đạp trả tiền à?" Lần này là Huân, thằng nhóc hàng xóm độc mồm. Tôi luôn than vãn với mẹ rằng mẹ chửi tôi bằng cái danh xưng cố nội gì cũng được, đừng có lấy thói ton hót ra chửi con như thế. Ton hót thì mấy ai trong xóm lại được thằng Huân, nhà nào cũng quen mặt thuộc tên nó, cá biệt có mấy cô chị đang tuổi trăng rằm cưng nựng thằng nhỏ lắm, riết rồi chiều nào cũng túm cổ thằng bé ra ngoài hiên nhà mà hỏi chuyện mấy anh trai. Trách sao được, miệng lưỡi dẻo quẹo, đến phường cau có như thằng Trấn còn ưng.

Tôi nhấc chén trà mẹ dùng chặn tiền ở trên bàn, làm một hơi tỉnh rụi. Tới khi mẹ nghe thấy tiếng ông con nuốt ực một cái rõ to thì tá hỏa,

"Thằng Kiện! Mày làm gì cốc trà mẹ để trên bàn thế hả?"

Tôi vơ đại mấy tờ tiền lẻ trên bàn, nhanh chân lượn lẹ. Trước khi phóng mình ra khỏi nhà, tôi còn nghe giọng thằng Huân ngọt sớt

"Thôi bác để con pha thêm ấm nữa nha. Mẹ con ở nhà cũng dùng loại trà này nè"

Đúng cái phường ton hót chưa.

Tôi ngồi trên con "kỵ mã vàng" của bố, cái con xe hồi xưa còn sung sức để tôi ngồi lên quẫy đạp bây giờ lại cà tàng quá thể. Gì mà kỵ mã, kỵ Kiện thì có, mỗi lần tôi đạp là cái pê-đan tưởng như gãy ngay được ấy. Thế mà bố đạp, mẹ đạp, thằng Huân rồi tới thân đồ tể của thằng Trấn đạp thì chả xi nhê gì. Trưa trời đổ nắng nóng như chảo lửa, thiếu điều muốn đem cả ngõ nhỏ hun chảy hoà cùng với mây gió mà trôi tuột hết đi. Tiếng cót két của xe đạp vang vọng giữa trời, sẵn tiện luôn cái thanh âm oi oi tới hoa mắt chóng mặt của mùa hạ như muốn bức chết người làm ruột gan tôi nhộn nhạo hết cả. Tôi chợt nhớ đến truyền thuyết Hậu Nghệ bắn hạ chín mặt trời, thật tốt, thà chết còn hơn phải chịu cảnh từng thớ da bị nung cháy bằng lửa mặt trời.

Nắng hạ nấn ná trên mái tóc rối như rơm của tôi, thấm cả vào da đầu dậy lên những nóng bỏng khó chịu, tôi lại quên đội mũ rồi. Cái ẩm ướt ở lưng và cơn choáng nhẹ nơi đỉnh đầu thôi thúc chân tôi đạp nhanh hơn, mẹ kiếp, sau vụ này tôi thề sẽ xới đất trồng rau xanh ở mảnh vườn sau nhà, khỏi có đi đâu cái thời tiết này hết!

Tôi chẳng buồn gạt chân chống con xe đạp, cho nó dựa hơi bức tường xi măng chi chít tờ rơi rồi đi thẳng vào sạp mua hành. Cô bán hàng chẳng lạ gì bản mặt tôi - chân sai vặt đắc lực của mẹ, nên hỏi luôn,

"Kiện con, lại mua hành cho mẹ à?"

"Dạ" Tôi thều thào đáp, coi kìa, trời trưa hành hạ tôi ra tới nông nỗi này đây.

Cô bán hàng nhanh chóng gói mớ hành lại bỏ vào túi rồi đưa cho tôi, miệng vẫn không ngừng trò chuyện

"Kiện được nghỉ hè nên về chơi ha con?"

"Dạ, con vừa về hai hôm trước"

"Vậy tốt quá, mẹ con cứ than vãn nhớ con hoài." Tôi bật cười, mẹ tôi vẫn hay chuyện như vậy, riết rồi nhà tôi có chuyện gì y như rằng cả xóm đều rõ.
Cô lấy tiền tôi đưa, chép miệng chê tiền chẵn nhưng ánh mắt vẫn đậm ý cười. Cô lục trong chiếc túi vải tiền thừa trả tôi, nói tiếp

"À mà, thằng Trấn mấy bữa nay cũng lân la qua hỏi chuyện cô đó, hỏi coi con ở đây lâu không, rồi bao giờ con đi. Bộ hai đứa có chuyện gì hay sao mà trông mặt nó cứ buồn rười rượi thế?"

À, thằng Trấn, Phác Vũ Trấn, phường cau có anh trai ruột của phường ton hót Phác Chí Huân, hai đồng chí đóng căn cứ ở nhà tôi, bố mẹ coi hai đứa như con ruột, phận con gan như tôi cũng không phàn nàn gì. Kể ra cũng kỳ, thằng Huân nhanh nhảu mồm miệng, loắt choắt hoạt bát, vậy mà cứ nhìn thằng Trấn lại thấy như sắp đánh nhau không bằng.

Tôi thoáng chậc lưỡi bảo với cô rằng mặt thằng Trấn lầm lì thành thói rồi, chơi với nhau cả mấy năm có bao giờ thấy nó phá lên cười như thằng Hoán xóm dưới đâu, mỗi khi cười y như rằng chó ngừng sủa mèo ngừng kêu.

Thấy trời chuyển râm, tôi nhận tiền vội rồi chào cô đi về. Tôi mang thân bò mộng trèo lên con xe đạp, xuýt xoa vì ban nãy dốt quá dựng xe ngay khoảng nắng. Tôi xông lên như một chàng kỵ sĩ, nhanh chóng lượn lẹo qua con đường lắt léo của chợ trưa. Chết tiệt, mấy quầy hàng mọc lên nhiều vô kể choáng gọn ghẽ tầm nhìn của tôi. Vất vả lắm mới thoát ra được, tôi lầm bầm trực ca một bài chửi rủa nhưng kịp nuốt lại, vì trước mặt tôi là Phác Vũ Trấn hâm dở tự nhiên đứng chặn xe đạp người ta giữa đường.

"Mẹ mày!" Tôi giật mình chửi thề, rồi chột dạ đưa mắt quan sát thằng nhỏ. Từ thuở cha sanh mẹ đẻ thằng Trấn ghét nhất là chửi bậy.

"Xin lỗi" Thằng nhỏ vẫn giữ bản mặt lầm lì, mở miệng nói một câu cho có lệ

"À ừ... rồi có chuyện gì không?"

Cha má ơi, lần đầu tôi thấy thằng nhỏ bấm tay vẻ bối rối, cái nắng như thiêu thấm vào đôi đồng tử của nó, tôi nghĩ rằng mình có thể nhìn thấy hình ảnh thằng Kiện trong mắt thằng nhỏ rõ ràng như thế nào. Vầng dương chói lọi chiếu vào tay Trấn, ánh lên thứ màu đồng rắn rỏi, quá trình dạy thì hẳn là đã tác động đến thằng bé nhiều lắm. Rồi thằng nhỏ trả lời câu hỏi của tôi bằng cái mát lạnh của nước đóng chai áp thẳng vào gò má lấm tấm mồ hôi của tôi

"M-mẹ sai em đi coi xem anh lượn ở đâu mà chưa về" Thằng nhỏ nói, mắt láo liên.

"Anh tiếp chuyện cô bán hàng, với cả đường chợ đông quá, chen mãi mới thoát được"
Tôi thành thật, và hình như tôi thấy nắng trưa rủ nhau chạy trốn vào đôi mắt Trấn, để chúng óng ánh rực sáng, đôi mày kiếm khẽ cau lại, dù trong một thoáng thôi nhưng tôi nhìn được hết. Nhếch nhẹ khoé miệng, tôi chụp lấy chai nước tu một hơi dài, trở người ngồi ra yên sau, nhường lại yên trước cho Trấn, hất hàm

"Chở anh về"

Vậy là Trấn không ngại leo lên xe, chở tôi về nhà. Chở tôi trên chiếc xe vàng ruộm và nên thơ, chở tôi với ánh mắt nghiêng ngả trong chao màu sắc chói mắt của ánh dương và vệt hồng sượt qua trên gò má của tôi và Trấn.

Có lẽ Hậu Nghệ đã không bắn hạ cả thảy chín mặt trời. Còn hai mặt trời đọng trong tim những kẻ đang yêu, toả ra nhiệt năng chói lọi và ngọt ngào nhất.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top