Chương 9: LỐI CHỮ VIẾT

Nước Việt Nam ta, lối chữ viết từ đời Đinh, Lê trở về trước thì không trông thấy được nữa, còn lối chữ từ đời Lý đời Trần trở về sau, thì bắt chước chữ đời nhà Tống, ở trong sách An Nam kỷ lược (1) đã nói rõ.

Nay còn thấy tấm bia ở núi Dũng Thúy và bài minh khắc vào chuông chùa Thiên Phúc, núi Phật Tích, cùng là bài bia ở dinh cơ quan Tam sương là Châu công (2) ở làng Châu Khê, huyện Đường An; bút pháp rất cổ kính.

Còn như cái biển ba chữ "Đông hoa môn" thì chính là ngự bút vua nhà Lý, bút pháp hùng hồn, tự nhiên, khác hẳn người tầm thường, những nét phẩy, mác, sổ, móc đã phôi thai ra một lối chữ nước Nam ta.

Còn ba chữ "Đại hưng môn" thì là chữ hoành biển, chế ra từ đời Lê Hồng Đức, nét bút lẫn cả lối chân lối khái; chữ cổ đến đời ấy đã có một bước biến cải.

Khoảng năm Diên Thành (3) đời nhà Mạc, con gái Đà quốc công là Mạc thị, có dựng ra chùa Bối Am, mài đá khắc một bài minh, nét chữ đầu cong chân quẹo, hơi giống chữ viết bây giờ, nhưng bên tả vênh lên, bên hữu vẹo xuống đến có hơi khác, thực là quái lạ!

Dễ thường đời Lê sơ và đời nhà Mạc, lối chữ viết đại lược như thế cả. Gần đây, lối chữ trong Thuận, Quảng cũng gần giống như vậy, cũng là còn giữ lối chữ như xưa.

Từ đời Lê trung hưng trở về sau, những người đi học theo nghề khoa cử viết theo lối chữ khải đời cổ, lại ngoa ngắt thêm bớt, làm sai đi đến nửa phần, gọi là lối chữ nho. Còn những giấy tờ ở chốn cửa công thì dùng riêng một lối chữ "nam", lúc đầu là phòng dân gian làm giả mạo, mới theo hoa văn mà đặt ra một lối chữ việc quan khiến làm rõ đẹp lối chữ nước Nam ta (4). Ai học theo lối chữ ấy, thì sáu năm một lần, thi trúng tuyển được sung vào làm chân


thư tả ở trong các nha môn. Song những cách giả dối là bởi những kẻ nho lại làm ra, càng ngày càng tệ, các quan trên không thể cấm được. Bốn lối chữ chân, thảo, triện, lệ, lâu nay


không ai truyền dạy. Cũng có người tập lối chữ ấy, nhưng chỉ là tự ý học phỏng chừng, dối trá quệch quạc, trông chẳng khác gì anh thợ vẽ bôi bác vụng về, không ai buồn nhìn.

Trong khoảng năm Cảnh Hưng, chúa Trịnh Thịnh vương (Trịnh Sâm) (5) lại thích lối chữ Trung Hoa, kẻ học giả đua theo, mới hơi thay đổi lối chữ Nam đi để cầu hợp mắt người bấy giờ, có khi viết một chữ mà nét chấm là lối chữ triện, móc là lối chữ lệ, phẩy mác là lối chữ chân, nếu gặp phải chữ rậm nét, thì lại đá thảo để viết cho thông hoạt, gọi là lối chữ viết câu đối.

Lối chữ thảo thì bắt chước vũ kiếm (6) mà quằn quèo, thô tháp, không có vẻ thanh tao, gọi là lối chữ đề thơ. Lại còn lối chữ viết chân phương, chân hành, lão thảo, nộn thảo, đại triện,


tiểu triện, cổ lệ, cổ lựu, tiểu kỷ, tiểu khải, đều tùy ý mô phỏng mà viết, để khoe khoang nổi tiếng ở đời. Kẻ hậu tiến đều coi đó là sư pháp, thường bảo nhau rằng đây là lối chữ chính tôn phái Dao tiên sinh (7), kia cũng là lối chữ bắt chước Dao tiên sinh, ngông nghênh tự đắc, trên không coi đời cổ vào đâu, giá có hỏi đến tự thế (8) của các nhà cổ kim, thì tuyệt nhiên chẳng biết một tý gì.

Ôi! Kẻ nho lại đi học chữ để chiều đời kiếm ăn, không trách làm gì; ta chỉ thương cho những kẻ sĩ phu đời nay không còn ai lưu ý đến các lối viết chữ. Đời xưa, trong nhà học hiệu (9) có dạy cả sáu nghề: lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số, khi nhỏ học tập, khi lớn lại nghiên cứu đem ra để dùng. Từ đời Tần, Hán trở xuống, lấy chữ tốt nổi tiếng ở đời thì đời nào cũng có. Như Thái Ung, Chung Do đời Hán, Vệ phu nhân và cha con Vương Hy Chi đời tấn, lề thói di truyền kẻ trước người sau, nổi tiếng chữ tốt cũng nhiều. Vua Đường Văn Hoàng là bậc thiên tử, có muôn cỗ xe mà còn ưa lối chữ phi bạch và lối chữ của vua Lương Vũ đế và Dương Dật Thiếu cũng là những người nổi tiếng chữ tốt (10).

Các vị công khanh có tiếng đời nhà Đường, như Ngụy Trưng, Trữ Lượng, Ngu Thế Nam, Trử Toại Lương cho đến các họ Nhan, liễu, Hàn Mặc Tử, Bạch (11), đều là danh gia có tiếng chữ tốt cả. Đời nhà Tống hơn ba trăm năm, các bậc tiên nho cũng nhiều, như thấy Chu, thầy Trình, họ Trương, họ Chu, họ Ngụy (12) cùng với họ Tô, họ Hoàng, họ Tống (13), đến nay hãy còn truyền bút tích lại, xem ra cực tốt, chưa khi nào vì tốt chữ mà làm che mất huân danh đức nghiệp bao giờ.

Nước ta đã có tiếng là văn hiến không khác gì nước Trung Hoa, thế mà về một việc học viết chữ, lại cho là việc của kẻ thơ lại, không ai thèm lưu ý đến, không biết tại sao?

Ta có một người bạn là Hoàng Hy Đỗ, nguyên người Quảng Đông, phố Tân Hội, từ đời cha mới sang ngụ ở Hoa Dương, trấn Sơn Nam, rồi thành người Việt Nam. Ông thông minh, đĩnh ngộ, các sách tiểu thuyết, dã sử đều xem qua hết. Ông lại thích nghề thơ, từ, ngâm vịnh, phàm thơ của các danh gia từ đời Hán, Ngụy, Đường, Tống, Minh, ông đều xem qua và đọc


thuộc cả. Ông thường có câu thơ vịnh hoa kiến lan (14): "Sắc đẹp lượt là từng mộng thấy, Hương thơm bát ngát đáng xưng vương"; lại có câu: "Trân trọng chớ hiềm tri kỷ ít, Tao đàn từng đã dự bình chương", hay có câu tả lúc ở đất khách, nghe chim nhạn (15): "Nếu bay qua tới hương quan đó, Nhắn bảo thu về cúc nở hoa", xem những câu thơ ấy, tự khắc biết người


vậy.

Ông ấy lúc nhỏ viết viết lối hành thảo rất tốt, hễ cầm bút lên thì rụt rè như không thể viết được, nhưng lúc đã đặt bút xuống giấy thì nét chữ tươi tắn, co cái ý nhị của hoa đào đọng giọt mưa, lá dương phủ làn khói. Các anh em bạn tri giao thường khi yến họp với nhau mà không biết mệt, giá có hỏi đến lối chữ thời bấy giờ thì ông nín lặng, không thèm nói.

Nhà ta có giữ được hai cái thiếp chữ thạch ấn là thiếp Lan Đình (16) và thiếp Đa Bảo (17), nhân đem ra tặng ông, ông mừng nói rằng: "Đây là danh bút của hai đáng tiên hiền họ Vương, họ Nhan, song tiếc cho phường bản họ in ra cũng có hơi sai, không được đúng lắm". Mỗi khi đem ra trước cửa sổ để coi và bắt chước viết thử chơi. Ông lấy làm thận trọng lắm.


_______

(1) Bản dịch viết là "An Nam kíp lược".

(2) Tức Phạm Thiệu (thế kỷ XVI), người làng Châu Khê, nay thuộc huyện Quế Dương, đậu tiến sĩ, làm quan đời Mạc.

(3) Diên Thành niên hiệu Mạc Mậu Hợp (1562 - 1592).

(4) Đoạn này không thấy trong bản dịch.

(5) Trịnh Sâm (1767 - 1782).

(6) Vũ kiếm là một lối viết chữ bay bướm như múa gươm.

(7) Dao Thạch tiên.

(8) Tự thể là thể chữ, lối viết chữ.

(9) Nhà học hiệu là trường học.

(10) Theo bản gốc.

(11) Nhan Châu Khanh, Liễu Tôn Nguyên, Hàn Mặc Tử Dũ, Bạch Cư Dị.

(12) Tức Chu Hy, Trình Hạo, Trương Tài, Chu Đôn Di, Ngụy Dã.

(13) Tức Tô Đông Pha, Hoàng Đình Kiên, Tống Bạch.

(14) Bản dịch viết là ngọc lan.

(15) Bản gốc viết là bài thơ "Khách trung văn nhạn".

(16) Lan Đình là tên tự của Vương Hy Chi đời Tấn.

(17) Đa Bảo tức Nhan Chân Khang đời Đường.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top