Chương 10: Giấc mơ và Ác mộng
Tháng 1/2009, các nhà tài chính, nhà hoạch định chính sách, và những nhà tư tưởng ưu tú hàng đầu thế giới kéo nhau về Davos, Thụy Sĩ, nơi diễn ra Diễn đàn Kinh tế Thế giới, để tìm cách phân tích xem chuyện sai lầm gì đã xảy ra, và việc tiếp theo phải làm. Trong số này có một người ưu tú mới coong: Nassim Taleb.
Một buổi tối thứ Tư tại diễn đàn, Taleb ngồi trên sân khấu bên cạnh Niall Ferguson, giáo sư người Anh ngành lịch sử và là tác giả có sách bán chạy; Nouriel Roubini, được biết đến dưới tên gọi Tiến sĩ Diệt vong vì đã dự báo sự sụp đổ ngành tài chính; và Danny Kahneman, từng nhận giải Nobel về tài chính hành vi. Chủ đề thảo luận của họ: những giờ phút định mệnh xoay quanh sự sụp đổ của Lehman Brothers và vai trò của nó trong cuộc khủng hoảng kéo theo sau đó.
Hầu hết đều đồng ý rằng sự kiện Lehman đã làm cho mọi thứ tồi tệ hơn, nhưng thật ra các vấn đề trong ngành tài chính mang tính hệ thống và có quy mô rộng hơn rất nhiều. Ferguson nhìn về phía trước và nói rằng thế giới đang tiến vào "một thập kỷ mất mát toàn cầu." Mọi thứ sẽ còn tồi tệ hơn tại Mỹ, ông nói thêm, dẫn đến "hoàng hôn của quyền bá chủ của Mỹ."
Sau đó Taleb ném ra một quả lựu đạn bằng lời.
"Tôi rất vui khi Lehman sụp đổ," ông nói đùa. Ông đã kiếm được tiền trên sự phá sản của họ thông qua Universa và cho biết ông đã nhảy nhót vui mừng khi nghe tin về thảm kịch này. "Tôi ghét các nhà giao dịch," ông nói thêm, củng cố cho quan điểm của mình.
Những nhà giao dịch tại Lehman trước kia thì không thấy vui đâu. Họ giờ đang làm việc cho Barclays, nơi đã mua lại công ty đầu tư tàn phế; một nhà giao dịch đã viết cho khách hàng, "Sàn giao dịch bốc cháy vì những bình luận ... Thật sự muốn lấy đầu của ông ấy." Tờ Wall Street Journal nhận xét, "Nassim Taleb có lẽ nên thu gom thêm bảo vệ." Spitznagel cố gắng làm giảm bớt số bụi mù này, nói với tờ Journal rằng một mặt đáng tiếc trong chiến lược của Universa là nó thường vươn lên mạnh mẽ lúc người khác chịu khổ.
Bản thân Spitznagel đang phải chiến đấu với một đối thủ hoàn toàn chênh lệch và vô cùng mạnh mẽ: Ben Bernanke và Cục Dự trữ. Để đối phó với khủng hoảng tài chính, Bernanke đã vặn chiếc nút kích thích tài chính lên đến mức tối đa là 100. Ngân hàng trung ương sau khi hạ thấp lãi suất ngắn hạn đến mức gần bằng 0, lại tiếp tục triển khai chiến lược được gọi là nới lỏng định lượng, QE. Cái tên nghe có vẻ phức tạp. Thực tế thì không hề. Cục Dự trữ chỉ đánh giá là mua vào rất nhiều, rất nhiều trái phiếu. Trái phiếu thế chấp, trái phiếu kho bạc. Hàng tỉ, hàng tỉ đô la giá trị trái phiếu. Cách làm này có thể kích thích tăng trưởng bằng nhiều hướng. Thứ nhất, nó thu gọn bản cân đối của ngân hàng, vì họ giờ đây không cần phải nắm giữ trái phiếu. Nó cũng giúp các công ty dễ tiếp cận khoản vay hơn, vì Cục Dự trữ đang đứng ra là người mua cuối cùng. Đến giữa năm 2009, Cục Dự trữ đã mua lại hơn 2.000 tỉ đô la tiền nợ.
Hầu hết các nhà kinh tế học đều hoan nghênh động thái này như là biện pháp cần thiết để giúp cho hệ thống tài chính không sụp đổ. Nhiều người còn so sánh nền kinh tế như bệnh nhân nằm trên bàn mổ cần bị sốc điện để ngăn chặn cơn đau tim có thể gây chết người.
Spitznagel cho rằng bệnh nhân có thể sống – nhưng trong tình trạng tồi tệ hơn bao giờ hết. "Lãi suất bằng 0, cỗ máy in tiền chạy hết công suất ... chúng ta quay lại chào đón một thời kỳ mới đầy dũng khí trông chờ chính phủ tài trợ cho thịnh vượng và nợ nần," ông viết trong một bài bình luận trên tờ Wall Street Journal. Spitznagel theo trường phái kinh tế học của Áo, chỉ trích sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế. Dự báo của họ trái ngược với nhóm ủng hộ nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes, người đề xuất các gói kích thích tài chính từ chính phủ để giúp cho nền kinh tế đang bấp bênh có thể phục hồi sau những giai đoạn suy thoái.
Quan điểm của trường phái người Áo, phát triển từ những nhà kinh tế học như Ludwig von Mises và Friedrich Hayek, đề xuất những viên thuốc đắng dành cho các doanh nghiệp thất bại. Hay nói đúng hơn, không có viên thuốc nào hết. "Hãy để những doanh nghiệp chẳng đâu ra đâu kia thất bại – không cần giải cứu," Spitznagel viết. "Những kẻ gây biến dạng này cần bị loại bỏ, nếu không thì vực thẳm mà hệ thống đang đứng bên bờ chờ ngã kia sẽ chỉ càng ngày càng mở rộng sâu hơn."
Một rủi ro quan trọng đối với các gói kích thích, theo Spitznagel, đó là nó kích hoạt trạng thái lạm phát triền miên, đặt biệt là đối với những tài sản như cổ phiếu. Mùa hè năm 2009, đáp ứng mối lo ngại của nhà đầu tư về rủi ro này, ông thành lập một quỹ mới được thiết kế để hưởng lợi từ giá tăng. Ông mua các quyền chọn mua sẽ tăng giá trị với các loại hàng hóa như ngô, dầu thô, và vàng, là những mặt hàng tiềm năng trong môi trường lạm phát. Quỹ này cũng bán khống trái phiếu kho bạc, chắc chắn sẽ chịu tác động của lạm phát khi lãi suất ngày càng tăng.
Spitznagel không phải là người duy nhất kỳ vọng một vụ sụp đổ do lạm phát. Warren Buffett lo ngại giá tăng và nói rằng thị trường trái phiếu kho bạc là một trong những bong bóng lớn nhất ông ấy từng chứng kiến. "Khả năng lạm phát tăng mạnh đã tăng lên, không chỉ tại đây mà cả trên toàn thế giới," nhà Tiên tri ở Omaha đã nói trong năm 2010. Taleb cũng nói ông cho rằng sẽ có siêu lạm phát.
Tất cả đều sai. Lạm phát phi mã đã không cất cánh như nhiều người kỳ vọng. Cũng có những đợt tăng giá đột ngột, nhưng nó thường ngắn hay chỉ giới hạn trong những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh và Trung Quốc với mức tăng trưởng hàng năm lên đến 10% và không có dấu hiệu dừng lại – tạo ra rất nhiều nhu cầu – kích hoạt một siêu chu kỳ hàng hóa khiến cho giá kim loại như đồng, thép, sắt tăng đến mức kỷ lục.
Một lập luận giải thích tại sao lạm phát đa phần vẫn trong tầm kiểm soát là cuộc Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu diễn ra là do sự sụp đổ của hệ thống tài chính, chứ không phải do nền kinh tế có yếu kém về các mặt khác, ví dụ như sản xuất. Do đó không dễ thúc đẩy tiêu dùng vì ngân hàng không cho vay; họ đã đốt cháy trong cuộc khủng hoảng, nên giờ đây chỉ chăm chăm ôm tiền. Đó là lý do một số nhà kinh tế học, ví dụ như nhà báo xã luận Paul Krugman trên tờ New York Times, cũng là một người thường tấn công Taleb, đã cho rằng Cục Dự trữ vẫn chưa kích thích đủ lớn và chính quyền Obama vẫn chưa chi tiêu đủ lớn để vực dậy người bệnh. "Ngân hàng vẫn không cho vay khoản dự trữ bổ sung của họ," ông ấy viết trong một bài bình luận tháng 5/2009. "Họ chỉ ngồi đó mà ôm lấy chúng."
Một lý do khác giúp duy trì lạm phát tương đối ổn định: Lương của hầu hết người Mỹ vẫn đứng yên bất chấp tăng trưởng kinh tế ảm đạm. Nhiều người thất nghiệp, việc tuyển mới thì không có, thế nên các doanh nghiệp không cần phải tăng lương để thu hút lao động. Không có tia lửa để kích hoạt đám cháy lạm phát. Cái chu kỳ lương-giá theo đó người lao động được tăng lương để mua thêm hàng hóa, làm cho giá hàng hóa tăng lên, tạo ra đòi hỏi mức lương tăng theo – là yếu tố đã góp phần gây ra lạm phát phi mã trong thập niên 1970 – đã không xuất hiện lần này. Điều này một phần là do suy giảm lượng thành viên công đoàn và xói mòn sức mạnh người lao động từ thập niên 1980. Cạnh tranh từ Trung Quốc là một yếu tố khác khi các nhà sản xuất đưa hoạt động sản xuất ra nước ngoài với tốc độ kỷ lục. Tăng trưởng tiền lương trong thập niên 2010 tại Mỹ hầu như là không có trải dài suốt 10 năm này, theo khảo sát của Viện Chính sách Kinh tế. Thu nhập trung vị của hộ gia đình năm 2015 là 70.200 đô, không cao hơn so với năm 2000, "đánh dấu một giai đoạn 15 năm trì trệ, một khoảng thời gian chưa từng có tiền lệ trong vòng 50 năm qua," Trung tâm Nghiên cứu Pew đã viết.
Trong khi nền kinh tế thực chịu ảnh hưởng nặng nề sau khủng hoảng tài chính, tác động đến tiền lương và giá nhà, thì thị trường chứng khoán lại tăng vọt. Những hộ gia đình có đầu tư cổ phiếu với tỉ trong cao được hưởng lợi lớn (trên lý thuyết). Nhưng phản ảnh từ lạm phát tài sản chuyển sang nền kinh tế thực như kỳ vọng của Bernanke đã không xảy ra, hay xảy ra chậm hơn nhiều. Sự chênh lệch tài sản gây tác hại to lớn tại Mỹ, khi sự bất bình đối với nhóm tinh hoa càng tăng, cũng như sự tuyệt vọng dai dẳng trong nhiều gia đình, thị trấn nhỏ, và những công nhân đang sống chật vật vì bị loại ra ngoài cuộc chơi.
Thế nên mặc dù quỹ lạm phát mới của Spitznagel chỉ là bù nhìn (ông ấy cũng thu dọn nó sau vài năm), quan điểm bao quát của ông lại rất hợp lý – rằng chính sách tiền tệ lỏng lẻo và kích thích tài chính tất yếu đi kèm hệ quả tiêu cực đáng kể, ví dụ như tài sản bị thổi phồng chỉ càng làm giàu hơn cho nhóm người giàu có. Quan trọng hơn, khi lạm phát vẫn duy trì mức thấp đến không thể hiểu được trong suốt một thập niên, Cục Dự trữ lại không hề đóng vòi. Họ vẫn giữ lãi suất thấp và chính sách nới lỏng định lượng trong suốt thập niên 2010. Gói kích thích lại càng sôi động sau đợt bùng phát Covid-19. Khi chiếc hũ rượu cuối cùng cũng phải bị dẹp đi, chắc chắn hậu quả để lại là một trận đau đầu cực hạn. Năm 2022, khi Cục Dự trữ bắt đầu tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát leo thang, nhiều người trên Phố Wall bắt đầu tự hỏi có nên tích trữ thuốc nhức đầu – hay một thứ nào đó có tác dụng mạnh hơn nữa.
***
Khi chiếc taxi chở Nassim Taleb rẽ vào đường 1 Rocket Road, một nhà kho rộng lớn hiện ra trước mắt: đây là tổng hành dinh phát triển tên lửa của Elon Musk tại Los Angeles, SpaceX. Đó là cuối buổi chiều ngày 24/7/2009. Taleb kiểm tra hộp thư đến. "Chào mừng anh đến LA," người đại diện xuất bản và nhà tổ chức các buổi diễn thuyết, John Brockman, đã viết:
Sau đây là chi tiết chương trình:
Tối thứ 6
6pm Tiệc cocktail – Tầng lửng
7pm Tiệc tối – Tầng lửng, Studio 5
Sáng thứ 7
7:30 Ăn sáng – Tầng lửng, Studio 4
8:30 Di chuyển bằng xe buýt đến Space X (khoảng 20 – 30 phút)
Để phù hợp với lịch trình của Craig Venter chỉ có thể đến Space X vào buổi chiều, nếu được, tôi sẽ dời bài phát biểu của Elon Musk và tham quan cơ sở sang 4pm, thay vì giờ nghỉ trưa.
7:30 Tiệc tối – Spago
176N Canon Dr Beverly Hills, CA 90210
Nhờ thành công như bom tấn của Thiên nga đen, Taleb đã gia nhập vào một trong những salon trí thức ưu tú nhất tại Mỹ, Edge Foundation của Brockman, nơi tụ họp không chính thức của các nhà khoa học và nhà tư tưởng (chủ yếu là nam giới), bao gồm những tên tuổi như Richard Dawkins, Steven Pinker, Danny Kahneman, và Murray Gell-Mann (người phát hiện ra hạt vi lượng quark), và những ông trùm tập đoàn như nhà sáng lập Google Sergey Brin và Larry Page, Jeff Bezos của Amazon, Bill Gates của Microsoft, và cả nhà tài chính Jeffrey Epstein mà sau này bị mang danh xấu. Ý tưởng thành lập salon này cũng đơn giản: gom một nhóm những con người thông thái vào chung một phòng, để cho họ trao đổi, và để xem kết quả đầu ra thu lại được gì. Vung tay ném một mớ tiền tỉ và biết đâu có một thứ lớn lao nào đó thực sự nảy mầm. Đây là "một diễn đàn cho những ý tưởng lớn, hấp dẫn, hay gây lo ngại, xuất phát từ những nhà trí thức đã có thành tích đạt những thành tựu quan trọng trong lĩnh vực của mình," tờ Guardian viết.
Lần này, các thành viên Edge Foundation gặp nhau tại SpaceX và khách sạn Andaz West Hollywood để nghe trình bày về những tiến bộ mới nhất trong vi sinh học từ các chuyên gia như nhà di truyền học George Church và Crag Venter tại Trường Y khoa Harvard, là nhà sinh học công nghệ đầu tiên lập bản đồ gene của người. Brockman trước đó đã gửi cho Taleb một danh sách các chủ đề có trong Lớp học Bậc thầy, không khác gì những công thức phức tạp của phù thủy thời công nghệ: cuộc sống là gì, nguồn gốc của sự sống, cuộc sống tổng hợp trong ống nghiệm, sự sống qua gương, tác động trao đổi chất cho hydrocarbon và dược phẩm, công cụ tính toán, giao diện sinh học điện tử, sản xuất phân tử công nghệ nano, cảm biến sinh học, tăng tốc tiến hóa trong phòng thí nghiệm, công nghệ tác động tế bào gốc, tế bào kháng đa virus, chuột được nhân bản hóa, hồi sinh các loài đã tuyệt chủng.
Tại trụ sở SpaceX, Church có bài nói mang tên "Giấc mơ và Ác mộng." Người tham dự bao gồm nhà đầu tư mạo hiểm Sean Parker, người đã ủng hộ ý tưởng ban đầu của Facebook; Larry Page của Google; nhà kinh tế học hành vi Richard Thaler; Steward Brand, người tạo ra Danh mục Toàn trái đất; một người nào đó từ Nhà trắng; và một nhóm các nhà khoa học thông thái khác. Elon Musk nhảy vô nhảy ra để nghe. Taleb tự giới thiệu mình là giáo sư về kỹ thuật rủi ro, và nói thêm "cũng không giải thích được rõ việc tôi làm gì."
Church là một người cao lớn, ngoại hình thông thái với bộ râu dày màu trắng, giải thích rằng, không đúng với suy nghĩ phổ biến, các nhà di truyền học vẫn chưa thể lập bản đồ cho toàn bộ gene của con người. Vẫn còn những khoảng trống khiến nhà khoa học phải vất vả xác định xem ADN nào gây ra những căn bệnh nào, ví dụ như tâm thần phân liệt. (Bản đồ gene hoàn chỉnh của con người đã được hoàn thành năm 2022.)
Church cũng có một bài giảng khác trong ngày hôm đó mang tên "Tạo ra sự sống từ hóa chất."
"Tôi sẽ mô tả một số công nghệ có thể khiến quý vị thấy sốc. Chúng ta có thật sự hiểu mình đang làm gì không? Hầu hết tất cả mọi thứ mà tôi sẽ nhắc đến sau đây đều có những hệ quả ngoài dự định và không thể lường trước."
Church mở ra một trang có nội dung: "Nguyên tắc Phòng ngừa. Nếu một hành động có thể gây ra tác hại nghiêm trọng và không thể khắc phục cho công chúng, trong trường hợp không đạt được sự đồng thuận khoa học, trách nhiệm chứng minh sẽ thuộc về những người ủng hộ việc thực hiện hành động này."
"Chúng ta đặt ra nguyên tắc phòng ngừa này,"Church nói. "Có một xu hướng là, khi ta không hiểu được sự việc, thì đừng làm gì cả. Và điều này có thể tranh luận trong một số trường hợp, cũng không thể tranh luận trong một số trường hợp khác. Và tôi không nghĩ chúng ta cần phải thảo luận nhiều về nó."
Church chuyển qua giới thiệu về phương pháp địa khai hóa thế giới để chống lại hiện tượng trái đất nóng dần lên. Một ví dụ là "bón phân cho đại dương," theo đó người ta đổ vào đại dương những dạng sắt rẻ tiền để hấp thụ CO2, giúp tạo ra những mảng tảo lớn. "Nhiều người lo ngại rằng chúng tôi không hiểu rõ việc mình đang làm khi chúng tôi tạo ra những mảng lớn giữa đại dương," ông nói. "Điều đáng nói là, khi thực hiện phương pháp địa khai hóa thế giới này, theo cách gọi của chúng tôi, trên trái đất, thì chúng ta phải chấp nhận những rủi ro dạng này. Nếu không làm gì cả, thì chúng ta vẫn đang chấp nhận rủi ro."
Chủ đề tiếp theo liên quan đến ADN tổng hợp bằng một chiếc máy chế tạo để bàn tương đối rẻ tiền. "Với chiếc máy này trong một lần chạy bạn có thể làm ra một thứ có quy mô như đậu mùa," ông nói. "Bạn có thể tạo ra thứ bệnh đậu mùa kháng thuốc, kháng vắc xin, là một điều không phải là tốt. Có nhiều người háo hức muốn theo dõi vụ này."
Một cuộc thảo luận nổ ra trong nhóm về việc liệu rằng, sau vài năm nữa, công nghệ có phát triển đến mức có thể tổng hợp được một mầm bệnh chết người ngay trong phòng thí nghiệm của một trường trung học với ngân sách chỉ vài ngàn đô la.
"Lý do tại sao việc này được xếp vào nhóm khía cạnh quan trọng về rủi ro tồn vong của thế giới," Church nói, "là vì nó có thể được nhân rộng," ý muốn nói đến mầm bệnh. "Chất thải hạt nhân có thể lan tỏa, nhưng nó sẽ loãng dần khi lan rộng. Thứ này lại nhân lên."
Taleb giơ tay lên tiếng. "Vấn đề chúng ta đang đối mặt ở đây là khi đề cập đến 'năng lượng hạt nhân' là mọi người đều thấy sợ. Nhưng nó sẽ không nhân rộng, và các sai sót cũng có thể đảo ngược," ông nói. "Thứ này lại nhân rộng đáng sợ. Nó như một con quái vậy ấy," ý muốn nói đến các virus lây lan theo cấp số nhân.
"Đúng vậy," Church nói.
"Và xác xuất của nó là bằng 1" – theo ngôn ngữ thống kê, là đảm bảo 100% - "rằng sẽ có người nào đó phát minh ra được một thứ gì đó có khả năng nhân rộng. Nó là một sự kiện hiếm nhưng có tác động lớn."
"Thực tế là có rất nhiều cách để gây rối loạn nghiêm trọng cho thế giới," Larry Page nói. "Và hầu hết những việc đó vẫn chưa diễn ra. Vấn đề phòng thủ trước một trong những thứ như thế là chúng ta phải phòng thủ trước tất cả mọi nguy cơ có khả năng xảy ra, vốn dĩ là một việc không thực tế."
"Đây cũng là vấn đề trong tài chính," Taleb nhận xét. "Trước khi có cuộc khủng hoảng này, người ta không thể tin được rằng hệ thống tài chính lại hỗn loạn đến thế, liên kết chằng chịt đến thế, đúng không? Thế này nhé, bất cứ thứ gì có liên kết quá chằng chịt trong một hệ thống phức tạp đến một lúc nào đó nhất định sẽ bị đứt gãy. Và chúng ta thì lại đang kết nối quá mức. Ngành hàng không? Kết nối quá mức."
Trong nhiều ngày, nghe hết bài giảng này đến bài giảng khác về phá vỡ cấu trúc, trộn lẫn, chạm khắc, cắt lát và cắt nhỏ ADN, Taleb rơi vào một đợt khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Church bình tĩnh kể về các hoạt động chủ động can thiệp vào các khối tạo lập nên sự sống, về những virus chết người có thể đặt dấu chấm hết cho loài người. Chuyến tham quan SpaceX sẽ là lần gặp gỡ đầu tiên và cũng là lần cuối cùng với Edge. Nó đánh dấu sự khởi đầu cho mối quan tâm sâu sắc về việc các nhà khoa học can thiệp vào hệ gene, và tạo tiền đề cho chiến dịch chống lại các sinh vật biến đổi gene sẽ đặt ông thẳng trong tầm ngắm của một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top