Chương 5: Thế giới dưới mắt nhìn của Nassim Taleb
Nassim Nicholas Taleb ngồi mấp mé trên chiếc ghế của mình đặt cạnh một dãy bàn, cặp mắt mở to, đỏ rực. Ông đang ở tại sàn giao dịch của ngân hàng đầu tư lớn, First Boston, trên Park Avenue Plaza, rất gần Nhà thờ St. Patrick's ở trung tâm Manhattan. Địa ngục đã nổ tung xung quanh ông. Các con số nhảy rất nhanh trên màn hình máy tính như chưa từng thấy. Đó là ngày 19/10/1978. Ngày thứ hai đen tối.
Thị trường chứng khoán đã sụp đổ.
Ông không biết tại sao. Cũng không có ai biết. Thị trường trên khắp thế giới đang điên loạn chẳng vì lý do gì cả. Anh chàng giao dịch 27 tuổi vẫn chăm chú nhìn vào vị thế của mình. Vị thế không phải là cổ phiếu. Vị thế của Eurodollar. Nói đúng hơn, là quyền mua Eurodollar. Suốt nhiều tháng qua, ông đã tích lũy một vị thế rất lớn các quyền mua Eurodollar với giá đụng sàn với hy vọng trên lý thuyết, sẽ hưởng lợi khi có đột biến lớn. Cổ phiếu đã luôn tăng giá cao hơn suốt nhiều năm. Mặc dù có vài biến động đáng lo ngại trong vài tuần trước đó, thị trường con bò dường như vẫn là xu thế không thể ngăn chặn. Hiếm có người nào kỳ vọng sẽ sớm có thay đổi – do đó các quyền mua của Taleb rẻ đến bèo bọt. Đâu có ai muốn mua chúng.
Đến giữa ngày, một nhà môi giới, mặt trắng bệt và rõ ràng đang rất đau đớn, tìm đến ông. "Họ không biết là sự kiện 6 sigma chỉ xảy ra một lần trong đời mà thôi sao?" anh ta nói bằng một giọng lặng lẽ đến rợn người. (Một sự kiện 6 sigma tương đương với 2 phần tỉ trong phân bố chuẩn; trên thực tế chúng có tỉ lệ xuất hiện cao hơn trong ngành tài chính, là nơi không tuân theo định luật phân bố chuẩn – nó còn có hai vùng biên rộng lớn và Thiên nga đen.)
"Thị trường không biết," Taleb trả lời. Vài người đứng chết trân giữa phòng giao dịch và lặng lẽ rơi nước mắt. Jimmy Powers, sếp của Taleb, không ngừng van lạy giá trên màn hình của ông ấy đừng nhảy nữa.
Đến hết giờ giao dịch, Taleb rời văn phòng và về căn hộ của mình ở Upper East Side, lòng đầy hoang mang. Trên đường về ông tình cờ gặp một đồng nghiệp và hai người bắt đầu nói một chút về sự kiện điên rồ của hôm đó. Một phụ nữ tiến lại gần họ, vẻ mặt hoảng sợ. "Hai anh có biết chuyện gì xảy ra không?" cô ấy hỏi, khiến Taleb e ngại. Đôi mắt cô ấy ánh lên vẻ hoảng loạn cực đại.
Về đến nhà, ông bắt đầu gọi điện cho đồng nghiệp để hỏi thăm kết quả giao dịch của họ. Một người họ hàng gọi đến và cho biết cảnh sát đang bao vây bên ngoài căn hộ của anh ta ở đường 72 và First Avenue. Có người nhảy lầu từ tầng trên và đã chết. "Mọi chuyện trở nên quá thực," Taleb sau này đã nói.
Trong khi các nhà giao dịch khác phải chịu đau đớn vô biên trong ngày hôm đó, danh mục của Taleb lại có kết quả tương đối tốt. Nhưng nó cũng không đủ để gầy dựng cả sự nghiệp. Thực tế đã thay đổi trong ngày hôm sau, khi Alan Greenspan, chủ tịch Cục Dự trữ bơm một lượng lớn tiền mặt vào hệ thống tài chính. Vị thế của Taleb cho Eurodollar bay thẳng lên mặt trăng. Các hợp đồng mà trước đó ông ấy mua với giá 2 đô, 3 đô, giờ có thể bán với giá 300 đô, 400 đô, 500 đô.
Tại bàn làm việc, ông cảm thấy mình như mất trí khi chứng kiến các vị thế cứ tăng giá ngày càng cao. Ông biết những gì đang diễn ra đáng lẽ không nên diễn ra. "Bán ra với giá 350!" ông hét vào điện thoại cho người môi giới tại sàn. Một phút sau, người môi giới gọi lại. "Bán được giá 450!" "Bán được giá 500!" "Bán được giá 550!"
Về mặt thống kê, động thái này hầu như là không thể định lượng, một sự kiện đáng lẽ không thể nào diễn ra trong lịch sử vũ trụ, hay mười vũ trụ - nếu đó là một thế giới bình thường. Nhưng như Taleb đang dần học hỏi, trong tài chính mọi thứ không có chút gì gần với bình thường, và người nào cho rằng nó vận hành bình thường sẽ phải chấp nhận gặp sai lầm hết lần này đến lần khác.
Đó là một bài học mà Taleb sẽ không bao giờ quên. Ông cảm thấy được chứng thực. Chiến lược đặt cược vào những sự kiện hiếm hoi, bình thường bị chế nhạo bởi những nhà môi giới ngày nào cũng kiếm được lợi nhuận, hóa ra lại hiệu quả như một phép mầu. Vào lúc này, vấn đề không phải là kết quả mà chính nhận thức rằng các phương pháp và mô hình được các nhà môi giới áp dụng còn có nhiều thiếu sót. Đây hầu như chỉ là trực giác và bản chất thích đi ngược dòng đã ăn sâu trong tâm trí của Taleb. Nhưng kinh nghiệm này đã gieo mầm cho một ý tưởng. Nếu những chuyên gia này rất thông minh, vậy tại sao họ lại nổ tung bưng bét?
Và tại sao mình lại yên ổn?
***
Tiếng bom nổ làm rung chuyển trần nhà của tầng hầm. Những đám mây bụi rớt xuống sàn. Taleb phủi bụi rơi vào các trang sách dưới ánh đèn bập bùng. Taleb còn là thiếu niên, và không quá quan tâm đến bom đạn. Ông lớn lên đã quen với cảnh này. Thay vào đó, lúc này ông đang bị cuốn vào tiểu thuyết Our Man in Havana của Graham Green, nói về các gián điệp người Anh vụng về tại Cuba. Trường học đã đóng cửa. Cuộc sống thật chán ngắt (nếu bạn có thể gọi việc sống cách khu vực nóng của cuộc nội chiến tàn bạo chỉ một đoạn ngắn là chán ngắt). Cuộc sống, đối với Taleb, chính là sách.
Đó là năm 1975. Beirut vừa nổ ra một cuộc đấu tranh bạo lực giữa hai phe Công giáo và Hồi giáo, một cuộc chiến đã cướp đi hơn 90.000 sinh mạng (bao gồm 241 quân nhân Mỹ đã thiệt mạng trong vụ đánh bom doanh trại thủy quân lục chiến tháng 10/1983). Cuộc sống hàng ngày như đã dừng lại. Để giết thời gian, chen chúc dưới tầng hầm của nhà cha mẹ, Taleb đắm mình vào sách: triết học – Hegel, Marx, Toynbee, Fichte – và tiểu thuyết của những tác giả như Graham Green. Trong số này ông yêu thích nhất là tác phẩm Berlin Diary: The Journal of a Foreign Correspondent, 1934 – 1941 của nhà báo người Mỹ, William Shirer (tác giả của một trong những tác phẩm nghiêm túc đầu tiên về lịch sử của Nazis, The Rise and Fall of the Third Reich). Điều thu hút Taleb trong Berlin Diary là bài tường thuật ngay tại chỗ về các sự kiện dẫn dắt gây ra Chiến tranh Thế giới II và việc Shirer, mặc dù là một trong những người quan sát có nhiều thông tin trong tay nhất về âm mưu thủ đoạn của Adolf Hitler, đã không hề tiên lượng được những sự kiện làm rung động thế giới sắp xảy ra. Taleb cũng đang trải qua cảm nhận tương tự về một cuộc sống hàng ngày bị bóp méo. Không ai nhìn thấy trước nguy cơ cuộc nội chiến Liban. Ngay cả khi nó bùng phát, hầu hết cũng đều cho là nó sẽ sớm kết thúc. (Nó kéo dài 15 năm.) Bài học cho Taleb, một anh chàng hoài nghi tuổi mới lớn: Người ta chẳng thể biết được điều gì sắp xảy ra trong tương lai. Chỉ có khi nhìn lại họ mới mạnh miệng bảo rằng họ đã biết trước từ lâu.
Thời thơ ấu của Taleb cũng thể hiện một vài manh mối dẫn đến một tương lai bất ngờ làm nhà giao dịch phái sinh trên Phố Wall, tác giả nổi tiếng có sách bán chạy, nhà tài phiệt thanh lịch. Taleb sinh năm 1960 tại Amioun, Liban, một thị trấn nhỏ, hẻo lánh, chủ yếu là người theo Chính thống giáo Hy Lạp, nằm ở phía bắc thủ đô Beirut; khi còn nhỏ, ông là một người nổi loạn, cực kỳ phản đối việc theo đuổi sự xa hoa giàu có một cách phô trương mà ông nhìn thấy xung quanh mình. Mười lăm tuổi, ông từng bị vào tù vì cáo buộc tấn công cảnh sát bằng một cục bê tông trong cuộc bạo loạn của sinh viên. Một sinh viên khác đã bị bắn chết trong lúc hỗn loạn.
Cũng trong năm đó, 1975, cuộc nội chiến nổ ra. Phần lớn đất đai rộng lớn của gia đình, bao gồm cả ngôi nhà, đã bị phá hủy trong cuộc chiến. Ông ngoại Fouad Nicholas Ghosn, cựu phó thủ tướng của Liban, đã trốn khỏi đất nước và tạm trú tại một căn hộ tồi tàn ở Athens. Một người bạn của ông đã tự sát bằng cách quay ổ đạn, để lại cho ông bài học về mối nguy hiểm oan nghiệt của thời vận.
Để trốn thoát bạo lực, Taleb bỏ chạy khỏi Liban đến ĐH Paris, theo học toán và kinh tế tại đây. Sau đó ông chuyển đến Mỹ, tiếp tục học MBA tại Trường Wharton, ĐH Pennsylvania, một trong những trường kinh doanh ưu tú nhất thế giới, cách xa vạn dặm so với những con đường đầy chết chóc tại Beirut. Được tiếp xúc với hàng loạt các CEO đến từ một số tập đoàn lớn nhất thế giới, Taleb cảm thấy ngạc nhiên trước sự hời hợt và những chiếc áo sơ mi căng phồng của họ. Ông lén lút nghi ngờ rằng họ chẳng hề biết gì về những việc đang diễn ra trong công ty.
Trong căng tin của Wharton, các sinh viên ngoại quốc tụ tập tại một chiếc bàn ăn trưa duy nhất. Trong số này có một sinh viên người Sri Lanka nói giọng Anh rất đậm, Raj Rajaratnam. Taleb cảm giác đây là một người rất giỏi máy tính những sẽ không bao giờ làm giàu được. Rajaratnam sau này là nhà sáng lập quỹ đầu tư Galleon Group tại New York, thật sự trở nên rất giàu có – cho đến khi bị FBI bắt giữ vì cáo buộc giao dịch nội gián năm 2009.
Taleb lần đầu tiên biết đến quyền chọn tại Wharton, và đã phát triển tình cảm gắn bó với nó không thể nào tách rời. Ông nhận thấy quyền chọn có một đặc tính thú vị - phi tuyến tính. Lợi nhuận có thể kiếm được từ một số giao dịch dường như không ăn nhập gì với rủi ro, chỉ với một hay hai đô bạn bỏ ra mua hợp đồng. Rủi ro toàn bộ nằm ở người bán quyền chọn. Người mua chỉ có rủi ro mất một hay hai đồng kia mà thôi. Điều làm Taleb đặc biệt quan tâm là quyền chọn cho những sự kiện cực kỳ khó xảy ra – những vụ sụp đổ lớn làm rung chuyển thị trường hay làm phá sản doanh nghiệp. Những quyền chọn này thực chất rất rẻ. Người bán suy nghĩ như thể ngày mai cũng sẽ diễn ra không khác gì ngày hôm nay. Taleb biết rằng suy nghĩ này thật ngu ngốc.
Công việc đầu tiên của Taleb sau khi tốt nghiệp Wharton là tại Bankers Trust, một công ty nổi danh trên Phố Wall là người chấp nhận rủi ro đầy nguy hiểm với đội ngũ nhân sự toàn là nhà khoa học điên cuồng nghiên cứu phái sinh (tức là tài chính định lượng). Sau đó ông chuyển sang ngân hàng Indosuez của Pháp, phụ trách giao dịch quyền chọn tiền tệ, theo đó người nắm giữ có quyền mua hay bán tiền tệ tại một tỉ giá hối đoái cố định. Cũng lúc này ông có được cơ may lần đầu tiên. Ngày 22/9/ 1985, các nước trong nhóm G-5 – Mỹ, Anh, Pháp, Đức, và Nhật – đã ký Hiệp định Plaza đồng ý giảm giá đồng đô la so với yên Nhật và mác Đức để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Taleb vốn đã tích lũy các quyền chọn tiền tệ giá rẻ, đột nhiên nó tăng giá. Chỉ là may mắn, ông đã có một giao dịch tuyệt vời.
Sếp của Taleb bắt đầu gọi ông là "Bobby Fischer của mảng quyền chọn," ám chỉ thần đồng cờ vua của Brooklyn, người ở tuổi 29 đã trở thành một hiện tượng của truyền thông khi giành chức vô địch thế giới, sau khi thắng được 20 ván liên tiếp trước các đại kiện tướng của thế giới. Giao dịch của Taleb đã sinh lợi khủng khiếp – thử nghĩ xem vị thế 500 đô đã biến thành 2 triệu đô – khiến cho máy tính của công ty không thể tính được khoản lãi. Các lãnh đạo cấp cao của Indosuez tại Pháp tỏ ra nghi ngờ và cho hẳn một đội thanh tra đến kiểm tra sổ sách. Mỗi lần họ xếp lịch đến sàn giao dịch là sếp của Taleb bảo ông ấy trốn ra ngoài để khỏi phải trả lời các thanh tra.
Năm 26 tuổi, ông ấy gia nhập First Boston, ngân hàng đầu tư hùng mạnh. Nơi làm việc của ông là sàn giao dịch của ngân hàng tại Park Avenue Plaza ở New York; ông làm việc dưới quyền một người Ireland đến từ Brookyn tên là Jimmy Powers (cũng chính là nhà giao dịch mà sau đó, vào ngày thứ hai đen tối, đã cầu xin cho những con số trên màn hình đừng nhảy múa nữa). Powers là một người môi giới khôn ngoan lanh lợi mà Taleb còn cho rằng chắc ông ấy có nghề tay trái làm xã hội đen nhỏ. Ông ấy mô tả giao dịch cho các lãnh đạo giống như cách Sonny Corleone mô tả việc tiêu diệt trong Bố già. "Chúng tôi làm thế này, thế này, balaboom, balabam, và sau đó là hào nhoáng," ông ấy khoe khoang.
Cũng giống như lúc còn làm tại Indosuez, Taleb bắt đầu tích lũy vị thế lớn các quyền chọn mua thua lỗ Eurodollar với giá rẻ mạt (thua lỗ có nghĩa là Taleb không thể thực hiện quyền khi đáo hạn vì hợp đồng Eurodollar có giá cao hơn giá thực tế). Đây là một giao dịch kỳ lạ không mang lại lợi nhuận ổn định như mong muốn của công ty. Một ngày Powers gọi ông vào văn phòng và đưa cho ông bản phân tích chiến lược, theo đó ngày thua nhiều hơn ngày thắng. Taleb mặt lạnh như tiền, cầm tờ giấy lên trước mặt Powers và chậm rãi xé nó làm đôi, rồi bỏ ra khỏi phòng. Ông không bị sa thải, mà Powers cũng để cho ông yên sau đó. Thật may cho họ - ông vẫn tiếp tục mua Eurodollar, và các vị thế này đã rơi trúng cái nồi độc đắc khi thị trường sụp đổ tháng 10/1987. Thắng lợi này đã mang lại cho Taleb một khoản tiền kệ mẹ mày. Hay nói cách khác, chính là tự do.
Năm 1991, sau vài năm làm việc tại một ngân hàng Thụy Sĩ, Taleb chuyển đến Sàn Giao dịch Hàng hóa Chicago. Ông muốn học nghệ thuật phức tạp của việc giao dịch công khai bằng hình thể trên sàn.
***
Nassim Taleb đang đứng nhìn chăm chú cảnh tượng náo nhiệt trước mắt, một hợp âm của các nhà giao dịch trên sàn kết hợp các động tác khoa trương, điên cuồng, tay chân vung vẩy, la hét, gào rú; ông đột nhiên cảm giác cổ họng mình nghèn nghẹt.
Chỉ mất một phần ngàn giây đủ để biết đang có chuyện gì xảy ra.
Bốn người bảo vệ lao thẳng về phía ông, trong lúc này ông đang cố hết sức gỡ tay của một người môi giới khỏi cổ họng mình. Ông đã phạm một sai lầm chết người khi lạc vào khu vực được xem trọng của một đối thủ - một sai lầm không thể tha thứ trong thế giới cạnh tranh khốc liệt của sàn giao dịch. Khi bị các bảo vệ kéo đi, Taleb cố rũ bỏ cú sốc để lấy lại bình tĩnh, trong lòng suy nghĩ, Tôi ghét cái chỗ chết tiệt này.
Nhưng đồng thời ông cũng thấy yêu thích. Nó rất khác với những chiếc bàn yên bình của nhà môi giới phái sinh đặt trước màn hình nhấp nháy tại First Boston. Mấy người này như quái vật ấy. Họ cảm nhận được nỗi sợ chỉ qua một cái nháy mắt. Họ phát hiện được mọi thứ. Nhiều người đã quen biết nhau hàng chục năm. Cuối tuần họ đến nhà nhau cùng cắm trại ngoài vườn, các bà vợ ôm nhau chào đón, bọn trẻ thì chơi cùng nhau. Sáng thứ hai, họ lại trở về trạng thái bóp cổ nhau – đôi khi là đúng theo nghĩa đen – cạnh tranh kịch liệt trong giao dịch.
Khi ông gia nhập phòng Hàng, theo cách gọi của các nhà môi giới, Taleb phải đeo tấm thẻ đầy xấu hổ "Người mới." Ngày đầu tiên ông bước lên sàn, một môi giới đã kéo ông qua một bên.
"Qua đây, cậu bé. Nhìn thấy gã đằng kia không?"
"Có."
"Tên gã là Ed. Gã kiếm được 7 triệu đô trong 7 năm."
"Vâng."
"Gã mất hết chỉ trong 7 giây. Giờ thì cậu đi đi."
Taleb đến Hàng vì ông muốn hiểu thêm cách thức hình thành những mức giá nhấp nháy trên màn hình máy tính của ông tại New York. Ông phải mất đến 6 tháng mới học được cách đọc giá trên sàn. Ông nhìn thấy những người giao dịch độc lập – như Spitznagel trước kia – luôn đảo mắt quanh sàn để tìm kiếm thông tin, xem có tay nào yếu thế. Sau đó, họ gom thành một đội, đột ngột hành động làm đảo giá, chỉ trong nháy mắt đặt giá cao hơn hay thấp hơn để ép cho các nhà giao dịch khác phải bán hay mua. Hành động chèn ép rồi lại chèn ép và chẳng liên quan gì đến các nguyên tắc cơ bản của thị trường. Taleb học được rất nhiều về động lực thị trường trong sáu tháng này so với bao nhiêu năm ngồi bàn giấy.
Ông rời sàn năm 1993 và mấy năm tiếp theo cảm thấy không yên ổn, nhảy qua CIBC Wood Gundy rồi lại BNP Paribas. Nhưng có một điều gì đó đang kéo tay kéo chân ông. Giao dịch tại Hàng đòi hỏi phải la hét rất nhiều – thỉnh thoảng còn vật nhau với một nhà giao dịch nổi điên mà kẹp cổ mình. Cũng vì vậy mà ông cảm giác trong cổ cứ nghèn nghẹn. Sau khi quay lại New York, ông đã đi khám bác sĩ ở Upper East Side. Bác sĩ nhìn báo cáo bệnh lý, và nhẹ nhàng thông báo với ông.
"Nó không tệ như từ ngữ ..."
Ông bị ung thư vòm họng. Taleb loạng choạng bước ra khỏi tòa nhà dưới trời mưa. Vẫn như đêm nào kia của Ngày thứ hai đen tối, ông bắt đầu đi bộ chầm chậm trên đường phố New York một cách mơ hồ. Rồi ông thấy mình đứng trước một thư viện y khoa. Càng đọc thêm về tai họa này ông càng thấy rối bời. Ung thư vòm họng thường là do hút thuốc. Taleb không hề hút thuốc. Nó thường xảy ra cho người lớn tuổi. Taleb chỉ mới trong độ tuổi 30. Chẳng hợp lý gì cả. Trường hợp của ông không khớp với mẫu hình nào. Ông là một kẻ ngoại lệ. Ông là một con Thiên nga đen chăng?
***
Năm 1996, Taleb gặp Victor Niederhoffer, một trong những giám đốc quỹ đầu tư thành công nhất tại Mỹ, có thời gian rảnh chơi tennis với George Soros. Ông ấy đã tạo được danh tiếng từ thập niên 1980 khi làm giám đốc vận hành cho quỹ đầu tư khổng lồ của Soros về ngoại hối và thu nhập cố định. Soros rất ấn tượng với sự nhạy bén trong giao dịch của Niederhoffer và đã để cho con trai mình cùng làm chung với ông ấy. Năm 1996, nhà giao dịch xuất thân từ Brooklyn này thật sự gây ấn tượng, thu lợi đến 35% trong năm đó. MARHedge, một tạp chí trong ngành quỹ đầu tư, đã vinh danh ông là một trong những giám đốc quỹ đầu tư giỏi nhất thế giới.
"Đó là một người sống trong một dinh thự có hàng ngàn quyển sách, và đó là giấc mơ hồi tôi còn nhỏ," Taleb kể với Malcolm Gladwell trong một bài giới thiệu chân dung trên New Yorker năm 2002, trong đó Gladwell gọi Taleb là "kẻ bất đồng chính kiến Phố Wall."
Mặc dù rất tôn trọng những nhà giao dịch triệu phú như Niederhoffer với những dinh thự rộng lớn và thư viện khoa trương, Taleb vẫn nghi ngờ rằng, xét cho cùng, thành công của họ là nhờ vào may mắn nhiều hơn là kỹ năng – những lần tung đồng xu may mắn mười lần đều gặp phải mặt hình. Điều này có nghĩa là thảm kịch – mười lần gặp phải mặt chữ - là hoàn toàn có thể. Họ chẳng qua là chịu sự chi phối của tính ngẫu nhiên. Nghi ngờ này của Taleb đã được chứng thực khi Niederhoffer đã mất hết mọi thứ chỉ một năm sau khi chỉ số Dow giảm 554 điểm chỉ trong một ngày – thua lỗ đến mức ông ấy phải thế chấp nhà và bán đi bộ sưu tập bạc cổ.
Sự hoài nghi của Taleb đối với Phố Wall và đội ngũ tài chính định lượng ngày càng tăng sau mỗi ngày. Các phái sinh phức tạp và chiến lược rối rắm dùng để triển khai chúng cũng phổ biến khắp nơi. Ông đặc biệt nghi ngờ về các mô hình dùng để phát triển chiến lược, và ông cũng bắt đầu thẳng thắn lên tiếng phát biểu lo ngại của mình. Một ngày vào giữa thập niên 1990, ông quyết định hoàn thành một dự án đã ấp ủ từ nhiều năm, trình bày chi tiết chính xác về những gì mà ông cho là sai lầm trong mô hình, theo đó kêu gọi các giao dịch phức tạp để bù đắp cho rủi ro thua lỗ trong danh mục bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, và quyền mua. Đi bộ trên Park Avenue, đến góc đường 45, ông kéo chiếc cà vạt ném vào thùng rác và quyết định chốt mình trong phòng gác mái ở nhà. Trong suốt mấy năm tiếp theo, ông đã cho ra một tác phẩm dày 528 trang, Dynamic Hedging: Managing Vanilla and Exotic Options. Được xuất bản năm 1996, nó là kết tinh của hơn một thập niên nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm xương máu trên sàn giao dịch.
Trong một cuộc phỏng vấn năm đó trên tạp chí chuyên ngành Derivatives Strategy nhan đề" Thế giới dưới mắt nhìn của Nassim Taleb," ông đã tấn công vào thực tế phụ thuộc quá nhiều vào toán học trong thế giới hỗn loạn của Phố Wall, đến mức được gọi là kỹ thuật tài chính để tạo cảm giác một ngành khoa học nghiêm túc.
"Anh có vấn đề gì với kỹ thuật tài chính?" người phỏng vấn hỏi.
"Nhiều người nhìn vào tài liệu chuyên ngành và thấy các phương trình vi phân và nói, 'Ôi trời, sao nó giống môn kỹ thuật vậy," Taleb nói. "Kỹ thuật sử dụng mô hình vì bạn có thể nắm bắt được mối quan hệ trong thế giới vật lý rất tốt. Mô hình trong khoa học xã hội lại có một mục đích hoàn toàn khác. Nó tạo ra những giả định vững chắc. Các nhà kinh tế học từ lâu đều biết rằng toán trong môn này mang một ý nghĩa khác. Nó chỉ là một công cụ, một cách thức để thể hiện điều bạn muốn nói."
"Như vậy kỹ thuật chân chính có thể làm ra một chiếc cầu mà bạn tự tin cho xe chạy qua," người phỏng vấn tóm tắt lại. "Nhưng mô hình trong kỹ thuật tài chính lại không đủ vững vàng để hỗ trợ cho danh mục."
"Chính xác. Trong tài chính, bạn không thể tự tin về các thông số. Khi bạn mở rộng mô hình bằng cách đưa thêm nhiều thông số, bạn lại càng bị mắc kẹt trong cái bộ máy quan hệ mà không thể tách rời. Trong thống kê, nó gọi là quá khớp."
Taleb đã có bằng Tiến sĩ Toán học năm 1998 của trường ĐH Paris-Dauphine. Sau đó ông lại trúng độc đắc một lần nữa khi Nga tuyên bố vỡ nợ (sự kiện này đã làm phá sản Long-Term Capital Management). Trước khi có tin này, Taleb đã mua rất nhiều quyền chọn bán ngân hàng của Nga, và vị thế này sẽ thu được lợi nhuận cao nếu ngân hàng lao dốc. Và thực tế ông đã thu được một khoản lợi nhuận cao, rất cao.
***
Trong một lớp học nhỏ ở Greenwich Village nồng nặc mùi khói xe và đồ ăn Trung Quốc, Taleb đứng trước tấm bảng trắng mà viết các phương trình. Đặt x1, x2 = n1. Ông đang dạy một khóa thạc sĩ tài chính tại Viện Courant Institute of Mathematical Sciences thuộc ĐH New York. Neil Chriss, một cựu nhân viên tài chính định lượng nổi danh tại Goldman Sachs đã phát triển một chương trình về toán tài chính ứng dụng tại NYU. Đây có thể nói là chương trình học lần đầu tiên có mặt trên thị trường. Chriss ngưỡng mộ bộ sách Dynamic Hedging của Taleb, và mời ông về làm giáo sư thỉnh giảng. Tên môn học mà Taleb giảng dạy là Thất bại của Mô hình trong Tài chính Định lượng.
Trong bài giảng của mình, ông nói với các sinh viên rằng, thứ ông không thích nhất là một thước đo được sử dụng rộng rãi tại các ngân hàng gọi là VaR – giá trị chịu rủi ro. Đây là một thước đo tổng quát về rủi ro cho danh mục đầu tư của ngân hàng, nguy cơ nó gặp phải tổn thất nặng nề. Được thiết lập bởi một nhóm chuyên gia toán học tại J.P. Morgan và nhiều nơi khác trên Phố Wall vào cuối thập niên 1980, đầu 1990, chỉ số này đo lường số tài sản trong danh mục đã tăng giá hay giảm giá theo thời gian, kèm theo một số điều chỉnh về mức độ tương quan của các tài sản (ví dụ, trái phiếu và vàng thường đi theo cùng một hướng, các công cụ trú ẩn an toàn và cổ phiếu công nghệ nhiều rủi ro thường đi ngược hướng). Vấn đề là, Taleb giải thích, quá khứ không thể dự báo được mối tương quan giữa các sự kiện cực đoan – vốn dĩ là điều có ý nghĩa quan trọng nhất (vì những dịch chuyển nhỏ trên thị trường hàng ngày sẽ không làm bạn nổ tung). Đây là công thức tạo ra thảm họa, vì các giám đốc ngân hàng nghe theo VaR chẳng khác nào đang nhắm mắt bay, đặt cược chứa rủi ro tiềm ẩn – bài học này nhiều người sẽ biết đến trong khoảng 10 năm sau khi cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu xảy ra.
"VaR là nơi dành cho những con vịt ngồi yên," ông nói với cả lớp.
Nó cũng báo hiệu một cơ hội. Việc phụ thuộc quá mức vào các mô hình rủi ro còn thiếu sót, việc các ngân hàng đầu tư và quỹ đầu tư sử dụng đòn bẩy quá mức, khiến cho hệ thống tài chính lúc này, hơn bao giờ hết, giống như một tòa lâu đài xây trên cát (hay trên khối thuốc nổ TNT). Nó tất yếu dẫn đến sụp đổ nhiều hơn, nổ tung nhiều hơn, tàn phá nhiều hơn. Taleb kiếm tiền từ các vụ sụp đổ và nổ tung trong gần 15 năm, đôi khi chỉ là tình cờ. Càng ngày ông càng ngẫm nghĩ đến một chiến lược giao dịch có hệ thống để khai thác những sai lầm tiềm ẩn, do đội ngũ tài chính định lượng gây ra trên Phố Wall.
Ông đã chiến thắng được căn bệnh ung thư vòng họng. Hai năm xạ trị đã đẩy lùi nó. Nhưng lần chạm trán số phận này đã khiến ông cân nhắc lại con đường sự nghiệp của mình. Áp lực của hoạt động giao dịch – và quan trọng hơn, áp lực phải tránh được những rủi ro sụp đổ có nguy cơ chấm dứt sự nghiệp – có thể chính là nguyên nhân khiến ông đổ bệnh. Ông đã cân nhắc mở một quỹ đầu tư, như vậy ông sẽ có nhiều quyền quản trị hơn trong hoạt động thường nhật. Quan trọng hơn, nó sẽ là một quỹ đầu tư không bao giờ bị nổ tung.
Và lúc này ông nhận được một cuộc gọi định mệnh từ vị tài phiệt ẩn dật tên là Donald Sussman. Quỹ đầu tư Paloma Partners của Sussman đã thua lỗ trong đợt khủng hoảng thị trường năm 1998. Ông ấy là mà nhà đầu tư lớn cho D. E. Shaw, một công ty đầu tư theo trường phái tài chính định lượng lớn tại New York cũng đã chảy máu mất tiền trong năm đó. Sussman qua mạng lưới của mình biết được có một gã giao dịch – toán học người Mỹ gốc Liban nào đó ngược lại đã kiếm được tiền trong năm 1998. Cũng nhà giao dịch này đã kiếm hàng triệu đô khi thị trường sụp đổ tháng 10/1987. Sussman nghĩ một người như thế chắc chắn sẽ giúp ông phòng vệ trước những thất bại trong tương lai.
Ông ấy liên hệ Taleb và đưa ra ý tưởng của mình. Ông ấy cho biết ban đầu sẽ đầu tư cho Taleb 50 triệu đô la và một văn phòng tại trụ sở chính của Paloma tại Greenwich, Connecticut, một thành phố sớm trở thành trung tâm cho ngành kinh doanh quỹ đầu tư đang bùng nổ của Mỹ. Taleb đặt tên cho quỹ đầu tư này là Empirica Capital, xem như lời công nhận cho các dữ liệu thực tế ghi nhận hơn là những tòa lâu đài định lượng mang tính lý thuyết bay bổng trong không trung.
Trong lúc Taleb chuẩn bị thành lập quỹ, New Chriss tại Viện Courant của ĐH New York kể cho ông về một sinh viên mới trong chương trình tên là Mark Spitznagel, đã từng có nhiều năm kinh nghiệm giao dịch hàng hóa tại Chicago và giao dịch tự doanh tại New York. Taleb thấy ấn tượng là một tay đầu gấu như người giao dịch hàng hóa lại quan tâm theo học toán tài chính và cho rằng người này có thể là đối tác lý tưởng tại quỹ mới của mình.
"Anh ta bắt đầu đi làm hôm nay luôn được không?" Taleb hỏi.
"Haha, để tôi xem," Chriss trả lời.
Chriss gọi cho Spitznagel. Như một định mệnh, hóa ra ông cũng rất rành quyển sách Dynamic Hedging của Taleb; ông cho rằng nhờ nó mà mình đã thuận lợi chuyển dịch từ không gian giao dịch hàng hóa mang tính trực giác, tay chân để bước vào thế giới phái sinh liên quan đến toán học phức tạp.
"Anh nên gặp Nassim," Chriss nói.
Cuối ngày hôm đó, Taleb gọi cho Spitznagel và hỏi ông buổi tối có thể ghé qua văn phòng của mình ở Courant Building.
"Được thôi," Spitznagel nói. "Hẹn gặp lại."
Sau buổi học hôm đó, Spitznagel leo cầu thang lên văn phòng của Taleb. Hai người nhanh chóng phát hiện mình như được đúc cùng một khuôn, có thể nối tiếp câu của nhau trong lúc thảo luận về mối quan tâm của mình cho những giao dịch giá rẻ mạt nhưng có tiềm năng thu lợi khổng lồ, hay về sự yêu thích dành cho tác phẩm của triết gia người Áo, Karl Popper. Spitznagel bắt tay đồng ý sẽ hợp tác với Taleb. Chuyến "tạm nghỉ để học tập" của ông tại Courant kéo dài được chừng hai ngày đến đây là chấm dứt.
Empiricara mắt một tháng sau đó.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top