Chương 37: NGUYỄN KÍNH

Khoảng đời Tiền Lê, ở làng Dị Nậu huyện Thạch Thất, có một người họ Nguyễn nghèo đói, đi ăn xin, về sau, làm tên phu quét ngõ ở làng ấy, dựng một cái nhà nhỏ ở ngoài đầu ngõ, nấu nước chè tươi bán, làm kế sinh nhai. Sau nhà có cái gò nhỏ, lại có ngòi nước chảy vòng quanh; trên gò cây cối um tùm. Anh hàng nước ấy liền nói với ấp trưởng xin cho chặt để làm củi; dần dần chặt trụi hết cả; cuối cùng anh ta làm nhà lên gò để ở, và sinh được một người con tên là Kính.

Khoảng năm Quang Thiệu đời Lê (1), làm quan đến chức Đặc tiến phụ quốc tướng quân cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ. Khi nhà Mạc khởi lên, ông ta có công giúp đỡ nên được mở phủ Tây quốc công riêng, họ hàng thân thích nhiều người làm quan to. Chúa Mạc vì thế sinh lòng ghen ghét. Nguyễn Kính bèn cùng với Tứ dương hầu Phạm Đồn, phò Mạc Tông Vương xưng hiệu là Chính Trung nguyên niên, chiếm cứ thành Lạng Sơn, rồi đánh lấy châu Khâm, châu Liêm của Trung Hoa, rồi đánh lấy cả các châu huyện tỉnh Quảng Đông.

Vì vậy, việc cống tiến của nhà Mạc sang triều Minh bị nghẽn đường. Người nhà Minh trách hỏi, chúa Mạc sợ, sai người chiêu dụ Nguyễn Kính về hàng. Kính lại về theo nhà Mạc. Chúa Mạc mới tứ tính (nghĩa là ban cho theo họ nhà vua), cho theo về Mạc thị, phong làm Tây kỳ vương, còn vua Chính Trung thì bị quân Minh đánh thua, chạy về Lạng Sơn, quân Mạc lại đánh cho tan tác, chạy về Hải Dương. Phạm Đồn chết, Chính Trung rồi cũng tuyệt diệt. Mạc Kính thì được thọ chung, mộ táng ở núi Thổ Sơn, làng Cần Kiệm. Con là Ngọc Liễn lấy công chúa Phúc Thành, làm quan đến Đặc tiến tuyên lực công thần phụ quốc thượng tướng quân Trung quân Đô đốc phủ Tả đô đốc chưởng Phủ sự, Tông nhân phủ Tông nhân lịnh Thái phó Đà quốc công (2).

Bấy giờ, thế nhà Mạc càng ngày càng suy. Ngọc Liễn nghĩ mình là người có công lao và là thân thích nhà vua, lại ở ngôi trọng nhậm, lo buồn không biết làm thế nào. Ở bên làng Dị Nậu, có một cái cầu, trên lợp mái; nhân lúc rảnh, Ngọc Liễn thường cùng với người làng ra chơi đánh cờ ở đấy. Ngọc Liễn là tay quốc thủ cao cờ, không mấy người đánh được. Một hôm, cuộc đang say, đối thủ sắp nguy. Chợt thấy có ông già đứng bên cạnh mách cho vài nước, thành ra sắp thua lại hóa ra được. Ngọc Liễn biết là dị nhân, mới đón lão về nhà. Lão không chịu về. Ngọc Liễn mới hỏi việc thiên hạ. Lão cười mà rằng: "Quê mùa như tôi còn biết gì, song ngài có nhã ý ân cần hỏi đến, thì tôi xin kính tặng một vật này". Nói rồi, giở trong bọc ra đưa cho Ngọc Liễn một cái ví bằng giấy. Đoạn, cáo từ ra đi. Độ vài mươi bước, không thấy đâu nữa. Ngọc Liễn mới giở cái ví ấy ra xem thì thấy có một cái kính vỡ làm hai mảnh, một bên viết chữ Lê, một bên viết chữ Mạc. Ngọc Liễn không hiểu ý ra sao cả, cầm lấy kính ngắm nghía mãi, thì thấy chữ Lê cứ đậm đậm mà to dần ra, chữ Mạc thì cứ nhàn nhạt mà nhỏ dần đi. Hình như cái kính cũng thế. Ngọc Liễn mới tỉnh ngộ, bèn bỏ cả nhà cửa đem cúng chùa, rồi mang vợ con đi, vì thế không mắc tai vạ. Sau, có người con gái là Mạc Thị Ngọc Đĩnh ấm phong là quận chúa, lấy quan Trấn thủ Đại Đồng là Võ Quốc Công. Năm Dương Hòa (3) có trùng tu lại chùa Dị Nậu và truy tiến cha mẹ phụ hưởng ở chùa ấy. Hiện còn bia khắc truyền lại.

Xét quan Đại học sĩ nhà Thanh là Trương Ngọc Thư phụng soạn bộ sách Minh sử liệt truyện, có phụ chép truyện Nguyễn Kính, người huyện Thạch Thất là kẻ cường thần nhà Mạc, giúp vua Chính Trung chiếm cứ được nửa phần nước Nam, đánh sang cả châu Khâm, châu Liêm, người Minh phải lo sợ. Chuyện như thế mà Nam sử không thấy chép thì sơ lược quá. Tỉnh Hải Dương về những mạn sông Hồng, sông Kinh có nhiều miếu nhỏ thờ Tứ dương hầu.

Tục truyền là thờ một vị chiến tướng ngày xưa chết trôi ở dưới sông, thây trôi đến đâu thì ở đấy sinh ra bệnh dịch. Dân cư phải lập miếu thờ. Đó tức là tướng nhà Mạc khi xưa, tên là Phạm Đồn.
_____

(1) Quang Thiệu (1516 – 1522) là niên hiệu Lê Chiêu Tông.

(2) Đặc tiến… Đà quốc công: chức tước của Ngọc Liễn.

(3) Dương Hòa (1635 – 1643) là niên hiệu Lê Chân Tông.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top