Chương 30: MẸO LỪA
Khoa thi hội năm Nhâm Thìn (1772) đời Cảnh Hưng, kỳ tứ trường đã vào thi xong.
Khi ấy, có một mụ già vào chơi một nhà giàu ở phố Hàng Chiếu, Đông Hà. Nhân nói chuyện đến khoa thi hội năm nay, mụ nói có quen một ông được vào trúng cách, nay mai sắp sửa là một quan tiến sĩ tân khoa. Chủ nhân mới hỏi quan tân khoa chừng bao nhiêu tuổi, quê quán ở đâu. Mụ nói ra rõ cả, và cho biết quan tân khoa, nhà vốn nghèo, chưa có vợ, đến khi đình thí, truyền lô xong, không biết vinh qui thì quan tân khoa thu xếp ra sao?
Chủ nhân có ý hâm mộ, nói với mụ rằng: "Tôi có một đứa con gái kể cũng không đến nỗi quê mùa; mụ có thể làm mối cho thành lứa đôi, thì bao nhiêu tiền phí tổn lúc vinh qui, quan tân khoa không phải lo gì cả". Mụ làm ra bộ khó khăn, đi lại đến ba bốn lần, cuối cùng mới mời quân tân khoa đến chơi nhà phú hộ ấy xem mặt người con gái.
Chủ nhân liền mời quan tân khoa nghỉ lại một đêm, và cho con gái ra yết kiến. Mụ mối xui giục chủ nhân cho cô ta tiếp quan tân khoa cùng ngủ, đính ước sau khi yết bảng đỗ rồi thì làm lễ thành hôn. Sáng hôm sau, quan tân khoa xin cáo từ, chủ nhân tặng cho rất hậu.
Từ đấy, chủ nhân chỉ trang sức cho con gái, đợi ngày nghênh hôn. Kịp đến khi truyền lô tứ yến (1) xong rồi, thì mất tăm chẳng thấy mụ già đến nữa. Chủ nhân liền sai người nhà đi dò hỏi các quan tân khoa tiến sĩ; không có người nào như anh chàng ngủ đêm hôm trước.
Lúc ấy mới biết mình bị lừa, hối hận không được nữa. Chuyện ấy huyên truyền khắp cả kinh thành, ai nghe cũng buồn cười. Ôi! Mẹo lừa ấy cũng tai quái thật! Nhưng kẻ nhà giàu kia không hâm mộ quan tân khoa, muốn cho con mình được làm bà quan, cầu lấy cái phúc mà mình chẳng hề có, thì dẫu mẹo tai quái đến đâu cũng không thể lừa được.
_______
(1) Truyền lô là gọi loa xướng tên những người đỗ (thi Hương gọi là xướng danh, còn thi Hội gọi là truyền lô). Tứ yến, theo lệ, thi đỗ tiến sĩ thì được nhà vua ban yến.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top