Trung thu thời đại

Vừa mới đầu tháng 8 anh em Hải Hậu đã được bố bọn nó mua cho hai cái lồng đèn chạy pin hình siêu nhân chơi, thằng oắt Hậu cứ đi học về là vác cái đèn bật nhạc tò te chạy quanh xóm khoe ầm. Khác với thằng anh cất đèn kỹ như thần giữ của, đèn của nó chơi chưa được một tuần đã banh ta lông, từ hôm hỏng đèn ngày nào tôi đi làm về cũng nghe thằng oắt hết kèo nhèo anh trai nó cho mượn lại nhiễu sự đòi bố nó mua cho cái khác. Cơ mà xem chừng cũng vô vọng lắm, còn thêm thằng Đại thi thoảng chọc ngoáy mấy câu, nhìn mặt nó buồn thiu cũng tồi tội.

Cậu Huy nhà tôi thì được cái hay chịu khó nghĩ ra dịp để bày biện tụ tập, nên tôi vừa bảo hay là để tôi mua vài thứ về làm lồng đèn cho bọn trẻ con chơi, rồi tổ chức cho chúng đón Trung thu, rước đèn phá cỗ một bữa, cậu tán thành ngay. Mặc dù cứ mỗi lần tụ tập là cả cái khu này lại được một phen chó sủa gà bay nhốn nháo hết cả lên nhưng cậu tôi chả nề, chỉ bảo:

- Trung thu mà, cho bọn nó thoải mái một tí. Cứ nay cấm cái này mai cản cái kia, cả khu im lìm thì buồn bỏ bu!

- Chứ không phải cậu suốt ngày quát bọn nó làm ồn cậu không ngủ được à?

Cậu đang xách cái đài, tay kia quắp thêm cái ghế định ra ngoài hè ngồi, quay lại càu nhàu tôi:

- Mày ít mồm, đi làm đi!

Tôi cười hề hề, cắp cặp đi làm, chiều về sẽ bàn qua với mấy ông bố và đám thanh niên trong xóm rồi qua vài hôm nữa sẽ bắt tay chuẩn bị.

Ban đầu tôi nghĩ ra việc tổ chức Trung thu cho bọn trẻ nhưng cũng không nghĩ là tất cả phụ huynh của bọn nó sẽ đồng tình, vì công việc của họ cũng bận bịu suốt. Ấy vậy mà nghe tôi trình bày xong, bố nào bố nấy đập bàn tán thành bằng hết, hội thanh niên mấy thằng Trường, Đại, Đức cũng hào hứng đồng tình, thằng Đại còn bảo mấy hôm nữa anh nó được về phép, tết đoàn viên mà tụ họp được đầy đủ như vậy thì còn gì bằng. Thêm bà nội với các mẹ các cô nhà ta cũng vào bàn tán sôi nổi lắm, người xung phong nấu cỗ, người góp ý hay là rủ nhau làm thêm cả bánh trung thu nữa, cho đúng chuẩn cây nhà lá vườn, tiếng nói tiếng cười rộn rã cả một góc sân.

Và tất nhiên hào hứng nhất thì vẫn là bọn trẻ con rồi, gần chục cái miệng nhao nhao lên thi nhau nói:

- Trọng xung phong đi học chị Tranh làm bánh nướng cho bố Lu!

- Thôi em ơi năm ngoái cả nhà ăn cái bánh mày làm ở trường về vẫn còn dư âm đây này!

- Anh Hải em khéo nhất, anh Hải sẽ bày mâm ngũ quả cho các anh lác mắt luôn!

- Thôi mấy cái bếp núc bọn mày tự chia nhau, rồi chống mắt lên mà xem anh Thanh mày làm lồng đèn cá chép xịn xò nhất xóm nhá!

- Nổ vừa thôi Thanh, cái tay mày chỉ có bẻ tre là nhanh chứ ở đấy mà cá chép!

- Đứa nào làm đèn thì làm, còn anh mày sẽ đi vẽ đầu lân!

- Thôi Phượng ơi tha cho con lân đi, mày vẽ như cớt í, ra mà làm văn nghệ với thằng Duy còn có lý đấy!

- Thôi đùa, cho anh Phượng lên hát để khán giả giải tán hết à?

- Anh Mạnh bảo anh biết làm con chó bằng bưởi phải không, hôm ấy xuống bày em làm với!

- Con Thư có nhận trông bếp lò thì nhớ đừng xớn xác tót đi chơi mà khét mất bánh nhá!

- Anh im đi!

Đấy là hội người lớn chúng tôi mới chỉ lên kế hoạch chuẩn bị thôi mà xem chúng nó nhộn nhạo chưa kìa, tôi mới bảo cứ thong thả đã, còn hơn một tuần nữa mới đến Trung thu cơ mà. Rồi chợt cô giáo Mây Trang lại đề ra một ý tưởng nói với bọn nhỏ:

- Nào, Trung thu thì mình còn tận hơn một tuần nữa mới tới lận, vậy giờ cô Mây Trang tổ chức một cuộc thi nho nhỏ như này nha. Trong một tuần tới mà bạn nào đi học đạt được nhiều điểm giỏi, ở nhà ngoan ngoãn và được khen ngợi nhiều thì tới bữa Trung thu sẽ được tuyên dương nhận quà, chịu không nè?

Trẻ con mà, đứa nào lại chẳng thích được khen với nhận quà, nên lũ nhóc lại thi nhau dạ ran. Cả xóm ngồi cà kê thêm một lúc rồi cũng giải tán. Lúc mọi người lục tục đứng lên, chị thằng Đại xách chổi ra quét dọn một chút, tôi chợt nghe tiếng hai đứa sinh đôi:

- Cô Trang ơi, để bọn cháu nhặt ít hạt bưởi đã. Toàn, bật đèn lên cho tao!

- Tao với ai đấy thằng kia, tao lại sút cho bây giờ!

Thằng Toàn quát em nhưng cũng bật đèn từ chiếc điện thoại của bố nó, hai anh em ngồi xổm xuống nhặt nhạnh mấy hạt bưởi lẫn trong đống vỏ quả dưới đất. Ngọc Tranh ôm tay chồng định đi lên, thấy hai đứa lúi húi nhặt cũng thắc mắc:

- Hai đứa nhặt hạt bưởi làm gì vậy?

- Bọn em nhặt về để bà nội bày cho làm pháo hạt bưởi ấy chị.

- Pháo hạt bưởi á?

- À, cấy ni chồng biết nờ. – anh chồng cô nàng thấy vợ mình tỏ ra ngạc nhiên về thứ đồ chơi ấy, liền lên tiếng – Khi xưa còn ở quê anh cụng hay đi nhặt hạt bưởi nớ bóc ra xỏ vô dây đồng xong phơi khô, lúc mô chơi thì đốt lên, hấn kêu tách tách cả có mùi khói thơm thơm nờ.

- Thơm lắm hở?

- Thơm!

- Chơi có vui không?

- Vui có lẹ luôn nờ!

- Chồng làm cho em chơi nha!

- Được luôn!

- Hì hì, dễ cưng quá à!

Thằng Đại với đám thằng Phượng, Hà Thư giả vờ làm động tác buồn nôn khi thấy vợ chồng nhà ấy âu yếm nhau, tôi thì chỉ lắc đầu bật cười, trong đầu bất chợt loáng thoáng nghĩ về ngày bé ở quê quanh quẩn cũng chỉ có mấy trò chơi giản dị dân dã thế thôi, vậy mà chẳng khi nào thấy chán.

Đôi khi tôi cũng lấy làm lạ với những đứa nhóc sống ở đây, chúng luôn có một điều gì đó rất khác với đa số học trò trên trường của tôi. Cứ về nhà là tôi thấy bọn nó ồn ào, chạy nhảy hò hét, đá bóng đá cầu, khi thì cắm cúi lôi cái gì đó ra nghịch, chỉ trừ những lúc cả lũ chen chúc bâu quanh thằng Đại xem nó chơi game thì chẳng mấy khi tôi trông thấy chúng cầm điện thoại trong tay hay ru rú ở nhà, đấy là có khi phụ huynh phải vác chổi đi lùa mới chịu về nữa cơ.

Tôi cũng có lần thử hỏi bọn nó, sao thầy chẳng thấy đứa nào thích chơi điện tử vậy nhỉ, trẻ con bằng tuổi chúng bây giờ 10 đứa thì hết 7 8 đứa biết chơi game rồi. Thằng Phượng nó mới trả lời thế này:

- Bọn em hò hét chạy nhảy chán chê đến tối về nhà ngủ ngon lắm thầy ạ, rửa ráy chân tay sạch sẽ phóng lên giường là đánh một giấc thẳng tới sáng, sáng dậy tinh thần thoải mái tươi tỉnh đến trường học tập chăm ngoan làm mầm non tương lai của đất nước. Còn chơi điện tử nhiều đêm về khó ngủ lắm, khó ngủ thành ra khó dậy, thiếu tỉnh táo, rồi cả ngày cứ lừ đừ lừ đừ như anh Đại ấy à, bọn em không ham!

Thằng Đại ngồi một bên lườm thằng nhóc một cái dài thượt, đến lượt tôi gật gù cảm thấy rất có lý thì nó quay sang lườm cả tôi.

***

Giữa tuần thì anh bộ đội nhà “Không thiếu” được về phép, tôi thấy cánh đàn ông trong khu tụ tập về đủ rồi liền triển luôn kế hoạch đi mua các thứ vật liệu làm đèn lồng với một cái đầu lân. Xuân Trường bảo làm một cái đèn ông sao to treo giữa sân, xong rồi làm cho bọn trẻ mỗi đứa một chiếc đèn nhỏ, cho chúng tự lựa chọn kiểu dáng yêu thích, vì mỗi năm chỉ có một ngày Trung thu nên các bố các anh sẽ cố gắng chiều ý chúng hết.

Việc làm đèn nói đơn giản mà cũng mất thời gian ra phết, vì bọn tôi chỉ tranh thủ làm được vào buổi tối sau khi đi làm về, lại chẳng phải ông nào cũng khéo tay, thêm cái đám nhóc bậu xậu đụng đâu phá đấy, thi thoảng chơi đốt hạt bưởi cháy cả vào giấy màu nên suýt thì chương trình Trung thu của bọn nó bị mấy ông bố cáu ầm lên đòi xếp vào dĩ vãng luôn. Loay hoay mấy ngày thì các khung tre lớn nhỏ cơ bản cũng ráp xong, giờ chỉ còn dán giấy màu lên và vẽ trang trí nữa thôi. Tôi nói cái lũ này đúng là trẻ con, cả thèm chóng chán là có thật, mới hôm nọ còn háo hức tranh nhau tao làm cái này mày làm cái kia thì hôm nay đã biến đi đâu sạch sẽ, cuối cùng thì việc trang trí đèn lồng lẫn đầu lân lại do cậu chàng thiếu đánh bao thầu trọn gói.

Cu cậu làm thì vẫn làm, nhưng trước khi làm cũng không quên ngóc mỏ lên chọc bọn nhóc:

- Đèn lồng này tao vẽ cái nào của tao cái đấy nghe chưa bọn kia, tao vẽ hết là của tao hết, cấm đứa nào mó tay vào!

Thằng Trọng nhà VicLu từ trên ban công tầng ba thò đầu ra, trề môi dài thượt:

- Anh Đại ngủ đi rồi mơ nhá. Anh Dũng để yên cho anh đấy, bố em để cho anh yên đấy! Xí!

Nói xong nó lại thụt đầu vào ngay, mấy ông bố lại thắc mắc hai hôm nay bọn nó làm gì mà cứ tập trung hết ở nhà vợ chồng cậu Đức vậy. Mà hỏi Đức thì cậu ấy cũng không biết vì từ hôm qua đến giờ đi làm về không được vào nhà, còn phải đi ngủ lang bên nhà Xuân Trường, trong khi Hà Thư thì đóng đô bên nhà cậu ấy luôn. Mà đâu chỉ có bọn trẻ con, còn cả Mây Trang, Dung Dung và thậm chí đến cô nhà văn “Thét” thường ngày ít khi xuất đầu lộ diện cũng ngày ngày tất bật ra vào nhà ấy, chả biết họ định dành cho mọi người bất ngờ gì đây.

Khi mọi thứ cơ bản đã hoàn thành thì cũng vừa đến rằm tháng tám. Hôm nay thời khóa biểu của tôi chỉ đến hết buổi sáng, quá trưa về đến cổng đã thấy lũ nhóc con lăng xăng với các anh đờn ông chạy ra chạy vào lo đóng sân khấu, kê bàn, dựng cột giăng dây tua rua treo chiếc đèn ông sao to nhất lên. Cậu Huy tôi chỉ đạo các loại xe với pháo dắt gọn ra một góc sân, dành toàn bộ khoảng trống trong nhà xe làm nơi bày bếp và chuẩn bị bàn tiệc để các chị phụ nữ chiều đến sử dụng. Đèn lồng của bọn nhóc, thằng Đại vẽ màu vào xong thì treo thành một dãy trên hành lang, tôi ngó cái đầu lân với đống đèn, gật gù khen thằng nhóc ấy kể ra cũng khéo tay và có khiếu thẩm mỹ phết.

Tôi thay quần áo cộc rồi ra làm cùng mọi người, thấy thằng Đại ngồi loay hoay một lúc thì nghe điện thoại rồi chạy đi đâu mất dạng, anh nó hỏi với theo thì nó bảo đi một tí rồi về. Thoạt đầu tôi cũng không để ý lắm, nhưng lúc sau ngồi nghỉ ăn cơm thì oắt Hậu mon men lại gần, thì thào vào tai tôi:

- Thầy Chíp ơi, lúc nãy anh Đại vẽ đèn cho bọn em xong anh í bảo là thu của mỗi đứa 5 nghìn mới cho lấy đèn. Lúc í mọi người chưa về nên em chả mách được ai, anh Đại lấy tiền xong còn hăm bọn em không được cáo bố mẹ nữa. Nhưng mà em thấy tức lắm thầy ạ, tí nữa anh í về thầy xử anh í cho bọn em nhá!

Tôi cau mày, thầm nghĩ không biết đến hôm nay rồi mà thằng nhóc kia lại bày trò thiếu đánh gì nữa, mới gật đầu bảo:

- Ừ, thầy biết rồi, tí nữa anh Đại về để thầy bảo anh ấy. Bọn em cứ ra ngoài giúp mọi người đi!

Tôi nói thì nói thế nhưng ai ngờ thằng Đại nó dông tuốt đi đâu mãi chưa thấy mò mặt về. 2 3 giờ chiều thì các chị phụ nữ rủ nhau đi chợ rồi về nổi lửa nấu nướng, bọn trẻ cũng chạy khắp sân mỗi chỗ ghé vào một tí, lúc nào bị quát thì lại kéo nhau chạy đi. Có đâu được hai đứa Duy Mạnh với Quang Hải chịu ngồi yên một chỗ, hai đứa ngồi với bà nội, tỉ mẩn bóc bưởi làm con chó xù, nhưng chó thì chưa ra hình mà ba quả bưởi bóc ra đã bốc hơi quá nửa.

Xế chiều thì các thứ được chuẩn bị bày biện xong đâu vào đấy hết, cả nhà dọn cơm ra rồi mà Trọng Đại vẫn chưa thấy đâu. Tiến Dũng gọi điện giục về thì nó bảo mọi người cứ ăn trước, lúc nào bày mâm phá cỗ nó về là vừa, cái thằng, chả hiểu đang thậm thụt cái gì nữa.

Trời tối hẳn thì Văn Đức trèo lên thắp nến cho chiếc đèn to, lôi cả cái loa kéo từ đội về bật nhạc xập xình mấy bài hát về Trung thu từ ngày xửa ngày xưa. Trăng sáng vằng vặc treo bên lưng trời, gió thu mát rượi, các phụ huynh ngồi ở bàn ăn bánh kẹo uống chè xanh, xem cô giáo Mây Trang tập hợp đội hình các siêu quậy nhí thành một hàng nghe báo cáo thành tích thi đua trong tuần.

Mở đầu là cô em ngổ ngáo của Xuân Trường:

- Em là Hà Thư, tuần qua Hà Thư được 9 điểm môn Toán, 9,5 điểm Vật lý với cả 9 lộn ngược môn làm văn ạ!

- Ơ, sao làm văn lại kém vậy? Anh kèm mày kỹ lắm cơ mà? – Xuân Trường nhíu mày thắc mắc.

Hà Thư chưa kịp đáp, thằng Phượng đã láu táu chen mồm:

- Em thấy nó viết dài lắm anh ạ, nhưng nó chả cho em xem, phát bài ra thì che rịt đi, em chỉ kịp ngó thấy ở ô lời phê cô giáo ghi là cần sống nhân hậu hơn.

- …

Anh nó tạm cạn lời, còn nó thì tím mặt co chân định đá thằng bạn một cái, gầm gừ:

- Mượn mày nói à, cái thằng 5 điểm Âm nhạc? Cô lại còn bảo châm chước lắm mới cho 5.

- Ơ, kệ tao nhá, cái con được…

- Thôi thôi, cho cô Trang xin hai đứa nè, bữa nay Trung thu mà, sao tự nhiên gây nhau? – Mây Trang thấy hai đứa sắp sửng cồ lên quay ra bem nhau, đành phải rối rít can – Rồi vậy Phượng thì sao? Tuần này con có được điểm tốt môn nào không?

- Dạ có chứ cô! Em được hẳn 10 điểm kiểm tra Sử Địa cơ! – thằng nhóc lại hớn hở ngay.

Bố VicLu vừa nghe xong thì vui mừng ra mặt, thôi thì bù lại được con 5 môn Âm nhạc mà vốn chính anh cũng thấy cô giáo quá thương thằng con anh rồi.

Mấy đứa nhóc lại tiếp tục nhao nhao:

- Duy Mạnh cũng được 10 điểm tiếng Việt đọc đây cô Trang ơi!

- Em học bơi nhanh nhất, chạy nhanh nhất với cả được khen là khỏe nhất lớp Thể dục luôn cô ạ!

- Hai anh em em tham gia thi văn nghệ ở trường được giải nhì này!

- Trọng nói tiếng Anh với thầy giáo, được thầy khen nói chuẩn nhất lớp cô ạ! Bạn Hải còn được tuyên dương người tốt việc tốt nữa ạ!

Tôi để ý trong khi các anh chị thi nhau kể về một tuần đi học trên trường, oắt Hậu lại đứng yên gãi đầu suy nghĩ gì đó, rồi chợt nó la lớn, vừa la vừa nhảy tưng tưng:

- Em nữa cô Trang ơi, em này!

- Út Hậu tuần này em làm được gì nè? – Mây Trang lại gần tươi cười xoa đầu thằng nhóc bé nhất xóm.

- Tuần này em đã phấn đấu… không bị tè dầm hôm nào ạ! – thằng nhóc hớn hở khoe thành tích, miệng toe toét cười tít cả mắt.

Tất cả mọi người nghe xong đều cười rộ lên không ngớt, bố MiLo thì chép miệng bảo:

- Thật ra được như vậy là tiến bộ lắm rồi các cô chú ạ!

Trẻ con đúng là trẻ con, hồn nhiên để đâu cho hết. Mây Trang sau đó đem mấy phần thưởng cô chuẩn bị từ trước tặng cho bọn trẻ, cũng chẳng phải thứ đắt tiền gì, vài quyển vở cây bút và mỗi đứa một quyển truyện thiếu nhi mà cô cất công chọn lựa cả ngày trời trong nhà sách trung tâm. Để cho màn trao quà thêm phần lung linh, Ngọc Tranh và Dung Dung đứng sau lưng bọn trẻ đang rất hào hứng rải vụn kim tuyến, thật ra có lắm khi tôi trông hai cô nàng ấy còn hồn nhiên nhí nhảnh hơn cả bọn nhóc mới lạ chứ.

Ngay lúc ấy tôi vô tình quay đầu ra thì thấy Trọng Đại về, sau lưng còn có cả một cậu bạn của nó, hai thằng kéo nhau lủi vào nhà luôn chứ không nhập tiệc. Tôi chưa kịp gọi thì cậu Huy vỗ vai, bảo vào chuẩn bị bày các thứ ra cho bọn nhóc chuẩn bị phá cỗ, mấy đứa nó thì lại theo chân Ngọc Tranh chạy tuốt lên tầng.

Cỗ được dọn lên xếp dọc dãy bàn dài, đủ mọi thức quà ngon lành đẹp mắt. Hai chú chó xù xinh xắn là thành quả hết một buổi chiều hì hục bặm môi tươm mồ hôi trán của hai đứa Duy Mạnh với Quang Hải cùng sự chỉ bảo tận tình của bà nội. Mâm hoa quả nào bưởi nào hồng, dưa hấu cả chuối với bánh khảo thơm ngào ngạt được mẹ Hải Hậu với mẹ Duy Toàn khéo léo bày lên, lại còn cơ man nào là bánh kẹo, nước ngọt các loại nữa. Nhưng tôi nhìn đi nhìn lại vài ba lượt, rõ ràng cảm thấy vẫn còn thiếu.

- Cậu Huy ơi, sao cỗ bàn không có cái bánh Trung thu nào nhỉ?

Tôi khều cậu tôi, cậu nhìn qua rồi cũng gật đầu:

- Ừ, rõ ràng đã dặn các bà đi chợ nhớ mua cho đầy đủ rồi cơ mà, sao cái cần có nhất thì lại thiếu được?

Thùy Trang đang xếp mấy cái cốc nhỏ ra, nghe thế thì ngẩng lên cười nói:

- Anh Dũng với bác Huy không phải lo, gì chứ bánh Trung thu làm sao mà thiếu được? Bọn cháu có chuẩn bị hết rồi.

Cô nói vậy thì tôi cũng gật đầu nghe vậy. Cỗ bày xong thì bà nội bảo mọi người ngồi vào chỗ, gọi bọn trẻ con xuống. Một lúc sau thì thấy Ngọc Tranh dẫn theo bọn trẻ rồng rắn đi xuống.

Cô dừng lại trước bàn, che hết một hàng thiếu nhi đứng sau lưng, tươi cười nói:

- Mọi người ạ, hôm nay là tết Trung thu, thật là vui khi mà tất cả mọi người trong khu mình có thể tập trung đông đủ vào ngày này. Hôm nay thì em, với vai trò là người hướng dẫn, thể theo nguyện vọng của các bạn nhỏ thì đã giúp các bạn í cùng làm một món quà nho nhỏ gửi tặng đến các bậc phụ huynh, cũng như là mọi người trong khu nhà mình. Món quà này nhỏ thôi, nhưng bên trong nó là tấm lòng của các bạn nhỏ, em rất hy vọng là mọi người sẽ hài lòng.

Ngọc Tranh nói xong thì quay về ngồi lại bên cạnh ông xã quý hóa của mình, bọn trẻ sau lưng cô bắt đầu di chuyển, tôi nhận ra chúng đều đang bưng một chiếc bánh Trung thu trên tay. Rất cẩn thận và lễ phép đem đến chỗ của bố mẹ mình. Quả nhiên tất cả mọi người đều rất ngạc nhiên,  lúc sau thì dường như ai nấy cũng đều bồi hồi xúc động. Và cả tôi, cậu Huy, Dung Dung, Mây Trang và chị em Thùy Trang, Tiến Dũng cũng vậy, bọn trẻ không không chỉ làm bánh tặng cho phụ huynh mình, còn tặng cả cho chúng tôi, mỗi người một chiếc bánh nhỏ.

- Duy làm bánh nhân thập cẩm cho bố này, anh Toàn làm bánh nhân mứt quả cho mẹ này, bánh dẻo đậu xanh của bà nội là anh Toàn nặn nhân còn Duy bọc vỏ rồi lên khuôn này.

- Thường ngày hai thằng mày tay chân táy máy mà làm bánh cũng khéo quá nhỉ, bà thương!

- Anh Trường xem đây nhá, bánh nhân đậu đỏ chín đều vàng ươm thơm phức chỉ có mỗi Hà Thư mới làm ra được thôi, trên đời này không có cái thứ hai đâu. Phải vinh dự làm anh của em mới được ăn đấy nhá!

- Alo, bố ơi, mẹ ơi, ra mà xem Thư nó làm bánh Trung thu cho con ăn này!

- Bố ơi, hôm nay con không giúp anh Hải nặn bánh, dưng mà con bảo là bố thích ăn bánh dẻo khoai tím với mẹ thích ăn bánh nướng mứt hạt sen này, anh Hải làm được hết ý, thấy bọn con giỏi chưaaaa!

- Vâng, các anh giỏi nhất, đâu cắt ra bố ăn thử một miếng xem nào!

- Ơ vợ ơi, rứa bánh Trung thu của anh mô nờ?

- Làm sao thiếu phần của chồng được, bánh của anh là phải tự tay em làm ngon nhất nhất luôn này…!

Hạnh phúc nhất chắc phải là ông bố VicLu ấy nhỉ, bánh của bốn đứa nhóc làm cho anh to nhất cơ mà.

- Bố đi làm vất vả, mà lâu lâu bọn con mới có dịp làm bánh cho bố ăn, nên là bố phải ăn hết cái bánh này nhá!

- Anh Phượng nói đúng đấy ạ, bố ăn hết mới là thương bọn con đấy nhá. Thanh đã đập lợn đất lấy tiền để dành dẫn em Trọng đi mua đầy đủ các thứ để làm nhân bánh đấy.

- Anh Phượng với anh Mạnh làm hỏng mất mấy lần mới làm được cái ngon nhất phần bố đây này! - thằng Trọng thỏ thẻ - Chắc là không ngon bằng bánh đi mua đâu nhưng bọn con đã cùng nhau làm tặng bố, bố đừng chê nhá!

- Không có cái bánh đi mua nào ngon bằng bánh của con trai bố làm đâu. Bọn con giỏi lắm!

Tôi để ý giọng anh ấy hơi run, lại còn nghèn nghẹn, vòng tay ôm lấy cả bốn đứa trẻ, nhất định trong lòng cảm thấy rất tự hào, tự nhiên tôi thấy bản thân cũng vui lây, bọn trẻ này quả nhiên luôn biết cách làm chúng tôi bất ngờ.

Trong không khí đong đầy tình cảm thế này, chợt một tiếng nói vang lên:

- Quý vị cứ khoan xúc động, quà vẫn chưa hết đâu nha!

Tiếng Trọng Đại chứ còn ai vào đây nữa, mọi người quay về phía nhà nó, thấy hai thằng thanh niên lễ mễ bưng ra hai cái mâm to, trịnh trọng đặt xuống bàn.

- Ô này!

Chẳng rõ tiếng của ai, nhưng tất cả chúng tôi khi nhìn thấy những thứ bày trong hai cái mâm ấy đều giật mình kinh ngạc. Riêng tôi, cảm thấy như bánh xe thời gian vừa mới quay ngược mấy vòng.

Một mâm chất đầy thạch mút, sinh tố đá trong ống nhựa, một đĩa kem cân, sữa chua túi đông đá phả hơi lạnh nghi ngút. Mâm còn lại thì nào là ô mai cành đào, kẹo C quả tim, kẹo vỉ mặt nạ, kẹo cao su sọc dưa, kẹo lạc giòn, mạch nha, kẹo kéo, mì trẻ em, vài thức quà linh tinh cùng một túi bỏng ống to tướng.

Tôi vẫn còn bần thần nhìn những thứ trong mâm như đang trông một mâm báu vật, anh thằng Đại đã đứng lên vỗ vai nó:

- Tưởng đi đâu, hóa ra hai thằng kéo nhau đi tìm mua mấy thứ này à? Sao không bảo anh đi cùng?

- Cần gì đi lắm, Khoai Tây sợ em không ôm xuể đống này à? Nếu không phải tại cái xe cà tàng của thằng Chiến cứ đi trăm mét lại chết máy thì em về từ sớm rồi, may là mấy cái đồ lạnh kia mua từ hôm trước rồi đấy! – nó bĩu môi càu nhàu.

Thùy Trang thì lắc đầu cười:

- Thảo nào hai hôm nay nó cứ ôm khư khư cái tủ đá không cho ai mở.

- Mày chơi quả này được đấy Đại! – Xuân Trường hất hàm – Mà sao tự nhiên nghĩ ra cái này đấy hả?

- Khồng, em rỗi hơi đâu! – Đại lắc đầu đáp tỉnh bơ – Đây là mấy đứa trẻ con góp tiền nhờ em đi mua đấy. Thằng Duy thằng Toàn hay nói bà nội kể cho bọn nó nghe ngày xưa có những quà vặt bố nó thích lắm, giờ chả tìm ở đâu được. Thằng Hải, con Thư cũng bảo ngày trước còn ở quê hay có bỏng ống gặm cho vui mồm, từ ngày lên đây thì không có mà ăn nữa. Em mới bảo là em biết chỗ bán mấy cái đấy, thế là bọn nó góp tiền nhờ em đi mua hộ thôi.

Trong lúc nó nói, tôi có để ý bọn nhóc con, thêm cả chuyện lúc trưa oắt Hậu mách tôi nữa, tôi nghĩ có đến quá nửa câu chuyện không giống như những gì nó kể. Mà thôi, tôi cười, không buồn bóc mẽ nó làm gì, chỉ hỏi:

- Thế tất cả chỗ này hết có 45 nghìn thôi à Đại?

Đại liếc tôi, có vẻ nó biết là tôi biết tỏng rồi, nên đáp:

- Xời, 45 nghìn còn thừa đây này!

Bọn nhóc nghe xong, mắt đứa nào đứa nấy sáng rỡ, hò nhau xông vào bám chặt lấy anh Đại, vừa kéo vừa hét đinh cả đầu.

- Hoan hô anh Đại, bọn em thích anh Đại nhất luôn!

- Thôi thôi, tha anh! Đoản thọ tôi mất giời ơi! – nó cũng chẳng tỏ vẻ khó chịu như thường ngày, miệng thì nói nhưng vẫn để mặc cho bọn nhóc lôi lôi kéo kéo. Thùy Trang với Tiến Dũng chỉ lẳng lặng nhìn nhau, kín đáo cười.

Bố MiLo của hai đứa Hải Hậu nhặt một cái kẹo lạc cho vào miệng nhai rộp rộp, gật gù:

- Ngon thật, lâu lắm rồi vẫn ngon như vậy mọi người ạ!

- Em nhớ hồi xưa ăn ba cái sinh tố này mà bị viêm họng miết nè, bị thì nghỉ ăn, mà hết một cái là lại ăn tiếp. – Mây Trang cầm một ống sinh tố đá cắn ăn ngon lành, vừa ăn vừa kể chuyện lúc nhỏ.

Cậu Huy của tôi cũng nhón một túi sữa chua:

- Nhìn mấy món này công nhận nhớ cái thời còn bé kinh khủng. Thằng thiếu đánh kia tìm được chỗ mua cũng phải công nhận là tài đi mò mẫm.

Xuân Trường đang dốc gói mì trẻ em vào miệng nhai thì con em từ đâu lao đến ôm cổ, đung đưa trước mặt cậu một cái đèn nhỏ làm từ vỏ lon:

- Anh Trường nhìn này! Em cầm cái này đi chơi nhá!

- Đèn lồng to anh làm cho kìa, sao không lấy mà chơi?

- Cái đấy để dành lại đi, hôm nay em chơi cái này. – con bé lắc đầu.

Bố DoTi của hai đứa sinh đôi mới hỏi:

- Sao vậy Thư, chú thấy đèn lồng anh Trường làm cho cháu đẹp như kia mà? Cháu không thích à?

- Không phải ạ! – Hà Thư nói, vung vẩy cái đèn nhỏ trong tay – Anh cháu làm đèn đẹp lắm, nhưng cháu vẫn thích cái này nhất ạ. Nó là cái đèn đầu tiên mà anh cháu biết làm, làm tặng cho cháu năm cháu vào lớp 1, nên là cháu thích nó nhất, Trung thu năm nào cũng lôi ra chơi, chơi xong lại cất đi để dành.

Xuân Trường phì cười, vươn tay xoa xoa đầu con em:

- Ừ, biết rồi, thích cái nào thì cầm đi mà chơi!

Đến khoảng 10 giờ thì bàn cỗ đã bị phá tan tành, bọn trẻ với đám thanh niên thì vẫn mặc sức nô đùa ngoài sân, các bậc phụ huynh cũng chẳng ai buồn đi nghỉ, cứ ngồi cà kê mãi, thi thoảng ngước mắt trông lên vầng trăng tròn vành vạnh sáng như gương treo trên đỉnh trời, tỏa ánh sáng vàng dịu xuống không gian yên ả. Khoảng trời nơi này, trong mắt một người lớn lên ở miền quê như tôi dẫu rằng chẳng cao vợi mênh mang như nơi đồng nội đượm đầy những mùi hương đơn sơ mộc mạc, nhưng cũng không hề nhỏ bé hẹp hòi như ở nơi phố thị ồn ào, nơi ánh trăng cứ như vỡ vụn ra chen chúc giữa những tòa cao ốc vô tri.

- Trăng đẹp quá thầy Chíp nhỉ?

Dung Dung ngồi cạnh tôi đột nhiên lên tiếng làm tôi hơi giật mình, gật đầu với cô:

- Ừm, lâu lắm rồi mới có được một đêm thảnh thơi uống trà ngắm trăng như thế này. Mà Dung không gọi điện về nhà à?

- Em có gọi rồi, giờ này ở quê cũng vui lắm. – cô đáp, cắt một quả hồng chia cho mọi người – Bọn nhóc con chơi vui quá, nhìn thích thật!

- Bọn nó đáng yêu thật ý, em thật mong con bọn em sau này cũng đáng yêu như thế! – Ngọc Tranh chống cằm nhìn đám trẻ tung tăng trong sân, vu vơ nói.

Mây Trang liền châm chọc:

- Mày á nhỏ, bộ nuôi một ông chồng trẻ con còn chưa đủ hả? Mày nuôi chồng mày lớn đi rồi tính tới em bé sau ha!

- Kệ tao, xớ!

Mọi người đều bật cười khi thấy cô nàng xị mặt, Dung Dung nói tiếp:

- Phải cái, tính thằng nhóc Đại cũng hay đáo để ấy nhỉ. Ai mà không biết, nhìn nó thế nào cũng bảo nó là thằng vô tâm.

- Tính nó từ bé đã như vậy rồi. – Thùy Trang lên tiếng, nói về thằng em út nhà mình – Ngang ngạnh và rất ương, nhưng thật ra lại rất hiểu chuyện, mà làm cái gì cũng không thích khoa trương, Khoai Tây rõ tính nó nhất, nên cũng thương nó nhất nhà.

Tôi không nói gì, cắn một miếng bánh ngọt lịm rồi uống nốt cốc chè xanh chát xít nhưng nước trôi xuống cổ rồi còn đọng lại vị ngọt thanh thanh, trong lòng đeo đuổi một suy nghĩ, rằng có lẽ tôi chọn ở lại đây với cậu Huy là lựa chọn không hề sai lầm như trước đây tôi vẫn tưởng.

Ở đây tôi có một đại gia đình, có lúc đông vui, náo nhiệt nhưng cũng có lúc rất đỗi giản dị, bình yên. Nơi tồn tại những con người mà đôi khi tôi có cảm tưởng rằng nhịp sống thời đại có hối hả đến đâu cũng chẳng cuốn họ đi được. Nơi có những đứa trẻ hồn nhiên trong sáng, lớn lên bình dị vô tư với tấm lòng thơm thảo đáng quý, nơi có những giá trị xưa mà không cũ, dù lớn lao hay nhỏ bé nhường nào cũng đều được từng người một nắn nót ghi nhớ, trang trọng giữ gìn. Tìm được một nơi như thế để trở về sau những chặng đường bươn chải, chẳng phải là tôi đã quá may mắn rồi sao?

Mùi khói thơm hăng hắc của dây pháo hạt bưởi cháy tan vào không gian, váng vất bên cánh mũi tôi một cảm giác cay xè.

-------------

Chúc cả nhà một Tết đoàn viên thật ấm áp an vui. 😊😊😊

Hãy để lại một cmt gì đó thay cho lời chúc gửi đến tớ đi, ý tớ là cmt cho xôm tụ một tí, nha, nha nha 😅😅

Bonus hình cục cưng đội đèn đi tơiiiii

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top