Chương 1: Bùm!
Mark Spitznagel nhìn chằm chằm vào màn hình máy tính một cách kinh ngạc. Đó là một buổi sáng thứ 2, ngày 16 tháng ba năm 2020. Ông ấy không thể tin được rằng tất cả các thị trường trên thế giới đã trở nên rối loạn. Thị trường toàn cầu hầu như đã tê liệt. Không có thứ gì được giao dịch. Các nhà đầu tư tha thiết thoát ra khỏi vị thế của mình để tránh thua lỗ quá nặng nhưng không thể, vì tất cả mọi thứ từ cổ phiếu đến hàng hóa đến trái phiếu đều sụp đổ vào khoảng không. Các nhà giao dịch thậm chí còn không thể bán trái phiếu kho bạc mỹ, T bond, vốn dĩ là tài sản có tính thanh khoản tốt nhất trên thế giới. Cứ như thể giá trị khoản vay của chính phủ Mỹ đã tiến về 0.
Trong lúc đại dịch Covid 19 lan dần vào đầu năm 2020, thị trường tài chính toàn cầu bắt đầu lung lay, và rồi sụp đổ. Đến đầu tháng 3, những cú rơi tự do chưa từng thấy đến hơn 2.000 điểm của chỉ số Dow, theo sau đó là hồi phục 2.000 điểm khiến ai cũng ngước nhìn, đã trở thành chuyện thường nhật. Thị trường đang trải qua giai đoạn biến động chưa từng có.
Đây là chuyện tốt đối với Spitznagel, ông chủ quỹ đầu tư Universa Investments, với chiến lược độc đáo khai thác hỗn loạn của thị trường. Nhà môi giới này làm việc tại nhà, trong căn nhà gỗ có tuổi đời hàng trăm năm ở khu bán đảo nhiều rừng rậm Northport Point, Michigan. Ông mới vừa bay đến đây tuần trước với gia đình khi chính phủ quy định phong tỏa khắp cả nước. Bên ngoài cửa sổ, bên kia mặt nước Vịnh Northport, Hồ Michigan, có thể nhìn thấy Trang trại Idyll với những dãy đồi trùng điệp được phủ một lớp tuyết, đây là nơi ông và vợ chăn thả đàn dê làm ra phô mai đoạt giải thưởng.
Spitznagel đã chuẩn bị cho thời khắc như thế này từ khi còn là một cậu bé 16 tuổi ngỡ ngàng ấn tượng với cái sôi động náo nhiệt của sàn giao dịch Chicago trong thập niên 1980. Ông là con của một mục sư Công giáo, từ bỏ sự nghiệp sáng lạn của một nghệ sĩ biểu diễn trong dàn nhạc, và một suất học bổng tại trường Juilliard, để theo đuổi con đường nghề nghiệp giao dịch hàng hóa. Ông ấy đã leo lên từ những bậc thang thấp nhất trong Hội đồng Thương mại Chicago đến các chức danh cấp cao tại ngân hàng ở New York, và cuối cùng quyết định chung tay thành lập quỹ đầu tư tiến bộ năm 1999 có tên là Empirica Capital. Spitznagel là người sinh ra để làm môi giới. Khi đại dịch và hỗn loạn bùng phát trên thị trường toàn cầu vào tháng 3/2020, ông lại là người hoàn toàn bình tĩnh.
Trao đổi qua hệ thống nội bộ với đội ngũ môi giới tinh gọn của mình tại trụ sở của Universa trên tầng 20 của một tòa cao ốc nằm bên bờ biển tại Coconut Grove, Miami, ông theo dõi các vị thế giao dịch đã được tính toán chu đáo cẩn thận, đặc biệt thiết lập để hưởng lợi từ hỗn loạn. Ông theo dõi thị trường nổ tung với tâm trạng vừa lo sợ vừa sảng khoái. Universa quản lý rủi ro cho 4,3 tỉ đô la tài sản của khách hàng trên khắp thế giới, vẫn luôn xác định vị thế chờ đón một thảm kịch như thế này từ rất lâu rồi.
Spitznagel, một người có thân hình thon gọn, cao ráo, cái đầu cạo trọc vì đường chân tóc ngày càng thu gọn, là người sáng lập và thiết kế chính của Universa, một cỗ máy giao dịch có chiến lược được thiết lập từ cuối những năm 1990 tại Empirica cùng với người hợp tác lâu năm, Nassim Nicholas Taleb. Taleb là nhà toán học, người môi giới người Mỹ gốc Lebanon, một người đi ngược xu hướng, sau này trở thành tác giả nổi tiếng khắp thế giới với những tác phẩm đứng đầu bảng xếp hạng như Thiên Nga Đen và Khả năng Cải thiện Nghịch cảnh. Khi Empirica ra đời, ông ấy còn là một giáo sư tài chính định lượng vô danh tại ĐH New York, có kinh nghiệm giao dịch các công cụ tài chính phức tạp được gọi là phái sinh. Ông đã bị thuyết phục rằng thị trường và tổ chức tài chính đã trở nên rủi ro nhiều hơn hình dung của nhiều người. Ông đã kiếm được một vụ lớn vào Ngày thứ hai Đen tối trong tháng 10/1987, khi chỉ số Dow giảm 22,6% chỉ trong một ngày. Cũng giống như Spitznagel, ông đã chứng kiến những lần nổ tung trong thập niên 1990 – Quận Cam, California phá sản năm 1994; Khủng hoảng Châu Á năm 1997 bắt nguồn từ việc tiền tệ mất giá; quỹ đầu tư khổng lồ Long-Term Capital Management sụp đổ năm 1998 sau khi đặt cược sai lầm vào nợ của Nga (và nhiều vụ khác). Taleb đã đặt tên cho những khủng hoảng tương tự là Thiên Nga Đen – những sự kiện cực đoan mà không ai có thể lường trước (ví dụ như thị trường đột ngột sụp đổ). Đã từng có một thời người Châu Âu cho rằng tất cả mọi con thiên nga đều có màu trắng ... cho đến khi họ phát hiện thiên nga đen tại Úc. Thiên nga đen là một thứ gì đó hoàn toàn nằm ngoài khả năng tư duy, một thứ đi ngược lại tất cả những hiểu biết và giả định trước kia.
Năm 1999, tất cả chỉ mới là lý thuyết. Để kiểm tra, Taleb và Spitznagel thành lập Empirica, một quỹ đầu tư được thiết kế để hưởng lợi lớn từ những vụ sụp đổ. Họ tự nhận mình là những kẻ đi săn khủng hoảng. Nó là một quỹ đầu tư thị trường con gấu cực hạn, loại hình quỹ đầu tiên trên thế giới. Không giống như những tổ chức giao dịch khác kiếm tiền trong thị trường con bò, Empirica chỉ tung đòn giết người khi con gấu gầm từ xuất hiện từ trong hang. Mỗi ngày, nó mua vị thế hứa hẹn mang lại lợi nhuận khổng lồ khi thị trường giảm mạnh. Bình thường, giao dịch này mất một khoản tiền nhỏ - nếu thị trường không sụp, giao dịch này trở thành vô nghĩa. Nhưng khi thị trường sụp, vị thế của Empirica trở nên vô giá.
Taleb và Spitznagel đóng cửa Empirica năm 2004, một phần vì Taleb không thích nhọc công điều hành quỹ đầu tư mà chỉ muốn cống hiến hết mình cho viết lách sau thành công của tác phẩm đầu tay dành cho công chúng, Trò đùa của sự Ngẫu nhiên (trong những năm 1990 ông ấy từng có một quyển về kỹ thuật giao dịch mang tên Dynamic Hedging). Spitznagel thì chỉ muốn làm một nhà môi giới, thế nên đã tái lập chiến lược này năm 2007 tại Universa – và tiếp tục hoàn thiện nó. Taleb có chức danh chính thức là Cố vấn Khoa học Cấp cao tại Universa nhưng không bao giờ tham gia điều hành hoạt động hàng ngày. Thay vào đó, quỹ lợi dụng danh tiếng của nhà tư tưởng và tác giả nổi tiếng thế giới để thu hút chú ý của các nhà đầu tư giàu có.
Universa kiếm được bộn tiền trong Khủng hoảng Tài chính toàn cầu năm 2008, cũng như những giai đoạn trồi sụt khác như Sụp đổ Nhanh 2010, hạ cấp nợ của Mỹ năm 2011, một vụ nổ kinh hoàng năm 2015 giúp Universa kiếm 1 tỉ đô la trong vòng chưa đến một tuần, và nhiều lần biến động có biên độ cao, như Volmageddon năm 2018. Universa gọi chiến lược này là Giao thức Bảo vệ Thiên nga đen. Mục tiêu của giao thức này: bảo vệ nhà đầu tư khỏi những con Thiên nga đen.
Những chuyện dường như đang xếp hàng xuất hiện trong tháng 3/2020 đối với thị trường và kinh tế toàn cầu thực sự là Thiên nga đen – tồi tệ hơn tất cả những gì từng thấy trên thế giới kể từ Đại khủng hoảng thập niên 1930. Kinh tế quốc gia tạm ngừng hoạt động vì công nhân và người dân túm tụm hết ở trong nhà. Hàng triệu người Mỹ đột nhiên bị mất việc. Đến giữa tháng 3, giá trị của tất cả mọi thứ, từ cổ phiếu đến trái phiếu đến hàng hóa đều đang trong tình trạng rơi tự do.
Trong khi Spitznagel ngồi tại Northport Point để theo dõi thị trường rơi vung vãi, thì các nhà môi giới của Universa đã thức trắng đêm 16/3 để nắm vững vị thế cho quỹ đầu tư khi mà cơn đại hồng thủy dồn dập đến từ Hong Kong đến Châu Âu đến Mỹ. Khoảng 5 giờ sáng ngày thứ 2, vài nhà giao dịch kỳ cựu đã đến văn phòng công ty. Những nốt nhạc êm dịu của Bach vang lên trong không gian. Một số khác thì làm việc tại nhà theo quy định phòng dịch của công ty. Đội ngũ 16 người của Universa bao gồm người lập trình và môi giới – tiến sĩ, chuyên gia máy tính, nhà toán học – đều mệt mỏi rã rời. Nhưng họ không có thời gian để nghỉ ngơi. Sau khoảng thời gian hỗn loạn lúc mở cửa giao dịch, Spitznagel nhảy lên chiếc phi cơ riêng và cất cánh từ một đường băng cỏ gần nhà mình ở Michigan. Đến chiều, ông đã ngồi vào vị trí quen thuộc của mình bên cạnh chiếc cửa sổ bằng kính suốt từ sàn đến trần có tầm nhìn bao quát ra Miami và làn nước xanh như ngọc lục bảo của Vịnh Biscayne.
"Nhớ đấy! Chúng ta là cướp biển! Không phải là hải quân!" Ông thỉnh thoảng lại hô lên nhắc nhở đội ngũ những nhà giao dịch phái sinh tinh nhuệ, mượn lời của Steve Jobs ("Thà làm cướp biển còn hơn gia nhập hải quân").
Covid 19 gây ra làn sóng chấn động trên hệ thống tài chính toàn cầu. Chỉ số trung bình Dow giảm 13% trong ngày thứ 2 hôm đó, là mức giảm của một ngày đứng thứ hai trong lịch sử, chỉ sau ngày Thứ hai Đen tối năm 1987. Thị trường trái phiếu đóng băng. Quỹ thị trường tiền tệ chứng kiến dòng tiền chảy ra đạt kỷ lục. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang bị tiêu diệt. Những cựu binh phố Wall cũng chưa từng thấy hiện tượng này – chưa từng có ngay cả trong Khủng hoảng Tiền tệ Toàn cầu. "Khủng hoảng tài chính 2008 giống như một vụ đụng xe được quay chậm," Adam Lollos, người đứng đầu bộ phận tín dụng ngắn hạn tại Citigroup, nói với tờ Wall Street Journal. "Lần này thì như một vụ nổ, Boom!"
Tuần tiếp theo, khi sự biến động đến chóng mặt đè bẹp thị trường, một nhóm nhỏ các nhà môi giới của Universa không có cả thời gian để ngủ, nhiều người chỉ tranh thủ chợp mắt vài giờ ngay trong văn phòng hay nơi làm việc ở nhà đã vội thức dậy, uống cà phê cho tỉnh táo, và lặng lẽ tích cóp cả gia tài.
Spitznagel và đội ngũ chứng kiến khoản đầu tư của mình tăng thẳng đứng, như một chiếc tên lửa phóng lên trời. Đến cuối tháng 3, Quỹ Giao thức Bảo vệ Thiên nga đen của Universa đã ghi nhận mức lợi nhuận 3 tháng hơn 4.144%, một con số gây kinh ngạc. Khoản đặt cược 50 triệu của Spitznagel đã thu về, chỉ trong một cái chớp mắt, gần 3 tỉ đô la.
Lợi nhuận khổng lồ đến mức nhiều chuyên gia phải nghi ngờ. Có người cho rằng mức lợi nhuận này là không thể nào. Aaron Brown, nhà quản trị rủi ro lâu năm tại Phố Wall, và cũng là bạn lâu năm của Nassim Taleb, còn tự hỏi phải chăng Universa đã tranh thủ đầu cơ từ vụ sụp đổ. Ý của ông ấy là, Spitznagel đã đánh hơi nghe được mùi hỗn loạn trong không khí, và dồn hết các khoản cược của công ty, cược càng lớn thì thu lợi càng nhiều. Spitznagel nói rằng Universa không bao giờ đầu cơ. Họ vẫn luôn làm đúng theo giao thức bảo vệ sụp đổ cho khách hàng, không thay đổi, không tăng lên hay hạ xuống, bất kể chuyện gì diễn ra trên thị trường.
Brown không chắc lắm.
"Họ phủ nhận, nhưng chắc chắn họ phải có yếu tố dự báo nào đó mà họ không muốn tiết lộ," Brown nói với tôi. "Anh không thể làm tốt mà không có chuyện đó. Có thể họ đã phát hiện ra một bí mật cuộc sống, nhưng thực tế không hợp lý. Họ làm tốt hơn rất nhiều lần so với những người khác."
Spitznagel cũng thừa nhận điểm cuối cùng này.
Mặc dù khái niệm Thiên nga đen là do Nassim Taleb phổ biến, nhưng Universa hoàn toàn là đứa con riêng của Spitznagel. Sau khi đóng cửa Empirica, Taleb đã trở thành một nhà tư tưởng nổi tiếng, một người khuấy động tư tưởng triết học khi ông mở rộng khái niệm Thiên nga đen ra khỏi lĩnh vực giao dịch và tài chính. Trái tim ông ấy mong muốn được biết đến như là một nhà khoa học, một triết gia, chứ không phải là nhà giao dịch (mặc dù việc Taleb tham gia Universa đã giúp ông ấy giàu có kếch sù, số tiền nhận được từ quỹ đầu tư vượt xa lợi nhuận đáng kể từ những tác phẩm sách của mình).
Một lĩnh vực mà ông ấy đào sâu nghiên cứu là đại dịch, một con Thiên nga đen đặc biệt nguy hiểm. Năm 2010, ông ấy đã dự báo trên tờ Economist rằng thế giới sẽ phải đối mặt với "đại dịch sinh học và điện tử nghiêm trọng, một món quà đến từ toàn cầu hóa." Trong tác phẩm Đối diện Nghịch cảnh, phần tiếp theo của Thiên nga đen năm 2012, ông đã viết rằng toàn cầu hóa sẽ làm gia tăng nguy cơ từ những mầm bệnh trên trái đất "giống như toàn thể thế giới trở thành một căn phòng rộng lớn nhưng lại chỉ có những cửa thoát hiểm rất hẹp và tất cả mọi người đều đổ dồn về cùng một cửa." Một bài báo năm 2014 có tiêu đề "Nguyên tắc Phòng ngừa," ông và các đồng tác giả đã viết rằng "hệ thống kết nối chặt chẽ toàn cầu có nghĩa là chỉ một sai lệch nhỏ cũng sẽ chi phối đến tổng thể các tác động. Ví dụ cụ thể là đại dịch, các loài xâm lấn, và khủng hoảng tài chính."
Nói cách khác, trong thế giới siêu kết nối có tính di động cao như hiện nay, nguy cơ xảy ra những sự kiện cực đoan như đại dịch là lớn hơn bao giờ hết. Tháng 1/2020, Taleb đã nhìn thấy đại dịch và đưa ra cảnh báo. Nhưng người ta không ai nghe theo những cảnh báo của ông.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top