Chương 12: Cụm Rối loạn
Nassim Taleb cảm thấy bồn chồn khi ngồi chờ bên cạnh Brandon Yarckin phía sau hậu trường của phòng sảnh lớn tại Bellagio Hotel & Casino ở Las Vegas. Đó là tháng 5/2014. Những ngôi sao sáng của mảng đầu tư đang tụ tập về khách sạn nguy nga Bellagio để tham dự Hội nghị SALT, dưới sự chủ trì của SkyBridge Capital, là một quỹ của quỹ có giá trị 11 tỉ đô la ở New York, thuộc quyền quản lý của Anthony Scaramucci (sau này có 11 ngày làm giám đốc truyền thông cho chính quyền của tổng thống Trump).
Các cuộc hội nghị SALT của Scaramucci được xem là một trong những sự kiện lớn nhất trong ngành tài chính, là nơi tụ họp của các quỹ muốn huy động tiền từ các nhà đầu tư lớn trên khắp thế giới. Những diễn giả từng tham dự có thể kể đến ông trùm quỹ phòng hộ John Paulson và Steven Cohen, cũng như cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton và George W. Bush. Diễn giả năm nay bao gồm nhà vật lý thiên văn nổi tiếng Neil deGrasse Tyson, cầu thủ huyền thoại Magic Johnson của đội L.A. Lakers, cựu thủ tướng Anh Tony Blair, và đạo diễn Francis Ford Coppola. Lenny Kravitz cũng được mời đến phục vụ biểu diễn cho gần 2.000 các quan chức ngân hàng và lãnh đạo quỹ trong các hoạt động giải trí ngoài giờ với những bản hit như "American Woman" và "Fly Away."
David Tepper của Applaloosa Management, giám đốc quỹ phòng hộ có kết quả hàng đầu trong năm 2013 với thắng lợi 3,5 tỉ đô la, đã cảnh báo mọi người nên nắm giữ lượng tiền mặt lớn trong danh mục. "Đừng cố sức mua khống trong lúc này," ông nói với quan khách. "Đây là đoạn thời gian nhiều lo lắng." (Cổ phiếu trong năm này vẫn tiếp tục tăng thêm 10%.)
Một trong những hoạt động trọng điểm thu hút chú ý: Cuộc tranh luận giữa Taleb và Larry Summers, nguyên Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia của chính phủ Obama, Bộ trưởng Tài chính của Clinton, và từng là Chuyên gia Kinh tế trưởng cho Ngân hàng Thế giới. Scaramucci là người điều phối. (Taleb là người nổi tiếng là nóng tính và có thái độ coi thường nhà kinh tế học, và đã hứa hẹn với Scaramucci là sẽ cư xử nhẹ nhàng trong lúc tranh luận, như thể Larry Summers là một đóa violet run rẩy cần được chăm chút nhẹ tay.)
Yarckin có mặt để gặp gỡ nhà đầu tư tiềm năng bị thu hút bởi danh tiếng của Taleb. Một trong những nhiệm vụ chính của Taleb tại Universa là xuất hiện tại những sự kiện như thế nào; Taleb đã tham gia hội nghị SALT năm trước tại Singapore với vai trò diễn giả chính. Hào quang diễn giả của ông giúp cho công ty quảng cáo đến những nhà tài chính lớn nhất thế giới tại những hội nghị lớn như SALT. Không phải ai cũng từng nghe nói đến Universa, nhưng ai cũng biết đến Nassim Taleb.
Taleb mặc chiếc áo sơ mi màu hồng và áo khoác màu xanh, không mang cà vạt, đang ngồi chờ đến lượt trong hậu trường thì Summers bước vào. Nhà kinh tế học tốt nghiệp từ MIT và Harvard này mang bộ mặc lạnh lùng cứng nhắc và không buồn tỏ vẻ nhận thức sự có mặt của Taleb, báo trước cho cuộc xung đột tri thức căng thẳng sắp diễn ra.
Scaramucci mà bạn bè quen gọi là Mooch đang nhảy nhót trên sân khấu, tràn trề năng lượng, và giới thiệu hai vị khách. Taleb và Summers an vị trên hai chiếc ghế da đen tuyền giống nhau.
"Khi quý vị nhìn vào bối cảnh kinh tế toàn cầu, điều gì khiến quý vị thấy thích? Điều gì khiến quý vị lo ngại?" Scaramucci hỏi.
"Tôi không cho rằng chúng ta đang bước vào giai đoạn cuối của tình trạng bất ổn tài chính," Summers trả lời. "Mặc dù có vẻ sự biến động là tương đối thấp."
Taleb nhìn thấy nguy hiểm. Những vấn đề dẫn đến cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu năm 2008 vẫn còn lẩn khuất bên dưới lớp băng. "Với một cuộc khủng hoảng như chúng ta từng gặp, nó là một viên thuốc giảm đau rất tốt để ngăn chặn chảy máy, nhưng nó không giải quyết được căn bệnh ung thư," ông nói. "Chúng ta đang không thật sự đặt cược trong cuộc chơi này, thiếu sự tham gia so với những thời điểm trong lịch sử."
Nhận xét này xem như là gợi ý sớm về một lý thuyết quản trị rủi ro có độ lan tỏa rộng hơn mà Taleb đang sắp xếp – da thịt trong cuộc chơi (cũng là nhan đề quyển sách mà ông xuất bản năm 2018). Ý tưởng chung là, ít nhất khi áp dụng cho ngân hàng, ban lãnh đạo cần cam kết tham gia về mặt tài chính của cá nhân sâu hơn trong công ty. Nếu sự thất bại của ngân hàng cũng làm cho ban lãnh đạo phá sản, thì khi đó tổ chức mới có thể vững vàng hoạt động. Trên thực tế, ban lãnh đạo không gánh chịu nhiều hậu quả, thậm chí là không có, khi ngân hàng nổ tung, nhất là nhóm ngân hàng "quá lớn không thể để cho nó thất bại" và xã hội rủi ro chuyển sang cho người dân đóng thuế. Đó là lý do các ngân hàng vẫn duy trì quy mô quá lớn, quá mong manh, và rủi ro sụp đổ lại càng lớn hơn bao giờ hết, Taleb nói.
Summers xù lông lên ngay. Ông là kiến trúc sư trưởng cho chính sách giảu cứi hệ thống tài chính và biện pháp cải cách để làm đẹp bảng cân đối cho ngân hàng dưới chính quyền Obama. "Các tổ chức tài chính lớn sử dụng nguồn vốn tốt hơn rất nhiều," ông nói. "Sai lầm là không nhận ra đang có rất nhiều việc được làm để sắp xếp các mảnh ghép trở lại như cũ."
Taleb không đồng ý. Cũng giống như Spitznagel, ông phản đối giải cứu và cho rằng hệ thống tài chính sẽ vận hành tốt hơn nếu có thêm nhiều ngân hàng được thả cho phá sản – và để cho thêm nhiều quan chức ngân hàng vào tù. Không có lãnh đạo của ngân hàng lớn nào phải chịu khổ trong khủng hoảng, ông lập luận. Những kẻ cược lớn đến lúc nguy cấp đã được ném phao cứu sinh. Nhưng bởi vì cá nhân họ không tham gia trong cuộc chơi, họ biến tổ chức của mình thành những sòng bạc quy mô lớn, nếu thuận lợi thì tiền thưởng rất lớn, nhưng lại gần như rủi ro bằng không nếu bất lợi. Sau này, Taleb gọi hiện tượng này là "thương mại Bob Rubin," ám chỉ đến cựu Bộ trưởng Tài chính Robert Rubin dưới thời Clinton đã bỏ túi 120 triệu đô tiền thưởng từ Citibank trong những năm trước khi nó nổ tung trong Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu, và cũng không hề phải trả lại đồng nào trong số tiền này. Rubin không có "da thịt trong cuộc chơi" nên không có động lực phải tạo áp lực cho ngân hàng giảm bớt rủi ro.
"Những người này đang lợi dụng hệ thống," Taleb chê trách. "Hãy qua lại thời ngân hàng còn nhàm chán."
Summers không đồng tình rằng không có ai phải trả giá, lưu ý rằng hầu hết các CEO của ngân hàng lớn đều mất việc. (Nhưng ông đã không nhắc đến các gói trợ cấp nghỉ việc béo bở.) "Tôi không ủng hộ việc chính phủ điều hành các tổ chức tài chính. Tôi ủng hộ việc trang bị cho chúng khó thất bại hơn và an toàn hơn trong trường hợp chúng thất bại. Anh ủng hộ hướng nào?"
"Tôi ủng hộ trừng phạt," Taleb trả lời.
***
Vài tuần sau cuộc đối đầu với Summers tại Bellagio, Taleb lại khẩu chiến với Didier Sornette tại Học viện Khoa học New York, trung tâm Manhattan. Hai người ngồi sát cạnh nhau trên sân khấu, trước mặt khán giả, Taleb có vẻ thoải mái trong trang phục quần jean và áo khoác, háo hức trông đợi những ly rượu được hứa hẹn sau cuộc tranh luận. Sornette ăn mặc nghiêm túc hơn với áo sơ mi trắng và bộ vest sọc xám, có vẻ căng thẳng. Cuộc tranh luận lần này đặt sự hoài nghi cực độ của Taleb về khả năng dự báo bên cạnh các mô hình toán học mà Sornette tinh chỉnh để tuyên bố có thể dự báo các sự kiện cực đoan – Thiên nga đen đối đầu với Vua Rồng.
"Chiếc tách này rất dễ vỡ," Taleb bắt đầu, chỉ vào bức ảnh một chiếc tách trà bằng sứ được chiếu trên màn hình. "Nó dễ vỡ vì nó không chịu được biến động. Và nó có những thuộc tính rõ ràng, đó là nhạy cảm trước biến động."
Hàm ý rất rõ ràng: Đừng làm một chiếc tách trà. Chiến lược giao dịch của bạn nhất định không thể giống như chiếc tách trà. Sai lầm đầu tiên của người ta trong quản trị rủi ro và lý thuyết sác xuất là tập trung quá nhiều vào dự báo tương lai – diễn biến của lãi suất, tăng trưởng kinh tế, hay giá trị tiền tệ - thay vì, theo ông, nên tập trung vào bản chất phơi nhiễm với rủi ro (hay là vị thế giao dịch). "Thứ mà mọi người nghiên cứu chỉ là biến số ngẫu nhiên," ông nói. "Vẫn có sự trùng lặp giữa biến số và phơi nhiễm."
Vấn đề là: Biến số này cực kỳ khó tính toán. "Thay vì mất thời gian cố gắng tính toán các thuộc tính thống kê mà có thể tôi không bao giờ tìm ra, tôi có thể thay đổi mức độ phơi nhiễm của mình."
Đo lường rủi ro và đưa ra dự báo không còn quan trọng nữa khi những con Thiên nga đen không được dự báo có thể đập tan nát bạn hay danh mục của bạn như đập một chiếc tách dễ vỡ. Điều bạn cần là rủi ro bằng không (hay gần như bằng không) nguy cơ bị đập vỡ. Phơi nhiễm – bản chất các đầu tư trong danh mục và tính nhạy cảnh của nó trước các sự kiện cực đoan – mới là điều quan trọng. "Tôi chẳng quan tâm đến rủi ro," Taleb nói. "Tôi chỉ quan tâm đến ảnh hưởng của nó đối với tôi."
Ông chiếu lên một trang thể hiện Cụm rối loạn: không chắc chắn ... biến đổi ... không hoàn hảo ... kiến thức không đầy đủ ... cơ hội ... hỗn loạn ... rối loạn ... mất trật tự ... thời gian ... điều chưa biết ... ngẫu nhiên ... bất ổn ... căng thẳng ... sai lầm.
"Mọi thứ trong tự nhiên đều thích và không thích những điều này ở một mức độ nào đó," ông nói.
Ông đang trích dẫn một trang trong tác phẩm mới nhất của mình vừa được xuất bản năm 2012, Khả năng Cải thiện Nghịch cảnh. Tác phẩm này cũng lại là một quyển bán chạy, xem xét một loạt các hiện tượng hoặc bị phá hủy hoặc được cải thiện nhờ Cụm rối loạn, hay là tính biến động cực đoan. Một thứ mà có thể đi ngược nghịch cảnh, theo cách nói của Taleb, thì sẽ càng mạnh hơn khi đối đầu với hỗn loạn, bất ổn, biến động .... Giống như Thiên nga đen, tác phẩm này cũng bắt nguồn từ chiến lược giao dịch chống sụp đổ mà Taleb đã cùng với Spitznagel phát triển tại Empirica – những quyền chọn bán có giá quá xa giá cổ phiếu gốc như thế rất thích sự biến động, càng biến động nhiều càng tốt.
Khi Taleb nói xong, Sornette đứng lên và chỉ vào một trang trình chiếu có tiêu đề "Tại sao? Như thế nào? Khi nào?" Nó thể hiện một loạt các sự kiện lịch sử của thế giới, bao gồm: Cách mạng Pháp, dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, sự sụp đổ của Liên bang Nga, thảm kịch Tàu con thoi Challenger, sụp đổ bong bóng dot-com năm 2000, và khủng hoảng tài chính năm 2008.
"Những hệ thống khác nhau này có điểm gì chung?" ông nói bằng một giọng Pháp đặc sệt. "Tôi có thể khẳng định những sự kiện này và nhiều sự kiện khác nữa đều trải qua một quá trình tương tác có thể khiến chúng bị nhận diện và dự báo đến một mức độ nào đó. Vậy thì quá trình tương tác mà tôi muốn nói đến là gì? À, tôi nhìn nhận những sự kiện cực đoan này dưới lăng kính của một thuật ngữ do tôi nghĩ ra, là Vua Rồng."
Vua Rồng, ông giải thích, là một quá trình tương tác tiến về phía mất ổn định quy mô lớn, được gọi là sự chuyển pha. Lấy ví dụ, nước bị đun nóng đến 100 độ C, đạt điểm sôi.
Tin không vui là Vua Rồng diễn ra với tần suất thường xuyên hơn nhiều so với dự tính của các mô hình thống kê truyền thống. Tin tốt là hành vi này có thể được dự báo khi hệ thống tiến đến điểm phân nhánh – sự dịch chuyển đột ngột trong lúc chuyển pha, là bước nhảy từ nước thành hơi. "Khi gần đến thời điểm phân nhánh, chúng ta có một khung cửa sổ cung cấp tầm nhìn" giống như một chiếc máy bay thoát khỏi mây và nhìn thấy mặt trời. "Tôi đang nghĩ về thế giới dưới góc nhìn thay đổi chế độ."
Một trang khác cho thấy kết quả của Quan sát Khủng hoảng Tài chính từ 2008.
"Những kiến thức này giúp chúng ta bước vào giai đoạn tiếp theo, đó là kiểm soát," ông nói. "Tôi rất vui được báo cáo ... rằng chúng tôi đã có thể chứng minh được rằng trong một số trường hợp khi chúng tôi hiểu được quy luật tương tác của hệ thống, khi hệ thống cho thấy sự phân bổ của các sự kiện theo mô hình Vua Rồng, bằng cách nhận diện các nhiễu động rất nhỏ tại đúng thời điểm, chúng tôi thật sự có thể kiểm soát được con rồng, giết nó, dẹp tan Vua Rồng. Thành tựu tuyệt vời!"
Sornette nói xong và ngồi lại vào chiếc ghế bên cạnh Taleb, lúc này đang cười toe toét như con mèo Cheshire.
Taleb đầy ẩn ý mà tặng cho Sornette một quyển Thiên nga đen, và hỏi, "Anh có nghĩ rằng sự kiện 11/9 là một Thiên nga đen không?"
"Không," Sornette trả lời.
"Xin hỏi khán giả trong phòng này, đó có phải là một Thiên nga đen không?"
Sornette nhún vai.
"Đối với người phi công lái máy bay hôm đó, phải chăng đó là sự kiện Thiên nga đen? Ý tôi muốn nói là, Thiên nga đen đối với con gà tây không phải là Thiên nga đen đối với người giết gà."
Và Taleb nói ra một điều mà ông biết sẽ làm căng thẳng dòng suy nghĩ của Sornette. Giả định là, chính ông ấy, Taleb, là người đã nghĩ đến khái niệm Vua Rồng từ nhiều năm trước. Nhưng ông gọi nó là Thiên nga xám, là những sự kiện cực đoan có thể được dự báo ở một mức độ nào đó (ông cho rằng Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu là một Thiên nga xám). Ông nói thêm rằng mặc dù phần nào đồng tình với phân tích của Sornette, nhưng ông nhận thấy có một sai sót chết người là chỉ cần một thay đổi nhỏ trong yếu tố đầu vào của mô hình siêu lũy thừa này cũng có thể gây ra kết quả kịch tính – một sự kiện chỉ xảy ra trong 10 triệu năm sẽ có thể diễn ra trong 600 ngày chỉ với một chút xíu nhích lên nhích xuống của chiếc núm vặn. Kết luận là: Mặc dù phân tích của Sornette có tính chặt chẽ về mặt toán học, nó lại không thể đưa ra dự báo đủ chính xác để quản trị rủi ro.
Điểm nhấn mạnh của Taleb không phải là về mô hình hay về sự phân biệt giữa Thiên nga đen hay Thiên nga xám hay Vua Rồng. Vấn đề chủ chốt là cách thức giao dịch và nội dung giao dịch – là sự phơi nhiễm của bạn trong thị trường.
"Tôi đã là một nhà giao dịch suốt 21 năm," Taleb nói. "Lúc mới bắt đầu tôi vẫn còn tóc. Một điều bạn học được khi làm nhà giao dịch đó là ý kiến của bạn không giúp bạn kiếm tiền hay làm cho bạn phá sản. Điều giúp bạn giàu lên hay nghèo đi là cách bạn thể hiện ý kiến của mình. Công cụ tài chính hay là chiến lược có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với việc bạn dự báo đúng hay sai. Lấy ví dụ, nếu bạn mua quyền chọn và chúng có độ lồi thì bạn có thể sai đến 99% số lần mua nhưng vẫn ổn." (Nói đơn giản, một thứ có độ lồi sẽ hưởng lợi từ biến động.)
Cố gắng dự báo chỉ là một việc gây lãng phí thời gian. Bí quyết là tìm ra chiến lược giao dịch không lệ thuộc vào dự báo. "Bạn tách biệt mình ra khỏi bản chất thống kê của tài sản bằng cách chấp nhận thua lỗ nhỏ khi bạn sai và thu lại lợi nhuận khổng lồ nếu bạn đúng, và điều này mới là quan trọng. Và điều này không phải ai cũng hiểu nếu chỉ nhìn sơ qua dữ liệu thống kê và cho rằng nó liên quan trực tiếp đến kết quả hoạt động."
Sornette rõ ràng là bị kích động. "Hiệu ứng vua," ông nói. "Anh có biết hiệu ứng vua không hả? Anh có biết nhiều nước vẫn còn có vua không, vượt xa dân thường, là hiệu ứng vua. Đó không phải là Thiên nga xám. Là hiệu ứng vua. Vua Rồng."
"Đó là Thiên nga xám!" Taleb khẳng định.
"Để cho tôi nói," Sornette cao giọng. "Tôi đã để cho anh nói. Giờ để cho tôi nói. Rồng, rồng, giống như động vật, là động vật thần bí có những đặc tính đặc biệt. Đó chính là Vua Rồng, có thể dự báo được, nhưng là ngoại lệ. Điểm thứ hai. Xin lỗi Nassim, anh sẽ không thích nghe điều này. Anh đang nhầm lẫn một chút về luật lũy thừa. Anh đang nói đến luật lũy thừa trong thống kê và thực tế đúng là các ước tính rất dễ gãy trong trường hợp sự kiện hy hữu. Tôi lại đang nói đến một mô hình dự báo loại khác, về cơ bản là mang tính tương tác, chứ không theo thuộc tính thống kê. Đây là chủ đề cơ bản của mọi thứ mà tôi đã trình bày."
Sornette muốn nói là phân tích của Taleb đang đặt trên một phép toán sai – là thống kê. Con Thiên nga đen của ông ấy là bức ảnh chụp tại một thời điểm, một bức ảnh tĩnh duy nhất về một sự kiện cực đoan. Phương pháp của Sornette, dựa trên vật lý học, mang tính động. Nó biến hóa và lưu giữ sự vận động khi các hệ thống thay đổi và tăng tốc từ trạng thái này sang trạng thái khác. Taleb nhìn vào thị trường và chỉ nhìn thấy những chiếc đuôi béo là những sự kiện hy hữu, và phản ứng duy nhất của ông ấy là tránh xa và mua thật nhiều bảo hiểm. Sornette cho rằng mô hình của mình cho thấy thị trường đi từ một chế độ này (ổn định) sang một chế độ khác (bong bóng, siêu bong bóng, và sụp đổ) – và ông ấy có thể dựa vào đó để giao dịch.
Taleb không tin một chút nào.
"Tôi nói cho anh biết tôi đã bắt đầu giao dịch từ khi đầu còn đầy tóc kìa. Theo thời gian thì tôi rụng tóc dần. Và trong khoảng thời gian đó tôi đã chứng kiến rất nhiều người muốn khớp động tính ..."
"Anh có thấy là đầu tôi còn đầy tóc không," Sornette ngắt lời. "Mà chúng tôi vẫn đang giao dịch."
***
Bất chấp các nhà đầu tư xôn xao như David Tepper, thị trường chứng khoán vẫn kiên định trong suốt những tháng còn lại trong năm. Sự lo lắng quay lại vào mùa hè năm 2015, khi thị trường trên khắp thế giới lung lay theo sau báo cáo về sự tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, một cỗ máy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quan trọng trên toàn cầu. Hoạt động bán ra sôi nổi tại Trung Quốc vào ngày 24/8, một ngày thứ hai, đẩy chỉ số Shanghai giảm 9%. Không lâu sau đó khi giao dịch mở cửa tại New York, chỉ số Dow sụp đổ, giảm 1.089 điểm chỉ trong vòng 6 phút, trở thành mức giảm điểm trong ngày lớn nhất trong lịch sử tính đến thời điểm này, vượt qua cả cú giảm chớp nhoáng năm 2010.
Các nhà giao dịch tại văn phòng của Universa ở Miami bắt tay vào hành động. Đến khi mọi chuyện lắng xuống vào những ngày hôm sau, Universa đã ghi nhận được khoản lợi 1 tỉ đô la. Spitznagel không cho rằng việc sụt giảm này có liên quan nhiều đến Trung Quốc, mà ông cho rằng đây là sợi dây dẫn một quả bom còn lớn hơn. Ông tin rằng thị trường chứng khoán đang trong bong bóng bất ổn do Cục Dự trữ gây ra. Các nhà đầu tư sẽ còn đón nhận thêm nhiều đau đớn. Đây chỉ mới là điểm bắt đầu.
Ông đã sai. Mặc dù cổ phiếu Mỹ không sôi động trong năm 2015, kết thúc cả năm giảm 1%, nhưng thị trường đã tiến lên mạnh mẽ một lần nữa trong năm 2016 và 2017.
Nhưng lần này Spitznagel có nhận được những cuộc gọi nổi giận từ các nhà đầu tư kêu gào rằng ông đang lãng phí tiền bạc của họ (như đã từng xảy ra với Taleb tại Empirica) không? Cũng không hẳn. Một điểm quan trọng trong chiến lược của Universa là nó cho phép nhà đầu tư hưởng lợi khi thị trường tăng, bên cạnh việc bảo vệ họ tranh những thua lỗ sâu. Và lợi ích tổng hợp, theo lời Spitznagel, là tốt hơn so với bất cứ chiến lược giảm thiểu rủi ro nào trên thế giới. Trong một bài báo năm 2016 trên Barron's, ông so sánh kết quả hoạt động của một chiến lược phòng hộ sự kiện hy hữu bình thường với các chiến lược được thiết kế để giảm rủi ro cho nhà đầu tư – vàng, trái phiếu kho bạc 10 năm, đồng franc Thụy Sĩ (vốn dĩ là một loại tiền tệ an toàn).
Trong số ba chiến lược giảm thiểu rủi ro kia thì vàng là tốt nhất. Dữ liệu cho thấy từ năm 1974, khi thị trường giảm hơn 15% trong một năm, lợi nhuận từ vàng trải rộng từ 70% đến 5%, và mức trung bình là 30%. Vấn đề là trong những năm khác lợi nhuận từ vàng có sự dao động rất lớn, trải dài từ thua lỗ 125% đến thua lỗ 30%, trung bình là dưới 7%. Ngoài ra, bạn cần nắm giữ rất nhiều vàng thì mới đủ sức bảo vệ, khoảng 2/3 giá trị danh mục cổ phiếu. Điều này có nghĩa là bạn phải từ bỏ một khoản lợi nhuận rất lớn khi thị trường gia tăng. "Việc này cũng giống như nhảy dù với một cái dù có thể bung ra mà cũng có thể không," ông nói.
Lợi nhuận từ trái phiếu và đồng franc Thụy Sĩ trong trường hợp có sụp đổ là không đáng kể. Có nghĩa là, chúng gần như không có tác dụng bảo vệ.
Còn lại, chiến lược phòng hộ sự kiện hy hữu của Universa đã thu về hơn 1.500% trong trường hợp S&P giảm hơn 15% trong một năm. Ngoài ra, do chiến lược này chỉ cần dùng đến một khoản tiền nhỏ so với cổ phiếu nhà đầu tư đang nắm giữ - khoảng 2 đến 3% - số tiền để dùng cho cổ phiếu hay các tài sản nhiều rủi ro khác là lớn hơn rất nhiều so với một danh mục giữ vàng, hay trái phiếu, hay đồng franc. Ví dụ, tỉ lệ phòng hộ bằng trái phiếu thường cần đến 30 – 40% tính theo trái phiếu cố định.
Điểm nhấn mạnh của Spitznagel: nhà đầu tư Universa có thể kiếm lời rất tốt trong thị trường con bò vì họ có nhiều lợi thế hơn so với các nhà đầu tư khác tìm kiếm sự bảo vệ bằng trái phiếu hay tiền mặt.
Điều này không có nghĩa là mọi việc đều dễ dàng. Nhà giao dịch Universa cảm thấy công việc thật khó khăn và nhàm chán. Đi làm mỗi ngày – thua lỗ mỗi ngày – suốt nhiều năm liền. Một động lực lớn đối với các nhà môi giới là tiền thưởng cuối năm, thường được tính theo phần trăm của khoản lợi nhuận mà nhà giao dịch kiếm được trong năm. Điều này thúc đẩy nhà giao dịch bước vào văn phòng mỗi ngày để tham gia vào một hoạt động mà, nhìn từ góc độ nào đi chăng nữa, cũng là vô cùng căng thẳng. Tại Universa, lợi nhuận lại chẳng thấy đâu.
Các nhà giao dịch ở đây được khuyên là hãy tư duy như nhân viên của một công ty khởi nghiệp công nghệ được nhận rất nhiều cổ phần nhưng chỉ có giá trị khi nó trở thành công ty đại chúng. Bạn có thể phải đợi suốt nhiều năm, nhưng khi sự kiện đó diễn ra, bạn sẽ trở nên giàu có vô cùng.
Spitznagel vẫn luôn cực kỳ bi quan, luôn chờ đợi một cú sụp khác diễn ra – kỳ vọng nó diễn ra, rất nhanh. Điều này không có nghĩa là ông ấy sẽ canh thời gian trên thị trường hay đưa ra quyết định gây hại cho nhà đầu tư nếu không có vụ sụp đổ nào. Mọi thứ gần như là một trò ảo thuật – nhà đầu tư vào Universa có thể kiếm tiền trong cả thị trường con bò và con gấu. Nói cho cùng, thì đây chính là lời khoe khoang của quỹ phòng hộ - là ý nghĩa chủ đạo của từ phòng hộ. Nhưng rất nhiều quỹ phòng hộ khác không làm được.
***
Tháng 8/2015, Taleb bay đến Medford, Massachusetts, quê hương của ĐH Tufts, để giảng bài tại hội nghị thường niên về rủi ro chính trị. Sau bài giảm, Nadim Shehadi, một chuyên gia về nghiên cứu Đông Địa Trung Hải, đã đặt câu hỏi cho ông ngay trên sân khấu về những nguy cơ khiến cho ông lo lắng nhất trên thế giới. Ông có lo ngại về ISIS, một nhóm khủng bố Trung Đông tàn bạo đã hình thành trong Chiến tranh Iraq và gần đây đang gây ra chiến tranh ở Syria? "Phương Tây đang hoảng loạn về các chiến binh ISIS trở về từ Syria," Shehadi nói.
"Tôi không biết gì về chuyện này," Taleb nói. "Việc này hiện nay là một rủi ro quá nhỏ."
Những rủi ro như vậy nhận được rất nhiều bút mực trên báo chí, nhưng nó không phải là một nguy cơ xã hội mang tính hệ thống. "Nếu chúng ta nhìn vào những rủi ro mình đối mặt hàng ngày, thì rủi ro thực sự không phải là ISIS, không đáng quan tâm," ông nói. "Rủi ro thực sự là Ebola. Vì Ebola có thể lây lan. Ebola có thể gia tăng nhanh chóng và lan truyền khắp nơi. Và đại dịch Ebola tiếp theo mà chúng ta đối mặt, lần đầu tiên trong lịch sử, là một đại dịch lan truyền bằng đường hàng không của hãng British Air. Và dĩ nhiên là cả Delta. Và ăn nhầm thức ăn tồi tệ trên United. Và bị đối xử tệ bạc bởi các tiếp viên hàng không. Đó mới là vấn đề. Chúng ta chưa gặp phải. Thế nên khi người ta nói với tôi, nào hãy thảo luận về rủi ro, thì việc đầu tiên tôi nói đến là đại dịch – ISIS có thể làm cho nó tăng tốc, hay nó xuất hiện một cách tự nhiên."
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top