Chương 21: Vượt qua điểm bùng phát
Tháng 10/2021, Rupert Read đứng trước tòa ở London. Ông biết mình sẽ bị kết tội. Năm trước đó, ông và hai nhà hoạt động khác đã tiếp cận một tòa nhà tại Westminster là trụ sở của Quỹ Chính sách Nóng lên Toàn cầu, một nhóm chính sách mà theo tờ báo Independent của Anh là "tổ chức phủ nhận biến đổi khí hậu nổi bật nhất" của nước Anh. Tổ chức này đặt dưới sự điều hành của Benny Peiser, là đối thủ của Read tại lễ hội Hay-on-Wye năm 2013.
Các nhà hoạt động đã xịt sơn "Dối trá" lên cổng vào của tổ chức này. Read cầm lấy hũ sơn đỏ và đổ lên bậc thềm.
Read và nhóm nhà hoạt động hôm đó thuộc một nhóm mang tên Writers Rebel, được thành lập để hỗ trợ mục tiêu của Extinction Rebellion. Nhóm này bao gồm những tác giả nổi tiếng như Zadie Smith (tác giả của White Teeth, On Beauty, và nhiều tiểu thuyết khác), Irvine Welsh (Train-Spotting), Margaret Atwood (The Handmaid's Tale và nhiều tác phẩm viễn tưởng khác), và George Monbiot (Heat: How to Stop the Planet Burning), một nhà hoạt động và bảo vệ môi trường người Anh đã từng chết lâm sàng sau khi mắc bệnh sốt rét não tại Kenya. Họ tập họ lại và chặn lối vào Đường Turton, trụ sở của Quỹ Chính sách Nóng lên Toàn cầu. Mark Rylance, diễn viên người Anh từng đoạt giải Oscar (Bridges of Spies, Wolf Hall, The BFG, Don't Look Up) là người đại diện dẫn dắt cuộc biểu tình.
"Những người này chọn cách biến khoa học thành quan điểm," Zadie Smith nói với đám đông. "Họ muốn biến những cảm xúc đau lòng và tội lỗi thật sự về khí hậu thành sự thiếu hiểu biết và phủ nhận tích cực."
"Biến đổi khí hậu do hành động của con người không còn là giả thuyết, không còn là quan điểm, nó là sự thật," Atwood nói trong một thông điệp được ghi hình sẵn. "Phủ nhận sự thật này vì lợi ích của đồng tiền sẽ làm cho loài người tuyệt chủng."
Sau đó, Read, Jessica Townsend, một tác giả người Úc, và Clare Farrell, nhà hành động của XR, tiến đến số 55 Đường Tufton, địa chỉ hoạt động của quỹ, thực hiện hành động phản đối và phá hoại như đã trong cáo buộc. Họ nhanh chóng bị bắt giữ và bị kết tội phá hoại tài sản. Nhóm của họ nổi danh thành Ba người Tufton.
Một năm sau, đứng trước tòa, Read cho rằng ý kiến của bên công tố thật nực cười; họ nói rằng hành động này diễn ra trong tình huống không có đe dọa trực tiếp. "Bào chữa của chúng tôi là Quỹ Chính sách đại diện cho một hiểm họa trực tiếp đang tiếp diễn đối với sự sống," ông nói. "Mỗi ngày trì hoãn hành động do sự chậm trễ hay phủ nhận khí hậu càng nhân lên gấp nhiều lần mối nguy hiểm của một cuộc khủng hoảng vỡ tung ngay trên đầu chúng ta, bao phủ toàn bộ cuộc sống của chúng ta, che lấp tương lai của chính chúng ta."
Ông nói mình biết sẽ bị kết án. Xét về mặt kỹ thuật thì đúng là ông phạm tội đã đổ sơn lên bậc thềm của tòa nhà.
"Nhưng tôi muốn hỏi các ngài là: Các ngài còn muốn tôi làm gì nữa? Tôi còn chỗ nào để thể hiện quan điểm của mình, nếu không làm những gì tôi đã làm? Và nếu không làm lúc này, thì đợi đến lúc nào? Các ngài muốn chúng tôi đợi đến khi bờ bao dòng sông Thames bị ngập sao? Hay đợi đến khi Cung điện Westminster bị ngập?"
Read và các nhà hoạt động đã bị kết tội và phải đóng phí tòa án là 100 pound và chi phí bồi thường là thêm 100 pound nữa.
***
Họ gọi nó là Lucifer. Tháng 8/2021, một đợt nắng nóng chết người quét qua vùng miền nam nước Ý, thiêu đốt Sicily và gây ra đợt nóng kỷ lục cho Châu Âu là 48,8 độC. Cháy rừng chết người diễn ra ở Địa Trung Hải. Tại Algeria, hỏa hoạn đã làm chết 65 người, trong đó có hơn 20 người lính đến dập lửa. Gần 600 trận cháy rừng thiêu rụi khắp nước Hy Lạp, khiến cho Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis phải lên tiếng rằng đất nước này đang đối mặt "thảm họa thiên nhiên với quy mô chưa từng có tiền lệ." Hỏa hoạn tàn phá hơn 1/3 hòn đảo Evia của Hy Lạp. "Những ngày gần đây là những ngày khó khăn nhất cho đất nước chúng ta trong vòng mấy chục năm qua," Mitsotakis nói. "Cuộc khủng hoảng khí hậu tác động đến toàn bộ hành tinh."
Cảnh báo của Mitsotakis cũng không phải là điều gì đáng nói đối với Rupert Read và Jem Bendell, một giáo sư lạnh lùng nghiêm nghị về bền vững tại ĐH Cumbria. Một vài tuần trước khi Lucifer tràn vào Hy Lạp, hai người đã có một tác phẩm chung: Deep Adaptation: Navigating the Realities of Climate Chaos. Thích nghi trong bối cảnh trái đất nóng dần lên thường đề cập đến nỗ lực chuẩn bị cho những thảm họa sắp xảy ra do điều kiện cực đoan của khủng hoảng khí hậu – dựng tường ngăn lũ, gia cố tòa nhà chống chọi với gió và bão lớn, nâng nền cho các công trình lên cao hơn mực nước dự báo. Thích nghi, trong trường hợp này, là một công cụ được dùng kết hợp với một công cụ khác là giảm nhẹ trong cuộc chiến lâu dài nhằm giảm bớt phát thải khí làm cho trái đất nóng dần lên. Mặc dù chúng ta cần đến tất cả mọi nỗ lực để cắt giảm phát thải khí, Read và Bendell cho rằng nhân loại cũng cần phải chuẩn bị, và thích nghi với, những thay đổi không thể tránh khỏi về mặt khí hậu khi mà bầu không khí hiện nay đã nóng hơn trước.
Deep Adaptation đề xuất những thay đổi mang tính biến đổi xã hội như di dời phần lớn dân số khỏi những thành phố nằm dọc theo bờ biển, tái thiết lại quang cảnh đô thị, khuyến khích nông nghiệp địa phương. Tựa sách dựa trên một bài báo gây tranh cãi năm 2018 trong đó Bendell lập luận rằng hiện tượng trái đất nóng dần lên nhanh hơn khiến cho nền văn minh sụp đổ chắc chắn sẽ đến càng nhanh hơn. Bendell đưa ra mốc thời gian là một thập niên. (Ông sau đó đã rút lại tuyên bố rằng sụp đổ là chắc chắn theo nghĩa đen, mà chỉ thừa nhận nó thể hiện quan điểm mạnh mẽ của mình.) "Đã đến lúc chúng ta phải cân nhắc tác động của việc đã quá trễ để ngăn chặn thảm họa môi trường toàn cầu sẽ xảy ra trong quãng đời còn lại của những người đang sống hôm nay," ông viết. "Chúng ta có lẽ sắp phải chơi trò Roulette Nga với hai viên đạn nạp sẵn dành cho toàn bộ nhân loại."
Bài báo được lan truyền rộng. Tạp chí Vice gọi đây là "Bài báo về biến đổi khí hậu đáng sợ đến mức người ta đọc xong phải đi trị liệu."Michael Mann, nhà khoa học khí hậu tại ĐH Penn State đã gọi đây là "cơn bão của sai đường lạc lối." Những người chỉ trích khác cũng lên tiếng tấn công Read vì dám nói với thế hệ trẻ rằng họ có thể không sống sót qua cuộc khủng hoảng khí hậu – họ lo lắng rằng sự bi quan của Bendell có thể gây ra cảm giác tuyệt vọng đến tê liệt khiến người ta không còn muốn hành động để cải thiện.
Read cũng phần nào đồng ý với chỉ trích này. "Tôi thấy quan điểm của Jem về vấn đề này là khiến cho mọi thứ trở nên quá dễ dàng cho mọi người, khi nói rằng sụp đổ là không thể tránh khỏi," ông nói với tôi. "Nhiều người còn thở ra nhẹ nhõm. Cảm giác như được giải thoát về mặt tâm lý. Nó che phủ tính phức tạp của tình hình." Tuy vậy, ông vẫn đồng ý chấp bút cùng với Bendell để viết thành sách – để thể hiện rõ, rằng mặc dù có nhiều điểm bất đồng, quan điểm của họ là sự nguy hại cho xã hội nói chung vẫn gần như là chắc chắn. Read cảm thấy Thích nghi sâu sắc là chính sách bảo hiểm tối ưu trước những tác động tồi tệ của khủng hoảng khí hậu đối với nhân loại.
Đây là sự cân bằng giữa hy vọng và kinh hoàng. Rõ ràng, Bendell cũng không thể nào dự báo sự sụp đổ của nền văn minh nhân loại do hiện tượng trái đất nóng dần lên gây ra với mức độ chắc chắn như đòi hỏi của một công thức toán học. Chủ định của ông ấy cũng chỉ mang tính khoa trương, một nỗ lực đánh thức mọi người cảnh giác trước thảm họa đang rình rập, hay nói như các nhà khoa học trong bộ phim Don't Look up muốn cảnh báo về một sao chổi sắp đụng vào trái đất, "Hãy nhìn lên!"
Nhưng câu chuyện này còn một mặt khác nữa.
***
Lamont Leatherman nghiêng người qua một tảng đá hình quả trứng nằm sâu trong khu rừng tại vùng Piedmont ở North Carolina, một vùng cao nguyên rộng lớn chập chùng nằm bên bờ biển trải dài về phía tây từ Đại Tây Dương đến dãy Appalachian, và thả tay dọc theo con suối nhỏ chạy trên nền đá màu nâu sậm.
"Anh có thể thấy nó ở đây," nhà địa chất học 55 tuổi nói với tôi. "Đó là lithium."
Đó là tháng 2/2021. Leatherman và nhóm khởi nghiệp khai thác mỏ của mình, Piedmont Lithium, là người tiên phong trong nỗ lực phát triển nguồn cung nguyên liệu từ Mỹ để làm ra loại pin lithium có thể sạc lại được, là nguồn năng lượng phổ biến nhất cho các loại xe điện, điện thoại thông minh, máy tính bảng. Piedmont vài tháng trước đã ký hợp đồng cung cấp lithium cho Tesla sau khi mỏ khai thác của họ đi vào hoạt động.
Leatherman đã dành phần lớn cuộc đời sự nghiệp đi tìm vàng và những hàng hóa nóng bỏng khác tại Canada; ông hiện đang sống trên một trang trại blueberry tại Vancouver Island, British Columbia, quê gốc là Piedmont của Carolina. Khu vực này là nơi tìm thấy mỏ lithium đầu tiên trên thế giới, trong thập niên 1950 được dùng để sản xuất các bộ phận làm vũ khí hạt nhân của Mỹ. Leatherman có vóc dáng cao gầy, gương mặt khắc khổ đặc trưng của một người dành phần lớn thời gian ngoài trời; ông hiểu biết rõ rằng vùng đất này giàu chất lithium, là những hòn đá màu nâu lấp lánh ánh bạc nằm rải rác trong sân vườn nơi quê nhà, và đến đầu thập niên 2020 đã trở thành một trong những hàng hóa nóng bỏng nhất trên thế giới.
"Chúng tôi sẽ xây dựng một doanh nghiệp lớn ở đây," CEO của Piedmont, Keith Phillips, nói với tôi. Piedmont đạt giá trị thị trường hơn 1 tỉ đô la tính đến mùa hè 2022. Họ hy vọng một khi mỏ khai thác đi vào hoạt động hoàn toàn, các nhà sản xuất pin sạc của Mỹ sẽ có được nguồn nguyên liệu gần nhà và không còn phải lệ thuộc quá nhiều vào những nhà cung cấp lithium từ Trung Quốc và các nước khác.
Đây là lúc bắt đầu cơn sốt xanh tại Mỹ và nhiều nơi khác; câu chuyện này tôi đã kể trên tờ Wall Street Journal. Tôi đã trao đổi với nhiều người có thgiam vào sự dịch chuyển quy mô này, bao gồm các lãnh đạo tại một số công ty lớn nhất thế giới, giám đốc quỹ phòng hộ, CEO công ty khai thác mỏ, và cả những nhà địa chất học thực địa như Lamont Leatherman.
Sau nhiều tháng đặt dấu chân khắp vùng rừng Carolina với Leatherman, tôi chuyển sang làm hành khách trên một con tàu thuộc sở hữu của công ty năng lượng lớn của vùng Mid-Atlantic là Dominion Energy. Khởi hành từ một cảng tại Biển Virginia, đích đến của chúng tôi là hai tuabin gió khổng lồ nằm ngoài khơi Đại Tây Dương, một trong hai khu vực điện gió ngoài khơi của Mỹ.
Dominion dự định lắp đặt thêm 180 tuabin nữa tại khu vực này, biến nó thành trang trại gió ngoài khơi lớn nhất của Mỹ. "Chúng ta đã bước qua điểm bùng phát" trong quá trình chuyển tiếp sang năng lượng sạch, James Chapman, Tổng giám đốc Tài chính của Dominion lúc đó, nói với tôi. Công ty dự định chi thêm 26 tỉ đô la cho năng lượng sạch tính đến 2026, bao gồm nhiều tỉ đô đầu tư vào gió ngoài khơi.
Piedmont và Dominion và hàng trăm công ty khác đang nỗ lực đẩy nhanh quá trình dịch chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, chủ yếu là động cơ tư lợi, và đặt ra một thách thức khác cho các kịch bản diệt vong được lan truyền bởi những kẻ hoài nghi như Bendell. Những người bi quan về khả năng của nhân loại có thể hạn chế phát thải khí nhà kính vẫn thường làm ngơ, thậm chí còn chỉ trích, một thế lực đang lớn dần đại diện cho niềm hy vọng lớn lao rằng hành tinh này có thể thoát khỏi tác động tồi tệ của khủng hoảng khí hậu: công nghệ năng lượng sạch đang thu hút hết dòng sông, đại dương, tiền của Phố Wall.
Có lẽ tâm lý cứng rắn sau nhiều năm thất vọng đã tạo ra sự hoài nghi trên. Nhiên liệu hóa thạch đã bôi trơn cỗ máy kinh tế toàn cầu suốt nhiều thế kỷ, bắt nguồn từ những mỏ than khởi đầu cho Cách mạng Công nghiệp tại Anh trong thế kỷ 18. Nền kinh tế toàn cầu gần như lệ thuộc đến nghiện phải đốt một thứ gì đó để tạo ra năng lượng. Nông nghiệp quy mô lớn cũng là một nguồn phát thải khí carbon lớn. Nhưng có lẽ, theo suy nghĩ của một số người lạc quan, nếu chủ nghĩa tư bản đưa chúng ta vào mớ hỗn độn này thì nó cũng sẽ vớt chúng ta lên (với sự hỗ trợ của chính sách và chi tiêu của chính phủ). Nếu thế giới thực sự thoát khỏi dầu và khí – được xem như ngành kinh doanh lớn nhất thế giới – và chuyển sang các nguồn năng lượng thay thế khác để góp phần giải quyết sự hỗn loạn của khí hậu, thì sự chuyển tiếp này hứa hẹn trở thành cơ hội làm giàu tuyệt vời cho nhiều thế hệ. Mục tiêu đạt đến nền kinh tế "net-zero" toàn cầu năm 2050 – net-zero có nghĩa là phát thải carbon sẽ được trung hòa bằng hấp thụ carbon, ví dụ như trang trại cây – có thể được xem như là "tái phân phối tư bản lớn nhất trong lịch sử," theo lời của McKinsey & Company, với mức chi tiêu mỗi năm tăng lên từ 1.000 tỉ đến 3.500 tỉ so với hiện nay.
Đã có những dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy nhóm người lạc quan có thể đúng. Đến 2020, năng lượng mặt trời và năng lượng gió đều là nguồn điện giá rẻ hơn so với các nguồn thay thế khác, là kết quả của hàng chục năm nghiên cứu (trong số này có đóng góp lớn của Trung Quốc). Xe điện trước kia là đồ chơi của giới nhà giàu, giờ đây ngày càng có mức giá hợp lý. Chi phí cho pin sạc dùng trong xe điện, vốn dĩ chiếm đến 40% chi phí của chiếc xe, đã giảm 90% so với 2010. Các tấm pin mặt trời cũng có mức giảm tương tự.
Một nghiên cứu năm 2020 của nhóm các nhà khoa học tại Oxford dự báo rằng tỉ lệ chi phí giảm mạnh sẽ vẫn tiếp tục thêm hàng chục năm nữa dựa trên một thước đo mơ hồ gọi là định luật Wright. Theo định luật này, đặt tên theo Theodore Wright, một nhà sản xuất máy bay trong những năm 1930, chi phí của một số công nghệ (ví dụ như máy bay) sẽ giảm 10 – 15% sau mỗi lần sản lượng tăng gấp đôi. Nếu dự báo của Oxford là đúng, thì chi phí sản xuất năng lượng toàn cầu đến năm 2050 sẽ còn giảm nhiều – trong khi lại gây ít tác hơn cho môi trường – so với hiện tại. Như thế, tiết kiệm ròng sẽ là hàng ngàn tỉ đô la, theo các nhà khoa học.
"Đây là sự dịch chuyển kinh tế sâu sắc," Reed Hundt, chủ tịch Ủy ban Truyền thông Liên bang dưới thời Clinton và là nhà sáng lập Liên minh Vốn Xanh, nói với tôi. "Định hướng của thị trường là tìm đến nguồn nhiên liệu giá rẻ nhất – cũng chính là gió và nắng."
Kế hoạch của chính phủ Biden đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển tiếp này khi đổ hàng trăm tỉ đô la chi tiêu liên bang và ưu đãi vào năng lượng sạch và các công nghệ khác có khả năng làm giảm phát thải khí carbon của Mỹ. Và dĩ nhiên, Phố Wall nhanh chóng bám đuôi. Tiền mặt phân bổ cho những tài sản tập trung vào mục tiêu trách nhiệm xã hội và môi trường được kỳ vọng sẽ đạt mức 34.000 tỉ đến năm 2026, từ mức 18.000 tỉ của năm 2021, theo PricewaterhouseCoopers. Những nhà máy điện như Dominion cũng chuyển hàng chục tỉ vào nguồn năng lượng sạch như gió và mặt trời, đóng cửa các nhà máy chạy bằng than. Các công ty sản xuất ô tô cũng chi hàng tỉ đồng vào các nhà máy mới để sản xuất xe điện và pin.
Cuộc cách mạng công nghệ xanh bắt đầu thu hút sự quan tâm từ những nhà đầu tư lớn nhất trên thế giới. Hai ngân hàng lớn nhất của Mỹ là J.P. Morgan Chase và Bank of America trong năm 2021 đã cam kết 4.000 tỉ làm nguồn tài chính cho các hoạt động liên quan khí hậu trong vòng 10 năm tới. Cũng vào khoảng thời gian này, Bridgewater Associates, quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới, đã thành lập một liên danh tập trung vào chiến lược đầu tư bền vững. "Mỗi ngày đều có khách hàng mới mà chúng tôi không nghĩ là sẽ hỏi đến đầu tư xanh, Karen Karniol-Tambour, đồng Tổng giám đốc đầu tư của liên danh, nói với tôi. "Họ nói rằng, 'Đây là một phần trách nhiệm của tôi.'"
Điềm báo về sự dịch chuyển bắt đầu từ 2020 khi Larry Fink, CEO của BlackRock, giám đốc đầu tư lớn nhất thế giới, đã viết rằng biến đổi khí hậu "đã trở thành yếu tố quyết định kỳ vọng dài hạn của các công ty.... Tôi tin rằng chúng ta đang đứng trước cơ hội tái định hình ngành tài chính." Cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ tác động như thế nào đến thị trường trái phiếu đô thị khi các thành phố tìm nguồn vốn cho các dự án hạ tầng? Hiện tượng trái đất nóng dần lên sẽ ảnh hưởng đến thế chấp như thế nào? Giá thực phẩm tăng lên do khí hậu thay đổi sẽ tác động đến lạm phát như thế nào? Các thị trường mới nổi thì sao, khi đó là những nơi dễ bị tổn thương nhất trước những tác động tồi tệ của khủng hoảng khí hậu?
Fink đặt ra những câu hỏi này. Và kết quả là, "Trong tương lai gần, gần hơn so với dự báo của đa số, sẽ có sự tái phân bổ nguồn vốn." (Tuy nhiên, nhóm người hoài nghi tự hỏi Fink có làm theo những gì ông ấy nói nếu như đầu tư vào danh mục xanh mang lại lợi nhuận thấp hơn.)
Ngành kinh doanh hấp thụ carbon thì sao? Nó vẫn còn rất nhỏ, nhưng đang phát triển rất nhanh, và xu hướng này sẽ còn tăng tốc, đặc biệt sau khi Tổng thống Biden thông qua Đạo luật Giảm Lạm phát tháng 8/2022 (đạo luật này không liên quan gì đến giảm lạm phát). Đạo luật này mang lại những động lực lớn cho ngành kinh doanh hấp thụ carbon, ví dụ như khoản tín dụng thuế 180 đô/tấn carbon được loại bỏ khỏi bầu không khí.
Nguồn tiền lớn, lớn nhất, đã ngửi được mùi cơ hội. "Bọn trẻ ngầu nhất đều đang có hoạt động hấp thụ carbon," tờ Wall Street Journal đã ghi nhận vào tháng 2/2021, trong đó ExxonMobil là tập đoàn mới nhất chào đón xu hướng này khi họ thành lập một đơn vị kinh doanh mới nhằm thương mại hóa công nghệ hấp thụ carbon của mình. Trong nhiều năm qua, Chevron, Occidental Petroleum, BHP, công ty khai thác mỏ lớn nhất thế giới, đều trở thành nhà đầu tư của một công ty mang tên Carbon Engineering, được thành lập bởi David Keith, một nhà vật lý học ứng dụng của Harvard được sự ủng hộ của Bill Gates. Năm 2022, Occidental cho biết họ dự định cung cấp nguồn tài chính để phát triển 70 nhà máy Carbon Engineering tính đến 2035. Nhà sản xuất máy bay khổng lồ của Châu Âu, Airbus, Shopify, ThermoFisher đều đã ký kết với Carbon Engineering để chi trả cho việc thu hồi carbon.
Mặc dù sôi động, bài toán thu hồi carbon vẫn vô cùng đau đầu. Mỗi năm có khoảng 25 tỉ tấn CO2 được bơm vào khí quyển từ nhiên liệu hóa thạch và các hoạt động công nghiệp. Mỗi một nhà máy trong số 70 cơ sở Carbon Engineering này chỉ có thể kéo lại 1 triệu tấn mỗi năm. Và để đáp ứng mục tiêu giảm phát thải theo Hiệp định Paris thì nhất định phải có cách thu hồi carbon, dựa trên các kịch bản của Hội đồng Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), cơ quan thuộc LHQ chịu trách nhiệm nghiên cứu về trái đất nóng lên và rủi ro trong tương lai của nó.
Có chuyên gia ước tính cần đầu tư ít nhất 50.000 tỉ, thậm chí lên đến gấp đôi số này, cho năng lượng sạch (gió, mặt trời, pin, hấp thụ carbon ...) đến năm 2050 để đáp ứng mục tiêu của Hiệp định Paris. Rõ ràng, con đường phía trước còn dài, rất dài. Theo một báo cáo năm 2021 của các nhà nghiên cứu tại Princeton, dấu chân net-zero có hiệu quả nhất về mặt chi phí cho trang trại gió tại Mỹ bao gồm một khu vực tương đương với tổng diện tích của Illinois, Indiana, Ohio, Kentucky, Tennessee; trang trại điện mặt trời thì chiếm chỗ của Connecticut, Rhode Island, và Massachusetts.
Sáng kiến đến quy mô này hẳn phải cần nhiều trí tưởng tượng, mà nó cũng cần phải thành tựu với tốc độ ánh sáng. Tuy vậy, những chú mèo béo ở Phố Wall vẫn nhìn thấy vàng trong năng lượng xanh, và lĩnh vực này đang nhận được sự chuyển mình kéo dài và như chưa từng thấy. Năng lượng xanh được xem như ván bài tốt nhất trong 2021 và 2022, thậm chí có thể là của cả thập niên, báo trước một cuộc cách mạng ấn tượng về sản xuất và tiêu thụ điện, hứa hẹn định hình lại nền kinh tế toàn cầu. Một báo cáo công nghệ của McKinsey năm 2022 nhận thấy công nghệ năng lượng sạch đã thu hút được 257 tỉ đô la đầu tư trong năm trước đó, cao hơn bất cứ mọi công nghệ nào khác, kể cả AI, 5G và 6G, và metaverse. Tất cả là nhờ vào những nhà khoa học, nhà địa chất học như Lamont Leatherman, và các giám đốc quản lý tài sản muốn làm giàu nhanh ở Phố Wall đứng sau họ.
Rupert Read tỏ ra hoài nghi, cũng không có gì ngạc nhiên, và cũng có lý do chính đáng. Trong bài phát biểu cảnh báo về sự sụp đổ của nhân loại, ông nói rằng việc đặt hy vọng tái sắp xếp toàn bộ hệ thống năng lượng của thế giới là thiếu cơ sở. "Loại chuyển đổi mà chúng ta đang bàn luận này còn lớn hơn rất nhiều so với công việc chuyển đổi ở quy mô lớn sang năng lượng tái tạo," ông nói. "Chúng ta cũng đang bàn đến việc giảm triệt để lượng vận chuyển hàng hóa và con người trên khắp thế giới, triệt để tái định cư, triệt để thay đổi tập quán canh tác, thay đổi bản chất nền nông nghiệp, triệt để giảm thiểu lượng thịt tiêu thụ. Đó là loại chuyển đổi mà chúng ta chưa từng biết đến."
Read chân thành hy vọng mọi thứ sẽ diễn ra. Nhưng quy mô của quá trình chuyển đổi là sâu sắc nhất và kéo dài nhất về mặt kinh tế và xã hội trong lịch sử, vượt qua các cuộc cách mạng nông nghiệp và công nghiệp của thế kỷ 17, 18. Cuộc cách mạng năng lượng sạch cần phải diễn ra hàng chục năm. "Đây là một ván bài đầy rủi ro khi đặt cược toàn bộ vào một sự chuyển đổi hoàn toàn chưa từng có tiền lệ," Read nói. Ông cũng không tin dù chỉ một micro-giây rằng những ông khổng lồ trong ngành khai thác dầu như Exxon và Occidental hoàn toàn thiện chí khi ném cả đống tiền đầu tư vào hoạt động thu hồi carbon. Ông tin rằng đó chỉ là một cố gắng giả tạo để thổi phồng hy vọng vào công nghệ thử nghiệm mới, tạo ra lớp che đậy xã hội và chính trị trong khi phía sau cánh màn họ vẫn bơm hút khối lượng lớn nhiên liệu hóa thạch từ lòng đất.
Tiền và công nghệ đến nhưng không đủ nhanh, không đủ nhiều. Thời gian đang dần cạn kiệt khi khủng hoảng khí hậu ngày càng tàn khốc và chết người, năm sau cao hơn năm trước. Một nghiên cứu tháng 8/2022 trên tạp chí Nature cho thấy Bắc Cực đang ấm lên với nhanh hơn 4 lần so với các vùng đất khác trên thế giới – hiện tượng này được gọi là khuếch đại Bắc Cực – làm tăng nhanh nguy cơ băng tan và nước biển dâng cao. Một nghiên cứu của UCLA cũng khoảng thời gian này cho thấy vùng Nam California đang đối mặt với nguy cơ ngày càng cao gặp siêu lũ, có thể gây ra thiệt hại lên đến 1.000 tỉ đô la và làm 10 triệu người dân mất nhà cửa. Khi đợt siêu hạn tại vùng Tây Nam của nước Mỹ gia tăng, làm sông ngòi khô hạn và mùa màng xơ xác, các quan chức chính phủ buộc phải giảm lượng nước điều tiết từ Sông Colorado để duy trì mực nước tại Hồ Mead cao hơn mức tối thiểu cần cho hoạt động của nhà máy điện ở Đập Hoover.
Cũng như nhiều hiện tượng thời tiết khác trong một thế giới đang nóng dần lên, những gì diễn ra tại Lưu vực sông Colorado đều là chưa từng có tiền lệ. "Toàn bộ hệ thống sông ở đây đang trải qua một trạng thái chưa từng có," Wade Crowfoot, Giám đốc Sở Tài nguyên California, đã nói với Associated Press.
Và tình hình lại càng tồi tệ hơn khi một thế lực chống đỡ cho trật tự thế giới, nền dân chủ Mỹ, đang đi vào tình trạng hỗn loạn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top