vua nói khoác
Nhà văn Mai Bửu Minh
"Cụ Lóc" - Tên thật của cụ là Lóc chớ không phải vì cái đầu của cụ luôn cạo trọc để bôi thuốc ghẻ. Bôi hoài, da chai, tóc mọc không nổi nên đầu luôn trọc lóc. Hiển nhiên, tóc không có nên đầu cụ không có sợi tóc nào bạc, vậy mà chòm xóm cứ gọi Lóc bằng "cụ" vì gương mặt của Lóc đáng lên hàng lão.
Dưới mái đầu trọc lóc là gương mặt nhỏ thó má hóp, môi mỏng, miệng móm bởi những cái răng của cụ đã vội ra đi vì một viên đạn đất cục trong một lần chơi trận giả với đám con nít chăn bò trong xóm. Và, cũng cần nói rõ, cụ chỉ có lông măng trên mép, chớ chưa có râu vì cụ mới mười ba tuổi!
Nhìn từ xa, ngó sơ qua, người ta cứ tưởng Lóc là một cụ già bởi gương mặt cằn cỗi, thân hình suy dinh dưỡng, gầy guộc. Đã vậy, cái miệng móm đó lúc nào cũng có thể tuôn ra những câu chuyện hoang đường, không thể tin nổi, nhưng thật sự hấp dẫn cả lũ chăn bò bởi Lóc nói chuyện có duyên, biết pha trò, thêm thắt, biết dựng chuyện...
Ngay cả cái tên của cụ thôi, Lóc cũng có thể dựng ra mấy câu chuyện hoang đường để giải thích. Cụ nói rằng, lúc mới mang thai, má cụ nằm mơ thấy một con cá lóc toả hào quang lấp lánh từ trên trời rơi xuống bụng bà... Hôm sau, tiền bán cặp gà tính mua sẵn tã lót, má cụ mua số đề hết, xổ ra ngay con số ba mươi, má cụ trúng lớn, đủ tiền sửa nhà và mua cặp bò nuôi tới bây giờ. Đẻ cụ ra, nhớ giấc mơ về con cá trời cho, ba má cụ đặt tên con là Lóc...
Nghe cũng hấp dẫn thật nếu như ai chưa biết chuyện ngày trước, cụ ham vui quá, chào đời sớm cả tháng, èo uột, chỉ nặng có một ký rưỡi, lớn bằng con cá lóc. Ba má cụ sợ khó nuôi mới đặt tên là Lóc...
Bẻm mép như Lóc có lúc làm người ta ghét, mà Lóc không giỏi cái miệng thì với vóc dáng nhỏ thó của cụ chỉ được dịp cho cả đám chăn bò ức hiếp, bắt đi chặn đuổi bò đừ luôn chớ đừng nói được giọng đàn anh. Cụ mà không giỏi đối đáp chắc phải khóc suốt ngày vì sự trêu chọc của mọi người.
- Lóc ơi, mày biết tại sao tụi tao gọi mày bằng "cụ" không?
Thằng Đức cũng bằng tuổi Lóc nhưng to người hơn nên hay kiếm chuyện. Lóc cười nhăn khoe hàm răng sún:
- Vậy mà cũng hỏi. Các con kính ông thông minh, tài giỏi nên kêu bằng cụ, kêu mày tao là bất kính, vô lễ, hỗn láo, chỉ có đứa mất dạy mới không biết thôi.
- Xạo rồi... Tụi tao kêu mày bằng "cụ" bởi vì mày chưa kịp lớn thành thanh niên đã làm ông già, như trái chuối chưa già mà vú ép, chín háp...
Đực không vừa vì đã chuẩn bị sẵn khi hỏi và nó đáp xong đã có thằng Xoài phụ họa ngay.
- Chuối chưa già mà vú ép, chín háp, ăn chát ngắt. Còn mày, con nít chưa thành thanh niên đã thành ông cụ, trên dưới suốt đời không râu, không tóc, trọc lóc như thầy chùa, gọi là sư cụ đúng hơn... Thiện tai! Thiện tai!
Nói chưa dứt câu, thằng Xoài thấy Lóc khom người lượm cục đất đã vội đứng dậy, bàn tay xoè ra chắp trước ngực và chạy lẹ. Lóc nói với theo:
- Thật là đồ hỗn láo, chẳng nể nang gì người đáng bậc cha, ông của mình. Phen này tao phải về bảo anh Mít, kêu thằng Mận lại đánh đòn mới được để nó biết dạy con cho đúng...
Bây giờ thì tới thằng Xoài quay lại rượt thằng Lóc vì Lóc dám gọi ông nội nó là "anh" và kêu ba thằng Xoài bằng "thằng"... Lóc nhỏ con nhưng rất lẹ, thoắt một cái đã chạy xa như là không nghe mấy câu chửi độc địa, tục tĩu của thằng Xoài vừa tuôn ra. Nó còn ngoái đầu lại, nói như ra lệnh:
- Bò ăn no rồi, lùa về thôi tụi bây ơi. Chiều nay nước lớn, ghe chành vô chòm mả mua dưa hấu, mình ra chuyền dưa xuống ghe, kiếm dưa ăn đi... Đứa nào không nghe lời, ở lại là con tao, đứa nào là cháu ngoan thì lùa bò theo tao về
Lóc đã chạy ra đàn bò gần một trăm con đang nhai cỏ trong đám đậu xanh người ta đã hái trái xong cữ cuối cùng, bỏ cây đậu khô chết, chờ ngày đốt, chuẩn bị cày đất sạ lúa mùa. Trong tay Lóc lúc nào cũng có cây cù móc làm bằng tre lão đen bóng, một đầu cong như móc câu một đầu có gắn cây đinh nhọn lúc cần có thể dùng để đâm vào mông mấy con bò ương ngạnh mà dân Khơ me thường gọi là cái "Sà-Luôi".
Mặt trời chênh chếch hướng Tây, óng ánh những đám mây vàng đang lững lờ trôi trên đỉnh những ngọn núi vùng Thất Sơn. Cánh đồng bao la, nhìn mút tầm mắt. Xa xa, rặng cây xanh đen thâm thấp, sát mép chân trời như một đường viền. Lúc này, những rẫy dưa hấu, đậu xanh, đậu nành, mè, bắp đã thu hoạch gần hết, một số nơi người ta đã đốt rạ, phơi đất diệt cỏ, chuẩn bị chờ mưa sa xuống, mềm đất sẽ cày, bừa để sạ lúa mùa. Cứ xế trưa, sau một buổi nắng gắt, người ta thường đốt rạ, dọn đất. Những vạt khói nhạt nhoà xa xa từ cánh đồng toả lên không trung mờ mờ tương tự như những đám mưa mây bất chợt trút xuống phía cuối chân trời giữa trưa nắng chang chang. Những đám cháy đốt rạ dọn đất đó cháy hoài cho đến khi màn đêm buông xuống, đường viền chân trời như một sợi chỉ màu đỏ... cháy đến lúc hết rạ mà chủ đất muốn đốt, lửa mới tắt.
Cả bọn chăn bò đang ngồi trong bóng mát những cây gáo trong thềm đìa đã đứng dậy, thu dọn quần, áo, gậy, nón... để theo Lóc lùa bò về. Cái tin ghe chành mua dưa hấu ở bến bồi ngoài chòm mả quá hấp dẫn, tụi nó đâu để tâm đến câu nói cắc cớ của Lóc, ở lại là con, theo nó là cháu. Cả đàn bò đã ăn no, có con đang nằm nhai lại được giục đứng dậy, đuổi ra đường cộ (đường xe bò kéo cộ đi hoài) nối đuôi nhau về làng. Như thói quen, vài con đi trước vô đường mòn thì những con sau đi theo, khỏi phải ven chận, thúc giục gì nữa. Lóc và cả đám chăn bò xóm Chùa cũng đã nhảy lên lưng những con bò mình thích để cưỡi về, khỏi phải đi bộ mỏi chân.
Hơn một giờ sau, đàn bò đã về đến chòm mả nằm ven con rạch Voi. Đây là một gò đất hoang cao ráo, mùa nước lũ về không bị ngập, được bao bọc bởi con rạch Voi cong queo, ôm tròn như những chữ S nối nhau. Những nấm mồ đất được người ta cắm cọc gỗ, căng dây kẽm gai bao quanh, bảo vệ. Những nấm mồ đá, phía trên còn chừa khoảng trống để trồng hoa mười giờ ngày nào cũng nở, tươi tắn khoe sắc thắm. Ngoài những nấm mồ là những khoảng đất trống dày đặc cỏ chỉ, cỏ mồng gà mà lũ bò cũng rất thích ăn. Chiều chiều, cả đám chăn bò thường lùa bò về đây, dắt từng con xuống rạch Voi tắm táp, chà sạch những vết bẩn trên da những con bò của mình.
Hôm nay, bên bến sông tại gò mả này có một chiếc ghe khá to. Đúng là ghe của thương lái miệt dưới đến mua dưa hấu, nhưng trên bờ không có đống dưa hấu nào. Lóc biết ngay bọn nó về trễ, người ta đã chuyền dưa xuống ghe hết rồi. Như vậy thì cơ hội giúp chuyền dưa từ trên bến xuống ghe để xin dưa ăn đã không còn. Thằng Đực có vẻ luyến tiếc đi đến bên thằng Lóc, nói:
- Người ta xuống dưa hết rồi, còn đâu mà chuyền..
. - Nước dưới rạch đang lớn, có khát thì xuống mà uống, tiền đâu mà mua dưa hả.
Thằng Chanh phụ hoạ theo. Nhưng thằng Xoài đã bước tới nhìn Lóc, cất giọng thách thức:
Cụ Lóc giỏi lắm sao không xuống ghe xin vài trái dưa hấu cho cả đám mình ăn..
. - Ờ phải rồi, cụ Lóc khéo ăn, khéo nói, hổng chừng người ta cho à... Có dưa hấu bị nứt, bị bể ăn cũng sướng.
Thằng Đực như chợt nhớ và thúc giục Lóc một cách khôn khéo. Lóc cười tự hào, nhưng không dễ gì mắc mưu đám bạn chăn bò của mình. Nó tỏ vẻ trầm ngâm, nhăn mặt nhíu mày ra chiều suy nghĩ và đã nghĩ ra một điều kiện cần thiết trước khi chấp nhận yêu cầu của tụi này. Tụi bay tưởng tao ngu hả. Tao xin, người ta không cho, chỉ có một mình tao bị quê, còn xin được thì cả đám cùng ăn. Ít ra, nếu như tao xin được thì tụi bay phải chăn giữ hai con bò của tao ba ngày.
Đâu được. Biết đâu người ta thấy mày ốm yếu như đói khát ba đời rồi nên cho... một miếng, đủ để mày ăn mà tụi tao cũng phải giữ bò cho mày sao?
Thằng Xoài cảnh giác, sợ bị thằng Lóc trát cho cả bọn. Lóc cười khà, xoè bàn tay vỗ vỗ cái ngực lép xẹp và nói:
Được tụi bây không chê dưa nứt, dưa méo, tao sẽ xin người ta, cứ một trái tụi bây phải giữ bò thay cho tao một ngày. Bò tao lỡ vô rẫy người ta phá thì tụi bay cũng phải chịu trách nhiệm. Người ta bắt thường, tụi bay cũng phải chịu trách nhiệm. Người ta bắt thường, tụi bay cũng phải chịu... Tao xin không được trái dưa nào sẽ giữ cả đàn bò cho tụi bây... một ngày. Vậy là công bằng.
Rồi... như vậy đi!
Cả bọn nhao nhao đồng tình. Hai con bò của Lóc nhập cùng đàn, cả ngày có khi không đi đâu bậy, mà có thì cả bọn thay nhau chạy chặn lại, giữ giùm Lóc có hề gì. Ngược lại đã có dưa ăn đỡ khát. Còn như Lóc xin không được trái nào thì cả bọn sẽ được một ngày sai thằng Lóc chăn bò đã luôn...
Nhớ nghen... Tụi bay ngồi trên gò mả này ngó chừng đừng cho bò mài sừng vô mả người ta, cũng không đứa nào được phép leo lên mả người ta ngồi, người ta thấy người ta ghét, tao có năn nỉ gãy lưỡi cũng không được trái nào đâu. Còn thằng Xoài, thằng Đực, thằng Chanh theo tao xuống ghe để chút nữa ôm dưa lên tiếp tao. Đi...
Nói xong, Lóc hất cái áo lên cái vai xuôi, nhô cả xương và đi trước. Xoài, Chanh, Đực bước theo, sau khi dặn dò mấy đứa còn lại canh giữ bò cẩn thận. Tụi nó cũng muốn xuống ghe xem miệng lưỡi cụ Lóc bữa nay khôn khéo thế nào. Vừa đi, Lóc vừa nói:
- Xuống ghe, tao nói gì kệ tao, tụi bay không được xía vô cãi lại nghe chưa! Tụi bay xía vô, người ta ghét không thèm cho dưa ăn, tao không chịu trách nhiệm nghen...
Cả bọn gật gù đồng tình và đi theo Lóc tới thanh gỗ đòn bắc cầu xuống ghe. Ngồi phía trước ghe là người đàn ông chắc hơn năm mươi tuổi mập mạp khoe cái bụng phệ và khuôn ngực vuông đầy. Ông bận độc chiếc quần thắt lưng dây rút màu đen, ống quần chỉ dài đến đầu gối. Lóc bước tới thanh đòn dài, có bề mặt cỡ một gang tay người lớn. Nó vừa đặt chân lên thanh đòn đã lên tiếng:
- Khỏe... ông ngoại ơi... nắng quá cho tụi con xuống chơi nghe ngoại..
- Ừ... chơi thì chơi, không được phá... Đứa nào phá tao bắt bỏ vô khoang chở ra Chợ Lớn bán cho mấy quán nhậu mần thịt...
Ông chủ ghe nói với vẻ lạnh lùng không khó khăn, cũng không hẳn dễ chịu. Cả bọn cùng nhau bước xuống ghe và ngồi nép vô bóng mát của mui ghe, tránh ánh nắng chiều oi bức.
- Cháu của ngoại ngoan không hà... mà ngoại có muốn bắt đem bán cho mấy quán nhậu, ngoại lựa thằng mập mập như thằng Xoài nè, có nhiều thịt, nặng ký bán được giá hơn, còn con, ốm yếu quá, ngoại nuôi cho mập rồi bán cũng được. Ngoại ơi, ngoại mới tới đây lần đầu phải không?
- Ừa, tao mới tới lần đầu mà đã có cháu kêu bằng ngoại, chắc lần sau bà ngoại mày không cho đi nữa.
- Đó là do bà ngoại chưa gặp con thôi, bà gặp rồi sẽ yên tâm và năm nào cũng kêu ông về đây mua dưa... Tại ông không biết thôi, về đây mua dưa mà gặp tụi con là ông sẽ lời to và tụi con mà biết ông mua đám dưa nào sẽ lo chuyền dưa giùm cho ông, ông khỏi phải mướn người ta...
Lóc cứ mải mê đối đáp với ông già mà chưa nói câu nào về chuyện xin dưa ăn khiến cả bọn đi theo sốt ruột. Thỉnh thoảng chúng đưa mắt nhìn vô trong ghe, những trái dưa xanh đen, bóng ngời chồng chất lên nhau đã nửa ghe rồi. Chúng cũng đã thấy trên mui ghe là những trái dưa méo mó, dưa nứt... ông chủ lựa để riêng, đúng là thứ chúng cần quan tâm... Loại dưa này người ta đã lựa ra để bán cho mấy bè cá, cho cá ăn, gọi là dưa dạt.
- Vậy sao. Chớ tao mới đi lần đầu đã thấy chán rồi. Con rạch gì mà cứ cong queo, vòng qua, vòng lại mấy cua, vô tới đây mới có bến cho xe bò chuyển dưa tới, muốn rút ghe ra phải chờ nước lớn, nước ròng sông cạn queo, ghe đi không được...
- Sông nào mà chẳng có lúc nước lớn, lúc nước ròng hả ngoại? Nhưng ngoại cho ghe vô, ghe ra toàn là lúc nước lớn chẳng phải là điềm lành như người ta đi vào giờ tốt đó sao. Ngoại sẽ gặp toàn may mắn, tiền vô như nước, tràn đầy không phải khó khăn thiếu thốn. Chưa nói đến chuyện ngoại đang cho ghe vào con rạch Voi linh thiêng xứ này, ngoại sẽ được ông Tượng phù hộ buôn may, bán đắt...
- Vậy sao? Mày ăn nói khôn khéo dữ ha... Miệng lưỡi của mày mà đi mua bán chắc sẽ thành công. Còn mấy thằng này sao nãy giờ im re vậy, tại mày giành nói hết phải không?
- Tụi nó mà dám nói gì... Tụi nó dám cãi con và còn thách thức, tưởng con không biết nhìn người. Con chỉ cần nhìn thấy ông ngồi cười giống như ông Phật Di Lạc hiền từ, thương con nít là con tin ông không khó khăn gì với tụi chăn bò chúng con. Vậy mà tụi nó nói, con có nói gãy lưỡi ông cũng không thương, đuổi ngay lên bờ, đừng nói chi chịu cho miếng dưa dạt ăn mà xuống ghe mất công...
- Vậy sao? Tao mới tính lấy dưa xẻ ra cho tụi bay ăn mà mày nói vậy thì thôi... khà khà..
. - Không có đâu ông. Thắng Lóc nói xạo chứ tụi con có nói cái gì đâu... Không có, không có...
Thằng Xoài, thằng Đực vội vàng đính chính và thấy tiếc. Lóc vẫn điềm tĩnh nói tiếp:
- Đồ quỷ... Tụi bay nghe ông nói vậy mà không hiểu sao. Rõ ràng là bụng của ngoại từ bi, thương con nít như Phật Di Lạc, không cần tụi mình năn nỉ chi, ông cũng đã định cho dưa tụi mình ăn đó sao...
- Ừa, hồi nãy thì có định cho. Nhưng giờ thì... mày nói sao để tao cho và tao coi mày như cháu ngoại luôn... Mày nói con rạch này là rạch gì? Rạch Voi. Ừ, còn nói ông Tượng linh thiêng... mày nói tao nghe thử. Để thấm giọng, đứa nào leo lên mui lấy hai ba trái dưa xuống xẻ ra ăn đi, rồi nói tao nghe... Nghe hay, tao cho tụi bay mỗi đứa một trái ăn chơi.
- Ngoại nói vậy còn chờ gì nữa. Đực, mày cao giò, leo lên lấy dưa đi... Còn chuyện con rạch Voi này à... để con kể ngoại nghe..
. - Ngoại yên tâm đi, chuyện gì thằng Lóc cũng biết hết, tụi con phải kêu nó bằng cụ...
Đực hớn hở vừa leo lên mui lấy dưa vừa nói. Nó không quên hôm trước, thằng Lóc dám nói con rạch này ngày xưa là rạch Lóc vì xứ này năm nào, khi mưa sa, cá lóc cũng có trứng và lóc lên đồng để đẻ... Cá lóc con lớn lên, có con lớn bằng cái ghe(!) Khi nước lũ tràn ngập cả cánh đồng rồi nước rút, cá lóc cũng đã lớn nhưng ham ở lại trên đồng có nhiều thức ăn như tép, cá linh v.v... Tới lúc nước cạn kiệt, phèn dậy chua loét, sạch cả nhớt, cá lóc mới sợ, lóc tìm đường xuống con sông Hậu quanh năm nước ngọt... Cá lóc nhiều quá, nối đuôi nhau lóc đi mòn cả mặt đất và trên đường đi phải tránh những gò cao, đất khô nên đường cá đi mới cong queo... Năm này, qua năm khác, đường cá lóc đi ngày một hằn sâu cho nước trên đồng chảy ra sông trong những cơn mưa, cuốn theo rác và bùn đất nên rạch ngày càng sâu, cho nước sông tràn vô đồng trong những ngày nước lớn... nên thành rạch và người ta gọi là rạch Lóc. Biết là cụ Lóc nhà ta bịa ra để đề cao cái tên của mình nhưng cả đám chăn bò bùi tai, cứ há hốc mồm mà nghe, không thèm cãi lại... Giờ, để coi Lóc có dám bẻm mép trước ông già mua dưa này không. Đực lựa mấy trái dưa to, nứt da, lộ ra màu chín đỏ bên trong và ôm xuống mũi ghe. Nó nghe Lóc kể:
- Ngoại ơi, ngoại biết không, ngày xửa ngày xưa, ngày mà xứ này còn hoang vu, chưa có ai tới, cả cánh đồng này là rừng ngập mặn có các loài cây mắm, cây đước, cây tràm... bạt ngàn nối nhau tới chân núi vùng biên giới Việt-Miên và phủ xanh tận bờ biển Kiên Giang... Thú rừng đủ loại, loại ở dưới nước như các loài cá, đặc biệt là cá sấu, trên cây thì đủ loại chim muông như: sếu, chim, cò, quạ, khỉ; Trên mặt đất thường có heo rừng, cọp, nhím, sóc, trăn, rắn, rùa v.v... và đặc biệt là voi rất nhiều. Voi sống từng đàn, nép dưới tán rừng, ngủ ở chân các dãy núi và là loài cực kỳ tinh khôn. Voi biết đi về hướng Tây sẽ ra biển và hướng Đông sẽ gặp con sông Hậu... Và những ngày tháng hạn, nước rút, đồng dậy phèn. Voi không ngu gì đi ra biển chỉ có nước mặn chát mà chúng đi về hướng có con sông Hậu để được tha hồ trầm mình tắm mát và dùng vòi phun nước trêu tức những chú cá sấu xấu xí, hung dữ. Trên đường đi, đàn voi phải tránh những đầm lầy vì dễ bị lún trong bùn nên cứ phải vòng cua, cong queo... Dấu chân voi lún sâu, lâu ngày tạo thành lối mòn hằn sâu trên mặt đất dẫn nước vô cánh đồng...
- Cho nên người ta mới đặt tên cho nó là rạch Voi chứ gì?
Người chủ ghe dưa cắt ngang lời kể của Lóc và nó chỉ biết gật gù. Lóc tự thưởng cho mình bằng việc cầm miếng dưa hấu chín đỏ đưa lên cái miệng móm sọm của mình cắn một miếng rõ to. Ông chủ ghe dưa còn kêu thằng Đực leo lên mui lấy thêm để mang lên chòm mả cho mấy đứa kia ăn. Và ông nhìn Lóc mà cười:
- Mấy đứa mang dưa lên bờ ăn, còn thằng cháu ngoại của ông ở lại...
- Ơ, ngoại định bắt con mang về Chợ Lớn bán cho mấy quán nhậu hở ngoại?
Lóc vừa nhai nhóp nhép vừa nói đùa. Ông chủ ghe dưa cười ha hả rung rinh đôi gò má đầy thịt.
- Cháu ngoại của ông đã thắng cuộc rồi còn sợ gì. Bây giờ, ông muốn nghe chuyện tại sao cháu lại móm sọm như vậy? Mà ngoại chỉ khoái nghe nói dóc thôi... Nói dóc sao cho ông ngoại nghe đã lỗ tai thì nói.
- Thôi ngoại ơi, chuyện mấy trăm năm về trước rồi còn nhắc lại làm chi. Hồi đó, có một vị Tiên ông pháp thuật vô biên, đức cao vọng trọng nhưng không thương đồ tử, đồ tôn. Ông ở trên chót vót đỉnh núi cao mà giảng đạo, bắt đệ tử ngày ngày phải leo từ chân núi lên tới đỉnh núi để nghe giảng, mà con là một trong đám đệ tử của Tiên ông, con vốn lười biếng, nên hay phàn nàn... con nói: Ước gì Tiên ông xuống núi truyền đạo thì công đức còn cao hơn, học trò nhiều hơn... Tiên ông chỉ cười ngất và thách thức:
Ta truyền đạo nhiệm màu ở trên đỉnh núi, ai muốn học thì phải chịu khó, chớ đòi hỏi chi. Đệ tử có giỏi thì phá sập núi này đi, không còn núi cao, ta ắt phải xuống đồng bằng mà truyền đạo thôi... Con nghe vậy, đang cơn bực vì phải leo núi cả nửa ngày đường mới tới đỉnh nên đã ngạo mạn xúc phạm sư phụ:
Thầy đừng trách con. Phá sập ngọn núi này đâu có gì khó, con chỉ cần thổi mạnh vài cái là tiêu ngay, chỉ sợ không còn chỗ cho thầy ngự nữa...
Tiên ông không nói, chỉ cười ngất. Nghe giọng cười chế giễu của thầy, con không chịu nổi nên chổng mông, chu mỏ thổi... Hơi mẹ, hơi con trong bụng con tuôn ra hết, còn trái núi thì bị sức gió như cuồng phong thổi bay đất đá tứ tung, đứt ngang chân núi, khiến ngọn núi cao chất ngất bị sập xuống chỉ còn có cái chóp thâm thấp như bây giờ... cho nên người đời đặt tên cho ngọn núi này là núi Sập. Không tin, ngoại tới Thoại Sơn sẽ thấy còn có ngọn núi này...
- Ừ thì ở huyện Thoại Sơn có ngọn núi tên là Sập thật, nhưng đâu có dính líu tới cái miệng móm sọm của mày?
- Ngoại ơi! Ngoại thử nghĩ coi, hơi trong bụng con thổi đến đá tảng dính liền trong chân núi còn bị bay đi thành bụi cát nói chi tới... mấy cái răng cửa của con... Núi bị sập rồi con mới ngưng thổi. Hỡi ơi, khép miệng lại con mới hay mấy cái răng cửa của mình bay đi từ lúc nào rồi, chỉ còn nứu... bởi vậy con mới sún răng, móm sọm tới bây giờ.
- Đồ... láo toét... khà khà.
Ông chủ ghe cười ngất, cười ra nước mắt vì câu chuyện bịa của Lóc. Ông nói:
- Mày cũng giỏi lắm, nói dóc không nháy mắt, không ngượng miệng, hay thiệt, chắc là nói dóc quá bị thiên hạ vỗ cho tà mỏ, rụng răng... Tụi nó muốn lùa bò về nhà rồi kìa, mày về đi, ngày mai kêu tụi nó về đây chơi, ông lại cho dưa ăn...
- Con cám ơn ngoại... mai tụi con sẽ về sớm chuyền đưa xuống ghe tiếp ngoại nghe...
Cái thằng... tao không biết mày nói dóc hay nói thiệt mà tin... Tin, chờ mày tới tối không có đứa nào tới, chắc tao... Nè, leo lên mui lấy thêm vài trái cho tụi nó ăn. Còn mày, cho tao gởi biếu tía mày một trái dưa ngon, loại một nghe...
Lóc dắt bò vô chuồng, buộc dây dàm cẩn thận, xách nước đổ vô cái lu và rút rơm khô để lên máng, cho hai con bò của mình ăn và uống suốt đêm. Chuồng bò của gia đình Lóc được dựng ngay phía sau hè nhà, bên cạnh có cây rơm cao ngất, ngọn chất rất nhọn, bảo đảm dù có mưa lớn cỡ nào nước cũng không đọng lại, không thấm vào làm ướt rơm bên trong được. Nó đốt đống un xua muỗi, cài cửa chuồng xong liền đi ra sau hè, xuống bến sông tắm táp. Khi Lóc ôm trái dưa hấu to, nặng có tới hơn bốn ký vô nhà thì ba má và em gái nó đã quây quần bên mâm cơm tối. Căn nhà của Lóc mới được ba má nó sửa sang lại sau mùa lúa vừa rồi. Vẫn là nền đất, nhưng vách nhà bằng lá dừa nước đã thay bằng ván xẻ từ thân mấy cây còng ông nội nó trồng ven bờ con rạch Voi từ mấy chục năm trước. Cột vẫn bằng tràm, nhưng mái lá mau hư dột đã được thay bằng thiếc nên trông căn nhà có khá hơn trước, nhất là trong nhà bộ vạt tre đã được thay bằng bộ ván gỗ còng, thường để dọn cơm cả nhà cùng ăn và đêm đến ba Lóc ngủ. Lóc vừa nhấc chân ngồi lên bộ ván, vừa nói:
- Chà chà, cá kho, có dưa hấu là ngon cơm rồi.
Nó vừa nói vừa đặt trái dưa hấu xuống bên mâm cơm đã bày trên bộ ván ngựa và đi tuốt vô buồng để thay quần áo. Khi Lóc quay ra, nó thấy trái dưa vẫn còn để đó chưa được cắt và ba nó đã gằn giọng:
Mày ăn cắp của ai hả thằng quỷ?
- Dạ, đâu có... người ta cho mà. - Lóc đáp
. - Hứ, mày tưởng tao còn con nít à. Nếu mày được người ta cho thì giỏi lắm cũng chỉ là loại dưa đèo đẹt, dưa nứt bể, dưa dạt, làm gì cho trái dưa bự như vậy. Ai cho, mày nói nghe thử?
Ba má tin con đi mà... Ông chủ ghe mua dưa khoái nghe con nói... dóc, ông thưởng cho con và còn nói "gởi biếu" tía mày... đàng hoàng. Con không biết tên ông...
Lóc bới cơm toan đưa lên ăn và trả lời tự nhiên. Nhưng ba Lóc thì lộ rõ sự tức giận, còn má và em gái của nó - Bé Ba lấm lét hết nhìn nó lại nhìn ba nó.
- Mày biểu tao tin mày, nhưng ai cho mày, mày cũng không nói tên người ta ra được, huống chi... huống chi mày là đứa ma lanh, lẻo mép có tiếng, còn trái dưa này thì quá lớn, chỉ có người lớn mới dám bỏ tiền ra mua cúng ông bà ngày giỗ, Tết thôi... Mày ăn cho no rồi cúi xuống ván... Tao phải tra cho ra mày ăn cắp của ai...
Lóc vẫn điềm tĩnh ăn cơm. Nó đã quen chuyện bị đòn mỗi khi nó nói dóc điều chi đó để người ta bị gạt, méc với ba nó. Dù chuyện nó nói dóc không hại gì ai, chỉ là nói cho vui, cho người ta lầm chơi. Nhưng lần này, nó không để bị đánh đòn oan đâu. Nó quay qua má và em gái nó trấn an:
Xẻ dưa ăn đi, không sao đâu, con nói người ta cho là của người ta cho mà. Hồi nào tới giờ con có ăn cắp của ai cái gì không? Nói thiệt ba cũng không tin, thì ba vô chòm mả, xuống ghe dưa đang neo trong đó hỏi ông ngoại con sẽ biết...
- Cái gì... "Ông ngoại" mày đội mồ sống dậy đi mua dưa hả... Tao chưa có khùng.
Ba Lóc tỏ vẻ bực tức thật sự, ông dằn cái chén không xuống ván ngựa và đứng dậy, đi qua bàn rót nước trà uống. Má Lóc nhỏ giọng khuyên lơn:
Con đừng ngoan cố nữa. Có lỡ ăn cắp của ai thì nói rõ, má đem đi trả cho người ta, xin lỗi và nói phải trái với người ta thôi... Từ nay con đừng tái phạm nữa là được.
- Ngay cả má cũng không tin con nữa à? Con không ăn cắp của ai hết, của ông già mua dưa, còn đậu ghe trong chòm mả đó, má không tin thì cứ đi vô hỏi người ta. Không ai xẻ ra ăn thì con xẻ...
Mày xẻ ra ăn để phi tang chứng cớ, không còn ai biết gì hả. Ăn cơm đi, rồi ôm trái dưa đi với tao vô ghe dưa đó, hỏi cho ra lẽ...
- Ba đi như vậy, con không có ăn cắp, con cũng quê với ông già đó và xóm giềng... Con không đi đâu hết... Ông già chẳng những cho con trái dưa bự này mà còn cho cả bọn chăn bò, đứa nào cũng có dưa ăn, con ăn ăn cắp, con ngu gì mang về nhà cho ba má đánh đòn.
Lóc đã thấy tức và ấm ức muốn khóc. Tại sao ba má lại không tin nó, cho nó là đứa ăn cắp. Là đứa trẻ chăn bò mấy năm nay, nhưng chưa bao giờ Lóc làm điều gì để ba má nó mang tiếng và xấu hổ vì nó. Nó chỉ có hay chọc phá mọi người bằng cái miệng, chớ chưa bao giờ ăn cắp phá phách hàng xóm.
Lóc ăn vội vàng cho xong chén cơm và tiếp má dọn dẹp chén đĩa. Má Lóc nhìn nó với ánh mắt dò xét và kêu Bé Ba chạy lại cuối xóm nhắn thằng Đực tới để hỏi cho rõ chuyện này. Chút sau, thằng Đực tới và nó được dẫn vô nhìn trái dưa với lời tra gạn:
- Cháu nói thiệt đi, có ai cho thằng Lóc trái dưa này không?
Đực nhìn trái dưa quá lớn mà bậm môi rồi nhìn Lóc ra chiều suy tư. Ba của Lóc còn bảo:
- Cháu cứ yên tâm, thằng Lóc không dám thù oán cháu gì đâu. Có ông già nào cho mấy đứa ăn dưa hấu không? Cháu có được trái nào không?
- Dạ... Có ông chủ ghe mua dưa đang ở trong chòm mả cho tụi cháu ăn dưa, nhưng chỉ toàn là dưa đèo đẹt, dưa nứt thôi... đâu có đứa nào có trái dưa quá bự như vầy...
- Ê mày nói như vậy là sao? Tao đã nói dóc khan cổ, khô cả nước miếng mới được ông già thương và cho cả đám ăn dưa... Ổng thương tao mới cho riêng tao trái dưa này. Không tin mày gặp ông già mà hỏi...
Lóc cảm thấy gay vì từ khi nó bước lên bờ với trái dưa hấu quá lớn, cả đám chăn bò cho là ông già cho chung cả đám chớ không cho riêng thằng Lóc và đòi thằng Lóc phải chia đều, nhưng Lóc không chịu, tụi nó tức lắm. Thằng Đực còn vênh vênh cái mặt, tỏ vẻ ta đây nói:
- Từ hồi chiều tao đã nghi mày nhân lúc ông già sơ ý ôm trái dưa này đi lên bờ, chớ dễ gì ông ta cho riêng mày trái dưa hấu bự như vậy. Đồ ăn cắp... Có cho tao cũng không thèm...
Lóc nhào tới tính thoi vào mặt thằng Đực mới đã cơn tức giận nhưng ba nó đã bước tới tán vô mặt nó một bạt tai cực mạnh khiến nó chúi nhủi và máu răng chảy ra mằn mặn trong miệng. Má Lóc đã kịp chạy tới gỡ tay ba nó ra với giọng khóc lóc van xin:
- Dạy con thì cũng từ từ mà dạy. Làm gì mà ông đánh nó dữ vậy. Ông đánh nó chưa đã thì đánh tui nè, tui không biết dạy con... tui chịu.
- Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà... là vậy đó. Nó hỗn láo với bao nhiêu người. Người ta nể tôi chỉ nói mát tưởng như là khen con mình thông minh, lanh lợi thực ra họ chửi thầm là tôi không biết dạy con. Đã vậy bữa nay còn sinh tật ăn cắp nữa. Tôi đánh nó một trận cho tởn tới già, đừng có mà tham lam
. - Sao ba không tin con mà đi tin cái thằng Đực khốn nạn đó... Sao ba không vô chòm mả hỏi cho rõ chuyện. Nó ganh tị với con, ông già chủ ghe dưa thương con, cho con, không cho tụi nó, nên tụi nó muốn trả thù...
- Tin mày à... Mày làm sao cho tao tin thì làm, chớ chuyện sờ sờ trước mắt như vậy, biểu tao tin sao đây? Mày mà còn ăn cắp nữa tao chặt tay mày cụt luôn, đừng trách tao không nói trước.
Lóc theo má ra nhà sau lau gương mật đầy nước mắt. Giờ nó mới nghe ê ẩm cả người. Môi, mắt nó bị sưng. Tính ba nó lúc nào cũng nóng nảy và khi cơn giận bốc lên, ba nó ra tay mạnh lắm. Nó nhìn ba bực bội đi đi lại lại trước ánh đèn dầu và khuôn mặt ba nó vẫn còn ửng đỏ vì tức giận. Nó biết, có nói ba nó cũng không tin và còn tức hơn. Lóc khóc rấm rức và tức tưởi hơn khi má nó nói:
- Má nói rồi, đã lỡ ăn cắp của người ta thì nhận và sửa chữa lỗi lầm, ai lại cố chấp. Mà con thì cứ chối quanh co...
- Nhưng con không có ăn cắp mà... Trời ơi, con mà ăn cắp thì trời đánh con đi...
- Mày...
Má Lóc không kịp bụm miệng nó lại khi nó buông lời thề độc. Bà nhìn nó với ánh mắt lo sợ. Lóc ôm mặt thổn thức nói:
- Con không có ăn cắp, con sợ gì mà không thề...
Nói xong, Lóc ôm mùng mền ra bộ vạt tre của mình mà giăng mùng ngủ. Nó thấy ba nó vẫn còn nằm trên võng hút thuốc lá. Má nó cũng đã chui vô buồng ngủ với em gái nó...
Cố giỗ giấc ngủ mãi vẫn không được, Lóc nghĩ mình phải vô ghe dưa năn nỉ "ông ngoại" ngày mai ra đây giải oan cho nó mới được. Thế là Lóc chịu ra khỏi mùng và đi theo con đường tắt để đến chòm mả.
Con đường vắng tanh, hai hàng trâm bầu ven đường khua lá xào xạc theo từng cơn gió bởi con đường đi qua hai cánh đồng trống. Tiếng ếch nhái, ễnh ương hoà tấu trong đêm dưới mương ven đường. Tiếng dế gáy râm ran và tiếng bước chân của ai đó nện thình thịch sau lưng nó. Nó đi nhanh, tiếng bước chân ấy cũng nện nhịp nhanh hơn như đang đuổi theo. Nó dừng lại thì không nghe thấy gì, hình như người đó cũng dừng chân lại. Ven con đường này có một cây ô môi đã có một người con gái treo cổ tự tử nên người ta đồn đại cô gái ấy biến thành ma, đêm đêm hay hiện ra đón khách lỡ đường. Có người còn kể, có anh nọ đánh xe bò từ trong đồng về trễ, thấy một cô gái xinh đẹp đón đường xin quá giang. Anh dừng xe cho cô gái leo lên. Vô tình, càng xe dính bùn sình quẹt vào vai cô gái, anh này mới đưa cái khăn quấn trên cổ của mình cho cô gái lau bùn... Đi được một đoạn, cô gái xin xuống xe bảo để lội tắt qua rạch về nhà. Đánh xe bò về tới nhà, anh này mới nhớ cô gái quên trả cho mình cái khăn choàng cổ. Hôm sau đánh xe đi ngang cây ô môi, anh này thấy cái khăn của mình vắt trên cành ô môi đang lung lay trong gió... Người ta nói, đó là oan hồn của cô gái nọ đã đón xe đi nhờ... Lóc cũng đã nghe và đã từng thêm thắt nhiều chi tiết ly kỳ hơn để hù cả đám chăn bò, nhưng lúc này chợt nhớ lại nó nổi gai ốc khắp người.
Lóc niệm phật, cho dù thường ngày có lúc nó bịa chuyện trêu chọc mấy người miệng khoe tu hành mà lòng đầy gian trá. Như lần nó chọc cô Hành đã gần bốn mươi tuổi, không chồng, cất cái am nhỏ gần chòm mả để tu. Cô này chuyên ăn chay trường và thường xuyên giảng đạo đức cho cả đám chăn bò nghe. Nhưng rõ ràng tụi nó thường thấy tay Thanh trung uý chi khu trưởng thường hay ghé nghỉ chân ở am của cô lắm. Có đứa bạo mồm hỏi, cô Hành bảo ông Thanh ghé am niệm phật, cầu kinh... Kinh gì không biết, một đêm, vợ ông Thanh xách đèn pin tới, rượt cô Hành và ông Thanh chạy thục mạng. May mà đêm hôm tăm tối, bà Thanh không túm được cô Hành... Lóc đã đặt vé cho cả đám chăn bò nghêu ngao hát:
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè chuyện lạ
Trong am chòm mả
Có gã tên Thanh
Tò tí cô Hành
Bị bà vợ rượt Băng đồng
, lội nước Thoát được cũng may
Nếu không cả hai
Đã thành chánh quả...
Tu gì lạ quá!!!
Nghe nói, cô Hành điều tra ra, biết được Lóc đặt và phổ biến bài vè này, cô tức lắm và từ đó không cho đứa chăn bò nào léo hánh vô am của cô để xin nước uống nữa. Có khát thì xuống rạch mà uống. Nó không tin Phật bởi vì có người hay niệm Phật, tụng kinh chuyên nói chuyện đạo đức như cô Hành lại làm chuyện bậy bạ như vậy, khiến nó ghét. Vậy mà đêm nay, nó sợ... ma và phải niệm: "Nam mô a di đà Phật" rất nhiều lần để tự trấn an cho mình. Nó đã từng chơi giỡn, nằm ngủ trên chòm mả đó thường xuyên, nhưng chỉ vào ban ngày khi thả bò nhưng giờ... Kia rồi, nhấp nhô những nấm mồ cao thấp không đều, cái thì bằng đá xây, cái bằng đất, cái có ràogai, cái có trồng hoa, cái bỏ hoang bị bò mài sừng tróc cả đất trên núm... Chòm mả quen thuộc với Lóc đang hiện ra trước mắt. Trong ánh sáng mờ nhạt của ngàn sao trên trời trong, Lóc thấy hình như có những đốm lửa bay lượn, khi ẩn khi hiện quanh những nấm mồ. Ma trơi! Nó từng nghe người ta nói về ma trơi trong những khu nghĩa địa, nó cho là người ta đặt chuyện nói dóc như nó đã từng bịa biết bao chuyện, nhưng giờ thì... nó sợ. nào, đã đi đến đây, nó lại quay về. Và kia, cái ghe dưa hấu to đùng, đen đen nằm cặp bến sông. Lóc bước theo lối mòn đến bên ghe dưa và quyết mời cho được "ông ngoại" này ngày mai về nhà mình để minh oan. Nó tin chủ ghe dưa sẽ sẵn sàng giúp nó. Lóc bước xuống đòn dài bắc ra ghe và khi đến mũi ghe nó kêu khẽ: "Ngoại ơi" và nó nhìn vào trong ghe. Nhưng nó chợt thấy trên mui ghe, nơi hồi chiều nó thấy chất những trái dưa hấu đèo đẹt, dưa nứt... giờ đang có hai người nằm quấn vào nhau. Nó đã kịp nhận ra cái dáng mập mạp như hộ pháp của ông chủ ghe, nhất là cái mông trắng hếu chỉ cách nó chừng ba thước. Ông chủ ghe lồm cồm ngồi dậy và người nằm dưới cũng đã ngồi dậy, nước da còn trắng hơn mông ông ta... và nó biết ngay đó là một người đàn bà. Lóc biết mình đến không đúng lúc và nó quay đầu bước ra đòn dài để lên bờ. Nó nghe ông già tức giận:
- ĐM... Thằng quỷ nào đó hả?
- Chết rồi, thằng Lóc...
Giọng người đàn bà Lóc nghe quen thuộc và nó còn thấy hình như bà ta lò mò túm lấy quần áo gì đó... A, giọng của cô Hành. Cái tướng mập thạp, tròn nung núc của cô Hành trong đêm nó không nhận ra, chứ giọng nói thì nó đã quá quen. Lóc ngượng ngùng mắc cỡ khi cô Hành nhận ra nó, mặc dù nó chẳng có lỗi gì... Rõ ràng nó ở lại cũng sẽ chẳng nhờ ông chủ ghe dưa được gì mà còn làm cho hai người khó xử. Nó cảm thấy ông chủ ghe dưa không còn là người đáng mến như người nó gặp hồi chiều. Ông mới đưa ghe tới đây có hai đêm mà đã quan hệ với cô Hành như vậy. Còn cô Hành cũng lạ... tu hành chi mà làm chuyện bậy bạ thế... Lúc trước thì cho là cô bị tay trung uý Thanh chi khu trưởng gạt gẫm dụ dỗ, nhưng bây giờ thì rõ là... Lóc cảm thấy căm ghét cả hai người. Đòn cũng bị ba nó đánh rồi, nó không cần nhờ ông ta thanh minh gì nữa... Nó không muốn nhắc tới ông...
Nhưng nó thì không muốn nhắc tới ông chủ ghe dưa, còn ông ta thì không tha cho sự xuất hiện không đúng lúc của nó đêm qua. Nhất là cô Hành đã nhận ra nó và đã từng bị nó đặt vè trêu chọc thì vừa sợ, vừa tức nó lắm. Cho nên khi ba nó ôm trái dưa hấu tới hỏi, ông chủ ghe dưa đã khẳng định rằng chưa hề cho đứa con nít nào trái dưa hấu to lớn như vậy. Nhưng đem trái dưa đó vào cùng đống với dưa loại một của ông thì quả thật chúng giống nhau như vừa hái cùng lúc, cùng một đám... Ba Lóc trả lại ông trái dưa và xin lỗi ông. Lóc bị đòn thêm một trận ê ẩm, ba bốn ngày sau còn chưa đi nổi. Nó có nói lại chuyện thấy được trong chòm mả đêm qua nhưng ba má nó không tin còn cho rằng nó đặt điều nói xấu ông chủ ghe dưa và đánh nó nhiều hơn vì dám nói xấu cô Hành, người đã tránh xa trần tục, đang lo tu hành, ăn chay trường chốn am cốc... Lóc chỉ biết nuốt hận trong lòng và không ngờ lòng dạ cô Hành và ông chủ ghe dưa lại độc địa như vậy. Nó chỉ biết đặt vè để đám chăn bò nghêu ngao:
Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè chuyện lạ
Có người tu giả
Lấy gã mua dưa...
Bài vè chưa đặt xong thì ông chủ ghe dưa quay lại chuyến nữa và khi đi ông mang theo cô Hành. Nghe nói cô ấy đã có thai với ông, chẳng ai biết đúng sai, nhưng ít ra ba má Lóc đã thấy chuyện nó từng nói về mối quan hệ mờ ám của cô Hành và lão mua dưa không phải là chuyện bịa. Cái am lợp mái bằng lá, vách lá, sườn tre của cô Hành giờ thành cái chòi cho bọn chăn bò nghỉ mát, trốn nắng ngày ngày.
Bữa nay, ba má của Lóc đi đám giỗ ở tận huyện Châu Thành. Lóc tranh thủ lấy chiếc xe đạp của ba ra tập chạy trên con đường đất trước cửa nhà. Đó là chiếc xe đạp đòn dông. Sườn xe có cái đòn ngang cao gần đến yên ngồi và ghi-đông nên chỉ thích hợp với người lớn và nhất là đàn ông. Lóc nhỏ con, ngồi phía trên yên hoặc trên đòn dông, chân đạp không tới bàn đạp ở vị trí thấp nhất và cũng không chống chân được xuống đất để giữ thăng bằng khi xe đứng yên. Cụ Lóc thọt chân lòn phía dưới cây đòn ngang và đạp xe đi, người phải ẹo nghiêng một bên, đầu nhấp nhô lên xuống trông thật tức cười nên mỗi khi Lóc chạy xe, đám con nít trong xóm thường chạy theo trêu chọc um sùm. Lần này cũng vậy, khi Lóc dắt xe đạp ra con đường đất là thằng Đức, thằng Chanh, thằng Xoài cùng năm bảy đứa nhóc năm sáu tuổi chạy theo hô vang:
- Cụ Lóc chạy xe... re re...
- Cho tao chạy với Lóc
- Cho tao nữa... cho tao...
- Cái mốc xì... tao chạy còn phải lén ba má tao, làm gì dám cho tụi bay chạy hả.
Lóc vừa nhấp nhô người đạp xe vừa trả lời với giọng hách dịch. Nó chạy đến đoạn đường đất đầy dấu chân bò, lổm chổm liền dừng xe, quay lại. Và, khi nó đang chạy ngang bụi tre đầu xóm thì bất thần thằng Đực từ trong lề đường đất nhảy ra hù. Lóc không sợ thằng Đực, nhưng sợ đụng trúng nó, xe sẽ ngã nên lúng túng nghiêng người bẻ ghi-đông quẹo trái. Do luống cuống, hấp tấp nó đổi hướng nhanh, xe chao nghiêng sang bên phải, trong khi nó đang ở bên trái của xe, nó cố giữ thăng bằng nhưng không được và chợt "rầm" một cái, chiếc xe đạp đã tông vô gốc xoài ở bên trái con đường. Nó may mắn bị bật văng ra, lăn tròn dưới đất chỉ trầy trụa hai cùi trỏ, rớm máu. Nó văng tục và đứng dậy chửi khi thằng Đực chạy mất dạng, còn đám con nít trong xóm bu lại nhao nhao.
- Cụ Lóc té xe!
- Thằng Lóc nốc cây xoài...
- Cụ Lóc "bay" đẹp quá bay ơi.
Lóc lê bước lại chiếc xe nằm bên gốc xoài. May mà nó văng chệch qua một bên, chớ động đầu vô gốc xoài chắc gãy cổ như chơi. Nhưng lạy trời! Cái bánh trước xe đạp của ba nó sao lại cong vành như cái bánh phồng nướng... Thôi chết rồi! Phen này ba má nó về thì no đòn. Lóc dựng chiếc xe dậy và cố kéo lết chiếc xe về nhà. Cả xóm này chỉ có vài chiếc xe đạp thôi, đâu ai biết sửa. Muốn sửa cái bánh xe này, chỉ còn một cách mang ra ông Năm ở tuốt ngoài đầu đường lớn, gần chợ... Nhưng tiền đâu. Mà đem đi sửa, ba má nó biết, nó cũng không tránh được một trận đòn. Lóc rầu rĩ dựng xe vô vách nhà... Đã vậy em gái nó - Bé Ba còn nói:
- Thôi chết rồi, anh Hai thế nào cũng bị ba đánh đòn... làm sao bây giờ...
- Kệ tao, tao làm tao chịu...
- Tưởng em với má vui lắm khi anh bị ba đánh hả? Em lo cho anh chớ bộ...
Nhỏ Bé Ba rầu rĩ nói và Lóc cảm thấy vô lý khi mình gắt gỏng với em gái. Bé Ba nhỏ hơn hai tuổi nhưng luôn được ba má khen ngợi. Mà cũng đúng thôi, Bé Ba ít nói, ngoan, hiền, thích làm giúp ba má đủ việc và đang học lớp nhứt (lớp năm bây giờ), chuẩn bị thi lên lớp đệ nhất (lớp 6) trường quận.
- Ừ tao... đang quạu mà... tao đâu muốn vậy.
- Anh Hai ơi, hay là mình lấy cái chày giã chuối của má vỗ lại cho nó ngay được không? - Bé Ba chợt nói.
- Ờ hén... Sao tao ngu vậy cà... Mày chạy ra hè, tới chỗ cái cối giã chuối vác dùm tao cái chày ra sân đi... Lẹ đi, chiều rồi, ba má sắp về...
Lóc cảm thấy phấn khởi hơn vì ý kiến của Bé Ba. Cái vành bị cong thì chỉ cần vỗ lại thôi chớ gì(!) Lóc kéo chiếc xe đạp ra trước sân đất và nó nhanh chóng tìm được mấy khúc gỗ để chêm, kê cho cái bánh xe nằm ngang. Lóc tự nhủ - chuyện dễ như vậy mà nó không nghĩ ra và khi Bé Ba vác cái chày đến, Lóc khen ngợi em:
- Mày cũng thông minh không tệ. Sửa cái xe xong, tao bắt cho mày cả chục con dế luôn.
- Xí, em không chơi dế...
Bé Ba phùng miệng đáp. Gương mặt tròn trịa, trắng, xinh rất dễ thương. Khác với Lóc, Bé Ba từ lúc mới đẻ ra đã sổ sữa và có vóc dáng giống ba nên cao lớn, mặt mày giống mẹ đẹp đẽ còn Lóc thì ngược lại. Lóc giống ba ở gương mặt dài, giống mẹ ở vóc nhỏ con... Tuy vậy hai anh em Lóc rất thương nhau. Có gì ngon, Lóc cũng nhường nhịn cho Bé Ba, làm thay Bé Ba công việc nặng nhọc. Lóc học xong lớp nhứt trường làng đã đòi nghỉ học ở nhà giúp đỡ ba má chuyện chăn bò, việc ruộng rẫy, để cho Bé Ba tiếp tục học, mặc dù, người ta cho rằng con gái không cần học nhiều. Học nhiều lớn lên chỉ giúp cho chồng, cha mẹ chẳng nhờ được gì...
Lóc giơ cao cái chày gỗ lên và giáng mạnh xuống chỗ vành xe cong. Nó thấy ngay chỗ đổ đã hết cong lên mà hình như cong xuống... Đúng hơn là hai bên chỗ đó đã cong vành lên. Lóc kéo mấy khúc cây kê lại và dùng chày đập xuống chỗ vừa cong lên. Tức thì chỗ vừa đập hết cong lên, đã cong trở lại như cũ. A, thì ra tại mình đập quá mạnh... Lóc thầm nghĩ và lần này nó cố vỗ chày nhẹ hơn, Lóc xoay bánh xe, vỗ rất nhẹ, nhưng vẫn không sao làm cho cái vành xe ngay được, hết cong chỗ này lại cong chỗ khác, cong bên đây bị vỗ nhẹ cũng cong sang ngay bên kia ... Đã có hai ba cây căm xe bị gãy và cái niềng xe đã có chỗ còn bị méo... Bất chợt, chú Tư nhà bên đi xóm về thấy lạ qua xem và la lên:
Thằng quỷ, mày định đập cho dẹp cái vành xe hay sao. Cái vành xe được chỉnh ngay thẳng là nhờ những cây căm ghì về hai phía như nhau, muốn chỉnh cho ngay phải mang ra thợ sửa xe, người ta có đồ chỉnh chớ đâu ai vỗ như mày vậy...
- Vậy sao chú Tư, cháu tưởng... - Lóc lo lắng hỏi và đành nghe lời chú Tư mang chiếc xe vô nhà chờ ba mình về...
Lóc chạy đi cắt vội bó cỏ xanh tươi để lên máng trên chuồng cho hai con bò ăn và dọn dẹp chuồng thật sạch... Nó muốn ba nó đừng bực mình gì thêm. Lóc hỏi Bé Ba mấy quyển tập học cũ của mình có còn không. Bé Ba hỏi để làm chi, Lóc không nói và tự tìm lấy.
Khi má Lóc vừa bước vô hiên nhà, Lóc đã tự động leo lên bộ bán ngựa nằm cúi và nói:
- Ba à, con lỡ lấy xe đạp của ba chạy đụng vô gốc xoài bị cong vành rồi... Con... con biết lỗi, con cúi đây chờ ba đánh đòn... Con không dám như vậy nữa.
- Hứ, sao bữa nay mày ngoan vậy... Coi, xe hư nhiều ít, mày có sao không?
Ba Lóc nhìn thấy nó ăn mặc chỉnh tề, quần dài, áo dài tay, nằm sấp trên ván ngựa, ngẩng đầu nói giọng rầu rĩ mà tức cười hỏi.
- Dạ, không sao, con văng ra, lăn mấy vòng xuống lề đường... trầy sơ sơ cùi chỏ... Tại con đang chạy, thằng Đực nhảy vồ ra hù, con sợ đụng nó nên tránh... Chú Tư nói, phải đem xe ra thợ ngoài chợ mới sửa được... Ba có đánh thì đánh đi, con biết tội con, con không dám cãi...
- Thằng quỷ... biết vậy thì... đừng có tái phạm. Tao đánh mày một cái thôi để nhớ...
Vừa nói, ông vừa bước tới đưa tay vỗ vô đít của Lóc nghe cái bộp.
- Hả... Đít của mày... À, mày dám lấy tập lót đít hả... Tao vả cho rụng hết răng luôn bây giờ...
Ba Lóc nắm lấy vai nó kéo ngồi dậy định tát vô mặt nhưng má Lóc đã kịp bước tới đỡ tay ông và năn nỉ:
- Thôi mà ông... Con nó sợ mới làm vậy... Ông không nhớ lần trước ông đánh nó ba ngày sau tui bôi thuốc còn sưng sao... Đánh đến mức nó ngồi lên lưng bò cũng còn ê, mà đi bộ thì nhấc chân không muốn nổi... Thôi mà...
Ba tha cho anh Hai đi ba... Tại thằng Đực chớ bộ. Ảnh biết lỗi mà... Ảnh sợ đến mức tính dùng chày vồ giã chuối vỗ lại cho ngay nhưng không được.
- Hả... Dùng chày vồ giã chuối để vỗ cái vành xe hả... Trời đất... Để coi. Chắc dẹp lép quá. Đồ ăn hại mà...
Vừa nói, ba Lóc vừa bước qua bên vách xem cái vành xe.
- May mà không sao. Mày đi rửa mặt đi, coi tiếp con Bé Ba dọn cơm ăn, tối rồi. Mai tao cho theo ra chợ coi người ta sửa xe. Hứ, coi để biết làm cái gì cũng phải có thợ chuyên nghiệp, đừng có làm ẩu hư đồ hết...
Ba Lóc vác cái xe đạp trên vai đi ra đường lộ đá để đến chỗ sửa xe. Lóc đi phía sau nhìn cái lưng dài của ba ướt mồ hôi khiến cái áo bà ba đen thêm sẫm màu. Nó cảm thấy thương ba mình hơn.
- Ba cho con vác một đoạn đi.
- Mày vác sao nổi. Đi xa nặng lắm.
- Phải chi có cờ lê mỏ lết gì, tao tháo bánh ra, khỏi vác cả xe. Mà thôi, sẵn đây, nhờ người ta cạo sơn lại cho mới. Cái sườn tróc sơn, sét quá rồi, để lâu hư cả sườn xe...
Hai cha con Lóc đã tới chỗ sửa xe. Gọi là tiệm thật ra chỉ là một mái lá che nắng, bốn bề trống hoác, không dùng vách. Ông thợ chừng ba mươi chín, bốn mươi tuổi như ba của Lóc thôi nhưng miệng mồm có vẻ vui nhộn.
- A, anh Ba Đạt. Hồi nào tới giờ anh cưỡi nó, bữa nay cho nó cưỡi một lần bù lại phải không?
- Thằng nhỏ chạy tông vô gốc xoài, thụng vành rồi. Anh nắn lại và sẵn kiểm tra đạn, đùm, đạn cốt, vô mỡ và cạo sườn sơn lại cho tôi.
- Được thôi. Tuần sau lấy nghen. Phải mất một tuần, không mau hơn được đâu.
Ông thợ ngắm nghía xe của ba Lóc và nói luôn giá cả. Ba Lóc gật gù, đồng thời chỉ cái vành xe đã tháo vỏ, ruột rồi đang để trên cái giá bắt căm mà nói:
- Muốn chỉnh vành cho ngay phải làm như bác chớ không phải dùng búa, dùng chày đập lại đâu...
- Hả? Cái gì, dùng búa, dùng chày. A, thì ra có mấy chỗ móp đây mà. Tài nghệ ông con này chắc. Ờ, anh còn xài đèn không mà để cái bình này. Đèn tháo bỏ đâu rồi, hay ông con đụng vô gốc xoài nát bét hả...
- Đâu có. Bữa trước xuống dốc, đụng vô càng xe bò bể gáo rồi, tôi tháo ra bỏ, không xài nữa. Đường đất, chạy xe như bò vì đầy ổ gà, ổ voi, đâu chạy nhanh được. Mà chạy chậm thì nó tối mò hà...
- Vậy, để tôi tháo ra, anh mang về cất, khi nào đường sá đàng hoàng muốn gắn đèn thì mang ra tôi.
Nói xong, bác thợ sửa xe lấy chìa khoá mở cái bộ phận to cỡ nắm tay, dài chừng một tấc, trông như khúc khoai mì gắn ốp sát vành xe trước. Ông thợ còn nối dây câu thử vô một bóng đèn nhỏ như trái trứng cá và cà một đầu bộ phận đó xuống miếng ván... Lóc thấy bóng đèn đỏ lên.
- Phát điện còn tốt. Để dành xài đi...
Sao nó... nó làm cháy bóng đèn được vậy bác? Lóc mở to đôi mắt ngạc nhiên và hỏi ông thợ.
- Ờ, đây là bộ phận phát ra điện. Khi cái núm này xoay, điện sẽ phát ra hai cọc này... nối với bóng đèn còn tốt thì sẽ phát sáng thôi... Khi muốn đèn phát sáng, người ta gạt cần này xuống thì cái núm này tiếp xúc với bánh xe và nó xoay tròn... hiểu chưa ông con. Đừng có lấy búa mà đập nát nó ra nghen...
- Dạ... hay quá...
Lóc buột miệng và đón lấy cái bình phát điện bằng cả hai tay. Lóc thèm biết bên trong nó như thế nào lắm, nhưng... nó đã thấy cái nhìn không hài lòng của ba. Không biết thì hỏi có gì đâu. Huống chi bác thợ cũng vui vẻ nói cho nó biết mà. Biết thêm chuyện gì đó đâu có hại, chỉ có lợi thôi.
Hôm sau, ba nó đi vắng, Lóc lấy kìm mở mấy con ốc (bu-lông, đai-ốc) ra và cạy cái nắp bình phát điện xe đạp. Nó thấy cái trục giữa xoay, bao quanh là mấy cuộn dây điện nhỏ xíu, quấn chặt, mở không ra và thật lòng nó cũng sợ, mở nữa hư luôn, không quấn lại được thì khổ. Thế là nó lắp lại. Nhưng Lóc lại nghi ngờ, sau khi mình mở ra xem, lắp lại như vậy có hư hao gì không? Nó nhớ hình như cái chá đèn bị bể, ba nó tháo ra, để ở đâu, có lần nó thấy... Và nó còn nhớ hình như còn cái bóng đèn bên trong.
Lóc lục tìm. Nó muốn có bóng đèn và bắt chước bác thợ, câu điện để thử xem cái bình này có hư không. Và Lóc đã thấy cái đèn xe đạp ba mình tháo ra còn đó chỉ bể cái kính che bên ngoài thôi. Lóc cẩn thận tìm ra hai đầu dây để nói vào hai cọc trên bộ phận phát điện và nó bắt chước bác thợ xoay tròn cái núm trên bộ phận phát điện... Bóng đèn đỏ lên... Còn tốt... Lóc thích thú và nghĩ ra cách để yên cái bộ phận phát điện nằm nghiêng và dùng một thanh gỗ dài vừa đè lên cái núm tròn ở đầu bộ phận phát điện vừa đẩy tới, quả như nó nghĩ, bóng đèn lại đỏ lên, nhưng khi nó cầm cái núm đó xoay thì đèn không đỏ như vậy mà phải xoay mạnh, nhiều vòng, xoay nhanh đèn mới sáng. Hèn chi ba nói, lúc đạp chậm, đèn mờ lắm...
Chơi như vậy hoài cũng chán, Lóc đem đi cất và lấy bao, lưỡi hái đi cắt cỏ cho bò ăn. Mưa mấy hôm rày ngoài vườn ông Xã Năm cỏ tây nhiều lắm, cắt cỏ cho hai con bò ăn, nó không phải đi thả bò trong đồng suốt ngày nữa.
Vườn cây ăn trái của công Xã Năm trồng rất nhiều thứ trên những liếp đất cao, rộng cả mẫu đất. Ở xứ này muốn lập vườn, người ta phải thuê nhân công đào đất quăng lên, cho nên giữa hai liếp đất cao luôn là một cái mương và người ta dùng nước dưới mương đó tưới cây. Ông Xã Năm thả cá dưới mương, còn trên liếp thì trồng nhãn, sa-bô-chê, xoài, mận, chuối... Cây đã lớn, tán đã giao nhau tạo thành bóng mát che phủ cả khu vườn. Xung quanh vườn ông Xã Năm được rào bằng kẽm gai, trụ xi măng và chỉ cần cắt cỏ xung quanh hàng rào thôi cũng tha hồ cho hai con bò ăn.
Lóc vừa cắt cỏ vừa thỉnh thoảng đưa mắt vào vườn của ông Xã Năm với cái nhìn thèm thuồng. Liếp đất trồng toàn là mận đang mùa cho trái. Những trái mận hồng đào chín đỏ au, từng chùm, từng chùm nặng quằn nhánh trông rất thèm. Ngay dưới những gốc mận da người, mận trái trắng, có biết bao trái mận rụng do bị dơi, bị chim ăn, bị gió giật... Nhưng, Lóc không dám chui vào rào lượm. Nó biết có bao đứa nhịn thèm không nổi, chui vô lượm đã bị lão quản gia của ông Xã Năm xua chó cắn. Vườn của ông Xã Năm được bảo vệ nghiêm ngặt bởi ông quản gia và đàn chó sáu con nổi tiếng hung dữ. Trái sâu, trái rụng thà để bỏ chớ chưa bao giờ ông quản gia cho đứa nào vô lượm ăn. Lén chui vô, chưa kịp lượm trái nào thì lũ chó đã ào ra, dễ gì mà chạy kịp vì còn phải chui hoặc leo rào, trong khi lũ chó chạy nhanh cực kỳ. Ông Xã Năm làm xã trưởng bao năm rồi chẳng biết, nhưng nhà ông giàu lắm, có cả xe Honda 67, xe Honda Dam, xe tải chở bò ra Sài Gòn bán. Ngoài khu vườn này, Lóc còn nghe nói ông Xã Năm có mấy lô đất làm lúa mùa trên vùng Ô Long Vỹ. Quanh năm việc cày xới, sạ giống, cắt, thu hoạch mang về nhà đều có "lính kiểng" làm không công cho ông.
Lóc gom cỏ đã cắt nhét vô bao thật chặt, buộc miệng bao chuẩn bị đội cỏ về nhà thì có tiếng chó sủa vang lên. Lóc đã thấy bầy chó đang rượt theo thằng Đực. Thằng Đực mặt tái xanh, bận quần cộc, ở trần với tấm thân đen, rắn chắc. Lũ chó rượt sát gót mà thằng Đực vẫn không chịu buông cái bọc đầy mận và nó thét lên khi một ống chân đã bị chó táp, chắc là đau lắm. Khi Đực chạy tới hàng rào, giơ chân bước lên ô rào kẽm gai thì một con chó khác đã đớp trúng một bên đùi nó. Lóc vội lượm đất cục và chọi mấy con chó, khiến chúng trúng đất, đau phải dạt ra và đứng lại sủa thằng Đực. Lũ chó vì vậy không dám chui ra rào. Lóc đỡ thằng Đực xuống và thấy hai bên chân nó có đến bốn chỗ máu chảy vì răng chó cắn. Lão quản gia của ông Xã Năm đã ra tới với câu chửi tục tĩu, coi Đực và Lóc là hai tên ăn cắp. Lóc không nói gì, vác bao cỏ của mình lên vai và đi về.
- Đ... m... Tao sẽ phá cho nát miếng vườn này. Tao cho mấy con chó này biết thân... Nè, mày ăn mận không lấy vài trái đi Lóc.
- Tao không thèm! Lóc hất bao cỏ lên đầu đội để đi cho dễ hơn. Nó không ưa thằng Đực. Đực biết:
- Mày còn giận tao vụ trái dưa hấu hả?
- Mày hại tao bị đòn một trận nhớ đời, tao không chơi với mày nữa. Tao nói khô cổ họng, xin dưa cho mày ăn đã, mày còn hại tao, nói tao ăn cắp. Mày suy bụng ta ra bụng người thôi. Đó, ai mới bị chửi là đồ...
Lóc không thèm ngó thằng Đực và trả lời với giọng căm ghét. Đực bước theo Lóc, nhỏ giọng năn nỉ:
- Mày cho tao xin lỗi đi... Tao đâu ngờ ba mày lại vì chuyện đó mà đánh mày dữ vậy. Lại còn tại ông già đó với cô Hành nữa... Mày xui mới gặp họ. Còn bữa nay, đây là mận rụng, rụng đầy cả vườn, lượm không hết, ăn cắp làm chi...
Đực cố bước nhanh hơn Lóc, nó đi giật lùi phía trước Lóc. Gương mặt có góc cạnh vuông vuông ương bướng của Đực giờ bỗng nhăn nhó trông thật thảm hại và giọng nói của nó khá thành khẩn. Dù sao, trong đám chăn bò, tuy Lóc có hay nói móc họng, nói cao gác, nói giọng cha tụi nó, nhưng Lóc chưa hại thằng nào mà còn hết lòng vì chúng nó. Khi đàn bò có con vô rẫy phá, bị người ta bắt thì chúng phải nhờ Lóc năn nỉ chủ rẫy xin bò lại. Những lúc người ta thu hoạch rẫy, có thằng Lóc là tụi nó xúi Lóc xin của người ta, khi thì đậu, dưa, lúc thì xin chủ đất cho xuống đìa mò cá nướng ăn...
Lóc cảm thấy mỏi cổ, nó hạ bao cỏ, để xuống lối mòn và ngồi kéo vạt áo lau mồ hôi. Nó nhìn thằng Đực đang lấy bùn non đắp vô mấy chỗ chó cắn mà nói:
- Mày về nói với ba mày, lo đưa mày đi ông thầy Bảy thuốc chó, ổng có răng cọp mài bôi vô chỗ bị cắn sẽ không bị ngộp nước chết...
- Cái mốc xì, tao bị chó cắn hoài, có sao. Sình non chữa được hết. Phen này tao cho mấy con chó của ông Xã Năm biết tay, dám cắn ông hả. Hôm qua mày bị tao hù, hoảng hồn té có sao không? Cái xe đạp có sửa được không? Chắc là ba mày đánh đòn mày nữa hả?
- Đánh tao cho mày mát bụng à? Còn khuya. Cái xe thì phải mang ra chợ sửa, tuần sau mới xong. Tao không tránh mày thì đâu có hư xe. Biết vậy tao đụng mày cho què giò, xe tao cũng không sao...
- Mày nói vậy, chớ anh em không mà. Nếu mày thù tao thì hồi nãy đâu có lấy đất chọi mấy con chó mà đứng im coi tụi nó xé xác tao rồi. Tao cũng đâu có thù ghét gì mày, tại tao thiếu suy nghĩ khi giỡn, khi phá không lường được hậu quả... Thôi để tao đội cỏ tiếp mày một đoạn đường. Dù gì, tao cũng khoẻ hơn mày mà.
Nói xong Đực đứng dậy, đưa ôm bao cỏ hất nhẹ lên đầu và một tay vịn bao cỏ, một tay ôm bọc mận đi một cách nhẹ nhàng. Lóc như quên hết hiềm khích, cười tươi đi theo bạn.
Đực để bao cỏ xuống trước sân nhà nó, một căn nhà nho nhỏ, nép dưới bóng mát hai bụi tre ven con đường đất. Nhà Đực làm bằng cột tràm, mái lợp lá thâm thấp, vách dựng bằng lá dừa nước, phía trước không cửa, từ bên ngoài nhìn vào, Lóc thấy bộ vạt tre, cái bàn thờ và cả những bộ đồ bà ba đen của ba má nó treo trên vách. Đực nói:
- Để tao kiếm bọc sớt cho mày một ít mận. Mày không ăn thì cho con Bé Ba. Ờ, tao mới làm mấy cái chong chóng bằng bìa giấy cứng, đã lắm, chỉ đưa ra gió là quay vù vù, để tao cho mày một cái.
Lóc không nói gì, nhưng nó không từ chối và còn chần chừ chờ thằng Đực chạy vô nhà. Chút sau, Đực chạy ra, một tay cầm bọc mận, một tay cầm cái chong chóng khá lớn. Nó quơ tay cho cái chong chóng quay rồi đưa cho Lóc và cảm thấy hài lòng khi Lóc nhận lấy. Ờ, coi như quà xin lỗi nhau mà. Anh em cùng xóm, cùng chăn bò với nhau, tội gì phải giữ lòng thù hận.
Lóc về nhà bỏ cỏ lên máng cho bò ăn và tìm Bé Ba cho nó mận và cái chong chóng. Bé Ba chỉ lấy bọc mận và chê chong chóng. Lóc đem chong chóng ra sân quơ quơ một chút cũng chán, nó bèn cầm lên mái hiên nhà để cho gió thổi quay vù vù...
Cơm trưa xong, Lóc ra sân nhìn lên mái hiên vẫn thấy cái chong chóng quay. Thằng Đực này cũng khéo tay thật, chỉ cần có gió nhẹ lồng vào cánh chong chóng là tự nó quay ngay. Chắc nó sẽ quay suốt ngày, suốt đêm quá. Lóc chợt nghĩ, phải mình có cách chi cho cái núm trên bộ phận phát điện của đèn xe đạp quay suốt ngày thì hay biết mấy. Ơ, sao mình không làm một cái chong chóng gắn chặt vào cái núm đó để nó quay và cái trục quay theo, sẽ có điện và đèn sẽ sáng. Lóc hớn hở lấy cái chong chóng của thằng Đực cho và ướm thử vào cái núm của bộ phận phát điện xe đạp. Nhưng nó cố nâng cái chóng chóng vô thì giấy rách... Ờ mà có gắn được đi nữa, gió mạnh, cái chong chóng này cũng không chịu được bao lâu. Phải làm chong chóng bằng cái gì đó, không sợ mưa gió mà vẫn đủ sức đón gió, đủ sức quay trục của bộ phận phát điện này... Lúc đó, cái chong chóng sẽ được đưa lên cao, phải có dây điện nối dài xuống bóng đèn để ở dưới... Sợi dây phơi quần áo của nhà nó là sợi dây điện của mấy tay lính bỏ trong chòi cô Hành, nó lượm về mà... dài lắm, chắc thừa sức nối vào. Lóc đi tìm... nó nhớ có cái thùng thiếc bị thủng ba nó tính làm đồ trồng hành. Có thể cắt nó ra làm chong chóng vừa to, vừa chắc chắn, được lắm.
Lóc đã tìm được, nó dùng dao cắt ra một miếng thiếc hình vuông. Cũng như giấy, nó cắt miếng thiếc làm bốn cánh và bẻ cong, đục lỗ... Phần bên trong chong chóng, lỗ thiếc bị đục lớn và trùm vào cái núm thiệt sát. Lóc còn dùng dây chì xiết cho chặt không cho gió làm tuột. Lóc dùng tay quay thử. Cái trục xoay rất nhẹ nhàng. Phần trục để người ta bắc vào sườn xe được Lóc đút vào một nhánh tre đực, có chiều vuông góc với chiều bộ phận này và trục chong chóng. Trục đỡ này được Lóc đút vào một thanh trúc khoảng ba thước, Lóc dựng cái chong chóng lên đón gió và không khỏi hớn hở reo lên:
- Thành công rồi... Quay rồi... hà hà...
Bé Ba chạy ra coi Lóc làm và chưa hiểu anh Hai đang làm cái gì? Giọng cô bé thờ ơ hỏi:
- Anh làm chong chóng chi, cái hồi sáng em đã không thèm...
- Khà khà... Thần gió cho nhà ta điện. Em sẽ có bóng đèn điện để học bài, không phải đốt đèn dầu... Gió ở đây thì thổi suốt ngày, suốt đêm, suốt năm, suốt tháng... tha hồ...
Lóc hớn hở hạ cây trúc xuống, cắt cái dây điện phơi quần áo và mang vào nối từ hai cọc trên bộ phận phát điện, kéo tới đầu kia thanh trúc, nối vào cái đèn xe đạp. Lóc dựng cây chong chóng lên, đón gió. Chong chóng quay, bóng đèn sáng lên, mà rất sáng, có lẽ do chong chóng quay nhanh quá và nhỏ Bé Ba vừa vỗ tay hoan hô vừa nhảy tưng tưng:
- Anh Hai chế tạo ra điện... giỏi quá giỏi. Anh Hai hay quá xá. Anh Hai cho em đi... nhưng... để bóng đèn sáng hoài như vầy có hư không?
- À, lúc không xài thì tháo bóng đèn ra... hay tháo một dây ở gần đầu chuôi đèn, khó gì...
- Anh Hai giỏi quá, chút ba về, mình khoe với ba ha anh.
- Ờ giờ thì mình giấu đi, để tối ba má về mang ra cho hai người bị bất ngờ luôn...
Lóc và em gái vội hạ cây chong chóng xuống đem vô buồng giấu. Từ đó tới chiều, hai anh em cứ khấp khởi, đi ra, đi vô mong chờ ba má về, mong trời mau tối...
Thế rồi trời cũng sập tối, ba má Lóc từ trong đồng về. Hai anh em Lóc cũng đã nấu cơm chín. Hầm nồi canh. Nồi cá kho má nó đã làm từ lúc sáng. Khi Bé Ba dọn cơm ra, ba má chúng đã xuống rạch tắm thì Lóc đầu đem cái chong chóng ra hiên nhà dựng lên. Ba má chúng thay đồ xong bước ra nhà trước, tới bên mâm cơm và ba chúng nói ngay:
- Lóc đâu, mày làm cái gì mà không đốt đèn lên để tối thui thấy gì ăn hả? Anh lớn trong nhà mà không làm, còn sanh nạnh em à?
- Dạ, có ngay. Ba coi nè. Lóc cầm cái đèn xe đạp lại máng bên vách bộ ván ngựa và nối đầu dây điện vô. Bóng đèn sáng lên làm ba má chúng giật mình.
- Cái gì... mày... mày...
- Anh Hai chế tạo đèn điện đó ba má. Hay ghê chưa!
- Cái đèn xe đạp sao... sao lại...
- Dạ, đèn xe đạp ba không xài nữa, con làm như vầy để sáng chơi...
- Mày làm sao, không sợ nó giật chết hả. - Má Lóc lo lắng nói.
- Không có giật đâu. Con thấy bác thợ sửa xe đạp làm rồi mà... Cái cục phát điện trong xe đạp đó ba...
Lóc tự hào giải thích. Ba Lóc còn chưa hiểu:
- Rồi... mày làm sao?
- Dễ ợt hà... Con...
Lóc chưa nói nứt câu, chợt bóng đèn tắt phập. Lóc bối rối đưa tay mò mò đầu mối dây điện, cũng không thấy đứt ra. Nó lúc lắc bóng đèn cũng không sửa được. Lóc chạy ra hiên nhìn lên, thì ra cái chong chóng không còn quay nữa. Lóc xoay cây trúc và nó hiểu ra, cái chong chóng xoay ngang không hứng gió nên không quay, khi nó xoay cây trúc đúng hướng thì đèn trong nhà lại sáng lên. Ba Lóc đã đứng cạnh nó từ lúc nào, nó không hay. Ông nói giọng hài lòng:
- Hạ nó xuống, ba làm cho nó chắc chắn hơn và không còn quay ngang nữa... Đốt cho ba cái đèn dầu đi Bé Ba...
Lóc mở dây, hạ cây trúc xuống. Ba nó xem qua và gật gù. Ông lấy kìm quay thêm vài vòng dây chì ngay chỗ nối vô cái núm trục bộ phận phát điện. Ba Lóc còn cắt thiếc làm thêm một cái đuôi, như cái bánh lái và Lóc hiểu có thêm cái đó, chong chóng sẽ giữ đúng hướng gió, để quay liên tục. Ba Lóc cắt bớt một lóng cây trúc, để cái trục thẳng đứng của bộ phận phát điện lọt thỏm vào lỗ đầu cây trúc và có thể xoay tròn được. Ba Lóc còn sửa không cho sợi dây điện bị cuốn vào thân trúc để khỏi đứt... Ông làm quên cả đói mặc dù má chúng nó thúc giục ăn cơm xong rồi làm nhưng hình như ba Lóc cũng thích thú với việc này. Đến khi dựng cây trúc lên, đèn sáng, ba nó mới chịu quay vô mâm cơm và cả nhà ăn một bữa cơm thật ngon... Tụi con nít mấy nhà bên cạnh đã chạy sang dòm ngó, bàn tán, thắc mắc sao cái bóng đèn đó sáng mãi...
Chúng thèm được sờ, được đứng gần để nhìn cái đèn và... có đứa ngó ra cái chong chóng đang quay vù vù trên mái hiên nhà Lóc.
- Hay quá... mai tao kêu ba tao làm vài cái chong chóng như của anh Lóc.
- Xạo, chưa chắc ba mày giỏi như anh Lóc...
- Xí... cái bóng đèn đó có gì lạ... lu căm hà. Tao còn thấy nhiều cái đèn xe hơi sáng hơn nữa
- Đó là ngoài chợ, ngoài lộ đá... Ở đây ai cũng xài đèn dầu, đâu có ai có cái đèn xài bằng... gió...
Chuyện cụ Lóc chế tạo được cái đèn xài bằng sức gió lan nhanh khắp xóm và nhiều người qua lại tò mò ghé xem.
Người lớn khen Lóc thông minh, con nít phục Lóc tài giỏi, hỏi Lóc chỉ cách làm... Thế là Lóc có dịp trổ tài nói phét. Thật ra, cụ thông minh biết ứng dụng sức gió cho chong chóng quay làm trục quay bộ phận phát điện hoạt động, nhưng Lóc có biết gì hơn. Có đứa thắc mắc:
- Lóc ơi, cụ nói cái bình như khúc khoai mì đó nhờ gió thổi cái chong chóng quay mà phát ra điện. Vậy điện nó có hình dáng ra sao và làm sao điện chạy trong sợi dây nhỏ xíu đó xuống đốt cháy cái bóng đèn mà sợi dây không cháy hả?
- Cái bình đựng điện đó xài chừng nào thì hết điện hả Lóc? Đã thiệt, nhà tao xài đèn dầu bữa nào cũng phải châm dầu, mà dầu hôi mắc tiền lắm.
Lóc còn chưa hiểu cặn kẽ nói chi tới giải thích cho mấy đứa bạn hiểu. Nó đã tính đi hỏi thày giáo dạy con Bé Ba, hay ra chợ hỏi bác thợ sửa xe đạp, nhưng như vậy thì... còn gì tài năng của cụ. Và cụ lại nói phét:
- Tụi bay thấy không, Thần Gió đã làm được chuyện bà Hoả thách thức. Ngày xưa, ngày xửa bác Thần Gió luôn tự hào mình quyền lực vô biên, làm gì cũng được. Bác có thể vung tay cuốn tung nhà cửa ghe tàu. Thế nhưng, không biết tại sao Ngọc Hoàng Thượng Đế lại bắt bác phục tùng bà Hoả. Cứ mỗi khi bà Hoả gọi là bác phải có mặt, dù là một trận cuồng phong trong những đám cháy rừng hay một chút gió nhẹ bên một bếp lửa... Có lúc bác Thần Gió tỏ ra ương bướng, chống cự lại, nhưng cũng chẳng được. Gặp bà Hoả hiện ra, bác cố xuống tấn, chịu đứng lại cũng bị bà Hoả toả sức hút, lôi bác Gió tới... Thần Gió càng tức hơn khi nghe bà Hoả tự đắc:
- Ta chẳng những bắt ngươi khuất phục mà còn biết cách làm cho vị Thần Ánh Sáng phải bó tay. Thần Ánh Sáng ỷ dòng dõi Ngọc Hoàng, con Trời, tưởng ai cũng cần có ánh sáng mới tồn tại, không có ánh sáng thì đêm đen đe doạ... Nhưng ta thì không sợ... Mặc cho Thần Ánh Sáng ba gai, ta vẫn có thể bắt phát sáng ngay trong bóng tối...
Thần Gió tức lắm mới thề rằng: Một ngàn năm sau, bác ta sẽ tu luyện phép mầu có thể tạo ra ánh sáng mà chẳng cần bà Hoả... Cho nên, giờ đây tụi bay thấy đó, vị Thần Gió đã gõ cửa nhà tao, nhờ tao thực hiện phép màu của Thần. Đó, bay biết không, cái bóng đèn phát sáng mà chẳng phải đốt, chẳng có khói, chẳng sợ gió vì là phép màu của Thần Gió mà...
Cả đám con nít há hốc mồm nghe Lóc nói dóc y như đang sáng tác chuyện cổ tích mà chẳng đứa nào cãi lại, còn gật gù đồng tình. Thế nhưng Thần Gió linh thiêng cỡ nào chẳng biết, ba ngày sau, cái cây trúc, khúc dây điện, bộ phận phát điện và cả cái chong chóng bỗng biến mất. Lóc chỉ còn một khúc dây trong nhà và cái bóng đèn... Rõ ràng là bị trộm cắt lấy, làm cả nhà vừa tức vừa tiếc... Lóc đau lắm và cứ nghĩ ngợi tìm cách điều tra xem hung thủ là ai...
Người lớn, chắc chắn chẳng ai thèm làm vậy, chỉ có đám con nít trong xóm này thôi. Nhưng cả xứ này chỉ có Lóc có cái bộ phận biến gió thành điện này thôi, đố thằng ăn trộm nào dám đem ra xài. Và như vậy, tên trộm này còn cất giấu lâu, càng khó tìm hơn. Nghe tin nhà Lóc mất cái chong chóng phát điện, có đứa tò mò hỏi:
- Mất lúc nào? Thằng Xoài tò mò nhất, hỏi.
- Sao không tìm? - Thằng Đực hỏi như lo giùm. Lóc trả lời tỉnh bơ:
- Không cần tìm... Trong vòng một tuần, tự dưng vật mất sẽ tìm về chủ cũ.
- Xí... Có mà nằm mơ... Đứa tham đã ăn cắp rồi chả lẽ lại đem trả cho mày à. - Thằng Chanh trề môi nhạo.
- Phải trả... Nó giữ cái đó chỉ mang hoạ thôi.
- Sao lại mang hoạ? Bộ cái đó phát điện ra giật giật chết được à... - Đực lại thắc mắc.
- Điện này giật chết người thì không, nhưng...
- Nhưng sao? - Thằng Đực như quan tâm.
Lóc thản nhiên nói:
- Tụi bay biết rồi. Thần Gió còn có bạn thân là Thần Sấm Sét. Mà Thần Sấm Sét có món bửu bối cực kỳ lợi hại, đó là Lưỡi Tầm Sét. Thần Gió chỉ cần lên tiếng thì Thần Sấm Sét truy tìm dùm ngay. Bởi vậy, ông này còn mang tên Thiên lôi. Ngày xửa, ngày xưa Thiên Lôi không dùng búa, nhưng đôi mắt thần của ông có thể nhìn xuyên suốt vách núi, vực sâu và lòng đất... Và lưỡi búa ông đang xài bây giờ, ngày trước là báu vật của Ngọc Hoàng rơi xuống trần, nhờ đôi mắt thần của ông mà tìm được. Ngọc Hoàng đã ban tặng cho ông như một phần thưởng cho vị thần tài giỏi. Từ đó về sau, cần tìm vật gì, Thiên Lôi trợn mắt lên, khi thấy rõ vật cần tìm, ông sẽ ở trên mây phóng lưỡi tầm sét xuống vật cần tìm, cho dù bị chôn sâu dưới lòng đất, hay đậy kín trong lu hủ, hòm rương... Mà lưỡi tầm sét xẹt tới đâu thì cháy tới đó, dù là người, vật, nhà cửa... Bởi vậy khi Thần Gió nhờ Thiên Lôi tìm giúp, ông ấy sẽ tìm và phóng lưỡi tầm sét ngay chỗ tên trộm giấu cái đó, có thể chết thằng ăn trộm hay người thân của nó không chừng. Vậy đó, không phải tai hoạ thì là "phúc đức" sớm theo ông, theo bà à...
Lóc vừa đặt chuyện để nói vừa nhận ra sắc mặt thằng Đực có khác. Hình như nó thoáng lo ngại và sợ sệt. Lóc còn kể thêm một vài trường hợp chết người vì bị sét đánh mà cả đám chăn bò tụi nó đứa nào cũng biết. Có người bị cháy nám một bên, có nhà bị tét cả cột, cháy mất áo quần, mùng mền... Người ta đồn, sét đánh ma quỷ hồn bay đi, chỉ để lại xác... áo.
Chiều hôm đó cả bọn lùa bò về chòm mả tắm táp thì mây đen vẩn vũ, sắp có mưa to. Đực, Xoài, Chanh và một số đứa mừng vì sắp được tắm mưa sướng hơn tắm dưới con rạch đang lúc ròng, nước rút ra sông, đục ngầu, Lóc hô to:
- Mưa lớn sắp tới rồi tụi bay ơi... Lùa bò về nhà đi. Ở đây mồ mả dày đặc, biết ai đầu thai, ai chưa. Lỡ có quỷ, có yêu lởn vởn quanh đây, sấm sét đuổi đánh, nó nhập vô mình những đứa có lòng tà tâm, tham lam độc ác, khiến cho Thiên Lôi đánh không có nương tay đâu. Về thôi...
Lóc nói xong, lùa bò về. Và nó quay đầu nhìn lại thấy thằng Đực cũng đang hấp tấp đánh hai con bò của nó chạy nhanh về nhà...
Buộc bò trên chuồng, xách nước đổ vô lu, bỏ cỏ lên máng xong, Lóc đi tắm và khi nó quay lên nhà, đi ngang cây rơm, Lóc thấy ngay cây trúc có cái chong chóng và bộ phận phát điện xe đạp của mình nằm đó. Trời bắt đầu đổ mưa. Lóc ôm vội vật quý của mình. Nó cười thầm và nhìn ra con đường đất. Bóng thằng Đực cởi trần, bận quần tà lỏn còn chạy lúp xúp ở cuối con đường đất. Ba má và Bé Ba mừng khi thấy Lóc tìm thấy vật bị mất mấy hôm nay. Họ hỏi nó tìm ở đâu? Lóc không đáp. Họ hỏi nó có nghi ai lấy không, Lóc lắc đầu, chỉ nói:
- Thần Gió linh thiêng đã tìm và mang về cho nhà mình rồi, cần gì biết ai lấy...
Thằng Đực bị ông Xã Năm gọi tới và bắt nhốt vì tình nghi thuốc chết sáu con chó giữ vườn của ông. Hiển nhiên, thằng Đực không dại gì thừa nhận bởi vì ở xứ này không phải chỉ nó biết lén chui vô vườn của ông Xã Năm. Càng không phải chỉ riêng nó ghét ông Xã Năm và lão quản gia giữ vườn. Cụ Lóc không ưa gì thằng Đực, nhưng khi thấy ba má thằng Đực chạy đôn, chạy đáo nhờ người năn nỉ ông Xã Năm cho thằng Đực về mà Lóc tội nghiệp. Lóc cũng không ưa gì những người cậy quyền thế, coi người chẳng ra gì, hay ức hiếp người khác như ông Xã Năm, nhưng nó chưa hề nghĩ đến chuyện quậy phá ông ta. Lóc không ngờ thằng Đực ít nói, cục mịch như vậy mà đã nói là làm liền. Nó đã trả thù lũ chó của ông Xã Năm cắn nó hôm nào. Có lẽ, ông Xã Năm và lão quản gia giữ vườn cho là người ta vô vườn ông, bị chó ráng chịu, ông không có trách nhiệm gì. May mà trong lũ chó của ông không có con nào bị dại, nếu không cái mạng của thằng Đực coi như tiêu. Nó không chết, thì lũ chó phải chết... Lóc nhớ ánh mắt hận thù của thằng Đực nhìn lũ chó và lão quản gia đứng trong rào vườn nhà ông Xã Năm. Đực còn quay lại khu vườn này và nhổ sạch bốn tấm bảng sơn vẽ đầu lâu trên hai ống xương xóc chéo biểu tượng cho khu cấm địa của vườn ông Xã Năm. Như vậy mà nó vẫn chưa vừa bụng để rồi còn thuốc chết sáu con chó khôn ngoan của ông Xã Năm.
Hai hôm sau, lão quản gia của ông Xã Năm tới nhà Lóc, gặp ba nó để thuê người cày đất. Đất của ông Xã Năm ở vùng Ô Long Vỹ có tới ba mươi mẫu, hằng năm chỉ kêu máy cày vô cày, nhưng năm nay mưa sớm, mưa kéo dài nên đất của ông chưa kịp cày xong. Đất vùng này hay bị lún, nên máy cày bị lầy, không cày được phải rút về, buộc lòng ông Xã Năm phải kêu bò cày. Không riêng gì ba của Lóc mà cả xóm Chùa ai có bò cũng được ông Xã Năm thuê cày. Ông thuê mà không làm cũng khó sống yên thân với ông ở xứ này. Đôi bò của Lóc tuy đã già nhưng kéo cày còn khoẻ lắm và rất dễ sử dụng. Nếu không phải nhỏ con thì Lóc cũng xin ba cho mình cầm cày, tiếp cho ba đỡ mệt. Tuy vậy, Lóc cùng Xoài, Chanh và cả thằng Đực cũng được theo cha mình đưa bò đi cày cho ông Xã Năm. May cho thằng Đực, nhân dịp này, ba nó mới xin ông Xã Năm thả nó ra để nó theo chăm sóc hai con bò. Vả lại, giữ thằng Đực mà không có chứng cớ gì bắt tội nó, ông Xã Năm cũng không có lợi lộc gì. Nhiệm vụ của Lóc cùng mấy đứa kia là theo cha cắt cỏ cho bò ăn, tắm rửa cho bò... mỗi khi cha chúng nghỉ ngơi.
Cả xóm Chùa có tới mười đôi bò đi cày đất cho ông Xã Năm. Lóc cùng ba mình và cả xóm lùa bò lội tắt đường đồng băng qua ba bốn con kênh mới tới trại ruộng của ông Xã Năm. Đó là một cái trại cất bằng cột tre, mái lá, bề ngang rộng bốn thước, dài khoảng mười lăm thước, ông Xã Năm cất để máy cày và những người làm cho gia đình ông ở suốt những ngày cày đất, xuống giống. Cái trại này nằm ven bờ kinh Bảy, ngay đầu vàm con rạch Ô Long Vỹ. Hai chục con bò được buộc dây vào những gốc gáo trên bờ kênh. Đêm đến ngoài những người chủ bò, ông Xã Năm còn cho bốn người lính địa phương ôm bốn khẩu súng canh giữ xung quanh, đề phòng cướp trên núi xuống cướp bò. Có như vậy, những người chủ bò mới dám vô xứ này cày đất. Lóc từng nghe người lớn kể hằng năm xứ này hay có cướp từ trên vùng Bảy Núi xuống là bắt trâu bò, gạo, thuốc... nên khi chiều xuống là người ta lùa bò về đồn lính ở ngoài Kinh Xáng ngủ. Sáng hôm sau, ăn uống xong mới lùa bò vô đất cày, rất mất thời gian. Chỉ có cày đất của ông Xã Năm, mới có lính đi theo bảo vệ...
Trong lúc ba Lóc cùng những người khác đang điều khiển bò cày đất thì lũ trẻ con: Lóc, Xoài, Đực, Chanh... cầm hái đi cắt cỏ ở những thềm đìa gần đó để cho bò nhai trong đêm. Mùa mưa đến sớm, cỏ ở các thềm đìa xanh non. Nhất là loại cỏ tây, cọng lớn, dài, non mượt, được cả bọn cắt thành từng bó đội về. Để cỏ cho bò ăn, Lóc cùng các bạn nhào xuống kênh tắm nhưng không đùa giỡn như ở con rạch Voi quê nhà vì cả ngày làm mệt mỏi. Vả lại, nước dưới kênh vì xa nguồn từ con sông Hậu nên đục ngầu, dậy bùn sình không như dòng nước trong xanh, ngọt lịm ở con rạch Voi sau hè nhà Lóc. Tắm xong, cả bọn thay quần áo, đi vô bếp tính dọn cơm ăn. Ông quản gia của Xã Năm nói:
- Người lớn ăn rồi, chỉ còn tụi bay thôi, tự vô dọn cơm ra ăn, tao không rảnh hầu tụi bay.
Lão quản gia của ông Xã Năm nói với giọng ba gai khiến cả bọn sáu đứa cảm thấy không vui. Lóc vô bếp bưng nồi cơm ra sân. Thằng Đực cũng vô lấy tô múc canh và cá kho, nhưng khi Lóc quay vô lấy chén đã nghe giọng ông quản gia quát nó:
- Ai cho mày múc cá kho hả thăng quỷ?
- Dạ...
Đực không nói gì được bởi tính nó từ hồi nào tới giờ là vậy, hay lúng túng, ấp úng khi đối đáp.
- Dạ... Vậy tụi con ăn cơm với cái gì vậy bác?
Lóc lẹ làng hỏi ông với giọng lễ phép. Nhưng lão ta cười giọng chế giễu và nói:
- Tao được lệnh ông Xã Năm nấu cơm cho cha tụi bay ăn, chớ tụi bay đâu có phần... Nghĩ tình cha tụi bay, gạo lúa ở đây cũng dư thừa tao nấu thêm cho ăn, thức ăn tụi bay tự lo lấy, không có thì ăn muối thôi...
Đực ấm ức không nói gì, cất tô và bước lại thúng muối đen để trong góc bếp vốc một nắm đầy. Cả bọn vừa ăn cơm vừa chửi thầm lão già độc địa. Thằng Chanh cầm chén cơm chan nước lạnh đi tìm ba nó để phân trần thì Lóc cản lại:
- Méc ba mày, ba mày làm gì được. Kệ ông ta. Ngày mai tụi mình chia ra hai nhóm, bốn thằng đi cắt cỏ, hai thằng đi kiếm thức ăn; cỏ cho bò ăn chung, chia đều ra, cá, chuột, rắn ở đây không thiếu gì, mình đi bắt về cả bọn cùng ăn. Tao đảm bảo tụi bay tha hồ ăn...
- Ừa, thằng Lóc nói đúng đó. Hồi nãy đi cắt cỏ tao thấy trên thềm đìa có đùn đất hang chuột, dưới đìa còn thấy cá ăn móng, ngày mai tao với thằng Lóc lo thức ăn cho cả bọn mình, bốn đứa bay đi cắt cỏ đi.
Thằng Đực nói với giọng tự tin và cả bọn cảm thấy yên tâm hơn. Lóc cắn muối hột cóc cóc và ăn cơm một cách ngon lành. Thằng Chanh còn tếu:
- Cần gì đi đâu hả Đực... cứ đập đầu Lóc nướng trui cả bọn mình ăn cả tháng không hết...
- Xí... thịt cụ dai hơn thịt trâu, ai thèm ăn... Mà chắc gì có thịt, tao thấy người cụ toàn xương thôi.
Xoài mở to đôi mắt lồi nhìn Lóc như đang nhìn một... món ăn.
Nhưng Đực lộ rõ thái độ tức giận bằng gương mặt hậm hực. Nó không nói gì, nhưng Lóc lo là nó sẽ làm một việc gì đó trả đũa. Mối hận bị chó cắn nó đã trả được bằng cái chết của sáu con chó. Sau đó nó bị bắt nhốt, nó không sợ mà còn căm tức hơn. Đực cắn muối mà tưởng như nó đang nhai nghiến nỗi uất hận khiến Lóc tức cười tìm cách nói vui:
- Tụi bay biết tại sao muối mình ăn cảm thấy mặn không? Và do đâu muối chỉ có ở trong nước biển mà không tìm thấy trên đồng, trên núi, trên...
- Thôi đừng có xạo nữa cụ ơi. Muối mà ở trên đồng bằng, đồi núi thì... chẳng có thứ gì sống nổi.
- Thằng Chanh chỉ biết một mà không biết hai. Tụi bay biết không, ngày xửa ngày xưa đất liền được tạo nên bằng muối... Muối ở khắp nơi như đất, như cát, như đá bây giờ. Vạn vật tồn tại sinh sôi nảy nở càng nhiều là nhờ ăn muối. Thế nhưng, hầu hết các giống loài đều tham ăn, ăn nhiều, ăn đến mức nguồn muối có nguy cơ cạn kiệt, nghĩa là sẽ chẳng còn... đất liền nữa. Chưa nói đến cái thứ gà ăn thì ít mà phá thì nhiều. Gà cứ ăn một hột thì muối văng xuống biển cả trăm, cả ngàn hột. Trong khi đó, loài chó tinh khôn vốn tính cần kiệm thì chỉ... liếm láp thôi. Thượng đế thấy vậy lo sợ vô cùng. Nếu không kịp thời ngăn chặn thì cả quả đất này chỉ còn... biển thôi. Cho nên người vội vàng hoá phép biến cho chất mặn trong đất đá không còn nữa để vạn vật không ăn hết. Và ngài phạt loài gà phải ăn cả sỏi đá độn vào và ban thưởng cho chó được quyền ăn muối. Vậy mới có câu: "Chó ăn muối, gà ăn đá..." (Trời ạ! Nói ngược ngạo như vậy mà Lóc cũng nói được). Riêng loài cá sống dưới nước nhờ loài gà bươi văng muối xuống mà tha hồ sống trong nước muối. Đến nỗi, khi chết đi còn ghiền... muối nên ba má tụi bay thường dạy rằng: "Cá không ăn muối cá ươn..." Cho đến khi có một đứa ganh tị cả với loài chó, ra tay giết hại hết chúng nên Ngọc Hoàng tức giận, bắt nó ăn muối thay...
- Thay ông cố nội mày...
Đực cộc cằn đứng dậy tuôn ra một câu chửi tục, vì cả bọn nãy giờ cố lắng nghe thằng Lóc nói phét, mà câu chuyện tào lao của Lóc chỉ nhằm nói móc chuyện thằng Đực thuốc chết chó ông Xã Năm nên cả bọn phải ăn muối...
Đêm xuống, ba Lóc và những người chủ bò khác trải đệm, cắm cọc giăng mùng ngủ quanh đàn bò. Riêng sáu đứa con nít được phép ngủ trong mùng lớn giăng trong trại ruộng cùng với lão quản gia. Mấy đứa kia vô mùng, nằm xuống một chút đã ngủ chỉ còn Lóc và Đực trằn trọc.
Lóc thấy thằng Đực nằm sát vách mùng, hình như nằm nghiêng nhìn ông quản gia đang ngồi ngoài hiên nhâm nhi ấm trà. Đến lúc ông quản gia đứng dậy đi ra sau bếp, Lóc thấy thằng Đực chui ra, lẹ làng móc cái gì đó trong túi mở nắp ấm trà bỏ vào. Lóc đã toan lên tiếng hỏi khi Đực nhẹ nhàng nằm xuống bên mình, nhưng nó phải im lặng vì lão quản gia đã trở vào với cái bình thuỷ. Ông đổ nước sôi vào ấm trà và quấn thuốc lá hút. Chút sau ông rót trà ra ly và đưa lên miệng uống. Bất chợt ông sặc và chạy ra sân lúa ụa ụa liên tục như sắp ói... Ông cất tiếng chửi thề và ho sặc sụa vì đã vội nói khi chưa dứt cơn ụa:
- Thằng nào bỏ muối và ớt khô vào ấm trà hả? Thằng nào?
Cả sáu đứa trong mùng im lặng. Ông quản gia bước tới tốc mí mùng lên hét:
- Thằng nào chơi tao hả? Đ. m. đi ra khỏi trại hết. Tao không chứa thằng quỷ nào hết!
Mấy đứa vừa mới ngủ bị lôi dậy và không hiểu chuyện chi hết. Lóc biết ngay thằng Đực đã trả đũa. Thằng này bạo gan và chẳng kiêng nể gì hết. Tuy có hơi quá đáng, nhưng Lóc nghĩ cũng nên để lão già biết muối "ngon" như thế nào. Cả bọn kéo đệm ra sân, giăng mùng. Lóc lấy cái nóp của mình trải ra, nó muốn ngủ riêng bởi nó không quen ngủ chung với ai hết. Đực cũng kéo nóp trải bên cạnh Lóc để ngủ. Nhưng Lóc chưa chui vội vô nóp mà nằm ngửa mặt nhìn sao trời. Bầu trời về đêm dường như cao, rộng hơn với ngàn sao li ti lấp lánh. Đực vẫn còn thức và có lẽ đang khoái chí với ngón trả thù của mình vừa rồi nên nó cũng nằm ngửa, hai bàn tay lót dưới ót mặc cho muỗi bay vo ve quanh mình. Lóc gợi chuyện:
- Mày gan thiệt.
- Gan mốc xì. Gan thì tao đã chửi ông một trận rồi bỏ về. Tao sợ ba tao đập nên mới nhân nhượng ông như vậy. Thức ăn đầy nồi, đầy chảo mà bắt tụi mình ăn muối.
Tao nghĩ chắc ông chưa biết muối ngon như thế nào nên cho ông biết mùi vị. Tao biết mày còn thức và mày thấy nhưng mày không phải là thằng ác, không hại bạn. Dù gì tụi thình cũng góp phần cho đất ông Xã Năm cày xong mau hơn. Nếu không có tụi mình cắt cỏ, chăm sóc bò, ba tụi mình cày đất đâu nhanh như vậy vì vừa cày, vừa lo đi cắt cỏ, tắm bò... Tụi mình đáng được nuôi như một người giúp việc chớ phải đâu ăn bám.
- Thôi bỏ đi, mày đã trả thù rồi còn ấm ức làm gì.
- Hứ, ra ngoài này ngủ, lỡ nửa đêm mưa thì sao. Tao nói thiệt, trời mưa, tao chạy vô trại ngủ, ổng không cho, tao đốt trại ông liền. Tao kêu ba tao mang bò về.
- Ờ, mưa thì vô trại ngủ. Không mưa ra ngoài này ngủ đã hơn. Vừa mát mẻ vừa ngắm sao trên trời.
- Hứ, mày làm như cái gì cũng biết, cũng giỏi. Sao nào cũng như sao nấy thôi, có gì mà ngắm hả
- Vậy cũng nói. Tao không giỏi lắm nhưng cũng biết nhiều chuyện hơn mày bởi vậy tụi mày mới gọi tao bằng cụ. Sao trời phải ngắm mới thấy hay. Mỗi ngôi sao có một cái tên, có thột lịch sử đàng hoàng đó nghe mày. Đó, ngôi sao mày thấy gần và sáng lấp lánh, hướng này nè. Đó, thấy chưa, là ngôi sao Hôm. Còn kia là sao Thập Ác, sao Lưỡi Cày, sao Bắc Đẩu...
- Có thiệt không hay mày xạo. Mày kể một hồi có tên sao Lóc nữa thì tao... thua.
- Có... Có một ngôi sao của tao, nhưng tao chưa tìm thấy. Có lẽ tụi mình là những thằng chăn bò, không phải danh tướng gì nên sao hộ mạng của mình bé tí tẹo, không thể nhìn thấy được. Những ngôi sao sáng ứng với những người tài giỏi như Bao Công, Dương Nguyên Soái, Vua, Chúa v.v... Tao với mày và tụi nó toàn là những ngôi sao xấu, cha mẹ làm thuê làm mướn, lớn lên tụi mình chắc cũng chỉ biết làm thuê làm mướn cho người ta thôi...
- Tưởng gì, mày nói theo cải lương chớ có biết sách vở gì, vậy mà tưởng giỏi.
- Không sách vở, nhưng tao nghé người lớn kể, tao biết... Mày nghe Nhị Thập Bát Tú chưa? Hai mươi tám vì sao... Hay, mày thấy chòm sao gần nhau đó không, sao Tua đó... Có mấy chòm sao ở gần nhau đó đó, mày tưởng tượng ba cái ở trên giống cái đầu, hai cái ngang nhau ở dưới như hai cánh tay dang ra và chòm sao Lưỡi Cày giống như cái eo, cái thắt lưng và phía dưới là hai cái chân... Cả chòm sao này người ta gọi là sao Thần Nông... Ông bà mình muốn mùa màng tươi tốt thì phải cúng vái cho ông Thần Nông phù hộ... Lóc không nhìn Đực có chú ý nghe mình nói nữa không, cũng chẳng biết mắt của thằng Đực có nhìn ra những ngôi sao mà mắt nó đang hướng tới hay không. Lóc cứ khẽ khàng nói. Lóc nhớ tới tướng tinh của Bao Công là Văn Khúc Tinh, cùng với Võ Khúc Tinh Bát Vương, những con người mà nó yêu thích khi coi hát ở đình làng năm nào. Và kia, một đám mây đen đen vừa lướt qua che mất những ngôi sao mà Lóc vừa nói.
- Mày ngủ hả Đực?
- Ngủ không được. Chui vô nóp thì nực, nằm ở ngoài thì muỗi cắn... Tao đốt đống un nghen.
- Đồ ngốc... Đốt un, khói mù mịt, muỗi chịu không nổi còn mày chịu nổi à... Để ngày mai tao cắt trên đầu cái nóp của mày một miếng và kết vô đó một miếng vải bao cát y như cái nóp của tao nè, mày chui vô sẽ không thấy nóng nực và còn có thể có chút ánh sáng ở trong nóp nữa.
- Đâu... Mày xạo với tao hả?
Đực chống tay ngồi dậy và chồm qua manh đệm may nóp Lóc đang nằm. Lóc chỉ cho Đực thấy ở ngay đỉnh nóp khi dựng lên có một miếng vải lưới loại may bao cát (ở mấy lô cốt của chi khu) hình chữ nhật dài khoảng bón tấc, rộng cỡ hai tấc. Đực nhìn cái nóp của Lóc, quay đầu lại gật gù, cất lời:
- Mày hay thiệt... Sao cái gì mày cũng nghĩ ra được hết vậy Lóc? Mày nói dóc y như thiệt và còn làm được cả những chuyện mới nói nghe y như nói dóc.
- Vậy tao mới đáng là cụ Lóc chớ... Mày tưởng tao làm được cái này ai cũng khen hả. Mới cắt cái lỗ, chưa kịp may miếng vải này vô tao đã bị má tao đập cho một cây, nổi lằn trên vai vì tội phá của. Nhưng rồi, thấy tao kết vô, nằm trong nóp, không bị nóng nực, không bị muỗi cắn và còn ngắm trăng được, má tao còn cắt cái nóp của ba tao một miếng bự hơn của tao nữa...
- Ê Lóc, nếu mày được học hành đàng hoàng chắc còn chế tạo ra nhiều cái quái chiêu lắm hả... Như cái đèn của Thần Gió đó... Tao không biết mày ăn cái gì mà mày nghĩ ra được. Tao ngó hoài mà chẳng hiểu làm sao ánh sáng chạy được trong sợi dây điện nhỏ xíu?
- Không hiểu nên mày lấy về nhà coi cho rõ phải không? Đồ ôn dịch... Mày mà tham lam giữ cái phát điện, cái chong chóng của tao tới lúc mưa lớn, ông Thiên Lôi quăng lưỡi tầm sét đi tìm thì toi mạng cả nhà rồi... Bữa đó, may mà tao thấy được, đem vô nhà liền thắp hương báo cho Thần Gió, Thần Sấm Sét hay kịp... Đêm đó, bụi tre sau hè nhà bà Cả Thanh bị sét đánh mày hay không?
- Hay chớ sao không. Bữa đó, tao ngậm cơm nguội cho tới lúc trời tạnh hẳn. Hú hồn... trời đánh tránh bữa ăn mà...
- Tránh... tránh... mày đừng làm chuyện gì độc ác thì chẳng làm sao cả. Chuyện mày thuốc sáu con chó phải chết cũng là một tội ác. Đừng có mỗi lúc tức giận ai đó liền có ý trả thù...
- Nói như mày thì ông Xã Năm đã bị trời đánh tám chục kiếp rồi. Ba tao, ba mày và biết bao người bị ổng bắt đi quân dịch, bắt cầm súng đánh nhau. Phải lo lót cho ông mà được ở nhà mần ăn. Tự dưng mới đẻ ra nhà ông đã giầu như vậy sao? Đều là của ăn cướp, lấy của người khác thôi. Sao trời chưa đánh ổng hả?
- Đó... là... do số ông chưa tới... Do... ổng... còn phải sống để trả nợ đời. Đâu phải chết là một hình phạt, đôi khi còn là... sống để chịu khổ đau dày vò. Chẳng hạn bà vợ hai của ông lăng nhăng với cha tài xế xe Jeep của quận. Đứa con trai của bà lớn bị bệnh thần kinh ngu ngơ ngốc nghếch. Một thằng con chuyên phá của, chơi bi-da thua cả một chiếc xe Hon da 67...
- Nhằm nhò gì... Tao chỉ thấy ông làm cho người khác đau khổ thì có. Cô Hai con bà Chất bị ổng dụ dỗ, ép buộc sao đó cho có thai để bà vợ lớn của ông đánh ghen đến suýt bỏ mạng vì động thai phải tới nhà thương tỉnh mổ... Ổng khổ hay cô Hai khổ? Tao mà thông minh như mày thì tao sẽ nghĩ ra nhiều trò trừng trị ổng. Mày coi, cày đất cho người ta một mẫu ăn công năm giạ lúa. Còn cày cho ông chỉ có ba giạ mà ba mày, ba tao cũng phải chịu, đâu dám cãi nếu không muốn bị bắt đi quân dịch, tống ra vùng ngoài hứng đạn.
Lóc trố mắt nhìn thằng Đực. Không ngờ cũng có lúc thằng Đực lại nói năng suôn sẻ, mạch lạc và dài hơi như vậy. Mọi khi nó chỉ hậm hực, cộc lốc, cự cãi dăm ba câu đã đưa nắm đấm ra thay lời lẽ... Thì ra, nó giết sáu con chó của ông Xã Năm không phải vì chui vô vườn bị lũ chó cắn mà còn vì lòng hận thù đã âm ỉ lâu trong bụng nó. Lóc gợi sang chuyện khác:
- Nè, bỏ chuyện đó đi. Mai tao với mày đi đào hang bắt chuột, xuống đìa mò bắt cá, tụi nó đi cắt cỏ biết có cắt đủ cỏ bò ăn không...
- Ôi mày khỏi lo... Cỏ mọc đầy các thềm đìa, rìa sân lúa, mép mương, cắt mấy hồi. Tao bảo đảm tụi nó lo phần cỏ cho hai con bò của mày của tao ăn no, không xong biết tay tao. Mày lo phần mình kìa... Đực xoay người nhìn lên bầu trời cao với ngàn sao chi chít. Lóc nói với giọng tự tin:
- Đồng Ô Long Vỹ không như đồng dưới mình. Xứ này ít người tới lui, hang chuột đầy mấy thềm đìa, dưới đìa cá ăn móng cũng nhiều dữ... Ba tao nói ngày xưa chim cò, rùa rắn, cá các loài còn nhiều gấp chục lần bi giờ nữa. Ngày đó, trước khi nước rút cạn đồng, cá rút xuống đìa đặc sệt con, còn trên đồng thúi um vì đầy xác cá khiến kênh kênh, quạ, chim cò trên rừng, trên núi xuống đồng ăn, trắng cả đồng. Chủ đìa dùng lưới thưa kéo bắt cá lớn, đổ lên xe bò kéo đi, chớ sức ai gánh nổi. Cá lóc hơn một ký mới bắt để làm mắm, làm khô, còn các loài cá khác đổ xuống ghe chở ra Sài Gòn, Chợ Lớn bán cho các vựa cá...
- Rồi ba mày chừa một con để nuôi cho tới bây giờ phải không?
Đực buông lời trêu ghẹo nhưng Lóc không hề tức giận và nó kể tiếp:
- Hồi đó cá chết tạo nên một lớp đất phân rất tốt cho nên cỏ dại và lúa trời lớn lên tươi tốt không cần gì gieo cấy, chăm sóc...
- Mày giỏi, mày biết tại sao người ta gọi là "lúa trời" không?
Đực lại hỏi cắc cớ nhưng Lóc đã quen với những câu hỏi vặn vẹo, bắt bí khi kể chuyện rồi. Lóc cười và nhanh nhẩu trả lời:
- Sao lại không, chuyện gì mà ông không biết thì sao gọi là cụ Lóc được. Ngày xửa, ngày xưa, Ngọc Hoàng Thượng Đế tạo lập thế gian này, sinh ra vạn vật từ cây cỏ, thú vật, con người và bắt chúng tồn tại, mãi mãi. Có loài này làm thức ăn cho loài kia, nếu bỏ bớt đi một giống loài này sẽ làm ảnh hưởng đến một giống loài khác, không một giống loài nào dư thừa cả... Ví dụ như cái thứ tưởng như đồ bỏ đi... cứt của mày cũng còn cần cho cây cỏ làm thức ăn để lớn lên tươi tốt...
- À... phải rồi, thì ra giống loài cá Lóc của mày ông Trời sinh ra để làm mồi nhậu cho con người phải không?
Được dịp là Đực chêm ngay một câu trêu chọc Lóc. Nhưng cụ Lóc đã quá quen với những đòn phản bác còn cay cú hơn nhiều vẫn đối đáp được, nên nó vẫn thản nhiên đáp:
- Thì hiển nhiên... cả mày, nếu chết đi bỏ ngoài đồng thì làm mồi nhậu cho chim cò, kênh kênh, diều hâu tới "nhậu", còn quăng xuống sông thì các loài cá có dịp rút rỉa thứ thịt mỡ thượng hạng...
- Đời nào, con người bây giờ dù nghèo như bà Hai Cô Đơn trong ngọn rạch Voi chết đi cũng được chòm xóm xẻ ván cây gáo làm cho cái hòm thí (quan tài, bố thí) chôn ngoài chòm mả, mày quên rồi sao?
Đực biết Lóc chỉ trêu tức mình, nhưng vẫn cố biện bạch. Nhưng Lóc cũng đâu phải tay vừa. Hình như Lóc sinh ra để... nói dóc, mở miệng nói ra vấn đề gì đó là nó cảm thấy hứng lên, và nói một cách say sưa không cần phải chuẩn bị trước. Có những chuyện tưởng đâu lũ bạn chăn bò có thể bắt bí được nó, nhưng miệng lưỡi khôn khéo của nó cũng viện vẫn, lý luận một lúc làm cho cả bọn phải chịu thôi...
- Mày tưởng cái xác của mày bỏ vô cái hòm, vùi xuống đất là yên thân ư. Người ta nói, có những con gì ... ừ con vi trùng, vi khuẩn gì đó, mắt thường mình không thấy được ở bên trong cơ thể mày sẽ có dịp sinh sôi nảy nở, "xơi tái" cơ thể mày làm sình lên và thối rữa, tan ra, còn cái hòm chôn trong đất cũng bị chúng "xực" không còn gì... Mày quên, tụi mình từng thấy người ta lấy cốt ở chòm mả, đào đất moi lên, hòm không còn, mà thịt cũng mất tiêu, chỉ còn bộ xương khô đó sao... Không bị con gì ăn thì thịt mỡ, ván hòm mất đi đâu hả?
- Thôi... mày không biết tại sao người ta gọi là Lúa Trời nên nói vòng vo, để tao quên hả... Bữa nay chịu thua rồi ư?
- Đâu phải vậy, tại mày nói tắt ngang nên tao cũng quên nói cho mày biết thôi. Thiệt ra, giống loài nào mà chẳng do trời sinh ra, nhưng thời đó con người còn lười biếng lắm, không biết cấy trồng nuôi dưỡng mà chỉ lấy những thứ có sẵn quanh mình để ăn. Thịt thú vật ăn không cũng... ngán, phải ăn kèm với lá cây, với cỏ dại... Ban đầu ăn thử, thứ nào cảm thấy ngon thì tiếp tục ăn, thứ nào thấy không ngon thì... chừa, dại gì cỏ, người dần dần cảm thấy có thứ mọc lên từ đất đâm nhánh, nhưng mọc thành từng bụi, có bông từng chùm, trái nhỏ xíu, khi trái còn xanh cảm thấy ngọt ngọt, dễ ăn, và ăn vào thấy người khoẻ hơn ăn những thứ khác. Thứ trái này, nếu ăn không kịp khi nó còn ngậm sữa thì nó sẽ khô cứng và chin vàng, ăn không còn thú vị nữa... Nhưng ăn kiểu đó thì còn đâu để sinh sôi nảy nở mà nuôi con người, dù thứ cây đó có đâm nhánh, nhưng không có hạt nó không nảy mầm lớn lên được... Thế nên, ông Trời phải xui khiến cho con người nghĩ ra cách ăn ngon hơn và kêu thần Sấm Sét giúp con người. Con người bỗng phát hiện ra sau khi bị sét đánh, cánh đồng phát hoả cháy lan, trái loài cây đó có những chùm chưa kịp ăn, trở nên chín vàng, khi bị lửa bén tới, bung vỏ ra, phần bên trong nở to hơn có mùi thơm rất thú vị và con người nhấm nháp thử thấy ngon quá. Lúc này con người mới hiểu ra tại sao bao loài chim chóc cũng ăn thứ trái cây này mà chúng chỉ ăn khi chín dù đã khô cứng. Và con người qua bao đời tìm tòi, mày mò đủ cách để cuối cùng tìm cách bóc vỏ thứ trái chín này và dùng lửa và nước để làm cho nó nở to ra, mềm thơm ngon hơn. Ăn ngon quá, ăn vào thấy khoẻ hơn, con nít mau lớn. Từ đó, con người chỉ thích ăn thứ đó, nhưng lười biếng, không tính đến chuyện gieo trồng, lại có nguy cơ giống cây này sẽ bị mất đi... Giận quá, ông Trời mới bắt thứ giống cây này, khi trổ bông, trái chín thì sẽ tự rụng xuống đất ngay để còn giống mà nảy mầm, lớn lên, tiếp tục trổ bông cho trái như bao loài cây khác. Trời không cho con người ăn nữa - nên khi con người đụng tới hạt chín là nó tự rụng xuống đất ngay - con người cho là cây này Trời sinh dành riêng cho Trời - Nhưng nếu con người tự lượm lấy hạt của nó mang về trồng và chăm sóc cho cây lớn lên, trổ bông cho trái, thì trái đó khó rụng hơn, đủ thời gian và điều kiện cho con người thu hái về và phải đập, giũ mới rơi hạt ra được, không như thứ trái cây của Trời, chỉ cần cơn gió nhẹ đã rơi hạt ngay xuống đất. Loài cây trái đó, sau này được con người đặt tên là Lúa - Thứ lúa tự mọc lên, tự ra bông, kết trái và dễ rụng xuống đất bây giờ người ta gọi là Lúa Trời, để phân biệt với thứ lúa của con người gieo trồng, chăm sóc và được quyền thu hoạch.
- Mày thấy đó, cây, lá, hạt của thứ Lúa Trời cũng giống y như thứ lúa của mình trồng. Nước dâng lên tới đâu nó cũng cao nghều tới đó. Lúa trời cũng có đòng đòng và trổ bông cùng lúc với thứ lúa nước của mình. Chỉ có điều, thứ lúa này không phải do con người trồng mà nó tự mọc lên, chín hạt rồi rụng xuống cho mùa sau lại nảy mầm và lại tiếp tục lớn lên...
- Ờ... chắc có lẽ như vậy nên khi con người lười biếng không chịu cấy trồng chỉ biết chờ Lúa Trời chín hạt vội mang liềm hái ra cắt, bông lúa mang về nhà chỉ còn cọng chà, không có hột lúa nào. Lúa Trời thiêng lắm, có bàn tay con người đụng tới là rụng hết xuống đất.
Đực im lặng lắng nghe và như hài lòng với lý giải của Lóc nên cất lời tán thêm. Đực nghĩ sao mình cứ phải ậm ừ mãi, không được như cụ Lóc có thể nhanh trí đối đáp, bịa chuyện để nói.
Thôi ngủ đi cụ, sáng mai còn lo đi bắt cá cho cả bọn ăn. Cá nhiều cứ ôm rạ nướng, chấm muối ăn với cơm cũng ngon, khỏi cần nấu gì khác...
- Tao bảo đảm dư ăn, xứ Ô Long Vỹ này nổi tiếng nhiều cá từ xưa tới giờ. Hồi đó...
Lóc kể và thỉnh thoảng lại hỏi nhưng Đực không trả lời nữa. Thì ra thằng Đực đã ngủ. Lóc nhổm dậy, kéo lay Đực dậy, nhắc bạn:
- Mày chui vô nóp ngủ đi. Nằm ngoài ngủ, sáng không còn chút máu cho coi...
Lóc cũng chui vô nóp của mình, lăn qua để lưng đè kín hai mí nóp chồng nhau kín khít và nó nhanh chóng thiếp đi.
Sáng hôm sau, khi người lớn lùa bò ra ruộng cày đất thì lũ nhỏ chia nhau hai phe. Tốp của tháng Xoài, Chanh... gồm bốn đứa lo đi cắt cỏ cho bò ăn, tốp của Lóc chỉ có hai đứa, nó với thằng Đực mượn của ông quản gia cái leng, cái thùng để đi bắt chuột, bắt cá. Lóc và Đực đi theo lối mòn ven con rạch Ô Long Vỹ ngoằn ngoèo từ bờ kênh đào cắm vô đồng sâu. Mỗi khi thấy đùn đất hang chuột, hai đứa dùng leng phát sạch cỏ để tìm hang ngách và ém chặt lại mới đào. Đất ven bờ rạch tương đối mềm và lũ chuột làm hang cũng đơn giản, chỉ hai ba ngách một hang, nên Lóc mới đào bốn hang đã bắt được hơn chục con chuột đồng mập mạp với những bộ lông mướt rượt. Khi cái xuổng đào đến tận cùng hang ngách, chuột liều mạng chui ngược trở ra liền bị Lóc dùng xuổng chèn cổ, bắt lôi ra khỏi hang và đập đầu cho chết mới bỏ vô thùng thiếc. Tới phiên Đực giành lấy phần dùng leng đào, Lóc lo tìm ngách ém đất lại và rượt chuột khi có con nào cố chạy thoát. Nhánh gáo nhỏ trên tay Lóc đập rất chính xác vô những con chuột đang chạy trối chết.
- Nhiều quá Lóc ơi. Hay mình bắt thêm ít cá, ăn một món dễ ngán lắm.
Đực lắc lắc cái thùng thiếc, mắt nhìn những con chuột chết xếp chồng lên nhau bên trong. Lóc gật gù đồng tình:
- Ờ, tao thấy cái đìa này tập trung nhiều thứ để cho mình kiếm thức ăn lắm đó. Nè, mày coi, cứt chim cò có cả lớp dưới gần gốc gáo, còn cái lung bên cạnh cái đìa nước gần cạn, cá ăn móng như cơm sôi, thấy không...
- Hứ, lại muốn nói dóc nữa rồi hả? Cá dưới đìa, dưới lung là họ hàng gần xa của mày, mày dẻo miệng gạt họ hàng lại để bắt ăn thịt thì dễ, chớ chim cò đậu trên cây, có mà hốt cứt của chúng...
- Mày đừng tưởng tao nói dóc, tao đã từng nghe cách bắt chim cò, nhưng chưa có dịp thôi, rồi tao sẽ bắt được chúng cho mày biết tài.
Hai đứa để nguyên quần áo lội xuống đìa. Nước dưới đìa đục ngầu. Lóc xộc hai bàn tay vào những gốc cây và túm lấy những con cá rô đồng bỏ vào thùng thiếc thằng Đực đang cầm. Đực được Lóc phân công cầm thùng thôi, nhưng nó cũng ham bắt cá nên một tay cầm thùng, một tay thọc vô những hang cua sát bờ đìa để bắt cá. Đa số là cá rô đồng, cá lóc to cỡ cườm tay Lóc. Đúng là ở đây còn nhiều cá hơn con rạch Voi sau hè nhà Lóc. Chỉ mò được một chốc sau, Đực nói:
- Lạnh quá Lóc ơi, lên bờ phơi nắng một chút đi.
- Lạnh gì... mới xuống nước có một chút đã lạnh.
- Hứ, tao làm sao bì với họ hàng nhà mày được... Lóc.
- Thằng ôn dịch... phơi nắng thì phơi...
Lóc leo lên bờ và nó cũng cảm thấy mệt nên ngồi nghỉ bên cạnh Đực. Thằng Đực như đã nghiền nghe thằng Lóc nói dóc, nên cứ mỗi lúc ở bên cạnh thằng Lóc là nó gợi chuyện:
- Mày có biết tại sao người ta kêu con rạch này là Ô Long Vỹ không? Biết thì nói đừng có bịa à.
- Cái thằng này... Biết thì tao phải biết rồi nhưng đó là chuyện thật hay bịa thì tao làm sao biết được. Mày thấy đó, ngoài đầu con rạch là một ô đất trũng, rộng có cả ba mẫu... Ngày xửa ngày xưa nghe nói nó còn sâu lắm, quanh năm chứa nước như bàu, như ao mà ông bà ta quen gọi là Ô. Lúc đó chưa có những con kênh đào sông Hậu, sông Tiền thì cách xa. Biển Kiên Giang còn cách xa hơn, cho nên đến mùa khô cái Ô nước này như cái rốn của cả cánh đồng phía Tây bờ sông Hậu. Năm đó, trên cõi thiên đàng, Ngọc Hoàng mở hội, gọi các Phật, Tiên, Thần, Thánh khắp nơi về. Hàng tỉ năm mới có mở hội ở chốn thiên đình, Phật, Tiên, Thần, Thánh có dịp hội ngộ, cùng nhau kể lể công đức và vui say. Khổ một nỗi, các vị Phật, Tiên, Thần, Thánh cứ mải vui say quên mất những đệ tử trung thành của mình ở bên ngoài cổng trời. Nào là Rồng, Lân, Rùa, Phụng... mà người ta còn gọi là Long, Ly, Quy, Phụng... và bao loài thú kỳ quặc khác vốn là vật cưỡi của các tiên ông.
- Có phải các vị La Hán cũng có... Như La Hán cưỡi Rồng, La Hán cưỡi Hổ, La Hán...
Đực cắt ngang lời Lóc tỏ ra hiểu biết. Lóc gật gù nói tiếp:
- Có... có đầy đủ thập bát vị La Hán... Có Hổ, có chim Hạt, chim Công... thậm chí có cả Tê Giác, Voi, Sư Tử, Báo v.v... Mà mày biết La Hán Giáng Long hay cưỡi con gì không?
- Vậy cũng hỏi. Chắc là cưỡi Rồng rồi...
- Ờ... Giáng Long La Hán cưỡi Rồng phó hội. Nhưng ông là một La Hán ham vui nhất trong thập bát La Hán và vì quá ham vui nên ông cũng không nhớ tới đệ tử của mình. Đến lúc tan tiệc các vị Thần, Tiên, Phật cùng nhau ra cổng trời nhảy lên lưng vật cưỡi của mình để ra về. Trên đường bay về, con Rồng đang cõng La Hán Giáng Long cảm thấy đói khát vô cùng như muốn kiệt sức, nó báo với La Hán Giáng Long nhưng ông xỉn quá không còn hay biết gì. Rồng biết rằng bay một đoạn nữa, qua các dãy núi Thất Sơn sẽ thấy con sông Hậu, nơi nó có thể đáp xuống uống chút nước cho lại sức rồi bay tiếp. Nhưng dù đã cố hết sức, cơn đói khát đã khiến Rồng bay không nổi nữa. May sao, Rồng thấy dưới mặt đất có một ô nước đầy hoa sen hoa súng nằm lọt thỏm giữa cánh đồng khô hanh, gió... Rồng chỉ còn biết hạ xuống, gục đầu vô ô nước và uống ừng ực cho đã cơn đói khát. Nước uống càng nhiều, thân Rồng càng nặng khiến nó bị lún sâu xuống mặt đất và làm La Hán Giáng Long giật mình tung người bay lên mây. Ông không dám đáp xuống ngay vội xoạc chân đứng trên hai đỉnh núi mà nhìn xuống. La Hán Giáng Long chợt hiểu và thầm hối hận. Thương cho đệ tử mình, La Hán cứ mặc cho Rồng uống nước no nê. Đến lúc phục hồi được sức lực Rồng bay lên đón La Hán thì dưới mặt đất đã hằn sâu một đường ngoằn ngoèo thành con rạch Ô Long Vỹ bây giờ. Mày có thấy nó cong queo nhìn giống hình con rắn, con rồng không?
- Mày nói xạo cũng có bài bản quá, tao đâu thèm cãi... Về được rồi La Hán Lóc Chóc...
Đực đứng dậy vươn vai, vắt cái áo ráo nước lên vai khoe cái lưng trần rắn chắc. Đực không ốm yếu trơ xương như Lóc, mà thân người nó liền lạc, chắc chắn, khoẻ mạnh. Lóc cũng đứng dậy theo nhưng chưa chịu thôi câu chuyện.
- Xạo... Vậy chớ mày nói tại sao lại đặt cho con rạch này cái tên Ô Long Vỹ hả. Còn nữa, mày thử leo lên đỉnh núi Cô Tô, núi Cấm xem, cả hai đỉnh núi này ngày nay còn hằn in sâu hai bàn chân của La Hán và người ta gọi là Dấu Chân Tiên. Dấu chân to lớn, và in sâu vô phiến đá cả mấy tấc chớ nói chơi à.
- Ừa, thì tao có nghe trên đỉnh núi Cô Tô và núi Cấm có Dấu Chân Tiên thiệt... Nhưng mày đã nói rồi đó, Dấu Chân Tiên bước đi dạo từ thời xứ này còn chìm dưới mặt biển, những đỉnh núi vùng biên giới của mình chỉ là những hòn lúp xúp nhô lên mặt nước, Tiên ông đi dạo mới hằn dấu chân thôi... Nói như mày người ta gọi là Dấu Chân La Hán, ai lại gọi là Dấu Chân Tiên chi...
Đực đã tìm ra điểm để bắt bẻ cụ Lóc khiến cụ ấm ớ, cãi ngang:
- Còn phải nói... La Hán cũng là người cõi trên, là Tiên, là Thánh, là Phật, như nhau thôi. Có La Hán Giáng Long cưỡi rồng, in dấu đuôi rồng bên cạnh ô nước này mới có con rạch Ô Long Vỹ... Không biết còn cãi.
- Cái mốc xì... mày cãi ngang làm sao tao cãi lại. A, Lóc ơi... trực thăng làm cái gì mà quần đảo hai chiếc như bay biểu diễn vậy mày...
- A, hay là có ông tướng nào tới chi khu ngoài đầu Vàm Kinh.
Lóc nhìn theo hướng Đực chỉ và đoán mò. Hai chiếc trực thăng bay thấp dần, quay vòng tròn làm cả hai đứa tò mò đứng lại che tay nhìn. Vòng bay hai chiếc trực thăng dần dần tới gần hai đứa hơn khiến Lóc lo lắng nói:
- Mày ơi, không phải bay biểu diễn hay ghé chi khu đóng ngoài đầu vàm... Hình như họ hành quân, coi chừng nó đổ lính xuống bắt ba tao, ba mày... đi quân dịch... Mình chạy về lẹ, kêu ba tụi mình trốn.
- Xí trốn cái gì... Ba mấy đứa mình đều là lính kiêng của ông Xã Năm mà lo gì... Hình như họ rượt mấy con Sếu mày ơi... Đúng rồi, cả chục con Sếu bị máy bay quần gạt xuống đất bay lên không nổi phải đáp xuống kìa...
Lóc cũng đã thấy cả chục con Sếu to lớn, với những đôi chân cao lêu nghêu chạy sà quần ở cách đó không xa. Như những con gà Lôi, loài Sếu này thường bay thành đàn có cả chục con. Mỗi khi đáp xuống đồng, chúng chạy lúp xúp cao như người nhưng dễ gì ai bắt được chúng.
- Một chiếc đã đáp xuống, lính trong trực thăng ùa chạy ra rượt bắt mấy con Sếu kìa mày ơi... Mình lại coi chơi.
Vừa nói Lóc vừa chạy vội, thằng Đực vác cái thùng chứa cá và chuột chạy theo. Hai đứa đã nhìn rõ hơn những con Sếu to lớn và những người lính đang rượt bắt. Chiếc trực thăng quần đảo trên đầu bay thật thấp làm rơm rạ dưới mặt đất cùng bụi mù tốc bay lên. Gió từ cánh quạt của trực thăng chốc chốc lại thổi bay áo thằng Đực khiến nó bực mình nhét luôn vô thùng thiếc. Lóc đã thấy một con Sếu bị hai người lính cầm hai đầu dây căng lên chạy quanh Sếu để quấn chân nó lại. Cứ hai người căng một sợi dây và họ đã bắt được hai ba con Sếu. Có con nào vụt bay lên đều bị gió của chiếc trực thăng bay trên đầu quạt lại dạt xuống, quả là một cách bắt Sếu lạ kỳ, từ nào tới giờ Lóc mới thấy... Cũng có vài con nhờ có đôi chân khoẻ thoát khỏi vòng vây của những người lính, bay lên bị trực thăng quạt té xuống, lại đứng lên và bay thoát... Họ lôi những con Sếu bắt được quăng lên chiếc trực thăng đậu dưới đất và khi không còn con Sếu nào dưới đất, chiếc trực thăng mới chịu cất cánh bay đi. Lóc và Đực ngẩn ngơ nhìn theo hai chiếc trực thăng như hai con chuồn chuồn khổng lồ xa dần, mất hút trong tầm mắt. Chúng không kịp quan sát, không kịp hết ngỡ ngàng về cách bắt Sếu của những người lính này thì họ đã làm xong và bay đi. Thằng Đực chặc lưỡi hít hà:
- Hay quá... Phải tao với mày được leo lên máy bay đó đi thì đã quá hả Lóc.
- Có gì đâu... Mày đi lính như họ sẽ được máy bay chở đi hoài... Họ chuyển lính, đi hành quân, đi đánh nhau hà rầm...
- Thôi, đi lính thì tao không ham. Ba tao nói đi lính, cầm súng bắn giết nhau chỉ để mấy thằng quan sướng. Chúng đi buôn lậu, làm giàu, chỉ có lính là khổ sở, chết chóc. Mà họ bắt Sếu làm gì hả mày?
- Tội nghiệp mấy con Sếu. Không bị bán đi nước ngoài thì cũng làm mồi nhậu không chừng. Họ làm vậy Sếu không dám về đồng mình nữa. Chúng ở trên núi hay rừng bên kia biên giới... Người ta nói năm nào Sếu về thì dân chúng bình an, mùa màng sung túc... Họ bắt như vậy...
- Kệ họ, hơi đâu mày lo... Về... Hai thằng mình về trễ, tụi nó ăn cơm với muối cục hết...
Lóc cùng Đực về tới trại ruộng thì người lớn đang ăn cơm, nhưng chưa xong. Tụi con nít thì đang trông chờ hái đứa bởi bữa cơm muối chiều qua đã làm chúng sợ. Thằng Đực dốc ngược cái thùng thiếc và cá, chuột tuôn ra một đống. Thằng Đực lớn tiếng phân công:
- Chuột lột da, ướp muối cặp gắp tre nướng. Cá lóc, cá rô, cá trê gì gì cùng rửa sạch nướng hết...
- Nướng... nướng tụi bay ăn vậy sao ngon. Giỏi lắm được một bữa đã ngán.
Ba Đực vừa ăn cơm xong, đi vô trại uống nước ngang qua nghe vậy liền nói. Ngay lúc ông quản gia bưng tô canh ra mâm cơm người lớn đang ngồi ngoài sân, thằng Đực toan nói rõ chuyện ăn cơm muối chiều qua thì Lóc nói ngay:
- Chuyện nấu nướng, chế biến sao cho ngon ở đây đâu có ai bằng bác Hai... Bác Hai ơi, giúp tụi cháu đi. Bắt chuột, bắt cá thì tụi cháu bắt được, ngày nào cũng có, nhưng phải biết nấu nướng... Và còn làm mồi cho ba cháu với mấy chú bác kia nhậu nữa, phải có bác Hai mới xong...
Ông quản gia nghe Lóc nói vậy ngượng ngùng đáp lời:
- Tao... làm không kịp, tụi bay muốn làm gì thì vô bếp có đầy đủ dao, thớt, mắm muối, hành, tỏi, ớt...
Lóc cười khoe hàm răng sún khoát tay ra hiệu cho thằng Đực im lặng.
- Vậy thì bác chỉ tụi cháu làm. Thằng Đực vô nấu nước để lột da chuột. Thằng Chanh với mấy đứa kia mượn dao, thớt ông Hai đi làm cá đi. Tao xuống đìa tắm, ngắt vài đọt rau muống, nấu nồi canh chua cho ngon lành... Hổng thằng nào phá đồ của bác Hai nghe chưa. Mình còn ở đây lâu dài phải nương tựa vào nhau.
Cả bọn xách rổ lượm cá, chuột đi làm theo lời Lóc. Có lẽ chỉ có thằng Đực là còn ấm ức, những đứa khác đều thấy Lóc nói đúng. Vả lại, thằng Đực cũng đã trả đũa, bắt ông Hai uống nước muối rồi... Nếu cứ căng thẳng với nhau cả bọn ngủ ngoài trời, coi chừng nửa đêm mưa gió thì khó lắm...
Thằng Đực say sưa kể chuyện lính đáp máy bay trực thăng bắt Sếu cho người lớn nghe. Họ có thấy trực thăng quần đảo và nghĩ là lính đổ bộ hành quân, đâu biết lính dùng máy bay bắt Sếu.
Bữa cơm dọn ra, có nồi canh chua, chảo thịt chuột xào mặn, và chảo cá kho để dành chiều. Lóc biết ông quản gia chưa ăn cơm nên lấy thêm chén đũa cho ông và lễ phép mời:
- Bác Hai ra ăn chung với tụi cháu cho vui.
- Ờ... để chút bác ăn cũng được...
- Thôi mà, bác ăn với tụi cháu đi. Chút rửa chén rửa nồi để tụi cháu làm tiếp cho... Có gì cần, bác Hai kêu tụi cháu làm...
Ông Hai miễn cưỡng ra ăn cùng cả đám. Cả bọn cảm thấy ông Hai không đến nỗi đáng ghét lắm và thương cho ông cảnh ở đợ không công vì ông là anh đào ngũ bị con ông Xã Năm bắt về phục vụ gia đình. Nếu ông Hai không làm, họ sẽ đưa ông Hai ra mặt trận. Nghe nói, mấy con chó giữ vườn chết, ông Hai bị ông Xã Năm trừ hết mấy tháng lương và còn bị chửi mắng thậm tệ...
Trời đêm nay mây đen vần vũ, chuẩn bị mưa to. Ông Hai kêu tất cả vào trại, trải đệm bàng, giăng mừng ngủ. Ông còn cẩn thận lấy thêm mấy miếng cao su che chắn không để nước mưa tát vào. Vài hạt nước rơi trên mái nhà và nhanh chóng trút xuống ngày càng nhiều. Mưa thật to, giông gió ngoài trời phát thành tiếng u u, tiếng lá gáo trên cành khua vào nhau xào xạc. Lóc đến bên vách nhìn qua kẽ hở, mỗi lần ánh chớp loé lên in trên nền trời những lằn sáng ngoằn ngoèo như những chùm rễ cây. Trước khi ánh chớp kịp tắt, Lóc thấy mấy ngọn cây gáo bị xô dạt vì gió. Lóc chợt nhớ tới những cây gáo với những đống cứt chim cò trên thềm đìa sáng nay nó và thằng Đực đã từng tới. Nó nhớ đến những con Sếu to lớn không bay nổi vì sức gió của cánh quạt máy bay trực thăng... Lóc nhìn về hướng cái thềm đìa đó, chỉ thấy màn đêm tối thui. Khi ánh chớp loé lên, bóng đám cây gáo hiện ra xa xa mờ mờ nhưng vẫn nhận được. Lóc bỗng nảy ra ý nghĩ, lợi dụng trời mưa giông, chim cò phải bám vào ngọn cây tránh mưa là cơ hội để nó có thể bắt được. Lóc bò qua, khều nhẹ vai thằng Đực miệng thì thầm:
- Mày đi với tao không?
- Mưa giông như vầy, đi đâu hả thằng quỷ?
- Suỵt!!! Mày theo tao thì biết. Tao có bí mật, không thể tiết lộ cho ai, chỉ tin tưởng mày thôi... Đi không?
Đực nghe Lóc nói, đã xoay mình lại, chần chừ chưa nói gì, Lóc nói tiếp:
- Đi tao dạy cho mày một nghề kiếm ăn.
Đực chui ra khỏi mùng và khẽ ngồi dậy hai tay bó gối, co rúm người lại:
- Lạnh quá, đi đâu?
Lóc moi trong giỏ đồ của ba nó, lấy ra một cái đèn pin, hai miếng vải cao su che mưa, cái khăn choàng tắm và thì thầm:
- Đi thì theo tao. Không thì thôi, đừng hỏi.
Đực nhìn trời đang mưa giông vẻ ngại ngần, nhưng lẽ nào thằng Lóc dám đi mà nó lại không. Huống chi, từ lâu, thằng Lóc luôn dành cho nó và đám bạn chăn bò đủ thứ bất ngờ. Đực tò mò muốn biết thằng Lóc định làm gì. Cả hai đứa rón rén chui ra khỏi trại. Nước mưa trút xuống chạm vào tấm cao su choàng trên đầu nghe lộp bộp. Lóc lầm lũi bước đi theo lối mòn ven bờ kênh, Đực bước nhanh theo.
- Đi đâu hả Lóc?
- Tới cái chòm gáo trên thềm đìa đầy cứt chim cò hồi sáng tao với mày đào hang chuột, tao chỉ cho mày thấy đó, nhớ không?
- Mà để làm chi? Ơ...bộ mày tính đi bắt chim cò thiệt à?
- Cụ Lóc này đâu có nói chơi. Chút mày sẽ thấy tài của cụ đây...
Lóc nói với giọng đầy tự tin để thằng Đực không còn bàn thêm gì nữa và cũng để tự trấn an mình sẽ làm được. Và kia, cái chòm gáo hiện ra rõ ràng trước mặt hai đứa khi ánh chớp loé lên. Lóc bước nhanh hơn, thằng Đực cũng vội vã bước theo. Mưa giông càng dữ tợn hơn, tưởng chừng có thể xô ngã hai đứa nếu như những ngón chân không bấm chặt xuống mặt đất trơn trợt và tay không dang ra cố giữ thăng bằng. Đến bên mất gốc gáo thật to, có tán lá cao và dày nhất, nơi mà lúc trưa Lóc thấy có nhiều cứt chim cò, Lóc nhận ra, ở đây cơn mưa tầm tã bên ngoài đã được tán lá gáo làm dịu đi, tuy còn có nước rơi xuống nhưng ít và không đau rát như roi quất nữa.
Lóc dùng đèn pin chiếu lên và nhận ra ngay những bóng cò đen đen đang cố bám vào cành cây. Lóc rọi kỹ những cành cây khác và nhận ra rất nhiều chim cò tránh mưa giông trong tán gáo này. Và có thể, đây là chỗ trú ngụ an toàn thường ngày của chúng. Đực khều nhẹ Lóc, thì thầm bên tai bạn, giọng run run nhưng đầy thán phục:
- Mày tài thiệt! Đúng là chim cò quá nhiều. Nhưng làm sao bắt đây, mày không đem giàn thun để bắn, dễ gì bắt được chúng...
- Yên tâm đi! Mày ở dưới này, nhìn kỹ, khi tao bắt chúng, tréo cánh lại quăng xuống là mày giữ lấy nghe chưa? Tao sẽ leo lên bắt chúng cho mà xem. - Lóc đáp. Đực ra vẻ hiểu biết, nói thêm:
- Đồ ngốc, hồi trưa mày không thấy kiến vàng đầy trên cây sao hả?
- Thấy, nhưng là hồi trưa, trời nắng gắt. Giờ này, chúng rút vô tổ hết, chúng không ngu gì ở ngoài để ướt, để lạnh.
Vừa trả lời Đực, Lóc vừa sửa cái đèn pin nó đang buộc trên đầu bằng cái khăn choàng tắm của ba nó, để nó quay đầu hướng nào ánh đèn pin cũng chiếu ngay về hướng nó cần nhìn. Lóc leo lên cây gáo. Đoạn dưới gốc vì chân Lóc dính bùn đất nên trơn tuột, khiến nó khá khó khăn, nhưng khi đôi tay nó cầm nắm được những nhánh gáo thì nó leo lên thoăn thoát như khỉ. Mưa vẫn nặng hạt tưởng như túi nước của ông trời bị bể nên trút xuống trần gian và gió vẫn cứ chơi trò đuổi bắt làm những cành nhánh gáo đầy lá xô dạt nhau dữ dội, vặn mình muốn gãy lìa khỏi thân cây và những chú cò chốc chốc lại chới với vỗ phành phạch đôi cánh ướt, nặng nề cố giữ thăng bằng. Lóc rón rén leo đến sát bên nhánh cây có bốn năm con cò đang đứng. Ánh đèn pin chiếu vào những con cò nhưng chúng cũng không chịu bay mà còn nghiêng đầu, chớp chớp mắt nhìn ánh sáng đèn mê mải, đến mức tay Lóc túm được đôi chân của nó rồi nhấc lên nó mới chới với vỗ cánh, kêu lên làm những con bên cạnh giật mình tung cánh bay lên, nhưng chúng lại bị mưa giông bên ngoài quật mạnh nên vội vã đáp xuống cành, nhánh khác, dường như không biết gì đến nguy hiểm đang đe dọa chúng. Lóc lúng túng không biết làm sao đưa cho thằng Đực giữ con cò mình vừa bắt được. Leo xuống đưa rồi leo lên khó khăn lắm. Lóc tréo đôi cánh cò lại và thả xuống gốc gáo, xém chút trúng vô đầu thăng Đực. Thằng Đực mừng rỡ la lên:
- Mày bắt được hả? Trời ơi? Tài thiệt!
Lóc tiếp tục nhẹ nhàng lần ra nhánh gáo nó vừa bắt được con cò đầu tiên, nhưng có lẽ vừa bị hốt hoảng lúc nãy nên lũ cò đã nhanh nhẹn tung mình vùng vẫy thoát ngay khi tay Lóc vừa chạm vô mình chúng. Lóc tiếc rẻ nhìn năm sáu con cò trên nhánh gáo nó đang ngồi bay lên bám vô một nhánh gáo khác. Lóc cẩn thận chuyền qua nhánh gáo phía bên kia, và lần này nó không làm động đậy quá mạnh để những con cò giật mình. Lóc đã quan sát rõ và điều khiển ánh sáng đèn pin soi vào con cò ở gần nó nhất. Con cò chớp chớp mắt như mê nghểnh nhìn ánh đèn, mặc cho nhánh gáo quằn xuống vì sức nặng của cơ thể Lóc. Đèn pin gắn chặt trên đầu, tay Lóc lần theo nhánh gáo mò tới bên chân con cò và túm lấy. Giống như con cò lúc nãy, Lóc lại tréo cánh con cò vừa bắt được, quăng xuống cho Đực. Chật vật, chuyền từ nhánh này sang nhánh khác, lúc được, lúc không, nhưng Lóc cũng đã bắt được gần chục con thì mệt lả. Lóc đành phải leo xuống vì lúc này mưa giông cũng đã ngớt, Lóc rất khó tiếp cận được cò vì chúng đậu tuốt ngoài ngọn cây.
- Mày cho tao leo lên bắt với... Không bắt được nữa rồi. Hết mưa giông, động đậy một chút là chúng giật mình bay lên.
Lóc vừa thở vừa run cầm cập trả lời Đực vì cả người nó ướt mèm, lạnh quá. Choàng vội miếng vải cao su vô người, Lóc giục Đực:
- Về thôi! Tao lạnh quá, phải chạy cho nóng người...
- Mai mày cho tao leo lên bắt với nghe. Mày bảo dạy cho tao bắt mà không cho leo lên thì làm sao học được... Đực hai tay cầm hai chùm cò, cất giọng cằn nhằn. Lóc trả lời:
- Thì tao đã dạy mày rồi đó. Cho mày thấy cách bắt của tao, mai mốt tự mày sẽ làm được thôi. Nhưng không biết ngày mai trời có mưa giông lớn như đêm nay hay không nữa...
- Vậy thì xui cho tao rồi... Biết đâu cả tháng ở đây không có mưa giông lớn như đêm nay thì sao. - Đực lại cằn nhằn, giọng tiếc rẻ.
- Không sao, tao nghĩ ra cách đỡ cực nhọc hơn rồi. Tao sẽ lấy cây trúc làm cây chỉa có ngạnh ở đầu. Mày có thể len lén đứng dưới gốc đưa mũi chỉa sát ức cò mà đâm, sẽ được thôi, không phải đợi mưa giông...
- Thiệt hông? Cụ Lóc nói là phải giữ lời nghe...
- Ờ... ngoan đi "đệ tử"...
Sau chuyện Lóc tay không bắt được cả chục con cò trong đêm mưa giông, không chỉ đám con nít trong bọn mà cả người lớn cũng phục tài Lóc. Nên khi Lóc xin cây trúc dài làm cần câu nhắp cá lóc của ông Hai để làm chỉa đâm cò là ông cho ngay.
Đêm sau, trời cũng tối đen nhưng không mưa giông, Lóc cùng Đực đi đâm cò, bốn đứa kia cũng đòi theo. Lóc cho phép với điều kiện, đến nơi không đứa nào được nói to gây ồn ào để lũ cò sợ không đâm được. Thế nhưng, Lóc đâm được một con thì Đực bảo đã học được rồi và giành lấy cây chỉa để tự mình đâm. Do hồi hộp quá, nó run tay đâm trượt ngay con đầu tiên. Trời không mưa giông, nên khi giật mình bay lên, lũ cò cẩn thận đảo qua, đảo lại tìm cành cao hơn để đậu. Đực đâm được một con, reo lên khiến cả bọn đi theo cũng mừng rỡ reo lên, lũ cò còn lại hết hoảng tung mình bay lên và khi đáp xuống chúng đậu tuốt trên ngọn cây, khiến cây chỉa đâm không tới. Đực chưa chịu thua, nó leo lên cây, nhưng chỉ cần cành nhánh động đậy một chút là lũ cò tung mình bay lên khiến Đực đâm trượt hoài, không trúng con nào. Mà lũ cò càng lúc càng sao tiếp cận được. Một số con đã bỏ cây gáo này bay sang cây gáo khác đậu. Đực kiên trì, chưa chịu thôi leo lên để đâm, nhưng lũ kiến vàng trong tổ bị động đã túa ra tấn công Đực khiến nó bị cắn nổi mẩn khắp người. Cả bọn đành kéo về với chiến lợi phẩm chỉ có hai con cò. Tuy nhiên, ông Hai cũng đã làm thành một nồi cháo hành thật ngon khiến cả bọn no nê với không khí vui vẻ. Những người lớn ăn xong, hút thuốc uống nước trà và chuẩn bị đi ngủ. Ông Hai quản gia nhìn từng đứa nói vui:
- Nhà nào mà có bầy con như tụi bay chắc ăn nên làm ra, giàu lên mấy hồi.
- Sáu thằng cháu mà là anh em một nhà thì thành giặc mất. Chỉ chuyên cãi lộn nhau thôi cha mẹ nào xử cho xuể. Nhất là thằng Lóc chuyên nói dóc, có lúc nói xóc hông, nói trên đầu cha người ta dễ chọc giận nhau.
- Tao, tao thấy thằng Lóc... lóc chóc thiệt. Nhưng bụng nó tốt, tao còn cả một kho chuyện tiếu lâm, chuyện cổ tích, chuyện hoang đường, chuyện ma mà không biết kể cho ai nghe, tụi bay thích đêm đêm rảnh, tao kể cho nghe.
- Không được đâu bác Hai ơi... Như vậy thì thằng Lóc thất nghiệp và Lóc không còn được coi là cụ nữa...
- Tụi bay nói bậy hoài... Tao nói dóc riết hết sách vở rồi, không biết chuyện gì để nói nữa. Nhưng bây giờ có bác Hai biết chuyện, tao sẽ thọ giáo, tôn bác Hai làm sư phụ để còn... cho tụi bây bái làm cụ Lóc mãi mãi...
Châu Phú, ngày 05 tháng 08 năm 2002
-?u
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top