vuong menh 168
Chương 167 : GIANG LÃO HỒI ỨC (2)
"Tổ tiên của chúng ta định cư lại Thiên Sơn, hình thành Phục Hy thị. Ngày tháng trôi qua trong yên bình, nhờ thuật thuần dưỡng xuất hiện, Phục Hy thị yên tâm định cư lại đó, tuy vẫn còn khó khăn, nhưng không đến nỗi đói khổ như trước nữa.
Nào ngờ, một ngày kia, trời bỗng trở lạnh, rồi tuyết rơi ngày một nhiều, ngày một dày hơn. Sau đó, khắp nơi đều là băng tuyết. Thời tiết khắc nghiệt, lại kéo dài từ năm này qua năm khác, khiến loài người rơi vào thảm cảnh.
Sau nhiều lần băng giáng (chú : có tài liệu nói là 7 lần, nhưng không kiểm chứng được, chỉ tạm gọi là nhiều lần) nhân loại gần như diệt tuyệt. Ở khắp mọi nơi, đâu đâu cũng phủ đầy băng tuyết, sinh vật hầu như không thể sống được. Đầu tiên, các đại bộ lạc sinh sống ở các đồng bằng, do quen cảnh no đủ sung túc nên không chịu được đói khổ, bị diệt vong trước. Tiếp đó là các bộ lạc ở vùng rừng núi, rồi hầu như tất cả các bộ lạc khác, đều lần lượt diệt vong. Khắp thế gian đều trở thành băng thiên tuyết địa, đẩy nhân loại vào nguy cơ diệt tuyệt. Các đại bộ lạc lần lượt diệt vong, không vì rét thì cũng vì đói.
Nhân loại lâm nguy.
Thế nhưng, dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã như thế, mầm mống phục hưng của nhân loại vẫn còn tồn tại. Chính là Phục Hy thị. Thiên Sơn hoàn cảnh khắc nghiệt, khắp nơi phủ đầy băng tuyết. Phục Hy thị đã vượt qua những gian khó buổi đầu, đứng vững được tại đó, cho nên đối với thảm họa của nhân loại hầu như chẳng chịu mấy ảnh hưởng. Trước đây họ vẫn phải sống giữa băng thiên tuyết địa kia mà.
Do vậy, trong lúc các bộ lạc khác lần lượt diệt vong, Phục Hy thị vẫn tiếp tục phát triển, tộc nhân vẫn ngày càng tăng. Đến khi tộc nhân đông đến mức không thể sống tập trung một chỗ nữa (điều kiện khắc nghiệt, khó kiếm được thức ăn), các thị tộc trong bộ lạc chia nhau ra, đến sống ở nhiều nơi trong vùng. Tại chỗ ở trước đây, tôn tộc ở lại lo việc tế tự.
Cứ như thế, cuộc sống vẫn tiếp diễn. Ngày này qua ngày khác, Phục Hy thị tộc nhân vẫn sống cuộc sống "thần tiên" (trong tình cảnh lúc bấy giờ) ở Thiên Sơn.
Một hôm, một nhóm tộc nhân trong lúc đi săn bắn chợt phát hiện một nhóm người xơ xác ốm yếu dắt dìu nhau đi trong băng tuyết. Động lòng thương, họ chia cho ít thức ăn đỡ dạ, rồi dẫn về bộ lạc. Đó là nhóm người còn sót lại của một bộ lạc ở phía đông. Do ở cố hương không thể tìm được thức ăn, bọn họ đành dắt dìu nhau đi từ nơi này sang nơi khác, tình cờ đến được Thiên Sơn. Đói rét đã khiến đại đa số tộc nhân chết dần trên đường lưu lãng. Tình cảnh bọn họ còn thảm hơn Phục Hy thị trước đây. "Lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá tả tơi", bộ lạc đã thu nhận bọn họ. Và từ bọn họ, Phục Hy thị lần đầu tiên biết được tình cảnh của các bộ lạc bên ngoài.
Gia nhập bộ lạc, bọn họ không còn lo đói nữa, nhưng vẫn bị cái lạnh uy hiếp. Bọn họ không như Phục Hy thị tộc nhân, vốn đã quen với cái lạnh của Thiên Sơn. Y phục bằng da thú không đủ sức làm giảm bớt cái lạnh khắc nghiệt của thời bấy giờ.
Rồi một hôm, một vị trưởng lão trong bộ lạc nhìn thấy số lông vũ còn sót lại trong góc động, chợt nảy ra ý định dùng lông vũ kết thành y phục. Thế là áo lông ra đời. Toàn bộ lạc đều rất ưa thích loại y phục mới này. Theo sử cũ, loại lông vũ đó là của huyền điểu, nên loại chim này sau cũng trở thành linh vật của bộ lạc.
Không chỉ dừng lại ở đó, vị nữ trưởng lão kia còn hướng dẫn tộc nhân xếp đá che chắn bớt cửa động, để ngăn gió tuyết. Với những tảng đá quá lớn, họ đã biết luyện đá bằng cách đốt nóng cho đá tự vỡ ra (có lẽ là kinh nghiệm sau khi họ dùng đá kê lại thành bếp, đốt nóng lâu đá bị vỡ ra). Những hang động được che chắn như thế sau được gọi là "Oa", và vị nữ trưởng lão kia được tôn xưng là Nữ Oa.
(chú 1 : Huyền điểu là một loài chim nhỏ, lông đen, tương tự như loài quạ đen ngày nay. Tuy nó không đẹp, nhưng người thời đó chất phác, có ích thì tôn trọng. Thời đại đó người Việt vẫn xem là Phục Hy thị, còn người Hán gọi là Thiếu Hạo, và xem là em của Thái Hạo. Người Hán còn đổi linh vật huyền điểu thành phượng hoàng là loài chim đẹp hơn, người Hán vẫn công nhận rằng ban đầu linh vật của Thiếu Hạo là huyền điểu, nhưng vào cuối thời Thiếu Hạo thì được đổi thành phượng hoàng - loài chim chỉ có trong truyền thuyết).
Kể từ khi Nữ Oa kết áo lông, cải tiến hang động, cuộc sống của Phục Hy thị được nâng lên rất nhiều. Và cũng từ đó, bộ lạc cũng thường xuyên phát hiện và thu nhận những người lưu lãng qua đó. Dân số các thị tộc ngày một đông đúc, thế lực các thị tộc cũng ngày càng mạnh.
Cho đến một hôm, cảm thấy Thiên Sơn không đủ khả năng nuôi sống từng ấy người, các vị trưởng lão các thị tộc họp nhau lại, tìm phương khắc phục. Và rồi cuộc đại di dân bắt đầu. Có thị tộc xuống núi, đi về phía bắc, có thị tộc lại đi về phía nam. Cũng có thị tộc chọn phía đông hoặc phía tây. Đủ cả. Vì sự sinh tồn, tộc nhân lại tiếp bước lữ trình. Nhưng lần này, Phục Hy tộc nhân lên đường trong thế mạnh.
Trong cảnh băng thiên tuyết địa, khắp nơi vắng vẻ đìu hiu. Phục Hy thị rời Thiên Sơn, tỏa đi khắp nơi, và nhờ khả năng sinh tồn trong băng tuyết, họ đã đứng vững ở nhiều nơi, tạo dựng nên nhiều bộ lạc mới. Tất cả dù mang tên gọi gì thì vẫn đồng tông, đồng xuất thân từ Phục Hy thị. Phục Hy cũng trở thành vị đại thần tối cổ, tối cao quý của Phục Hy chư tộc.
(chú 2 : dù là Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông của người Việt; hay Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế của người Hán; thì Phục Hy cũng giữ vị trí tôn quý nhất, đứng đầu Tam Hoàng).
Trong số những thị tộc di dân, có hai thị tộc đáng lưu ý. Cả hai thị tộc này cũng như các thị tộc khác, lúc này đều chưa có tên riêng, nhưng cả hai có cùng một điểm chung : cùng đi về phía đông. Cùng đi chung đường, đỡ đần lẫn nhau những khi khó khăn, hai thị tộc có quan hệ khá gần gũi. Trên bước lữ trình, hai thị tộc không ngừng thu nhận những người còn sống sót của các bộ lạc bản địa, đội ngũ ngày một đông, ngày càng đông hơn.
Họ đi mãi, cho đến một hôm, cảm thấy đội ngũ quá đông đảo, đi cùng nhau sẽ khó khăn trong việc tìm thức ăn, các trưởng lão quyết định chia tay. Một thị tộc đi về hướng đông bắc, thị tộc còn lại đi về hướng đông nam.
Thị tộc đi theo hướng đông bắc, vượt qua nhiều ngọn núi, họ đến được một khu vực bằng phẳng. Lúc này, trời đã ấm dần lên, băng tuyết đã tan nhiều. Nơi bình nguyên đó nhiều vùng cỏ non đã mọc đầy, xanh mơn mởn. Đàn thú nuôi mang theo hớn hở tung tăng gặm nhắm những ngọn cỏ non. Các trưởng lão quyết định tạm dừng chân nơi đó. Và cuộc dừng chân này kéo dài gần 200 năm (nhà nghiên cứu Nguyễn Thu Phong cho rằng là 182 năm, nhưng con số này chỉ có được từ việc so sánh số liệu giữa các tài liệu cổ của người Việt và Sử Ký Tư Mã Thiên, khó kiểm chứng độ chính xác).
Thị tộc đi theo hướng đông nam, cũng băng qua nhiều đồi núi, họ đến được ngọn nguồn của một dòng sông. Họ tiếp tục đi men theo dòng sông về phía hạ lưu, xa dần vùng đồi núi. Dòng sông chảy theo hướng đông nam, và họ tiếp tục đi về hướng đông nam. Đi dọc theo dòng sông, đi mãi cho đến khi đặt chân đến một vùng bình nguyên (đồng bằng). Thời tiết đã ấm lại, cây cỏ xanh tươi, đàn thú nuôi tung tăng gặm cỏ. Cũng giống như thị tộc đi về hướng đông bắc, họ dừng chân định cư lại đó.
Có chỗ định cư, điều kiện hoàn hảo (so với trước đây), thị tộc ngày càng phát triển. Nhưng khác với thị tộc anh em kia là bên cạnh họ còn có một dòng sông, một dòng sông lớn, càng về hạ lưu lại càng lớn hơn. Họ đặt tên cho dòng sông đó là Giang (江). Người xưa thường lấy những sự vật xung quanh làm họ, ví như sống gần rừng lấy họ Lâm, họ Mộc; chăn nuôi lấy họ Mã, họ Ngưu; ... Do vậy thị tộc còn được gọi là Giang tộc."
(chú 3 : vùng bình nguyên mà Giang tộc định cư, nay thuộc Tứ Xuyên, còn gọi là đất Thục, nên nền văn minh mà họ để lại được gọi là Văn Hóa Thục Sơn. Theo "Chinese expansion in South China - Dr. Harold Wiens" : do đã vào Trung Hoa theo ngọn sông Dương Tử miền nước Thục, vì thế họ cũng gọi văn minh Viêm Việt là văn hóa Thục Sơn).
(chú 4 : Trường Giang hay Dương Tử Giang là những tên đang lưu hành hiện nay. Tên cổ của sông này là Giang, đời sau từ Giang mới trở thành danh từ chung chỉ sông, còn sông này lại gọi là Trường Giang, Dương Tử Giang hay Đại Giang. Từ Giang đọc theo âm cổ là "kang". Cách phát âm này hiện được giữ lại trong các tiếng địa phương Quảng Đông và Thượng Hải. Thật vậy, xét theo tự dạng, từ Giang (江) lại dùng chữ Công (工) (trong từ công nhân) để phiên âm. (Theo "Thời Đại Hùng Vương : Lịch sử - Văn hóa - Kinh tế - Chính trị - Xã hội" của Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Hưng).
(chú 5 : Từ Giang (江) gồm chữ công (工) thêm bộ Thủy phía trước, ngoài cách đọc "kang" còn có cách đọc "kong", như trong Mê Kông (Mekong), người Lào còn đọc là Mé Khoảng ...)
Chương 168 : CỔ THẦN TỘC
"Giang tộc định cư lại đất Thục. Do sống tại vùng đồng bằng gần sông lớn, ngoài chăn nuôi và săn bắn, họ đã bắt đầu trồng trọt, chủ yếu là trồng các loại cây ăn trái mà họ mang về từ trên rừng. Từ đó, thức ăn của họ ngày càng phong phú hơn.
Sau một thời gian phát triển, Giang tộc ngày càng trở nên hùng mạnh. Theo thông lệ, khi bộ lạc đã đông đảo, một số nhóm tộc nhân sẽ ra đi mở mang các vùng đất mới. Lần này họ lên đường tiếp tục men theo sông Giang đi về phía hạ lưu.
Càng đi về phía đông, trước mắt họ xuất hiện nhiều vùng đồng bằng rộng lớn hơn. Họ chọn một vùng đất đai màu mỡ nhất định cư lại. Sau nhiều năm trồng trọt các loại cây ăn trái có sẵn từ trên rừng, họ đã phát hiện ra kê (sách xưa gọi là thử), và đã bắt đầu đốt rừng để lấy đất canh tác. Việc trồng kê đã mang lại lượng lương thực lớn và ổn định, ít còn phụ thuộc vào việc săn bắn và chăn nuôi. Họ đã bắt đầu chuyển sang nền kinh tế nông nghiệp với trồng trọt là chính. Một họ tộc mới xuất hiện : Thần Nông thị."
(chú 1 : Thần Nông thị tộc nhân làm ruộng, mỗi năm lại đốt ruộng trước khi bắt đầu vụ canh tác mới. Quá trình này diễn ra hàng trăm năm, nên sau này còn có người gọi họ là Viêm tộc. Người Hán thích gọi là Viêm tộc, trong khi người Việt vẫn gọi là Thần Nông thị. Tập quán đốt ruộng này đến ngày nay vẫn được nhiều nông dân áp dụng).
(chú 2 : Viêm (炎) là từ cổ để chỉ ngọn lửa. Hoàng tộc Hữu Hùng thị sống ở phía bắc, lăm le nhòm ngó đất đai của Viêm tộc Thần Nông thị ở phương nam, rồi dùng luôn từ Viêm để chỉ phương nam, vùng đất nóng (so với phương bắc). Ví dụ Viêm phương (炎方) để chỉ phương Nam, viêm nhiệt (炎熱) để chỉ cái nóng của phương Nam, ...)
Kể xong, Giang lão ngừng một lúc, rồi mới nói tiếp :
- Do Thần Nông thị xuất từ Giang tộc, nên Giang tộc có địa vị siêu nhiên. Nơi Giang tộc thờ phụng Tổ tiên được tôn xưng là Thần Sơn. Trên Thần Sơn có nhiều Tôn miếu, nhưng lớn nhất vẫn là Phục Hy Tôn miếu, Nữ Oa Tôn miếu và Đế Giang Tôn miếu. Phục Hy tộc, Nữ Oa tộc và Giang tộc được tôn xưng là Tam đại Cổ thần tộc. Cũng chính vì được tôn xưng là Thần tộc, Giang tộc không tiện can thiệp quá sâu vào nội tình của nhân gian giới.
Hóa ra là thế, Giang Phong nghĩ rằng những người đầu tiên tôn xưng Giang tộc là Thần tộc, chắc có lẽ muốn biến Giang tộc thành thần thánh để thờ phụng, để Giang tộc có địa vị siêu nhiên, không còn thuộc nhân gian giới, nên sẽ không tiện can thiệp vào việc tranh giành quyền lực giữa bọn họ. Thế nhưng, Giang tộc giữ vai trò Thần tộc được chư tộc thờ phụng, có địa vị siêu nhiên suốt mấy vạn năm nay, hẳn thật lực không phải tầm thường.
Theo các tài liệu nghiên cứu về kỷ băng hà, các giai đoạn băng hà lập lại theo chu kỳ. Thời kỳ băng hà gần đây nhất bắt đầu từ cách đây 7 vạn năm, đến khoảng 4 vạn năm trước thì băng hà lui dần (khí hậu ấm dần lên) và chấm dứt vào khoảng 1 vạn năm trước. Giai đoạn này khoa học gọi là giai đoạn băng giá Wisconsin. Vào giai đoạn đỉnh điểm, băng tuyết phủ kín cả khu vực Á - Âu và Bắc Mỹ. Rìa ngoài cùng của khối băng Bắc cực ở vào khoảng 45 độ vĩ bắc (trên Bắc Kinh một chút), còn băng tuyết phủ kín đến "gần" xích đạo.
Do đó, tuy không thể xác định chính xác thời điểm Phục Hy tộc đến định cư ở Thiên Sơn, nhưng chắc chắn vào khoảng 7 vạn năm trước đây (trước khi thời kỳ băng hà đến). Còn Giang tộc đến định cư ở đất Thục, tạo dựng nên nền văn hóa Thục Sơn cách nay vào khoảng 4 vạn năm, cũng là thời kỳ con người bắt đầu trồng trọt, phát triển nền văn minh nông nghiệp. Do có lịch sử rất cổ xưa, lại là Tổ tiên chung, được tôn xưng Cổ thần tộc, được chư tộc thờ phụng cũng là chuyện bình thường.
Nghe Giang lão kể xong, Giang Phong hỏi :
- Chúng ta đến Thần Sơn không có vấn đề gì chứ ?
Giang lão vuốt râu cười nói :
- Cậu mang bản vẽ Phục Hy Thần tượng về Thần Sơn để trùng chấn Tôn miếu, là việc đáng vui đáng mừng, còn có vấn đề gì nữa mà lo.
Giang Phong lại nói :
- Nhưng vẽ lại bản vẽ Phục Hy Thần tượng không phải là chuyện dễ dàng nha.
Giang lão nói :
- Hồ lão quỷ hiệu xưng phu tử là bằng chân tài thực học đó nghe. Cứ giao việc đó cho lão ta. Lão nghĩ lão ta phối hợp với điêu khắc đại sư, hẳn có thể vẽ lại được.
Suy nghĩ một lúc, Giang Phong nói :
- Vậy cứ như thế đi. Sau khi vẽ lại được bản vẽ Thần tượng, ông hãy đưa cháu đến Thần Sơn bái kiến chư vị trưởng lão. Ngày mai cháu phải đến Linh Sơn gặp Bách Tuế Tôn sư.
Chợt nghĩ đến hang động ở phía nam thành, Giang Phong quay sang nói với lão Lâm An :
- Chuẩn bị cho ta đá, gỗ và lương thực mỗi thứ 10 vạn đơn vị, nhớ là dùng loại liệt chất, chất lượng kém nhất đó. Ta có việc cần dùng.
Các lãnh địa của Giang Phong trước nay chỉ dự trữ thượng phẩm vật tư, như gỗ quý, cẩm thạch, bạch ngọc thạch, ... Nhưng sau khi chiếm lãnh các thành trấn của Man tộc, liệt chất vật tư thu được rất nhiều, và với yêu cầu thẩm mỹ của Giang Phong, liệt chất vật tư không thể dùng để xây dựng các kiến trúc trong thành, do đó mà còn tồn trữ lại rất nhiều. Lão Lâm An phụng mệnh đi chuẩn bị ngay. Còn Giang Phong giải tán hội nghị, đi tập họp binh mã. Lần này để rút ngắn thời gian, Giang Phong quyết định đánh nhanh thắng nhanh, nên đã huy động toàn bộ 3 Cấm vệ kỵ binh đoàn và 1 vệ hỗn hợp binh chủng pháp sư, cung thủ, tế tự. Giờ đây Giang Phong có uy vọng là 6, có thể trực tiếp thống lĩnh 4096 binh sĩ.
Đại đội binh mã cùng 300 cỗ xe ngựa chở theo 30 vạn đơn vị vật tư rầm rộ kéo đến hang động ở ngọn núi phía nam thành. Một tiếng lệnh truyền, Cấm vệ kỵ binh tràn vào trong động; tiếp đến là cung thủ, pháp sư và tế tự; xe ngựa chở vật tư đi cuối cùng. Do đã có kinh nghiệm từ lần trước, đại quân thế như phá trúc, ngay cả Linh quái ở tầng thứ tư cũng chỉ cầm cự được gần 1 khắc là bị tận diệt. Hơn trăm Linh quái đẳng cấp 50 bị hơn ba trăm Cấm vệ kỵ binh đẳng cấp đều trên 50, phối hợp với hơn nghìn viễn trình binh sĩ vây đánh, bị đồ sát là chuyện đương nhiên.
Đại đội binh mã kéo xuống đến tầng thứ năm, Giang Phong xem lại thời gian, từ cửa hang động xuống đến đây chỉ hơn nửa giờ. Có vật tư, Giang Phong cho binh sĩ khiêng đến "Nguyệt lão tế đàn" rồi khởi động hệ thống trao đổi. Tế đàn khẽ chấn động, hào quang rực sáng, rồi tế phẩm lần lượt biến mất. Thay vào đó là vật phẩm mà Giang Phong muốn đổi : Phiếu đăng ký kết hôn. Ba mươi vạn vật tư tế phẩm đã đổi về 1 ngàn Phiếu đăng ký kết hôn. Giang Phong nghĩ rằng một khi công bố tin tức, chỉ e không đủ dùng trong 1 ngày. Nhưng tạm thời vật tư không nhiều, chỉ có thể tạm dùng bao nhiêu đây, xem như thử thị trường vậy. Hơn nữa, cái gì hiếm mới quý.
"Phiếu đăng ký kết hôn : đặc thù vật phẩm; yêu cầu đẳng cấp 25; điền tên hai người nam nữ vào phiếu, rồi đến Quan phủ đóng lệ phí kết hôn, được Quan phủ đóng dấu chứng nhận, sẽ trở thành phu thê."
A. Thì ra đây chỉ là phiếu đăng ký, còn phải đến đóng tiền cho Quan phủ để đóng dấu chứng nhận nữa. Nhưng như thế thì Giang Phong sẽ lại có thêm một khoảng thu nhập, càng tốt chứ sao.
Xong đâu đấy, Giang Phong lại kéo quân hồi thành. Đối với số Phiếu đăng ký kết hôn này, Giang Phong đã nghĩ ra cách xử lý rất hay, nên cho gọi lão Lâm An đến, trao cho lão 1 nghìn phiếu đó, rồi hỏi :
- Phiếu đăng ký kết hôn này sử dụng thế nào ?
Lão Lâm An nhìn ngắm một lúc, rồi cả mừng nói :
- Đại nhân. Quan Phủ vốn có chức năng chứng nhận kết hôn, thế mà trước nay vẫn không sử dụng được, hóa ra là còn thiếu thứ này. Chúng ta chỉ cần đóng Quan ấn lên phiếu là có giá trị thôi. Có điều, chỉ có cấp trấn, thành mới có thể đóng dấu chứng nhận.
Chỉ có cấp trấn, thành mới có Nha Phủ, Phủ Đường, nên mới được gọi là Quan phủ. Cấp thôn, làng, Hương không được xem là Quan phủ. Hiện trong lãnh địa của Giang Phong, chỉ có An Phú Trấn và Phong Khê Thành là cấp thành trấn khai phóng cho người chơi tự do đi đến. Mỗi nơi 500 phiếu cũng được. Giang Phong lại hỏi :
- Lệ phí thu thế nào ?
Lão Lâm An nói :
- Hồi đại nhân. Mức lệ phí tùy đại nhân quy định, nhưng không được thấp hơn 1 ngân tệ. Phiếu đăng ký tính riêng.
Giang Phong thầm tính toán. Chi phí vật tư là 600 đồng tệ, tức 6 ngân tệ (tính theo giá thị trường lúc này : gỗ 1,5 đồng tệ; đá 2,5 đồng tệ; lương thực 2 đồng tệ /đơn vị). Nếu tính thêm công sức chiến đấu gian khổ (với người bình thường khác) từ trên cửa hang động xuống đến tầng dưới cùng, định giá 10 ngân tệ cũng không quá đắt.
Tính toán một lúc, Giang Phong nói :
- Chia cho Văn Tổ Miếu ở Phong Khê Thành và Văn Tổ Thần Miếu ở An Phú Trấn mỗi nơi 500 phiếu, để các tế tự phụ trách tổ chức kết hôn, Quan phủ chỉ phụ trợ. Mỗi cặp nam nữ đến đăng ký thu 10 ngân tệ, bao gồm cả lệ phí và chi phí kết hôn. Nếu có thể thì thu thêm tiền rồi tổ chức tiệc cưới linh đình cho bọn họ.
Lão Lâm An vâng dạ, lập tức đi bố trí. Lão vốn tinh minh, lại giỏi quản lý, giao việc cho lão Giang Phong rất yên tâm.
Chương 169 : CHÚNG THẦN ĐẠI CHIẾN
Ngày cuối đông, một đêm giá rét.
Trời chưa khuya mấy, ánh tinh quang soi bàng bạc xuống dãy núi đồi vắng lặng. Tiếng chim kêu vượn hú cũng không còn. Phi cầm điểu thú chắc đều đã về tổ ấm nghỉ ngơi an giấc. Đây đó chỉ còn những tiếng côn trùng rả rích.
Trên đỉnh một ngọn đồi cao, một thanh niên nhân đứng ngước mặt nhìn trời, ánh mắt xa xăm đầy vẻ trầm tư. Toàn thân vận bạch y, tóc trắng như tuyết, đầu cài trâm ngọc, thân hình hơi gầy, khí chất đặc biệt, dù chỉ nhìn từ phía sau cũng có thể đoạn định thanh niên phi tầm thường nhân. Ánh tinh quang mờ tỏ khiến cho hình ảnh thanh niên nhân càng thêm huyền ảo.
"Ai !"
Không biết do đâu, thanh niên nhân đột nhiên buông nhẹ tiếng thở dài. Giữa cảnh đêm thanh vắng, tiếng thở dài vang vọng ra xa, nghe càng thêm não nùng.
Bỗng đâu, bạch quang lấp loáng, một luồng kình khí công kích vào hậu tâm thanh niên nhân, tốc độ cực nhanh. Thanh niên nhân lại buông nhẹ tiếng thở dài, thân ảnh loáng lên, dịch chuyển đi xa hơn mười mét, ra ngoài phạm vi công kích của đối phương.
Một tiếng quát khẽ, một thân ảnh nhỏ nhắn, áo đỏ khăn hồng, dáng đi uyển chuyển, y phục phất phới giữa làn gió đêm se lạnh, ngân trượng trên tay múa tít, lại xông tới tấn công thanh niên nhân. Hồng y thiếu nữ đạp gió phi hành, người chưa đến mà hàn khí đã ồ ạt tràn tới bao vây thanh niên nhân, không gian đột nhiên xuất hiện nghìn vạn điểm ngân quang, như lưu tinh rực sáng giữa trời.
Thanh niên nhân nhẹ nhàng đưa tay phải ra, tại không trung vẽ nên một đường cong huyền diệu, có ý như muốn bao vây lấy vạn điểm ngân quang. Tiếp đó, thanh niên nhân phất nhẹ tay áo, ngón tay giơ ra khẽ điểm nhẹ vào một điểm trong số nghìn vạn điểm ngân quang lấp loáng.
Keng.
Hồng y thiếu nữ cảm thấy ngân trượng đột nhiên trở nên trầm trọng, gần nửa người bị tê liệt như bị sét đánh trúng, bàn tay run run không giữ chặt làm rơi ngân trượng xuống đất. Thanh niên nhân khẽ lắc đầu thở dài. Hồng y thiếu nữ vừa phiền giận vừa xấu hổ, lại quát khẽ một tiếng, tay phải từ trảo biến thành chưởng, rồi chưởng biến thành chỉ, ngón tay run động bắn ra 5 đạo kình khí, bắn vào thanh niên nhân các huyệt Thái Dương, Ấn Đường, Nhân Trung, Nghênh Hương, Trung Đình; kình khí hàn lãnh kinh nhân, chạm vào da thịt có thể khiến người đóng băng, độc địa phi thường. Chỉ phong bao lấy cả nửa người phía trên của thanh niên nhân.
Thanh niên a a cười khẽ, thân hình lướt nhẹ, giữa không trung lơ lững như chiếc lá khô, phiêu phù theo gió. Đồng thời tay phải giơ ra, nhẹ nhàng đẩy một chưởng vào người đối phương. Chưởng thức đơn giản, xem thấy nhẹ nhàng chậm chạp nhưng chặn đứng hết mọi đường tấn công của hồng y thiếu nữ.
Thiếu nữ cấp tốc nhảy lùi về phía sau, miệng thầm niệm chú, tay múa may bắt quyết. Giữa trường đột nhiên xuất hiện cuồng phong, oai thế kinh nhân, mà sức gió cũng mỗi lúc một mạnh lên thêm, phá sạch mọi thứ trên đường nó đi qua, bất kể cỏ cây đất đá.
Thanh niên nhân lướt nhẹ ra xa, tay khẽ vung lên, trên tay đột nhiên xuất hiện một chiếc cổ cầm, bên trên nạm ngọc, toàn thân đen tuyền, sang trọng mà điển nhã.
Tinh tinh tang tang.
Từng tiếng đàn ngân lên, nhưng thanh âm không du dương uyển chuyển mà như tiếng rít gió, tiếng cưa, thanh âm tê liệt, khiến cho thị thính bế tắc. Loại cảm thụ này so với đao kiếm lâm thân còn khổ hơn nghìn vạn lần.
Hồng y thiếu nữ khựng lại, rồi nhanh chóng nhảy lùi về phía sau mấy chục mét, tiếp đó nhoẻn miệng cười thật tươi, giọng oanh vàng thánh thót :
- Tiểu Bạch ca công phu ngày càng cao thâm hơn nha. Tiểu muội không thể nào sánh bằng.
Thanh niên nhân từ từ quay người lại. Thanh niên thân hình hơi gầy, tóc dài xõa xuống ngang lưng, mắt phượng, mày lá liễu, eo thon chân dài, vận bộ trung tính bạch sắc trường bào, bên mép có thêu những hàng hoa văn tinh mỹ, thật sự xinh đẹp đến cực điểm, nói rằng bế nguyệt tu hoa, khuynh thành khuynh quốc cũng không quá khoa trương. Bộ trung tính bạch sắc trường bào chế tác tinh trí, có lẽ còn tốn công phí sức hơn cả cẩm y hoa phục của quý tộc quan gia.
Thanh niên nhân khẽ cười, nói :
- Hồng nhi. Nghe nói muội cùng với Tiểu Hoàng xưng thần lập giáo, có thật thế không ?
Thanh âm thánh thót êm tai, dễ nghe hơn cả hồng y thiếu nữ. Thiếu nữ gọi là Hồng nhi nhoẻn miệng cười nói :
- Phải rồi. Tự thân tu luyện, đạo hạnh tiến triển quá chậm. Bọn tiểu muội lập giáo thu tín đồ, đạo hạnh tăng gia rất nhanh nha. Hay là Tiểu Bạch ca cùng tham gia với bọn tiểu muội đi.
Thanh niên nhân cau mày nói :
- Hồng nhi. Chúng ta thân là Hồ tộc, nên an phận tự hành tu luyện, bắt chước người ta xưng thần lập giáo rất dễ rước họa vào thân đó.
Hồng nhi chu miệng nói :
- Có đâu. Bọn tiểu muội chỉ lập giáo thu tín đồ, có làm gì ai đâu mà rước họa vào thân.
Thanh niên nhân lắc đầu thở dài, định khuyên can nữa thì Hồng nhi đột nhiên sửng người, rồi nhanh miệng nói :
- Tiểu Bạch ca. Tiểu muội có việc phải đi trước nha. Khi nào rảnh nhớ đến thăm tiểu muội nha.
Nói đoạn lập tức tung mình biến mất. Thanh niên nhân khẽ buông nhẹ tiếng thở dài, lắc đầu, định quay người bỏ đi. Đột nhiên nghe từ dưới chân đồi có tiếng quát lớn :
- Yêu nghiệt phương nào, sao dám ra nhiễu loạn nhân gian giới. Có mau bó tay chịu trói đi không ? Hay là chờ chúng ta động thủ.
Thanh niên nhân nhíu máy, phát hiện có hơn chục người đang xông thẳng lên đồi. Bọn họ bộ pháp linh hoạt, tốc độ nhanh như gió, xem ra cũng có ít nhiều đạo hạnh. Chỉ trong giây lát, cả bọn đã xông thẳng lên đến đỉnh đổi, tỏa ra bao vây lấy thanh niên nhân.
Bọn họ có mười hai người, đều thuộc giới tu hành, nhưng lợi hại nhất bất quá cũng chỉ là cao giai bán thần. So với thanh niên nhân là sơ giai hạ vị thần thì kém đến hai giai vị. Điều đáng chú ý là mười hai người họ đứng theo phương vị rõ ràng, dường như là huyền hoàng trận pháp. Nếu bọn họ bố trận vây công mới là vấn đề.
Thanh niên nhân hừ lạnh một tiếng, hỏi :
- Các ngươi là ai ?
Lão già có giai vị cao nhất trong bọn trầm giọng quát :
- Hoa Sơn Thập nhị Thần tướng, trừ yêu diệt ma là nhiệm vụ của bọn ta.
Thanh niên nhân cười nhạt nói :
- Chỉ bằng vào các ngươi. Hừ. Không biết tự lượng sức.
Lão già tái mặt, quát lớn :
- Động thủ.
Lão cũng biết đối phương lợi hại, đan đả độc đấu chỉ có đường chết nên chỉ huy chúng huynh đệ hợp sức vây công. Hoa Sơn Thập nhị Thần tướng công phu cũng bình bình, nhưng có "Thập nhị Thì thần Liên hoàn Đại trận" là cao cấp trận pháp cực kỳ lợi hại. Bọn họ chia nhau mỗi người trấn giữ 1 phương vị, án chiếu 12 phương vị trong Thập nhị thì cung mà phối hợp tác chiến, công kích lực đại tăng.
Ngay khi bọn họ phát động công kích, thanh niên nhân lập tức cảm thấy áp lực đại tăng. Xung quanh, đao kiếm quyền chưởng pháp bảo thần thuật tung hoành xuyên thoa, sơ suất một chút là ngộ hiểm ngay. Thanh niên cũng khẽ quát một tiếng, cổ cầm trong tay ngân lên mấy tiếng tinh tinh tang tang, khiến tâm thần đối phương chấn động, phải vội dạt ra xa.
Bọn Hoa Sơn Thập nhị Thần tướng thần sắc biến đổi liên tục, hết đỏ thành xanh, hết xanh thành tái. Lão già thủ lãnh suy nghĩ thật nhanh, đoạn quát :
- Liên hoàn xa luân chiến. Lên.
Lập tức, bốn người xông tới công kích, rồi bất quản trúng mục tiêu hay không, lập tức lui lại, nhường chỗ cho bốn người khác. Cả bọn chia thành ba nhóm luân phiên công kích, bất kể thành bại, hễ xuất chiêu xong là lập tức lùi ra xa ngay. Đối phương âm công quá lợi hại, không ai dám đến gần trong vòng 10 mét, chỉ toàn dùng kình khí, pháp thuật, thần thuật công kích, quyết định cầm cự cho đến khi đối phương cạn kiệt pháp lực, thần lực. Lúc đó dù có là thần cũng phải bó tay chịu trói.
Thanh niên nhân đứng yên một chỗ, đôi tay thoan thoát múa lượn trên dây đàn, cổ cầm ngân vang liên tục, cầm âm hóa thành kình khí, hóa giải toàn bộ công kích của đối phương. Chỉ tiếc đối phương quá quỷ quyệt, tấn công xong là lùi ra thật xa, ngoài phạm vi sát thương của cầm âm, nên nhất thời thanh niên nhân chỉ có thể phòng thủ.
Kình phong, pháp thuật, cầm âm xuyên thoa va chạm nhau, nổ tung bạo tạc dữ dội, thanh âm chấn động trời đất. Ngọn đồi nơi mọi người giao chiến bị chấn động tạc sụp một góc, mọi thứ trong phạm vi một dặm hầu như đều bị san phẳng. Chúng thần giao chiến, dù chỉ là bán thần, cũng thật khủng khiếp, thường nhân khó mà đến gần.
Bị vây công chỉ còn cách phòng thủ, thanh niên nhân ban đầu còn ung dung gảy đàn, nhưng rồi càng ngày càng thêm lo lắng, đôi mày nhíu lại, suy nghĩ tìm cách phản công. Đôi lần thanh niên nhân động thân định áp sát đối phương, nhưng bọn họ đều quỷ quyệt thành tinh, hễ thanh niên di động là bọn họ cũng di động theo, khoảng cách giữa song phương hầu như không hề thay đổi, chiến cục hầu như cũng chẳng có biến hóa gì đặc biệt. Chỉ thảm cho hoàn cảnh xung quanh. Chiến cục di chuyển đến đâu, nơi đó lập tức biến thành bình địa. Rừng cây bị san bằng, núi đồi bị tạc sụp.
Tàn phá tự nhiên a.
__________________________________________________ _________________
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top