Chương 35: PHÉP THI NGHIÊM MẬT

Đời Lê Trung hưng, phép thi rất nghiêm. Những con nhà hát xướng không được ra thi. Lộc Khê hầu Đào Duy Từ dẫu tài giỏi, văn chương hay, thi Hội đã trúng cách, chỉ vì là con nhà hát xướng mà phải tước tịch không được đỗ. Chuyện này ta đã nói tường ở trong Tang thương ngẫu lục. Về sau có bà Như Kinh Trương Thái phi và bà A Lữ Biện Tu Dung đều là nhà con hát mới khởi gia (1) lên, từ bấy giờ mới bỏ lệ cấm, cho cả con nhà hát xướng được ra thi.

Khảo quan mà dụng tình riêng lấy đỗ, cứ phép trị tội cũng nghiêm. Xem như Tào Sơn, Lương Nghi, Lam Sơn, Nguyễn Văn Bằng đều vì tư túi về việc thi mà phải tội đồ (2); Ngô Sách Dụ, Sách Tuân ở Tam Sơn cũng vì việc thi gian mà phải tội giảo (3). Về sau, chính thể càng ngày càng đồi bại, mới có kẻ làm gian được. Người ta truyền rằng: “Lan Khê Nguyễn Hoãn, khi vào thi Hội, bài văn sách là hợp sức sáu người văn sĩ làm giúp, không biết có phải không. Hoặc có kẻ nói rằng ông thân sinh ra ông là quan Tham tụng Phong quận công Hiệu, một mình làm tướng đã lâu năm, các quan đều sợ hãi phụng mệnh cả. Khi ấy, có một ông quan ở Quán Các bị khiển trách, phải về nhàn tản. Một hôm Phong quận công triệu vào tướng phủ, ông ấy vào ngồi đợi ở nhà trong, mãi lâu không được yết kiến. Ngồi mãi thấy trên kỷ để một đầu đề văn sách, mở ra xem đi xem lại thuộc hết cả. Suốt ngày, kẻ nha dịch hầu hạ khoản đãi rất tử tế, đến chiều trở ra về, không biết tình ý ra sao. Đến khi Vương phủ triệu tập các quan văn thần vào bàn soạn ngự đề để ra thi, ông quan ấy cũng được triệu vào, liền ra ngay cái đầu đề văn sách nọ. Bởi vậy, Nguyễn Hoãn mới được đỗ hội nguyên.

Chuyện trên này cũng giống chuyện ở đời Nam Tống, khi tỉnh thí ra bài phú “Nhật tinh vi kỷ” (4) mà Tần Hi đỗ Khôi nguyên. Hai chuyện phảng phất giống nhau, ý chừng kẻ hiếu sự bịa đặt ra đó mà thôi. Ta lại thường nghe một ông lão nho nói chuyện rằng, năm Mậu Tý (1768) đời Cảnh Hưng, La Khê - Ngô Duy Viên, Đặng Điền - Phạm Nguyễn Du, Trung Cần - Nguyễn Trọng Đang, ba người ấy là bậc danh lưu, cùng làm bạn thân thiết với nhau, thường họp nhau ở bên cầu Dát trên sông Tô Lịch, để làm văn, rồi lại cùng bình duyệt cho nhau. Một hôm, soạn ra một đầu đề, rồi cùng bảo nhau rằng: "Đầu đề này hợp thời lắm. Đặng Điền Phạm huynh lâu nay đã được Chúa biết tiếng, nếu khoa thi Hội sau này mà được triệu vào soạn đề, thì nên nhớ đến đầu đề này". Từ bấy giờ không họp nhau làm văn nữa. Gặp khi ấy, có một anh chàng sơ học thiếu niên ở nhà bên cạnh, nghe lỏm biết, nhưng không dám nói ra.

Đến khoa thị Hội năm Kỷ Sửu (1769) vào kỳ đệ tam, Phạm Đặng Điền bị đánh hỏng. Vào kỳ đệ tứ thì ngự đề ra đúng vào bài đã làm trước, bởi vậy Ngô Duy Viên và Nguyễn Trọng Đang, hai ông đều đỗ đại khoa. Việc ấy cũng ít người biết. Ngô Duy Viên vốn là học trò quan Bình chưởng, Phan công người Đông Ngạc (5), khi mới vào học có làm bài phú “Uy dung đức khí”, lời văn rất uẩn súc, Phan công đã từng khen là có sự nghiệp. Trước khi thi Hội năm kỷ Sửu (1769), quan giữ đền đức Phù Đổng thiên vương thường nghe thấy trên chính điện có tiếng thì thào bàn nói, lại giống như tiếng đọc quyển ở trong trường thi. Khi Ngô Duy Viên đỗ hội nguyên, quyển thi sao truyền ra ngoài dân gian có câu “Xích bích hợp phi”, giống như câu ông thủ từ nghe ở trong đền hôm trước. Chuyện ấy cũng không biết ra thế nào?

Khoa Mậu Tuất (1778), quan Quốc lão là Nhữ Đình Toản, có người công tử thứ ba tên là Vũ vào kỳ đệ nhị, sau đỗ đầu, trong quyển có bốn chữ “phương phương chủng chủng”. Đến cậu công tử thứ tư tên là Chân, khi thi khoa Nhâm Thìn (1772) trong bài tứ lục cũng có những chữ ấy. Ông Nguyễn Bá Dương đã từng trích những câu ấy ra cáo với chúa Trịnh, song chúa không hỏi đến. Phải biết rằng cái thói làm văn dùng chữ, các nhà danh gia vẫn bắt chước nhau, không nên vì thế mà sinh nghi.

Kỳ thi Hội năm Ất Mùi (1775), La Khê - Nguyễn Duy Nghi sung làm khảo quan nội trường, mà Bái Ân - Nguyễn Quốc Ngạn vốn là học trò ông trước. Bái Ân Nguyễn công khi nhỏ cũng có thụ nghiệp với Minh Tảo - Nguyễn Huy Vượng (6). Gần đến kỳ thi, Minh Tảo Nguyễn công có đến thăm Bái Ân Nguyễn công (7), mật hỏi những điều sư truyền tâm ấn (8), nghĩa là dò xem quan thầy làm chủ khảo có bảo gì không. Bái Ân Nguyễn công hết sức biện bạch là không có. Minh Tảo Nguyễn công tức mình ra cửa than rằng: "Danh lợi nó làm say đắm lòng người tệ lắm thay! Chỗ thầy trò mà cũng không thể lấy tình cảm động được, huống chi là người khác". Bái Ân Nguyễn công nghe tiếng, mới mời Minh Tảo Nguyễn công lưu lại nghỉ chơi. Khoa ấy, hai ông đều đỗ cả. Sau ông Nguyễn Bá Dương có dâng sớ khải lên đàn hặc (9) việc ấy. La Khê Nguyễn công cũng chỉ trích bảy quyển văn sách (10) khoa ấy có chỗ đáng ngờ, song đều không hỏi đến cả. Những chuyện ấy đều là nghe lỏm được thôi, nhưng cũng đủ biết thế đạo một ngày một kém.
_______

(1) Khởi gia là vừa mới được lên hàng giàu sang.

(2) Tội đồ là tội đi đày.

(3) Tội giảo là tội bị xử treo cổ.

(4) Bản dịch viết là “Nhật tinh vi ký”.

(5) Tức Phan Lê Phiên (1734 – 1809), đỗ tiến sĩ năm 1757, làm quan đến Binh bộ Thượng thư, tri Quốc tử giám.

(6) Bản dịch viết Nguyễn Huy Vượng, người Minh Tảo.

(7) Bản dịch viết là Bái ấn Nguyễn công.

(8) Sư truyền tâm ấn là những điều thấy đã truyền cho in vào lòng.

(9) Đàn hặc là chỉ trích, bắt bẻ.

(10) Xét khoa Ất Mùi (1775) có đến 16 quyển văn sách, trong đó có câu “trích chu bách độ” là câu dặn để làm dấu, chứ không phải chỉ bảy quyển mà thôi.

Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top