ấn tượng sai lệch
Hai người cùng đến New York trong một thời gian ngắn, một người ấn tượng New York là thành phố lãng mạn nhất thế giới, và hy vọng có dịp ở lại lâu hơn; người kia lại cảm giác New York là địa ngục trần gian, cho rằng ở New York thêm bao lâu nữa cũng không thèm.
Vì sao ấn tượng của họ về New York khác nhau đến vậy?
Người thích New York nói, vừa ra khỏi sân bay, ông ta đã được bạn đưa đến nghỉ chân ở khu Queens, sau đó gọi taxi tới Bảo tàng nghệ thuật thành phố (Metropolitan Museum of Art), ăn tại quán đối diện bảo tàng, sau đó đi theo đường ven Công viên trung tâm tới Đường số 5 sầm uất nhất thế giới, xem tòa tháp Trump (Trump Tower), vườn trúc JBM, tới sân trượt băng của Trung tâm Rockefeller, sau đó lên tầng thượng tòa nhà Đế chế (Empire State Building) để thưởng thức phong cảnh Manhattan rồi gọi xe về.
Người ghét New York thì nói, vừa ra khỏi sân bay, ông được bạn gọi taxi đưa tới khách sạn ở gần đường 42, sau đó đưa ông tới ga tàu điện ngầm trung tâm để tới Bảo tàng lịch sử tự nhiên (American Museum of Natural History), đi tàu điện ngầm tới ăn ở khu thương mại, tới Tòa tháp đôi (World Trade Center) để thưởng thức phong cảnh đêm Manhattan, tới quảng trường Thời đại, dạo xem cửa hàng dành cho người lớn rồi trở về khách sạn.
Con có biết vì sao ấn tượng về New York của họ lại khác xa đến vậy? Dù cả hai được bạn tiếp đãi tốn kém không ít, đều được đưa tới bảo tàng và những tòa nhà nổi tiếng nhất; nhưng người trước được đưa qua khu cao cấp, thấy công viên yên tĩnh, thấy bộ mặt đô thị giàu sang và sạch sẽ; người sau lại thấy tàu điện ngầm hôi tanh, khu thương mại lộn xộn, quảng trường Thời đại bẩn thỉu, còn phải chịu thêm tiếng ồn ỹ ngay cạnh khách sạn.
Vấn đề là: nếu không có dịp tới New York lần nữa, ấn tượng của họ về New York sẽ kéo dài suốt đời. Họ đều đã mắt thấy tai nghe New York, nếu nghe họ phát biểu cảm tưởng, con cho là họ đúng hay sai?
Đừng nghĩ cha "bé xé ra to", bởi rất nhiều người mắc căn bệnh "sờ voi", có thể nói rằng ai cũng mắc căn bệnh đó. Thậm chỉ nhiều người chưa mắt thây tai nghe, hoặc chỉ nghe tin đồn thổi mà cũng phán chắc như đinh đóng cột.
Làm như thế, người thiệt hại là ai?
Chính là những người có ấn tượng sai lệch và người bị ấn tượng sai lệch. Người có ấn tượng sai lệch cả đời sẽ không còn muốn tiếp xúc, tìm hiểu; mất cơ hội tới thăm những nơi đẹp đẽ, kết giao với những người bạn tốt. Người bị ấn tượng sai lệch vĩnh viễn không có cơ hội giải thích, đồng thời chịu tổn hại vì những lời đồn đại điêu ngoa.
Đời này có gì hoàn hảo đâu? Thành phố càng sạch sẽ thì hệ thống nước thải càng lớn; càng không nhìn thấy rác thì đống rác cạnh thành phố càng to như núi. Đến người còn có động mạch và tĩnh mạch, ai có thể vì thấy "gân tay" xấu xí mà cắt bỏ tĩnh mạch đâu?
Bởi vậy, đánh giá con người, sự việc, thậm chí nghe người khác quả quyết, chúng ta vẫn cần giữ thái độ khách quan. Người xưa nói "tin hết ở sách chẳng thà không có sách", nếu tin hết ở sách chẳng thà không có sách", nếu tin tất cả những gì người khác nói thì chẳng phải phí phạm năng lực quan sát của bản thân sao?
Còn nhớ hồi cha ở sở nghiên cứu, có giáo sư đã phát biểu trên giảng đường "Tần Thủy Hoàng là kẻ xấu!" khiến nhiều nghiên cứu sinh thấy phản cảm. Bởi đó là sở nghiên cứu, không phải nhà trẻ. Nghiên cứu cần dữ liệu lịch sử khách quan, không phải để đưa ra ý kiến chủ quan. Vị giáo sư kia chưa dẫn sử liệu mà đã phán ngay một câu "Tần Thủy Hoàng là kẻ xấu!", vừa chủ quan, vừa bưng tai bịt mắt người khác, khiến họ mất năng lực phán đoán.
Vì nghe con bình phẩm các bạn cùng lớp một cách rất chủ quan nên cha mới nói nhiều như vậy. Bởi nó có liên quan đến cả đời con, cũng liên quan đến công việc và những người mà cả đời con tiếp xúc.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top