Chương 16: Nền văn minh này sắp diệt vong

Rupert Read hít thở bầu không khí tinh khiết của dãy núi Alps khi bước chân xuống tàu ở Davos Platz. Ông là chính trị gia của Đảng Xanh, triết gia từng theo học tại Oxford, phát ngôn viên cho nhóm môi trường Extinction Rebellion, một người bảnh bao, gọn gàng, với mái tóc màu hung.

Ông đang đứng ngay trong hang ổ của con quái vật: Davos, Thụy Sĩ, nơi diễn ra cuộc họp thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tập họp những người có tiếng nói, có tầm ảnh hưởng, tự nguyện, những nhà triệu phú và tỉ phú, những chính trị gia và nhà hoạch định chính sách, trên cả hành tinh. Đó là tháng 1/2020. Read vừa trải qua 14 giờ trên những chuyến tàu khác nhau từ London đến khu nghỉ dưỡng tuyết phủ vì không muốn sử dụng phương tiện máy bay thải ra quá nhiều khí carbon (chuyến bay đáng lẽ chỉ mất 1,5 giờ từ Heathrow). Ông đắm chìm vào phong cảnh mê hoặc dọc đường, vùng nông thôn nước Pháp đẹp như tranh vẽ, những đỉnh núi nhấp nhô trong sương của dãy Alps. Nhưng chuyến đi này đúng thật là quá sức mệt mỏi. Khi đến nơi, ông hiểu rằng có rất nhiều người đến tham dự bằng máy bay riêng. Theo thiển ý của ông, máy bay riêng không nên tồn tại trên thế giới này. Chúng cần bị dẹp bỏ.

Hy vọng không chỉ là hy vọng, Read, một giảng viên triết học tại ĐH East Anglia, đã có chuyến hành trình đến Davos mang theo một kế hoạch tự ông cũng biết là viễn vông. Nếu ông ấy có thể thuyết phục chỉ cần vài tỉ phú đóng góp một phần rất nhỏ từ khối tài sản của họ cho các hoạt động chống lại hiện tượng trái đất nóng dần lên, thì nó sẽ góp phần đạt được những thành tựu mà hàng chục cuộc biểu tình của Extinction Rebellion cũng không làm được (ông ấy đã bắt đầu hoài nghi về tương lai của các nhóm biểu tình nếu họ không có được sự đóng góp tiền bạc đáng kể để mở rộng). Chuyến đi lần này là dấu hiệu cho thấy ông đã đi đến tuyệt vọng. Giới tinh hoa toàn cầu có mặt tại Davos, với những chiếc máy bay riêng, những dinh thự, xe hơi sang trọng, là những người góp phần lớn gây ra trái đất nóng dần lên. Đó là chưa kể đến những tập đoàn ngốn nhiên liệu hóa thạch do họ điều hành. Tuy nhiên, Read cảm thấy vẫn có cơ hội. Nếu chỉ một số ít trong nhóm những người siêu giàu trên thế giới gia nhập "Billionaires Rebellion," thì cũng đủ làm thay đổi cuộc chơi.

Trong một cuộc họp riêng dưới sự chủ trì của Ngài Adair Turner, chủ tịch Ủy ban Chuyển giao Năng lượng của diễn đàn, Read đã tiếp cận một số nhà công nghiệp hàng đầu thế giới, bao gồm một lãnh đạo cấp cao của một tập đoàn dầu khí. Nền văn minh nhân loại đang đứng trước nguy cơ sụp đổ nếu không có những hành động thiết thực để cắt giảm mạnh lượng khí phát thải, ông nói. Đồng thời, thế giới cũng cần có các biện pháp thích ứng để đối mặt với các thế lực hủy diệt sắp đến – như siêu bão, mực nước biển dâng cao, mùa màng bị khô hạn, ông nói. Tình hình có lẽ đã quá trễ, ông cảnh báo. Việc cần thiết là phải tái phân phối tài sản ở quy mô lớn để giúp cho người dân ở những nước nghèo nhất bị ảnh hưởng nhất trước đợt tấn công lớn sắp tới. Ông trùm dầu mỏ ngồi dưới ghế khán giả không thấy thoải mái.

Vị lãnh đạo này có lẽ còn không thoải mái hơn nếu gặp Greta Thunberg, nhà hoạt động tuổi teen về khí hậu với tài hùng biện nảy lửa khiến giới thượng lưu ở Davos cũng phải nhăn mặt nhíu mày. (Trong năm trước đó, cô ấy đã lên trang nhất khi nói với khán giả, "Tôi không cần sự hy vọng của các ngài. Tôi cần các ngài phải hoảng loạn.") Trong bài phát biểu năm 2020 nhan đề "Ngăn chặn Ngày tận thế Khí hậu," cô đã kết tội các lãnh đạo thế giới vì thiếu hành động:

"Những kế hoạch hay chính sách của các ngài nếu không bao gồm việc cắt giảm khí thải triệt để tại nguồn ngay từ hôm nay thì đều hoàn toàn không đủ sức đáp ứng cam kết tăng tối đa 1,5 độ trong thỏa thuận Paris. Các ngài nói trẻ em thì không nên lo lắng. Các ngài bảo hãy cứ để mọi việc cho các ngài lo liệu. Các ngài sẽ khắc phục. Các ngài hứa hẹn sẽ không để chúng tôi thất vọng. Đừng bi quan như thế. Và rồi, chẳng có gì cả. Im lặng."

Thunberg và cha, Svante, đã đi cùng Read trong chặng đầu tiên của hành trình xe lửa quay về London. Giáo sư đã tặng cho Greta một bản in tác phẩm của mình This Civilization is Finished, phát triển từ một bài phát biểu về tình trạng khẩn cấp của khí hậu mà ông đã trình bày khắp nước Anh trong nhiều năm về trước. Read và cha của Thunberg đã trao đổi với nhau nhiều giờ về hiệu quả của các hoạt động phi bạo động, là chiến lược phản kháng của Extinction Rebellion tại London trong năm 2018 và 2019 đã thu hút được sự chú ý của quốc tế (và sự lên án của nhiều người).

Read rời khỏi Davos trong thất vọng, nhưng cũng không mấy ngạc nhiên. Các tỉ phú nói rất hay về việc ngăn chặn trái đất nóng dần lên, nhưng cuộc trao đổi trở nên gượng gạo khi nhắc đến tiền bạc. Đặc biệt nếu không có lời hứa về một hũ vàng đặt ở chân cầu vồng năng lượng sạch. Cũng giống như Thunberg, ông đã bắt đầu quen với sự thất vọng trước quan tâm ít ỏi của thế giới về việc trái đất nóng dần lên.

Nhiều tuần sau hội thảo, khi Covid-19 bắt đần lây lan trên các lục địa, Read nhận được một tài liệu mật từ ông lớn ngân hàng của Mỹ là J.P. Morgan – một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho các công ty khai thác nhiên liệu hóa thạch – đưa ra lời cảnh báo cấp thiết về trái đất nóng dần lên. "Chúng ta không thể loại trừ hệ quả thảm khốc là cuộc sống của nhân loại như hiện nay đang bị đe dọa," báo cáo đề ngày 14/1/2020 đã viết. "Mặc dù không thể có tiên đoán chính xác, rõ ràng Trái Đất đang đi theo một quỹ đạo không bền vững. Một lúc nào đó ở một điểm nào đó phải có sự thay đổi, để cho nhân loại còn tồn tại."

Những kẻ hoài nghi có thể bác bỏ những kêu gào của Ruperb Read hay Greta Thunberg rằng nền văn minh sắp diệt vong, nhưng đây lại là chính J.P. Morgan tự vặn vẹo để viết ra rủi ro cho sự tồn vong và các vấn đề diệt vong. Read chuyển báo cáo này cho tờ Guardian, và họ đã có một bài viết nhan đề "Kinh tế gia của JP Morgan Cảnh báo Khủng hoảng Khí hậu là Nguy cơ cho Nhân loại." (Tờ New Republic đặt một nhan đề thu hút chú ý hơn: "Hành tinh đã hỏng rồi, Theo lời của ngân hàng đã làm hỏng hành tinh.") Read không cần đến các kinh tế gia của J.P. Morgan nói cho ông biết rằng hiện tượng trái đất nóng dần lên là một nguy cơ cho sự tồn vong. Ông đã đưa ra kết luận này từ nhiều năm trước.

Năm 2016, ông đã bắt đầu phát biểu trên khắp nước Anh một nội dung đáng lo ngại "Nền văn minh này sắp diệt vong: Cần phải làm gì đây?" Đây là một bản cáo trạng tối tăm không khoan nhượng về phản ứng của nhân loại trước nguy cơ từ khí hậu và lời kết án thế giới cứ bám lấy nhiên liệu hóa thạch khi đứng trước những thứ mà ông tin rằng là thảm họa tàn phá nhân loại do khí hậu gây ra. Nền văn minh hoạt động bằng nhiên liệu hóa thạch này, Read nói, đang trong cơn đau hấp hối. Tháng 10/2018, ông có bài phát biểu trước sinh viên và giảng viên của Churchill College, ĐH Cambridge.

"Những gì tôi muốn nói với quý vị hẳn là có phần ảm đạm. Đó là thế này," ông mở đầu. "Là các lãnh đạo đã làm bạn thất vọng, chính phủ đã làm bạn thất vọng, phụ huynh và thế hệ của họ đã làm bạn thất vọng, giáo viên đã làm bạn thất vọng. Và tôi cũng đã làm bạn thất vọng. Điều tôi muốn nói là tất cả chúng ta đều đã không thể cảnh báo đầy đủ và ngăn chặn biến đổi khí hậu nguy hiểm để nó đã diễn ra ngay lúc này, sẽ đến, và chắc chắn sẽ còn diễn biến tồi tệ hơn. Chắc chắn là thế. Và chính vì những thất bại đó mà tôi lo ngại thay cho quý vị. Tôi lo ngại nhiều người trong số quý vị có thể không sống được đến già."

Đó là một tuyên bố gây sốc, một tuyên bố khiến Read phải chịu nhiều đau đớn, vì một số nhà hoạt động khí hậu đồng môn cảnh báo rằng cách nói chuyện "mang tính tận thế" có thể khiến người ta bỏ cuộc, thay vì truyền cảm hứng cho họ hành động. Có người cho rằng nó khiến cho trẻ em có suy nghĩ tự tử. Nhưng cũng có nhiều người lặng lẽ đồng ý rằng lời cảnh báo thảm khốc này cũng không hoàn toàn cực đoan hay gây sợ hãi như thoạt nghĩ. Niềm tin rằng thế giới sẽ đạt được mục tiêu tăng tối đa 1,5 độ theo như Hiệp định Paris 2015 đang ngày càng mỏng manh khi người ta chứng kiến khí thải carbon vẫn tiếp tục tăng cao khắp nơi trên thế giới, và không có nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ có hành động xứng đáng ngoại trừ những lời hứa suông đã làm Greta Thunberg nổi giận. Thực tế, năm 2018, thế giới dường như còn đi thụt lùi. Chính phủ Trump đã rút lui khỏi Hiệp định Paris. Brazil bầu lên một tổng thống theo cánh cực hữu, Jair Bolsanaro, hứa hẹn sẽ mở cửa rừng Amazon để làm nông nghiệp và công nghiệp. Trung Quốc tiếp tục xây dựng các nhà máy điện chạy bằng than với tốc độ chóng mặt.

Bài phát biểu của Read đã lan truyền trong nhóm các nhà hoạt động môi trường tại Anh. Gail Bradbrook, một nhà sinh lý học phân tử, cũng giống như Read, đang ngày càng lo sợ về việc trái đất nóng dần lên, đã nghe được bài phát biểu của Read với sinh viên năm nhất tại East Anglia. Bradbrook và một nhóm nhỏ các nhà hoạt động đang thảo luận về khả năng thành lập một nhóm môi trường cấp tiến mới, tập trung vào hiện tượng trái đất nóng dần lên và loài vật tuyệt chủng. Họ sẽ gọi nó là Extinction Rebellion, hay XR. Họ sẽ áp dụng các hình thức trực tiếp phi bạo động, theo gương Gandhi và phong trào nhân quyền Mỹ để nâng cao nhận thức về thảm kịch sắp xảy đến cho nhân loại. Bà ấy muốn Read cùng tham gia thành lập nhóm.

Read nói với bà rằng XR nên chú trọng phương pháp tiếp cận triết học đối với các hành động vì khí hậu, dựa trên nguyên tắc phòng ngừa. Một chiêu trò phổ biến của những người hoài nghi và chối bỏ và các tập đoàn đối với biến đối khí hậu để bảo vệ các hành động gây hại của mình là chỉ ra sự thiếu chắc chắn của khoa học và các mô hình phức tạp đang được sử dụng để tính toán. Ngay cả những mô hình tốt nhất cũng chứa đầy các yếu tố không chắc chắn về tác động của việc gia tăng khí phát thải. Nhiệt độ sẽ tăng cao như thế nào, vào lúc nào? Tác động của nó là gì, và có phải đều là tác động xấu? Mây tạo ra do bầu khí quyển nóng dần lên có đẩy nhanh quá trình tăng nhiệt độ của bầu khí quyển hay sẽ làm chậm lại vì nó phần nào che chắn ánh nắng mặt trời (tin xấu là, có khả năng nó đẩy nhanh)? Đứng trước những điểm thiếu chắc chắn như thế, họ nói, tại sao lại phải có các hành động quyết liệt, tốn kém, gây hại cho nền kinh tế, ví dụ như cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch, tại sao không đợi cho đến khi chúng ta có thêm thông tin? Hãy nghĩ tới người nghèo, họ cũng cần sử dụng năng lượng với giá rẻ chứ.

Nguyên tắc phòng ngừa sẽ đặt dấu chấm hết cho lập luận này. Khoa học có thể chưa chính xác, nhưng nguy cơ, bao gồm sự diệt vong của nhân loại và khả năng tuyệt chủng, là rất lớn không thể không hành động. Các mô hình đáng tin cậy vào thời điểm này tiên đoán nếu khí phát thải tiếp tục như dự báo, nhiệt độ trung bình của Trái Đất có 10% khả năng sẽ tăng đến 6 độ so với nhiệt độ trước thời kỳ công nghiệp tính đến cuối thế kỷ; kết quả này quả thực là thảm họa với một tỉ lệ xác suất lạnh người. Muốn nhảy thì phải nhìn, nguyên tắc là vậy. Hay tốt hơn là đừng nhảy. Đặc biệt là khi các mô hình khí hậu có thể không đúng, theo Read cảm nhận. Rủi ro có thể còn tồi tệ hơn rất nhiều so với các tính toán hiện tại. Khả năng của một rủi ro hy hữu đáng sợ không được tính đến trong các mô hình khí hậu vẫn luôn bị những người hoài nghi bỏ qua.

Read và Bradbrook gặp mặt nhau lần đầu tiên vào ngày 31/10/2018, tại All Hallows' Eve, trước Quốc hội ở London để chính thức giới thiệu XR. Khẩu hiệu của họ: "Đây là trường hợp khẩn cấp!" và "Chúng ta tiêu rồi!" Tin tức lúc này tràn ngập hình ảnh của trận lụt kinh hoàng nhấn chìm hơn một nửa thành phố Venice dưới hơn một mét nước. Greta Thunberg, lúc này còn là nhà hoạt động khí hậu 15 tuổi chưa có nhiều tiếng tăm từ Thụy Điển, phát tờ rơi có nội dung "Tôi làm điều này vì người lớn đang hủy hoại tương lai của tôi." Tờ Guardian một tháng trước đã giới thiệu cô gái với thế giới. "Đứng trước mùa hè nóng nhất trong lịch sử của Thụy Điển, Greta Thunberg đã quyết định nghỉ học và biểu tình trước quốc hội để gây sức ép hành động lên các chính trị gia. Tại sao phải bận tâm học hành trong trường nếu các chính trị gia không quan tâm đến sự thật?"

Thunberg đứng đối diện đám đông dưới cái nắng thiêu đốt của Quảng trường Quốc hội trước bức tượng của cựu thủ tướng Anh David Lloyd George của đảng Tự do; Read mặc chiếc áo chẽn màu xanh, thắt cà vạt, khoác áo đen, cặp kính gọng đen đong đưa trên cổ, đứng ngay sau lưng cô gái, ủng hộ tinh thần cho cô. Đây là lần đầu tiên cô phát biểu trước khán giả quốc tế. "Trong vấn đề sống còn, không thể có vùng xám," cô nói, những người đứng gần sẽ lặp lại từng câu vì loa phóng thanh không đủ công suất cho cả đám đông lớn đang tụ tập. "Chúng ta hoặc sẽ tiếp tục là một nền văn minh, hoặc sẽ chấm dứt. Chúng ta phải thay đổi."

Sau khi cô gái kết thúc, Read cầm lấy micro. "Greta Thunberg đây mọi người!" ông cổ vũ. "Một anh hùng phi thường. Thắp sáng con đường đến tương lai."

Thế nhưng bản thân Read thì không quá lạc quan về tương lai. Tương lai làm ông ấy khiếp sợ.

***

Khi còn là một đứa trẻ lớn lên ở London, Read thích đi du lịch ra khỏi thành phố, đến khu Lake District, nơi gia đình bên ngoại của ông đang sinh sống. Ông thường lang thang một mình hàng giờ trên những ngọn đồi xanh nhiều tầng từng là nguồn cảm hứng cho những nhà thơ lãng mạn như William Wordsworth và Samuel Taylor Coleridge (và cả tác giả Beatrix Potter của Thỏ Peter). Là một học sinh siêng năng, ông có kết quả tốt ở trường và được nhận vào Balliol College thuộc ĐH Oxford. Tại đây, ông làm quen với một học giả khác của Ballioi, thủ tướng Anh tương lai Boris Johnson. Sau khi tốt nghiệp năm 1987, ông chuyển sang Mỹ, học tiếp Tiến sĩ triết học tại ĐH Rutgers, chuyên nghiên cứu về các tác phẩm bí ẩn của nhà tư tưởng người Áo có tầm ảnh hưởng là Ludwig Wittgenstein.

Nước Mỹ gây sốc cho Read, với tình trạng ô nhiễm công nghiệp tràn lan ở miền bắc New Jersey, những buổi chiều hoàng hôn màu sắc được nhuộm bằng hóa chất trong không khí, khoảng cách thấy rõ giữa giàu và nghèo, trắng và đen. Ông bắt đầu trở nên cực đoan về mặt chính trị và gia nhập đoàn biểu tình phản đối trò chơi bắn chim bồ câu hàng năm tại Hegins, Pennsylvania, cố gắng dựng lên vách ngăn giữa những người thợ săn và bầy chim xấu số. Ông gia nhập phong trào Mùa hè Redwood của EarthFirst! tại California, phản đối việc phá hoại các khu rừng già để lấy gỗ (một phần của Cuộc chiến Gỗ trong thập niên 1990).

Quay trở lại nước Anh vào giữa thập niên 1990, Read được nhận vào khoa triết của ĐH East Anglia. Norwich, nơi tọa lạc của ngôi trường này ở vùng bờ biển phía đông nước Anh, sớm trở thành điểm nóng về môi trường. Năm 2004, Read được bầu làm ủy viên hội đồng cho Đảng Xanh của Norwich. Ông tham gia phong trào bất tuân dân sự để phản đối tên lửa hạt nhân Trident. Ông từng gây náo loạn tại cuộc họp của Hạ viện Anh vì muốn có hành động trực tiếp phản đối việc sử dụng bom chùm tại Iraq. Vì việc này, ông đã bị tạm giam một buổi chiều tại phòng giam nhỏ ở Cung điện Westminster.

Đến cuối thập niên 2000, Read bắt đầu tập trung vào vấn đề khí hậu. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng về chủ đề này, ông tình cờ tìm thấy một báo cáo năm 2001 của Cơ quan Môi trường Châu Âu nhan đề "Những bài học muộn màng từ những cảnh báo sớm: Nguyên tắc phòng ngừa 1896 – 2000." Báo cáo này xem xét một loạt các tranh cãi về môi trường, y tế, hóa chất, trải dài từ ngành ngư nghiệp của Anh trong thế kỷ 19 đến phóng xạ đến amiang, và khả năng áp dụng nguyên tắc phòng ngừa cho những trường hợp này (hiện tượng trái đất nóng dần lên chỉ được nhắc sơ qua, và một báo cáo năm 2013 mới thật sự chú trọng đến nó). Read bắt đầu nghiên cứu lịch sử lâu dài và phức tạp của nguyên tắc phòng ngừa và cảm thấy đây chính là khuôn mẫu để đối phó với nguy cơ ngày càng tăng của hiện tượng trái đất nóng dần lên và những mối nguy và thảm họa sắp diễn ra.

Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 khiến Read lo lắng. Ông ấy kinh ngạc trước sự liều lĩnh của các ngân hàng và quỹ phòng hộ. Ông cho rằng đây là một ví dụ hoàn hảo cho việc áp dụng nguyên tắc phòng ngừa ngăn chặn các chủ ngân hàng đẩy thế giới đến bờ vực thẳm. Và cũng lúc này ông tình cờ biết đến các tác phẩm của Nassim Taleb.

Tháng 9/2012, Read mời một nhóm diễn giả đến tham gia chuỗi bài giảng tại ĐH East Anglia về triết học và Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu. Trong số các diễn giả này có Taleb, và bài phát biểu có nội dung "Sự mờ ám, bất đối xứng, và đạo đức," các chủ đề trong Cải thiện nghịch cảnh.

Sau bài giảng, Taleb và Read chụm đầu tại một quán rượu ở địa phương, nhấm nháp rượu whiskey. Họ khá hợp nhau, cùng chung quan điểm rằng thế giới đang đánh giá quá thấp rủi ro của Thiên nga đen. Read tiễn Taleb đến ga xe lửa gần đó.

"Anh có cần hỗ trợ tiền đi lại không?" ông hỏi.

Taleb bật cười. "Rupert, anh có biết là tôi đánh cược ngược lại các ngân hàng không?" ông trả lời, ý muốn nói đến thắng lợi tại Universa. "Tôi biết họ không quan tâm đến rủi ro các sự kiện hy hữu. Vậy nên, tôi không cần trường đại học hỗ trợ tiền đi lại đâu."

"Đúng vậy," Read cười và nói. "Một điều này nữa, Nassim, trước khi anh đi, tôi không hiểu tại sao anh không nhắc đến nguyên tắc phòng ngừa. Từ góc nhìn của tôi, thật ra đó chính là cốt lõi của những gì anh nói."

Taleb nhíu mày suy nghĩ một lát. "Rupert này, anh nói đúng đấy," ông nói. "Chúng ta nên viết một quyển sách về chủ đề này. Anh và tôi."

Sau khi quay về Mỹ, Taleb bắt đầu tìm hiểu kho tài liệu phong phú về nguyên tắc phòng ngừa. Ông không nhớ rằng George Church, nhà di truyền học tại Harvard, đã từng nhắc đến nguyên tắc này trong bài trình bày năm 2009 tại cuộc hội nghị Brockman's Edge tại SpaceX của Elon Musk. Nhưng ông vẫn nhớ cảm giác vô cùng không thoải mái đến buồn nôn của mình về các chủ đề được trình bày ở đó, ví dụ như can thiệp vào ADN và khả năng một ngày nào đó phát sinh từ phòng thí nghiệm của một trường trung học một chủng bệnh đậu mùa kháng được các loại vắc xin – một rủi ro mà ông gọi là "thành phố hy hữu."

Chẳng mấy chốc, Taleb và Read đã bắt tay vào tóm tắt quan điểm của mình cho bài báo đồng tác giả nhan đề "Nguyên tắc phòng ngừa."

***

Tháng 3/2013, Taleb nhận được một lá thư công khai từ nhạc sĩ và nhà sản xuất Brian Eno. Lá thư được gửi trên trang web Longplayer, một sáng tác âm nhạc dài 1000 năm, bắt đầu từ ngày 31/12/1999 mà Eno có tham gia.

Eno thiết kế lá thư số này như một loại chuỗi thư chuyển tiếp. Taleb sẽ phải soạn câu trả lời và gửi đến một nhân vật trí thức khác, và câu trả lời của người lại được gửi đến một người khác nữa. Lá thư của Eno gửi cho Taleb là điểm khởi đầu cho chuỗi dây chuyền này.

Lá thư này đề cập đến một vấn đề hiện hữu của xã hội hiện đại – rằng chúng ta có cái nhìn thiển cận, chỉ tập trung vào thời điểm trước mắt, báo cáo doanh thu hàng quý, chiến dịch tranh cử kế tiếp, thời tiết của ngày mai. Tình hình này trước kia đâu phải như thế, Eno nói. Những người nông dân trồng olive hay những người thợ xây nhà thờ luôn nghĩ xa hàng thế hệ, gầy dựng những trang trại chỉ được thu hoạch sau hàng chục năm, trồng những hàng cây sồi để hàng trăm năm sau có gỗ sửa chữa mái nhà thờ. Con người hiện đại dường như đã đánh mất năng lực tư duy về nguy cơ cho thế hệ. Hãy xem lại thảm kịch hạt nhân tại Fukushima, nhà máy điện của Nhật đã sụp đổ khi gặp sóng thần năm 2011. Mặc dù đây là một thảm họa nghiêm trọng, không có trường hợp tử vong nào do phóng xạ. Nhưng đây không phải là thông điệp được truyền đi trên truyền thông. "Nó trở thành một phần nhỏ trong quan điểm được ghi nhận, hoàn toàn không đúng, rằng Hạt nhân = Fukushima = Thảm kịch," Eno viết. Hệ quả không may là: các nước như Đức đã quyết định ngừng hoạt động lò phản ứng hạt nhân và thay thế bằng các nhà máy nhiệt điện đốt than. "Như vậy thảm kịch thật sự từ Fukushima chính là tương lai," Eno viết, "một tương lai đang chờ đón chúng ta với bầu khí quyển có lượng khí CO2 tăng lên rất cao."

Eno muốn tái lập năng lực tư duy xuyên qua nhiều thế hệ. Điều này không hề dễ dàng. "Những người nông dân trồng olive và những người thợ xây nhà thờ kia ... họ có một thứ mà chúng ta không có: họ cảm nhận tương lai sẽ không khác nhiều so với hiện tại. Chúng ta thì ngược lại, có thể dám nói chắc rằng điều này không đúng. Vì vậy câu hỏi đặt ra là: làm thế nào chúng ta có thể nghĩ đến việc thiết kế cho một tương lai mà chúng ta không thể nào hình dung nổi?"

Câu trả lời của Taleb được trích trực tiếp từ nghiên cứu của ông với Rupert Read và những bài học từ Cải thiện nghịch cảnh. "Nếu tôi bị một hòn đá lớn rơi trúng đầu thì tôi sẽ bị thương nặng hơn rất nhiều so với việc liên tục bị ném sỏi với tổng khối lượng bằng của hòn đá kia," ông viết.

Hòn đá lớn là vấn đề tồn vong của Taleb.

"Từ nguyên lý này, chúng ta hãy áp dụng nó vào cuộc sống trên trái đất," ông viết. "Đây là nền tảng của Nguyên tắc Phòng ngừa không hề ngây thơ mà triết gia Rupert Read và tôi đang trong quá trình phát triển, đưa ra những gợi ý chính xác cho chính sách của quốc gia và cá nhân. Mọi thứ chảy xuôi từ nguyên tắc phản ứng phi tuyến tính, theo lý thuyết là vậy."

Nguyên tắc 1 – Hiệu ứng quy mô. Mọi việc bạn làm trên trái đất này có tác hại lớn hơn rất nhiều nếu làm với quy mô lớn. Do đó chúng ta cần chia nhỏ nguồn gây hại càng nhỏ càng tốt (miễn là chúng không tương tác với nhau). Giả sử chúng ta giảm lượng phát thải khí carbon 20% thì chúng ta có thể giảm tác hại của nó hơn 50%. Ngược lại, chúng ta có thể đối mặt nguy cơ tăng gấp đôi khi chỉ cần tăng lượng phát thải 10%.

Các nguyên tắc khác bao gồm: tránh xa các hệ thống quy mô lớn, chỉ huy và kiểm soát từ trên xuống, rất dễ chịu tác động của sai lầm của con người và tuyên truyền gây hại rộng rãi; ủng hộ các hệ thống cục bộ, phi tập trung vì sai lầm trong từng khu vực không lan ra toàn hệ thống; và ủng hộ tự nhiên hay vì nhân tạo. "Tự nhiên có khả năng điều tiết thống kê tốt hơn con người, có thể tạo ra hàng ngàn tỉ sai lầm hay biến thể mà không để lại hậu quả diệt vong." Trong các hệ thống phức hợp "sẽ không thể nào nhìn thấy hậu quả của một hành động tích cực (theo định lý Bar-Yam), do đó người ta cần cô lập sai lầm và biến nó thành sự kiện hy hữu có tác động nhỏ, giống như cách làm của tự nhiên."

Một ví dụ về tác động chính sách của những nguyên tắc và quy luật này là sinh vật biến đổi gene (GMO), Taleb viết. GMO, theo đúng nghĩa đen của nó, là những sinh vật đã được biến đổi gene bằng cách chèn vào ADN của các loài khác, ví dụ như vi khuẩn hay virus, vì những mục đích cụ thể. Cà chua kháng bệnh bạc lá. Bắp ngô có thể tiết ra chất độc khi gặp loài bướm gây hại. Lúa có thể trồng tại những khu vực sa mạc khô cằn nhất thế giới. Lúa mì (về lý thuyết) không bị tổn hại trước liều lượng thuốc diệt cỏ khổng lồ. GMO không giống như ngũ cốc (hay động vật) được lai tạo, vốn dĩ là một phương pháp tiến hóa có từ lâu đời. Khoa học phát minh ra GMO chỉ mới có từ ba thập niên gần đây. Những kết quả biến đổi này có thể mang lại lợi ích ngắn hạn và nuôi sống thêm nhiều người, nhưng về dài hạn, sau nhiều thế hệ, nó có thể để lại tác động thảm họa trên quy mô toàn cầu, và rủi ro này đáng lẽ không nên có ngay từ đầu, Taleb cảnh báo.

Taleb gửi thư đến cho Steward Brand, là người sáng lập tạp chí Whole Earth Catalog, chủ tịch Long Now Foundation, với mục tiêu là thúc đẩy tư duy dài hạn. Taleb từng gặp qua Brand tại hội thảo Brockman tại SpaceX năm 2009, và ông bị sốc trước câu trả lời của Brand. "Khoa học về kỹ thuật di truyền có tính chính xác cao hơn nhiều so với lai tạo giống chọn lọc, và vì thế nó còn an toàn hơn," Brand viết. "Tôi nghĩ bóng ma trong câu chuyện GMO là một ý tưởng sai lầm về khả năng lây lan. Người ta hình dung là bất kỳ đoạn gene được cấy ghép nào cũng giống như một con virus gây bệnh dịch được thả vào môi trường. Nó có thể tác động đến mọi thứ, hay nó có thể ẩn núp suốt nhiều năm, và rồi đột ngột xuất hiện gây thảm họa. Nhưng gene không hoạt động theo cách nghĩ này."

Taleb vô cùng kinh ngạc phát hiện Brand là người ủng hộ nhiệt tình cho GMO suốt nhiều năm. Đáng lẽ ông đã phải nhìn thấy chuyện này từ trước. Tác phẩm năm 2010 của Brand có nhan đề Whole Earth Discipline: Why Dense Cities, Nuclear Power, Transgenic Crops, Restored Wildlands, Radical Science, and Geoengineering Are Necessary là bài ca ngợi các giải pháp công nghệ đột phá cho những căn bệnh của thế giới, bao gồm cả GMO. Quyển sách này "ca ngợi công nghệ đến mức ngay cả người phát ngôn cho Monsanto cũng phải đỏ mặt," một bài đánh giá trên tờ Financial Times đã viết.

Đó là một quan điểm cũ của Brand. "Chúng ta giống như những vị thần," ông viết trong Whole Earth Catalog, xuất bản lần đầu tiên năm 1968, "và chúng ta nên làm tốt trách nhiệm của mình."

Quan điểm này không được sự ủng hộ của Taleb, hay Rupert Read.

***

Tháng 5/2013, Taleb và Read di chuyển đến Hay-on-Wye, một thị trấn yên tĩnh tại Wales, để tham gia lễ hội âm nhạc và triết học nổi tiếng mang tên HowTheLightGetsIn, dựa trên lời một bài hát nổi tiếng của Leonard Cohen. Trong một tranh luận về tâm linh và tự nhiên, Read đối đầu với Benny Peiser, giám đốc Global Warming Policy Foundation, một nhóm hoạt động tại London nổi tiếng là kích động chống lại các hoạt động nhằm giải quyết vấn đề được nêu trong chính cái tên của nhóm.

Peiser nói với khán giả rằng ông ấy xuất phát từ truyền thống nhân văn, giác ngộ, và than phiền rằng các nhà hoạt động môi trường cực đoan, những kẻ gây chuyện mà ông gọi là "Deep Greens – Xanh thẳm," đang làm suy yếu nhân loại khi đặt con người ngang hàng với tự nhiên. Thực tế, ông nói, con người có "vai trò đặc biệt" trên trái đất.

"Tôi nhìn các vấn đề môi trường từ góc độ xã hội và đạo đức," ông nói. "Vì vậy tôi nghĩ chúng ta là những người chấp nhận rủi ro. Con người không thể nào tránh khỏi việc phải chấp nhận rủi ro. Nó giống như thử và sai. Đó là cách mà chúng ta đã tiến hóa. Đó là cách đưa chúng ta đến với con người như ngày nay. Thế nên quan điểm của tôi là con người thì phải có sai lầm và muốn tiến bộ thì phải chấp nhận rủi ro. Và nó bao hàm cả việc cân bằng giữa bảo vệ môi trường và can thiệp vào môi trường."

Khủng hoảng khí hậu và những nguy hại môi trường khác đều là những rủi ro có thể đo lường, ông nói. Chúng ta cần phải suy nghĩ cẩn trọng về chi phí và đánh đổi nếu muốn điều chỉnh nó. Thực tế tình hình tồi tệ đến mức nào? Nhóm Xanh thẳm bị ám ảnh bởi suy nghĩ "u uẩn và diệt vong," ông than phiền, và muốn ngăn cản tăng trưởng kinh tế. Cách tiếp cận này đã bỏ sót trọng điểm rằng tăng trưởng là tâm điểm của việc bảo vệ môi trường. Các nước nghèo không có nguồn lực để ban hành các chính sách môi trường đắt đỏ. "Việc chăm sóc môi trường là một việc xa xỉ," Peiser nói.

"Điều quan trọng phải nhắc ở đây," Read đáp lại, "là khi chúng ta đang cố gắng phán đoán mình nằm trong tự nhiên, hay ngang hàng tự nhiên, chúng ta không bị rơi vào ảo tưởng cho rằng chúng ta có thể tách rời khỏi tự nhiên. Nhưng đây cũng chính là sai lầm của Benny, có phải không? Ảo tưởng cho rằng chúng ta có tư duy, là con người, trong hình dạng Promethea này, thì chúng ta đang đứng trên cao hơn tự nhiên, có thể chế ngự nó, lấy đi tùy thích, là một thái độ duy lý – và đây chính là điểm lệch lạc của nhóm Giác ngộ."

Đấy chính là sự cuồng tín của nhóm Xanh thẳm, Peiser nói. "Những người quá khích, giáo điều, cực đoan, lúc nào cũng sai. Ngay cả khi họ đúng, họ cũng hiểu sai," ông nói. "Chúng ta còn sống đến hôm nay là nhờ nhiên liệu hóa thạch. Nước Anh sẽ không còn là nước Anh nếu không có than, không có khí đốt, không có năng lượng nguyên tử, có phải không? Chúng ta không thể nào đứng ở đây chỉ với gió và mặt trời."

Góc nhìn lạnh lẽo, cứng rắn, giả lý trí đó thật là thiển cận đến nguy hiểm, Read nói, và không hề tính đến một tương lai mà những thế hệ sau này chưa ra đời không có tiếng nói và phải trả giá cho sai lầm của nhân loại ngày hôm nay. "Khi Benny nói là chúng ta phải cân nhắc, chúng ta phải cân bằng, chúng ta phải thỏa hiệp, chúng ta phải chấp nhận rủi ro, nhưng chúng ta không thể đánh cược bằng sự tồn tại trong tương lai của con cháu chúng ta."

***

Ngày hôm sau, Read lại đăng đàn cùng với Taleb. Chủ đề: "Làm thế nào giải bài toán không chắc chắn?"

Một khía cạnh có nhiều sự không chắc chắn, Taleb nói, chính là các thí nghiệm nguy hiểm của nhân loại đối với thế giới tự nhiên. Dẫn chứng số 1: GMO. "Tự nhiên thay đổi dần dần từng chút một theo thời gian. Có vài gã khùng điên lên Twitter nói rằng GMO là hoạt động sinh học. Nhảm nhí cả. Tự nhiên phải mất một trăm triệu năm mới tìm được cách. Giờ đây con người chúng ta mang theo sự kiêu ngạo mà áp đặt từ trên xuống. Những gì chúng ta đưa ra thường có xu hướng mong manh."

Đó là lúc cần áp dụng nguyên tắc phòng ngừa, ông nói. "Dĩ nhiên, nếu tôi đi ngược Tự nhiên, thì tôi phải chứng minh được rằng tôi không gây hại cho Tự nhiên. Nó không phải là chúng ta phải chứng minh. Ai đó có thể nói là anh không có bằng chứng nào cho thấy tôi đang làm hại Tự nhiên. Tôi nói không không không. Nguyên tắc này không áp dụng như thế. Anh cần phải đưa ra bằng chứng rằng anh không làm hại. Thử nghĩ mà xem. Bằng chứng xuất hiện quá trễ trong hệ thống rủi ro."

Một lối tư duy về vấn đề này, Taleb nói thêm, là cân nhắc thực tế trên thế giới số người bệnh nhẹ nhiều hơn số người bệnh nặng (và ông nói rằng đó là lý do các hãng dược lớn chỉ tập trung phát triển phương pháp điều trị cho người bệnh nhẹ). Tự nhiên đã chứng kiến quá nhiều trường hợp bệnh nhẹ, nó không cần đến can thiệp y tế. Tự nhiên rồi sẽ ổn, nó không cần một nguyên tắc phòng ngừa. Chỉ những trường hợp bệnh rất nặng mới cần đến sự can thiệp nhanh chóng, nhiệt tình.

"Đây là cấu trúc phòng ngừa về mặt thống kê," ông nói. "Một chút nghiêm trọng khi áp dụng phòng ngừa. Nếu tôi bị cảm, tôi không cần điều trị. Nếu tôi đau đầu, không cần điều trị. Nhưng nếu tôi bị ung thư, tôi cần có ngay 6 bác sĩ, chứ không chỉ một người."

***

Mùa hè năm 2014, Yaneer Bar-Yam, nhà sáng lập New England Complex Systems Institute, NECSI, biết đến công trình nghiên cứu của Taleb và Read về nguyên tắc phòng ngừa. Ông ấy cảm thấy thú vị. Ông gọi cho Taleb, lúc này cũng đang dự định tham gia hội nghị do Bar-Yam chủ trì tại khuôn viên của NECSI ở Cambridge, Massachusettes.

"Tôi nghĩ công trình nghiên cứu của anh thật thú vị, Nassim," Bar-Yam nói. "Khi nào anh đến đây thì chúng ta sẽ trao đổi thêm."

"Được thôi,"Taleb trả lời.

Tại NECSI, họ bắt đầu chia sẻ ý tưởng làm thế nào mở rộng bài báo. Chuyên môn của Bar-Yam là các hệ thống phức tạp. Một đặc tính của hệ thống phức tạp là rất khó dự báo chúng sẽ phản ứng như thế nào với các thông tin hay hành động mới, một vấn đề hóc búa mà Bar-Yam thường viết. Trong một số loại hệ thống phức tạp nhất định, và tự nhiên có thể xem là hệ thống phức tạp nhất, các thí nghiệm được kiểm soát và mô hình là chưa đủ để xác định điều gì sẽ xảy ra trong thực tế, ông lập luận. Do không thể xác định kết quả cụ thể, vấn đề là phải tập trung vào một câu hỏi quan trọng, đơn giản: Mối nguy này là cục bộ hay toàn cầu?

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #taichinh