Chương IV: TRÀ HỮU
Đã có được trà ngon, vấn đề quan trọng nhất là phải có được nước tốt để pha trà. Từ xưa đến nay, từ Đông sang Tây, tất cả trà nhân bốn biển đều đồng ý "nước" là vấn đề căn bản nhất sau trà. Cổ nhân vẫn gọi nước là "trà hữu", là người bạn thân thiết của trà là vì lẽ đó.
Lục Vũ khẳng định một câu nói, đã trở thành khuôn vàng thước ngọc cho trà nhân cả ngàn năm nay: "Nước suối núi hạng nhất, nhì đến nước sông và ba đến nước giếng" (sơn thủy thượng, giang thủy trung, tĩnh thủy hạ). Nhiều nhà ẩn dật, vứt bỏ phồn hoa đô hội, xa lánh tất cả những thú vui vật chất của tục nhân nhưng vẫn "dựng lều bên suối" để sẵn nước pha trà. Thi hào Ức Trai, người đã hoàn thành công nghiệp hiển hách giúp Lê Lợi đánh đuổi ngoại xâm, mang thanh bình và tự chủ lại cho dân tộc, cũng chỉ ao ước về núi Côn Sơn, dựng lều tranh dưới núi mây, múc nước suối pha trà rồi gối đầu trên đá ngủ:
Hà thời kết ốc vân phong hạ
Cấp thủy phanh trà trẩm thạch miên
Như chúng ta đã thấy, Trà Kinh cũng nói rằng lấy nước suối không phải bạ đâu lấy đó. Nước từ thác cao đổ xuống không được, nước suối ở khúc suối chảy lờ đờ qua đất cát cũng không được. Nước suối tốt nhất phải lấy ở khúc suối chảy trên sỏi, chảy vào hồ đá. Nước sông phải là sông ngày xưa, thời chưa bị nhiễm độc như ngày nay, đương nhiên cũng phải lấy ở thượng nguồn, lấy giữa dòng sông, nơi sông không chảy xiết như sắp đến đập đến thác, nơi sông phải xa nơi người ở... Về nước giếng, thì những giếng thượng hạng thường là giếng của chùa, chùa ở trên núi hoặc ít nhất cũng là ở xa nơi đô hội phồn tạp...
Cũng ở đời Đường, Trương Hựu Tân trong Tiễn Trà Thủy Ký (sách viết về nước để pha trà) còn liệt kê hẳn 20 nguồn nước đệ nhất thiên hạ:
1. Thứ nhất là nước động Thủy Liêm ở Khang Vương Cốc trên núi Lô Sơn.
2. Thứ đến là suối Thạch Tuyền, chùa Huệ Sơn ở huyện Vô Tích.
3. Thạch Tuyền Lan Khê ở Kỳ Châu, hạng ba.
4. Độc Tình Lãnh, trên núi Phủ Tử Sơn ở Hạp Châu, hạng tư.
5. Thạch Tuyền ở Hổ Khâu Tự, Tô Châu, hạng năm.
6. Nước đầm Phương Kiền, Quải Hiền Tự, Lô Sơn.
7. Nam Linh thuộc Dương Tử Giang.
8. Suối Tây Sơn, Hồng Châu.
9. Hoài Thủy, huyện Bách Nham, Đường Châu.
10. Nước trên đỉnh Long Trì Sơn, Lô Châu.
11. Nước chùa Quan Âm, huyện Đan Dương.
12. Nước chùa Đại Minh, Dương Châu.
13. Thượng nguồn Hán Giang.
14. Nước Hương Khê trong động Ngọc Hư Động, Quý Châu.
15. Nước Tây Lạc, Vũ Quan, Thương Châu.
16. Nước Ngô Tùng Giang.
17. Nước ở thác cao ngàn trượng ở Tây Nam Lãnh, Thiên Đài Sơn.
18. Suối Viên Tuyền, Liễu Châu.
19. Hán Thủy, huyện Nghiêm Lăng, Đồng Lô.
20. Tuyết Thủy (chứa tuyết lấy nước).
Biển dâu thay đổi nhãn tiền, kể từ Trương Hựu Tân đến nay hơn một ngàn năm đã qua. Suối rừng trăm lần thay lá đổi dòng. Nhưng nào ai thắc mắc đến chi tiết, huống hồ gì ai bảo đảm Trương tiên sinh đã đi hết ngàn núi trăm sông để thử trà, thử nước. Nhà đại văn hào Âu Dương Tu, đời Tống cũng đã có lời bàn về 20 nguồn nước này của Trương Hựu Tân. Sách Đại Minh Thủy Ký đời sau mặc dù không phủ nhận Trương Hựu Tân là một đại cao thủ trong trà giới nhưng cũng nói thẳng "... Dục cử thiên hạ chi thủy, nhất nhị thứ đệ chi giả. Vọng thuyết dã."
Tuy chưa hẳn 20 nguồn nước này là đệ nhất thiên hạ, nhưng trong văn chương sử sách, ta sẽ thấy rằng những danh tuyền, linh thủy nêu trên đã được nhắc đến rất nhiều. Ít nhất trong thời Đường Tống, tất cả những nguồn nước trên đều nổi tiếng. Cho đến ngày nay, Thạch Tuyền ở chùa Huệ Sơn, huyện Vô Tích, ở chùa Hổ Khâu, huyện Tô Châu vẫn còn được coi là loại nước pha trà danh tiếng thượng hạng.
Trong danh sách trên có nhắc đến nước dòng Nam Linh Phụ Chi của Dương Tử Giang, làm chúng ta nhớ lại một kỳ tích về Trà Thần Lục Vũ. Nguyên thời đó, Lý Quý Khanh được cử đi làm Thích Sử (Thứ Sử) Hồ Châu, đi ngược Dương Tử Giang lên đáo nhậm Hồ Châu. Đến nửa đường, đoàn thuyền Thứ Sử Hồ Châu đang đậu ở sông chợt gặp Lục Vũ. Lục Vũ lúc này đã vang danh là thần trà, tuy không chịu làm quan, sống ung dung tiêu dao ngoài vùng quan quyền danh lợi, nhưng rất được mọi người từ Hòa thượng, ẩn sĩ đến vua quan kính trọng. Đặc biệt, ông lại là "trà hữu" của hoàng đế đương thời (Đường Túc Tông). Lý Quý Khanh ân cần mời Lục Vũ ở chơi với mình và vội vã sai thuộc hạ mang thuyền đi ngay đến Nam Linh lấy cho được nước mang về pha trà đãi Lục Vũ.
Nước mang về, Lục Vũ lấy bát múc nước thử, ông nói ngay: "Nước này đúng thật nước sông, nhưng không phải là nước Nam Linh." Viên thuộc quan lấy nước vội thưa liền: "Chính tôi múc nước này ở Nam Linh, có mặt cả trăm người chứng kiến, làm sao sai được?" Lục Vũ không tranh biện, tự tay lấy một cái môi dài thọc vào chum nước, môi đến khoảng độ nửa chum, ông chợt hiểu ra vội nói liền: "Phía dưới quả thật là nước Nam Linh." Mọi người ai nấy đều ngạc nhiên, không ai biết ra sao. Lúc này viên quan lấy nước mới thú nhận, ông ta quả thật có đến tận Nam Linh lấy nước, lúc quay về, chum nước nghiêng đi đổ ra mất một ít. Phần sợ, phần tự nghĩ nước sông chỗ nào cũng giống nhau, ông tự múc thêm đổ cho đầy rồi mang về. Lúc bấy giờ mọi người mới vỡ lẽ và từ đó danh tiếng Lục Vũ càng chấn động thiên hạ.
***
Ngày xưa, để có được nước tốt pha trà, trà nhân đã phải kỳ công chuyên chở, kèo nài để có cho được nước suối, nước giếng tốt. Không thiếu những trà nhân lang thang tận rừng sâu, leo tận núi cao để tìm cho được nước ngon. Khi một dòng suối, một giếng lành được phát hiện là cả một biến cố trong giới trà sĩ.
Có hàng vạn trà sự liên quan đến các suối, các giếng danh tiếng này. Tuy nhiên vẫn có những nguồn nước địa phương ít người biết đến. Như chuyện Trương học sĩ, một trà thủ danh tiếng vẫn cầu kỳ tốn tiền chuyển nước ở một danh tuyền xa xôi mang về. Đến khi quen với một Hòa thượng cùng huyện, Trương học sĩ rất hãnh diện về nước trà của mình, và thiết trà cho vị Hòa thượng, cũng là một trà nhân cao thủ không lộ danh. Khi uống xong, vị Hòa thượng này nói ngay: "Gần chùa tôi có suối, tôi vẫn pha trà bằng nước suối này. Không hiểu tại sao nước suối này và nước của ông thật giống nhau." Trương học sĩ không tin, mang trà nước lại chùa. Pha trà bằng nhiều loại nước khác nhau, trong đó có loại nước suối nhà chùa và nước suối danh tiếng của mình. Quả thực, uống thử cả mấy chục loại nước, nhưng Hòa thượng nhận ra ngay hai loại nước đó. Trương học sĩ không những kính trọng vị Hòa thượng đó thập phần mà từ đó về sau đỡ tốn công của mang nước từ xa về để uống trà.
Ngày xưa, vận chuyển khó khăn, nước lại phải chứa trong chum sành nặng nề. Bình thường chỉ có giới đại quý tộc mới theo đuổi được cái thú này. Phần lớn đều cố tìm cho được nước ngon ở địa phương. Tuy nhiên nếu có dịp du hành, không ai là không nhân dịp đó để đến được tận những nguồn nước danh tiếng cổ kim, tiếng tăm vang dội.
Về các tổ thư danh tiếng bàn về nước pha trà, ngoài Tiễn Trà Thủy Ký của Trương Hựu Tân đời nhà Đường, ta còn Thập Lục Dịch Phẩm của Tô Dị cũng vào thời nhà Đường, còn truyền đến tận ngày nay. Đến thời nhà Tống, gần như tất cả các đại bút đương thời đều bình luận về trà, và có thể nói bất cứ nhà văn học nào, dù là tể tướng Vương An Thạch, thi hào Tô Đông Pha hoặc học giả như Âu Dương Tu, hay vua chúa như Tống Huy Tông... đều có thơ văn nói về nghệ thuật thưởng trà. Hiện nay, ngoài tác phẩm Đại Quan Trà Luận của vua Tống Huy Tông, ta còn thấy hàng ngàn bài tuyệt bút của các thi hào suốt thời này để lại đến ngày nay. Riêng phần bình luận về nước pha trà thì đến đời nhà Minh lại thấy danh phẩm Chử Tuyền Tiểu Phẩm (Quyển sách nhỏ viết về nước suối pha trà) của Điền Tử Nghệ, còn lưu truyền đến ngày nay. Ngoài ra, Đại Minh Thủy Ký cũng là quyển quan trọng bàn về nước pha trà, vang tiếng một thời.
***
Cổ nhân lại còn phân biệt "thiên thủy, địa thủy". Thiên thủy là tuyết và nước mưa; địa thủy là nước suối, nước giếng và nước sông. Thứ nước tuyết là chứa tuyết vào lu, đợi cho tan thành nước, chỉ dùng khi nước đã bớt lạnh. Thứ tuyết thủy này Trương Hựu Tân cũng đã xếp vào hạng cuối trong 20 tuyệt phẩm. Độc giả đọc Hồng Lâu Mộng chắc còn nhớ chàng Bảo Ngọc được sư nữ mời uống trà chén ngọc pha bằng nước tuyết. Độc giả cầu kỳ ở miền có tuyết hãy thử xem cho biết.
Riêng có loại tuyết băng vừa tan thành nước ở suối đá không thấy cổ nhân bàn đến mà chúng tôi tự cho là tuyệt phẩm. Ở Hoa Kỳ, tôi thường đi chơi một mình, nhất là vào đầu mùa Xuân ở các Lâm viên Quốc gia, đại loại như Yosemite, thời gian này là mùa đẹp nhất, lại không có du khách (Mùa hè khách đến các Lâm viên còn đông hơn đi hội chợ). Mùa này tuyết vẫn còn và bắt đầu tan. Lái xe vào rừng, rồi tìm chỗ đậu, đi bộ theo suối khoảng 1, 2 giờ thôi là đã bỏ "thế sự" được ra đằng sau. Vào đến nguồn suối vắng, mắc võng ngủ theo lối nhà binh là tiện nhất (tôi ghét loại lều trại, vừa nặng nề, vừa có vẻ "tư bản", "comfortable" quá). Tỉnh dậy, múc nước suối pha trà. Trời lành lạnh, ngồi sưởi nắng trên bàn đá, mắt nhìn suối rừng mây trời, tai nghe thông reo chim hót, uống chén trà nước suối tuyết... thật đúng như lời Trà Ca của Lô Đồng, nước trà đến đâu, ruột gan dường như được tẩy sạch đến đó... lâng lâng nhẹ nhàng phơi phới. Cảm giác tuyệt vời, bất khả phân nghị... duy chỉ mình biết với mình.
Các bạn không đi được một mình, đi cắm trại đông người cũng nhớ mang trà, mang ấm đi thử uống trà pha suối tuyết. Thường thường, ở đây tôi chỉ thấy người ta đi cắm trại ồn ào, nào radio, nào cassette, lều lớn lều nhỏ, đồ ăn đồ uống quá dư thừa. Nhìn những đống rác ở rừng núi trong sạch, tôi chỉ thấy các lon cô-ca, rượu bia, xương thịt... nhiều khi muốn khóc.
Vì sinh kế, tôi không có dịp sống lâu ở rừng núi Hoa Kỳ hàng tháng như ở Việt Nam, nên không thể có khả năng "chấm điểm" hay giới thiệu các suối thác ở Hoa Kỳ. Một số kinh nghiệm nhỏ sẽ được chia sẻ trong phần "Cẩm nang", ở phần này, ngoài kinh nghiệm suối tuyết, tôi cố tìm hiểu thêm nhưng không tìm thấy cao thủ về trà còn sống sót ở đây để tham kiến. Có nhiều vị uống trà lại quá khích cho rằng nước suối ở Hoa Kỳ cũng bị nhiễm độc hết tất cả, nước mưa hay nước tuyết thì cũng đầy axit cả. Sự thật nhận định này cũng đúng một phần, tuy nhiên vấn đề ở đây không phải là đi tìm cái tuyệt đối.
Ngày trước, đại đa số các cụ đều sống trong làng, giữa lũy tre xanh. Nếu có dịp sống ở núi rừng thì các cụ cũng thích nước suối, nhưng chưa thấy các cụ liệt kê các loại danh tuyền ở Việt Nam. Đó cũng là cái triết lí chiết trung an nhiên đặc biệt của Việt Nam, các cụ chuyên tìm cái tuyệt đối trong tương đối và thường không bị các loại duy chủ nghĩa trói buộc.
Nếu thuộc loại gia thế "nhà ngói cây mít" thì các cụ chỉ đợi vài cơn mưa lớn tẩy sạch đất cát ở mái ngói là đã có được nước mưa vừa để uống vừa để pha trà cả năm. Nhà nào là nhà ngói thường cũng có bồn, vại chứa nước mưa để dùng trong gia đình.
Nhà nghèo, hoặc không nghèo nhưng muốn có nước mưa "tốt hơn" thì chỉ cần buộc cái tàu cau, máng tre vào thân cây cau là đã có nước mưa để dùng. Nước mưa đổ vào tàu lá theo thân cây cau chảy xuống, theo máng chảy vào lu, vào vại kê liền dưới gốc cau.
Các cụ cũng thích nước giếng, nhưng chê giếng làng thường vừa đông người lấy nước vừa ở chỗ thấp. Các cụ thích nước giếng chùa, thường ít người và hay ở trên đồi cao. Lẽ dĩ nhiên nước giếng chùa ở các mạch ngầm dưới đất đá thuộc về "thượng lưu", nước lẽ dĩ nhiên là không nhiều bằng giếng làng, giếng tư nhân, nhưng sẽ trong hơn, sạch hơn. Các cụ thường không bao giờ dùng nước ao, hồ để pha trà. Ngay cả những vùng thiếu nước mưa, thiếu nước giếng, kẹt lắm các cụ mới dùng nước sông. Nước sông gánh về thường đổ vào lu, vại lớn, đánh qua bằng phèn chua cho phù sa lẫn trong nước đọng lại dưới đáy. Và thường sau vài ngày khi nước trong và bay đi những mùi tạp mới dùng.
Chúng ta lại có dịp nghe kể về chuyện có vị đi lấy sương đọng trên lá sen về làm nước pha trà. Chuyện này có thể xảy ra nhưng chắc chỉ có một lần duy nhất để thỏa mãn lòng yêu trà và thí nghiệm. Đến đây, tôi không phiền hà gì về việc vị tiền bối phải tốn hai ba tiếng mới lấy đủ nước pha trà và mất đi thời điểm uống trà được cổ nhân tán thưởng nhất, đó là lúc hừng đông, nhưng lại nhớ đến bài cổ thi tuyệt vời của Bạch Cư Dị vẽ cảnh hái sen của cô bé con.
Bạch Cư Dị, mà người Việt thường biết đến qua bài Tỳ Bà Hành, có một bài thơ nhỏ danh tiếng là bài Trì Thượng (Trên ao), tả một cô bé con đi hái trộm sen trắng, đã hái trộm lại tham hái nhiều mà chẳng biết che giấu, trên ao bèo còn rõ một đường chia mặt bèo. Bài thơ rất đơn giản, chỉ có 20 chữ giản dị nhưng không ai đọc là không nhớ lại một thời thơ ngây, đuổi bướm hái hoa. Nguyễn Du trong toàn bộ thi tập để lại, tôi cũng chỉ tìm thấy duy nhất một bài Mộng đắc thái liên (Mộng được đi hái sen) là nhắc lại thời thơ ấu của ông, một kỷ niệm hái sen Hồ Tây với cô bạn nhỏ hàng xóm. (Lúc này ông độ 12 tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ, phải ra Thăng Long ở với người anh cùng cha khác mẹ, tuổi lớn hơn ông rất nhiều là thượng thư Nguyễn Khản). Tôi dịch cả hai bài ra đây. Bài thứ nhất Tản Đà đã dịch ra lục bát. Phải nói Tản Đà dịch Đường Thi là bậc thầy trong thiên hạ, nhưng riêng bài Trì thượng, ông đã lầm khi biến một bé xinh 9, 10 tuổi thành cô gái đương thì.
TRÌ THƯỢNG
Tiểu oa sanh tiểu đĩnh.
Thâu thái bạch liên hồi,
Bất giải tàng tung tích,
Phù bình nhất đạo khai.
(Bạch Cư Dị)
TRÊN AO
Bé xinh bơi thuyền nhỏ,
Hái trộm sen trắng về,
Thơ ngây không biết giấu,
Mặt bèo một đường đi.
(Vũ Thế Ngọc dịch)
Người xinh bơi chiếc thuyền xinh,
Bông sen trắng nõn trắng tinh hái về,
Hớ hênh dấu vết không che,
Trên ao để một luồng chia mặt bèo...
(Tản Đà dịch)
MỘNG ĐẮC THÁI LIÊN
I.
Khẩn thúc giáp điệp quần,
Thái liên trạo tiểu đỉnh,
Hồ thủy hà xung dung,
Thủy trung hữu nhân ảnh.
II.
Thái thái Tây Hồ liên,
Hoa thực câu thượng thuyền
Hoa dĩ tặng sở úy,
Thực dĩ tặng sở liên.
III.
Kim thần khứ thái liên,
Nãi ước đông lân nữ,
Bất tri lại bất tri,
Cách hoa văn tiếu ngữ.
IV.
Cọng tri liên liên hoa,
Thùy giả liên liên cán.
Kỳ trung hữu chân ty,
Khiên liên bất khả đoạn.
V.
Liên điệp hà thanh thanh,
Liên hoa kiều doanh doanh,
Thái chi vật thương ngẫu,
Minh niên bất phục sinh.
(Nguyễn Du)
MỘNG ĐƯỢC ĐI HÁI SEN
1.
Xắn chặt quần cánh bướm
Chèo thuyền nhỏ hái sen,
Hồ long lanh sóng lặng,
Mặt nước bóng người in.
2.
Hái, hái sen Hồ Tây
Đầy khoang hoa và gương.
Gương tặng người ta sợ
Hoa tặng người ta thương.
3.
Sáng sớm đi hái sen
Đã hẹn cô bé tí
Đến rồi nào có hay
Cách hoa vang tiếng cười
4.
Cùng biết yêu hoa sen
Cọng sen mấy người thương?
Trong cọng tơ lòng chặt
Sen lìa tơ còn vương.
5.
Lá sen xanh biêng biếc
Hoa sen đẹp xinh xinh.
Có hái đừng chạm ngó
Năm tới chẳng lai sinh.
Rồi ta dừng lại bên cầu, nhìn dòng sông chảy đi biết bao mộng đời dĩ vãng. Bao nhiêu những chuyến ra đi? Bao nhiêu chén trà đã uống. Đó là nước sông Cửu Long, sông La Ngà hay Hồng Hà? Là nước giếng nhà hay nước giếng chùa Phổ Sơn? Là suối Đa Mê hay một dòng suối đá không tên giữa rừng già Trường Sơn?
Những chén trà nào đã uống trong những bình minh giữa ngõ hẹp tồi tàn Sài Gòn với cha với mẹ, trong ánh sáng mờ mờ với hơi sương nhàn nhạt. Những chén trà nào đã uống với anh với chị với em giữa Mai Thôn lồng lộng gió sông dài của những năm cuối cùng còn ở lại quê hương. Những chén trà nào đã uống với bằng hữu cuối ngõ chùa cô tịch cùng mảnh trăng tàn úa rã rời. Những Blao rừng trà bạt ngàn tình ái. Những Đà Lạt thời thiếu niên mơ mộng. Những rừng già Trường Sơn ghê rợn, huyền bí. Những chén trà thơm ngọt giữa bờ biển tinh sương của Đại Lãnh, Nha Trang sau những đêm say mướt nôn mửa rượu thuốc thịt da.
Cuộc đời vẫn buồn tênh, bạn bè thân nhân tan nát rã rời, bay đi như những mù sương... và ta còn ngồi lại, đêm nay, với chén trà quen thuộc và mảnh trăng non ngày cũ chập chùng trong trí nhớ hoang vu. Và ta chợt thấy tấm lòng tố bạch của cổ nhân, ta hiểu tại sao tất cả công danh sự nghiệp và cả người thân đều cũng phải chia xa. Chỉ còn lại chén trà nồng nàn, thầm lặng ở lại bên ta chứng kiến những đổi thay, thành bại, mất còn.
Bạn đang đọc truyện trên: AzTruyen.Top