chỉ hỏi kết quả

Tối qua con phàn nàn với cha:
"Rõ ràng cha nói con đã lớn, có thể tự sắp xếp thời gian, không ép con luyện đàn và làm bài tập nữa; vậy mà cha cứ liên tục hỏi kết quả, khiến con vẫn cảm thấy sức ép..."
Giờ cha phải nói với con: việc đó không có gì sai! Khi không yêu cầu con làm việc này việc kia, không có nghĩa là cha không còn yêu cầu con, mà là mong con dùng khả năng tự quyết để định việc nào có thể làm sau. Khi không thức giục con đi ngủ, không có nghĩa là cha không còn để ý đến sức khỏe của con, mà muốn con tự rút kinh nghiệm cả ngày mệt mỏi vì hôm trước ngủ muộn. Khi không hỏi con sắp tới có bài kiểm tra gì, cha mong con tự rút kinh nghiệm nước đến chân mới nhảy.

Cha giống như một lão nông dẫn con ra ruộng. Một hôm trao mảnh ruộng cho con, bảo con hãy tự trồng cấy, cha không can thiệp vào việc chăm sóc, tưới tắm để tránh cho con khỏi ỷ lại. Nhưng cha phải nói rằng:
"Trước kia, cha ép con từng việc, chỉ yêu cầu con trồng cấy mà không hỏi thu hoạch. Nhưng từ nay, cha không ép con từng việc, và chỉ hỏi thu hoạch chứ không hỏi trồng cấy."
Thế giới này là như vậy. Với bản thân, chúng ta chỉ cần yêu cầu "trồng cấy gì" là được. Nhưng người khác đối với chúng ta lại thường chỉ hỏi "thu hoạch gì". Ngay những kẻ đánh bạc, người ta chỉ hỏi tan cuộc anh ta thắng thua ra sao việc gì phải tính toán xem anh ta chơi từng ván thế nào.

Bởi vậy, cho những mục tiêu ngắn hạn, bất kể con đọc sách ra sao, giải trí mất bao nhiêu thời gian, chỉ cần kiểm tra được điểm cao là thành công. Cho mục tiêu trung hạn, bất kể con học cấp ba ra sao, chỉ cần vào được trường đại học tốt là thành công. Còn với mục tiêu dài hạn, dù con có vào được đại học hay không, chỉ cần có thành tích, có cống hiến cho xã hội là thành cong.

Nhưng hiện giờ cha chỉ xét mục tiêu ngắn hạn. Con có thể tùy ý sử dụng thời gian, tùy ý làm việc của mình, có thể hai giờ sáng mới đi ngủ, mất mấy chục phút gọi điện thoại, chỉ cần thành tích học kì của con tốt là cha không nói gì. Bởi đó là việc của con, con có quyền chơi, có quyền làm, cha mẹ không nhất nhất xen vào.

Dầu như vậy, cha không thể bảo đảm cho con thành công sau này, bởi hôm nay cha chỉ có thể ép con học tốt, ngày mai ép con vào trường tốt; đến khi con ra đời, ai có thể ép được con nữa? Nếu con không tự tạo sức ép, tự bắt mình vượt lên thì vẫn có thể thất bại.

Cha thừa nhận vẫn tạo áp lực lên con, chỉ chuyển áp lực từ hỏi trồng cấy gì sang hỏi thu hoạch gì. Cha tin rằng thứ áp lực đó tuyệt đối có lợi. Chỉ cần cha biết cách chuyển từ đòi hỏi mục tiêu ngắn hạn sang mục tiêu trung hạn, dần dần biến thành đòi hỏi của chính con là có thể giúp con thành công trên đường đời sau này.

Cha hay nghĩ, phần nhiều trẻ em Trung Quốc trưởng thành trên đất Mỹ đều khá hơn trẻ em Mỹ. Không phải vì trẻ em Trung Quốc thông minh mà chủ yếu do đòi hỏi của cha mẹ. Nói theo kiểu của con là vì cha mẹ tạo áp lực học tập lên con cái. Vấn đề là, con cái người Trung Quốc được vào trường đại học tốt, sau này có tỉ lệ thành công trong các viện nghiên cứu nhiều hơn hẳn người phương Tây. Hiện tại, mọi lĩnh vực đều có người gốc Hoa thành công, con có thể nói áp lực đó không có tác dụng không?

Lúc than phiền với cha, con nên nhớ lại hình ảnh chiếu trên ti-vi về các vận động viên trượt băng nghệ thuật tại thế vận hội mùa đông. Con có thấy hình ảnh đặc tả nét mặt của vận động viên khi chờ thông báo điểm? Tay, chân của họ đều khẽ run. Vậy mà khi trình diễn, họ linh hoạt, bắt theo tiếng nhạc, nét mặt tươi tắn. Ẩn giấu đằng sau những động tác uyển chuyển, gương mặt tươi cười là gì?

Là áp lực! Áp lực từ đất nước, từ đối thủ, từ khán giả, từ bản thân, từ những người hâm mộ và cả những người thân yêu!

Vậy mà dưới áp lực khủng khiếp đó, chỉ cần họ sơ xuất một chút, chỉ hơi chậm hoặc hơi nhanh một chút là ngã trước mặt hàng triều người theo dõi. Quan trọng nhất là: Huy chương vàng chỉ có một, phần lớn những người khác cuối cùng phải im lặng ra về.

Chàng trai! Sinh vật nhờ cạnh tranh mà tiến hóa. Có cạnh tranh là có áp lực. Chỉ có chuẩn bị sức lực đầy đủ mới chịu được áp lực lớn, mói có thể bước lên đỉnh cao

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: