Chương 70: THỂ VĂN SÁCH
Sách Chu quan chép rằng: lời của nhà vua phát ra gọi là sách, tức như những lời sách mệnh, lời điển sách chép ở trong các truyện ký. Đến đời Hán, vua mới lấy bài sách thi học trò. Kể ra có hai thể sách. Một là thể “chế sách”, là đem nguồn gốc trị loạn cổ kim và những điều chính sự hay dở hiện đang thi hành để hỏi; học trò cứ lấy kiến thức của mình mà bày tỏ đối đáp, gọi là đối sách.
Trước nhất, có những bài văn đình đối (1) của ông Đổng Trọng Thư, Công Tôn Hoằng. Đời Đường có Lưu Phần vì đối sách nói thẳng quá nên hỏng. Đời Tống có Diệp Tổ Hợp đối sách a dua lại được đỗ đầu. Tô Đông Pha có soạn bài đối sách ngự thi Tiến sĩ đem tiến trình.
Đời Nam Tống có bài văn đình đối của ông Văn Thiên Tường, các quan đọc quyển phải khen quyển văn đình đối ấy là "cổ nghị như qui giám, trung can như thiết thạch" (2). Những bài văn thi Trạng nguyên đời gần đây cũng đều là thể văn đối sách cả.
Chế sách tức là đầu đề bài đối sách, như vua Võ Đế nhà Hán ngự ra ngoài hiên, ra ba bài sách thi học trò; đời Nam Triều, Lưu Tống (3) ra năm bài sách thi cho học trò; nay đều chép ở trong sách Chiêu Minh văn tuyển, cũng là những đầu bài chế sách của các vua đời sau ra, khi thi đình, như thế gọi là Hoàng thượng chế sách.
Hai là thể “thí sách” là khi ở ngoài quận quốc có cử những học trò minh kinh lên, hoặc thiên tử thân ra bài sách, hoặc quan hái thường bộ Lễ ra đầu bài, chỉ chuyên hỏi về đại nghĩa trong một kinh của mình học tập và những nghĩa trong sách Hiếu kinh, Luận ngữ, đặt ra đầu đề mà hỏi gọi là thí sách. Người nào chuyên học kinh nào thì cứ lấy thuyết của mình sở học đem ra đối đáp. Lối văn ấy chỉ cốt nhớ những điều truyền thụ, chứ không phải chạm trổ, gọt đẽo, gọi là lối văn “xạ sách”.
Sách Hán thư chép: Hà gian Hiến Vương vào chầu, vua Võ Đế có ra bài sách hỏi ba mươi điều, Hiến Vương đều đối đáp được cả. Vua Võ Đế xuống chiếu khen rằng "Xưa kia vua Thang khởi lên từ bảy mươi dặm đất, vua Văn khởi lên từ một trăm dặm đất, nay Vương nên cố gắng học lên!". Hiến Vương từ khi trở về nước, lại vui chơi uống rượu quá mà mất.
Đời Đường, ông Vương Duy xin đổi phép thi khoa Minh kinh và các lề lối ra năm bài sách hoặc ba bài sách. Đời Tống, ông Phạm Thuẫn Nhận khi vào thi gặp bài sách hỏi về Tử Sản có bốn điều đạo quân tử là những gì? Ông đáp lại rằng:
“1)Trị mình phải cung.
2) Chấp sự phải kính.
3) Lấy điều nghĩa sai khiến người.
4) Lấy điều huệ yên dân".
Ấy đại khái thể văn thí sách, xạ sách là như thế.
Từ đời nhà Minh trở về sau, mới hợp nhà học hiệu và việc khoa cử làm một. Khi tuyển người vào chốn triều chính thì chỉ lấy khoa Tiến sĩ làm tiêu chuẩn để chọn lựa, lúc thi Đình thì kiêm cả lối văn “chế sách” và “thí sách”, mà ra một bài chế sách để hỏi, khi học trò làm văn đối đáp thì kiêm cả lối văn “đối sách” và “xạ sách”, gọi là thể văn “đối sách”. Làm như thế là để cho những người học chuyên từng kinh không những chỉ thiên về học huấn hỗ mà thôi, và những người học kinh luân cũng không đến nỗi phù phiếm thành ra lông bông quá. Cái ý ấy thực là hay.
Nước ta đời Lý, đời Trần, những bài sách thi học trò, ta chưa được trông thấy. Đời Tiền Lê, học quy, thi pháp chép đủ cả ở trong Thực lục, mới chuyên lấy văn sách làm chương trình thi Hương, thi Hội, thi Đình. Đó cũng là theo phép nhà Minh mà châm chước lại.
Ta thường thấy năm Hồng Đức thứ hai mươi mốt (1491) có ra bài chế sách rằng: "Từ đời xưa có đấng minh vương thánh chúa trị trong cõi đời, đều phải cất trong bỏ đục, chuộng tài bỏ tham là việc trước nhất, v.v...". Đầu bài văn sách ước độ hai trăm chữ, đại lược trước hỏi về nhữngsự hay dở của đời xưa, rồi đến những việc thi hành đời bấy giờ. Bài văn hỏi một cách bao hàm, rộng rãi; không phải người học quán xuyến cổ kim thì không thể hạ bút viết được. Vậy nên chọn được nhiều người tài giỏi.
Những đời gần đây không thể sánh kịp. Từ đời Diên Thành (4) trở lên, nền nếp ấy vẫn còn. Đến đời Quang Hưng (5) trở về sau, người ra đầu bài chỉ chuyên hỏi về những câu hiểm hóc, khó khăn, người đối sách chỉ cốt ghi nhớ được văn cũ là hơn.
Trong một bài thí sách có đến vài mươi mục, mỗi một mục có đến ba bốn đoạn, gọi là “văn mục”. Người nào xem rộng nhớ nhiều thì mỗi đề trả lời được đến mười sáu, mười bảy hay mười tám đoạn; mỗi đoạn chỉ nhặt vài ba mươi chữ điển cố ở trong sách thì có thể đoạt giáp tranh khôi được. Làm văn như thế, sao có thể xác thực được việc cổ kim, bình luận được sự hay dở, để cho tỏ cái sở học của mình? Gần đây, đầu bài văn sách lại chuyên hỏi về một mục, bài nào dài thì độ vài mươi đoạn, ngắn thì độ hơn mười đoạn, ít ra cũng độ bốn năm đoạn, chỉ đem những nghĩa vặt trong kinh, truyện, sử, sách, rồi vặn vẹo hỏi đi hỏi lại, gọi là “án sách”.
Kẻ đối sách chỉ khiên cưỡng ý nghĩa, tùy theo từng chỗ mà giải thích trả lời, cầu cho trúng ý khảo quan là được, còn như ý nghĩa tinh vi của cổ nhân thì không xét đến. Vì vậy, kẻ đỗ đạt làm quan thiên lệch thì nhiều, chính trực thì ít. Đến lúc về hưu hoặc phải giải chức thôi làm quan, thì ngày thường vô sự, họ lại xúi giục kiện cáo điêu toa, đó cũng là thời vận xui nên. Khoảng năm Giáp Thìn, Ất Tỵ (1784 – 1785) đời Cảnh Hưng, nhà Giám (Văn Miếu, Hà Nội) khi trước gặp ngày một một, ngày rằm thường họp học trò lại bình văn, các quan văn đều đến hội họp, người đến nghe bình văn, vòng trong vòng ngoài, đông như kiến.
Khi ấy, có một người đàn bà đến trước cửa nhà Giám muốn xin vào xem, lính canh đuổi không cho vào. Bà ta đứng trông vào trước cửa nhà Giám vái lạy mà rằng: "Chẳng hay khi xưa thánh nhân lập giáo thế nào mà nay các quan hễ hạ ngòi bút xuống phán đoán một lời là không còn kêu vào đâu được nữa?". Người đàn bà ấy vừa lạy vừa khóc mà đi. Ôi! Người đàn bà quê mùa ấy chẳng trách làm chi, nhưng các ngài là bậc văn học, làm nên quan, mà để cho dân đến nỗi thế, thì nỡ lòng nào!
_______
(1) Đình đối là đối sách khi thi Đình.
(2) Nói văn chương của Văn Thiên Trường già dặn đáng làm mẫu mực, lòng dạ thì trung nghĩa như sắt đá.
(3) Nhà Tống họ Lưu nên gọi là Lưu Tống.
(4) Diên Thành (1587 – 1585) là niên hiệu Mạc Mậu Hợp.
(5) Quang Hưng (1578 – 1599) là niên hiệu Lê Thế Tông.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top