Chương 72: NHÀ HỌ NGUYỄN Ở TIÊN ĐIỀN
Ông Nguyễn Nghiễm người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, xứ Nghệ, vốn là bạch đinh (1), tuổi trẻ đã đỗ Tiến sĩ, làm quan trải các đại bộ, rồi vào Tham tụng chốn phủ đường, hơn mười năm mới về trí sĩ, sau lại được triệu ra làm quan.
Năm Giáp Ngọ (1774) đời Cảnh Hưng, do chức Đại tư đồ Xuân quận công, xưng làm Bình nam Tả tướng quân. Khi mất, được phong phúc thần, vinh hiển đến thế là cùng. Con trai trưởng là Nguyễn Khản cũng là bậc phong lưu tiến sĩ. Khi ông Khản đỗ, được tứ yến ở Lễ bộ đường thì quan Tư đồ là Nguyễn Nghiễm đương làm quan Lễ thị, tự tay gài bông hoa mũ cho con. Thật là một sự hiếm có, đương thời thường truyền tụng.
Khi chúa Trịnh Thịnh vương (Trịnh Sâm) còn ở Lương quốc phủ, thì ông Nguyễn Khản làm Phiên liêu, hàng ngày được vào hầu yến trong nội cung Thịnh vương, thân thiết như bạn áo vải. Năm Đinh Hợi (1767) thăng cho ông Khản làm Tri phiên liêu kiêm quản Nhất hùng cơ, tước Kiều nhạc hầu. Khi ấy, trong nước bình yên vô sự. Thịnh vương lại thích đi ngự chơi, lúc đi thưởng hoa, lúc đi câu cá, thế nào cũng có ông Nguyễn Khản cùng đi. Khi trở về, thì ông lại mặc áo chẽn tay hẹp ra vào nơi cung cấm. Nhà chúa đặc ban cho ông được đi lại ra vào không khác gì quan nội giám. Khi chúa Trịnh thưởng ca, thường sai Nguyễn Khản ngồi hầu. Ông được đội khăn lương, mặc thường phục, ngồi ngay bên cạnh, cầm chầu điểm hát.
Những ngày rỗi, chúa Trịnh lên ngự chơi Hồ Tây, kẻ thị thần vệ sĩ bày hàng quanh cả bốn mặt hồ, nhà chúa chỉ cùng với bà Đặng Tuyên phi ngồi trên thuyền, mà Nguyễn Khản thì ngồi hầu ngang trước mặt, cùng thưởng lãm, cười nói, không khác gì bạn bè, người nhà. Trong cung có bày bể cạn, núi non bộ và cảnh hoa đá gì, đều phải qua tay ông Nguyễn Khản chăm sóc thì mới vừa ý nhà chúa. Nhà chúa lại thường sai ông đi sửa sang các hành cung ở Châu Long, Tử Trầm, Dũng Thúy. Ông có tài đục nặn núi đá, vẽ vời phong hoa, nên thường được nhà chúa ban khen. Ông lại thích nghề hát xướng, sành âm luật, thường đặt những bài hát nhạc phủ ra làm điệu hát mới; viết xong bài nào thì những nghệ sĩ ngoài giáo phường tranh nhau truyền tụng. Ta có câu thơ rằng: Án phách tân truyền Lại bộ ca (nghĩa là gõ phách truyền tụng bài hát mới của quan Lại bộ) chính là chỉ việc ấy. Ông Nguyễn Khản khi đang làm quan, thường xin phép nghỉ ở nhà; chúa Trịnh có đưa cho bài thơ nôm rằng:
Đã phạt năm đồng bỏ lỗi chầu,
Lại phạt năm đồng bỏ thiếu câu.
Nhắn nhủ ông bay về nghĩ đấy,
Hãy còn phạt nữa chửa thôi đâu.
Vì khi ấy, buổi ngoại chầu và buổi ngự câu, đang lúc nghỉ, ông không tới hầu ngự được, nên đều bị phạt năm đồng. Nguyễn Khản có họa lại rằng:
Váng vất cho nên phải cáo chầu,
Phiên chầu còn cáo lọ phiên câu.
Trông ân phạt đến là thương đến,
Ấy của nhà vua chứ của đâu.
Chúa Trịnh lấy làm khen. Một ngày kia, trong nhà Nguyễn Khản bày cuộc yến tiệc, thiếu chè uống. Chợt quan Trung sứ có việc ra nhà ông, ông không kịp làm tờ khải, chỉ viết tay mấy chữ: "Thần Khản khất trà nhất lạng" (2). Quan Trung sứ đem về dâng, chúa Trịnh ban cho một hòm chè. Được ít lâu, ông được vào Tham tụng phủ đường. Cha con cùng ở tưởng phủ, xưa nay chưa có thế bao giờ.
Nhà ông Nguyễn Khản ở về phía nam chùa Bích Câu, phía tây thì thuộc chùa Tiên Tích. Chùa ấy nguyên là của bà Hoàng chính phi tiến cúng. Thường khi ngự giá ra chơi, Thịnh vương chỉ đi một chiếc thuyền nhỏ từ cừ Long Lâu ra hồ Tiên Tích rồi đến nhà Nguyễn Khản. Khi vào nhà, chúa hỏi thăm cả đến vợ con, yêu mến Khản không ai bằng. Hồi ấy, con trai đầu lòng nhà chúa là Tông quận công (Trịnh Khải) ra học ở nhà quan Nội phó Hàn quận công, Nguyễn Phương Đĩnh. Ông Nguyễn Khản và ông Lý Trần Thản được sang làm quan Tả Hữu tư giản.
Sau Lý công mất, ông chuyên một mình làm chức Tư giản. Đến khi bà chính thất ông là Huy phu nhân mất, thì sự tin yêu của nhà chúa đối với ông cũng kém dần. Ông phải xin cáo quan về cư tang quan Tư đồ, rồi lại được phụng mệnh triệu ra, đổi sang vũ ban. Khi ấy, nhân có cái mật án của Thế tử năm Canh Tý (3), kẻ gia thần là Tuân Sinh hầu, Khê Trung hầu đều bị giam chết ở trong ngục. Nguyễn Khản cùng Hàn quận công đều bị liên đới phải giam. Nhà chúa mới giơ cái thiếp xin chè của ông ra cho các quan xem, tỏ ý bảo ông là người ngạo mạn, vô lễ.
Mùa đông năm Nhâm Dần (1782), quân Tam phủ nổi lên làm loạn, giết quan Thự phủ là Diên quận công, lập Đoan Nam vương là Trịnh Tông lên làm chúa. Khanh quận công và Tham tụng là Tứ Xuyên hầu, giám ban Diêm quận công đều bị tội. Nguyễn Khản vì là quốc sư nên lại được nhắc lên làm Lại bộ Thượng thư, vào tham tụng, ban cho tước Toản quận công. Em là Nguyễn Điều cũng được nhắc lên quyền chức Đô đốc phủ sự, Điều nhạc hầu; hai anh em cùng ở chính phủ. Nhưng quân lính không phục. Lính Tam phủ lại khởi lên làm loạn, phá nhà ông Nguyễn Khản và ông cậu chúa là quan Trung úy cai quản Dương hầu quyền thự phủ sự, giết mất người Thủ hiệu tạo sĩ là Chiêm trung hầu. Nhà chúa bất đắc dĩ phải bổ Nguyễn Khản ra kiểm lĩnh Sơn Tây, Hưng Hóa hai trấn. Ông bèn cùng với quan Trấn thủ Sơn Nam là Thạc quận công (4) Hoàng Phùng Cơ, mưu mộ kẻ nghĩa sĩ Tứ Tuyên (5), định đem vào giết quân kiêu binh. Quân Tam phủ biết tin, làm huyên náo lên, có cơ nguy đến Trịnh súy phủ. Mưu của Nguyễn Khản phải thôi.
Năm Bính Ngọ (1786), gặp buổi quốc biến, quân Tây Sơn ra bắc, vua Chiêu Thống lên nối ngôi. Đến sau, quân Tây Sơn kéo về, Nguyễn Khản mới lại đem quân cần vương vào chầu nhà vua, rồi bị bệnh mất ở kinh. Khi ấy, ông em là Nguyễn Điều mất đã lâu rồi.
Quan Tư đồ Xuân quận công có khi về chơi xứ Nghệ. Một hôm, nằm mộng thấy một người đàn bà kêu van rằng: "Nay sắp đến kỳ sinh đẻ, xin để mẹ tròn con vuông thì đều là nhờ ơn tướng công cả". Sáng sớm, ông thức dậy, thấy có người mang biếu con cá chép to. Thấy con cá đang chửa, ông sai thả ra. Về sau, lại nằm mộng thất người đàn bà ấy đến tạ ơn. Nay họ Nguyễn ở Tiên Điền không dám ăn cá chép, là vâng lời răn của ông.
Ông anh Xuân quận công là Nguyễn Huệ làm đến Tham chính rồi mất. Khi Trịnh Nghị Tổ (Trịnh Doanh) tây chinh có nằm mộng thấy một ông quan văn chít khăn lương, mặc áo thanh cát, đem năm trăm gia đinh vào bái yết. Chúa Trịnh hỏi thì người ấy thưa rằng: "Tôi là Tham chính Nguyễn Huệ, nghe tin nhà chúa ngự giá tây chinh, xin đem gia đinh đi theo hầu". Chúa gật đầu, tỉnh dậy bèn phong cho vương tước, lại truy phong cho làm Trung đẳng thần.
Ông Nguyễn Khản thích hát xướng, gặp khi con hát tang chở, cũng cứ cho tiền bắt hát, không lúc nào bỏ tiếng tơ tiếng trúc. Khi ông cư tang quan Tư đồ, ngày rỗi cũng vẫn sai con hát đồ khúc gọi là “ngâm thơ nôm”. Bọn con em quí thích đều bắt chước chơi bời, hầu như thành thói quen. Xét đời ông Khản phong lưu phú quí như thế thật là rất mực. Thế mà khi ông quản binh, thì kẻ thuộc binh lại không phục, làm ồn lên, toan xông vào giết ông. Ông phải trốn vào trong nội phủ. Nhà chúa đổi người cai quản khác, ông mới được thoát. Sau ông lại bị nhục với bọn kiêu binh; họ đến phá nhà. Còn như sự được sự mất, lúc cùng lúc thông, nó cũng ẩn nấp dựa dẫm với nhau. Ấy cũng là mình tự gây nên. Hay là tạo hóa cũng ghen ghét sự mỹ mãn?
Năm Canh Tý phát ra cái án của Thế tử là do Ngô Thì Nhậm. Ông Thì Nhậm nhờ công ấy được thăng làm Công bộ thị lang. Người thời bấy giờ có câu: "Giết bốn cha mà được thị lang, trung cần chí hiếu". Cái lỗi của Thì Nhậm, dư luận không dung thứ. Khi em là ông Thì Chí vào làm Thiêm tri hình phiên, có soạn bộ sách Nhất thống chí; chép về cái mật án ấy, cũng có che đậy đi ít nhiều. Nhưng về những việc trong cung phủ thì chép được tường lắm, không nên nhất nhất đều chê cả.
_______
(1) Thần là Khản xin chúa một lạng trà.
(2) Canh Tý (1780) tức là việc Cán và Tông tranh ngôi thế tử.
(3) Tuân sinh hầu là Nguyễn Khắc Tuân, cậu Trịnh Sâm, trấn phủ Kinh Bắc. Khê trung hầu là Chu Xuân Hàn… Hàn quận công là Nguyễn Phương Đĩnh.
(4) Bản dịch viết là Thạch quận công.
(5) Đất Bắc hà khi xưa chia làm bốn trấn thừa tuyên, gọi là Tứ tuyên
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top