Chương 11: Lập đích lập trưởng.

Cung nhân Nguyễn Ngọc Hoàn cùng cung nhân Nguyễn Đường Lan và cung nhân Mai Ngọc Đỉnh của thánh thượng đến yết mừng thái hậu. Trước kia, họ có danh phận thái tử phi hay thị thiếp thái tử, giờ đây, khi thái tử nối ngôi đại thống, họ đều trở thành cung nhân trước khi được nhận phong hiệu. Tuy nhiên, vì có danh phận cao nhất khi còn ở Đông cung, Nguyễn Ngọc Hoàn hiển nhiên là người có quyền uy hơn hẳn.

Các vị hoàng tử nhỏ vào diện kiến thái hậu khi được sự cho phép. Lê Tuân thân là trưởng tử, dẫn đầu hai em mình khấu đầu hoàng tổ mẫu. Thái hậu sau khi ban tọa cho ba vị, rồi nhìn Lê Tuân, trò chuyện: "Còn nhớ lần cuối ta gặp cháu, cháu chỉ mới bốn tuổi. Tuân tuổi nhỏ, lại thông minh hiểu chuyện, là công lao to lớn của Ngọc Hoàn khi còn là thái tử phi đã nuôi dạy thật tốt."

Cung nhân Ngọc Hoàn mỉm cười, nhẹ nhàng khấu đầu tạ ơn lời khen ngợi của thái hậu. Chợt, bà nghiêm mặt, vẻ mặt không hài lòng nhìn sang cung nhân Ngọc Đỉnh: "Lại nói, cớ sao khi giao Tuân cho con, nó ngày càng trở nên bê tha đến thế?"

Cung nhân Ngọc Đỉnh xanh mặt sợ hãi, chưa gì đã vội rời khỏi chỗ ngồi, quỳ xuống giữa điện mà thưa: "Thái hậu trách phạt rất phải. Con đã biết lỗi của mình, con sẽ dạy dỗ Tuân nên thân hơn."

Lê Tuân thấy mẹ đột nhiên quỳ lạy như thế, y cũng miễn cưỡng quỳ sau lưng, vờ dập đầu theo.

Mai Ngọc Đỉnh quả nhiên chính là Mai Ngọc Đỉnh. Sau bao nhiêu năm cũng chẳng đổi thay, vẫn cái tính cách nhát gan yếu ớt đó. Thái hậu thở dài ngao ngán, cho hai mẹ con trở về chỗ.

"Nó là hoàng thái tôn của tiên đế, trưởng tử của thánh thượng, là bộ mặt của hoàng gia chúng ta. Càng không nên lơ là chuyện dưỡng dục. Tuân giờ đây đã hơn mười sáu tuổi, cũng đã trưởng thành, không thể để cho Ngọc Hoàn giáo dục lại được nữa. Ngọc Đỉnh con càng phải gánh trách nhiệm."

Đoạn, thái hậu nhìn qua hai vị hoàng tôn nhỏ tuổi. Cả hai đều rất khôi ngô, đĩnh đạc, trong lòng thái hậu thầm khen hai đứa trẻ có phong thái vượt xa Lê Tuân.

Khi xưa, lúc thái hậu bị tiên đế cấm túc, thánh thượng lúc ấy còn là thái tử, vừa có được một nam hài thứ hai, cung nhân Ngọc Hoàn đang mang thai, cũng gần ngày khai hoa nở nhụy. Nếu đúng như vậy, hoàng tử ngồi phía sau Lê Tuân hẳn chính là Lê Tuấn, nhị tử của thánh thượng, hoàng tử ngồi sau cùng là tam tử Thuần.

Lê Tuấn cùng Lê Thuần không hẹn, cùng nhìn qua Ngọc Hoàn. Nàng khẽ gật đầu ra hiệu, cả hai đứng lên chấp tay, khấu đầu.

"Tuấn ngồi đi!" Thái hậu hời hợt lệnh, bà liền chuyển sang nét vui vẻ, hiền hậu mà gọi, "Thuần, đến đây với hoàng tổ mẫu."

Thuần lanh lợi đến bên cạnh. Từng cử chỉ của thái hậu tỏ rõ muôn vàn thương yêu, "Đứa cháu này của ta, lần đầu gặp mặt, đã thấy con có khí chất phi thường. Quả nhiên, Ngọc Hoàn làm rất tốt."

Cung nhân Ngọc Hoàn đáp: "Thưa thái hậu, việc giáo dục con cái giúp đỡ cho thánh thượng là bổn phận của thần. Có điều...". Nàng nhìn sang Lê Tuấn, ngập ngừng nói, "Có điều Tuấn cũng rất tài giỏi, thằng bé được tiên đế đích thân dưỡng dục, lấy sách thánh hiền triết lý làm niềm vui."

Thái hậu vỗ vỗ vai Lê Thuần, im lặng một hồi lâu, cố ý phớt lờ Ngọc Hoàn, cho ba vị hoàng tử lui khỏi chính điện.

"Ngọc Hoàn!" Thái hậu chậm rãi nói, "Từ trước đến nay, Thuần là niềm tự hào của thánh thượng, chuyên tâm vào đứa con thân sinh, phòng chuyện loạn ngôi đích thứ xảy ra thêm lần nữa!"

Thái hậu ngụ ý thâm sâu, chỉ với một câu đã làm cho ba vị cung nhân có những ý niệm khác nhau.

Thái hậu nhìn một lượt ba người, nở điệu cười muôn phần ẩn ý. Bà lệnh hầu mời nước cả ba. Hớp một ngụm trà nhỏ thông cổ, bà tiếp tục: "Lê triều ta từ đức Thái Tổ đến nay đều lập thái tử. Đức Thái Tổ đến tận gần lúc lâm chung mới chọn đức Thái Tông, thế nên thời gian đức Thái Tông trị vì đã xảy ra chuyện của Phạm Huệ phi mưu phế lập vua. Đức Thái Tông phế lập thái tử, nên gây ra chuyện Lệ Đức hầu cả gan giết vua. Ngôi trữ vị không được để trống, mà đã có chủ nhưng dễ dàng luân chuyển như thế lại càng không nên. Tiên đế do đấy đã cho thánh thượng làm chủ Đông cung ba mươi sáu năm ròng, nên biến cố tất nhiên không diễn ra."

Cung nhân Đường Lan lên tiếng đồng tình: "Tiên đế anh minh sáng suốt, đức thánh thượng tài đức vẹn toàn, không ai thích hợp hơn. Hơn thế nữa, thái hậu xuất thân danh giá, vị thế đã vững nay lại càng thêm vững chắc hơn."

Thái hậu khen cung nhân Đường Lan khéo ăn khéo nói, định bụng tiếp lời thì bên ngoài, một thằng nội quan hấp tấp chạy ù đến ngay trước cửa chính điện. Thái hậu mắng cho nó vài tiếng. Nó lắp ba lắp bắp bẩm: "Thái... thái hậu... Không xong rồi... Tam hoàng tử... Tam hoàng tử có chuyện rồi..."

Cung nhân Ngọc Hoàn vừa nghe đến con mình, không quan tâm có bất kính hay không, tự ý nhanh rời khỏi chính điện. Thái hậu cũng lập tức cùng hai vị cung nhân còn lại đi theo.

Hồ Vĩnh Dạ là hồ nước lớn nhất tọa lạc trong cung Trường Lạc. Các vị bề trên theo lời bẩm hốt hoảng của thằng nội hầu vừa nãy, vội vã đến đây.

Lê Tuân người ướt như chuột lột, cật lực nắm lấy từng hơi thở. Nằm bên cạnh là Lê Thuần, thân người bé nhỏ, gương mặt trắng bệch với đôi mắt nhắm nghiền. Ngọc Hoàn mặt cắt không còn giọt máu, như người mất hồn nhào tới ôm con vào lòng. Thái hậu lệnh truyền thái y.

Vừa lúc ấy, thánh thượng giá đến, tất cả quỳ lạy hành lễ kể cả Lê Tuân đang rũ rượi mệt nhừ. Thánh thượng tâm trí cũng dường như trống rỗng, nhìn Ngọc Hoàn đau đớn gọi tên con.

Cung nhân Đường Lan là người bình tĩnh hơn cả, liền tra vấn ngay thằng nội quan báo tin. Nó mồ hôi nhễ nhại, áp sát mặt xuống đất, bẩm: "Bẩm đức bà thái hậu, bẩm đức thánh thượng, ba vị cung nhân, con nghe tiếng nước động như có ai rơi xuống nên vội chạy đến xem. Ai ngờ lại là tam hoàng tử đang vùng vẫy bên dưới..."

Thằng Húc hầu bên cạnh Lê Tuân cả gan tiếp lời: "Con dập đầu xin thay điện hạ bẩm chuyện lên các đức bề trên, điện hạ của con cũng nghe tiếng động liền qua hồ Vĩnh Dạ đây xem xét. Khi đó, thấy tam hoàng tử dần chìm xuống, điện hạ con không màng tính mạng, nhảy xuống cứu tam hoàng tử."

"Chúng hầu của Thuần đâu?", thánh thượng gằn giọng hỏi. Thằng Đoàn Lục hay hầu bên Lê Thuần run rẩy bò ra từ chỗ nấp, nó sợ tội, mấp máy môi không thành tiếng. Thánh thượng tức giận quát, "Ngươi theo hầu Thuần đã mấy năm trời, thấy chủ hoạn nạn liền trốn chạy không giúp. Giữ kẻ như ngươi bên mình sợ rằng khi bất trung, sẽ như nuôi ong tay áo! Lập tức ban trượng hình đến chết!"

Những người ở đó không ai dám tạo ra tiếng động. Mọi thứ rơi vào tĩnh lặng đến cả một con ruồi bay qua cũng chẳng có gan mà đập cánh.

Thái y coi sóc mạch đập, làm một vài hành động sơ cứu nho nhỏ rồi bẩm lên thánh thượng tình trạng của Lê Thuần đã tạm ổn định. Thái hậu xót cháu nên cho phép cung nhân Ngọc Hoàn đưa Thuần về lại cung riêng.

Thánh thượng sai hạ nhân đưa Lê Tuân thêm áo choàng, lại sai thái y chẩn mạch cho Tuân. Cung nhân Ngọc Đỉnh thường ngày chỉ thấy thánh thượng trách mắng con mình nên nghĩ rằng ngài không thích nhi tử của nàng. Khi chứng kiến những cử chỉ nhỏ ấy, nàng rơm rớm nước mắt mà quỳ lạy tạ ơn.

Thánh thượng hời hợt ra dấu cho tỳ nữ đỡ Ngọc Đỉnh dậy, mắt hướng về Lê Tuân, "Đã biết cứu giúp anh em, thay đổi như thế coi như vẫn còn có thể trông cậy được!"

Thái hậu mỉm cười hiền nói: "Xem ra bấy lâu, Ngọc Đỉnh thầm lặng dạy con rất tốt! Hai mẹ con các con mau về tẩm cung mà nghỉ ngơi."

Lê Tuân hồi sức thưa: "Hồi hoàng tổ mẫu, hồi phụ hoàng, nhi thần không thể không nói ra. Lúc nhi thần đưa hoàng tam đệ lên, hoàng nhị đệ ở ngay cạnh đó. Nhi thần không rõ... không rõ lúc đó có phải do..."

"Xằng bậy!", Cung nhân Ngọc Hoàn đang từ lo lắng cho nhi tử, lập tức nét mặt chuyển sang bất bình, nhanh chóng tiến đến trước thái hậu và thánh thượng, "Đại hoàng tử cho rằng Tuấn đã đẩy Thuần của ta xuống hồ sao?"

Lê Tuân nuốt vội không khí, tránh không chạm mắt với cung nhân Ngọc Hoàn: "Thưa hoàng tổ mẫu, thưa phụ hoàng, nhi thần không dám vu oan cho hoàng nhị đệ. Chỉ là... Chỉ là hai hoàng đệ của nhi thần sống cùng nhau, một người được sự quan tâm hơn hẳn nên không tránh khỏi ganh ghét..."

Lê Tuấn nghe thế, sợ Ngọc Hoàn bị hiểu nhầm nên quỳ xuống thưa: "Thưa hoàng tổ mẫu, thưa phụ hoàng, thường ngày nhi thần được đối xử rất tốt. Không hề có chuyện như hoàng huynh..."

"Hỗn láo! Phép tắc thường ngày ở đâu mà ngươi dám tự ý chen vào?"

Thái hậu quát lớn khiến Lê Tuấn giật mình mà cúi gầm mặt xuống nền đất. Ngọc Hoàn nói đỡ cho cậu bé một vài câu. Thánh thượng đẩy ra tiếng thở dài nặng nề, đôi mày rồng nhíu lại khó chịu. Vốn người trầm tĩnh, dường như ngài chẳng muốn nghe thêm chuyện ồn ào, đành cho phép Ngọc Hoàn đưa Lê Tuấn về cung riêng của nàng.

Ngọc Hoàn mặt như băng đá, trong lòng không khỏi thất vọng, nắm lấy tay Tuấn đưa cậu rời khỏi nơi thị phi này. Nàng không ngờ, đứa trẻ hồn nhiên hiểu chuyện ngày xưa mà nàng từng dạy dỗ lại thành ra con người như vậy. Lê Tuân ngày càng làm nàng mất đi niềm tin. Ngọc Hoàn thầm nhủ, kể từ giờ, Lê Tuân nếu động vào Lê Tuấn và Lê Thuần, nàng tuyệt đối sẽ thẳng tay trừng trị.


[ ... ]


Buổi đầu lên ngôi cũng không có gì khó khăn bởi ba mươi sáu năm giữ ngôi chính Đông cung, ít nhiều ngài cũng quen thuộc với công việc triều chính. Vả lại, tình hình dân chúng an ổn, biên cương không bị nhiễu loạn. Thằng giặc Hoàng Hấp Kiện lợi dụng tang sự mà nổi loạn cũng đã bị đánh dẹp. Nhưng dù công việc nhẹ nhàng, thánh thượng vẫn không cho phép bản thân thói tự đại.

Khương Chủng là tên quan nội hầu theo gót chân thánh thượng từ khi ngài còn ở Đông cung nên y tất nhiên rành rẽ tâm trạng của thánh thượng. Cũng vì vậy mà ngài cũng rất tin tưởng y.

Khương Chủng đợi chừng thánh thượng duyệt các tấu chương xong xuôi mới dám làm phiền ngài, y thưa: "Hồi bẩm đức thánh thượng, thần vừa nghe tin, trên đường trở về kinh, Lê Viễn Thức đột ngột mắc phong hàn qua đời"

Thánh thượng dừng lại một chút, nghi hoặc hỏi "Cớ sao lại đột ngột mắc phong hàn?"

"Bẩm đức thánh thượng, hẳn vì trước đây sống trong phú quý, Lê Viễn Thức không chịu nổi cảnh khổ sai nên hắn phát bệnh mà chết."

Thánh thượng trầm ngâm vài khắc, lại nói: "Hắn có một đứa con gái nhỏ, tên là Y Thi, trạc tuổi Thuần. Nghe nói bị sung vào cung, ngươi cho người tìm lại nó đi."

"Bẩm đức thánh thượng, thần lập tức tìm Y Thi tiểu thư ngay khi Lê Viễn Thức được lệnh trở về kinh phục chức nhưng thần phát hiện, trong cả phủ họ Lê năm ấy bị sung vào cung cấm, tuyệt nhiên không có tiểu thư."

Thánh thượng chau mày đăm chiêu. Một đứa bé chỉ mới hơn mười tuổi, cả nhà bị sung làm nô dịch, làm sao nó có thể tự thân thoát chạy?

"Vậy, thần sẽ đi điều tra tung tích của tiểu thư..."

Sau chuyện Lê Thuần bị ngã xuống nước, thánh thượng không khỏi hao tâm tổn trí nghĩ về ái tử, làm sao có thể đặt tâm vào tiểu thư nhỏ bé của tên quan đã mất? Ngài phất tay tỏ ý không cần thiết nữa.

Khương Chủng bưng bát canh gà hầm cho thánh thượng dùng. Thánh thượng uống một muỗng canh, ngài có lẽ cảm thấy thứ này thật vô vị. Khương Chủng quỳ xuống, nhỏ nhẹ thưa: "Dạ bẩm đức thánh thượng, chẳng hay canh của ngự thiện làm không hợp ý ngài?"

Thánh thượng trầm tư một đỗi, nói: "Thường ngày, ngươi thấy cung nhân Ngọc Hoàn đối xử với Thuần và Tuấn thế nào?"

Khương Chủng mỉm cười: "Dạ bẩm đức thánh thượng, thần không dám nhiều chuyện chuyện nội cung nên không tin vào lời đàm tiếu của đám hạ nhân hạ tiện. Tuy nhiên, theo như thần để ý, cung nhân Ngọc Hoàn ngày thường rất yêu quý Tuấn điện hạ. Có món gì ngon đều dành phần hơn cho Tuấn điện hạ, Thuần điện hạ cũng rất được yêu thương nhưng ai nấy nhìn vào cũng đều rất ngưỡng mộ cung nhân Ngọc Hoàn. Cung nhân Ngọc Hoàn đúng là hình mẫu cho việc thương con người hơn con mình."

Thánh thượng cười khẩy, trầm giọng mà nói: "Lời lẽ này của ngươi, chẳng phải càng giống đám hạ nhân hạ tiện hay sao?"

Khương Chủng hoảng hốt, liền dập đầu xuống nền đất, liếng thoắng ba chữ "Thần không dám!". Thánh thượng chẳng hề để tâm đến thái độ của y, ngài nhớ đến trước kia, Lê Tuân ỷ bản thân là hoàng thái tôn của tiên đế, gần như thể hiện ra ngoài thói ngạo mạn, coi thường anh em. Nhưng đột nhiên lần này, y thay đổi nhiều đến không ngờ, thánh thượng cũng có chút không dám tin.

"Tuân thật sự rất đáng khen. Nó dần trưởng thành rất nhiều." Thánh thượng cầm ấn, đóng dấu lên từng tờ sớ, vừa nói, "Truyền ý trẫm, húy nhị hoàng tử là Tuấn có thể gây lầm lẫn với đại hoàng tử Tuân. Nay, ban cho nhị hoàng tử chữ Huyên làm húy, các công văn về sau đều lấy chữ Huyên mà ghi chép."


[ ... ]


Chuyện Lê Tuấn bị đổi húy thánh Huyên lan khắp hoàng cung. Ai ai cũng đinh ninh thánh thượng có ý muộn lập trưởng hoàng tử Tuân làm thái tử.

Lê Tuân hớn hở trưng ra gương mặt rạng ngời. Y quay sang cung nhân Ngọc Đỉnh đang ngồi cạnh bên mà hỏi liệu nàng có nghe rõ những lời thằng hầu nói hay không. Ngọc Đỉnh ánh mắt nghi hoặc, có ý muốn xác nhận điều kia thật sự chính xác. Thằng hầu lễ phép, cung kính thuật lại những gì tên hoạn quan Khương Chủng truyền đạt.

Lê Tuân mặt mũi sáng rỡ, không giấu nổi sự phấn khích. Ý định đổi tên này đã quá rõ, há chẳng phải thánh thượng muốn lập Lê Tuân làm trữ quân, kế nghiệp giang sơn sau này? Lê Tuấn luôn bị thánh thượng lạnh nhạt, lại càng bị thái hậu chán ghét. Lê Thuần từ sau sự việc kia, bệnh tật triền miên, ngôi báu sao đủ sức để nắm giữ? Huống hồ, Lê Tuân còn nghe nói, vào đêm y ra đời, gió lớn nổi lên không ngớt. Đức Thánh Tông đế cũng cho đó là điềm lành, tông thất ai ai cũng bàn tán nhau y là đứa trẻ đại quý. Lê Tuân tin chắc ngoài mình ra, không ai có khả năng ngồi vào chính điện Đông cung.

Lại nói về chuyện lập trữ, thánh thượng kế nghiệp đại thống đã hai năm nhưng trữ vị vẫn để trống. Các bá quan văn võ liên tục dâng tấu sớ xin thánh thượng nhanh chóng lập thái tử.

Quần thần chia thành hai phe, một bên muốn theo lệ cổ, lập trưởng không lập thứ, một bên vì cung nhân Ngọc Hoàn khi hầu Đông cung đã được mang danh phận thái tử phi nên hiển nhiên vị thái tử sẽ thuộc về nhi tử của nàng.

Hai phe cánh đối lập gay gắt tranh luận. Thượng thư Lễ bộ Đàm Văn Lễ, một trung thần nổi tiếng là người tuân theo lễ nghi, giá trị của cổ nhân. Ông mạnh dạn bước ra giữa chính điện Tường Quang tâu: "Khởi bẩm đức thánh thượng, thần cả gan tâu chuyện mà chưa có ý của ngài. Khi tiên đế còn tại thế, trưởng hoàng tử Tuân được tiên đế phong làm hoàng thái tôn, như vậy chẳng phải ý tứ của tiên đế đã quá rõ hay chăng?"

Trung trinh Đại phu Nguyễn Quang Bật trái ý, bèn ra tâu: "Khởi bẩm đức thánh thượng, đức Thánh Tông ban rằng, trưởng tử của hoàng thái tử phong hoàng thái tôn nhưng không có nghĩa hoàng thái tôn phải là người kế vị sau này. Đó chỉ là chức danh, không hơn không kém."

Thánh thượng vốn được nhận xét là một vị vua ôn hòa, thường dỗ lời dịu dàng các sĩ đại phu, không lấy làm nghiêm nghị, nét mặt vui tươi nên phá hết những che lấp của kẻ dưới. Thành ra, đại thần đều có thể tự do bày tỏ ý kiến của họ ngay tại buổi chầu.

Quách Hữu Nghiêm được tín nhiệm nhất trong số các quan lại, lại còn là cận thần của tiên đế, cũng được thái hậu khen ngợi rất nhiều nên thánh thượng phần nào cực kì trọng y. Để ý được nỗi băn khoăn sầu muộn ở ánh mắt ngài nhìn mình, Hữu Nghiêm liền đứng ra nói: "Bẩm đức thánh thượng, Lập đích dĩ trưởng bất dĩ hiền, lập tử dĩ quý bất dĩ trưởng. Không phải đích trưởng thì cũng là thứ tử có mẹ xuất thân cao quý. Vả lại, tiên đế cũng đã định rằng việc thừa tự bất kể tuổi lớn hay nhỏ, nên giao cho con đích, con đích vắng số thì giao cho cháu trưởng. Không có cháu trưởng thì đến con thứ. Vợ đích không có con thứ mới kể đến con của vợ thứ. Nay, cung nhân Nguyễn Ngọc Hoàn xuất thân danh giá nhất trong các cung nhân, tam hoàng tử Thuần cũng rất thông minh sáng dạ, được tiên đế và thái hậu nhất mực yêu quý. Về lý lẽ đều thuận với trời đất, tổ tông."

Quách Hữu Nghiêm như một át chủ bài, phía nào có được sự ủng hộ của y cũng gần như có được sự chấp thuận của thánh thượng. Đàm Văn Lễ bất bình, phản biện: "Triều Lý, triều Trần có lệ con đích vì có hoàng hậu. Dám hỏi thánh thượng có ý định để hậu vị cho cung nhân Nguyễn thị, sinh mẫu tam hoàng tử Thuần chăng?"

Cống Xuyên hầu Lê Năng Nhượng đanh cặp mắt sắc lạnh, gằn giọng với Lễ: "Ông thượng thư to gan như ấy, phải chăng không sợ khép tội phạm thượng?"

"Ông..."

Đàm Văn Lễ chỉ kịp thốt lên một tiếng, thánh thượng hắn giọng, cả điện bỗng dưng im bặt. Thánh thượng nhìn sang Quảng Văn hầu Bùi Xương Trạch, hỏi y về chuyện lập ngôi thái tử.

Bùi Xương Trạch cung kính bẩm: "Hồi thánh thượng, lời của Văn Lễ không phải không có lý. Tuy nhiên, cứ cho như không có ngôi đích chỉ có ngôi trưởng, đại thần Hữu Nghiêm đã thuật lại phép của tiên đế nhưng đã sót một chỗ. Đó là nếu con trưởng hạnh kiểm không tốt, thừa tự sẽ chuyển cho người khác."

"Quảng Văn hầu nói rất đúng ý trẫm.", thánh thượng lập tức đồng tình, "Trẫm cũng đã dành hết tâm tư vào ngôi trữ vị. Trưởng tử Tuân thích mặc áo đàn bà, lại tính tàn bạo. Nhị tử Tuấn chưa trưởng thành, sợ không có đức, không đảm đương nổi trọng trách. Bù lại, tam tử Thuần tuy nhỏ tuổi nhưng ham thích đọc sách, vốn lòng hiếu kính, trẫm thân chăm nuôi, quyết tự lòng công, lập làm thái tử. Chuyện này không phải bỏ con trưởng lập con thứ, mà chính vì thiên hạ chọn người làm vua mà thôi."

Quách Hữu Nghiêm dẫn đầu chúng thần, khấu đầu thánh thượng anh minh.

Thánh thượng nhân đây gia phong cho hậu phi nội cung. Trưởng hoàng tử Lê Tuân phong An vương, cung nhân Mai Ngọc Đỉnh phong Chiêu nghi, cung nhân Nguyễn Đường Lan phong Kính phi, cung nhân Bùi Quý Chi vừa mới nhập cung được phong Chiêu dung. Riêng cung nhân Nguyễn Ngọc Hoàn, sinh mẫu tam hoàng tử Thuần, do Lê Thuần được phong thái tử nên nàng hiển nhiên ngồi vững vị trí Quý phi.

Thánh thượng có sắc chỉ, dụ bọn thái bảo Sùng Khê bá Lê Vĩnh, Cống Xuyên hầu Lê Năng Nhượng, Dung Hồ bá Lê Lan mang kim sách và bảo ấn, chọn ngày lành, chờ khi Lê Thuần khỏi bệnh, lập làm hoàng thái tử. 

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top