Chương 3: Phía trước sẽ còn tệ hơn
Một cơn mưa lạnh từ trên trời rơi xuống điểm cao nhất của một khối băng lớn ở nội địa bắc cực của Greenland, 3.200 m trên mực nước biển. Đó là tháng 8/2021, lần đầu tiên ghi nhận mưa rơi trên một trong những khu vực băng giá nhất của hành tinh. Cơn mưa rào là "cú sốc bất ngờ cho hệ thống," theo lời John Wash, nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Bắc cực Quốc tế, nói với Sierra Club. "Việc này chưa từng xảy ra. Có chuyện gì đó trong bầu khí quyển đang kéo chúng ta vào vùng đất chưa khai phá."
Chưa từng có, chưa từng xảy ra, vùng đất chưa khai phá là những cụm từ mang tính cảnh báo của thập niên mới. Tháng 9/2020, một bài báo nhan đề "Những năm hai mươi hỗn loạn," nhà xã hội học Jack Goldstone và nhà khoa học Peter Turchin dự báo sự hợp lưu của nhiều yếu tố mang tính cấu trúc tại Mỹ sẽ gây ra bất ổn nhiều hơn, lớn hơn cho xã hội, và "mức độ dễ tổn thương cao nhất cho bối cảnh chính trị trong đất nước này trong vòng một trăm năm qua." Những cú đánh gãy như biểu tình Black Lives Matter năm 2020 và đại dịch Covid 19 "đang diễn ra trong bối cảnh chính trị phân cực đỉnh điểm, sau hàng chục năm tỉ trọng của người lao động trong thu nhập quốc gia ngày càng giảm dần, và tầng lớp tinh hoa cố thủ phản đối gia tăng chi tiêu cho các dịch vụ công."
"Chúng ta đang bước chân vào con đường này rồi," họ viết. "Nhưng phía trước sẽ còn tồi tệ hơn."
Điều làm cho dự báo của Goldstone và Turchin gây chú ý, và vô cùng đáng ngại đó là: Nó không mới. Từ mô hình phân tích của Goldstone, Turchin đã từng dự báo cách đây một thập niên, năm 2010, rằng sự hỗn loạn toàn cầu sẽ đạt mức lan tỏa rộng rãi vào thập niên 2020. Mô hình này phân tích các thế lực nhân khẩu học hệ thống – nghèo đói, khoảng cách giàu nghèo, sự cạnh tranh quyền lực của giới tinh hoa – tất cả đều có thể đẩy xã hội vào bất ổn. Nó dự đoán một "Thời đại Bất hòa" sắp đến, tô đậm bằng sự xung đột dân sự, bạo lực, và suy tàn của nền dân chủ. Trong bài báo năm 2020, họ thậm chí còn dự báo các sự kiện chấn động sẽ đến sau cuộc bầu cử tổng thống. "Nếu Trump thua, ông ấy có thể sẽ lớn tiếng phản đối cho rằng kết quả đã bị gian lận ... Trump có thể kêu gọi những người dân ủng hộ mang vũ khí để bảo vệ 'vị tổng thống được yêu thích nhất mọi thời đại' (theo lời ông ấy) trước thứ gọi là 'chuyên chế tự do.'"
Những dự báo về một thời kỳ hỗn loạn sắp đến nổ ra khắp nơi trước thềm của một thập niên mới. Những kẻ hô hào thảm họa xuất hiện ở mọi góc phố. Một báo cáo tháng 3/2021 mang tên Global Trends 2040: A More Contested World của Hội đồng Tình báo Quốc gia Mỹ đã dự báo các sự kiện có tính gián đoạn cao "có xu hướng xuất hiện thường xuyên hơn, cực đoan hơn tại hầu hết mọi khu vực và quốc gia. Những thách thức này, thường thiếu một tác nhân con người hay thủ phạm trực tiếp, sẽ gây ra căng thẳng lan rộng cho các tiểu bang, quốc gia, và xã hội, cũng như những cú sốc có thể trở thành thảm họa."
Yếu tố thúc đẩy sự hỗn loạn: một thế giới kết nối cao. "Trong năm qua, đại dịch Covid 19 đã nhắc nhở cho thế giới rằng nó rất mong manh và thể hiện những rủi ro tiềm tàng trong sự phụ thuộc nhau quá độ," báo cáo viết. "Trong những năm sắp tới, thế giới sẽ còn phải đối mặt với những thách thức toàn cầu gay gắt và lan rộng hơn, từ dịch bệnh đến biến đổi khí hậu, đến sự can thiệp của công nghệ mới và khủng hoảng tài chính."
Trong khi toàn cầu hóa đã mang lại rất nhiều lợi ích cho nhân loại – tuổi thọ trung bình của thế giới đã kéo dài hơn 20 năm kể từ 1960 khi nạn đói và tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã giảm mạnh; nhưng nó cũng mang theo nguy cơ mới qua những công nghệ, mạng lưới kết nối, và cơ chế kiểm soát phức tạp là nền tảng xây dựng xã hội. Nhiều người lo ngại những rủi ro này đe dọa nhân loại đi vào điêu tàn.
"Có một bóng ma ám ảnh toàn cầu hóa và cuộc sống hiện đại: nguy cơ sụp đổ rộng của nền văn minh," các thành viên của dự án Rủi ro Hệ thống Toàn cầu thuộc ĐH Princeton đã viết trong một bài báo tháng 7/2022. "Thế giới của chúng ta đang lo ngại cho sự tồn vong vì chúng ta cảm nhận quỹ đạo này là không bền vững ... Những cú số hệ thống toàn cầu như 11/9, Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu 2008, và đại dịch Covid 19 càng nâng cao nhận thức về sự mong manh của lối sống phụ thuộc và toàn cầu hóa hiện nay."
Thị trường sụp đổ. Đại dịch. Khủng bố. Bạo động. Siêu hỏa hoạn. Siêu bão. Những sự kiện cực đoan, tàn phá, và thường gây chết người dường như đang diễn ra trên khắp trái đất với tần suất cao hơn, và mức độ gây hại lớn hơn. Chúng diễn ra đột ngột và tấn công rộng khắp. Chúng bắt nguồn từ những sự kiện rất nhỏ ở đâu đó, như cách nói về đôi cánh bướm cũng có thể khuấy động thành cơn lốc xoáy quét khắp các châu lục. Một kết quả dai dẳng lạnh người của việc gia tăng tần suất này là người ta cho rằng những sự kiện này có xu hướng dễ dự báo hơn. Không hề đâu. Thiên nga đen luôn xuất hiện từ hư vô. Những sự kiện này chỉ là Thiên nga xám của Taleb – những sự kiện tàn khốc nhưng hoàn toàn trong tầm dự đoán. Cơn bão tàn phá vùng biển xuất hiện với mức độ thường xuyên đến tê liệt. Cháy rừng vùng bờ tây xuất hiện trên bản tin thời sự vào mùa hè như một đặc trưng của mùa hè – giống như mùa thu thì có lá vàng và mùa đông thì có bão tuyết. (Sornette gọi những thảm họa được dự báo trước này là Vua rồng.)
Taleb lập luận rằng thế giới ngày càng bất ổn là kết quả nghịch lý của việc nhân loại mong muốn kiểm soát nó bằng công nghệ, mô hình định lượng, tối ưu just-in-time, và do đó tạo ra những xã hội mong manh, phức tạp, chịu sự can thiệp của con người, dễ bị tác động bởi cú sốc. Các sự kiện cực đoan "nhất thiết sẽ gia tăng do tính phức tạp, phụ thuộc giữa các bộ phận, do toàn cầu hóa, và thứ đáng sợ mang tên 'hiệu quả' khiến con người hiện nay đang đi quá gần vào tâm bão," ông đã viết trong Antifragile.
Năm 2020, chỉ một người duy nhất tại Vũ Hán bị nhiễm siêu vi đã làm chết hàng triệu người và đẩy nền kinh tế toàn cầu vào cú rơi tự do. Vụ cảnh sát giết hại một người Mỹ gốc Phi tại Minneapolis, bị ghi lại bằng điện thoại, đã châm ngòi cho làn sóng biểu tình không chỉ trên khắp nước Mỹ, mà lan ra cả thế giới. Sự tham lam bám víu của một người duy nhất – Donald Trump – đã đẩy hàng chục triệu người Mỹ theo hướng cực đoan, đưa nền dân chủ Mỹ đến bờ vực. Và năm 2022, một người tham lam khác, Vladimir Putin, lại đưa thế giới đến bờ vực Chiến tranh Thế giới III.
Khi toàn cầu hóa mở rộng, kết nối tăng tốc. Phức tạp tạo ra phức tạp, tốc độ kéo theo tốc độ. Mạng lưới xã hội lan truyền tin tức, và cả những thuyết âm mưu, nhanh như virus. Du lịch hàng không nhanh chóng có thể khiến cho những lây nhiễm đáng lẽ sẽ tự tan biến tại một ngôi làng nhỏ nay lại bùng nổ xuyên biên giới.
Hệ quả xấu của hiện tượng trái đất nóng dần lên, kết quả trực tiếp của việc gia tăng dân số, phức tạp văn hóa, và xã hội phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đang lan tỏa rộng hơn, làm xói mòn bờ biển, kích hoạt những cơn bão mạnh, đốt lên những vụ siêu hỏa hoạn tàn phá một số tài sản đắt giá nhất nước Mỹ. Ở miền tây nước Mỹ, các nhà khoa học về khí hậu lo ngại một trận siêu hạn hán có thể ném hàng chục triệu người vào cuộc khủng hoảng nước sạch và sa mạc hóa. Mặc dù không có nhiều bằng chứng cho thấy trái đất nóng dần lên làm tăng tần suất của bão và cuồng phong – hai thảm kịch tự nhiên có tính tàn phá cao nhất – nhưng người ta có bằng chứng cho thấy chúng càng mạnh hơn và nguy hiểm hơn, được tiếp năng lượng từ vùng biển ấm và không khí nóng có thể chứa nhiều nước hơn, như đã thấy trong cơn lụt chết người tại California vào tháng 1/2023 do những đợt sóng không ngừng của dòng sông khí quyển.
Jeffrey Bohn, giám đốc chiến lược tại One Concern, một công ty tại San Francisco sử dụng trí tuệ nhân tạo để dự báo các sự kiện thời tiết cực đoan, đang phát triển mô hình giúp doanh nghiệp chuẩn bị đối phó những gián đoạn không lường trước từ thảm họa thiên nhiên. Vấn đề của họ: Bão ngày càng khó dự báo khi mà hỗn loạn khí hậu làm xáo trộn các mô hình. "Thực tế là ít có bão và cuồng phong hơn, nhưng những cơn bão xảy ra đều có sức tàn phá lớn hơn," Bohn nói với tôi. Đó là lý do ông đang "đưa vào thêm nhiều sự kiện cực đoan cho hệ thống – thêm những mùa mưa lớn, mùa hè nóng hơn, mùa đông khắc nghiệt hơn, hạn hán nhiều hơn. Các nhà khoa học khí hậu nói về hiện tượng trái đất nóng dần lên. Họ dùng từ sai rồi. Phải gọi là biến đổi khí hậu cực đoan."
Có một ngành kinh doanh, đó là ngành bảo hiểm, chứng kiến rủi ro và thiệt hại xã hội ngày càng tăng lên, theo đó họ phải chi trả nhiều hơn cho các yêu cầu bồi thường ngày càng tăng. Năm 2021, chi trả bảo hiểm nhân thọ đã tăng 15% so với năm trước đó vì đại dịch Covid 19, và các khoản chi trả bảo hiểm mạng tăng 74% so với năm trước, đạt mức hơn 4,8 tỉ đô la, hệ quả của các đợt tấn công mạng điên cuồng. Có những hạng mục mức tăng còn rõ ràng hơn. Trong vòng 25 năm qua, tiền chi bảo hiểm cho nông dân mất mùa vì hạn hán và lũ lụt đã tăng 300%.
Chủ nghĩa cực đoan chính trị cũng gia tăng trên toàn cầu, một triệu chứng đen tối và mỉa mai cho một thế giới ngày càng kết nối và nghiện mạng xã hội. Tại Mỹ, thăm dò cho thấy người Mỹ từ đầu những năm 2000 đã bắt đầu dịch chuyển xa về hai biên cánh hữu và cánh tả, để lại vùng trũng ở giữa (tại Mỹ và Châu Âu, chủ nghĩa cực đoan chủ yếu là cực hữu, dựa trên kết quả tìm kiếm của Google). Tác động của mạng xã hội, từ YouTube đến 4chan đến Facebook đến Reddit, đã làm cực đoan hóa giới trẻ thông qua những thuật toán trí tuệ nhân tạo độc hại chỉ cho người xem nội dung ngày càng cuồng tín. Một nghiên cứu tháng 11/2021 tìm hiểu về các cuộc biểu tình từ 2006 đến 2020 nhận thấy phong trào biểu tình trên thế giới đã gia tăng gấp ba lần trong khoảng thời gian này, tăng đều ở tất cả mọi khu vực.
Trong nền chính trị Mỹ, con lắc vung từ thái cực này sang thái cực khác, từ Barack Obama, một người Mỹ gốc Phi thiên tả và từng là nhà hoạt động cộng đồng, chuyển sang Donald Trump, một tổng thống cực hữu hoàn toàn trái ngược về quan điểm và hành vi, thách thức mọi tiền lệ, đến Joe Biden, một người lại hoàn toàn trái ngược Trump về tính cách và giá trị. QAnon, một thuyết âm mưu độc hại được rất nhiều người ủng hộ Trump chấp nhận, cũng chỉ là một ví dụ về quả lắc tích lũy trong cực đoan chính trị. Bước vào cuộc bầu cử 2020, tờ Atlantic đã miêu tả môi trường chính trị là "một trong những không khí tồi tệ nhất do phân cực đảng phái và mất lòng tin trong lịch sử nước Mỹ." Một thăm dò của Reuters/Ipsos vào tháng 9/2022 cho thấy trong năm người Mỹ thì có một người cho rằng bạo động chính trị chống lại những người bất đồng là có thể chấp nhận được. Một nghiên cứu của Dự án về An ninh và Đe dọa của ĐH Chicago cùng trong tháng 9 ước tính khoảng 15 triệu người Mỹ tin rằng vũ lực có thể là phản ứng chính đáng nếu Trump bị truy tố từ một trong số nhiều vụ điều tra về ý định đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.
Một nghiên cứu tháng 12/2021 về sự phân cực chính trị tại Mỹ cho rằng nó đã bước vào giai đoạn quan trọng, giống như một quả bom phát nổ. Nghiên cứu này mang tên Động lực Phản hồi Phi tuyến tính của Phân cực Chính trị Bất đối xứng, nhận thấy có "ngưỡng hay thời khắc quan trọng khi mà quá trình không thể nào đảo ngược được nữa. Mô hình của chúng tôi cho thấy ngưỡng này đã bị Đảng Cộng hòa vượt qua tại Quốc hội và sẽ sớm đến lượt Đảng Dân chủ vượt qua." Trả lời câu hỏi của nhà báo Thomas Edsall tại New York Times, các tác giả của báo cáo này đã viết: "Quy trình chính trị, cũng như các quy trình động lực tự nhiên khác, trong tự nhiên, công nghệ, hay xã hội, đều có năng lực tự nuôi dưỡng bản thân và bước vào một chu kỳ phản hồi tích cực không ổn định, hay tự tăng cường. Một ví dụ kinh điển là vụ nổ: Khi năng lượng nhiệt được cung cấp để đốt một số phân tử của một chất dễ cháy, nó tạo ra thêm nhiệt lượng, đốt thêm nhiều phân tử, sinh thêm nhiệt, trở thành một chu kỳ không có điểm kết thúc."
"Phân cực đã trở thành một thế lực tự nuôi dưỡng chính nó," Edsall viết.
Thị trường tài chính và nền kinh tế lệ thuộc vào nó ngày càng trở nên phức tạp, bất ổn, và dễ bị sụp đổ. Trong những năm đầu thập niên 2000, các nhà kinh tế học như Ben Bernake, sau này trở thành Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, cho rằng nền kinh tế toàn cầu đã bước vào giai đoạn Đại Điều độ. Bàn tay vững chắc của những chuyên gia kinh tế, sự phổ biến của công cụ phái sinh và các sản phẩm khác đến từ các kỹ sư tài chính trên Phố Wall (nhóm định lượng), và mức lạm phát thấp đã giúp cho thế giới bước đến tận hưởng sự thịnh vượng chưa từng có, nhận món quà tăng trưởng vô hạn, được quản lý tập trung, không quá nóng không quá lạnh. Thế rồi đến năm 2008, khi thị trường thế chấp dưới chuẩn của Mỹ sụp đổ đã châm ngòi cho cơn hoảng loạn kinh tế toàn cầu. Thua lỗ vài trăm tỉ đô la tiền thế chấp ban đầu đã lan tỏa như căn bệnh truyền nhiễm trong thị trường phái sinh, dẫn đến mất mát hàng ngàn tỉ.
Những biến động cực đoan như vậy có thể tự duy trì và kích hoạt vòng phản hồi hoạt động như máy, đẩy cực đoan thành cực đoan hơn nữa, và kết thúc bằng suy sụp và hỗn loạn. Sụp đổ kinh tế và tài chính có thể kéo theo kết quả bất ngờ trong lĩnh vực xã hội và chính trị - việc Barack Obama đắc cử, Đảng Trà siêu bảo thủ trỗi dậy năm 2010, Donald Trump được bầu làm tổng thống năm 2016 có thể nói đều dính dáng đến Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu năm 2008, mà bản thân nó có thể nói là do gói kích thích tiền tệ chưa có tiền lệ từ Cục Dự trữ dưới thời Alan Greenspan phản ứng trước cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ.
Nhà sử học và kinh tế học người Anh, Adam Tooze, đã đặt một cái tên cho những rủi ro hội tụ, rộng mở mà thế giới phải đối mặt – polycrisis – khủng hoảng đa diện. Đây là một thế giới mà đại dịch, lạm phát, suy thoái, khủng hoảng khí hậu, leo thang hạt nhân, và nhiều rủi ro khác kết hợp lại để gia tăng tác hại thông qua một loạt những vòng phản hồi. Đại dịch gây khó khăn cho chuỗi cung ứng, làm cho giá tăng, đẩy kinh tế rơi vào suy thoái, khiến cho thế giới đối mặt khủng hoảng nạn đói ảnh hưởng đến người nghèo tại các nước có thu nhập thấp, kéo theo sự di dân hàng loạt gây mất cân bằng và kích động bất ổn chính trị và lật đổ chính phủ. "Khủng hoảng đa diện không giống như tình huống bạn phải đối mặt cùng lúc nhiều khủng hoảng," Tooze viết. "Đó là một tình huống ... mà tổng thể thật sự đáng sợ hơn tổng của từng bộ phận." Đây cũng là tình trạng mà Juliette Kayyem, chuyên gia an ninh quốc gia và cựu quan chức tại Cục An ninh Nội chính, gọi là "thời đại của thảm họa."
Vòng phản hồi là yếu tố chính gây ra khủng hoảng khí hậu. Ví dụ: Trái đất nóng lên làm tan lớp băng vĩnh cữu tại Siberia, giải phóng hàng tấn khí mêtan vào khí quyển – đây là loại khí nhà kính có khả năng giữ nhiệt gấp 80 lần so với C02. Khí mêtan tăng lên, trái đất nóng hơn, khí mêtan lại tăng thêm, và cứ thế.
"Khoảng 65% lãnh thổ của Nga được bao phủ bằng lớp băng vĩnh cữu," tờ Moscow Times đã viết vào tháng 11/2021 khi cháy rừng lang khắp vùng lãnh nguyên băng giá. "Nhiệt độ không khí đã tăng lên trong những năm gần đây, lớp đất đã bị đóng băng hàng ngàn năm đã bắt đầu tan dần ... Và khi lớp băng vĩnh cữu tan ra, nó giải phóng khí nhà kính đã bị nhốt trong đó, như mêtan, kích hoạt một vòng phản hồi làm nhiệt độ tăng lên."
Các sự kiện cực đoan thường gây sợ hãi và đáng sợ một phần vì không thể đoán trước chúng. Sau đây là câu hỏi có giá hàng ngàn tỉ đô la: Việc chuẩn bị cho Thiên nga đen lẩn khuất phía chân trời, ngay cả khi chúng ta không thể nhìn thấy chúng, có giúp chúng ta tránh được tác hại lớn của chúng không?
Có thể, nhưng đây quả thật là một vấn đề khó khăn. Việc thiếu nguồn dữ liệu phong phú để thực hiện các mô hình dự báo khiến cho các sự kiện cực đoan trở thành những hiện tượng khó nắm bắt. Nhưng chúng ta biết là chắc chắn chúng sẽ đến – với mức độ ngày càng tồi tệ hơn. Vấn đề là đường đi chính xác của tương lai vẫn luôn không có gì chắc chắn, cho dù chúng ta biết sẽ có những biến động lớn đang thẳng tiến về phía chúng ta giống như sao chổi đã quét sạch địa cầu trong bộ phim đình đám Don't Look up của Adam McKay năm 2021 (trong đó thái độ của tổng thống trước mối đe dọa là "ngồi yên và đánh giá"). Và cũng giống như phản ứng thảm họa trước Covid 19 của hầu hết các nước trên thế giới, sự thiếu chắc chắn khiến người ta tự mãn, rối loạn, không hành động – chỉ ngồi yên và đánh giá – dẫn đến thảm họa một cách chắc chắn.
Thế giới đang bước vào thập niên thứ ba của Thiên niên kỷ thứ ba, dường như rất nhiều chủ nhà, không dám chắc về mối nguy hỏa hoạn hay lũ lụt, đã quyết định không mua bảo hiểm nữa. Tệ hơn nữa, họ cũng không có nhà khác để chuyển đến. Nói cách khác, đây là chiến lược điêu tàn.
Chính những vấn đề này đã thúc đẩy Taleb, Bar-Yam, Norman, và một cộng sự khác, triết gia và nhà hoạt động khí hậu người Anh, Rupert Read, năm 2014, đã viết nên "Nguyên tắc phòng ngừa," một bản nháp cho ghi nhớ tháng 1/2020 đã đề xuất những hoạt động ngay lập tức, nghiêm túc, để ngăn chặn lây lan Covid 19 mặc dù đa phần vẫn còn chưa chắc chắn về đặc tính của nó.
Nguyên tắc phòng ngừa chính là để định hướng cho hành động và chính sách trong trường hợp không chắc chắn và rủi ro "khi việc thiếu vắng bằng chứng và kiến thức khoa học chưa đầy đủ để lại những ẩn ý sâu sắc và sự hiện diện đầy rủi ro của Thiên nga đen, những sự kiện chưa từng thấy, không thể dự báo, có thể gây ra hệ quả cực đoan." Taleb và các tác giả đã viết trong báo cáo năm 2014. Nếu rủi ro của hành động (hay không hành động) là toàn cầu, thì sự không chắc chắn cần được phản ứng phòng ngừa một cách mạnh mẽ.
Những người chỉ trích nguyên tắc phòng ngừa cho rằng nó quá mơ hồ, chủ quan, hoang tưởng, và mâu thuẫn, là kẻ thù của tiến bộ và quá trình kiến tạo và phá hủy không ngừng là trung tâm của chủ nghĩa tư bản. Trạng thái hoảng loạn thường trực không phải là chiêm nghiệm dễ chịu về tương lai. Nó gần như quay lại với lối suy nghĩ đầy cảnh giác của ông cha ta thời tiền sử, lúc nào cũng phải trông chừng có kẻ xâm lược, lúc nào cũng có con thú săn hoang dã ẩn núp trong bụi rậm. Chứng hoang tưởng gây suy nhược, sự nhân rộng các thuyết âm mưu và chủ nghĩa tận thế cũng là những rủi ro gây ra sự tự mãn đến tê liệt.
Thực tế không đến mức này, theo Taleb và các đồng tác giả, vì nguyên tắc thiết lập trong báo cáo năm 2014 chỉ áp dụng cho những mối đe dọa mang tính toàn cầu – những con Thiên nga đen của hệ thống. "Chúng tôi tin rằng nguyên tắc phòng ngừa chỉ nên được mang ra soi xét trong những tình huống cực đoan: khi mà mối nguy tiềm tàng mang tính hệ thống (chứ không chỉ là cục bộ) và hệ quả của nó có thể là sự điêu tàn không thể đảo ngược, ví dụ như nhân loại bị diệt vong hay tất cả sự sống trên hành tinh này tuyệt chủng," họ viết.
"Nguyên tắc phòng ngừa cho phép bạn được thả lỏng với các vấn đề cục bộ," Taleb nói với tôi. Điều này không có nghĩa là các vấn đề cục bộ nên bị bỏ quên; họ chỉ muốn nói là chúng không cần đến những biện pháp cực đoan như được đề xuất trong nguyên tắc phòng ngừa.
Quan điểm phòng ngừa gắn liền với kinh nghiệm của Taleb khi làm nhà giao dịch và cách tiếp cận trước nguy cơ bùng nổ rủi ro. Thị trường tài chính có thể gây ra một nguy cơ mang tính hệ thống đó là sự lây lan – vấn đề tại một phần nhỏ của thị trường có thể lan rộng đến các mảng khác, như một con virus, dẫn đến những phản ứng dây chuyền bùng nổ và hoàn toàn hỗn loạn. Bùng nổ tài chính cũng giống như đại dịch - diễn ra nhanh, tăng theo cấp số nhân, và sức tàn phá lớn. Giải pháp theo Taleb: Đừng nhảy vào sòng bạc rủi ro hệ thống. Tránh xa những con cờ đó. Đừng bước lên máy bay nếu bạn thấy nghi ngờ về phi công. Hãy hoảng loạn từ sớm. Áp dụng các nguyên tắc phòng ngừa. Nói một cách thực tế, đừng dùng tiền vay mượn (hay đòn bẩy) và tự bảo vệ bản thân tránh những cú sụp lớn.
Đó chính xác là những gì ông ấy đã làm cùng với Mark Spitznagel tại Empirica. Họ đã thiết kế một cỗ máy giao dịch sẽ không bao giờ bị nổ tung. Ngược lại, nó còn sống khỏe khi có những vụ nổ tung – đó là, theo cách nói của Taleb, cải thiện nghịch cảnh. Universa đã hoàn thiện chiến lược này.
Chúng ta học được gì từ những ông vua của thời hỗn loạn này về cách thích nghi với một thế giới đang ngày càng có nhiều điểm không chắc chắn, nhiều rủi ro? Hay thậm chí còn tốt hơn, làm thế nào để bảo vệ thế giới tránh được những mối nguy cực đoan? Mặc dù tính nhạy cảm trước các sự kiện cực đoan của Taleb và Spitznagel là nhờ được trui rèn trong thế giới thương mại nhạy bén, không mấy gần gũi với thế giới đen tối của hiện tượng trái đất nóng dần lên, đại dịch, và các đe dọa mang tính hệ thống khác, vẫn có sự hòa hợp nhiều ý nghĩa giữa các lĩnh vực này.
Chiến lược của Taleb và Spitznagel đã hoài thai trong thập niên 1980. Đối với Taleb, đó là từ một trong những vụ bùng nổ thị trường lớn nhất của thời hiện đại – Ngày thứ hai đen tối. Đối với Spitznagel, đó là từ lời khuyên thông thái của một nhà giao dịch kỳ cựu về mặt hàng ngô trên sàn giao dịch đầy quyết liệt của Chicago.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top