Chương 6: Cô gái nhỏ và biển cả


Bây giờ mới cuối tháng năm, vậy là còn chừng 7 tháng 6 ngày nữa mới khởi hành. Phải đợi đến hơn nửa năm!

An thở dài, tối là buổi tối khó chịu nhất trong ngày. Đó là điều mà ngay từ hôm qua, khi vừa đặt chân đến đây An đã tha thiết cảm nhận được. Là một linh hồn thì không thể ngủ. Điều này thật tệ hại. Nó kéo An vào những dòng suy tư bất tận với muôn vàn những câu hỏi không có lời đáp.

An nhớ ngôi nhà, nhớ gian bếp, nhớ nồi canh chua nước lợ của má, nhớ cái mặt bự mỗi sáng của ba. Cả nhỏ Linh và thằng Thuận nữa. Tụi nó sao rồi? Đi chơi có vui không? Mà, vui làm sao được. Cái mặt đó, cứ như xa cách vĩnh viễn. Hai thế giới. Biết khi nào lại chạm mặt.

Lòng ngực cứ nghèn nghẹn, hình như lại mệt hay sao ấy. An lượn vài vòng, mong rằng cảm giác này sẽ chóng qua. Lần nào cách này cũng hiệu quả. Tuy nhiên, tốt nhất vẫn là nói chuyện với ai đó. Vấn đề ở đây là phòng An có chừng hơn hai mươi đứa và hầu như đến từ khắp nơi trên thế giới. Chính vì vậy, khó mà có thể tìm đối tượng trao đổi cho hết thì giờ, ít ra với An, một thằng chỉ biết tiếng Anh ba mớ thì quả là một thử thách lớn.

An liếc nhìn một linh hồn đang lơ lửng ở tận cùng góc trái căn phòng, gần sát trần. Trông châu Á lắm, nhưng chưa hẳn người Việt. Cậu ta chỉ vô sau An chừng 30 phút. Ngay khi vào phòng, cậu chàng này đã len lén nếm thử vài cú xuyên tường nhưng đều thất bại. Giờ lại đến trần nhà, quả một tay rất có tinh thần khám phá. Thật tình mà nói trông cậu ta chả có gì giống một thằng nhóc hiếu động cả, ngược lại, ngoại hình tên này giống dạng con ngoan trò giỏi hơn. Cậu ta có một đầu tóc trông khá mềm và ngay ngắn, mắt ti hí, mặc một bộ đồ trông như đồng phục học sinh. An híp mắt lại, cố gắng nhìn qua lớp bóng lượn lờ trong căn phòng, "hiếu động" đang mân mê những đường vân lượn sóng trang trí trên trần, đôi mắt híp lại. Khả năng là cậu ta chỉ đơn thuần say mê nghệ thuật trang trí ở đây, hoặc là đã phát hiện ra điều gì đó. An đảo mắt khắp phòng, dường như cũng có vài đứa đang chú ý "hiếu động". An chuyển ánh nhìn sang đồng hồ vệ nữ bên cạnh, lòng dặn lòng, quá tò mò sẽ không tốt, không tốt chút nào.

Đã hơn bảy giờ rưỡi sáng.

Điều tiện lợi của một linh hồn khi lên lớp là không phải chuẩn bị gì cả, 10 phút cũng đủ để tụi An đến lớp. An cũng chẳng phải lo lạc đường, chỉ cần theo bọn đến trước sẽ biết.

Một hàng những linh hồn lập lòe xuyên qua hành lang chính. Những chụp đèn thủy tinh màu dọc hai bên tường ánh lên sáng ngời, phủ lên đường đi và những bức họa. Điều đó làm cho chỗ này chẳng có chút gì âm u của tầng ngầm, mà ngược lại, sáng choang bản giao hưởng của sắc màu. Nghe đâu tòa nhà này chuyên dùng trưng bày tác phẩm của lớp Mỹ Thuật, hằng năm chỉ mở ra một lần suốt tháng giêng. Hẳn nhiên, đến lúc đó thì bọn An đã đi rồi, cùng với máy cái xác. Chúng được gửi ở tầng sâu hơn, nhưng chẳng ai biết được là ở đâu, ngay cả chủ nhân của chúng. Kể từ cái giây phút bước vào tòa nhà này, linh hồn và thể xác dường như đã bị tách ra. An không còn thấy sợi dây xích nữa, chắc là tại cái vòng.
Xuyên qua đoạn hành lang thủy tinh với chủ đề biển cả, bọn An đến cổng vào số 3 của giảng đường. Giảng đường là một phòng tròn khá rộng. Không bầu dục mà thật là tròn trĩnh. Có lẽ mọi con đường đều dẫn đến giảng đường bởi An đếm có đến 10 cánh cổng tò vò trổ ra quanh tường, vừa lúc cũng có vài nhóm đi ra từ đó. Bọn con gái thì bước ra ở cổng đối diện. Vô hình trung giảng đường phân rõ hai giới tuyến, nửa vòng con gái và nửa vòng con trai. Hầu như mọi người đều vờ như đang ngồi vào những cái ghế. Riêng An thấy điều này là không cần thiết, nhưng biết sao được, tốt nhất vẫn không cần chơi nổi.

An chọn vòng ghế ngoài cùng. Những vòng ghế ở đây được làm đơn giản, không điêu khắc hoa văn cầu kỳ nhưng vẻ đẹp ở chỗ chúng trơn nhẵn và đồng đều. Tất cả đều được phủ một lớp vẹc - ni bóng loáng. Chúng được bố trí thấp dần về bục giảng ở trung tâm. Nếu nhìn từ trên cao, hẳn những cái ghế này sẽ tạo thành những vòng đồng tâm đẹp mắt, với điểm chấm phá nổi bật màu đỏ son ở giữa.

Khi tất cả đã tập trung đông đủ, giáo viên ngày hôm nay bước ra từ cổng số 1. Đó là một người phụ nữ tóc đen cột sau đầu và dáng người mảnh dẻ. Cô ấy vận một đồ trông như phục trang Châu Âu trung cổ, kiểu gọn gàng của một thợ săn. Hẳn đó là sở thích hoặc là thời cô ấy đã từng sống. Nói chung, như má đã nói, trang phục Tử Thần chẳng có mốt, mặc gì là tùy sở thích và thói quen.
Cách quá xa, An không thể nhìn rõ được gương mặt của cô, nhưng nghe tiếng ồ lên và vỗ tay hăng hái của bọn con trai, An đoán chừng cô ấy khá đẹp.

Cô tên Diana, bài học hôm nay là lịch sử Tử Thần, phần 15, về chiến tranh thế giới thứ hai. Cả buổi giảng bằng tiếng Anh, cũng may chủ yếu là hình ảnh, những cái màn hình led thả từ trần nhà xuống rất có ích cho việc nghe hiểu.

Giọng Diana rất êm, cô nói như ca hát, nhưng điều đó chẳng giúp ích gì đối với An. Kết thúc buổi học, những gì còn sót lại trong óc An lúc này chỉ có 2 điều. Thứ nhất, đấy là một mùa thu hồn vất vả, gần như toàn bộ đội Hậu Cần và một phần đội Chiến Đấu được vận động. Hóa ra Tử Thần cũng có chia đội, An cứ nghĩ là toàn năng, kiêm tất cả những gì có thể. Thứ hai, có chút dấu vết chỉ ra rằng có những tay Điên Cuồng nhúng tay và thúc đẩy trận chiến. Cô ấy chả giải thích thêm về cái gì là Điên Cuồng, có lẽ lớp học mở lại vào đầu tháng sau có thể giúp ích. Cuối giờ, cô Diana nói các giáo viên sẽ sẵn sàng giải thích thắc mắc nếu có, và nếu cần thiết hoặc thích, có thể đệ xin một lớp học bổ túc gì đó. Vài điều kiện được liệt kê, nhưng An nghe không hiểu lắm, loáng thoáng có nghe năm mươi gì đó, đoán chừng là số lượng tối thiểu.

Vậy là xong buổi sáng, mọi linh hồn đều túa ra khỏi phòng đi tìm niềm vui, chủ yếu là đơn lẻ, chỉ có một số ít nhóm hai, ba linh hồn vừa thong thả trôi vừa trao đổi. An cũng đi, trở về đường cũ, học vài lính mới quan sát mấy bức tranh, dù sao ở đây ngoài kiến trúc và tranh vẽ cũng chẳng có gì để ngắm. À, mà không đúng, có lẽ có, ở ngoài kia. Nhưng bọn linh hồn cũ rất nhanh, thoáng cái đã vụt mất tăm, khó mà theo dấu ra ngoài được. An chẳng thấy hào hứng mấy với cái ý tưởng tự mình đi khám phá, ngay lúc này thì không.

Toàn là những bức trừu tượng, không hiểu nổi. An nhanh chóng lướt ngay vào sâu hơn, An nhớ loáng thoáng thấy những bức tả thực, dễ hiểu hơn nhiều.

Vừa trôi vừa ngắm, cuối cùng đã đến cánh cổng dãn vào căn phòng An ở tối hôm qua, "hiếu động" và một vài linh hồn khác cũng ở đó, bọn họ trầm ngâm nghiên cứu hay nghĩ ngợi gì đó. Không khí thật trầm lặng. Nó gợi An nhớ lại buổi tối hôm qua. An chẳng muốn vào lại đó trước giờ giới nghiêm tí nào. Nghĩ nghĩ, một chuyến tham quan các cánh cổng khác là một ý không tồi chút nào. Nhưng trước khi đi, An muốn nhìn lại nó.

Cô gái nhỏ và biển cả.

Một bức tranh tả thực, cảm giác như mảnh ký ức của ai đó. Cô gái nhỏ trông chừng năm, sáu tuổi, tóc mới nhìn thì như đen, nhưng nếu ghé vào quan sát kỹ thì nó là màu tím đậm. Cô mặc chiếc đầm màu xanh ngọc, viền những bông hoa trắng nhỏ ở tay áo và chân váy. Bức tranh chỉ vẽ bóng lưng cô gái nhỏ, cô nghịch ngợm nghiêng đầu ra sau nhìn về phía người họa sĩ, nở một nụ cười rực rỡ. Ánh nắng hắt trên đỉnh đầu, soi rõ hình dáng con sao biển to cô gái nhỏ vờ làm nón. Mặt biển phía sau nhuộm màu vàng cam của mặt trời, tươi sáng như màu con sao biển trên đầu cô gái nhỏ. An không rõ đó là bình minh hay là hoàng hôn. An chỉ cảm nhận rằng có một sự triều mến nào đó mà người họa sĩ dành cho cô gái nhỏ. An luôn bị thu hút bởi những thứ ấm áp và ngọt ngào như vậy.

Lại là nó. An lung lay đầu, ngoáy tai rồi lại vỗ vào tai đồm độp, phải một lúc thì nó mới biến mất. Những âm thanh lạ lùng cứ xuất hiện từ sáng đến giờ, đúng hơn là kể từ khi An lướt qua hành lang chung với đám linh hồn còn lại. Lúc đầu thì An tưởng là tụi nó, nhưng bây giờ rõ ràng là không. Lâu lâu thì những tiếng gió rít, tiếng cười, tiếng thì thầm của đủ mọi giọng nói lại vang lên bên tai, quanh quẩn trong đầu, nó làm An khó chịu và cảm thấy rờn rợn. An có cảm giác như mình là một cái đài bị lỗi chốc chốc lại bắt phải những tín hiệu không đâu. Đến, lại đến, lần này là tiếng gió, soàn soạt. Có cái gì đó đang đến, rất nhanh. An lập tức quay đầu hướng về cửa phòng, hi vọng là không quá muộn để chạy. Dự cảm chẳng lành xộc vào và lan tràn khắp linh hồn An. Nguy hiểm.

Đã quá muộn. Có thứ gì đó lành lạnh trượt lên cổ xuống vai, An bắt đầu run cầm cập, môi mím chặt. Bốn bề im lặng, những bức tường lúc này cũng ảm đạm và trong thật quỷ dị khi phủ mớ ánh sáng nhiều màu hỗn tạp. Là những ngón tay, bé nhỏ, lạnh ngắt, bồi hồi ở cổ và cột sống. Những ngón tay bắt đầu nhún nhảy, như nghệ sĩ ma quái thảnh thơi gảy lên những dây thần kinh căng thẳng của con mồi. Đã đến mặt. Hắn đang muốn đôi mắt. An cố nén cảm giác như muốn nôn mửa, mắt gắt gao nhắm lại, toàn thân cương cứng.

Chợt tiếng có tiếng cười vang lên, sặc sụa, kéo hơi và nấc lên từng khúc. Cái giọng cười này...

- Quỳ... ưm... ưm... ỏ a...a...

An quay phắt lại, chực hét tướng lên nhưng bàn tay ai đó đã kịp túm miệng An lại.

- Suỵt, hét cái gì! Em muốn quảng cáo mình sợ ma cho cả tòa nhà à? - Quỳnh gằn giọng, liến thoắng nói, tay vẫn không quên siết chặt hơn.

Câu nói của Quỳnh như một bát nước lạnh làm nguội cái đầu nóng lên vì căng thẳng và sợ hãi của An lại. An gật đầu ra hiệu cho Quỳnh buông tay.

Quỳnh ngay lập tức lau tay vào người An, khuôn mặt nhăn nhíu ra chiều ghét bỏ như thể vừa chạm vào cái gì dơ bẩn.

- Này, quá đáng rồi nhá! - An gào lên khe khẽ.

Quỳnh nhún vai, đáp lại bằng một câu chẳng liên quan gì:

- Chị.

- Gì? - An nhíu mày, chẳng hiểu cái tư duy nhảy ra từ đâu của Quỳnh.

- Phải gọi là chị, nhóc An! - Quỳnh khinh khỉnh đáp.

- Chị? Có lầm không đấy? Mặc dù trên vai vế chúng ta là chị em họ, nhưng Quỳnh rõ ràng nhỏ hơn một tuổi nhé! Chẳng phải đã thỏa thuận chỉ gọi tên thôi sao? - An giương mắt, khoanh tay đứng nhìn cái linh hồn bé ốc tiêu đang ra vẻ đắc thắng lượn qua lượn lại trước mặt mình.

- Khi đó khác, bây giờ khác. Giờ chị cho nói lại đấy, ai nhỏ hơn một tuổi hả?

Có vẻ như lời nói lúc này của An chẳng mảy may tác động đến Quỳnh, nó khiến An cảm thấy có nguy cơ, Quỳnh chẳng bao giờ nói điều gì mà bản thân không chắc. Hẳn là vấn đề ở An, An cố gắng nắm bắt lại cái ý tưởng ngờ ngợ vừa lóe ra ban nãy. Đúng rồi, sinh nhật mười tuổi... má ơi là má! An ảo não lắc đầu.

- Nhớ rồi chứ gì? Không tính ăn quỵt đấy chứ, lời hứa là lời hứa, nhóc! - Quỳnh cố ý kéo dài chữ cuối, như một khúc kèn hiệu chiến thắng, rành mạch xông vào tai An, lẩn quẩn vọng lại trong đầu.

- Biết vậy ngày xưa đừng làm! An thở dài, hít một hơi sâu, nín lại một lúc rồi mới khẽ khẽ rền rĩ:
Chị Quỳnh, được chưa?

- Thiếu chân thành nha... - Quỳnh kéo dài câu, lại cái giọng điều diễn nhại theo mấy bà đanh đá.

Mất một lúc, khi An đã tưởng như là chín mươi phần trăm Quỳnh sẽ bắt An kêu lại to rõ hơn thì Quỳnh lại tiếp:

- Nhưng thôi... hôm nay chị tha cho đó!

Nói rồi Quỳnh quay sang ngắm nghía bức tranh phía sau An, bình luận:

- Cô gái nhỏ và biển cả, nổi tiếng ở đây đó! Choa, rất đẹp, đúng không?

An liếc nhìn bức tranh, chán nản phụ họa:

- Ờ, khung cảnh thật ấm áp.

- Ai nói khung cảnh? - Quỳnh quay phắt lại, chống nạnh lườm An, đoạn tiếp - Cho nói lại đó, cái gì đẹp, hử?

An nhìn lại một lần nữa, cố gắng suy đoán, lựa chọn cái gần nhất với sở thích của Quỳnh.

- Con sao biển rất to và đẹp, nấu lên chắc ngon lắm. Quỳnh thích nó à?

- Ăn, ăn, ăn, đồ tham ăn! Ừ, mặc dù nhìn kỹ cũng ngon thật, nhưng sai bét được chứ! Đoán lại!

Má Quỳnh phồng lên, là dấu hiệu của cơn tức giận. Quỳnh không thích bị nói thành tham ăn, mặc dù Quỳnh thích ăn thật. Thật tình, không phải An trả đũa chuyện hồi nãy. Đúng vậy, không phải.

Đang trong lúc An suy nghĩ đáp án khác thì Quỳnh lại âm âm nhắc nhở:

- Phải gọi là chị, biết chưa? Chị!

- Người dễ thương, màu biển đẹp, đúng chứ, à, ừm, chị Quỳnh - An nhanh chóng nói nốt những suy đoán còn lại, mà sao thấy nghèn nghẹn ở cuống họng, nhất là lúc gọi "chị Quỳnh".

- Sai, sai nốt!

Quỳnh gạt tay, nắm mũi An dí sát vào khung hình, chỉ chỉ vào mái tóc, nói:

- Là nó, mái tóc màu tím đấy, đẹp chứ? Là đặc trưng của họ nhà chị, đến nơi rồi hẳn chị sẽ có mái tóc giống vậy, thần bí và xinh đẹp!

- Ôi trời, con gái.

- Lầu bầu cái gì đó, đi thôi!

Nói là làm, vừa dứt lời, Quỳnh đã lôi An bay vèo trên hành lang, tiến về phía cổng. An loáng thoáng nhìn thấy mình lướt quan giảng đường, chui tọt vào cái cổng khác với tông màu chủ yếu là nâu hai bên hành lang rồi lại đánh vòng vào một hành lang nhánh màu đỏ sậm, rẽ trái sang lát đá, trái, trái, phải, phải, vòng vèo một lúc, và cuối cùng dừng lại trước một cánh cửa gỗ được chạm trổ hình những dây hoa thường xuân.

Không hổ là ma cũ, tốc độ nhanh thật!

Tận đến lúc Quỳnh vươn tay định gõ cửa, An mới hoàn hồn, khẽ gắt:

- Làm gì thế?

- Chép tranh.

Quỳnh trả lời gọn lỏn, nhanh chóng gõ ba tiếng dứt khoát rồi đẩy cửa bước vào.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top