Chương 11: Vụ Sụp đổ Chớp nhoáng

Ngay sau 2:15 chiều ngày 6/5/2010, một nhà giao dịch tại văn phòng của Universa ở Santa Monica đặt hàng với nhà môi giới của công ty là Barclays Capital để mua 50.000 hợp đồng quyền chọn bán trên sàn giao dịch của Chicago. Quyền chọn bán này sẽ thu lợi nếu S&P 500 rơi xuống dưới 800 vào một ngày nào đó trong tháng 6 – tương đương với mức giảm khổng lồ. Chỉ số S&P lúc này đang giao dịch ở mức 1135. Universa đặt 7,5 triệu đô la cho ván cược này. Nếu S&P 500 thật sự rơi xuống dưới 800 trước khi hết hạn trong tháng 6, thì thương vụ này sẽ có giá trị 1 tỉ đô la.

Trong vòng chưa đầy nửa giờ, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ chứng kiến một trong những khoảnh khắc biến động bất thường nhất trong lịch sử - Vụ Sụp đổ Chớp nhoáng, theo cách gọi của giới tài chính sau này. Chỉ trong vòng vài phút, chỉ số công nghiệp Dow giảm 1.000 điểm. Đó là một con Thiên nga đen, hoàn toàn không thể dự báo, vụ thị trường sụp đổ đột ngột nhất, mức biến động cao nhất kể từ Ngày thứ hai đen tối.

Cổ phiếu sụp đổ và biến động tăng cao, các quyền chọn bán mà Universa đã mua trong tháng 4 với giá 2 đô một hợp đồng nếu S&P 500 rơi xuống dưới mức 1100 – vào thời điểm này S&P 500 đang giao dịch ở mức 1200 – đột ngột tăng giá trị. Chỉ trong tích tắc, chúng có giá 60 đô một hợp đồng khi chỉ số S&P 500 giảm đến mức thấp nhất là 1066. Các nhà giao dịch của Universa tại Santa Monica chạy đua bán hợp đồng để thu lợi từ những giao dịch đặt cược thị trường giảm, bán đi những hợp đồng có giá 60 đô, trong khi các công ty khác chật vật tìm cách ngăn ngừa tổn thất, chộp lấy những hợp đồng siêu đắt đỏ này. Cơ hội vụt qua đúng là chỉ trong nháy mắt vì thị trường nhanh chóng phục hồi sau cú rơi đau lòng đó. "Chỉ cần chớp mắt thôi là bạn đã lỡ nhịp," Spitznagel nhớ lại.

Universa báo cáo rằng họ đã kiếm được 1 tỉ đô chỉ trong duy nhất một buổi chiều giao dịch ngày hôm đó.

Không lâu sau, tin đồn lan truyền trên các sàn giao dịch tại Chicago rằng vụ cược lớn của Universa vào thị trường sụp đổ ngay tại thời điểm thị trường đang tổn thương có lẽ đã góp phần làm trầm trọng thêm cú rơi. Nhà môi giới đang nắm giữ quyền bán ở hướng ngược lại có lẽ đã bán cổ phiếu để đảm bảo phòng hộ cho vị thế của mình, đề phòng trường hợp giá tiếp tục giảm. Sau này người ta phát hiện không có một nguyên nhân duy nhất gây ra sụp đổ. Có rất nhiều người bán, khối lượng giao dịch lớn, và những trục trặc kỹ thuật tại sàn giao dịch chứng khoán và công ty môi giới chứng khoán. Khi sự hỗn loạn lan rộng, đa phần các công ty giao dịch với tần suất cao – những công ty giao dịch bằng máy tính vốn dĩ thống lĩnh thị trường trong vai trò nhà tạo lập, mua vào khi người ta bán ra và bán ra khi người ta mua vào – đã chọn tắt máy không tham gia. Việc này làm hụt đi một lượng lớn đơn mua vào trong một thị trường mà nhà nhà người người đều tìm cách bán đi và tạo ra một cái động không đáy hút hết các lệnh bán như một cái lỗ đen.

Vụ Sụp đổ Chớp nhoáng đã mở ra một góc nhìn hiếm hoi vào bên trong chiếc hộp đen của Universa. Giao dịch của công ty trong ngày hôm đó thông qua Barclays Capital mang tính chất con gấu rất lớn, họ đặt cược vào mức giảm không chỉ 20%, mà đến 30% đối với chỉ số S&P 500. Khoản thu được cũng là khổng lồ - 1 tỉ đô la từ vị thế trị giá 7,5 triệu đô mà họ mua vào trong ngày hôm đó và các hợp đồng giá 2 đô mà Universa đã mua vào tháng 4, sau khi chúng tăng đột biến lên 60 đô chỉ trong vòng vài phút. Đó chính là điều Spitznagel muốn diễn đạt khi ông ấy nói rằng Universa có khả năng cung cấp bảo hộ ngược chiều một cách bùng phát.

***

Một ngày mùa hè năm đó, Spitznagel và vợ đang ở tại ngôi nhà thứ hai của mình tại Northport, Michigan, đây là một thị trấn nhỏ nơi Mark đã sống 10 năm đầu đời, và nhìn thấy một khoảng đất trống bên kia vùng vịnh. Đó là một trang trại rộng khoảng 200 mẫu Anh, trên đó có một số tòa nhà đổ nát và những cây anh đào già cỗi, và họ đã quyết định xuống tiền mua lại với giá 1 triệu đô.

Sau đó họ cần phải quyết định nên làm gì với lô đất này. Họ muốn canh tác trên khu đất này, tạo ra một thứ gì đó trong đời thực, gắn liền với khu vực này, và như một biện pháp phòng hộ trước sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống tài chính và nền kinh tế toàn cầu, vốn dĩ là mối lo ngại thường trực của Spitznagel trong những góc tối của tâm trí, là kết quả của việc điều hành một quỹ hoạt động dựa trên sự bùng phát đột ngột các hỗn loạn và thảm họa. Sau khi cân nhắc thoáng qua việc làm rượu, họ đã chọn sản xuất phô mai sữa dê. Để học thêm quy trình sản xuất, họ đã đến thăm các nhà sản xuất phô mai sữa dê tại California và Pháp, và đã từng đến thăm nhà sản xuất phô mai nổi tiếng thế giới Rodolphe Le Meunier. Không lâu sau đó, họ bắt đầu mua và chăn nuôi dê. Đàn dê của họ lên đến hàng trăm, và sau này Idyll Farms của họ sẽ làm ra những sản phẩm phô mai sữa dê ngon nhất tại Mỹ.

Về phần Taleb, ông bắt đầu tìm nơi cất giữ khoản lợi nhuận từ Universa và doanh thu khổng lồ từ Thiên nga đen. Mùa hè năm 2010 ông về thăm quê hương phía bắc Lebanon để tìm mua vườn ô liu. "Đầu tư lành mạnh phải tạo ra những hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu tiêu dùng của con người, chứ không phải những chiếc TV màn hình phẳn," ông đã nói trên tờ Wall Street Journal khi đang ở Amioun, gần đất đai của tổ tiên. "Cổ phiếu không phải là một đầu tư lành mạnh. Hãy cố gắng có một khu vườn đơm hoa kết trái."

Taleb không tham gia trong các hoạt động hàng ngày của Universa. Ông bay khắp thế giới để diễn thuyết, tận hưởng những bữa tối tinh tế tại các nhà hàng nổi tiếng thế giới, tận hưởng thành quả từ danh tiếng của mình. Nhưng ông vẫn bay về tham gia các bữa tiệc với Universa. Đôi khi ông thấy quá mệt mỏi vì phải bay đi bay lại quá nhiều. Có lần, khi đến tham gia tiệc Giáng sinh với Universa, theo đó họ sẽ lái limousine lòng vòng quanh Los Angeles, ông đã gục ngã trong thùng xe rộng rãi của chiếc limo ngay trong lúc diễn ra các hoạt động sôi nổi cả đêm.

Spitznagel khi không giao dịch quyền chọn, hay chăn dê, hay thử nghiệm sản xuất các loại phô mai sữa dê mới, thì sẽ sánh vai với một số nhà đầu tư lớn nhất thế giới, bao gồm cả những người đang quản lý quỹ đầu tư quốc gia, các quỹ có nguồn vốn sâu nặng đại diện cho chính phủ. Những ngày tháng vất vả thuyết phục và giải thích trong vô vọng về chiến lược Thiên nga đen cho các giám đốc quỹ thiếu kiến thức đã qua rồi. Universa đang đàm phán với China Investment Corp, quỹ có giá trị 300 tỉ của Trung Quốc, các quỹ của chính phủ Trung Đông, các nhà đầu tư giàu có tại các thủ đô tài chính Châu Âu như London và Geneva, và các quỹ hưu trí khổng lồ trên khắp nước Mỹ.

Công ty đang hoạt động hết công suất, quản lý rủi ro cho khối lượng tài sản trị giá 10 tỉ đô la từ đầu tư của khách hàng. Bản thân dòng tiền này đã mang lại khoản lợi lớn cho Spitznagel và đội ngũ. Cấu trúc phí tại Universa là lời lý giải tại sao rất nhiều người trên Phố Wall khát khao trở thành ông trùm mảng quản lý quỹ phòng hộ. Một phẩy năm phần trăm của 10 tỉ là 150 triệu đô. Cộng thêm 200 triệu đô Universa kiếm được từ giao dịch 1 tỉ chớp nhoáng nữa là 350 triệu đô cho một công ty chỉ có 16 người. (Mức phí này cũng làm chùn tay nhiều nhà đầu tư tiềm năng không thích việc Universa nhận về tỉ lệ cao trong phần lợi nhuận thu được từ cú sụp.)

Nói một cách thẳng thừng, Spitznagel đang giàu lên như diều gặp gió, và tận hưởng cuộc sống nó mang lại. Ông mua một biệt thự ở Bel-Air của Jennifer Lopez và Marc Anthony với giá 7,5 triệu đô la. Đó là một biệt thự kiểu Pháp, có tường bao và cổng ra vào, xung quanh còn có hào, có nhà cho khách, hồ bơi, suối, vườn có mái vòm. Một phòng trong biệt thự này có diện tích tương đương một căn hộ một người tại New York chỉ để dành trưng giày của J. Lo. Biệt thự này chỉ cách một con đường nhỏ là đến nhà của Ronald Reagan, thần tượng của Spitznagel hồi nhỏ. Nancy Reagan vẫn đang sống ở đó, và ông mỉm cười hạnh phúc nghĩ đến cảnh đi dạo ngang qua nhà của bà, lấy can đảm bước đến gõ cửa.

Các giám đốc quỹ khác, cũng muốn sở hữu biệt thư của J. Lo có hào bao quanh, đã tự làm bài toán, và mở ra những công ty tương tự. "Ngày càng có nhiều nhà quản lý quỹ và công ty tài chính đưa ra những sản phẩm đầu tư nhằm khai thác những cú sụp đổ lớn được gọi là 'sự kiện thiên nga đen,'" một bài báo trên tờ Wall Street Journal tháng 8/2010 đã viết. Có khoảng 20 quỹ "sự kiện hy hữu" đã xuất hiện chỉ trong vòng 18 tháng trước đó.

Và điều càng làm cho Spitznagel thấy kinh hoàng hơn, bài báo cũng cho biết nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng cân nhắc lập danh mục Thiên nga đen cho tài khoản đầu tư hàng ngày của mình, dẫn lời một kỹ sư cầu đường 30 tuổi rằng anh ta muốn "kiếm thêm chút tiền nếu mọi chuyện hóa ra điên rồ."

***

Didier Sornette cảm thấy đắc thắng khi bước lên bục giảng trong bộ suit xám có hai hàng khuy, đứng trước khán giả là các học giả, nhà tài chính, và nhà báo. Ông đã chiến thắng con rồng. Thực tế là ba con rồng. Đó là một buổi sáng trong lành ở Zurich, ngày 3/5/2010. Sornette đang chuẩn bị công bố kết quả của Thử nghiệm Bong bóng Tài chính.

Cuối năm 2009, bằng mô hình LPPLS, ông đã dự báo bốn nhóm tài sản sẽ tạo thành bong bóng trong vòng 6 tháng. Điều khó lường: ông không tiết lộ dự báo vào lúc đó, ông chỉ đăng ký trên một cơ sở dữ liệu mở mang tên arXiv, xác nhận thời gian và mã hóa nó. Lúc này là lúc ông sẽ tiết lộ kết quả.

Lĩnh vực thử nghiệm là cổ phiếu của Brazil, một chỉ số trái phiếu, vàng, và bông. Ba trong số bốn thị trường này đã dịch chuyển theo hướng đã dự báo. Cổ phiếu của Brazil và bông đều đã bước vào giai đoạn bong bóng trước khi rơi hơn 10%. Chỉ số trái phiếu đã lõm xuống ngay trước thời gian dự báo, cho thấy nó đã thoát ra khỏi bong bóng khi bắt đầu thử nghiệm.

Kết quả là khó phân tích. Bông đã giảm hơn 10% sau một đợt tăng mạnh, nhưng các chỉ báo cho thấy mặt hàng này vẫn đang trong bong bóng. Và thực tế đúng là như vậy – trong vòng một năm sau đó bông đã tăng đột biến đến 300%, bên cạnh một loạt các loại hàng hóa khác, các nhà kinh tế học gọi đây là siêu chu kỳ hàng hóa do nhu cầu không thể thỏa mãn từ Trung Quốc. (Trong một bài báo cáo chi tiết kết quả thử nghiệm, Sornette cho rằng bông "đã và vẫn đang trong bong bóng và chưa có dấu hiệu rõ ràng sẽ đảo chiều.") Vàng cũng tiếp tục tăng cao hơn sau một đoạn suy giảm ngắn ngủi. Có vẻ như hệ thống của Sornette đúng là xác định được một số bong bóng, nhưng nó đã không thể dự báo chính xác thời điểm bong bóng nổ.

Dự báo gần đúng của Sornette đã làm nổi bật điểm yếu của phương pháp LPPLS. Tháng 10/1997, ông cũng đã dự báo một vụ sụp – và ông đã đúng. Nhưng mức độ sụp đổ mà ông kỳ vọng là lớn hơn nhiều so với thực tế diễn ra. Ông dường như có thể phát hiện cơn địa chấn; chỉ là không biết nó là động đất hay chỉ là rung lắc bình thường không được mấy người chú ý.

Tháng 12/2009, Sornette trình bày kết quả nghiên cứu mới nhất tại Phòng Quan sát Khủng hoảng Tài chính trước Hiệp hội Địa vật lý Mỹ tại San Francisco. Thật trùng hợp, đây là buổi họp mặt hàng năm Ed Lorenz Lecture để vinh danh người tiên phong đưa ra lý thuyết hỗn loạn và địa vật lý phi tuyến tính. Lorenz đã nổi danh trong thập niên 1960 với mô tả về hiệu ứng cánh bướm, theo đó cái đập cánh của con bướm tại Brazil (về lý thuyết) có thể gây ra cơn lốc xoáy tại Texas.

Sornette mở đầu bằng lời tấn công vào đối thủ truyền kiếp của mình: Thiên nga đen.

"Đây là bằng chứng cho thấy, khủng hoảng không phải là Thiên nga đen, không giống như anh bạn Nassim Taleb của tôi đã mô tả trong quyển sách nổi tiếng của anh ấy, mà hiện tại đã trở thành một hình ảnh đại diện cho khủng hoảng tài chính. Khủng hoảng là con rồng," ông nói. "Điều này có ý nghĩa gì? Nếu quý vị nhớ lại câu chuyện Thiên nga đen ... chúng cơ bản là những thứ chưa được biết đến, không thể biết được, cho đến khi chúng xảy ra. Một cơn động đất lớn dưới góc nhìn này chẳng khác gì một cơn động đất nhỏ không chịu dừng lại. Không thể nào dự báo. Một thứ không thể nào chẩn đoán trước, không thể định lượng được. Không có khả năng dự báo. Đối với khủng hoảng tài chính là không có trách nhiệm gì. Cơn thịnh nộ của Chúa. Và chỉ có một chiến lược duy nhất. Đó là mua bảo hiểm," ông ám chỉ đến chiến lược của Universa.

Nhưng Vua Rồng thì không phải như vậy, nó có thể được định lượng, Sornette tuyên bố. "Vẫn có thể dự báo đến một mức độ nào đó."

Sụp đổ tài chính thể hiện một số tính chất toán học đặc trưng và có thể nhận dạng, không giống như những gì diễn ra trong một buổi giao dịch bình thường. Một hiện tượng có thể biến một ngày bình thường thành một thảm họa, theo ông, đó là sự tăng trưởng theo cấp số nhân kết hợp với vòng lặp củng cố. Giá giảm thì càng ngày càng giảm, kéo theo từng vòng lặp giảm giá cho đến khi đạt điểm kích hoạt – hoảng loạn, sụp đổ, hay bùng nổ. Sornette gọi sự kiện như thế là điểm đột phá công nghệ. Ông cho trình chiếu một trang chứa các hiện tượng có tính chất củng cố tương tự: sự hình thành lỗ đen, nhiễu loạn trong plasma, động đất lớn.

Hay là quy mô của thành phố. Ông chiếu một biểu đồ cho thấy dân số của các thành phố tại Pháp. Tất cả số liệu vừa vặn trên một đường chéo cho thấy hầu hết các thành phố đều nằm trong một đường cong bình thường, là ranh giới an toàn của đường cong hình chuông. Ngoại trừ một thành phố là Paris, đây là Vua Rồng trong nhóm các thành phố tại Pháp. "Đây là Paris," ông nói. " Tại đây có những cơ chế vận hành riêng biệt dẫn tới sự phát triển của thành phố."

Giấc mơ của ông: Khi xác định được những cơ chế đặc biệt đang vận hành bên trong Vua Rồng, ông có thể dự báo chúng. Mục tiêu bao trùm không phải là luôn cố gắng dự báo tương lai, vốn dĩ là một nhiệm vụ bất khả thi, mà chỉ cần xác định "những khoảng không có thể dự báo do tập trung cô đọng tính phức tạp." Nói cách khác, một quả cầu pha lê chuyên dự báo sụp đổ - cho dù quả cầu đã bị nứt một chút nên không được hoàn hảo.

"Đây là một số ví dụ mà tôi đã gặp trong quá trình săn đuổi các Vua Rồng," ông kết luận.

Sornette và vài trợ lý quyết định rằng nếu dự báo của họ nếu đã có tính chính xác như thế, tại sao họ lại không tranh thủ kiếm tiền từ đó – giống như lần ông làm vào tháng 10/1997 khi dự báo được vụ sụp đổ? Họ mở một tài khoản giao dịch Interactive Brokers và bỏ vào đó 100.000 đô bằng tiền riêng của mình. Sornette không tiết lộ kết quả, nhưng nói rằng kết quả đầu tư của mình là "cực kỳ thành công." Nhưng nó trở thành yếu tố gây xao lãng cho công cuộc nghiên cứu, nên ông đã quyết định chấm dứt. "Chúng tôi bị biến tướng thành quỹ phòng hộ," ông nói.

Sornette cho biết ông vẫn thường hay nhận được câu hỏi này. "Nếu anh thành công như vậy, sao anh không điều hành một quỹ phòng hộ lớn?"

"Sinh viên, đồng nghiệp đều hỏi như thế," ông nói. "Hãy nghĩ xem ý nghĩa của nó là gì. Nó ám chỉ rằng đỉnh cao, đích đến cuối cùng của một cá nhân, đó chính là điều hành quỹ phòng hộ. Dĩ nhiên không phải thế! Vị trí của tôi đang là một trong những vị trí tốt nhất trên hành tinh. Tôi hoàn toàn tự do theo đuổi vũ trụ ý tưởng vô tận."

Sự căng thẳng khi điều hành quỹ phòng hộ sẽ có hại cho sức khỏe, ông nói thêm – ít nhất thì quan điểm này cũng là điểm thống nhất giữa ông và Nassim Taleb.

***

Vào cuối tháng 7/2011, Spitznagel mời một phóng viên của Bloomberg đi du ngoạn trên món đồ chơi ngoài biển mới của ông, đó là chiếc thuyền Chris-Craft 28 có hai động cơ, lướt trên những con sóng của Vịnh Grand Traverse ở bắc Michigan, ngoài khơi trang trại mà ông mua một năm trước. Phóng viên này đã nhận xét rằng ở tốc độ hơn 80km/ giờ, chiếc tàu nặng nề để lại một lằn tàu lớn ở phía sau. "Nhiễu loạn chính là nơi tỏa sáng của Spitznagel, nhà sáng lập của quỹ phòng hộ Universa Investments," theo lời bài báo của phóng viên.

"Các nhà đầu tư đang đổ xô vào các quỹ thiên nga đen chờ tận thế, bị thu hút bởi cơ hội thu lợi cực lớn nếu khủng hoảng xảy ra," bài báo viết. Tài sản trong tay các quỹ Thiên nga đen đã tăng đột biến lên 38 tỉ đô la, so với 500 triệu đô la năm 2008 trước khi có sự sụp đổ của Lehman.

Phần lớn trong số 500 triệu ban đầu kia đều nằm trong tay Universa. Thực tế, có thể nói là quỹ Thiên nga đen còn chưa từng tồn tại trước khi có Universa (nếu không tính đến Empirica). Nhiều quỹ được thành lập sau khủng hoảng thật ra đang vận hành một cách mù mờ. Spitznagel đã mất nhiều năm tinh chỉnh chiến lược, phát triển mối quan hệ với các nhà giao dịch quyền chọn trên Phố Wall, tìm cách cắt giảm tối đa chi phí giao dịch, phát triển các mô hình máy tính phức tạp. Một trong những lợi thế của Universa là từ đây họ đã trở thành một nơi giao dịch quyền chọn, đóng vai trò trung gian cung cấp thanh khoản cho nhà đầu tư khi cần (nhà đầu tư là người bán quyền chọn). Nhiều công ty giao dịch, đối với các quyền chọn bán đã có giá quá chênh lệch so với giá gốc, chỉ muốn bán đi. Lúc này nó được xem là tiền miễn phí, vì thường đến ngày đáo hạn chúng đã trở nên vô giá trị. Universa rất vui được thực hiện giao dịch này, với mức giá hợp lý. Mô hình phức tạp của Spitznagel có thể tính được giá trị của các quyền chọn này, và ông cũng cực kỳ cứng rắn bám vào mức giá đã định.

Một phần trong chiến lược của Universa không được phơi bày cho người ta nhìn thấy là việc hàng ngày chăm chỉ xây dựng danh mục Thiên nga đen để phòng hộ trước sụp đổ. Một thủ thuật của Spitznagel mà ông đã sử dụng từ thời còn ở Empirica, đó là bán các quyền chọn – quyền chọn bán và quyền chọn mua – có giá thực hiện gần với giá trị của cổ phiếu nó đại diện. Giả sử cổ phiếu Microsoft đang giao dịch ở mức giá 100 đô/ cổ phiếu. Universa sẽ bán đi những quyền chọn có khả năng tăng giá trị nếu cổ phiếu dao động lên hay xuống ở mức 5 đô. Spitznagel lập luận rằng những quyền chọn này được đánh giá tương đối tương xứng – chúng không rẻ, không giống như các quyền chọn có giá trị cách xa giá cổ phiếu thực mà chỉ những kẻ điên khùng bất chấp như Spitznagel mới mua vào. Chúng thậm chí còn được đánh giá cao hơn thực tế, nghĩa là nếu bán đi cũng thu được một khoản lợi nhuận. Và ông cũng cảm thấy mình có năng lực hơn người trong làm việc giao dịch này. Lợi nhuận từ những giao dịch này giúp ông duy trì danh mục chờ sụp đổ.

Đó là một lý do khiến ông tự hào khoe khoang rằng Universa có chiến lược có tỉ suất lợi nhuận cao nhất trên Phố Wall, vì nó giúp nhà đầu tư giảm được số tiền bỏ ra ban đầu để được bảo vệ. Nếu một khách hàng muốn Universa bảo đảm cho 1 tỉ đô la trước nguy cơ giảm giá 20% - tương đương thua lỗ 200 triệu – trong hai năm, họ cần bỏ ra 30 triệu đô la (3% của 1 tỉ). Số tiền 30 triệu này sẽ không đổ vào thị trường hết một lần. Universa chỉ đầu tư một phần, phần còn lại được dùng để duy trì hoạt động giao dịch trong vòng hai năm này trong khi chờ đợi các quyền chọn đáo hạn. Đôi khi khách hàng chi ra 30 triệu đô mà không nhận về được đồng nào, giống như một khoản tiền bảo hiểm. Nhưng nếu cú sụp đổ xuất hiện – khi ngôi nhà bị nhấn chìm trong biển lửa – họ sẽ nhận lại được những gì họ đã mua bảo hiểm, Spitznagel tin như vậy.

***

Mark và Amy Spitznagel tươi cười rạng rỡ chào đón khách đến biệt thự ở Bel-Air. Đó là tháng 3/2012. Họ đang tổ chức buổi gây quỹ trị giá 2.500/ vé ủng hộ chiến dịch tranh cử tổng thống hơi quá tầm tay của nghị sĩ theo chủ nghĩa tự do bang Texas, Ron Paul. Paul và Spitznagel có chung một kẻ thù: Cục Dự trữ. Taleb cũng tuyên bố rằng Paul là ứng viên duy nhất ông tin tưởng, và cũng xuất hiện tại buổi gây quỹ này để có bài phát biểu ngắn. "Có ai mà không muốn tranh luận về chính sách tiền tệ trong ngôi nhà từng chăm lo giấc ngủ của J.Lo?" một phóng viên đã bình luận về sự kiện này.

Taleb và Spitznagel ủng hộ Paul chủ yếu là vì họ có chung quan điểm xem thường Cục Dự trữ và các hình thức can thiệp khác của chính phủ. Paul dĩ nhiên đã không giành được đề cử của Đảng Cộng hòa, bại trận trước Mitt Romney.

Spitznagel không chỉ tin rằng Cục Dự trữ đang gây ra tổn hại không thể khắc phục cho nền kinh tế khi duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo quá mức, ông còn đặc biệt lo ngại các quan chức chính phủ can thiệp vào các đòn bẩy phức tạp của hệ thống tài chính. Một vấn đề mà ông liên tục nhắc đến là tầm nhìn về thời gian. Nhà đầu tư, hay các vị tướng hay quan chức ngân hàng trung ương hay các thủy thủ bị mắc cạn, chỉ muốn chiến thắng ngay lập tức và sẵn sàng từ bỏ lợi thế nếu chờ đợi một cơ hội tốt hơn sẽ đến. Một quan chức ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất để thúc đẩy nền kinh tế lúc này cũng đang lấy đi cơ hội tăng trưởng của tương lai. Spitznagel tin rằng mình có một con đường tốt hơn để tối đa hóa đầu ra, kể cả danh mục của cá nhân. Ông gọi đây là "đầu tư đường vòng," hay là chọn con đường dài hơn để tiến đến mục tiêu, thay vì đâm đầu thẳng tiến. Ông thích trích dẫn ví dụ về Robinson Crusoe trong tác phẩm của Daniel Defoe, một thủy thủ bị đắm tàu đã chấp nhận nhịn đói mà dành thời gian quý báu tập trung làm cần câu cá. Thích thua để tìm đến thắng lớn ở phía sau.

Đây là bài học mà Spitznagel đã tích lũy không phải chỉ trên sàn giao dịch hàng hóa tương lai ở Chicago mà cả qua nhiều năm học tập từ các tác giả theo trường phái kinh tế Áo – Carl Menger, Eugen von BöhmBawerk, Ludwig von Mises, Friedrich Hayek. Nói ngắn gọn, trường phái người Áo nhấn mạnh quyền tự do cá nhân và thị trường tự do chống lại điều mà họ mô tả là sự chuyên chế của những nhà kế hoạch trung ương. Chủ nghĩa tư bản thuần túy so với (theo lời của họ) chủ nghĩa xã hội tàn phá của cải. Những người theo Keynes thì ngược lại, lập luận rằng chính phủ có thể giải cứu nền kinh tế thoát khỏi suy thoái bằng cách giảm lãi suất và tăng chi tiêu. Hãy nhớ lại Thỏa thuận mới của Tổng thống FDR trong thập niên 1930 khi gặp Đại Khủng hoảng hay gói giải cứu ngân hàng trị giá 700 tỉ đô của Hank Paulson năm 2008. Theo lập luận của họ, các thế lực thị trường có thể thất bại, gây tổn thất cho xã hội và kinh tế về dài hạn. Những lúc này, chính phủ cần phải nhảy vào khắc phục.

Dĩ nhiên, trong vấn đề này còn nhiều yếu tố khác. Trường phái Áo từ lâu đã bị người ta làm ngơ và chuyển sang ủng hộ Keynes; trường phái này nổi lên trong thập niên 1980 trong giai đoạn chống chính phủ của Reagan và Thatcher. Nó trở thành thời thượng trên Phố Wall, là trái tim và ngôi nhà của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. Các nhà giao dịch chịu ảnh hưởng của tác phẩm The Road to Serfdom của Ayn Rand và Hayek, được xem là tuyên ngôn của phong trào này, cảm thấy thù ghét Alan Greenspan (mặc dù thật trớ trêu lại rất yêu thích Rand và luôn ca ngợi trường phái Áo) và động thái thay đổi lãi suất bất ngờ làm đảo lộn thị trường của ông.

Nhận định của Spitznagel về Keynes và can thiệp của ngân hàng trung ương có nhiều sắc thái hơn thái độ thù nghịch thẳng thừng "mẹ nó chứ" của các nhà môi giới. Nó có nhiều điểm tương đồng với chiến lược giao dịch ngồi im chờ đợi của ông, cũng giống như lý thuyết Thiên nga đen của Taleb. Nếu thực tế có một phương pháp đầu tư "đường vòng," thì đó chính là phương pháp thích thua của Universa, chờ đợi cú lợi nhuận khổng lồ rơi xuống người.

Spitznagel đã trình bày nhiều ý tưởng trong tác phẩm The Dao of Capital: Austrian Investing in a Distorted World, xuất bản năm 2013, pha trộn giữa tự truyện (kể lại những câu chuyện giao dịch trên sàn Chicago và chủ nghĩa Klippism thích thua) và lịch sử, triết lý phương Đông, kiến thức giao dịch, chiến lược quân sự, lý thuyết kinh tế, nhận định về Robinson Crusoe, và thậm chí còn nhắc đến lâm nghiệp.

Không lâu sau khi quyển sách ra mắt, Spitznagel và Yarckin quyết định làm một cú chuyển mình lớn, theo nghĩa đen. Đứng trước mức thuế cao của California, họ đã quyết định chuyển trụ sở của Universa đến Miama để tận hưởng các chính sách thân thiện cho doanh nghiệp (tức là mức thuế thấp hơn). Năm 2013 Spitznagel cũng sang tay biệt thự của J. Lo với giá 10 triệu đô và một lần nữa quay lại khu bờ đông. Cũng thời gian này, ông mua nhà tại khu ngoại ô thượng lưu của Detroit là Bloomfield Hills để đăng ký cho hai con theo học tại Cranbrook, ngôi trường tư thục từng chào đón Mitt Romney.

Spitznagel và vợ quyết định không sống ở Miami (ông chỉ thuê một phòng tại khách sạn Four Seasons gần văn phòng của Universa). Họ không muốn sống tại một thành phố đông đúc không kém L.A, và Detroit cũng gần với nơi Spitznagel lớn lên. Trong sâu thẳm, ông cảm thấy gần gũi hơn với lối tư duy bảo thủ, kiên nghị của vùng Trung tây. Dẫu sao việc sinh sống tại Detroit thật khớp với tư duy luôn đi ngược trào lưu của ông. Có ai lại muốn sống ở Detroit cơ chứ?

Băn khoăn trước khung cảnh đô thị hoang tàn ở đây, mùa hè năm 2014 Spitznagel đã lên kế hoạch để cải tạo phần nào. Ông chuyển 20 con dê từ Idyll Farms đến một khu dân cư nhiều tội phạm ở vùng tây bắc của Detroit và thử nghiệm trang trại đô thị. Spitznagel hy vọng biến nó thành một hoạt động từ thiện lớn, cung cấp thịt, sữa, phô mai từ sữa dê với giá rẻ cho cộng đồng. Ông cũng hy vọng những con dê này gặm bớt cỏ dại và các loại thảo mộc mọc vô chừng trong sân vườn bị bỏ hoang nằm rải rác trong khu dân cư.

Cư dân địa phương rất yêu quý đàn dê. Nhưng thật không may, Spitznagel đã không xin phép chính quyền thành phố vì cho rằng họ sẽ trực tiếp nói không, thế nên đàn dê đã sớm bị đuổi về lại Idyll Farms.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top

Tags: #taichinh