Chương 40: XỨ HẢI DƯƠNG
Xứ Hải Dương đời cổ là Hồng lộ và Sách Giang lộ, khi thuộc Minh là phủ Nam Sách, đến đời trung gian (1) mới đặt ra bốn phủ là: Thượng Hồng, Hạ Hồng, Kinh Môn và Nam Sách, tổng cộng mười tám huyện, đại khái sự thay đổi xưa nay là như thế. Ta thường xét bốn phủ Hải Dương, đất rộng người nhiều, đời cổ chỉ phân làm hai lộ hoặc một phủ, lớn nhỏ không đều nhau. Xét mãi chưa biết nghĩa lý ra thế nào. Hoặc có người nói rằng: đời trước chia ra các quận huyện rất lớn, như làng Từ Liêm đời Hán tức là mấy huyện Đan Phượng, Từ Liêm, Thọ Xương, Quảng Đức, Thanh Trì, Thanh Oai và Thượng Phúc đời nay.
Đời Trần đời Lý, gọi là Uy lộ tức là phủ Quốc Oai và một nửa phần phủ Thường Tín và phủ Ứng Thiên (2) đời nay. Đời Minh gọi là phủ Thanh Hóa, tức là xứ Thanh Hóa thừa tuyên bây giờ, chia làm bốn phủ. Xem thế thì biết địa thế cổ kim phân hợp lớn nhỏ, mỗi đời một khác. Thế thì xứ Hải Dương ta khi xưa chỉ là hai lộ hoặc một phủ, cũng chẳng lấy gì làm ngờ.
Nhưng xét lại từ đời Lý khi xưa, còn một nửa phần từ Thuận Hóa trở vào chưa thuộc về nước ta. Đến đời Trần mới gồm lấy được đất Thuận Hóa. Còn các phủ về Quảng Nam, đến đời Lê Hồng Đức mới chiếm đặt làm quận huyện. Xem thế thì bờ cõi đời Lý, đời Trần, so với đời nay chỉ vào độ bảy, tám phần. Thế mà chia cả toàn quốc làm hơn mười lộ, xứ Hải Dương chỉ làm hai lộ, là một điều đáng ngờ.
Lại như khi thuộc Minh, cõi nước phía nam đến tận phủ Thăng Hoa, xét trong bản đồ mười lăm xứ thừa tuyên đời Hồng Đức, chỉ còn một nửa phần xứ Quảng Nam thừa tuyên là chưa mở mang đến. Trương Phụ, Hoàng Phúc khi ấy lại chia nước ta ra làm mười bảy phủ, mà xứ Hải Dương ta chỉ là một phủ, đó là hai điều đáng ngờ. Huống chi các đạo Sơn Tây, Kinh Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Quảng Nam, còn nhiều phần núi rừng lẫn lộn, ở đời cổ, còn có chỗ là làng xóm của người Mán người Mọi, hoặc còn là bờ cõi về phần nước khác, sau này mới dần dần mở mang thu vào bản đồ. Tựu trung những nơi địa thế bằng phẳng, non sông rộng rãi, sớm được tiếp cái giáo hoa nhà Minh, nhà Thanh, văn vật cũng chưa được mấy. Thế thì cái chế độ bờ cõi trước còn thô sau mới tinh, trước còn lược sau mới tường được.
Xứ Hải Dương ta, đất cát nhiều nơi sỏi đá, ít có lợi sông nước chuôm chằm, so với các trấn khác thực kém nhiều. Nhưng được cái địa thế phẳng mà mạch sơ, nước chua mà hơi lạt, nguyên không phải là cõi lam chướng. Từ đời Tần, Hán trở xuống, xứ Hải Dương ta đã cùng với đất Long Biên, quận Phong Thủy (3), đều được nhiễm cái phong hóa Hoa Hạ (4), thế mà bỡ cõi phân hợp khi lớn, khi nhỏ, còn có điều khả nghi như thế. Ta sinh trưởng ở đất ấy, học vấn cổ lậu, lại gặp buổi đời cải cách, sách vở tan nát, không thể kê cứu vào đâu được, nên vẫn ân hận rằng không được gặp các cụ khi xưa như cụ Tiều Ẩn, cụ Quế Đường (5) để mà chất vấn.
Những quận huyện nước ta xưa nay thay đổi, mỗi lúc một khác. Xét như cái phép trong thiên Vũ cống, cứ lấy tên núi sông để gọi tên đất, thì không hợp được hết cả. Chỉ có xứ ta mà gọi là Hải Dương thì hình như có ý nghĩa như thế. Cứ xem bản đồ trong nội phủ thì hai phủ Thượng Hồng, Hạ Hồng là nơi đồng bằng rộng rãi, chỉ có những huyện Thủy Đường, An Lão, An Dương, Nghi Dương thuộc về phủ Kinh Môn và huyện Quang Minh (?) thuộc phủ Nam Sách là những nơi đất liền với bể đông. Nhưng có một giải bể đông vòng quanh ở phía ngoài, tuy rằng có giao thông triều củng (6) nhưng so với những xứ Sơn Nam, Thanh Hóa, Nghệ An vòng quanh những đất ruộng nước mặn thì khác nhau xa. Vả cổ nhân cho nơi nào ở về phía nam có núi, phía bắc có sông thì mới gọi là dương. Xứ Hải Dương ta ở về phía tây bể đông mà gọi là dương thì không phải. Còn về phía nam liền cõi với các huyện xứ Sơn Nam đều là đồng bằng cả, sao lại gọi là hải? Ta từ khi lớn lên đi học vẫn có ý nghi ngờ về cái nghĩa ấy mà không xét ra được.
Gần đây, xem sách Cổ chí, mới biết địa thế nước ta từ phia Nam Điều chạy xuống đến xứ Sơn Nam, mà những xứ Hải Dương, Thanh Hóa đều giáp ở bên cạnh, đời xưa cửa bể còn ở về cuối sông Hoàng Giang, cách với những cửa bể Diêm Hộ, Trà Lý đời nay đến độ vài trăm dặm. Xem thế thì xứ Hải Dương ta ở về đời cổ, phía nam cũng gần bể, chẳng phải là ở phía bắc bể đông ư? Nên gọi tên là Hải Dương chừng cũng lấy về nghĩa ấy chăng?
Đến nay, như xã Quần Anh ở xứ Sơn Nam hạ, những nơi đất mặn đã dần biến thành ruộng dâu, mỗi năm đến hàng vài trăm mẫu, địa thế liên lạc với nhau, thành một cánh đồng bằng.
Tưởng như thế độ vài trăm năm nữa, những nơi đất bến bể dần dần người ở đông đúc, cũng chẳng khác gì Thái Bình thượng lộ, mà những cửa bể Trà Lý, Diêm Hộ lại thành ra ở về phía bắc cửa bể Hoàng Giang. Những người khảo cổ về sau này còn biết lấy đâu làm chứng cứ nữa.
Hai phủ Thượng, Hạ Hồng khi xưa gọi là Hồng lộ hay là Hồng Nhân lộ, Nhân Hùng phủ, gần đây mới gọi là Thượng Hồng, Hạ Hồng. Bởi vì có con sông Hồng Giang từ phía tây bắc chảy xuống vòng quanh trong khoảng bảy huyện, cổ nhân mới nhận tên con sông ấy mà đặt tên đất là Hồng lộ. Cũng như Uy lộ, phủ Quốc Oai, huyện Thanh Oai. Tả, hữu, thượng, hạ Thanh Oai xã, vì ở gần con sông Thanh Oai nên mới đặt tên như thế. Huyện Gia Phúc, xã Hồng Thị đời nay ấy là nơi di tích Hồng Lộ đó. Huyện Gia Phúc khi xưa gọi là huyện Trường Tân (7), Hồng lộ khi xưa đóng lị sở ở Hồng Thị. Đời Lý có Đoàn Thượng ra đánh giặc ở Hồng Châu, về sau chống nhau với nhà Trần, thường đắp thành lũy ở Hồng Thị.
Khoảng năm Quang Thiệu, Thống Nguyên (8) đời Lê, vua Lê phải chạy ra ngoài, cũng lấy Hồng Thị làm nơi hành tại. Về nơi ấy, đường bộ đường thủy châu cả vào, trên thông đến xứ Kinh Bắc, dưới tiếp đến xứ Sơn Nam, phía đông thì cũng với những phủ Nam Sách, Kinh Môn, Hải Đông đều liên hệ giao thông với nhau, cùng là một nơi đô hội của Hải Dương thượng lộ vậy. Hồng Thị, chữ hồng là bình thanh tiếng bằng (9), mà Hồng Châu thì chữ hồng ấy thường đọc là bình thanh tiếng bằng. Xét trong thi tập các danh gia đời Lê và các bài biểu tạ đời cổ thì chữ hồng đều theo tiếng bằng. Nhưng không biết cái tên Hồng lộ đời Lý thì chữ hồng theo về tiếng nào?
Nơi đô hội ở Thượng Hồng, Hạ Hồng thì huyện Trường Tân là hơn cả. Nhưng đấy là một nơi bằng phẳng, không có núi, không kiêm được cả lục thủy danh thắng, và về vị trí quân sự, muốn khống chế cả miền núi lần miền bể, thì không bằng huyện Chí Linh thuộc phủ Nam Sách. Đời Tiền Lê có đặt ra Hải Dương Đô đốc Binh sứ ty, cũng lấy nơi ấy làm trị sở. Người nhà Minh lập tòa Đô ty cũng đóng ở Chí Linh, lấy một nơi có thành mà chống nhau với quân nhà Lê, hàng năm không hạ được. Mãi đến khi tòa Tam ty ở thành Đông Quan giảng hòa xong, lại được toàn quân đem về Trung Hoa. Xem thế thì địa lợi cũng có phần bổ trợ được nhiều.
Đời Lê Trung hưng cũng lấy nơi ấy làm nơi trấn ty trị sở. Khoảng năm Long Đức, Vĩnh Hựu (10), Nguyễn Tuyển (11) có đem quân lừa bắt quan trấn tướng, rồi chiếm cứ lấy trấn thành để làm phản. Cậu Vương là Bính Quận công phụng mệnh đi đánh giặc, đem bảy cơ binh, bảy con voi, mà vẫn trù trừ ở vùng An Nhân, An Phú, không dám tiến quân lên, đành bỏ nơi quê hương Mi Thự (12), bị giặc đốt phá tàn hại mà không dám theo đuổi đánh.
Sau đó, lại phải rời nơi trấn lỵ đến làng Mao Điền thuộc huyện Cẩm Giàng, cách kinh đô một ngày đường, phía nam là trấn Hoa Dương, phía bắc là trấn Thị Cầu, cũng đều đi độ một ngày đường, ý là muốn cho gần nơi viện trợ, tiện việc chạy trạm cho nhanh chóng mà thôi.
Những người cầm quyển nước lấy bấy giờ lo tính như thế không phải kế sâu xa. Mùa hạ năm Bính Ngọ (1786), quân trấn thủ Hải Dương là Ngạn Thạch Hầu, có đến năm sáu cơ binh, lại có kho đạn lương thực đủ cả, thế mà không giữ được trấn thành, phải bỏ chạy, van xin người nhổ mạ đổi áo cho mà trốn, người ta đều cười là khiếp sợ. Đến khi chùa Trịnh là Yến Đô Vương (13) chạy sang bắc, vua Chiêu Thống hai lần chạy sang Trung Hoa, và đời Tây Sơn gần đây bị mất nước, các quan Trấn tướng đều không giữ được trấn thành một ngày, đó là tại vận nước. Các quan phương diện không phải người giỏi, nhưng cũng tại các trấn thành không phải là nơi hiểm yếu.
Ta từ khi nhỏ đã phải lưu lạc, chưa từng đến trấn thành. Tháng bảy năm Nhâm Tuất (1802) có quan Ngô hầu người Thanh Chương làm Hiệp trấn ở đó, ta mới từ kinh đô về yết kiến. Ta có đi chơi xem chung quanh trấn thành, thì thấy đất liền đồng bằng, gần một con sông nhỏ, trông lên phía Bắc Giang thì địa thế cao dần, không khác gì trên thềm trông xuống sân, phía Cẩm Giàng thì hẹp không phải là buồm tàu tụ họp. Ôi! Định đô đặt trấn mà chỉ lấy cho gần nơi thanh viện (14), tiện việc chạy trạm, không để ý đến việc công thủ sau này, thì sao có thể khống chế sơn hải, hộ vệ cho chốn bang kì được.
Ta nhân cảm hứng có câu thơ rằng:
Hồng lộ thượng du Hải Dương trấn,
Y y cổ thú điểm hàn điêu.
Đế kỳ vệ dực chiêm y cận,
Hải quốc quan hà khống ngự dao.
Lao lạc thanh hàm Mao bố nguyệt,
Hồi hoàn lục trướng Cẩm giang kiều.
Sa bình dã khoát nhàn ngâm điếu,
Di thốc tàn qua tích vị tiêu.
Dịch:
Trấn sở Hải Dương trên Hồng lộ,
Đồn canh vẳng vẳng tiếng chuông pha.
Kinh vua vệ dực (15) đường gần dặm,
Mặt bể quan hà dặm thẳng xa.
Bóng nguyệt xóm Mao trong vắt đứng,
Dịp cầu sông Cẩm thẳm mù qua.
Cánh đồng man mác khi nhàn ngóng.
Nọ cuộc can qua dấu chửa lòa.
_______
(1) Từ Minh trở về sau.
(2) Bản dịch viết là Ứng hòa.
(3) Bản dịch viết là Phong Châu.
(4) Hoa Hạ: vùng trung nguyên của Trung Hoa.
(5) Tiều Ẩn tức Chu Văn An, Quế Đường tức Lê Quí Đôn.
(6) Triều củng là danh từ của các thầy địa lý, triều là chầu vào, củng là ôm lấy.
(7) Nay là huyện Gia Lộc.
(8) Quang Thiệu (1516 – 1522) là niên hiệu Lê Chiêu Tông, Thống Nguyên (1522 – 1527) là niên hiệu Lê Hoàng đệ xuân.
(9) Bản dịch viết là thượng thanh tiếng trắc. (tducchau)
(10) Long Đức (1732 – 1735) là niên hiệu Lê Thuần Tông. Vĩnh Hựu (1735 – 1740) là niên hiệu Lê Ý Tông.
(11) Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của nông dân năm 1739.
(12) Tức Trịnh Bồng.
(13) Bản dịch viết là Mì Thữ. (tducchau)
(14) Thanh viện là truyền tin tiếp ứng.
(15) Vệ dực là bảo vệ, giúp đỡ.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top